Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Trách Nhiệm Khi Co-Sign Hồ Sơ Bảo Trợ Tài Chánh

Disclaimer: bài viết này chỉ cung cấp thông tin chung và không nhằm tư vấn cho một cá nhân nào. Mọi thắc mắc xin liên lạc luật sư Nguyễn Lê Thiên Trang tại (713)789-8010 hoặc email: Info@PhamNguyenLaw.com

Hầu hết trong những hồ sơ bảo lãnh thân nhân hoặc di dân theo diện việc làm sang Hoa Kỳ, một trong những điều kiện cần thiết đó là người bảo lãnh phải bảo trợ tài chánh để chứng minh rằng người được bảo lãnh sẽ không thành gánh nặng của xã hội khi di dân đến Hoa Kỳ. Thông thường, người làm đơn bảo trợ chứng minh rằng mình có đủ nguồn thu nhập và tài sản để bảo trợ cho người được bảo lãnh. Bộ đơn bảo trợ tài chánh là một khế ước giữa người ký giấy bảo trợ và chính quyền Hoa Kỳ. Trong nhiều trường hợp người bảo lãnh không đủ income, việc một người đứng ra "co-sign" (hay còn gọi là "Joint sponsor") là cần thiết.

Người ký đơn bảo trợ thông thường phải từ 18 tuổi trở lên và là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Để hội đủ điều kiện, người bảo trợ phải chứng minh nguồn tài chánh (thu nhập, tài sản) phải ít nhất 125% Federal poverty guideline cho mỗi gia đình. Tùy theo tổng cộng thành viên trong mỗi gia đình, con số này thay đổi khác nhau (xem bản guideline dưới đây*). Số người trong mỗi gia đình bao gồm người bảo lãnh, vợ/chồng, con cái dưới 21 tuổi hoặc người được list là "dependent" trong hồ sơ khai thuế (ví dụ như bố mẹ, ông bà, cháu, v.v.), cùng với số người đươc bảo lãnh.

Luật Sư Nguyễn Lê Thiên Trang
Trong những trường hợp người bảo lãnh không đủ income, một người có thể đứng ra "co-sign" (hay còn gọi là "Joint sponsor"). Người "joint sponsor" này không nhất thiết phải có quan hệ bà con với người bảo lãnh hoặc người được bảo lãnh. Một điều đáng chú ý là, dù cho có người đứng ra "co-sign", người nộp đơn bảo lãnh vẫn phải chịu trách nhiệm về tài chánh song song với người joint sponsor. Theo bộ luật di dân và nhập tịch, trách nhiệm này sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi một trong bốn trường hợp sau đây xảy ra:

1) Người được bảo lãnh trở thành công dân Mỹ;

2) Người được bảo lãnh đã đi làm và đóng thuế đủ 40 quarters (thông thường tương đương với 10 năm làm việc tại Mỹ);

3) Người được bảo lãnh qua đời; hoặc

4) Người được bảo lãnh bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ.

Trong những trường hợp người bảo lãnh ký hồ sơ bảo trợ, việc li dị không có nghĩa người bảo lãnh sẽ hết trách nhiệm với chính quyền Hoa Kỳ về vấn đề tài chánh. Như vậy, nếu người vợ/chồng cũ trở thành gánh nặng cho xã hội Mỹ, chính phủ có thể yêu cầu người bảo trợ bồi thường số tiền mà người được bảo lãnh đã nhận. Tương tự, trong những trường hợp người

được bảo lãnh đã li dị, người "joint sponsor" không thể "rút đơn" vì không còn muốn "giúp" nữa vì quý vị vẫn còn sự ràng buột với chính phủ Hoa Kỳ ngay từ khi ký bản "hợp đồng" bảo trợ tài chánh.

Trong những hồ sơ bảo lãnh mà chẳng may người bảo lãnh đã qua đời, một người khác có thể đứng ra bảo trợ về tài chánh thế (substitute sponsor). Người "bảo lãnh thế' phải có quan hệ với người được bảo lãnh như: vợ/chồng, bố/mẹ, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, anh chị em, con cái, anh rể, chị dâu, ông bà nội/ngoại, cháu nội/ ngoại, v.v...

Hồ sơ bảo trợ tài chánh bao gồm copy federal tax returns của 3 năm cuối, thơ xác nhận việc làm, bằng chứng tiền lương, giấy tờ chứng minh tài sản (nhà, xe, bank statements, đất đai.v.v.) và những giấy tờ khác như giấy quốc tịch/thẻ xanh, bằng lái xe, thẻ an ninh xã hội, v.v. Mội điều cũng không kém quan trọng là người đồng bảo trợ có trách nhiệm thong báo với sở Di Trú nếu có sự thay đổi chổ ở để tránh bị phạt về vấn đề dân sự.

Khi đứng ra giúp đỡ cho bạn bè hoặc người thân, quý vị nên cân nhắc vì ngoài việc những thông tin cá nhân (ngày sanh, số an ninh xã hội và những thông tin cá nhân khác) bị tiết lộ, trách nhiệm của người bảo trợ có thể kéo dài ít nhất từ 3-10 năm, chưa kể có lúc phải bị "bồi thường" lại cho chính phủ Hoa Kỳ những lợi ích mà người đươc bảo lãnh đã nhận đươc từ trợ cấp xã hội.

Dĩ nhiên, những ai may mắn được đến Hoa Kỳ trước và có nguồn thu nhập ổn định cũng nên trợ giúp cho những người kém may mắn hơn mình. Việc quyết định đứng ra bảo trợ, hay đồng bảo trợ, cần sự cân nhắc giữa quan hệ của quý vị và "uy tín", cùng với niềm tin trước khi ký tên vào bản "hợp đồng" này, vì "bút sa là...gà chết", bạn nhé!

*2012 HHS Poverty Guidelines

Số người trong gia đình 125% of HHS Poverty Guidelines
(thu nhập của người bảo trợ phải ít nhất là)
2 $18,912.00
3 $23,862.00
4 $28,812.00
5 $33,762.00
6 $38,712.00
7 $43,662.00
8 $48,612.00 (Cộng thêm $4,950 cho mỗi người).