Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Nét Đặc Trưng của Công Lý Hoa Kỳ: Tha Lầm Hơn Phạt Lầm


Tom Huỳnh, J.D.T.Huynh@1stcounsel.com



Bản hiếp pháp của Hoa Kỳ, mà chính yếu là mười Tu Chính Án đầu tiên, còn được gọi là Bản Văn về Các Quyền (Bill of Rights), bảo đảm cho người dân được hưởng những quyền rất đặc biệt, trong đó có phần được bảo vệ sự công bằng khi bị truy tố về hình sự. Các điều quy định bởi hiến pháp đã tạo thành một vài yếu tố mang tính chất “kỹ thuật” rất quan trọng liên quan đến các thủ tục bắt giữ, thẩm vấn và xét xử nghi can mà cảnh sát và quan tòa phải tuân theo. Bởi đó, thỉnh thoảng vẫn có những người bị bắt vì phạm luật hình sự với đầy đủ chứng cớ nhưng vẫn được tòa án trả tự do, mà nguyên nhân là vì cảnh sát hay tòa án đã vấp phải trục trặc có tính cách “kỹ thuật” trong tiến trình truy tố nghi can.

Vấn đề Lục Soát và Tịch Thu Tang Vật
Tại Hoa Kỳ, cảnh sát không thể tùy tiện lục soát hoặc tịch thu tài sản của dân chúng, bởi hành động này vi phạm Tu Chính Án thứ Tư, bảo đảm cho người dân không thể bị lục soát và tịch thu tài sản một cách không hợp lý.

Từ căn bản của Tu Chính Án Thứ Tư, cảnh sát phải có trát tòa khi bắt giữ người, hoặc phải có yếu tố nghi ngờ một cách hợp lý rằng người đó đã vi phạm một tội đại hình. Đối với người vi phạm tội tiểu hình, cảnh sát phải tận mắt chứng kiến hành động vi phạm thì mới có quyền bắt giữ nghi can, nếu không có trát tòa. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp để bảo vệ sự an toàn cho công chúng, cảnh sát cũng cần phải xin trát tòa mới có quyền vào nhà riêng của dân để bắt người hay để lục soát. Trát tòa cũng phải ghi rõ nơi được phép lục soát, và các thứ tang vật được phép tịch thu.

Để thâu thập chứng cớ cho việc truy tố nghi can, cảnh sát thường phải lục soát nhà hay đồ vật do nghi can sở hữu. Tất cả các cuộc lục soát đó đều phải theo quy định của Tu Chính Án Thứ Tư giới hạn các hình thức lục soát người, nhà, giấy tờ và các vật tư hữu. Trên nguyên tắc, người dân được quyền có sự riêng tư một cách hợp lý trong nhà riêng của mình, và có quyền từ chối không đồng ý cho cảnh sát lục soát nhà nếu không có trát tòa. Nếu cảnh sát vào nhà lục soát và tịch thu tang vật mà không có trát tòa theo luật định, mọi thứ tìm thấy trong cuộc lục soát đó sẽ không thể được dùng làm bằng chứng trước tòa. Từ đó có thể dẫn đến việc phải trả tự do cho nghi can dầu rõ ràng đã phạm tội.

Quyền Giữ Im Lặng của Nghi Can
Với kinh nghiệm điều tra, cảnh sát khi thẩm vấn một nghi can sẽ nêu ra những câu hỏi với hy vọng người này tự thú và nhận tội cho xong việc. Nhiều nghi can vì không biết luật, hay bởi những lý do khác nhau, thường vô tình có vài câu trả lời mà cảnh sát có thể dựa vào đó để làm bằng chứng kết tội đương sự. Tuy nhiên, Tu Chính Án thứ Năm bảo đảm rằng trong mọi vụ hình sự, không ai “có thể bị buộc trở thành nhân chứng chống lại chính mình.” Điều này có nghĩa rằng người bị tình nghi vi phạm hình sự có quyền giữ im lặng và không cần phải trả lời các câu hỏi của cảnh sát khi bị thẩm vấn.

Quyền Được Luật Sư Biện Hộ
Tu Chính Án thứ Sáu quy định trong mọi vụ truy tố hình sự, nghi can có quyền được sự trợ giúp của luật sư trong việc biện hộ cho mình. Nếu nghi can không có khả năng tài chánh để tự mướn luật sư, tòa án bắt buộc phải chỉ định luật sư biện hộ miễn phí cho nghi can. Tuy nhiên, quyền có luật sư biện hộ miễn phí chỉ áp dụng cho nghi can trong các vi phạm có thể lãnh án tù nếu bị kết tội. Quyền có luật sư do Tu Chính Án thứ Sáu đề ra phải được áp dụng ngay trong giai đoạn bắt đầu thẩm vấn nghi can. Điều này rất quan trọng để bảo vệ nghi can tránh những lời khai, tự thú, hay nhận tội vì không hiểu rõ luật pháp.

Nhờ vào Tu Chính Án thứ Năm và thứ Sáu, nghi can bị thẩm vấn có quyền không trả lời các câu hỏi của điều tra viên trước khi tham khảo ý kiến với luật sư.

Cảnh Báo Miranda (Miranda Warnings)
Từ sau án lệ Miranda v. Arizona ra đời năm 1966, cảnh sát trước khi muốn thẩm vấn nghi can bị câu lưu, bắt buộc phải thông báo cho đương sự các điều sau đây, được gọi là “Những Cảnh Báo Miranda” (Miranda Warnings):

1. Nghi can có quyền giữ im lặng;
2. Những gì nghi can nói ra có thể dùng làm chứng cớ khi ra tòa;
3. Nghi can có quyền được gặp luật sư; và
4. Tòa án sẽ cung cấp luật sư, nếu nghi can không có khả năng tự mướn luật sư.
Sau khi được cảnh sát thông báo các quyền theo luật định, nếu nghi can cho biết ý định không muốn trả lời các câu hỏi của cảnh sát, cuộc thẩm vấn phải được chấm dứt. Nếu nghi can yêu cầu được có luật sư, cuộc thẩm vấn cũng phải tạm ngưng cho đến khi có sự hiện diện của luật sư.

Nhờ vào án lệ Miranda, cảnh sát có thể làm việc với cung cách chuyên nghiệp, và các kỹ thuật thẩm vấn cũng trở nên hoàn hảo hơn. Chỉ có những lời khai hay nhận tội một cách tự nguyện của nghi can sau khi cảnh sát đã thông báo rõ ràng các quyền của đương sự theo đúng luật định, thì mới có giá trị trước tòa án. Ngày nay, để tránh sơ xuất có thể cản trở tiến trình điều tra và truy tố nghi can, cảnh sát thường dùng các kỹ thuật tân tiến để thâu hình và ghi âm đầy đủ từ giai đoạn bắt giữ cho đến việc thẩm vấn nghi can.

Quyền Được Xét Xử Nhanh Chóng và Công Khai
Sau khi nhà chức trách cảm thấy có đủ chứng cớ để truy tố nghi can, Tu Chính Án thứ Sáu cũng quy định nghi can phải được xét xử một cách nhanh chóng bởi một bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa công khai, và nghi can có quyền đối chất với các nhân chứng. Nếu nội vụ không được xét xử nhanh chóng mà sự trì hoãn không phải từ phía nghi can, mọi cáo buộc sẽ tự động được bãi bỏ, và phải trả tự do cho nghi can.

Tóm lại, mặc dầu nền công lý Hoa Kỳ chưa phải thật sự hoàn hảo và người dân nghèo vẫn thường gặp bất công nơi tòa án, nhưng nhìn chung thì không thể phủ nhận quốc gia này là nơi mà quyền căn bản của con người rất được tôn trọng. Một người bị truy tố hình sự vẫn được xem là vô tội cho đến khi bị kết án bởi bồi thẩm đoàn tại tòa án. Nhà chức trách không thể cầm giữ tánh mạng, tự do hay tài sản của bất cứ ai mà không theo các tiến trình quy định bởi luật pháp. Và trong khuôn khổ các quy định của Bản Hiếp Pháp, luật hình sự Hoa Kỳ rõ ràng được soạn thảo với chủ trương thà rằng thả lầm một kẻ có tội, hơn là kết án một người vô tội.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tố cáo ẩu tả, hai thanh niên nam nữ gốc Việt bị truy tố ở Mỹ

Tin MN News - Hai anh em họ tên là Đoàn Hồng Ngọc và Nguyễn Ngọc Long, đều 23 tuổi, đã bị truy tố vì đã tố cáo một cách sai trái gia đình đã cưu mang họ là “buôn người và bốc lột lao động”. Gia đình này là bà con của họ ở Hoa Kỳ
Cả hai hiện nay đang sinh sống ở Minnesota. Họ đã khai với các nhân viên điều tra liên bang và tiểu bang là “một gia đình ở Pennington trong hơn 2 năm đã tịch thâu thông hành của họ khi họ mới đến Mỹ và từ đó đày đọa họ như nô lệ”(?)
Họ khai gia đình này đã “giàn xếp cho họ đến Mỹ bằng thông hành sinh viên vào năm 2007 và họ có thể đi học đại học ở Seattle. Họ nói tưởng đâu ở với cặp vợ chồng cư dân New Jersey này có 1 tháng”
Nhưng theo cả hai, “họ đã phải ở lại và làm việc trong salon về nail của gia đình này, không được phép ra đi, đã vậy còn không được trả đồng lương nào”.

Hai anh em họ này đã báo cho gia đình họ ở VN. Sau đó hai anh em thu xếp về Minnesota sống và gia đình họ tiếp xúc với một công ty của người Việt ở tiểu bang này và nhờ công ty luật này kiện ra tòa.
Các nhân viên liên bang đã liên lạc với cơ quan điều tra hình sự liên bang để vào cuộc. Hai anh em người Việt nhất định khai như thế đến ngày 17 tháng 5 năm 2012.
Ngày đó họ phải ra tuyên thệ trước một đại bồi thẩm đoàn để chống lại cặp vợ chồng VN ở Pennington. Thế nhưng cả hai đã xin rút lại lời tố cáo và thú nhận họ “đã chế tạo câu chuyện của mình”
Giờ đây người ta mới vỡ lẻ ra là “hai anh em gốc Việt này tuy đến Mỹ bằng visa sinh viên nhưng chả bao giờ muốn đi học mà chỉ muốn đi làm kiếm tiền. Họ đã sống và làm việc cho cặp vợ chồng ở Pennington hơn 1 năm, được trả lương đàng hoàng”.

Họ đối diện với các bản án 18 tháng tù và 10,000 đô la tiền phạt. Giờ đây ngoài tội khai gian họ còn bị khó khăn là cư dân bất hợp pháp ở Mỹ nữa.
(Tin  N.J.com)

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

MỘT NGƯỜI VN BỊ KẾT ÁN TRONG VỤ CƯỚP XE Ở TEXAS


 
Tin Port Arthur - Tại tiểu bang Texas, một bồi thẩm đoàn kết tội ông Nguyễn Văn Luận 33 tuổi, cư ngụ ở Port Arthur. Ông Luận bị buộc tội thực hiện một vụ cướp xe hơi trong năm 2010, với những tội danh như cướp xe, đồng lõa âm mưu cướp xe, và sở hữu một võ khí để phạm tội bạo lực. Ông Luận âm mưu với hai đồng phạm cùng cư ngụ ở Port Arthur là Patrick Chaney và Rigoberto Valenzia để bắt cóc một người đàn ông 24 tuổi cũng cư trụ tại Port Arthur, và giữ nạn nhân lại để đòi tiền chuộc. Luận vốn là một nhà thầu xây dựng, còn Chaney và Valenzia từng làm việc cho ông. Luận tiếp xúc với Chaney và Valenzia, yêu cầu hai người giúp bắt cóc nạn nhân và hứa sẽ chia phần số tiền chuộc từ gia đình của nạn nhân.

Luận chính là một người bạn của gia đình nạn nhân và lập kế hoạch dụ nạn nhân bằng cách cho Chaney giả bộ gọi điện thoại nhờ nạn nhân tới sửa máy vi tính. Chaney sử dụng tên giả là Gary Underwood gọi điện thoại di động nhiều lần cho nạn nhân và người chủ tiệm yêu cầu gởi nạn nhân đến sửa máy. Khi nạn nhân đến địa chỉ trên thì bị dụ vào nhà. Valenzia rút súng, ra lệnh cho nạn nhân nằm úp mặt xuống sàn nhà và không động đậy, nếu không sẽ bị bắn. Chaney trói tay của nạn nhân bằng băng keo. Sau đó Chaney và Valenzia đưa nạn nhân vào xe van nhưng rốt cuộc nạn nhân thoát ra được khỏi xe, chạy tới một cơ sở kinh doanh gần đó để xin giúp đỡ. Một người lái xe đi qua thấy và đã gọi báo cho cảnh sát. Cả ba đã lần lượt bị bắt sau đó. Luận có thể phải đối diện với mức án tối đa 25 năm giam trong nhà tù liên bang.