Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Bác sĩ Mỹ: Cửa địa ngục đang mở ra

Quá tải và thiếu trang thiết bị đang là tình trạng chung tại các bệnh viện Mỹ, khi lượng người nghi nhiễm nCoV đổ về ngày một tăng.

"Chúng tôi rốt cuộc cũng ghi nhận những ca dương tính đầu tiên, đó chính là lúc cánh cửa địa ngục mở ra", một bác sĩ giấu tên ở New York, Mỹ, nói về Covid-19.
Bác sĩ tại bệnh viện St. Barnabas ở Bronx, New York, xét nghiệm cho các đồng nghiệp có triệu chứng nhiễm nCoV ngày 24/3. Ảnh: AFP.
Bác sĩ tại bệnh viện St. Barnabas ở Bronx, New York, xét nghiệm cho các đồng nghiệp có triệu chứng nhiễm nCoV ngày 24/3. Ảnh: AFP.

Theo lời kể của bác sĩ này, bệnh viện nơi ông làm việc hoàn toàn không được chuẩn bị khi bệnh nhân ồ ạt đổ tới từ cách đây gần hai tuần. Tình trạng quá tải khiến bệnh viện bị vắt kiệt mọi nguồn lực. Nhiều bệnh nhân nghiêm trọng thậm chí còn không có máy thở để sử dụng.
"Chúng tôi thiếu máy móc, thiếu cả giường bệnh", ông nói. "Chúng ta đang ở giữa thành phố New York và chuyện như vậy lại xảy ra. Nó giống như kịch bản cho một đất nước ở thế giới thứ ba. Thật đáng kinh ngạc".

Ban đầu, bệnh nhân chủ yếu là những người trên 70 tuổi, nhưng tuần qua, số người nhập viện dưới 50 tuổi đang tăng dần lên.
"Tôi không nghĩ họ hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh", ông cho hay, đề cập tới những bệnh nhân trẻ. "Hai tuần trước, cuộc sống vẫn hoàn toàn khác".
Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo Mỹ có thể "trở thành Italy thứ hai", nơi hàng loạt bác sĩ tại những bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 đang phải đưa ra quyết định nghiệt ngã là chọn chữa cho ai và ai sẽ được dùng máy thở.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến bên trong các phòng cấp cứu thực sự thảm khốc", bác sĩ Craig Spencer, giám đốc y tế toàn cầu về y học khẩn cấp tại Trung tâm Y tế Đại học NewYork-Presbyterian/Columbia, cho biết. "Tuần trước, khi tôi đi làm, chúng tôi chỉ nói về một hoặc hai bệnh nhân trong vài chục người có thể nhiễm nCoV", Spencer ngày 24/3 nói với CNN. "Trong ca trực của tôi hôm qua, gần như tất cả bệnh nhân tôi chăm sóc đều nhiễm nCoV, nhiều người trong tình trạng nguy kịch. Nhiều người phải dùng máy thở. Tình hình tuần này rất khác tuần trước".

Giới chức New York đang thúc giục các bệnh viện trên toàn bang nỗ lực hơn trong công tác cứu chữa. New York chiếm khoảng 6% số ca nhiễm nCoV toàn cầu và gần một nửa số ca nhiễm tại Mỹ.
Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết chính quyền thành phố New York đang triển khai kế hoạch xây dựng các bệnh viện khẩn cấp và thiết lập một bệnh viện dã chiến ở trung tâm hội nghị Javits với 1.000 giường bệnh. Thêm vào đó, hàng nghìn bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu đang đăng ký trở lại tiền tuyến chống dịch.

Chính quyền đồng thời cũng tìm mọi phương án để cung cấp máy thở cho những bệnh nhân nặng nhất. Cuomo cho biết New York đã huy động được thêm 7.000 máy thở bổ sung vào 4.000 máy có sẵn. Nhà Trắng thông báo bang New York sẽ nhận được lô hàng 2.000 máy nữa trong tuần này từ kho dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, toàn bang vẫn cần tới 30.000 máy thở.

Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia ngày 25/3 cho hay họ có khoảng 16.600 máy thở và đang được triển khai dần tới những nơi cần trong vài ngày qua.

"Một đại dịch như Covid-19 có thể gây quá tải bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới", bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cảnh báo. "Đấy là khi bạn phải đưa ra những lựa chọn vô cùng khó khăn".

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Hy Sinh Người Già Để Cứu Vãn Kinh Tế?

Lệnh “Cách Ly Tại Nhà” của Tổng Thống Donald Trump nhằm kiềm chế sự lan tràn của dịch cúm Corona tại Hoa Kỳ…dĩ nhiên là phải trả giá về kinh tế. Nạn thất nghiệp gia tăng, sự thiệt hại về kinh tế có thế ước lượng cả chục ngàn tỉ Mỹ Kim. Và nếu tình trạng khẩn trương kéo dài trong ba tháng có thể đưa đến kinh tế suy xụp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận hy sinh kinh tế để cứu mạng người. 

Thế nhưng tại Hoa Kỳ có khác. Trước nhu cầu tái tranh cử vào Tháng 11 tới đây. Nếu kinh tế cứ như thế này thì hy vọng tái cử rất mong manh. Do đó Ô. Trump gợi ý có thể hủy bỏ sắc lệnh phong tỏa vào 12/4 tới đây, tức sinh hoạt sẽ trở lại bình thường. Khi đó, hai tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất: Khi lệnh cách ly hủy bỏ, dịch cúm Corona sẽ lan nhanh và lúc đó vô phương cứu chữa, người ta sẽ chết hàng loạt. Thứ hai: Có thể dịch cúm cũng sẽ lan tràn nhưng ở tốc độ vừa phải. Người trẻ có sức chịu đựng sẽ không chết. Còn người già nếu có chết vài ngàn cũng không sao nhưng kinh tế hồi phục. 

Ô. Dan Patrick - Phó Thống Đốc Tiểu Bang Texas – 69 tuổi, một đồng minh của Ô. Trump trong một cuộc hội thoại trên Fox News nói rằng các cụ ông cụ bà (grandparents) Hoa Kỳ sẵn sàng chết vì dịch cúm Corona để cứu vãn nền kinh tế. Ông lên án việc phong tỏa và đóng cửa các cơ sở không cần thiết. Nếu việc phong tỏa kéo dài ba tháng thì nền kinh tế Mỹ sẽ xụp đổ và ông không muốn cả quốc gia phải hy sinh. Ông còn nói rằng ông sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho nền kinh tế.

Trong khi đó Ô. Andrew Cuomo- Thống Đốc Tiểu Bang New York lại có quan điểm ngược lại. Là tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Corona với 20,875 người nhiễm bệnh và 157 người chết, Ô. Cuomo nói rằng, “Mẹ tôi không thể bị hy sinh, mẹ của bạn cũng không thể bị hy sinh và các anh chị em của chúng ta cũng không thể bị hy sinh và chúng ta sẽ không chấp nhận tiền đề cho rằng mạng người có thể bỏ đi  và chúng ta chũng không đặt đồng đô-la lên sinh mạng của con người.” (New York Gov. Andrew Cuomo took issue with the ethical choices implied by Trump’s priorities, saying, “My mother is not expendable and your mother is not expendable and our brothers and sisters are not expendable, and we’re not going to accept a premise that human life is disposable, and we’re not going to put a dollar figure on human life.”)

Chúng ta nghĩ gì về chủ trương “hy sinh người già để cứu vãn kinh tế”? Là một Phật tử với tinh thần Từ Bi và “Khẩu hòa vô tránh”, tôi không dám tranh luận về vấn đề này mà chỉ đưa ra ý nghĩ là: Nhân đạo là gì? Nhân đạo là tôn trọng mạng người, bảo vệ mạng người, cứu người mà không phân biệt, tuổi tác, màu da, chủng tộc và không thể có bất cứ lý do gì để hy sinh mạng người. Nếu vì lý do kinh tế mà chúng ta phải hy sinh người già tức là chúng ta theo “Chủ nghĩa nhân đạo có điều kiện”. Xin nhớ, ngoài nhân đạo chúng ta còn có tình đồng loại theo câu nói, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” và “Máu chảy ruột mềm”. Khi gặp khốn khó chúng ta phải chung sức, chung lòng, chia ngọt xẻ bùi và chia xẻ trách nhiệm chứ không phải ích kỷ chỉ nghĩ tới mình. Chúng ta không thể hy sinh một tầng lớp nào đó cho phúc lợi của một tầng lớp nào đó.

Trong lịch sử nhân loại có một thời kỳ bi thảm đó là chủ trương thanh lọc chủng tộc của Hitler. Theo Biên Niên Sử Thế Kỷ XX (Chronicle of the 20th Century), vào ngày 26/7/1933, bằng một loạt các sắc lệnh, Hitler ra lệnh lành mạnh hóa chủng tộc để không còn người mù, câm, điếc, thân thể méo mó, di truyền, khờ dại, động kinh…ngăn cấm lai giống để chỉ đẻ ra giống Aryan thuần chủng thông minh, đẹp đẽ, thân hình cao lớn, tóc vàng. Bằng ý tưởng điên rồ và man rợ, Hitler vì muốn có một giống Đức thuần chủng và đẹp đẽ, đã giết chết biết bao nhiêu người vô tội. Ai cũng có quyền sống dù đó mà người già nua, tàn tật, dui mù, câm điếc. Đó là lòng nhân đạo hay lý tưởng nhân đạo. Là lãnh đạo đất nước chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ mạng sống của toàn dân chứ không phải hy sinh lớp người này để cứu lớp người kia. 

Là người Phật tử, hành động cần thiết trong cơn đại nạn là không kinh hoảng, không kỳ thị, nhẫn nại chịu đựng, cầu nguyện và phát triển tâm lành, đồng thời tin tưởng vào các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ và những quyết định đúng đắn của chính quyền.
Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát,
Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 25/3/2020)

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Bịa đặt về 'vaccine Covid-19' để lừa đảo

Dưới vỏ bọc nhân viên y tế, kẻ gian cố thuyết phục người dân cung cấp thông tin cá nhân để giữ chỗ tiêm “vaccine Covid-19”.

Thủ đoạn lừa đảo trên xuất hiện trong bối cảnh Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Tới nay, hai phòng cảnh sát đã phải lên tiếng cảnh báo về chiêu lừa này vào ngày 16-18/3.

Theo thông báo của phòng cảnh sát quận Lucas, bang Ohio và thành phố Daly, bang California, kẻ gian gọi điện, nhắn tin hoặc email cho nạn nhân, tự xưng là người của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh. Kẻ gian nói nạn nhân thuộc diện được phép đặt chỗ trước để tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc số an sinh xã hội để làm thủ tục.

Cả hai phòng cảnh sát đều khẳng định rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh hiện không có chương trình "giữ chỗ tiêm vaccine Covid-19" như kẻ gian bịa đặt. Nhà chức trách không tiết lộ đã có bao nhiêu người trở thành nạn nhân và nhắc nhở người dân không cung cấp thông tin cá nhân trong bất cứ tình huống nào.

Theo Komando, ngoài thủ đoạn như cảnh sát cảnh báo, kẻ gian còn có thể nói nạn nhân bị chẩn đoán dương tính nên phải cung cấp số thẻ tín dụng để nhận được "kháng sinh" chống dịch.
Hiện, chưa có vaccine chính thức đặc trị Covid-19. Các nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.