Editor-in-Chief: Chủ Biên LS Trịnh Quốc Thiên- trinhquocthien@gmail.com Trụ sở: 1701 Pennsylvania Avenue, NW Washington, D.C. 20006, VPU-200. Giấy phép hành nghề luật sư LBHK: 20-2372174-47351-73981 Tài khoản Bảo Hiểm Loyld Hành Nghề Luật Sư tại Mỹ: AZP-425633
Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023
Ông Lê Xuân Khoa thua 3/4 vụ kiện, phải bồi thường lên đến 86,500 Mỹ kim / Có triển vọng phải bồi thường thêm 100,000 Mỹ kim và bị kiện ngược
Ông Lê Xuân Khoa thua 3/4 vụ kiện, phải bồi thường lên đến 86,500 Mỹ kim
Có triển vọng phải bồi thường thêm 100,000 Mỹ kim và bị kiện ngược
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 4 tháng 9, 2023
https://machsongmedia.org
Cách đây một năm, ngày 16 tháng 9, 2022, toà án thượng thẩm của California ở Orange County phán quyết Ông Lê Xuân Khoa thua 3/4 căn cứ khi kiện BPSOS và cá nhân tôi. Chiếu theo luật, ông ta phải bồi thường tổng cộng từ 46,000 đến 86,500 Mỹ kim. Chúng tôi tin tưởng sẽ thắng nốt phần còn lại và sẽ đòi bồi thường thêm 50,000 – 100,000 Mỹ kim.
Hình 1 – Trích văn bản yêu cầu quan toà phán quyết khoản tiền Ông Khoa phải bồi thường
Lịch sử của vụ kiện
Ngày 27 tháng 4 và rồi ngày 22 tháng 5, 2020, Ông Khoa đã viết liên tiếp 2 bài vu khống BPSOS và cá nhân tôi là:
(1) Chống lại chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees, Cơ Hội Tái Định Cư Cho Người Việt Hồi Hương);
(2) Rồi nhận vơ công cán của Ông Khoa, mới thực sự là người vận động cho chương trình này.
Chẳng đặng đừng, ngày 25 tháng 5, 2020 tôi phải lên tiếng qua bài viết tựa đề “Những điều ít ai biết về chương trình ROVR: Một số việc làm của Ông Lê Xuân Khoa” để nói lên sự thật: Ông Khoa đã mẫn cán tìm mọi cách phá nỗ lực của DB Smith khi vị dân biểu Hoa Kỳ này đưa ra điều luật để chặn cưỡng bức hồi hương và mở cơ hội cho các thuyền nhân được cứu xét tư cách tị nạn một cách công bằng và tái định cư ở Hoa Kỳ. Chính nỗ lực này của DB Smith đã dẫn đến chương trình ROVR.
Điều luật của Dân Biểu Smith
Ngày 3 tháng 5, 1995 DB Smith đưa vào Luật Chuẩn Chi Ngân Sách cho Bộ Ngoại Giao năm 1996-1997 (HR 1561) điều luật 1104 với 3 điểm mấu chốt: (1) cấm Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (CUTN/LHQ) dùng tiền thuế của người dân Mỹ để tài trợ cưỡng bức hồi hương thuyền nhân; (2) chính phủ Hoa Kỳ tái phỏng vấn mọi thuyền nhân còn ở các trại theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ; (3) cấp ngân khoản để tái định cư vào Hoa Kỳ các thuyền nhân được xét là tị nạn.
Điều luật này của DB Smith được mệnh danh là điều luật “chống CPA” vì nó xoá sổ chương trình CPA, viết tắt của Comprehensive Plan of Action, tiếng Việt là Chương Trình Hành Động Toàn Diện. Theo CPA, thuyền nhân Việt Nam đến sau ngày đóng cửa trại tị nạn (tháng 9 năm 1998 ở Hồng Kong và rồi tháng 3 năm 1999 ở các quốc gia Đông Nam Á) phải qua cuộc thanh lọc tư cách tị nạn do nhân viên di trú của quốc gia sở tại thực hiện. Vì nhiều lý do, rất nhiều thuyền nhân đã bị từ chối tư cách tị nạn một cách oan ức và phải đối mặt với chính sách cưỡng bức hồi hương mà chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và CUTN/LHQ lúc ấy ủng hộ.
Tác dụng của điều luật 1104 là chặn đứng cưỡng bức hồi hương vì các quốc gia sở tại không có ngân sách nên trông chờ vào quỹ của CUTN/LHQ để thực hiện. Trong khi đó, phần lớn quỹ hoạt động của CUTN/LHQ lại do Hoa Kỳ đóng góp hàng năm. Đóng góp bao nhiêu, cho việc gì lại do Hạ Viện Hoa Kỳ quyết định. DB Smith lúc ấy là chủ tịch tiểu ban nắm quyền quyết định khoản tiền Hoa Kỳ viện trợ cho CUTN/LHQ.
Hình 2 – DB Christopher Smith (phải) tại một buổi điều trần về thuyền nhân Việt Nam trước nguy cơ cưỡng bức hồi hương
Đơn kiện của Ông Khoa
Ngày 11 tháng 5, 2021, Ông Khoa nộp đơn vào toà thượng thẩm của California ở Orange County để kiện BPSOS và tôi về: phỉ báng và bất cẩn gây khủng hoảng tâm lý cho ông ta. Căn cứ cho cáo buộc này là 2 nội dung mà ông ta gán cho tôi là đã viết trong bài viết ngày 25 tháng 5, 2020 kể trên:
Nội dung (1): “Ông Khoa khai gian mình là Tiến Sĩ trong đơn xin cấp khoản của Bộ Ngoại Giao. Đấy là tội hình sự.”
Nội dung (2): “Ông Khoa ủng hộ chính quyền Cộng Sản Việt Nam”, và “ông Khoa là ‘thành phần nguy hiểm nhất’ đã chống lại các Dân Biểu Hoa Kỳ lúc ấy đang hỗ trợ cho các người Việt đang xin tị nạn.”
Tóm lại, đơn kiện gồm 4 phần:
(a) Phỉ báng vì nội dung (1)
(b) Bất cẩn gây khủng hoảng tâm lý vì nội dung (1),
(c) Phỉ báng vì nội dung (2)
(d) Bất cẩn gây khủng hoảng tâm lý vì nội dung (2).
Mãi 9 tháng sau, ngày 11 tháng 2, 2022, Ông Khoa mới tống đạt trát toà về vụ kiện đến cho BPSOS và tôi tại văn phòng trung ương của BPSOS ở Bắc Virginia.
Ngày 28 tháng 3, 2022, chúng tôi yêu cầu toà huỷ đơn kiện chiếu theo luật anti-SLAPP của tiểu bang California.
Luật anti-SLAPP
SLAPP là viết tắt của “strategic lawsuits against public participation”, nôm na là kiện tụng nhằm bịt miệng người khác. Luật anti-SLAPP có mục đích bài trừ sự lạm dụng thủ tục kiện tụng để chặn không cho ai công khai nói ngược lại mình. Theo luật này, nếu người bị kiện trưng ra được chứng cứ làm căn cư cho điều phát biểu thì người đi kiện phải chứng minh căn cứ ngược lại, bằng không thì đơn kiện bị huỷ và phải bồi thường bị đơn mọi chi phí liên quan đến vụ kiện, kể cả phí luật sư. Hơn nữa, bị đơn có quyền kiện ngược, gọi là SLAPPBack, để đòi bồi thường thiệt hại vì nguyên đơn đã kiện tụng có ác ý nhằm bịt miệng và gây tổn hại cho bị đơn.
Thua 3/4 vụ kiện
Ngày 16 tháng 9, 2022, quan toà Stephanie George phán quyết là Ông Khoa không trưng dẫn được căn cứ cho nội dung (2) của đơn kiện, nghĩa là phần (c) và (d) của đơn kiện bị huỷ.
Chúng tôi đã chứng minh cho quan toà thấy rằng Ông Khoa đã bịa đặt vụ “ủng hộ chính quyền Cộng Sản Việt Nam” vì toàn bộ bài viết của tôi không hề nhắc đến 2 chữ “cộng sản”.
Quan toà cũng thấy là Ông Khoa cắt xén nội dung bài viết của tôi mà nguyên thuỷ là: “Trong nhóm Consortium, Ông Khoa là thành phần nguy hiểm nhất vì là người Việt Nam. Bộ Ngoại Giao dưới Hành Pháp Clinton đã sử dụng lá bài này một cách tận tình để đối phó với Quốc Hội, lúc ấy đang ủng hộ chúng tôi.” Đoạn này nói về Bộ Ngoại Giao, chứ không phải về Ông Khoa -- Bộ Ngoại Giao đã dùng Ông Khoa làm lá bài nhằm đánh bại điều luật của DB Smitn.
Consortium là tổ hợp gồm 5 tổ chức, trong đó có Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á (SEARAC) là tổ chức của Ông Khoa, nhận tài trợ của Bộ Ngoại Giao để thực hiện chương trình tái hội nhập các thuyền nhân sau khi hồi hương. Bộ Ngoại Giao nhìn ra Ông Khoa là “yếu tố nguy hiểm nhất” trong Consortium để phản bác DB Smith: ngay cả một người Việt có tiếng là bảo vệ người tị nạn mà còn chống điều luật 1104.
Chứng cứ chúng tôi cung cấp cho toà án là bài viết ngày 24 tháng 5, 1995 ở trang đầu của Washington Post, tờ báo có ảnh hưởng hàng đầu ở vùng thủ đô, trung tâm quyền lực của Hoa Kỳ. Trong đó, Ông Khoa cùng với Trợ Lý Ngoại Trưởng về tị nạn Bà Phyllis Oakley luân phiên lên án điều luật 1104 của DB Smith. Ông Khoa được trích dẫn rằng nếu Quốc Hội thông qua điều luật của DB Smith thì sẽ tạo hy vọng hão cho thuyền nhân và kích động bạo lực trong các trại tạm dung, và kết luận: “Chọn lựa tốt nhất cho họ là quay về Việt Nam như là hơn 70,000 người đã làm, rồi nộp đơn xin xuất cảnh từ đó.” Xem toàn bộ bài báo Washington Post: https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/09/Exhibit-21-Washington-Post-05-24-1995.pdf.
Bài báo này cho thấy vai trò "lá bài" của Ông Khoa trong toan tính của Bộ Ngoại Giao lúc ấy.
Quan toà cũng bác bỏ phần (b) của đơn kiện vì Ông Khoa không trưng được chứng cứ là tôi đã bất cẩn gây khủng hoảng tâm lý cho ông ta. Nghĩa là cả 3 phần (b), (c) và (d) bị quan toà loại bỏ.
Khoản tiền bồi thường
Thua 3 trên 4 phần của vụ kiên, theo luật anti-SLAPP thì Ông Khoa phải trả 3/4 phí tổn của bị đơn trong khi chờ giải quyết phần còn lại. Ngày 15 tháng 11, 2022, luật sư của chúng tôi yêu cầu toà bắt Ông Khoa trả tối thiểu 41,653 Mỹ kim gồm phí luật sư cộng với 4,373 Mỹ kim là những chi phí khác. Tuy nhiên, nếu dùng giá biểu thị trường theo như luật California cho phép thì phí luật sư phải là 82,140 Mỹ kim, cộng với 4,373 Mỹ kim gồm những chi phí khác.
Lẽ ra quan toà phán quyết về khoản tiền bồi thương vào ngày 21 tháng 6, 2023, nhưng chúng tôi đã yêu cầu hoãn lại để lấy thêm tiền bồi thường, ước lượng khoảng 50,000 – 100,000 Mỹ kim, khi thắng luôn phần còn lại.
Phần 1/4 còn lại
Phần duy nhất chưa ngã ngũ liên quan đến nội dung “Ông Khoa khai gian mình là Tiến Sĩ
trong đơn xin cấp khoản của Bộ Ngoại Giao. Đấy là tội hình sự.”
Chúng tôi chỉ ra cho quan toà thấy rằng lần nữa Ông Khoa cắt xén nội dung. Nội dung nguyên thuỷ là: “DB Dornan gửi văn thư chính thức yêu cầu Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao điều tra Ông Khoa và SEARAC về hành vi khai gian lý lịch để xin cấp khoản liên bang: Ông Khoa khai gian mình là Tiến Sĩ trong đơn xin cấp khoản của Bộ Ngoại Giao. Đấy là tội hình sự.”
Về căn cứ, chúng tôi trưng dẫn lá thư ngày 30 tháng 4, 1996 của DB Dornan gửi Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao, yêu cầu điều tra “Việc Ông Khoa tự phong là ‘Ph.D.’ Tuy nhiên, gần đây ông ta đã thú nhận rằng ông ta không có bằng cấp đó. Việc khai sai về thành tích học vấn này có thể đã dẫn đến việc ông ta nhận được nhiều cấp khoản của Bộ Ngoại Giao so với những người nộp đơn xin cấp khoản khác.”
Hình 3 – Trích văn thư của DB Dornan gửi Tổng Thanh Tra Bộ Ngoại Giao
Quan toà chấp nhận căn cứ của chúng tôi. Theo luật anti-SLAPP, kế đến Ông Khoa phải trưng chứng cứ đủ triển vọng đánh bại căn cứ của chúng tôi.
Ông ta đã không trưng ra chứng cứ mà chỉ nộp bản tự khai, xác nhận rằng: “Tôi chưa bao giờ nộp đơn xin cấp khoản hoặc bất kỳ đơn nào mà ghi rằng tôi có bằng Ph.D. Đấy là tin đồn mà Ts. Nguyễn Đình Thắng đã lưu truyền trong những năm 1990, nhưng đó là sai sự thật và chưa bao giờ là sự thật.”
Hình 4 – Trích bản tự khai hữu thệ mà Ông Lê Xuân Khoa nộp thay cho chứng cứ
Quan toà phán quyết rằng lời tự khai ấy là chứng cứ. Ngày 3 tháng 4, 2023 chúng tôi kháng cáo phán quyết này vì theo luật định lời tự khai khơi khơi như vậy không có giá trị chứng cứ; quan toà đã diễn giải sai luật. Chúng tôi tin sẽ thắng kiện hoàn toàn nên muốn đòi bồi thường cho toàn bộ vụ kiện, ước lượng khoảng 96,000 – 186,500 Mỹ kim, thay vì chỉ là 46,000 đến 86,500 Mỹ kim.
Còn việc khai gian lý lịch với chính phủ Hoa Kỳ để hưởng lợi là tội hình chiếu theo luật (18 U.S.C. Section 1001, Making False Representations to a Governmental Agency) là hiển nhiên, không có gì để tranh luận.
Kẻ cướp la làng
Ông Khoa là người đã mẫn cán chống lại chương trình ROVR từ đầu cho đến cuối. Ngay khi DB Smith vừa đưa điều luật 1104 vào Hạ Viện, Ông Khoa đã xuất hiện trên báo Washington Post để bài bác nó. Kế đến, ông ta bồi thêm bài viết dài trên tờ The Bridge, ấn phẩm định kỳ của SEARAC, số mùa hè 1995, để giải thích tại sao phải đánh bại điều luật chống CPA này:
(1) Từ năm 1991 ông ta đã về Việt Nam nhiều chuyến và không thấy có sự kỳ thị hoặc đàn áp mang tính hệ thống nói chung nào ở quốc gia này.
(2) Các tổ chức quốc tế thăm viếng hoặc hoạt động ở Việt Nam không hề ghi nhận bất kỳ trường hợp đàn áp nào đối với thuyền nhân đã hồi hương.
(3) Có chăng thì chỉ cần cứu xét lại một số ít trường hợp thực sự bị oan uổng (trong một tài liệu khác Ông Khoa cho con số khoảng 200 – 300 người xứng đáng được tái xét).
(4) Từ năm 1993, tổ chức SEARAC đã nhận cấp khoản của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để giúp các thuyền nhân hồi hương tái hội nhập ở Việt Nam. Hãy tài trợ thêm cho công việc này.
Xem toàn bộ bài viết tại đây: https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/09/Exhibit-08-The-Bridge-Summer-1995.pdf
Nghĩa là, Ông Khoa phản bác các điểm căn bản của điều luật 1104 mà sau đó đã trở thành nguyên tắc của chương trình ROVR: (1) tuyệt đại đa số thuyền nhân bị mất quyền tị nạn một cách bất công dưới chương trình CPA cho nên Hoa Kỳ phải phỏng vấn lại toàn bộ và dùng tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ, (2) các thuyền nhân hồi hương được xét là tị nạn sẽ không thể an toàn ở Việt Nam nên phải tái định cư họ vào Hoa Kỳ, (3) ngân sách của Hoa Kỳ thay vì dùng để cưỡng bức hồi hương thuyền nhân thì hãy dùng để tái định cư họ.
Dù dùng lá bài "Lê Xuân Khoa", Bộ Ngoại Giao đã thất bại. Hạ Viện thông qua điều luật 1104 với tỉ số áp đảo. Không bỏ cuộc, ngày 10 tháng 7, 1995, các thành viên của Consortium lại vận động để giết nó ở Thượng Viện. Các đại diện Consortium ở Việt Nam, có Ông Nguyễn Hữu Thu đại diện SEARAC, đánh fax khẩn cho Thượng Nghị Sĩ Lautenberg, để yêu cầu xoá sổ điều luật 1104 với lập luận:
(1) Tái phỏng vấn thuyền nhân sẽ gây tốn kém cho chính phủ Hoa Kỳ hơn là tài trợ cho thuyền nhân hồi hương.
(2) 43,000 thuyền nhân còn ở các trại tạm dung đều đã bị khước từ tư cách tị nạn dưới sự giám sát của CUTN/LHQ thông qua một chương trình thanh lọc hết sức tốn kém. Tuy có một ít sai sót nhưng không vì thế mà gây nguy hại cho những thành quả tích cực của chương trình CPA.
I3) Những người hồi hương sau đó có thể đi Hoa Kỳ theo chương trình ODP nếu có quan hệ trước đây với chính phủ Hoa Kỳ.
Hình 5 – Trích bản fax của Consortium gửi TNS Lautenberg, kêu gọi giết điều luật 1104 của DB Smith tại Thượng Viện
Xem văn bản fax của các thành viên Consortium gửi TNS Lautenberg: https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/09/Exhibit-20-Consortiums-fax-to-Senator-Frank-Lautenberg-07-10-1995.pdf
Nhờ sự hậu thuẫn của các Thượng Nghị Sĩ Sam Brownback, Jesse Helms, và Joe Biden, điều luật 1104 được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua. Ông Khoa hoàn toàn thất bại trong nỗ lực giết từ trứng nước chương trình ROVR. Kết quả là hơn 18,000 thuyền nhân đã được đón nhận vào Hoa Kỳ sau khi hồi hương về Việt Nam.
Chứng cứ rành rành ra đó mà Ông Khoa không biết thẹn khi nhận chương trình ROVR là do ông ta đề ra.
Thói quen nói dối
Ông Khoa liên tục nói dối: quyết tâm giết điều luật 1104, xong lại nhận công khi chương trình ROVR được thực hiện; dựng chuyện là tôi vu khống ông ta ủng hộ chính quyền cộng sản dù bài viết của tôi không đả động đến “cộng sản”. Trong bài viết ngày 11 tháng 11, 2021, “Trả Lại Sự Thật Cho Lịch Sử - Thông tin chính xác về chương trình ROVR”, Ông Khoa còn tuyên bố ông ta mới là tác giả của chương trình ROVR còn DB Smith chỉ ké cẩm sau này. Xem: https://baotiengdan.com/2021/11/11/tra-lai-su-that-cho-lich-su/
Nhưng đáng kể nhất là lời nói dối ngay trong bản tự khai hữu thệ nộp vào toà án. Về khai gian bằng cấp tiến sĩ, Ông Khoa đổ thừa: “Đấy là tin đồn mà Ts. Nguyễn Đình Thắng đã lưu truyền trong những năm 1990, nhưng đó là sai sự thật và chưa bao giờ là sự thật.”
Đây mới thật sự là sự thật.
Tháng 2 năm 1995, SEARAC nộp đơn xin cấp khoản của Văn Phòng Định Cư Tị Nạn (ORR). Đầu tháng 3, bà Mai Công, Giám Đốc Điều Hành kiêm Chủ Tịch tổ chức Vietnamese Community of Orange County (VNCOC), khám phá thấy Ông Khoa đã dùng tên của mình và của tổ chức VNCOC mà không xin phép trong văn thư ủng hộ đính kèm đơn xin cấp khoản. Bà Mai Công yêu cầu vị dân cử đại diện, là DB Dornan, điều tra.
Ngày 6 tháng 3, DB Dornan yêu cầu SEARAC và ORR cung cấp bản chụp đơn xin cấp khoản của SEARAC. Không nơi nào đáp ứng. Ngày 2 tháng 4, DB Dornan gửi tiếp văn thư, cho hạn chót phải hồi âm là ngày 15 tháng 4, 2020. Khi nhận được tài liệu từ ORR, DB Dornan phát hiện là Ông Khoa mạo nhận là “Tiến Sĩ” trong đơn xin cấp khoản. Ngày 30 tháng 4, DB Dornan yêu cầu Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ điều tra SEARAC và Ông Khoa về việc mạo nhận nếu có. Có thể nói, DB Dornan chính là nguồn tin về vụ việc mạo nhận bằng cấp. Ông Khoa biết rõ điều này nhưng đã nói dối trong bản tự khai hữu thệ.
Xem các văn thư của Bà Mai Công và của DB Robert Dornan: https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/09/Exhibit-17-VNCOCs-protest-letter.pdf
Chuẩn bị cho vụ kiện SLAPPBack
Trước phán quyết của quan toà về phần duy nhất còn lại của đơn kiện, chúng tôi chọn cách kháng cáo.
Thực ra, có một cách khác là yêu cầu xử tắt (summary judgement). Nắm trong tay bản lý lịch của Ông Khoa, khai là có bằng “Tiến Sĩ”, dùng để nộp đơn xin cấp khoản của chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi tin chắc sẽ thắng kiện nếu xử tắt. Tuy nhiên, như vậy thì không đòi thêm được tiền bồi thướng trị giá 50,000 – 100,000 Mỹ kim. Chúng tôi muốn lấy số tiền ấy để thực hiện vụ kiện SLAPPBack, tức là kiện ngươc lại vì Ông Khoa ác ý dùng kiện tụng để phỉ báng và gây tổn hại cho BPSOS và cho cá nhân tôi.
Qua vụ kiện ngược, tôi cũng muốn truy ra những phần tử cấu kết núp đằng sau. Ông Khoa đã được các phần tử này khuyến khích và cam kết tài trợ toàn bộ chi phí vụ kiện.
Bài liên quan:
Bài viết ngày 27 tháng 4, 2020 của Ông Khoa: Ôn lại một số đặc điểm trong lịch sử tị nạn Việt Nam từ 1975: https://www.voatiengviet.com/a/funseth-nguyen-co-thach-lich-su-ti-nan-1975/5393840.html
Bài viết ngày 22 tháng 5, 2020 của Ông Khoa: Hồi âm của giáo sư Lê Xuân Khoa về bài viết “Ôn lại một số đặc điểm trong lịch sử tị nạn Việt Nam từ 1975” (Lê Xuân Khoa): https://www.sbtn.tv/hoi-am-cua-giao-su-le-xuan-khoa-ve-bai-viet-on-lai-mot-so-dac-diem-trong-lich-su-ti-nan-viet-nam-tu-1975-le-xuan-khoa/
Bài viết ngày 25 tháng 5, 2020 của Ts. Nguyễn Đình Thắng: Những điều ít ai biết về chương trình ROVR: Một số việc làm của Ông Lê Xuân Khoa: https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1556-nhung-dieu-it-ai-biet-ve-chuong-trinh-rovr-mot-so-viec-lam-cua-ong-le-xuan-khoa.html