Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Nghệ sĩ hay nhà đầu tư có quyền với tác phẩm?

Tôi được công ty giải trí thuê sáng tác ca khúc với thoả thuận hưởng 15% lợi nhuận kinh doanh tác phẩm. (Thái Anh)

Hợp đồng thỏa thuận ngoài khoản thù lao ban đầu, tôi sẽ được hưởng 15% lợi nhuận từ việc kinh doanh tác phẩm do mình sáng tạo suốt vòng đời của nó. Tôi xin hỏi, tôi và công ty đó có những quyền gì với tác phẩm?
Nếu họ không minh bạch trong việc công bố lợi nhuận kinh doanh như thỏa thuận thì làm thế nào tôi có thể đòi được tiền và bảo đảm quyền lợi của mình?
 
Luật sư trả lời:
Theo khoản 1 điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ điều 37 đến điều 42 của Luật này.
Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại điều 19 và các quyền tài sản quy định tại điều 20 của Luật này.
Khoản 2 điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại điều 20 và khoản 3 điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Như vậy bạn và cả công ty đều có các quyền theo quy định tại điều 20 và khoản 3 điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Các quyền trên do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài ra, bạn là tác giả còn có các quyền sau:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Trong trường hợp công ty không minh bạch trong việc công bố lợi nhuận kinh doanh như thỏa thuận thì bạn có quyền yêu cầu cung cấp đầy đủ các chứng từ về lợi nhuận từ việc kinh doanh tác phẩm để xác định lợi nhuận của mình. Nếu công ty không đáp ứng được thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có quyền yêu cầu khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện tại nơi đặt trụ sở của công ty.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Mục sư bị cáo buộc lừa 25 triệu USD của hàng trăm người Việt ở Mỹ

Nghi phạm sử dụng kênh YouTube và quảng cáo trên đài truyền hình, phát thanh tiếng Việt để lừa tiền người cao tuổi gốc Việt ở bang California. 

Nhà thờ Church for the Healthy Self ở Westminster, California, Mỹ. Ảnh: OCR.
Nhà thờ Church for the Healthy Self ở Westminster, California, Mỹ. Ảnh: OCR.
Hai mục sư đứng đầu nhà thờ Church of the Healthy Self (CHS) ở Westminster, hạt Cam, bang California, Mỹ bị tố cáo lừa đảo 25 triệu USD của hàng trăm người Việt.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ hai mục sư của CHS đã dùng số tiền lừa đảo mua đồng hồ hiệu, xe hơi hạng sang, quần áo đắt tiền, súng, và trả 7.500-11.000 USD mỗi tháng tiền thuê nhiều văn phòng ở thành phố biển Newport Beach, phía nam bang California, theo tài liệu của tòa công bố ngày 29/3.
Hồi đầu tháng ba, tòa án địa phương đã đóng băng tài sản của nhà thờ theo đề nghị của Ủy Ban Chứng Khoán (SEC). Đến ngày 14/3, nhà thờ này bị đóng cửa. 
SEC cho biết mục sư tự xưng Kent R.E. Whitney, 37 tuổi, sống ở thành phố Newport Beach đã thành lập nhà thờ CHS vào năm 2014, chỉ ba tháng sau khi mãn hạn 44 tháng tù vì tội lừa đảo 600.000 USD của 10 nhà đầu tư trong một vụ lừa đảo với quy mô lên tới 96 triệu USD.
David Lee Parrish, 47 tuổi, bị cáo buộc từng hỗ trợ Whitney trong vụ lừa đảo trước kia, cũng tự xưng là mục sư tại nhà thờ CHS, theo SEC.
Mục Sư Kent R.E. Whitney, người sáng lập CHS. Ảnh: YouTube.
Mục sư Kent R.E. Whitney, người sáng lập CHS. Ảnh: YouTube.
Hiện Whitney và Parrish chưa bị truy tố và FBI vẫn đang trong giai đoạn điều tra, theo bà Kyra Andrassy, luật sư do tòa án chỉ định phụ trách việc lên danh sách nạn nhân và giá trị tài sản bị lừa đảo.
Kể từ khi tài sản của nhà thờ bị đóng băng, FBI đã thu hồi được khoảng 4,4 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng. Người ta cho rằng đa số nạn nhân trong vụ lừa đảo này là người cao tuổi gốc Việt sống ở Westminster và San Jose, bang California.
"Những người gửi tiền này bây giờ có thể không còn đồng nào để trả các khoản vay thế chấp nhà cửa với ngân hàng, hóa đơn điện nước, bảo hiểm và các chi phí sinh hoạt hàng ngày khác", SEC cho biết. "Một số nhà đầu tư có vẻ đã mất hết tiền".
Theo hồ sơ tòa án, nghi phạm Whitney trở thành mục sư hồi tháng 8/2014 sau một chương trình đào tạo mục sư trên mạng. Một tháng sau, Whitney thành lập nhà thờ CHS.
SEC mô tả trên trang web của nhà thờ này có đường link dẫn đến các kênh YouTube, trên đó có những video mang tính tôn giáo và các hình thức cầu nguyện qua Internet. Nhà thờ này sử dụng video trên YouTube và quảng cáo trên các đài truyền hình, phát thanh tiếng Việt ở Orange County và San Jose để dụ dỗ người đầu tư. "Nhiệm vụ chính của nhà thờ này là tìm nguồn tài chính", SEC cho biết.
An Hồng (Theo Orange County Register)