Minh Đức |
(TBKTSG) - Thành phố du lịch nổi tiếng Venice của Ý đang phải trải qua
trận lụt nghiêm trọng nhất do triều cường kể từ năm 1996. Nhiều người
cho rằng, tham nhũng, chứ không phải nước biển, là thủ phạm đang “nhấn
chìm” Venice.
Không phải bây giờ Venice mới bị ngập. Từ năm 1984, khi mà hiện tượng
nước biển dâng hay nóng lên toàn cầu chưa phải những vấn đề được cho là
cấp bách, Venice đã bị chìm trong nước. Hội đồng địa phương khi đó đã
rất lo ngại cho tương lai của thành phố, đến nỗi họ đã bỏ phiếu nhất trí
phải chi bất cứ khoản nào cần thiết để nghiên cứu, xây dựng một hệ
thống xả nước công nghệ cao, chống lại tình trạng triều cường.
Phải mất gần 2 thập kỷ sau, một dự án có tên gọi Moses, với ngân sách
khởi điểm 1,8 tỉ đô la mới ra đời. Thủ tướng Ý khi đó, ông Silvio
Berlusconi, đã cắt băng khởi công với lời hứa sẽ hoàn thành nó vào năm
2011. Song, dự án này đã bị đẩy lùi ngày khánh thành vào các năm 2014,
rồi 2016 và sau lần thử nghiệm gần đây nhất, chính quyền hy vọng nó sẽ
đi vào hoạt động năm 2021.
Nếu Moses được hoàn thành đúng tiến độ, 78 cửa xả khổng lồ của nó có
thể giúp hạn chế được sự tàn khốc của đợt ngập lụt trong tuần này. Triều
cường đã khiến 85% thành phố bị chìm trong nước, với mức triều dâng cao
6 feet (1,8 mét), gây thiệt hại hàng tỉ đô la.
Trong 16 năm kể từ khi dự án Moses được bắt đầu, khoản ngân sách để
hoàn thành dự án đã tăng chóng mặt, lên tới 7 tỉ đô la và vẫn chưa có
dấu hiệu dừng lại. Một số tiền không nhỏ đã bị thất thoát do quản lý yếu
kém và tham nhũng.
Tháng 7 vừa qua, các công nhân đã phát hiện 156 tấm bản lề, mỗi cái
nặng 36 tấn, ở các cửa xả nằm dưới nước đã bị rỉ sét sau 1 thập kỷ,
trong khi theo thiết kế, những bản lề này phải còn nguyên vẹn sau nhiều
thế kỷ. Việc lắp đặt các bản lề này được giao cho một công ty có tên là
Gruppo Mantovani. Công ty này giành được hợp đồng trị giá 275 triệu đô
la mà không phải qua đấu thầu. Báo La Stampa của Ý đưa tin, công ty đã
sử dụng loại thép không đúng tiêu chuẩn và đang bị điều tra. Việc thay
thế, sửa chữa bản lề sẽ mất thêm 10 năm nữa và tiêu tốn thêm 34 triệu đô
la.
Năm 2014, sau một cuộc điều tra, Thị trưởng thành phố Venice, Giorgio
Orsoni đã từ chức và 35 người liên quan tới dự án đã bị bắt vì các tội
danh nhận hối lộ, tống tiền và rửa tiền. Cuộc điều tra đã lần theo dấu
vết của 27 triệu đô la “biến mất” khỏi kho bạc Moses và rơi vào túi của
khoảng 100 người.
Ông Orsoni bị buộc tội nhận tiền quỹ bất hợp pháp để đổi lấy việc trao
các hợp đồng béo bở cho các công ty không đủ tiêu chuẩn. Các nhà điều
tra cho biết Orsoni đã sử dụng số tiền này để thực hiện chiến dịch tái
cử thành công và mua phiếu bầu.
Giancarlo Galan, cựu chủ tịch của khu vực Veneto, cũng bị điều tra và
bị buộc tội nhận 230.000 đô la tiền hoa hồng để đẩy nhanh việc phê duyệt
hợp đồng mà không cần thông qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Ông
Galan đã phải ngồi tù vài tháng và hiện đang bị quản thúc tại gia.
Ngay cả ông Giovanni Mazzacurati, người đứng đầu tập đoàn Consorzio phụ
trách dự án Moses, cũng đã bị bắt vì lập quỹ đen. Ông này đã bị kết án
và bị chết hồi tháng 9 vừa qua, khi đang được quản thúc tại gia.
Nhưng vấn đề là, ngay cả khi Moses được hoàn thành ngay bây giờ, chúng
có thể đã trở nên lỗi thời. Cách đây hai chục năm, khi chính quyền thành
phố quyết định đầu tư vào dự án này, Quảng trường St. Mark’s chỉ bị
ngập một vài lần trong năm.
Còn bây giờ, triều cường tràn qua bờ kênh hơn 100 lần mỗi năm. Hệ thống
Moses được thiết kế để kích hoạt khi mức nước thủy triều đạt 3 feet 7
inch (1,09 mét). Song mức nước tối thứ 3 tuần trước đạt 6 feet 2 inch
(1,88 mét), mức cao nhất kể từ năm 1966. Dự án Moses hồi đó cũng được
tính toán là sẽ sử dụng 20 lần mỗi năm, nhưng hiện tại, vào mùa mưa nó
sẽ phải hoạt động hàng ngày.
Đầu tháng 11 này, người ta đã tiến hành thử nghiệm hệ thống Moses,
nhưng nó đã gây ra những cơn rung động trên toàn thành phố. Nhiều người
không biết còn tưởng là động đất và gọi điện báo cảnh sát. Sau đó, cơ
quan chức năng cho rằng cuộc thử nghiệm là không được phép vì dự án chưa
đủ độ hoàn thành và những tấm bản lề rỉ sét có thể sẽ gây ra “thảm
họa”.
Venice từ lâu đã là một thành phố của những mâu thuẫn lớn. Nước biển
dâng làm cho nó nổi tiếng, song cũng đe dọa thành phố gần như hàng ngày.
Về con người, cư dân ở đây chỉ có 50.000 người nhưng mỗi năm đón tới 36
triệu du khách. Thành phố bị quá tải song nền kinh tế địa phương lại
hoàn toàn dựa vào du lịch để tồn tại. Tuần trước, nhiều người bản xứ cảm
thấy rất tức giận khi họ đang phải tát nước khỏi nhà, trong khi hàng
trăm du khách thích thú chụp ảnh tự sướng.
Thị trưởng hiện tại của Venice, ông Luigi Brugnaro, tuần trước đã thực
hiện một hành động chưa từng có: đóng cửa Quảng trường St. Mark’s. Ông
nói rằng thủy triều đang gây ra những “thiệt hại tận thế” cho thành phố.
“Tương lai của Venice đang bị đe dọa”, ông nói.
Tối thứ Ba tuần trước, chỉ vài giờ trước khi triều cường tràn tới, hội
đồng địa phương của thành phố Venice đã nhóm họp tại tòa thị chính lịch
sử trên kênh đào Grand, nơi nhiều năm trước đó, quyết định xây dựng
Moses đã được đưa ra. Lần này, các “ông nghị” đã bỏ phiếu chống cho một
gói ngân sách có thể giúp thành phố giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Một phần của quyết định này cũng là do sự chậm trễ và tai tiếng của dự
án Moses. Vài phút sau quyết định đó, mẹ thiên nhiên đã lên tiếng. Lần
đâu tiên trong lịch sử thành phố, hội trường cổ của tòa thị chính đã bị
triều cường tràn vào...
(Theo The Daily Beast)
|
Editor-in-Chief: Chủ Biên LS Trịnh Quốc Thiên- trinhquocthien@gmail.com Trụ sở: 1701 Pennsylvania Avenue, NW Washington, D.C. 20006, VPU-200. Giấy phép hành nghề luật sư LBHK: 20-2372174-47351-73981 Tài khoản Bảo Hiểm Loyld Hành Nghề Luật Sư tại Mỹ: AZP-425633