Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Cảnh sát Mỹ rây 1,8 tấn đất tìm bằng chứng về kẻ giết người

Nghi bãi xe là nơi nhóm sát nhân gây án với nữ người mẫu, cho thi thể vào nhiều túi nilon, cảnh sát Mỹ gom 1,8 tấn đất bề mặt để sàng lọc và tìm ra bốn cúc áo của nạn nhân.

22h ngày 27/9/1996 ở trung tâm Illinois, một người đi xe máy nhìn thấy chiếc ôtô đậu ven đường trong tình trạng đèn sáng, nổ máy nhưng không có người. Trong xe, cảnh sát tìm thấy một chiếc ví không có giấy tờ tùy thân. Lần theo biển số, cảnh sát xác nhận chủ xe là David Swann, 34 tuổi, nhân viên của một tờ báo địa phương.
Khi cảnh sát gọi điện đến, David Swann khai rằng hôm đó bạn gái là Karyn Slover đã mượn xe để đón con trai 3 tuổi Christopher từ nhà bố mẹ của chồng cũ.
Tuy vậy, địa điểm tìm thấy chiếc xe lại cách nhà ông bà khoảng 40 dặm, và xe đang đi theo một hướng khác. Cảnh sát nhận định đây có thể là vụ bắt cóc hoặc cướp giữa đường.
Bạn bè của Karyn Slover nói rằng cô vừa được nhận làm người mẫu chính thức, đang rất hào hứng và chuẩn bị chuyển đến nơi ở để bắt đầu công việc mơ ước.
Hai ngày sau, trên hồ Shelbyville cách đó 40 dặm, một người đi thuyền phát hiện ra một túi nilon chứa phần thi thể một cô gái trôi dạt vào bờ. Tìm kiếm ở các khu vực lân cận, cảnh sát tìm thấy những túi nilon tương tự. Nạn nhân được xác định là Karyn Slover.
Những chiếc túi nilon được bịt kín bằng băng dính. Bên trong còn có vô số mẩu bê tông và đá bọt, giống với loại vật liệu được tìm thấy trên thảm chiếc xe Karyn Slover đi vào ngày mất tích.
Theo cảnh sát, hung thủ có ý định sử dụng các mẩu bê tông để làm chìm túi chứa thi thể. Nhưng lượng khí phát ra từ thi thể đã làm túi nổi trở lại lên mặt nước. Tìm kiếm trên các đoạn băng dính, cảnh sát tìm thấy 6 sợi lông chó, ngoài ra không thấy dấu vân tay nào. Nước cũng rửa sạch các dấu vết còn sót lại trên túi.
Khi khám nghiệm tử thi, cảnh sát xác định nguyên nhân tử vong do bị bắn 6 phát vào đầu, có vẻ thủ phạm đã rất tức giận nổ súng, hắn bắn cho đến khi hết băng đạn.
Vị trí 6 viên đạn trên đầu nạn nhân.
Vị trí 6 viên đạn trên đầu nạn nhân.
Cảnh sát tập trung điều tra vào những người quen của nạn nhân. Đầu tiên là Michael - chồng cũ của Karyn Slover - cha của đứa trẻ. Theo lời kể của bạn bè, Karyn từng bị Michael đánh. Cô cũng không có mối quan hệ tốt với gia đình Michael.
Cha mẹ Michael đã trông bé Christopher vào ngày Karyn Slover bị sát hại. Tuy nhiên, Michael lại có bằng chứng ngoại phạm khi đang trong ca trực tại một cửa hàng thực phẩm gần nhà.
Cảnh sát chuyển hướng tập trung sang David Swann - bạn trai mới quen của Karyn Slover. David Swann từng bắn chết một con hươu, sau đó đem về nhà và dùng cưa để cắt nhỏ. Anh ta có một tiền án tù treo và cũng từng phải vào bệnh viện tâm thần điều trị trong quá khứ.
David Swann không có chứng cứ ngoại phạm thuyết phục. Tối hôm đó, anh ta tham gia đám cưới của một người bạn, tuy nhiên đến muộn 45 phút với lý do bận làm một số việc vặt tuy nhiên không nhớ rõ đã làm gì.
FBI Mỹ kết luận rằng với hồ sơ tiểu sử hiện có, David Swann là người có thể thực hiện kiểu giết người man rợ này. Tuy nhiên, cảnh sát không có được một bằng chứng nào đủ căn cứ để có thể xin lệnh lục soát.
Sau nhiều lần thẩm vấn, David Swann vẫn một mực khẳng định mình không dính líu đến cái chết của Karyn Slover.
Sau 6 tháng, cảnh sát quyết định thực hiện phỏng vấn David Swann lần cuối cùng, với hy vọng anh ta sẽ thú tội. Suốt 4 tiếng, cảnh sát tạo rất nhiều áp lực tuy nhiên không nhận được câu trả lời như mong đợi. 
Đến cuối buổi phỏng vấn, David Swann mới sực nhớ ra rằng hôm đó trên đường đến nhà bạn, anh ta có rẽ vào một cây ATM. Cảnh sát lần theo lời khai này, xem lại camera quan sát của cây ATM và thấy David Swann đã ở đó. Vụ án gần như đi vào bế tắc.
Thủ phạm David Swann.
Thủ phạm là chồng cũ của nạn nhân Karyn Slover.
Một lần nữa, cảnh sát kiểm tra kĩ lại hiện trường. Quan sát các hình ảnh chụp lại, họ tìm được dấu vết chứng tỏ rằng có vẻ như một chiếc xe khác cũng có mặt tại hiện trường vào thời điểm chiếc xe của Karyn Slover bị bỏ lại. Có thể có ai khác đã lái xe của Karyn Slover và bỏ lại đó chứ không phải chính nạn nhân. Điều này nghĩa là có thể có nhiều hơn một người tham gia vào vụ án.
Những ai có động cơ giết Karyn Slover?
Điều tra theo hướng này, lần lại tất cả những người thân của Karyn Slover, cảnh sát nhận thấy bố mẹ của Michael không có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng vào chiều hôm đó. Bà Jeannette Slover, 51 tuổi, mẹ của Michael, có mối quan hệ không tốt với Karyn Slover. Bà đặc biệt yêu quý cháu trai 3 tuổi, thậm chí từng trực tiếp cho bú.
Cảnh sát chuyển hướng điều tra sang ông bà Jeannette  Slover. Lục soát nhà gia đình Michael, cảnh sát không tìm thấy bất cứ dấu vết gì còn sót lại. Tuy nhiên, khi xem lại lịch sử cuộc gọi, họ phát hiện ra một điều rất đáng ngờ: Vào ngày cuối của tuần Karyn Slover bị giết, Michael đã gọi cho cha mẹ anh ta 12 lần. Ngoài ra, gia đình Michael cũng sở hữu một bãi đậu xe cũ cách nhà một dặm, theo lời khai của hàng xóm, sau thời gian Karyn Slover bị sát hại, gia đình này đã dọn dẹp, sơn sửa lại nhà kho trong bãi đậu xe.
Để kiểm tra giả thiết, cảnh sát mời Richard Munroe, nhà địa chất học nổi tiếng, tham gia phá án. Ông đã so sánh mẫu bê tông tìm thấy trong túi rác với mẫu bê tông trong bãi đỗ xe cũ của gia đình Michael. Sử dụng kính hiển vi điện tử, tia bức xạ năng lượng cao, Richard Munroe xác định về mặt cấu tạo vật lý cũng như cấu tạo hóa học, hai mẫu bê tông được tìm thấy hoàn toàn giống nhau.
Tìm thêm bằng chứng thuyết phục, ban chuyên án xin thêm người từ lực lượng quân đội để gom lại toàn bộ đất bề mặt bãi đỗ xe rộng 500 m2 của gia đình Michael. Sau vài ngày, đội tình nguyện đã thu gom được 1,8 tấn đất bề mặt.
Chiếc cúc áo được tìm thấy khi rây đất.
Chiếc cúc áo được tìm thấy khi rây đất.
Đội điều tra rây số đất mẫu, và may mắn thay họ đã thực sự mò được “kim” dưới đáy bể. Nhà chức trách tìm thấy hai chiếc cúc mạ đồng, hai chiếc cúc vải giống với những chiếc cúc trên áo và quần mà Karyn Slover mặc hôm đó. Những thí nghiệm trong phòng lab chỉ ra chúng chính xác cùng loại với cúc áo quần của Karyn Slover.
Cuối cùng, bằng chứng quan trọng nhất là 6 sợi lông chó được tìm thấy trong mẩu băng dính. Gần bãi đỗ xe của nhà Michael có hai con chó hoang. Cảnh sát thu thập mẫu lông chó và gửi tới phòng thí nghiệm xác nhận. Đây không phải là một xét nghiệm thường quy ở Mỹ nên trên cả nước chỉ có 3 phòng thí nghiệm làm được việc này.
Kết quả cho thấy mẫu lông chó trên mẩu băng dính hoàn toàn trùng khớp với một trong những chú chó hoang quanh khu vực nhà Michael.
Với những bằng chứng thu thập được, ngày 18/5/2002, sáu năm sau ngày xảy ra vụ án, tòa án kết luận Michael cùng cha mẹ anh ta đã phạm tội giết người cấp độ 1. Mỗi người phải nhận 60 năm tù.
Theo đội điều tra, Karyn Slover bị giết tại bãi đỗ xe cũ khi đến đón con trai vào chiều hôm đó. Gia đình Michael đã cùng nhau phi tang xác chết và dọn sạch hiện trường. Lý do gây án vì gia đình này lo sợ sau khi Karyn Slover chuyển sang nơi ở mới, họ sẽ không còn thường xuyên được gặp cháu trai Christopher.
Đặng Hương (theo Illinoistimes)

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Linh cảm của nhà báo giúp phá vụ án nhân viên sát hại bà chủ

Khi một thi thể không đầu được phát hiện, một nhà báo linh cảm có liên quan vụ án mất tích của "người bị ghét nhất nước Mỹ" nên đề nghị cảnh sát kiểm tra ADN.

Madalyn Murray O’Hair là người theo chủ nghĩa vô thần và “bị ghét” nhất nước Mỹ. Bà trở nên “nổi tiếng” khi năm 1963 công khai phản đối những người cầu nguyện tại một trường công lập. Bà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận “American Atheist” (Tổ chức những người Mỹ vô thần) và một tờ tạp chí rao giảng về sự tách biệt cần có giữa “Nhà nước” và “Nhà thờ”.
Vào tháng 8/1995, Madalyn (70 tuổi) cùng con trai John Murray (40 tuổi) và cháu gái Robin (30 tuổi) đột ngột mất tích cùng số tiền trị giá 600.000 USD trong tổ chức của bà. Các nhân viên của “American Atheist” tìm thấy một mảnh giấy ghi chú để lại trước cửa nhà Madalyn nói rằng gia đình Madalyn được gọi đi có việc gấp và chưa biết thời gian trở về.
Chiếc Mercedes Benz của John và Porsche của Robins cũng không còn đó. Tuy nhiên hộ chiếu, thuốc tiểu đường và ba chú chó của bà Madalynn lại được tìm thấy tại nhà. Cảm thấy bất thường, Ellen Johnson, một thành viên của tổ chức đã gọi điện cho John.
Bà Madalynn có nghe máy tuy nhiên lại không nói nơi mình đang ở. Theo lời kể lại của Johnson, cuộc gọi rất ngắn và khá căng thẳng, cô cảm thấy bà Madalynn và con trai đang bị đe dọa. Sau một tháng, Madalynn và con trai Murray không nhận điện thoại nữa. Khi ngồi họp bàn với tổ chức, họ phát hiện kể từ khi bà mất tích, 600.000 USD tiền quỹ của tổ chức đã bị rút khỏi tài khoản.
Tuy nhiên, không một ai trong tổ chức American Atheist báo với cảnh sát, tới tận một năm sau, Bill Murray – người con trai sống xa gia đình từ lâu - mới trình báo.

Bộ xương được tìm thấy.
Bộ xương được tìm thấy.
Bill và mẹ vốn có mối quan hệ không êm đẹp. Năm 1980, vào ngày của mẹ, Bill đã thông báo mối quan hệ với cô gái tên Christina và tuyên bố sẽ không theo chủ nghĩa vô thần nữa. Anh còn viết một cuốn sách, làm một bộ phim công khai phản đối đức tin của mẹ. Madalyn ngay lập tức tuyên bố từ Bill và kể từ đó Bill không còn nói chuyện với mẹ, em trai và con gái mình.
Ngay cả khi con trai Bill Murray thông báo vụ mất tích, cảnh sát bang Texas cũng tỏ ra khá hờ hững với vụ án. Họ nghĩ rằng Madalynn và con trai John Murray chỉ đơn giản là đã chạy trốn với số tiền lớn và đó là vấn đề nội bộ của tổ chức. Các điều tra cũng cho thấy John Murray đã bán chiếc xe Mercedes Benz của mình với giá 15.000 USD - rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực của chiếc xe cho một người đàn ông tên là Sparrow.
Tuy nhiên, khi được triệu tập phỏng vấn sau một năm kể từ thời điểm mất tích, cảnh sát đã cho người đàn ông này xem ảnh John Murray, anh ta khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là người đã trao đổi xe trực tiếp với anh.  Sau khi được xem ảnh của những người bị cảnh sát nghi ngờ rằng có khả năng giả mạo John Murray, Sparrow xác nhận kẻ mạo danh chính là Danny Fry – một người bị báo mất tích không lâu sau ngày đổi xe.
Khi phỏng vấn gia đình của Danny Fry, họ khai báo với cảnh sát rằng trước đây Danny từng làm việc chung với David Waters – người làm việc cho bà Madalynn. Năm 1993, Madalynn thuê David về làm việc trong văn phòng của mình, tuy nhiên chỉ vài tháng sau, bà ta đã sa thải khi phát hiện ra hắn đã ăn trộm 50.000 USD từ tài khoản của tổ chức American Atheist.
Thủ phạm David Waters.
Thủ phạm David Waters.
David sau đó đã thú tội và trả lại số tiền để tránh bị bắt vào tù. Sau vụ việc, cảm thấy không cam tâm với quyết định của cảnh sát, bà Madalynn đã viết một bài báo đăng trên tạp chí của mình tố cáo David và ám chỉ rằng hắn là kẻ đồng tính. Bạn bè David kể rằng, anh ta đã rất tức giận khi đọc được bài báo này và đã chửi thề rằng sẽ trả thù bà Madalyn.
Ngay lập tức cảnh sát đã gọi điện để phỏng vấn David, không nằm ngoài dự đoán, hắn ta phủ nhận mọi tội trạng liên quan đến vụ mất tích của Danny cũng như gia đình Madalynn.
Cảnh sát phát hiện ra rằng, vào thời điểm gia đình bà Madalynn bị mất tích, có ba kẻ có tiền án tiền sự là David Waters, Danny Fry và Gary Karr đang cùng làm việc gần khu vực Austin, Texas.
Cách thời điểm gia đình Madalynn mất tích không lâu, người ta phát hiện một thi thể mất đầu và mất tay ở song Dallas. Cảnh sát không tìm thấy dấu vân tay, cũng như hồ sơ khám răng của nạn nhân không trùng khớp với bất kì dữ liệu của người mất tích nào trong hệ thống. Các nhà khám nghiệm tử thi kết luận thi thể là của một người đàn ông 35-45 tuổi, có thân hình thô ráp, có nhiều lông ngực. Mô tả đó không trùng khớp với nạn nhân bị báo mất tích John Murray.
Vụ án có thể đã lâm vào bế tắc, nếu không có “sự linh cảm” của McCormick – một phóng viên đã theo sát vụ mất tích của gia đình Madalynn. McCormick báo với cảnh sát rằng, anh ta có linh cảm xác chết được tìm thấy một năm trước đó tại sông Dallas có thể liên quan tới Danny Fry – người đã mạo danh John Murray để bán chiếc ôtô. Khi so sánh mẫu ADN của thi thể với ADN của em trai Danny, cảnh sát xác nhận thi thể mất đầu chính là Danny Fry.
Ngay sau khi thông tin về thi thể Danny Fry được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Patti Steffen – bạn gái cũ của David Waters đã gọi điện cho cảnh sát. Theo tố cáo của Patti, 3 năm trước, David Waters đã thuê một cái kho gần thời điểm gia đình Madalyn bắt đầu biến mất. Patti để ý thấy có một lần David Waters đã vào trong đó với một bình phun rất khả nghi.
Ba nạn nhân của vụ án.
Ba nạn nhân của vụ án.
Cảnh sát đã kiểm tra nhà kho để xác nhận lời khai của Patti. Tại đó, họ tìm thấy bình xịt Patti nhắc tới. Khi được đưa vào phòng thí nghiệm, các nhà hóa học tìm ra rằng bình xịt từng được sử dụng để đựng một loại nước tẩy trắng. Một trong những công dụng của thuốc tẩy này là xóa đi vết máu. Kiểm tra kĩ hiện trường khả nghi, cảnh sát tìm thấy một vết máu rất nhỏ nằm dưới tấm nhôm được dùng làm vách của nhà kho. Vết máu này cực nhỏ, gần như không thể nhìn thấy.
So sánh với máu của em trai Billy Murray, cảnh sát xác nhận vết máu là hỗn hợp máu của 2 người: Madalynn và con trai John Murray – nạn nhân của vụ mất tích. Khi lục soát nhà của David, cảnh sát tìm thấy các tài liệu của bà Madalyn, với ngày ký tên sau ngày David bị đuổi việc. Ngoài ra, họ còn tìm thấy một khẩu súng, một quyển sách bị mất trong thư viện của bà Madalynn và một chiếc cưa tay.
Vài tháng sau khi bị tạm giam, David đã dẫn cảnh sát tới nơi hắn chôn thi thể của gia đình bà Madalynn. Tại đây, cảnh sát đã tìm thấy ba bộ xương còn sót lại của các nạn nhân, hộp sọ và xương tay chân của nạn nhân Danny Fry. Kinh khủng hơn, tất cả thi thể đều không toàn vẹn để tiện cho việc vận chuyển.
Cảnh sát xác định, gia đình Madalyn đã bị giết ngay gần thời điểm Danny giả danh John để bán lại chiếc xe Mercedes của nạn nhân.
Theo lời khai của người bạn gái Patti, David chính là người chủ mưu bắt cóc gia đình Madalyn. Động cơ của hắn không chỉ là tiền mà còn để trả thù cho bài báo phỉ báng của bà Madalyn.
Theo các nhà điều tra, Danny – kẻ tòng phạm trong vụ bắt cóc gia đình Madalyn có thể đã bị giết để "diệt khẩu" sau khi David giết gia đình bà Madalyn. Đáng tiếc cho David, cho đến khi bị bắt, hắn vẫn không có cơ hội tiêu một đồng nào trong số 600.000 USD bị đánh cắp kia. Toàn bộ số tiền vàng vẫn được hắn cất giấu trong chiếc tủ khóa kín tại Boston.
Với tội giết người nghiêm trọng, tòa án xử David Waters 80 năm tù. Vụ án là lời cảnh tỉnh cho những kẻ phạm tội, không hành động sai trái nào là không để lại dấu vết, dù chỉ là vết máu nhỏ còn sót lại sau ba năm.
Đặng Hương (theo theguardian

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Australia truy tố 1 phụ nữ chủ mưu sát hại luật sư gốc Việt

Một phụ nữ 35 tuổi hôm qua bị xét xử tại tòa án Australia với cáo buộc sát hại luật sư Ho Le Dinh hồi tháng một.

Luật sư Ho Le Dinh. Ảnh: Wsfm
Luật sư Ho Le Dinh. Ảnh: Wsfm
Nghi phạm Analosa Ah Keni, xuất hiện tại tòa án Burwood, ngoại ô thành phố Melbourne, bang Victoria, sau khi bị bắt trên một đường cao tốc hôm 8/3, 9News đưa tin.
Ah Keni, một phụ nữ có 4 con và đang mang thai, được cho là đã thuê một tay súng sát hại ông Dinh khi ông đang ngồi uống cafe tại khu Bankstown, ngoại ô thành phố Sydney, hôm 23/1. Nạn nhân tử vong trong vài phút với 3 phát đạn vào lưng trước sự chứng kiến của nhiều người. 
Cáo trạng của tòa án tiết lộ rằng chưa đến một giờ trước vụ nổ súng, Ah Keni đã âm thầm theo dõi, lái xe ngang qua quán cafe ông Dinh ngồi. Nữ nghi phạm cũng bị cáo buộc có mặt tại hiện trường và giao cho hung thủ một chai nước cùng áo khoác màu xanh trước khi y ra tay.
Hình ảnh nghi phạm bắn chết luật sư gốc Việt ở Sydney
 
 
Hình ảnh nghi phạm qua camera an ninh
Sau khi tên này giết ông Dinh, Ah Keni nhận điện thoại, nhanh chóng rời khỏi một cửa hàng và quay ra xe ôtô để chở tay súng tẩu thoát. Khi giới chức khám xét người thân của cô ta gần biên giới bang Victoria 3 ngày sau đó, họ tìm thấy hơn 100.000 AUD, đạn và ma túy. 
Ah Keni đã trốn sang New Zealand và lực lượng hải quan từng phát hiện những bức ảnh chụp một khẩu súng lục trong điện thoại của cô ta tương tự với vũ khí được sử dụng để giết ông Dinh.
Hồi tháng hai, Ah Keni quay lại Australia và bán xe. Cảnh sát tin rằng cô ta đã lên kế hoạch rời khỏi Australia vĩnh viễn. Căn nhà của gia đình nghi phạm này bị bỏ trống và toàn bộ đồ đạc được chuyển lên một container gửi sang New Zealand. 
Ah Keni được cho là đã nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại lên tòa án hôm qua vì gặp vấn đề về mang thai nhưng cảnh sát phản đối.
Vợ con (giữa) và người thân của ông Dinh tại tang lễ. Ảnh: Media Mode
Vợ con (giữa) và người thân của ông Dinh tại tang lễ. Ảnh: Media Mode
Ah Keni bị bắt 3 tuần sau khi tay súng Arthur Kelekolio, 38 tuổi, bị bắt ở sân bay quốc tế Sydney trước khi lên chuyến bay tới Bali, Indonesia. Kelekolio đã ra tòa tháng trước. Luật sư của y không xin bảo lãnh cho thân chủ và phiên tòa tiếp theo xét xử nghi phạm này sẽ diễn ra vào ngày 11/4.
Ông Dinh 65 tuổi, đến Australia vào cuối những năm 1980. Ông nhanh chóng học tiếng Anh, làm một số công việc nhỏ như giao báo trong khi theo học ngành luật và sớm trở nên nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại đây. Ông nói được tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh. Ông có vợ cũng là người Việt và 5 con.
Ông Dinh có nhiều khách hàng liên quan tới tội phạm có tổ chức và các hoạt động phạm pháp khác. Sau khi ông bị sát hại, các thám tử đã điều tra về các khách hàng khả nghi của luật sư này.
Anh Ngọc

Luật sư Australia gốc Việt bị bắn chết tại quán cà phê ở Sydney

Luật sư Le Dinh Hồ bị bắn nhiều viên đạn khi đang ngồi tại một quán cafe tại Sydney trước sự chứng kiến của nhiều người. 

Luật sư gốc Việt bị bắn chết tại quán cafe ở Sydney
 
 
Luật sư Australia gốc Việt Ho Le Dinh đang ngồi uống cà phê với một người bạn sau khu mua sắm Bankstown City Plaza, trung tâm thành phố Sydney, Australia thì bị bắn liên tiếp nhiều phát đạn vào người chiều qua. Cảnh sát gọi đây là "vụ tấn công có chủ đích", ABC đưa tin. 
Cảnh sát nhận dạng kẻ tình nghi "có nước da màu olive và dáng người đậm". Video từ camera giám sát an ninh cho thấy nghi phạm mặc một chiếc áo khoác màu sáng đi bộ qua khu Old Centre Plaza gần đó trước khi nổ súng.
Ông Antonio Diaz, một người dân ở khu Bankstown, kể rằng sau khi nghe thấy tiếng súng, ông trông thấy một người giống với mô tả của cảnh sát chạy trên con phố gần hiện trường rồi lên xe ôtô. Hiện cảnh sát vẫn đang truy lùng hung thủ và chưa biết động cơ của vụ nổ súng. 
Luật sư Australia gốc Việt Ho Le Dinh bị bắn chết tại một quán cafe ở Sydney vào chiều ngày 23/1. Ảnh: AP.
Luật sư Australia gốc Việt Ho Le Dinh bị bắn chết tại một quán cafe ở Sydney vào chiều ngày 23/1. Ảnh: AP.
Vụ sát hại luật sư ngoài 60 tuổi đang làm rúng động cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Sydney. Ông Van Nguyen, một người bạn thân của nạn nhân, cho biết ông vô cùng bàng hoàng khi nghe tin. 
"Ông ấy là một người tốt, giúp đỡ rất nhiều người. Ông ấy không có cha mẹ hoặc anh chị em ở đây", Van Nguyen nói, cho biết luật sư Ho nổi tiếng, chuyên xử lý các vụ án hình sự. 
"Ông ấy có nhiều khách hàng liên quan đến tội phạm có tổ chức và các hoạt động phạm pháp khác. Chắc chắn chúng tôi sẽ điều tra hướng vào nghề nghiệp của nạn nhân", Scott Cook, trưởng đội án mạng ở New South Wales, phát biểu tại họp báo. 
Một nhân chứng có mặt tại cửa hàng bánh mì gần hiện trường nhìn thấy luật sư Ho nằm trên một vũng máu ngay sau các phát súng và hàng chục người đang ngồi uống cà phê la hét, chạy tháo thân. 
"Ông ấy nằm trên mặt đất chảy rất nhiều máu. Một người phụ nữ cố gắng hô hấp nhân tạo để cứu ông ấy. Khoảng 10 phút sau đó thì cảnh sát tới", nhân chứng nói. 
An Hồng

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

LÀM CÔNG HÀM ĐỘC THÂN TẠI MỸ

Công dân Mỹ và thường trú nhân đều có thể làm bộ công hàm độc thân tại Mỹ. Giấy tờ cần thiết gởi đến Lãnh sự quán Việt Nam để hợp pháp hóa trước khi mang về Việt Nam làm thủ tục kết hôn bao gồm:
1. Tuyên thệ độc thân (Affidavit of Single Status): Phải được Công chứng viên (Notary Public) tại địa phương chứng thực chữ ký của đương sự và Đổng lý văn phòng tiểu bang (State- Level Secretary of State) xác nhận chữ ký và thẩm quyền của Công chứng viên.
2. Giấy chứng nhận chưa kết hôn (Certificate of Non-marriage/Certificate of No Record): Do Lục sự quận (County Clerk) hoặc cơ quan tương đương của địa phương Hoa Kỳ cấp: chứng nhận đương sự không có vợ/chồng bắt đầu từ khi đủ tuổi kết hôn (nam 20, nữ 18) hoặc từ khi ly hôn hoặc khi vợ/chồng chết cho tới nay.
3. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Tổng Lãnh sự quán cấp (theo Thông tư số 22/2013/TT-BTP, hiệu lực từ ngày 17/02/2014) nhằm chứng nhận người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa từng đăng ký kết hôn tại Tổng Lãnh sự quán.
4. Tờ khai đăng ký kết hôn (Application for Marriage Registration)
5. Lý lịch cá nhân (Biographic Information Sheet)
6. Giấy xác nhận sức khỏe của bác sĩ hoặc tổ chức y tế có thẩm quyền cấp, xác nhận hiện tại đương sự không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Chữ ký của bác sỹ phải được Công chứng viên chứng thực và Đổng lý văn phòng tiểu bang xác nhận chữ ký và thẩm quyền của Công chứng viên (Pre-marital Examination of Mental Health).
7. Bản xác nhận không cản trở kết hôn, được Công chứng viên chứng nhận.
8. Bản sao hộ chiếu (Passport) hoặc Thẻ xanh (Green card) được Công chứng viên chứng nhận.
9. Phán quyết ly hôn của tòa án (đối với người đã ly hôn): Phải có chứng thực của Lục sự tòa (Court Clerk) hoặc Thẩm phán (Judge) và xác nhận của Đổng lý văn phòng tiểu bang nơi có tòa án đó (đối với con dấu, chữ ký và thẩm quyền của Lục sự tòa hoặc Thẩm phán).
10. Bản sao giấy chứng tử (nếu vợ hoặc chồng đã chết): Phải có xác nhận của Hộ tịch viên/Lục sự...và xác nhận của Đổng lý văn phòng tiểu bang (đối với con dẫu, chữ ký và thẩm quyền của Hộ tịch viên/ Lục sự...).
11. Giấy ủy quyền: Nếu chưa thể về Việt Nam nộp hồ sơ và để tránh mất thời gian chờ đợi ngày ký giấy đăng ký kết hôn tại Việt Nam, quý vị vị cần làm giấy ủy quyền cho vị hôn thê/hôn phu ở Việt Nam thay mặt mình nộp các giấy tờ xin đăng ký kết hôn tại Phòng Tư pháp quận/huyện ở Việt Nam. Giấy này phải được Công chứng viên công chứng và Đổng lý văn phòng tiểu bang xác nhận.
Thời gian cần thiết để thu thập giấy tờ và hợp thức hóa bộ công hàm độc thân khoảng 1 tháng. Tuy nhiên để tránh mất thời gian vì những sai xót có thể xảy ra, quý vị nên liên hệ với văn phòng chúng tôi 2 tháng trước khi quý vị về Việt Nam đối với trường hợp kết hôn lần đầu. 3 tháng đối với trường hợp đã từng ly hôn.
(Nguồn: ditrumy.com)

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

CP Mỹ bắt người gốc Việt sát hại và đốt nhà bạn gái cũ

Bill Son Nguyen bị cáo buộc sát hại bạn gái cũ và đốt nhà của bà này trước khi tấn công một phụ nữ khác ở gần đó. 

Nghi phạm Bill Son Nguyen. Ảnh: WFAA
Nghi phạm Bill Son Nguyen. Ảnh: WFAA
NBC đưa tin Bill Son Nguyen, 47 tuổi, mới chia tay bạn gái là Chi Pham gần đây. Hai người từng làm việc cùng nhau tại một tiệm nail ở thành phố Grand Prairie, bang Texas.
Hôm 9/3, Nguyen được cho là đến nhà Pham và sát hại cô rồi phóng hỏa đốt nhà. Sau đó, y lái xe đến tiệm nail cách vài phố. Y chĩa súng vào một phụ nữ ở bên trong trước khi tiếp tục đốt cửa hàng này. 
Một người đàn ông tại hiện trường đã dũng cảm dùng súng khống chế Nguyen cho đến khi cảnh sát có mặt và bắt giữ kẻ tấn công. Cảnh sát địa phương ca ngợi hành động trên đã cứu sống nhiều tính mạng.
Ngôi nhà của Chi Pham sau khi bị Bill Son Nguyen phóng hỏa. Ảnh: WFAA
Ngôi nhà của Chi Pham sau khi bị Bill Son Nguyen phóng hỏa. Ảnh: WFAA
Chi Pham là mẹ đơn thân có hai con. Cô cũng nuôi ba đứa cháu là con của chị gái đã qua đời vì bệnh ung thư. Các con của Pham hiện được giao cho mẹ cô chăm sóc.
"Cô ấy là người rất tốt và chăm chỉ. Tôi không thể tin được điều đó lại xảy ra", Lan Vo, bạn của nạn nhân, nói. "Khi tôi gọi điện tới, tôi chỉ nghe tiếng lũ trẻ đang khóc. Thật khủng khiếp".
Nguyen bị buộc tội giết người, tấn công và phóng hỏa.
Anh Ngọc

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Luật sư gốc Việt ở Mỹ: 'Người bị giam có thể xin lại thẻ xanh'

Luật sư Tania Pham đánh giá những người Việt bị giam chờ trục xuất có cơ hội xin lại thẻ xanh nếu họ được thả.

Ông Tung Nguyen, một người bị nhận lệnh trục xuất khỏi Mỹ. Ảnh: ORC.
Ông Tung Nguyen, một người bị nhận lệnh trục xuất khỏi Mỹ. Ảnh: ORC.
"Việc xin lại thẻ xanh là khó khăn nhưng vẫn khả thi", luật sư Pham, Văn phòng Luật sư Tania T. Pham, ở bang California, trao đổi với VnExpress ngày 7/3 qua điện thoại.
Bà Pham đang hỗ trợ khoảng 40 người Việt bị chính quyền Mỹ giam từ tháng 10 năm ngoái trong khi chờ bị trục xuất. Gia đình những người này đã liên lạc với bà Pham để nhờ giúp đỡ vì bà là luật sư chuyên về nhập cư. Người Việt bị giam đến từ nhiều bang khác nhau như California, Texas, Florida, Louisiana, Georgia, Pennsylvania, Colorado. Cơ quan quản lý Di trú và hải quan Mỹ (ICE) từ tháng 3/2017 đã mở chiến dịch truy bắt những những người Việt tị nạn từng phạm tội và bị kết án ở Mỹ. Theo thống kê, ICE năm ngoái bắt giữ 71 người nhập cư gốc Việt và 35 trường hợp khác vào năm 2016. 
Theo luật sư Pham, nhiều người Việt bị trục xuất muốn mở lại hồ sơ di trú để xin lại thẻ xanh, nhưng vấn đề là họ đang bị giam nên khó tập hợp giấy tờ. 
"Với nhiều trường hợp, luật của tiểu bang đã thay đổi kể từ khi họ bị trục xuất. Do đó họ có thể xin lại quyền cư trú ở Mỹ", bà Pham nói.
Hướng giải quyết của luật sư Pham là giúp người Việt bị trục xuất có cơ hội ở lại Mỹ, hầu hết họ không muốn về Việt Nam do không còn người thân nào ở đó. Họ đang có công việc và gia đình ở Mỹ và hiện không có hành vi phạm tội nào. Luật sư Pham cho hay có những người bị bắt khi đang ở nơi làm việc hoặc ở nhà, bà cho rằng việc bắt giam những người Việt này là phi lý và thiếu nhân đạo.
Sau khi trao đổi với các quan chức ICE, bà Pham nhận được phản hồi là những người Việt bị giam sẽ được thả nếu như phía Việt Nam trả lời "không cấp giấy tờ cho phép họ về Việt Nam". Tuy nhiên, bà Pham hiện chưa kết nối được với cơ quan chức năng phụ trách vấn đề lãnh sự của Việt Nam. Những người có lệnh trục xuất có thể bị giam đến 180 ngày, căn cứ theo luật Mỹ.
"Tôi vẫn đang xúc tiến liên lạc với nhà chức trách Việt Nam", bà nói. 
Bên cạnh đó, bà Pham cũng liên lạc để trao đổi với một số luật sư gốc Việt khác ở Mỹ, với Tổ chức Tư Pháp Người Mỹ Gốc Á (Asian Americans Advancing Justice – Asian Law Caucus) và một số tổ chức tình nguyện.
Theo AP, Cục điều tra dân số Mỹ ước tính có khoảng 1,3 triệu người Việt nhập cư sống tại Mỹ. Trong số này, có tới 10.000 người Việt nhập cư nhận lệnh trục xuất, nhiều trường hợp là vì mất "thẻ xanh" do từng bị kết án, các luật sư cho biết. Những người rời khỏi Việt Nam trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai quốc gia nối lại quan hệ ngoại giao, cũng thuộc nhóm bị bắt giữ.
Việt Anh

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Tình cảnh bị chia cắt của những gia đình Việt nhập cư ở Mỹ - Tin VNEXPRESS

Thấy con gái 5 tháng vừa khóc vừa đập cửa sổ, ở bên kia lớp kính, anh Dy cố áp tay lại gần, dỗ dành 'Bố đây, bố yêu con'.

Tại phòng thăm nuôi ở trại giam Stewart, vùng hẻo lánh của tiểu bang Georgia, ông bố 31 tuổi ấn mạnh bàn tay mình vào cửa sổ để có thể tới gần con nhất có thể, trong khi em bé hầu như không thể nghe được tiếng của anh.
"Bé muốn được bố bế nhưng hai bố con bị ngăn cách bởi lớp kính", Tammy Nguyen, mẹ bé Chari nhớ lại. Hôm đó là vào tháng 11/2017, chị đã lái xe 3 tiếng tới thăm chồng. "Tôi cố gắng đặt tay Chari tới chỗ tay bố bé để anh ấy có thể cảm nhận được sự gần gũi với con", Tammy nói.
Bốn tháng sau, Dy vẫn bị giam và không biết tới khi nào mới được thả. Anh là một trong số hàng nghìn người Việt Nam ở Mỹ đang có nguy cơ bị trục xuất bởi chính sách thắt chặt nhập cư của Tổng thống Donald Trump. 
Tammy Nguyen cùng con gái và chồng những ngày còn bên nhau. Anh Dy, chồng cô, đang bị bắt giam và đối mặt với lệnh trục xuất về Việt Nam vì từng chịu án tù vì tội ăn trộm. Ảnh: Theguardian.
Tammy Nguyen cùng con gái và chồng những ngày còn bên nhau. Anh Dy, chồng cô, đang bị bắt giam và đối mặt với lệnh trục xuất về Việt Nam vì từng chịu án tù. Ảnh: Theguardian.
Văn phòng tư vấn pháp lý người Mỹ gốc Á - nhóm đại diện cho Dy tại tòa, đã kiện chính phủ Mỹ về việc giam giữ những người nhập cư Việt Nam và đe dọa trục xuất họ trở về đất nước mà nhiều người trong số đó không hề biết tới.
"Sự thay đổi trong chính sách quá đột ngột và thực sự quật ngã nhiều người trong cộng đồng này", Phi Nguyen, người đứng đầu tổ chức tư vấn pháp lý cho người Mỹ gốc Á ở Atlanta (thủ phủ bang Georgia) nói. 
Theo một thỏa thuận giữa hai nước, người tị nạn không bị trục xuất quay lại Việt Nam nếu họ đến Mỹ trước 1995. Trước khi Trump nắm quyền, điều đó có nghĩa là những người tị nạn đã định cư chính thức lâu dài nếu có tiền án thì sẽ không bị giam giữ vô thời hạn, chịu lệnh trục xuất, mà chỉ bị giám sát sau khi chịu án phạt. 
Tuy nhiên, từ tháng 3/2017, Cơ quan thực thi Di trú và Hải Quan Mỹ (ICE) bắt đầu bắt giữ những người tị nạn Việt Nam, đe dọa trục xuất họ. Vụ kiện tập thể lần này nhằm bảo vệ cho tất cả người Việt đến Mỹ trước năm 1995, đang đối mặt với lệnh trục xuất và bị ICE giam giữ hơn 90 ngày. Theo các luật sư, có gần 40 người tị nạn thuộc trường hợp này và khoảng một nửa trong số họ đã bị giam hơn 6 tháng.
Người phát ngôn ICE, Brendan Raedy,  nói với Guardian rằng hơn 8.600 người  Việt đang nhận lệnh trục xuất "cuối cùng" và hơn 7.800 người trong số đó có tiền án.
Phi Nguyen, Văn phòng tư vấn pháp lý người Mỹ gốc Á, đang trả lời truyền thông trong một cuộc họp báo liên quan tới vụ khởi kiện chính quyền Mỹ giam giữ vô thời hạn người nhập cư Việt Nam. Ảnh: Firenews.
Phi Nguyen, Văn phòng tư vấn pháp lý người Mỹ gốc Á, đang trả lời truyền thông trong một cuộc họp báo liên quan tới vụ khởi kiện người nhập cư Việt bị giam giữ không rõ thời hạn. Ảnh: Firenews.
"Bạn không thể đối xử với con người như thế này", Lisa Dotson, em gái của Hoang Trinh, 41 tuổi, một người Việt đến Mỹ khi mới 4 tuổi và bị bắt giam từ mùa hè năm ngoái, nói. "Chia rẽ gia đình và khiến các thành viên phải xa cách là điều quá khắc nghiệt. Điều này chẳng tốt cho ai hết".
Gia đình anh Trinh đã tạo dựng được một tiệm bánh tại California sau khi rời khỏi Việt Nam. Anh có hai con tuổi teen và không còn người thân nào ở Việt Nam. Anh đang đối mặt với lệnh trục xuất vì từng ngồi tù một năm vì tội buôn bán chất gây nghiện.
Trinh kể với em gái và luật sư rằng anh bị giam trong một ô nhỏ suốt 23 tiếng một ngày. "Bạn sẽ phát điên nếu ở đó lâu", chị Dotson bức xúc. "Anh ấy đã bỏ lỡ nhiều cột mốc lớn và không được chứng kiến lễ tốt nghiệp trung học của con gái. Thật kinh khủng khi nghĩ tới việc liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh tôi bị trục xuất", người em chia sẻ. 
Dy Nguyen rời khỏi Việt Nam khi 3 tuổi, là kỹ thuật viên lắp đặt hệ thống an ninh trước khi bị bắt giam. Anh đối mặt với lệnh trục xuất vì một vụ trộm năm 2010. Vợ anh, Tammy, kể chồng mình đã chịu án phạt và thay đổi - trở thành một người hoạt động tích cực tại nhà thờ và các nhóm trẻ. Anh tham gia các buổi nói chuyện về quá khứ sai lầm của bản thân để giúp những người khác tránh vết xe đổ"Ai cũng xứng đáng có cơ hội thứ hai. Anh ấy giờ là một người đàn ông hoàn toàn khác", người vợ 31 tuổi nói. Cô từ Việt Nam sang Mỹ khi 7 tuổi và đang làm y tá.
Tammy cho biết, nhân viên của ICE đã xuất hiện tại nhà họ hồi tháng 11 và ban đầu chỉ đưa anh đi vì một vấn đề giấy tờ nhỏ. Các nhân viên này yêu cầu Tammy mang cho chồng vài đôi tất, một số vật dụng cá nhân và bảo Dy - khi ấy đang bế con, rằng hãy trao con cho vợ. "Thành thật mà nói, tôi cảm thấy như nhận án tử nếu anh ấy bị trục xuất", cô bộc bạch. 
Hiện tại, Dy bị chuyển tới một trại giam xa hơn khiến vợ anh không thể tự lái xe đưa con gái đến thăm bố nữa. Bây giờ, họ trò chuyện với nhau qua cuộc gọi video - phương tiện ngày càng phổ biến trong các trại giam và nhà tù Mỹ. Chari bò đến chiếc máy tính nơi cô bé nghe thấy tiếng bố, rồi đập vào bàn phím. "Con bé rất phấn khích mỗi lần nhìn thấy bố", Tammy kể. Con không khóc giống như hồi đến thăm bố ở trại giam. Cô bé giờ 9 tháng và đã quen với việc nhìn thấy cha trên màn hình máy tính.
Người phát ngôn của ICE cho biết họ đã trục xuất 71 người Việt trong năm 2017, gấp đôi con số năm 2016.
Vương Linh