Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

Ý đồ của Trung Quốc qua tuyên bố ngày 18-9

Thứ Hai, 23/09/2019 10:12
|
(CATP) Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) - Cảnh Sảng ngày 18-9, về quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này đối với bãi Tư Chính và “các vùng biển liên quan” thuộc về quần đảo Trường Sa (mà TQ gọi là Nam Sa), đang thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế.

Tuyên bố này không chỉ khẳng định sự bức bách của Chính phủ TQ trên mặt trận pháp lý khi chưa thể tìm được cách diễn dịch phù hợp cho yêu sách “Tứ Sa”, mà còn cho thấy những giới hạn trong chiến thuật “tấn công vùng xám” của nước này đã bị các quốc gia khác nắm bắt và khai thác hiệu quả.
Từ cường quốc quân sự hành động ngang ngược trên Biển Đông...
Nhìn lại chiều dài các hoạt động “quân sự hóa tranh chấp” của TQ từ thập niên 1950 (chiếm đóng một phần Hoàng Sa), đến thập niên 1970 (chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa) và thập niên 1980 (chiếm đóng một số đá ở Trường Sa) có thể thấy tư duy “ngoại giao pháo hạm” luôn là lựa chọn hàng đầu của TQ trên Biển Đông thời kỳ đầu.

Đến thập niên 1990 và 2 thập niên đầu thế kỷ XXI, khi Công ước Luật biển UNCLOS đã trở nên phổ biến, TQ đã khéo léo chuyển từ cách tiếp cận “quân sự hóa tranh chấp” sang tập trung vào hoạt động “chính trị hóa tranh chấp” trong quan hệ đa phương với các nước ASEAN (khi quyết định hòa hoãn với khu vực: ký kết Tuyên bố Ứng xử Biển Đông - DOC năm 2002, tham gia đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông - COC năm 2013).

Tuy nhiên, dù tỏ ra tôn trọng quá trình định hình các nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, nhưng TQ vẫn duy trì phong cách “chính trị nước lớn” khi cùng lúc gia tăng sức ép về chính trị - ngoại giao và tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Đặc biệt, TQ sẵn sàng gây áp lực quan hệ song phương đối với các quốc gia có động thái phản kháng cụ thể với các hoạt động thay đổi thực địa trên Biển Đông của mình.

Điển hình như các hành động phong tỏa thương mại đối với Philippines sau khi nước này đệ đơn kiện TQ lên Tòa Trọng tài Biển Đông từ 2012 - 2016, hay sự kiện TQ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam (VN) năm 2014 dẫn đến sự hiện diện tăng cường của các tàu chiến TQ tại khu vực này.

Ngoài ra, TQ còn tiến hành các vụ bao vây kiểm soát toàn bộ các bãi cạn trong EEZ của Philippines (như bãi Scarborough, bãi Cỏ Rong...), cắt cáp tàu khảo sát Bình Minh 02 trong EEZ của VN... gây ra những thiệt hại cụ thể cho lợi ích an ninh của các quốc gia ven Biển Đông bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận khu vực và quốc tế.
Các chiến sĩ Vùng 2 Hải Quân cùng các nhà báo trên tàu Trường Sa 19 vẫy chào CBCS trên Nhà giàn DK1 (Ảnh: TTXVN)
... Đến phát ngôn “đuối lý” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Sau khi Tòa Trọng tài Biển Đông ra phán quyết ngày 12-7-2016 vô hiệu hóa toàn bộ yêu sách chủ quyền và quyền lịch sử của “đường 9 đoạn”, TQ tuy không công nhận và làm mọi cách để né tránh ảnh hưởng của phán quyết bằng cách đưa ra yêu sách “Tứ Sa”, nhưng thực tế đã bị tước đi khả năng gây áp lực lên các quốc gia ven Biển Đông, từng bước bị dồn ép trên mặt trận pháp lý.

Việc triển khai chiến thuật “tiến công vùng xám” của TQ khi đưa tàu khảo sát và chấp pháp vào cả ba khu vực EEZ riêng rẽ của Philippines (bãi Cỏ Rong), Malaysia (bãi Luconia) và VN (bãi Tư Chính) từ tháng 5-2019 trên thực tế chính là bước đi “chia để trị” của TQ nhằm phân tán phản ứng đồng bộ của các quốc gia ven Biển Đông, hướng đến ba hợp đồng khai thác chung với mỗi quốc gia này đi kèm những ưu đãi về thương mại, tài chính và cơ sở hạ tầng liên quan, thay vì gây thêm áp lực “ngoại giao pháo hạm” như giai đoạn trước.

Tuy nhiên, với kết quả đạt được quá khiêm tốn từ Chính phủ Philippines và sự phản ứng gay gắt từ cả Chính phủ Malaysia và VN, đồng thời lôi kéo cả phản ứng liên kết của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu, chiến lược “kinh tế hóa tranh chấp” của TQ dường như đang lâm vào thế “phong tỏa ngược” cả trên thực địa (với các hoạt động quấy phá không có kết quả) lẫn về mặt pháp lý (khi không thể diễn giải được chủ quyền của yêu sách “Tứ Sa” phù hợp UNCLOS nhưng vẫn phải dựa vào UNCLOS để đáp trả công luận).

Và tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng (18-9) thể hiện rõ điều đó khi hoàn toàn “đuối lý” phải viện dẫn “quyền chủ quyền và quyền tài phán” của bãi Tư Chính (TQ gọi là bãi Vạn An) - đồng nghĩa với việc công nhận quần đảo Trường Sa (mà TQ gọi Nam Sa) là “quốc gia quần đảo” để có đường cơ sở thẳng và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý bao bọc vùng biển có các bãi cạn như Tư Chính. Trong khi quy chế về đường cơ sở thẳng và EEZ với “nhóm đảo” thuộc các quốc gia lục địa sớm bị bác bỏ trong quá trình đàm phán UNCLOS, do đó dù TQ có tự diễn dịch quần đảo Nam Sa thuộc chủ quyền của họ cũng không thể mở ra EEZ bao bọc lấy bãi Tư Chính và bản thân Tư Chính là thực thể chìm nên không được phép tuyên bố chủ quyền.

Không chỉ vậy, trong phát biểu ngày 18-9, ban đầu ông Cảnh Sảng nhắc đến cả “quyền chủ quyền và quyền tài phán” ở bãi Tư Chính, sau đó lại rút gọn lại chỉ còn “các khu vực và TQ có quyền tài phán”, thể hiện sự không nhất quán và thiếu tự tin trong phát ngôn về chủ quyền của TQ. Trong khi ở cả 8 lần phát ngôn về vấn đề Tư Chính (từ ngày 16-7 đến 12-9), người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng đều nhấn mạnh “quyền chủ quyền và quyền tài phán” tại khu vực bãi Tư Chính thuộc EEZ và thềm lục địa VN - một lập luận hoàn toàn phù hợp với UNCLOS và được nhiều quốc gia tham gia khai thác chung dầu khí với VN công nhận.

Mở ra cục diện mới trên Biển Đông
Các hoạt động quấy phá không hiệu quả, sức ép pháp lý dâng cao của dư luận khu vực, quốc tế và sự “đuối lý” ngay cả trong phát ngôn của Bộ Ngoại giao TQ là những chỉ dấu quan trọng cho sự thoái trào trong các hoạt động “tiến công vùng xám” của phía TQ.

Trong khi VN và Malaysia đang dần triển khai thành công đồng thời hoàn thành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông (trong khu vực EEZ của mỗi nước có giao cắt với “đường 9 đoạn” phi pháp của TQ), thì Bắc Kinh chỉ có thể đưa tàu đến quấy nhiễu theo lối mòn rồi lại rút về các đảo nhân tạo trên Trường Sa, mà không thu được bất kỳ thành quả nào cụ thể.

Sự “cùng đường” của các hoạt động “tiến công vùng xám” đi kèm với những yếu thế trên mặt trận pháp lý không thể diễn giải phù hợp yêu sách “Tứ Sa” của TQ sẽ dẫn đến tiến trình phong tỏa từng bước các cơ sở pháp lý cho những hoạt động “vây lấn” mà Bắc Kinh đang triển khai trên Biển Đông. Vì một khi không tìm được cách viện dẫn mới cho yêu sách “Tứ Sa”, điểm yếu trong các hoạt động phi pháp của TQ sẽ bị các quốc gia ven biển và chuỗi hoạt động FONOPS của Mỹ cùng đồng minh khai thác triệt để, dẫn đến khả năng định hình cục diện mới trên Biển Đông có lợi cho các quốc gia tôn trọng và tuân thủ UNCLOS - một kịch bản không có TQ.

Ngày 21-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 16, tổ chức tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.

Phó thủ tướng đã có cuộc hội đàm với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Trung Quốc - Hàn Chính.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với TQ, đồng thời đề nghị chính phủ hai nước ủng hộ và tạo điều kiện để tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới. Lập trường của VN về vấn đề Biển Đông, đề nghị TQ tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của VN, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên Biển Đông.