- 14 tháng 8 2019
Hôm thứ Hai 12/8,
chính quyền của Tổng Thống Donald Trump đã ban hành quy định mới gây
tranh cãi, là sẽ từ chối cấp giấy nhập cảnh hay quy chế thường trú nhân
cho người có thu nhập thấp, theo Reuters.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/10 và sẽ từ chối đơn xin làm thẻ xanh tạm thời hay lâu dài cho những người không có đủ tiêu chuẩn về thu nhập, hoặc nếu họ sẽ phải nhận trợ cấp xã hội, như tem mua thực phẩm, trợ cấp nhà ở hoặc trợ cấp y tế.
Chính phủ dự kiến quy định này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến hồ sơ của 382.000 dân nhập cư, nhưng các nhà hoạt động cho dân nhập cư nói rằng con số có thể cao hơn, đặc biệt nếu được áp dụng cho hàng triệu người đang xin giấy nhập cảnh ở các lãnh sự và đại sứ quán Hoa Kỳ trên thế giới.
Giới chỉ trích nói rằng đây là nỗ lực giới hạn cả nhập cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp của chính quyền Trump. Trong khi đó một số chuyên gia nói quy định này có thể cắt giảm số người nhập cư hợp pháp đến một nửa.
Chính quyền Trump ước tính quy định sẽ tiết kiệm 2,47 tỷ đôla hàng năm về chi tiêu lợi ích công cộng.
Quy định mới này nói gì?
Quy định dài 837 trang nhắm vào những người có thể trở thành "gánh nặng xã hội" (public charge).Từ trước đến giờ chưa có một định nghĩa cụ thể về "gánh nặng xã hội", nhưng ông Ken Cuccinelli, quyền giám đốc Dịch vụ Công dân và nhập cư Hoa Kỳ nói rằng quy định mới sẽ giúp làm rõ điều này.
Có nhiều yếu tố để đánh giá một người có phải là "gánh nặng xã hội" hay không.
Việc một người có thể trở thành gánh nặng xã hội hay không được xác định khi lợi tức hàng năm của họ có cao bằng 125% mức sống tối thiểu (125% FPG), tức 15.613 đôla (362 triệu đồng) cho một người, hay 25.750 đôla (747 triệu đồng) cho một gia đình 4 người.
Những ai có lợi tức hàng năm thấp hơn 125% của mức sống tối thiểu như trên sẽ bị cho là có thể trở thành gánh nặng xã hội.
Và những người nhập cư sẽ là "gánh nặng xã hội" nếu họ nhận một hoặc nhiều hơn một loại trợ cấp xã hội dưới bất cứ hình thức nào suốt 12 tháng trong khung thời gian 3 năm.
Và trợ cấp xã hội bao gồm các chương trình như Supplemental Security Income (Hỗ trợ Đảm bảo Thu nhập), Temporary Assistance for Needy Families (Hỗ trợ Tạm thời cho Gia đình Khó khăn), Supplemental Nutrition Assistance Program (Chương trình Hỗ trợ Thực phẩm Dinh dưỡng) và phần lớn các dịch vụ Medicaid và các chương trình nhà ở xã hội.
"Nguyên tắc thúc đẩy quy định này là một giá trị cũ của Hoa Kỳ và giá trị đó là sự tự túc," ông Cuccinekku nói trong một phỏng vấn với Fox News.
Điều đó có nghĩa là người xin nhập cảnh hay hập tịch Hoa Kỳ phải có khả năng tự lập kinh tế và không phải nhờ vả vào trợ cấp xã hội dưới bất cứ hình thức nào.
Một điều 'đáng tiếc'
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 13/8, luật sư (?) Tâm Nguyễn tại thành phố San Jose, California cho biết hiện chưa xác định được bao nhiêu người Việt sẽ bị ảnh hưởng."Nếu quy định này mà có trước đây, như vào năm 1990, 1979, hay 1975 thì có lẽ không một người H.O., thuyền nhân, hay tị nạn được phép nhập cư vào nước Mỹ hay được vào quốc tịch Mỹ.''
"Đã là tị nạn bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng thì làm sao đạt nổi tiêu chuẩn kinh tế tự túc chiếu theo luật mới này. Do đó, một mặt luật mới này nhằm tiết kiệm cho Hoa Kỳ 2.7 tỉ đô mỗi năm, nhưng sẽ rất tội nghiệp cho nhiều người tị nạn hay di dân thuộc dạng nghèo.''
"Thật ra nếu nhìn vào lịch sử cộng đồng Việt tại Mỹ, thì tuy khởi công lập nghiệp là người tị nạn và rất nhiều người đã nhận trợ cấp xã hội dưới nhiều hình thức, từ Medical, Foodstamps hay Housing voucher, v.v…nhưng với sức lao động chăm chỉ, gia đình cộng đồng nương tựa nhau. Và ngày nay cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã trở thành cộng đồng lớn mạnh về mọi mặt, đóng góp vào xã hội và nền kinh tế Hoa kỳ, nên việc loại bỏ người di dân nghèo thật là một điều rất đáng tiếc."
"Thật là khó biết hiện nay có bao nhiêu người Việt sẽ bị ảnh hưởng của luật mới, nhưng một điều rõ ràng cho những người nhập cư trong tương lai, thì phải có tiêu chuẩn kinh tế vững vàng thì mới được vào Mỹ.
"Đối với cán bộ quan chức thì họ giàu có quá rõ ràng, còn người dân nghèo thì sẽ gặp khó khăn. Giới phê bình thì dựa trên hậu quả ấy để phản đối và cho rằng mục đích của Tổng thống Trump là giới hạn di dân nghèo và ưu tiên cho di dân giàu."
Giới đấu tranh cho dân nhập cư khởi kiện
Chỉ một ngày sau khi chính quyền Trump công bố quy định mới, đã có hai tổ chức cho biết sẽ nộp đơn kiện để chặn lại.Họ cho rằng quy định mới vượt qua quyền hạn lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ. Tòa án có thể ban lệnh Đình chỉ Tạm thời (Temporary Restraining Order) để chờ ngày xét xử.
Trung tâm Luật Di trú Quốc gia (NILC) cho biết họ sẽ đệ đơn kiện để ngăn chặn quy định này có hiệu lực. Giám đốc điều hành nhóm cho biết quy định này có động cơ chủng tộc. Các luật sư của tiểu bang California và New York cũng đã đe dọa sẽ kiện.