Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

VŨ LINH : TT TRUMP BỊ TỐ TỘI GÌ?

Việc ‘điều tra’ tội trạng của TT Trump để chuẩn bị cho đàn hặc đã kéo qua tuần lễ thứ ba, ai cũng biết. Điều ít ai biết là TT Trump chính xác bị truy tố về tội gì?
Câu hỏi này được nêu ra bởi… tất cả thế giới, và điều quái lạ là… chưa có ai có câu trả lời chính thức vì một lý do rất giản dị: không ai biết TT Trump đã phạm tội gì, hay đúng hơn, ‘những’ tội gì. Chưa có một ông/bà chính khách DC nào hay một ông dân biểu chủ tịch ủy ban nào của Hạ Viện chính thức liệt kê tội lỗi của TT Trump.
    Tất cả chỉ là tố giác chung chung như lạm quyền, đổi chác vì tư lợi cá nhân,… trước TTDC để mấy anh nhà báo làm loa phóng thanh lại thôi.
Điểm đáng nói là điều tra để tìm ra cớ đàn hặc rồi truất phế không phải là chuyện mới xẩy ra cách đây hai tuần, mà đã bắt đầu từ ngày ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức, kéo dài cho tới ngày nay, với đủ thứ tội được lôi ra xào nấu, cái nào ăn không được nuốt không trôi thì bỏ, kiếm tội khác. Tội hiện nay là thông đồng với Uraine. Tội này nếu không nhai được, lại đi tìm tội khác thôi.
Đại khái là tòa án DC đang truy tố một nghi can, nhưng họ chưa biết truy tố về tội gì. Gần ba năm đi mò tội vẫn chưa ra.
Hệ thống tư pháp Mỹ theo tiêu chuẩn của đảng DC khá hơn hệ thống tư pháp cuội của VC một chút. Không ai bị bắt về đồn công an tra tấn đến khi lòi ra tội, hay bất thình lình 'tự tử chết trong đồn công an vì thất tình'. Nhưng cũng một nguyên tắc. Một nhà báo của Washington Post gọi vụ điều tra TT Trump hiện nay là “tòa án Kangaroo”. Nếu quý vị không hiểu là gì thì đây là định nghĩa tương đối đầy đủ nhất: kết tội rồi tìm mọi cách điều cha điều mẹ, mò cho ra bằng chứng, nhờ truyền thông đồng minh làm cái loa giúp phịa tội, với đặc điểm có một không hai là bị cáo không được biết phạm tội gì, không được quyền biết người tố cáo là ai, không được đối chất người đó, không được coi tài liệu quy tội, luật sư của bị cáo cũng mù tịt như bị cáo, không được biết gì hết vì tất cả những thẩm vấn nhân chứng đều bí mật, các ‘công an’ điều tra chỉ công bố những chi tiết có lợi để kết tội thôi, những chi tiết giúp chứng minh bị cáo vô tội được giấu nhẹm hơn bí mật an ninh quốc gia.

Dân biểu Doug Collins của CH đã nói “họ không dám cho điều trần –thẩm vấn- công khai vì sợ mọi người sẽ biết những tố giác của họ hoàn toàn vớ vẩn, vô căn cứ”.
Trong những ngày đầu, khi TT Trump chưa công khai hóa báo cáo thổi còi và ghi âm cuộc điện đàm với TT Ukraine thì, trên căn bản, TT Trump bị tố 3 ti:
-            Áp lực TT Ukraine điều tra cha con cụ Biden, là đối thủ chính trị của TT Trump trong cuộc bầu cử tới;
-            Trao đổi với Ukraine: điều tra cụ Biden đổi lại 400 triệu đô viện trợ quân sự;
-            Dùng luật sư riêng Giuliani làm trung gian điều đình để né hệ thống chính quyền chính thức.
Sau khi báo cáo thổi còi và ghi âm điện đàm được công khai hóa, thì cái tội đầu được khai thác tối đa, trong khi hai cai tội sau bị lơ là ít nhiều vì mất căn bản.
Trong khi cả nước và ngay cả các quan tòa DC còn đang bối rối cãi cọ đi tìm tội,… thì đã có vài cụ tỵ nạn cuồng chống Trump, biểu diễn tính ‘bảo hoàng hơn vua’ đã nhanh nhảu hướng dẫn dư luận tỵ nạn qua vài bản ‘cáo trạng’ được email tứ tung, nêu đích danh TT Trump đã phạm 6 hay 7 tội, toàn là những tội kinh thiên động địa, đáng đàn hặc và truất phế trong vòng 24 giờ.
Ở đây, cần phải nói cho rõ, những ‘cáo trạng’ này lấy cái tựa là những “sai lầm” của TT Trump, nhưng đọc nội dung thì hiển nhiên đây là những đại tội đáng tru di 10 đời, chứ chẳng có gì là ‘sai lầm’ kiểu như đánh máy lộn vài chữ. Những cáo trạng này cũng không phải là công trình nghiên cứu thâm sâu của các đại luật gia, chuyên gia về luật pháp Mỹ hay Hiến Pháp Mỹ, mà chỉ là những diễn giải của vài cụ tỵ nạn xào nấu dựa trên tin tức dịch lõm bõm từ các báo Mỹ.
Để chứng minh cáo trạng có vẻ có giá trị, bài viết được đính kèm danh sách dài các bài báo, hầu hết là tài liệu lấy từ New York Times, Washington Post, Newsweek, CBS, CNN, Guardian, … mà theo Đại Học Harvard, đều cỡ hơn 90% chống Trump, đủ nói lên quan điểm một chiều và giá trị hạng lông của các tài liệu.
Cáo trạng được cố tình viết theo kiểu khiến cho độc giả hiều lầm đó là những tội Hạ Viện đã chính thức truy tố và sẽ được dùng để mang TT Trump ra đàn hặc và truất phế. Fake news! Sự thật là Hạ Viện chỉ mới mở cuộc ‘điều tra’ xem có đủ yếu tố và bằng chứng để đàn hặc hay không thôi. TT Trump chưa hề bị kết án bất cứ tội gì. Chính bà Pelosi đã xác nhận chuyện này và bà cũng cho biết cuối cùng có thể không có đàn hặc gì hết nếu TT Trump không có tội gì.
Để gọi là ‘rộng đường dư luận’, DĐTC xin phép bàn qua về những ‘cáo trạng’ vịt này. Chỉ bàn qua vài điểm chính thôi chứ không mổ xẻ những chi tiết lẩm cẩm vớ vẩn.
Phải nói ngay, DĐTC vẫn giữ chủ trương không công kích hay bôi bác cá nhân bất cứ ai, do đó sẽ không nêu tên tác giả các ‘cáo trạng’, cũng không đả động đến cá nhân những tác giả đó hay những cá nhân khác tiếp tay phổ biến ‘cáo trạng’. Cá nhân không bao giờ có gì đáng quan tâm, kể cả kẻ này. [Nhân đây, DĐTC cũng xin nhắc lại cho quý độc giả DĐTC muốn góp ý cần tự chế, không công kích cá nhân tác giả và cáo trạng với thậm từ quá đáng].
Một cách tổng quát, ‘cáo trạng’ này tố TT Trump có 6 “sai lầm” [có cáo trạng khác tố tới 7 tội] mà đúng ra phải hiểu là ‘đại tội’: 1) Lạm dụng chức vụ, 2) Vi phạm luật lệ bầu cử của Hoa Kỳ, 3) Phản bội cơ chế an ninh quốc gia, 4) Hối lộ, 5) Đe dọa nhân chứng và 6) Cản trở công lý.
Xét cho kỹ, thật ra chỉ là 4 tội thôi, vì các tội 1), 3) và 4) chỉ là một tội (hoãn viện trợ quân sự) nhưng được lập lại và tố dưới tội danh khác cho xôm trò. Vì được lập lại tới ba lần, tội coi như quan trọng nhất là hoãn viện trợ quân sự.
Phe ta tố TT Trump đã hoãn cấp 400 triệu đô viện trợ quân sự cho Ukraine mặc dù đã được quốc hội phê chuẩn và TT Trump đã ký, để làm áp lực, trao đổi, ép TT Ukraine phải mở lại cuộc điều tra cha con cụ Biden.
Sự thật là số tiền viện trợ đã được quốc hội phê duyệt và tổng thống ký thật, nhưng chưa tháo khoán vì theo b Quốc Phòng và theo thượng nghị sĩ CH Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, còn chờ bộ Quốc Phòng duyệt lại chi tiết thực hành. Trong khi đó, TT Trump cũng cố áp lực các đồng minh Tây Âu đóng góp thêm vào viện trợ quân sự cho Ukraine, phụ họa lời phàn nàn của TT Ukraine là các đồng minh Tây Âu, đặc biệt là Đức, chỉ “nói nhiều mà không làm gì”.
Việc tố giác TT Trump trì hoãn tháo khoán viện trợ quân sự đổi lấy cuộc điều tra cha con cụ Biden là một tin được tung ra trước khi ghi âm điện đàm được phổ biến. Sau đó, trong cuộc điện đàm không ai thấy có một chữ nào liên quan đến viện trợ quân sự hết.
TT Ukraine xác nhận ông không hay biết gì về chuyện trì hoãn tháo khoán mà ông cho đó là chuyện nội bộ của Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Liên Âu, ông Gordon Sondland, và đặc sứ Mỹ tại Ukraine, ông Kurt Volker, đều xác nhận họ chẳng hay biết gì về chuyện hoãn tháo khoán đổi lấy điều tra cha con cụ Biden hết. Cả ngoại trưởng và tổng thống Ukraine cũng xác nhận chẳng có đổi chác gì ráo.
Sau khi bộ Quốc Phòng chấm dứt duyệt xét thì số tiền đó đã được tháo khoán một cách bình thường, Ukraine nhận được đầy đủ không thiếu một xu trong khi Ukraine chẳng mở lại cuộc điều tra nào hết. Như vậy, trao đổi hay bắt chẹt ở chỗ nào?
Công bằng mà nói, việc trì hoãn tháo khoán viện trợ quân sự có hay không thì chẳng ai biết, nhưng chắc chắn là trong câu chuyện hai bên thảo luận cũng có đề cập đến tình trạng tham nhũng nổi tiếng của Ukraine, có thể sẽ là trở ngại, gây tai tiếng cho Mỹ, nhất là liên quan đến một phó tổng thống Mỹ. Viện trợ dù quân sự hay kinh tế hay nhân đạo luôn luôn là một trong những ‘công cụ’ áp lực chính trị, đổi lấy một cái gì. Chẳng hạn dùng viện trợ để ép một xứ khác tổ chức bầu cử, tôn trọng nhân quyền, làm đồng minh bỏ phiếu cho chuyện gì đó tại Liên Hiệp Quốc chẳng hạn. Trong lịch sử chính trị thế giới, chưa bao giờ có chuyện viện trợ vô điều kiện hết.. Ngoại viện và ngoại giao luôn luôn đi song hành, thực tế này đã có từ thời cụ Bành Tổ chưa ra đời.
Nếu yêu cầu coi lại vụ tham nhũng của cha con cụ Biden là một tội ‘lạm quyền’ hay phản quốc hay gì gì khác, thì chắc chắn khi thủ tục đàn hặc chính thức được mở ra, các luật sư của TT Trump và các dân biểu khối CH sẽ nêu lên cả chục tiền lệ.
Cáo trạng buộc TT Trump tội “vi phạm luật bầu cử”. Kẻ này khẩn khoản yêu cầu các cụ tác giả cáo trạng nêu ra một cách cụ thể giùm TT Trump đã vi phạm điều mấy của luật nào?
TT Trump vi phạm luật bầu cử vì đã nhờ ngoại bang giúp mình có cơ hội hạ đối thủ, tăng khả năng chiến thắng của mình sao?
Ai cũng biết vận động tranh cử ở Mỹ là một chiến trường Kim Dung gọi là ‘gió tanh mưa máu’, mỗi bên tốn cả tỷ bạc, không có ứng cử viên nào ‘quân tử Tàu’ không xử dụng mọi đòn mánh.
Như đã viết tuần trước, TT Clinton nhờ thủ tướng Anh “coi lại giùm” chuyện vài công ty Anh có vấn đề gì đó với Mỹ, hay TT Obama đã từng nhờ TT Medvedev của Nga giúp trong cuộc vận động tranh cử năm 2012, hay bà Hillary trả bạc triệu đô cho một công ty tìm rác, để mua cái gọi là ‘Hồ Sơ Nga’ bôi bác ứng cử viên Trump, do một điệp viên Anh mua lại từ Nga.
Đó có phải là những chuyện “vi phạm luật bầu cử”, nhờ ngoại bang can thiệp giúp mình và hại đối thủ không? Khác nhau như thế nào với việc làm của TT Trump nếu ông Trump quả thật có ý yêu cầu Ukraine giúp?
‘Cáo trạng’ cũng tố giác TT Trump “cử luật sư riêng là ông Rudy Giuliani đến Ukraine nhiều lần để chuyển đạt đến tổng thống Ukraine cùng một thông điệp.
Thứ nhất, theo cựu đặc sứ Mỹ Kurt Volker, TT Ukraine là người đã móc nối, nhờ ông Giuliani giúp chứ không phải TT Trump gửi ông Giuliani qua Ukraine làm áp lực. Trong cuộc điện đàm với TT Trump, TT Zelenskiy đã nói “Tôi xin đích thân thông báo cho ông là một trong những phụ tá của tôi đã mới nói chuyện với ông Giuliani, và chúng tôi rất hy vọng ông Giuliani sẽ có thể đi Ukraine và chúng tôi sẽ được gặp ông ấy ngay khi ông ấy tới Ukraine (Nguyên văn: I will personally tell you that one of my assistants spoke with Mr. Giuliani just recently and we are hoping very much that Mr. Giuliani will be able to travel to Ukraine and we will meet once he comes to Ukraine).
Thứ nhì, việc ông Giuliani can dự, tại sao đó lại là cái tội? Trong lịch sử ngoại giao của Mỹ -hay bất cứ xứ nào khác- việc nhờ trung gian một người nào đó ngoài chính quyền ‘đi đêm’ để đàm phán hay điều đình chuyện gì đó thông thường hơn cơm bữa. Chẳng hạn như TT Johnson năm xưa đã nhờ không biết bao nhiêu chính khách làm trung gian điều đình với VC, thậm chí còn dùng cả các chính khách không phải Mỹ như Pháp, Ba Lan, Ấn Độ,… TT Johnson khi đó cố tìm mọi cách có thỏa ước với VC cho kịp ngày ông ra tái tranh cử, như vậy có phạm tội gì không?
Nhóm Nhà Nước Ngầm đã xì những tin tức liên quan đến ông Giuliani và các người ông quen biết, để FBI bắt buộc phải bắt họ để điều tra. Việc hai đối tác kinh doanh của ông Giuliani mới bị bắt thật quá đúng thời điểm, đến độ tanh tanh mùi cá ươn. Đây là chiến thuật công tố Mueller đã dùng, bắt những người chung quanh đối tượng thật, để ép họ khai tội của đối tượng. Bước đầu là bắt mấy con tép đối tác kinh doanh của ông Giuliani, sau đó là bắt con tôm Giuliani luôn, để truy tìm tội của con tôm hùm Trump.
‘Cáo trạng’ loan tin hấp dẫn: “Trong cuộc phỏng vấn của CNN vào tối thứ Năm vừa qua, ông Rudy Giuliani, luật sư cá nhân của Trump, cũng đã phải thú nhận rằng thực chất đây là một sự hối lộ”.
Hả? Ông Giuliani lên CNN thú nhận đây là “hối lộ”? Không biết tôi đọc lộn hay tác giả cáo trạng cuội tung fake news hay không hiểu tiếng Anh?
TT Trump đã nói với TT Ukraine “nếu cần Mỹ giúp cuộc điều tra, thì xin liên lạc với bộ trưởng Tư Pháp William Barr”. ‘Cáo trạng’ dỏm tố ngay đây là việc “sử dụng cả cơ quan chính quyền để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.
Chuyện bá láp. TT Trump có yêu cầu TT Ukraine ‘coi lại’ vụ con cụ Biden, và đề nghị nếu Ukraine cần Mỹ giúp thì có thể liên lạc với bộ trưởng Tư Pháp. Có gì phạm pháp? Tổng thống là người đứng đầu hành pháp, được Hiến Pháp trao cho toàn quyền điều động toàn thể bộ máy chính quyền, từ công chức hạng bét tới bộ trưởng. Ukraine không thể nào tự ý cho cảnh sát của họ qua Mỹ tự do điều tra bất cứ chuyện gì, do đó, việc điều tra nếu có về cha con cụ Biden, là công dân Mỹ, tất nhiên phải qua sự hợp tác với chính phủ Mỹ, tức là qua bộ Tư Pháp Mỹ.. Cái câu thòng theo “để phục vụ cho lợi ích cá nhân” chỉ là kết luận một chiều vu vơ không có căn bản gì của các cụ cuồng chống Trump.
Một tố giác quái lạ và vô tội vạ khác trong ‘cáo trạng’: “Nhân viên CIA tiết lộ vụ Ukraine than phiền rằng “Chiếu theo nhiệm vụ chính thức của tôi, tôi đã nhận được tin từ nhiều viên chức chính quyền cho biết rằng tổng thống Hoa Kỳ đã sử dụng quyền hành nài nỉ sự can thiệp của một chính phủ ngoại quốc vào cuộc bầu cử 2020.”
Trong lịch sử tư pháp thế giới, kể cả tư pháp bố láo của VC, đã có trường hợp nào quan tòa xử một vụ án dựa trên tố giác của một người ẩn danh nghe tin đồn từ nhiều người ẩn danh khác chưa? Mà đây lại là chuyện kết án một tổng thống đã được hơn 60 triệu người bầu hợp hiến, hợp pháp và chính danh, không phải chuyện bà Tám đánh ghen dựa trên lời mách lẻo của bà hàng xóm.
‘Cáo trạng’ bá láp tố cáo: “Theo báo cáo của nhân viên CIA, hiện nay vẫn còn được dấu tên, các luật sư của Nhà Trắng đã ra lệnh cho nhân viên Nhà Trắng thuyên chuyển tất cả những hồ sơ ghi âm của cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Hoa Kỳ và Ukraine vào một hệ thống riêng biệt chỉ dành cho những tài liệu an ninh quốc gia tối mật. Duncan Levin, cựu Công Tố Viên của New York nói rằng “Đây có thể là một việc cản trở công lý.”
Theo luật Mỹ, tổng thống, trong tư cách người đứng đầu hành pháp, là người có toàn quyền quyết định xếp hạng các tài liệu quốc gia thuộc loại không mật, mật, hay tối mật, tùy nhu cầu an ninh quốc gia. Đó là một trong những quyền được thi hành từ thời TT Washington. Có những chuyện liên quan đến an ninh quốc gia mà tất cả 535 dân biểu và nghị sĩ không có quyền được biết. Đó là quy định của Hiến Pháp, không phải luật của TT Trump mới ra. Nếu đó là ‘cản trở công lý’ thì coi như Hiến Pháp đã cho phép tổng thống cản trở công lý ngay từ ngày lập quốc rồi.
Nghĩ cho cùng, việc cho phép tất cả 535 nghị sĩ và dân biểu tha hồ biết hết tài liệu an ninh quốc gia là chuyện vớ vẩn nhất. Khả năng giữ bí mật của những vị này giống như khả năng chặn nước của cái lưới đánh cá vậy.
‘Cáo trạng’ viết “Tại cuộc điều trần trước Quốc Hội, ông Maguire cho thấy một điều rất rõ là toàn bộ ngành hành pháp dưới quyền Tổng Thống Trump đều bị ô nhiễm bởi tham nhũng”.
Có thể kẻ này không theo dõi kỹ lắm nên chưa bao giờ biết có chuyện này. Cụ tỵ nạn nào biết được, xin vui lòng trích dẫn nguyên văn những câu nói tiếng Anh (cùng với nguồn) của ông Maguire đưa đến việc “cho thấy rất rõ là toàn bộ ngành hành pháp dưới quyền Tổng Thống Trump đều bị ô nhiễm bởi tham nhũng” giùm. Nếu không trích dẫn được thì quý độc giả có quyền coi như đây lại là fake news nữa, không hơn không kém.
Tội cuối cùng: ‘cáo trạng’ tố TT Trump “đe dọa nhân chứng” khi ông tuýt là các người lấy tin bí mật an ninh quốc gia xì ra ngoài có thể sẽ bị truy tố như gián điệp. Đây không phải là đe dọa nhân chứng mà là sự thật. Quý độc giả hẳn còn nhớ anh Julian Assange xì emails quốc phòng qua trang mạng Wikileaks đã bị chính phủ Anh bắt, dẫn độ về Mỹ, hiện đang bị giữ chờ ngày ra tòa. Một anh khác, cũng nhân viên CIA và cũng là một anh thổi còi, Edward Snowden, tiết lộ tin bí mật của NSA đã trốn qua Nga xin tỵ nạn để khỏi bị bắt đi tù. Mỹ có luật bảo vệ những người thổi còi thật, nhưng luật phòng gian bảo vệ an ninh quốc gia có trọng lượng hơn nhiều. Không ai có thể nhân danh việc thổi còi để tiết lộ bí mật an ninh quốc gia hết.
‘Cáo trạng’ cũng trích dẫn nhiều ý kiến của các ‘chuyên gia pháp lý’ công kích việc làm sai trái của TT Trump. Cũng tốt thôi. Nhưng vấn đề là cũng có cả chục ý kiến trái ngược của nhiều chuyên gia pháp lý khác, cho rằng TT Trump hoàn toàn có đủ thẩm quyền yêu cầu lãnh đạo đồng minh giúp, trong khi đàn hặc là chuyện phe đảng tìm cách lật đổ tổng thống được dân bầu hợp pháp và hợp hiến. Ai đúng ai sai?
Trước đây, đã có điều tra cả hai năm trời về vụ thông đồng với Nga. Khi đó nhiều cụ cũng đã thông dịch những cáo trạng kinh hồn của TTDC. Bây giờ, có cụ nào dám đọc lại những cáo trạng đó không nhỉ? Có cụ nào cảm thấy phải xin lỗi ông Trump và tất cả các độc giả vì tội tố sảng, lừa gạt độc giả không? Mai mốt, nếu như vụ Ukraine này lại thành tố sảng, lừa gạt độc giả, các cụ sẽ xin lỗi không?
Câu chuyện điều tra chuẩn bị đàn hặc xẩy ra gần kề ngày bộ Tư Pháp kết luận vụ  điều tra bà Hillary nên rất có thể chỉ là việc ‘điệu hổ ly sơn’ hay tìm cách đánh phủ đầu trước. Cũng có thể sự thật là đảng DC đang cố điều tra để biết bộ Tư Pháp biết gì về các mánh mung của chính quyền Obama nói chung hay của cha con cụ Biden hay cả của cụ bà Hillary luôn?
Trong ‘cáo trạng’, có một câu thật đúng là… vô cùng ý nghĩa: Dù tòa sẽ xử theo lối nào, đây cũng là một vụ tham nhũng nghiêm trọng”!!!
 Có nghĩa là các cụ tỵ nạn cuồng chống Trump đã kết án rồi, dù tòa nào phán TT Trump không có tội gì hết thì các tác giả vẫn cho là có tội “tham nhũng nghiêm trọng”. Các tác giả tự vác ghế ngồi trên đầu tất cả các quan tòa Mỹ, kể cả quan tòa Tối Cao Pháp Viện. Một kết luận nói lên đầy đủ giá trị của toàn thể cáo trạng. Kẻ này bỏ công bàn qua ‘cáo trạng’ dỏm này thật đúng là đang làm chuyện vớ vẩn, mất thời giờ của chính mình và của tất cả quý độc giả.
Xin thành thật cáo lỗi.
 
*************************
Tổng Thống Trump có thể bị đàn hạch không?
 
Ngô Nhân Dụng 
 

Hầu như vị tổng thống nào gần đây cũng bị đe dọa đàn hạch.

Năm 2008, ông Donald Trump nói với đài CNN rằng ông ngạc nhiên tại sao bà Nancy Pelosi (chủ tịch Hạ Viện khi đó, đảng Dân Chủ chiếm đa số) không làm thủ tục truy tố đưa TT George W. Bush về vườn. Phóng viên hỏi: Ðàn hạch? Chắc chắn! Lý do? Chiến tranh! “Ông ta nói dối! Nói dối để kéo chúng ta vào cuộc chiến tranh Iraq. Bush nói Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt và bao thứ khác, toàn chuyện không có thật!” Ông Obama không tấn công Syria cũng vì sợ bị đàn hạch nếu không hỏi ý kiến Quốc Hội Mỹ trước. Khi ông hỏi, quả nhiên Quốc Hội bác bỏ. Tổng Thống Reagan cũng bị điều tra và đe dọa đàn hạch vì bán vũ khí cho Iran, trong khi Quốc Hội cấm.
Bây giờ đến lượt ông Donald Trump bị nhiều dân biểu, nghị sĩ thuộc cả hai đảng đề nghị đem ông ra đàn hạch. Trong dân chúng Mỹ 48% cũng nghĩ như vậy. Hàng triệu người đã ký ủng hộ một kiến nghị trên mạng. Có 45% người đoán ông Trump sẽ không ngồi đủ 4 năm ở Tòa Bạch Ốc, và 43% nghĩ ngược lại. Nghị sĩ Cộng Hòa lão thành John McCain cũng thấy không khí đàn hạch bao quanh ông tổng thống. 
Câu chuyện đàn hạch lên sôi nổi sau mấy vụ ông Trump nói và làm gần đây. Ông đã sa thải Giám Ðốc FBI James Comey trong lúc ông ta đang điều tra về quan hệ giữa các cộng sự viên của ông với Nga. Ông lại tiết lộ một tin tình báo về ISIS cho ngoại trưởng và đại sứ Nga biết.
Hai hành động trên không đủ lý do để đàn hạch. Nhưng ông Trump có thể dính khi ông Comey tiết lộ rằng tổng thống đã đề nghị FBI hãy bỏ qua không tiếp tục điều tra vụ năm ngoái Tướng Mike Flynn gặp đại sứ Nga; ông ta đã nói những gì mà sau đó phải che giấu. 
Một vị tổng thống yêu cầu nhân viên tư pháp ngưng một cuộc điều tra là phạm pháp, một hành động “ngăn cản công lý.” Hai vị tổng thống bị đàn hạch gần đây nhất, Richard Nixon và Bill Clinton đều được nêu ra vì lý do này. Ông Nixon đã từ chức khi thủ tục đàn hạch bắt đầu. Ông Clinton bị Hạ Viện đàn hạch nhưng qua Thượng Viện thì được tha vì không đủ 2/3 số nghị sĩ kết án.
Liệu ông Donald Trump có thể bị đàn hạch hay không? 
Cho tới giờ, theo những gì người ta biết, thì chuyện đó khó xảy ra. 
Trước hết là chứng cớ “phạm tội.” Ðiều ông Comey tiết lộ được báo chí loan tin do một nhân viên FBI (không biết tên) tiết lộ, vì đã đọc “bản ghi nhớ” của ông Comey thuật lại các chuyện đã bàn khi gặp ông Trump. Nhưng các nhà báo chưa ai thấy bản “memo” đó. Các ủy ban điều tra của Quốc Hội có thể làm trát bắt FBI phải trao các memo của ông Comey để họ coi. Trong tuần tới ông Comey sẽ ra Thượng Viện. Họ có thể đòi ông Comey xác nhận điều ông viết trong memo là có thật. 
Nhưng lúc đó vẫn chưa đủ chứng cớ buộc tội. Vì cuộc gặp gỡ giữa ông Comey và ông Trump không có ai làm chứng. Anh nói thế này ả nói khác, tin ai bây giờ? Quốc Hội có thể hỏi Tòa Bạch Ốc có thu băng các cuộc trò chuyện của Tổng Thống Trump hay không. Nếu có, phải cho họ nghe (việc này đã diễn ra thời ông Nixon bị điều tra). Nhưng dù có nghe băng thấy ông Comey nói đúng, ông Trump vẫn có thể chối! Ông sẽ nói rằng ông không hề đòi hỏi hay đề nghị ông Comey bỏ qua cho ông Flynn. Ông chỉ tỏ ý “hy vọng” ông Flynn được bỏ qua thôi. Theo bản memo mà ông Comey ghi, ông Trump dùng chữ “hope,” nói “I hope you can let this go.” Nói “hy vọng” có thể coi là “yêu cầu,” “ra lệnh,” tức là “ngăn cản tiến hành công lý” hay không? 
Mai mốt, các ủy ban điều tra của Thượng Viện và Hạ Viện có thể tiến hành chậm hơn, sau khi Bộ Tư Pháp chỉ định ông Robert Mueller làm công tố viên độc lập cho vụ quan hệ Trump-Nga. Cả hai đảng đều hoan nghênh ông Mueller, ông Trump bực mình nhưng bó tay! Ông tổng thống không thể ngăn cản thứ trưởng Bộ Tư Pháp điều tra, chứng tỏ nước Mỹ vẫn giữ được nền nếp dân chủ! 
Ví thử các cuộc điều tra đưa tới kết luận rằng Tổng Thống Trump “yêu cầu” muốn ông Comey ngưng theo đuổi vụ ông Flynn và Nga, thì Quốc Hội Mỹ đủ lý do tiến hành thủ tục đàn hạch tổng thống hay chưa? 
Ðến chỗ này thì câu chuyện pháp lý sẽ nhường chỗ cho chính trị. 
Hãy nghe ông Gerald Ford nói: “Một vụ vi phạm có thể coi là ‘đáng đàn hạch’ khi nào đa số dân biểu trong Hạ Viện nghĩ như thế.” Ông Ford từng làm dân biểu nhiều năm, từng điều khiển Hạ Viện, và sau lên làm tổng thống khi ông Nixon từ chức. 
Thủ tục đàn hạch bắt đầu khi Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện mở hồ sơ điều tra. Khi ông Nixon thấy 404 dân biểu bỏ phiếu cho mở hồ sơ, chỉ có 4 người chống, thì ông biết rằng chỉ còn cách từ chức. Trên Thượng Viện cũng không đủ một phần ba nghị sĩ ủng hộ ông. 
Theo tình hình hiện nay thì đa số dân biểu Cộng Hòa trong Hạ Viện không muốn đàn hạch Tổng Thống Trump. Nếu mở cuộc đàn hạch, tấn kịch sẽ diễn ra không biết bao giờ mới ngã ngũ. Cuối cùng không chắc ông Trump sẽ bị đàn hạch, nhưng uy tín của ông sẽ sụp đổ, kéo theo uy tín của cả đảng Cộng Hòa. Sang năm, các dân biểu sẽ bị các cử tri chất vấn về vấn đề này, những người ủng hộ cũng như những người chống ông Trump. Tốt nhất, đừng để chuyện đó xảy ra!
Các dân biểu Cộng Hòa sẽ chỉ đồng ý đem ông Trump ra đàn hạch nếu chính ông tổng thống bị các cử tri trong đơn vị của họ chống kịch liệt. Nhưng hiện giờ, hơn 80% cử tri Cộng Hòa vẫn tin tưởng ông Trump, coi ông là một nạn nhân! Ai chống ông, đầu năm 2018 sẽ bị các ứng cử viên Cộng Hòa khác hỏi tội, chưa chắc sẽ được đảng đưa ra ứng cử! 
Ðàn hạch một tổng thống Mỹ rất khó. 
Các nhà lập quốc Mỹ đã bày ra cho nó khó (quý vị độc giả có thể đọc bài của Lê Phan trong cuối tuần này).. Khi họ đặt ngưỡng cửa 67 trên 100 nghị sĩ đồng ý mới cất chức được vị tổng thống, họ muốn không một đảng nào, dù chiếm đa số, có thể lật đổ vị tổng thống thuộc đảng khác. Vì vậy ông Bill Clinton đã thoát nạn! 
Ðiều số 2, khoản 4 trong Hiến Pháp Mỹ viết: “Tổng thống, phó tổng thống, và các quan chức dân sự trong chính phủ Mỹ có thể bị cách chức vì bị đàn hạch và kết tội vì lý do: phản bội, ăn hối lộ, hoặc các tội lớn, tội nhỏ khác.” 
Hạ Viện sẽ làm công việc đàn hạch (Impeachment) rồi đưa lên cho Thượng Viện kết tội. Nếu đảng Dân Chủ muốn bắt đầu thủ tục đàn hạch ông Trump thì sẽ phải lôi cuốn được ít nhất 23 dân biểu Cộng Hòa theo họ. 
Ở Thượng Viện, muốn có 67 phiếu kết tội, phải chinh phục thêm 14 nghị sĩ Cộng Hòa đồng ý. Chỉ khi nào có bằng chứng hiển nhiên là ông Trump phạm tội tày đình thì số người bỏ chạy chống lại ông mới cao đến thế. 
Khi hai vị tổng thống trước đây bị đàn hạch (Bill Clinton), hoặc đe dọa đàn hạch phải từ chức (Richard Nixon), Quốc Hội đều do đảng đối nghịch kiểm soát. Ông Nixon bị cả các dân biểu Cộng Hòa bỏ rơi vì họ thấy các cử tri của đảng đã chán ông ta rồi. Cho tới nay, ông Trump không lâm vào hoàn cảnh đó. 
Nhưng ông Trump và đảng Cộng Hòa cũng không thể ngủ ngon, nghĩ rằng giông tố sẽ không bao giờ tới! Riêng cuộc điều tra của ông Mueller cũng sẽ thành đám mây mù che phủ tương lai họ trong thời gian dài, không biết kéo dài đến bao giờ. Sang năm khi dân Mỹ đi bầu không biết câu chuyện đã lãng quên chưa! 
Cuộc điều tra này có thể mở màn cho những vụ lôi thôi khác hay không, chưa biết được. Thời 1973, Bộ Tư Pháp chỉ bắt đầu điều tra về một chuyện nhỏ, có thể truy tố người của ông Nixon đặt máy nghe lén đảng Dân Chủ. Ông Nixon phản ứng, câu chuyện xé thành to! Ông Bill Clinton cũng chỉ bị điều tra về một vụ đầu tư khi ông còn làm thống đốc. Bỗng dưng cô Monica xuất hiện, dẫn tới chuyện ông tổng thống bị kết tội khai man với cơ quan tư pháp!
Ông Donald Trump tánh nóng nảy và nói nhiều hơn cả hai vị tiền nhiệm trên! Không ai tiên đoán được ông Trump sẽ còn nói gì, làm gì nữa!