Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Chân dung luật sư chuyển giới bào chữa cho Minh Béo

Mia Yamamoto là một luật sư có nhiều kinh nghiệm, đã biện hộ cho hàng nghìn thân chủ, trong đó có những người bị cáo buộc tội danh tình dục.

chan-dung-luat-su-chuyen-gioi-bao-chua-cho-minh-beo
Luật sư Mia Yamamoto. Ảnh: NBC
Sáng 13/5 theo giờ Mỹ, diễn viên Minh Béo sẽ có mặt ở phiên xét xử thứ hai tại Tòa thượng thẩm quận Cam, chi nhánh Westminster. Minh Béo bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên khi lưu diễn tại Mỹ vào cuối tháng ba.
Gia đình Minh Béo cho biết tổ hợp luật sư Đỗ Phủ - Anh Tuấn - những người đại diện cho diễn viên ở phiên tòa trước vào ngày 15/4 - sẽ không tiếp tục bào chữa cho Minh Béo. Ông Thiện Thành, cậu họ của Minh Béo, cho biết luật sư người Mỹ gốc Nhật Mia Yamamoto sẽ là người bào chữa cho Minh Béo từ sau phiên tòa 13/5.
Luật sư Mia Yamamoto là một phụ nữ chuyển giới, sinh năm 1943 tại trại di dời Thế chiến II ở Poston, Arizona, với tên khai sinh là Michael Yamamoto. Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ra lệnh đưa người gốc Nhật tại Mỹ vào các khu trại như vậy.
Sinh ra trong hoàn cảnh đó, Yamamoto không hề xa lạ với nạn phân biệt chủng tộc. Yamamoto nói rằng bà nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ bố mẹ, những người đã khuyến khích bà không sợ hãi khi thể hiện bản sắc văn hóa, theo Daily Pennsylvanian.
Yamamoto kể lại rằng anh em của bà thường bị bạn bè bắt nạt do tư tưởng chống Nhật sau Thế chiến II. Cuối cùng, Yamamoto và các anh em tìm thấy "nơi trú ẩn" trong các băng đảng Mexico, những người mà bà cho rằng không sợ đứng lên đấu tranh nạn phân biệt chủng tộc. Yamamoto đề cao văn hóa băng đảng về mặt lợi ích tâm lý chứ không phải các hoạt động bất hợp pháp của họ. Yamamoto đã nhiều lần đứng ra làm luật sư biện hộ cho các cựu thành viên băng đảng.
Yamamoto được sinh ra trong hình hài nam giới, nhưng bà biết giới tính thực sự của bà là nữ, và điều này đã giày vò bà trong rất nhiều năm.
Ở tuổi niên thiếu, Yamamoto đã đọc về Christine Jorgensen, người phụ nữ chuyển giới công khai đầu tiên tại Mỹ. "Khi đó tôi nghĩ rằng có một người khác trên thế giới giống tôi", bà kể. Vui mừng, Yamamoto cho mẹ xem bài báo nhưng mẹ bà ngay lập tức bật khóc. "Lúc đó, tôi nhận ra rằng việc tôi cảm thấy không thoải mái về giới tính của mình là điều cấm kỵ", bà nói, và từ đó bà học được cách giấu cảm xúc bản thân.
chan-dung-luat-su-chuyen-gioi-bao-chua-cho-minh-beo-1
Mia Yamamoto khi còn là một cậu bé với cái tên Michael. Ảnh: NBC
Yamamoto tốt nghiệp Đại học bang California vào năm 1966, với chuyên ngành về chính phủ. Sau đó, bà phục vụ cho quân đội. Cộng đồng LGBT (đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và chuyển giới) trong quân ngũ đã truyền cảm hứng cho bà. Quân đội Mỹ từng điều bà đến Việt Nam năm 1967. Theo Hyphen Magazine, khi trở về Mỹ, bà cảm thấy cần phải tham gia phong trào phản chiến.  
Rời quân đội năm 1968, bà theo học trường luật của Đại học California, Los Angeles (UCLA) và bắt đầu hành nghề luật sư bào chữa tư từ năm 1984, sau khi làm việc cho các văn phòng thuộc nhà nước.
Sau 20 năm thành công trong sự nghiệp luật sư, Yamamoto nhận ra đã đến lúc phải chuyển đổi giới tính, không chỉ để giải phóng bản thân, mà còn để người thân và bạn bè nhìn thấy con người thật của mình. Sau khi chuyển giới, bà lấy tên là Mia Yamamoto, thay cho cái tên cũ Michael.
Quyết định của bà được đa số khách hàng đón nhận. Yamamoto cho biết bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người thể hiện giới tính thật của mình, điều mà bà chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra. Tất nhiên, vẫn có rất nhiều bạn cũ và đồng nghiệp từ chối chấp nhận bà sau khi chuyển đổi giới tính. Bà hoàn tất toàn bộ quá trình chuyển giới vào năm 2005. 
Trên trang web của bản thân, Mia Frances Yamamoto tự giới thiệu mình là một trong những luật sư bào chữa hình sự nổi bật và thành công nhất ở nam California. Bà đã tham gia hơn 200 vụ xét xử có bồi thẩm đoàn và đại diện hàng nghìn thân chủ bị cáo buộc tội danh hình sự, bao gồm giết người, hành hung, lạm dụng tình dục, ma túy, trộm cắp, tội phạm cổ cồn trắng, lái xe khi dùng chất kích thích.
Bà đã được Hiệp hội Luật sư Tòa án Hình sự và Hiệp hội nữ luật sư Los Angeles vinh danh. Năm 2002, Yamamoto được California Daily Journalbầu chọn trong danh sách "100 luật sư có ảnh hưởng lớn nhất ở California". Bà từng được Hiệp hội Luật sư Century City trao danh hiệu "luật sư biện hộ của năm 2006". Bà cũng được các đồng nghiệp bình chọn là "siêu luật sư nam California" năm 2004, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, và 2012, trong các thăm dò được công bố bởi tạp chí Los Angeles.
Bà còn được Chánh án Tòa án tối cao California bổ nhiệm để làm việc trong một tổ công tác chuyên về cải thiện bồi thẩm đàm và công bằng trong tòa án. Bà cũng được nhiều tổ chức ca ngợi về đóng góp cho cộng đồng LGBT.
Phương V
ũ

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Minh Béo đổi luật sư biện hộ; Đỗ Phủ rút lui



Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV)
 - “Ðến giờ phút này, tôi chỉ có thể nói rằng Minh Béo và gia đình anh đang bị những áp lực rất lớn.” 
Ðó là lời Luật Sư Ðỗ Phủ, đại diện diễn viên Minh Béo, tức Hồng Quang Minh, nói với phóng viên Người Việt vào sáng Thứ Năm, 12 Tháng Năm, một ngày trước phiên tòa liên quan đến vụ diễn viên này bị Biện Lý Cuộc Orange County truy tố các tội liên quan đến việc có hành vi tính dục với trẻ vị thành niên.



Diễn viên hài Minh Béo. (Hình: Biện Lý Cuộc Orange County)


Cũng chính vì điều này mà “Tổ Hợp Luật Sư Ðỗ Phủ-Anh Tuấn tự nguyện rút lui trong việc bào chữa cho Minh Béo để giảm bớt áp lực mà gia đình người thân tôi đang gánh chịu. Ðiều này sẽ được công bố trong phiên tòa ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Năm,” ông Nguyễn Thiện Thành, cậu họ của Minh Béo cho biết.

‘Tia sáng’ cho Minh Béo?


Trong vai trò vẫn đang là luật sư đại diện cho Minh Béo, Luật Sư Ðỗ Phủ cho biết, “Hiện tại, một số bằng chứng mà bên chính quyền, bên công tố đưa ra có khá nhiều khiếm khuyết ở một số tội danh, và những điều này sẽ giúp được cho Minh Béo.”

Một trong những “khiếm khuyết” mà Luật Sư Phủ đưa ra liên quan đến nội dung tin nhắn của Minh Béo và người đóng giả thiếu niên tuổi vị thành niên.

“Chuyện texting thì ai cũng biết, phía cảnh sát cho người nhắn tin để dụ Minh Béo ra. Tuy nhiên, hồ sơ liên quan đến các tin nhắn này không có dấu tiếng Việt. Mà tiếng Việt khi viết không có dấu thì rất dễ đưa đến những ý tưởng, ngộ nhận đáng tiếc,” ông dẫn giải.

“Tương tự như thế, còn một số khiếm khuyết khác mà tôi chưa thể nêu ra ở đây,” ông nói thêm.

Luật Sư Phủ giải thích, “Buổi xử ngày mai là buổi thương lượng, 'pre trial,' bên công tố và luật sư biện hộ sẽ có những thương lượng với nhau về tội danh cũng như bằng chứng mà bên công tố đưa ra, xem có đủ hay không. Dĩ nhiên buổi thương lượng này chưa chắc đã có sự đồng thuận, mà có thể phải còn nhiều buổi gặp gỡ khác mà nếu giải quyết không được thì mới đưa đến xử sơ thẩm vào ngày 10 Tháng Sáu. Cho nên, từ đây đến ngày đó, tôi hy vọng sẽ còn nhiều buổi khác nhau nữa.”

“Một công việc nữa mà tôi cũng phải làm trong vai trò người đại diện cho Minh là làm hồ sơ xin giảm tiền tại ngoại hậu tra, vì có một số dữ kiện mới có thể bảo đảm cho việc Minh không thể rời khỏi vùng anh ở,” ông cho biết.

Tuy nhiên, như Luật Sư Ðỗ Phủ nói ở trên, “Tôi biết Minh Béo và gia đình anh đang bị những áp lực rất lớn” nên ông sẽ không đảm nhiệm công việc làm luật sư đại diện cho diễn viên hài này trong thời gian tới.

‘Một người bạn’ hứa trả mọi chi phí


Liên quan đến việc thay đổi luật sư được cho là “bất ngờ” này, ông Nguyễn Thiện Thành kể, “Chiều Thứ Ba vừa rồi, tôi nhận được điện thoại từ Văn Phòng Luật Sư Ðỗ Phủ-Anh Tuấn hỏi rằng 'Có phải Minh Béo đổi luật sư không?' khiến tôi rất sửng sốt, vì tôi là người giới thiệu, nhờ anh Phủ làm đại diện cho cháu tôi, giờ có sự thay đổi như thế mà tôi không biết gì hết. Thư ký của Luật Sư Phủ cho biết thêm là có một văn phòng luật sư ở Los Angeles gọi đến cho biết là họ đã được thuê để làm đại diện cho Minh trong thời gian tới.”

Luật sư này là một người Mỹ gốc Nhật, tên là Mia Yamamoto. Phóng viên nhật báo Người Việt có gọi điện thoại cho Văn Phòng Luật Sư Yamamoto và được cô thư ký xác nhận tin này là đúng.
Theo trang web The Lavender Effect, bà Mia Yamamoto là một phụ nữ chuyển giới tính. Bà sinh năm 1943, tại Arizona, tên là Michael Yamamoto, từng tham gia quân đội từ 1966 - 1968, từng được huy chương Vietnam Campaign Medal. Thập niên 1980, Michael chuyển giới tính, trở thành Mia Yamamoto.
Ông Thành kể tiếp, “nói chuyện với Kiên, anh trai của Minh, thì tôi được biết là Thứ Sáu tuần rồi, Kiên vào thăm Minh như thường lệ, mọi chuyện cũng bình thường, Minh còn cho anh trai biết là Luật Sư Ðỗ Phủ có mướn thêm một luật sư người Mỹ tham gia vào bên nhóm biện hộ.”

Cũng theo lời ông Thành, “Ngày hôm sau, Kiên lại vào thăm Minh thì được báo là có người vào rồi nên Kiên phải về. Qua Chủ Nhật, Kiên vào thăm em thì lại cũng có người vào trước. Ðiều này rất lạ vì từ hôm Kiên qua Mỹ đến nay thì hầu như ngày thăm nào cũng có Kiên đến, không ai tranh giành. Thế nên, đến Thứ Hai, Kiên phải đi thật sớm để vào gặp Minh thì nghe Minh nói quyết định đổi luật sư.”

“Kiên kể lại là Minh cho biết có người bạn vào thăm ngày Thứ Bảy và yêu cầu Minh đổi luật sư vì bạn không hy vọng, không yên tâm về Luật Sư Ðỗ Phủ. Người bạn này hứa sẽ lo toàn bộ chi phí cho việc thuê luật sư, dù đến một, hai trăm ngàn cũng sẽ lo,” cậu họ Minh Béo tiếp tục nói.

Ông Thành tiếp, “Ðến Chủ Nhật thì bạn đó dẫn theo một luật sư người Nhật vào gặp Minh, hứa sẽ cố gắng cãi cho Minh trắng án. Nếu không, sau khi Minh thụ án ở Mỹ trở lại Việt Nam thì vẫn sẽ tiếp tục được trở lại sân khấu biểu diễn như trước đây chứ không gặp vấn đề gì hết.”

Với những lý lẽ đó, Minh Béo chấp nhận chuyện đổi luật sư.

“Khi nghe Kiên nói như vậy, tôi nêu thắc mắc tại sao có người bạn nào tốt như thế? Bạn này ở đâu ra? Nếu đúng là bạn thật thì đã biết có anh trai Minh ở đây, biết có tôi là cậu Minh ở đây, thì phải đến bàn với người nhà trước chứ! Chớ đâu có chuyện sáng sớm lo đi trước để chặn đầu gia đình như vậy!” Ông Thành lập luận.

“Tôi nghĩ, nếu chỉ là một người bạn bình thường thì có dám hứa như vậy không? Làm sao có đủ thẩm quyền hứa hẹn như vậy, ngoại trừ đó phải là người có thế lực. Câu hứa bảo đảm khi Minh trở về Việt Nam sẽ được biểu diễn bình thường cho tôi khẳng định đây phải là người từ phía nhà cầm quyền Việt Nam thôi. Chỉ có họ mới có đủ thẩm quyền cam kết như thế để cháu tôi phải xiêu lòng,” ông cậu khẳng định.

Dĩ nhiên, tên “người bạn tốt” này không được anh em Minh Béo kể ra.
Tổng lãnh sự quán ‘không can thiệp’
Ðể làm rõ sự hoài nghi của ông Thành, phóng viên Người Việt gọi điện thoại nói chuyện với bà Nguyễn Thị Cát Ngọc, lãnh sự của Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại San Francisco.

“Có thông tin cho biết phía tổng lãnh sự quán giúp gia đình tìm một luật sư khác đại diện cho Minh Béo, thay cho luật sư hiện tại là Ðỗ Phủ. Xin bà cho biết lý do của sự đề nghị thay đổi này?”

Bà Ngọc cho biết, “Liên quan đến luật sư, để bảo đảm quyền lợi của anh Minh, tổng lãnh sự quán đã thông báo những thông tin về những luật sư có uy tín cho gia đình anh Minh. Tuy nhiên, sự lựa chọn luật sư như thế nào là hoàn toàn do quyền gia đình anh Minh Béo.”

Bà khẳng định, “Không có cán bộ nào của tổng lãnh sự quán được cử đến trại giam vào cuối tuần rồi. Việc lựa chọn luật sư như thế nào là quyền của gia đình, tổng lãnh sự quán cũng không thể biết là gia đình lựa chọn như thế nào.”

“Trong trường hợp nếu như diễn viên Minh Béo bị kết tội, dù ở mức độ nặng hay nhẹ, thì sau khi thụ án ở Mỹ xong, trở về nước, anh Minh có quyền được tiếp tục hoạt động trong lãnh vực sân khấu như trước đây không? Có phải bị một kỷ luật khiển trách gì hay không?”

Bà Ngọc trả lời, “Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp cho nên về nguyên tắc, phạm tội ở đâu thì sẽ bị xét xử theo luật nơi đó.”

“Tức là tội anh Minh phạm phải ở Hoa Kỳ thì anh ấy bị xét xử ở Hoa Kỳ, còn khi anh ấy quay về Việt Nam, xét thấy việc làm của anh Minh có vi phạm những điều của pháp luật Việt Nam thì khi ấy sẽ phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Còn nếu không thì cũng không bị làm sao,” bà giải thích thêm.

“Nếu như một công dân Việt Nam bình thường gặp phải những vấn đề tương tự khi ra nước ngoài, thì họ có thể nhận được sự quan tâm như tổng lãnh sự quán đã thể hiện trong trường hợp của diễn viên Minh Béo không?”

Bà Ngọc cho rằng, “Không chỉ riêng trường hợp Minh Béo mà đối với bất cứ công dân Việt Nam nào gặp vấn đề tương tự, thì tổng lãnh sự quán cũng sẵn sàng thực hiện theo quyền bảo hộ công dân và bảo đảm quyền lợi, sự công bằng, minh bạch, và nếu có tội thì cũng được xử đúng pháp luật của nước sở tại."
Cuối cùng, người bạn của Minh Béo là ai để có thể khiến anh chấp nhận tất cả lời đề nghị đang là một bí ẩn với tất cả những ai quan tâm đến vụ án ngỡ như rất bình thường này.

Diễn viên hài Minh Béo, tên thật là Hồng Quang Minh, bị bắt tại Garden Grove, Orange County, hôm Thứ Năm, 24 Tháng Ba, và bị giam giữ tại nhà tù Theo Jail, Orange, với các cáo buộc ấu dâm và toan có hành vi dâm ô với trẻ vị thành niên.

Ngày 25 Tháng Ba, Biện Lý Cuộc Orange County truy tố ông ra Tòa Thượng Thẩm California, Orange County, với ba tội danh: thứ nhất, quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi; thứ hai, toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi, và thứ ba, hẹn hò gặp gỡ với dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên.

Minh Béo đổi luật sư biện hộ ở phiên hầu tòa lần hai

Luật sư chuyển giới người Mỹ gốc Nhật được cho sẽ là người đại diện pháp lý của Minh Béo từ sau phiên tòa lần hai - xét xử cáo buộc anh xâm hại tình dục trẻ em.

Sáng 13/5 (giờ California), diễn viên Minh Béo sẽ có mặt ở phiên xét xử thứ hai tại Tòa thượng thẩm quận Cam, chi nhánh Westminster.
Diễn viên Minh Béo (áo cam) tại buổi luận tội. Từ trái qua: thông dịch viên của Minh Béo, luật sư Đỗ Phủ và luật sư Anh Tuấn do gia đình diễn viên thuê. Ảnh: Ngọc Lan chụp qua màn hình.
Minh Béo (áo cam) tại buổi luận tội đầu tiên vào ngày 15/4. Ở phiên này, diễn viên phủ nhận các cáo buộc anh quấy rối tình dục trẻ em. Anh không được tòa giảm mức tiền bảo lãnh tại ngoại là một triệu USD. Ảnh: Ngọc Lan chụp qua màn hình.
Một ngày trước khi phiên tòa lần thứ hai diễn ra, gia đình Minh Béo cho biết tổ hợp luật sư Đỗ Phủ - Anh Tuấn - những người đại diện cho diễn viên ở phiên tòa trước vào ngày 15/4- sẽ không tiếp tục bào chữa cho Minh Béo. Việc thay đổi này là theo nguyện vọng của anh. Một người bạn của nam diễn viên đã vào nhà tù Theo Lacy thăm và thuyết phục anh thay đổi luật sư biện hộ. "Minh có kể với Kiên (anh trai Minh Béo đang ở Mỹ để hỗ trợ tinh thần em) rằng người bạn này hứa sẽ chi trả toàn bộ chi phí thuê luật sư cho Minh", ông Thiện Thành - cậu họ của Minh Béo - cho biết.
Ông Thành cho biết luật sư Mia Yamamoto (người Mỹ gốc Nhật) sẽ là người bào chữa cho Minh Béo từ sau phiên tòa 13/5. Và thông tin về sự thay đổi luật sư sẽ được công bố ở phiên tòa này. Luật sư Đỗ Phủ vẫn có mặt tại tòa để bàn giao mọi giấy tờ, hồ sơ liên quan đến vụ án Minh Béo cho người thay thế. 
Theo P/V Ngọc Lan - phóng viên đang công tác ở một tờ báo của người Việt tại hải ngoại, văn phòng của luật sư Mia Yamamoto ở Los Angeles, Mỹ đã gọi điện thoại đến văn phòng luật sư Đỗ Phủ thông báo họ được thuê để làm đại diện pháp lý cho diễn viên Minh Béo.
Theo trang The Lavender Effect, luật sư Mia Yamamoto là một phụ nữ chuyển giới. Bà sinh năm 1943, tại Arizona với tên khai sinh là Michael Yamamoto. Vào thập niên 1980, Michael chuyển giới tính và lấy tên là Mia Yamamoto. Bà hành nghề luật sư từ năm 1984 đến nay, từng đoạt một số giải thưởng. Năm 2002, Mia Yamamoto được California Daily Journal bầu chọn trong danh sách "100 luật sư có ảnh hưởng lớn nhất ở California".
minh-beo-thay-doi-luat-su-o-phien-xet-xu-lan-hai
Luật sư Mỹ gốc Nhật - Mia Yamamoto. Ảnh: asianamericapodcast.
Phiên xử ngày 13/5 là một buổi thương lượng (pre trial) để bên công tố và luật sư biện hộ có những thương lượng về tội danh, xem xét các bằng chứng mà bên công tố đưa ra nhằm cáo buộc Minh Béo tội xâm hại tình dục trẻ em. Buổi này chỉ là một trong nhiều buổi thương lượng giữa các bên trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 10/6.
Ông Thiện Thành chia sẻ với VnExpress rằng, luật sư Đỗ Phủ cho biết bằng chứng buộc tội diễn viên Minh Béo chưa rõ ràng. Trong số đó là các tin nhắn trao đổi giữa nam diễn viên và viên cảnh sát chìm giả đóng trẻ vị thành niên trước khi Minh Béo bị bắt giữ. Các tin nhắn này đều là tiếng Việt nhưng không có dấu.
"Luật sư Đỗ Phủ giải thích cho gia đình chúng tôi rằng tiếng Việt khi viết không có dấu thì rất dễ đưa đến những ý ngộ nhận. Cũng theo luật sư, ngoài những tin nhắn trao đổi giữa vị cảnh sát chìm đóng giả trẻ em để nhắn cho Minh Béo, hiện vẫn chưa thấy một video hay hình ảnh nào cáo buộc cháu tôi", ông Thiện Thành nói.
Diễn viên Minh Béo sang Mỹ lưu diễn từ ngày 18/3 tại California. Theo công tố viên, ngày 20/3, nam diễn viên tiếp cận nhóm vũ công tham gia thi tài năng trên đài phát thanh ở Huntington Beach. Anh bị cáo buộc lạm dụng tình dục một cậu bé trong buổi làm việc ngày 23/3. Gia đình cậu bé này báo lại sự việc cho cảnh sát và nhà chức trách nhanh chóng điều tra, bắt giữ nam diễn viên.
Giữa Việt Nam và Mỹ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp cho nên về nguyên tắc, người phạm tội ở đâu thì sẽ bị xét xử theo luật nơi đó. Trong trường hợp của Minh Béo, anh sẽ bị xét xử ở Mỹ.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Chuyện cười ra nước mắt! Họp báo về Hội Chợ Tết tại Mile Square Park

(VienDongDaily.Com - 11/05/2016)

Người điều khiển cuộc họp báo là ông Ngô Doãn Tiên. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, ông Ngô Doãn Tiên giới thiệu và mời kỹ sư Ngãi Vinh nói lời chào mừng. MC cũng mời ông Nguyễn Kim Bình (Phó Chủ Tịch Nội Vụ CĐVNNCA), ông Nguyễn Văn Hòa(Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát CĐVNNCA) lên bàn chủ tọa và mời ông Tuấn Hồ làm Thư Ký.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Chiều Thứ Ba, ngày 10.5.2016 Cộng Đồng Việt Nam Nam California (CĐVNNCA) do Kỹ sư Trương Ngãi Vinh làm chủ tịch đã tổ chức cuộc họp báo tại nhà hàng Paracel, Westminster, có sự tham dự của các cơ quan truyền thông và đồng hương, tất cả có 116 người kể cả ban tổ chức và ông Lê Công Tâm (Văn Phòng GSV Andrew Đỗ) và LS Nguyễn Tuấn (Trưởng Ban Tổ Chức Hội Chợ Tết).
Trước khi có cuộc họp báo này, vào trưa ngày 13.4.2016 cũng tại Paracel Seafood Restaurant, hai anh Lộc Đỗ và Việt Anh họp báo tố giác sự lem nhem tiền bạc, anh Việt Anh và nhiều người khác vẫn chưa nhận được tiền theo hợp đồng kể cả các em trong đoàn trống Thiên Ân; không ai chịu trách nhiệm chi trả nên hai anh mở cuộc họp báo để đưa nội vụ ra ánh sáng. Nhật báo Viễn Đông đã tường trình chi tiết cuộc họp báo đó trong số báo ra ngày 15.4.2016; và từ cuộc họp báo này, đồng hương mới biết được phần nào những bí ẩn trong việc tổ chức Hội Chợ Tết Bính Thân tại Mile Square Park khiến hôm nay (10.5.2016) Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali phải tổ chức họp báo để mong làm sáng tỏ vấn đề và minh oan cho các tố giác trên một số cơ quan truyền thông.
alt
Quang cảnh buổi họp báo
Người điều khiển cuộc họp báo là ông Ngô Doãn Tiên. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, ông Ngô Doãn Tiên giới thiệu và mời kỹ sư Ngãi Vinh nói lời chào mừng. MC cũng mời ông Nguyễn Kim Bình (Phó Chủ Tịch Nội Vụ CĐVNNCA), ông Nguyễn Văn Hòa (Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát CĐVNNCA) lên bàn chủ tọa và mời ông Tuấn Hồ làm Thư Ký.
Trước hết, ông Ngãi Vinh mời một số thành viên Ban Đại Diện Cộng Đồng cùng lên sân khấu với ông, và ông phát biểu, cám ơn sự hiện diện của các cơ quan truyền thông cũng như LS Lê Công Tâm, LS Tuấn Nguyễn và quý đồng hương đã đến tham dự, chân thành xin lỗi đồng hương về những lo lắng, xáo trộn mà Cộng Đồng đã gây ra cho đồng hương. Sau đó ông nói: “Mục đích cuộc họp hôm nay là để Cộng Đồng chúng tôi lên tiếng chính thức về biến cố có tên gọi là “Hội Tết Quận Cam” hay là OC Festival được tổ chức vào 3 ngày Tết Bính Thân tại công viên Mile Square Park...”
Tất cả các cơ quan truyền thông cũng như đồng hương đến tham dự nêu nhiều câu hỏi, thứ nhất Hội Chợ Tết tại Mile Square Park do ai tổ chức, Văn Phòng GSV Andrew Đỗ, Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali hay OC Park; thứ hai, LS Lê Công Tâm cho ai mượn tiền, mượn bằng cách nào và trả bằng cách nào; thứ ba, số tiền còn thiếu ca sĩ, các dịch vụ âm thanh, ánh sáng, các em đoàn vũ trống v.v.. ai là người chịu trách nhiệm trả tiền, và chừng nào mới trả? Và CĐVNNCA có để cho các ứng cử viên lợi dụng hay không?
Nhà báo Nguyễn Hoàng Lân hỏi: Nếu không phải CĐVNNCA thì ai là người tổ chức hội chợ Tết?
Kỹ sư Ngãi Vinh trả lời,”Đó là Hội Tết do County of Orange hay là Quận Cam tổ chức nên có tên gọi OC Festival. CĐVNNCA chỉ là một tổ chức hỗ trợ như nhiều tổ chức khác và chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, giới thiệu nhân sự vào ban tổ chức, tiếp nhận đơn và làm mẫu đơn cho các người thuê mướn gian hàng.” Kỹ sư Ngãi Vinh cũng than phiền, trong thời gian qua, một số đài truyền hình đã buộc tội chúng tôi không có khả năng quản lý tài chánh để thua lỗ, xẩy ra nợ nần. Chuyện đó hoàn toàn không đúng!"
Ông Ngãi Vinh nhấn mạnh hai lần: CĐVNNCA là tổ chức bất vụ lợi. Chúng tôi không có mục đích tổ chức để làm tiền. Nếu ai đó có mục đích tổ chức hội chợ với mục đích kiếm lời là chuyện của họ. Không dính gì đến chúng tôi.
Xướng ngôn viên Mỹ Linh của đài truyền hình VNA phản bác câu hỏi này, “Hội Tết là do Cộng Đồng cùng với anh Tuấn Nguyễn tổ chức. Quý vị chưa bao giờ nói cái này là do anh Tuấn Nguyễn tổ chức cả. Bây giờ mọi người họp báo lại thấy, ủa, tổ chức một hội chợ lớn như vậy của cả một cộng đồng mà lại là một cá nhân sao? Nếu anh Tuấn tự làm, tự trả tiền, tự cho free vé thì là quyền của anh ấy, nhưng đây là cộng đồng đứng ra làm. Anh Nguyễn Kim Bình là người lên interview với các đài mà, làm sao có thể nói cá nhân. Chả nhẽ cộng đồng chúng ta lớn như vậy, không tổ chức được một hội chợ hay sao mà phải để một cá nhân tổ chức?”
Ông Nguyễn Kim Bình trả lời, “Anh Tuấn không phải người duy nhất đứng ra tổ chức Hội Tết, anh là người có trách nhiệm điều hành tổng quát hội chợ Tết.”
Về vấn đề tài chánh, ký giả Đoàn Trọng hỏi, “Chúng tôi muốn biết LS Lê Công Tâm cho ban tổ chức mượn $30,000 có chữ ký nhận của LS Tuấn và ông Ngãi Vinh, tại sao khi LS Tuấn trả cho LS Tâm ông Ngãi Vinh lại không biết?” LS Tuấn nói, “Chuyện chúng tôi mượn tiền để nộp cho thành phố là chuyện bắt buộc, không có tiền người ta không cho làm, có gì đâu, chuyện đơn giản thôi mà.” LS Tâm trả lời, “Mới đầu thành phố Fountain Valley đòi ban tổ chức đặt cọc $50,000 cho cảnh sát, sau họ tăng lên $80,000 mà cận ngày rồi, ban tổ chức không có tiền nộp cho thành phố nên tôi về năn nỉ vợ tôi cho họ mượn $30,000 với điều kiện phải có chữ ký của LS Tuấn và ông Ngãi Vinh, và mới đây tôi còn cho mượn thêm $26,000 nữa để trả cho các em vì mình là cộng đồng người lớn, mình không muốn để các em trẻ nghĩ xấu về mình, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ LS Tuấn để thanh toán số tiền còn thiếu.”
P/v Viễn Đông hỏi, “Số tiền ban tổ chức còn thiếu như hai anh Lộc Đỗ và Việt Anh đã tố cáo, chừng nào quý vị trả cho họ?”
LS Tuấn trả lời, “Chúng tôi trả cho anh Việt Anh rồi, không nhắc đến nữa.”
Về câu hỏi, Ai là người chịu trách nhiệm tài chánh? LS Lê Công Tâm trả lời, “Với tư cách đại diện Văn Phòng GSV Andrew Đỗ tôi xác nhận Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali hoàn toàn không có trách nhiệm về vấn đề tài chánh. Anh LS Tuấn có trách nhiệm thanh toán với điều kiện các người đòi nợ phải chứng minh chứng từ đàng hoàng.” (CĐVNNCA liền vỗ tay vang dội. Sau đó, LS Lê Công Tâm rời phòng họp).
Nhà báo Vi Anh hỏi, “Xin quý anh để tay vào trái tim, các anh nói với đúng lương tâm của mình: Các anh có bị người ta lợi dụng để tranh cử, kiếm phiếu hay không?” Ô. Ngãi Vinh trả lời, “Chúng cháu trung dung, cam kết không để cho các ứng cử viên, dân biểu lợi dụng”.
Nhà báo Củng Sơn (nhạc sĩ Trần Chí Phúc) đặt câu hỏi, “Quý vị có nghĩ quý vị phải liên đới chịu trách nhiệm không? Không thể người này đổ cho người kia! Rốt cuộc không biết ai là người chịu trách nhiệm.”
Nghệ sĩ Quốc Thái, “Tôi cũng là nghệ sĩ đứng trên sân khấu của OC Festival, cho đến giờ phút này chưa có một anh chị em nghệ sĩ nào nhận được một đồng chi trả của ban tổ chức.”
Nghệ sĩ Phi Khanh tố, “Cực chẳng đã Phi Khanh phải có mặt ở đây. Anh Tuấn nói đã đưa cho Phi Khanh 17 ngàn. Phi Khanh cầm hai tấm check không có tiền bảo chứng. Phi Khanh là người được GSV Andrew Đỗ và anh Lê Công Tâm mời để tổ chức chương trình văn nghệ này. Cộng Đồng không mời Phi Khanh. Phi Khanh nhận lời bởi vì GSV Andrew Đỗ và anh Lê Công Tâm mời. Phi Khanh không nhận một đồng deposit nào với ban tổ chức, bởi vì Phi Khanh tin tưởng những người mời Phi Khanh.
Hai ngày trước khi Hội Chợ Tết bắt đầu, Phi Khanh có hỏi anh Tuấn, vì Phi Khanh thấy có thể hội chợ bị lỗ và không có tiền gửi cho Phi Khanh để trả cho những ca sĩ giúp cho chương trình thì anh Tuấn không trả lời, và Phi Khanh không biết phải làm sao nên Phi Khanh đã nói chuyện thẳng với GSV Andrew Đỗ rằng, anh ơi, bây giờ làm sao? thì GSV Andrew Đỗ đã bắt tay Phi Khanh và nói rằng 'Chị cứ tiếp tục đi, tôi take care tất cả cho chị.'. Vì câu nói đó, vì sự tin tưởng đó Phi Khanh đã bắt tay Andrew Đỗ và Andrew Đỗ nhắc lại một lần nữa 'I take care of all for you'. Anh Tuấn chỉ là người điều hành còn Phi Khanh, Phi Khanh có trách nhiệm với tất cả 60 ca, nhạc sĩ, nhiều người vì Phi khanh đã bỏ các show để ở lại phục vụ cho cộng đồng với một giá tiền rất là nhỏ. Anh Tuấn nói $36,000. Đó là sự đồng ý của anh Tuấn ngay từ đầu từ tháng 11, và LS Lê Công Tâm nói với Phi Khanh, cứ làm đi đừng lo. Bây giờ Phi Khanh cầm trong tay tấm check không tiền bảo chứng thì thưa anh Tuấn, sự im lặng của anh quá lâu khiến các ca sĩ nghĩ rằng Phi Khanh đã nhận được tiền rồi tại sao không trao cho họ. Phi Khanh chỉ muốn bình an thôi, nhưng anh đã làm cho Phi Khanh không im lặng được.”
LS Tuấn trả lời, “Hôm đó tôi có dặn Phi Khanh đừng cash vội. khi nào tôi có tiền hãy cash.”
Ông Phát Lưu (truyền thông mạng) giận dữ nói, “Ông là luật sư, ông nắm luật trong tay, ông có biết ký check không tiền bảo chứng là tội rất nặng không?”
Nhà báo Vy Tuấn nói, “Thời gian vừa qua, GSV Andrew Đỗ đã lên tất cả các đài truyền hình và phát thanh để nói về trách nhiệm của cộng đồng qua Hội Chợ Tết. Vừa rồi, LS Lê Công Tâm nói 'Cái đó không là của cộng đồng' mà cũng không phải của GSV Andrew Đỗ mà của LS Tuấn. Cái điều này chúng ta dồn LS Tuấn vào thế bí, rồi tự động quý vị âm thầm giải quyết với nhau. Cái đó chúng tôi không đồng ý”.
Xướng ngôn viên Ngọc Ân (Little Saigon Radio & Hồn Việt TV) than thở, “Quý đồng hương đến hội chợ Tết là vì tin tưởng vào cộng đồng và tin tưởng vào Giám Sát Viên. Thế thì sau buổi họp báo này, quý đồng hương sẽ biết, không phải là cộng đồng cũng không phải là văn phòng GSV. Thế thì chỉ riêng là của LS Tuấn. Nếu như thế thì có đáp ứng được lòng tin của cộng đồng, của người Việt tha hương tin vào cộng đồng, tin vào văn phòng Giám Sát nữa hay không trước khi tin vào người khác?”
Vào lúc 9 giờ tối, không khí trong nhà hàng càng lúc càng sôi nổi, LS Tuấn phân bua, dài dòng và ba bốn lần bị MC Ngô Doãn Tiên yêu cầu rời khỏi bàn chủ tọa, vì bàn chủ tọa chỉ có hai ông Hòa và Bình thôi. Nhưng ông LS Tuấn vẫn “bám trụ” nhất quyết không rời ghế!
Một số đông bỏ ra về, ông Nguyễn Thanh Nhàn nói với Viễn Đông: “Chán quá! Họ sắp xếp với nhau cả rồi, họ đưa LS Tuấn ra làm bình phong, đóng vai Lê Lai cứu chúa. Chả ra sao cả. Hết tin nổi mấy cha này! Chán thật!”
Ông Nguyễn Thanh Tịnh (Sĩ quan CSQG) đưa nhận xét, Lúc mở hội chợ, ai cũng biết Hội Chợ do Cộng Đồng VN Nam Cali và GSV Andrew Đỗ tổ chức cho vào cửa miễn phí. Cái logo của Hội Chợ cũng có hình biểu tượng của Cộng Đồng VNNCA, của GSV Andrew Đỗ, bây giờ chả ai chịu nhận trách nhiệm. Như vậy sang năm nếu mấy ông này tổ chức nữa thì liệu có ai tin không? Có ai cộng tác nữa không? Đây là bài học cho những ai làm bất cứ việc gì không trong sáng, không minh bạch thì trước sau gì cũng phải lãnh hậu quả.”

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Dựa vào những nhà khoa học, cư dân Đài Tây khởi kiện Formosa Plastics Group. Thục Quyên (SaveVietnam´sNature)

Trong cuộc họp báo sáng ngày 13/08/2015, luật sư Thomas Chan cùng một số đồng nghiệp đã loan tin đứng đại diện cho 74 cư dân Đài Tây (Taisi Township) bị ung thư, khởi kiện nhóm Công ty Formosa Petrochemical, Formosa Plastics, Nan Ya Plastics, Formosa Chemicals and Fibre và Mailiao Power, đòi bồi thường tổng cộng 2,16 triệu Mỹ Kim (1)
Luật sư Chan cho biết, số tiền này nhằm bồi thường chi phí y tế, mất khả năng (làm việc) thu nhập, đau đớn về tâm thần cũng như thể xác, tang lễ....cho những nạn nhân các chất ô nhiễm phát ra bởi công nghệ cracking hoá-dầu của nhóm công ty Formosa  tại xã Mailiao (Mạch Liêu), về phía bắc của Taisi. Đây là vụ kiện đầu tiên tại Trung Hoa Quốc Gia mà nguyên đơn đã lấy căn cứ từ kết qủa của một chương trình nghiên cứu khoa học. Thêm vào đó,  sức ép kinh tế của Formosa Plastics Group cho thấy trước con đường đầy cam go đang chờ đợi ông và các đồng nghiệp.
Những nạn nhân đã vững tâm quyết định khởi kiện khi thấy chính đơn kiện giáo sư Ben-Jei Tsuang vì tội phỉ báng (2) của Formosa Plastics Group bị toà án Taipei bác bỏ, và trong số cả ngàn những nhà khoa học và trí thức Đài Loan ủng hộ GS Tsuang có GS Chan Chang Chuan của National Taiwan University (Đại học Quốc gia Đài Loan), cương quyết sẵn sàng ra toà như một nhân chứng cho hiểm họa môi trường do FPG gây ra.
Âm mưu dùng công quyền để bịt miệng những nhà khoa học.
Luật sư của GS Tsuang tố cáo Cơ quan  Bảo vệ Môi trường Đài Loan đã từng tổ chức một cuộc hội thảo ngày 15/04/2011 như một cuộc "đấu tố" vị giáo sư này và quảng cáo cho dự án hoá-dầu Kuokang (dự án này bị hủy bỏ tháng 5/2012 sau khi đơn kiện của FPG bị toà bác bỏ). (3)
Phản đối trò áp đảo tinh thần nhà khoa học, GS Chan Chang Chuan lên tiếng đả kích mạnh mẽ Giám đốc Cơ quan  Bảo vệ Môi Trường Đài Loan Shen Shu Hung đã tìm cách vô hiệu hoá giá trị thẩm định chuyên môn của GS Tsuang.
GS Chan Chang Chuan tuyên bố sẵn sàng ra toà làm nhân chứng thẩm định chuyên môn với kinh nghiệm điều khiển hơn 75 dự án nghiên cứu (4)liên quan đến môi trường, sức khỏe, đánh giá rủi ro và quản lý môi trường của  Bộ Y tế, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Lao động, Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia, thành phố Taipei,thành phố Kaoshung, huyện Đài Bắc, huyện Nantou cũng như  một số công ty tư nhân.

Kết qủa dự án nghiên cứu của GS Chan Chuang Chuan về sự liên quan giữa Ô nhiễm không khí và sức khỏe của người dân sống gần khu công nghệ  hóa-dầu tại Huyện Yunlin (Vân Lâm)(5)
Đây là một dự án nghiên cứu kéo dài từ 20/07/2009 tới 31/12/2014 với kết qủa cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư của người dân trong những thị trấn lân cận Mailiao, Taisi, Dongshih, Lunbei và Sihhu tăng cao từ khi nhà máy chế biến hóa-dầu của nhóm công ty Formosa tại Mailiao đi vào hoạt động (cuối năm1998) và bắt đầu phát ra các chất bay hơi làm ô nhiễm không khí.
 
Luật sư Thomas Chan cho biết tỷ lệ mắc bịnh ung thư của người dân sống trong phạm vi 10 km của nhà máy hoá-dầu trong những năm 2008-2010 cao hơn 4,07 lần những năm 1999-2001. 
Chỉ trong vòng 5 năm qua (2010-2015) đã có 645 vi phạm an ninh môi trường được ghi nhận, trung bình một lần mỗi 2,8 ngày, và số tiền phạt chính phủ thu được đã lên tới 9,25 triệu Mỹ kim.
Như vậy, mức đòi bồi thường của 74 dân cư xã Taisi đã bị ung thư không thể so sánh với số tiền phạt chính phủ đã nhận và lại càng không thấm vào đâu với hàng tỷ Mỹ kim doanh thu nhóm công ty Formosa kiếm được.
Chúng tôi muốn quyền cơ bản của con người .
"Nhà máy gây nguy hiểm cho con người, nhưng theo luật hiện hành, nó hợp pháp", giáo sư Mingdao và một cư dân Taisi, ông Hwang Yuan-he, cho biết. "Những gì chúng tôi muốn là quyền cơ bản của con người và cứu trợ tư pháp - bảo vệ cuối cùng người dân có thể dùng đến."
Cuộc chiến pháp lý của những cư dân Taisi sẽ rất khó khăn vì nguyên đơn sẽ phải chịu gánh nặng  chứng minh lời cáo buộc, Ông Su Chih-feng, cựu uy ̉viên huyện Yunlin (Vân Lâm) bình luận, vì theo ông những luật bảo vệ môi trường hiện nay qúa lỏng lẻo và Cơ quan Bảo vệ Môi trường không thi hành công việc đúng mức.
Tổng thư ký Shih Yueh-ying của Liên minh Bảo vệ Môi trường huyện Changhua (Chương Hóa) trích dẫn nghiên cứu của GS Chan Chang-chuan cho thấy mối đe dọa sức khoẻ do nhà máy hoá dầu Mailiao không giới hạn tại Yunlin. Cư dân xã Dacheng (huyện Changhua) có mức độ ô nhiễm kim loại nặng có thể gây ung thư trong nước tiểu của họ cao hơn so với Yunlin. Ông Shih đưa vấn đề chính phủ cần phải giúp người dân yếu thế, lập kế hoạch di dân đưa những người ở gần nhà máy ra vùng khác.

Luật sư Thomas Chan cũng kêu gọi chính phủ trung ương phải thiết lập một chương trình 
liên đô thị kiểm soát ô nhiễm , vì tất cả các thành phố và các quận của Đài Loan ngoại trừ Taitung (Đài Đông) đều bị ảnh hưởng bởi các nhà máy hoá dầu cracker .

TỆ NẠN CHỤP MŨ CỘNG SẢN - LS Đỗ Quý Dân (San Jose')


 


    “Chụp mũ cộng sản" cho người khác là một hành động gây thiệt hại lớn lao cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Hành động chụp mũ là một hành động hèn hạ, tiểu nhân, gây tổn hại cho chính nghĩa, cho tự do trong suốt 41 năm qua. Cộng đồng Việt ở hải ngoại cần phải lên tiếng nói và tìm những biện pháp hữu hiệu để đối phó với tệ nạn này.
 
    Nếu ở Việt Nam ngày nay, người dân, báo chí, những nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền bị công an, bị nhà nước dùng những điều luật vô lý, phi đạo đức, phản nhân quyền (như Điều luật 88 về Hình sự) để kiểm soát, kiềm chế, và cấm đoán những sinh hoạt hợp pháp, thì một đám người Việt ở hải ngoại, vì lý do này hoặc lý do khác, áp dụng phương pháp chụp mũ cộng sản lên những người lương thiện, vô tội để ngăn trở những sinh hoạt, công việc có ích lợi cá nhân, cộng đồng của họ.
 
    Mặc dù những thành phần hay chụp mũ cộng sản vào người khác chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong cộng đồng người Việt hải ngoại, hậu quả do việc chụp mũ của họ đã đem tới những thiệt hại rất nhiều cho cộng đồng người Việt. Cái thiệt hại lớn nhất là làm mất đi chính nghĩa của cộng đồng trong công việc tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ.    
 
    Khi chụp mũ người khác, ít khi nào họ dám ra mặt công khai, chỉ giấu mặt, phổ biến những bài viết nặc danh, hoặc giấu giếm tung tích dưới một tên hiệu khác, hoặc thúc đẩy một số người kém suy nghĩ làm công việc chụp mũ giùm mình. Riêng cái phong cách này đã chứng tỏ cái tính chất tiểu nhân, hèn hạ, và nguy hiểm của việc chụp mũ. 
 
    Một số cá nhân, khi chụp mũ người khác, có lối suy nghĩ như sau: “Mình chẳng việc gì phải sợ cả. Mình trên răng dưới …, chửi chúng nó cho sướng, chúng nó làm gì được mình. Mình cùi đâu sợ lở!”   
 
    “Cùi không sợ lở.” Nói thế tội nghiệp cho người bị phong cùi, tội nghiệp cho những người bị căn bệnh trầm kha để phải chịu đau đớn, khổ sở cả đời. Các thành phần chuyên chụp mũ người khác không bị ghẻ lở thân xác, không bị phong hủi, nhưng họ ghẻ lở tinh thần, phong hủi trong cách suy nghĩ, bẩn thỉu trong hành động. Họ trở thành những kẻ bị ám ảnh bởi những âm mưu, tính toán.  Họ để những âm mưu, tính toán đó gặm nhấm đầu óc họ, để họ trở nên thiếu sáng suốt, thiếu cân nhắc, để họ dần dà mất nhân tính. Họ chửi rủa, thoá mạ cộng sản, nhưng không biết rằng chính họ cũng đang áp dụng những phương pháp người cộng sản dùng để khủng bố dân. Họ chụp mũ người khác là cộng sản, là tiếp tay với cộng sản, là làm lợi cho cộng sản, nhưng chính họ đang làm hại cộng đồng và tiếp tay cho cộng sản làm cộng đồng người Việt tự do bị phân tán, làm giảm sức mạnh của cộng đồng, làm cản trở những nỗ lực tranh đấu cho chính nghĩa, tự do. Chính họ, chính những kẻ chụp mũ cộng sản lên đầu người khác là những kẻ thực sự làm lợi cho chế độ cộng sản. Chính họ là những “tội đồ của dân tộc”.   
 
    Những kẻ chụp mũ thường dùng những luận điệu nào để lên án các nạn nhân của họ? Họ dùng những tin đồn thất thiệt, thu thập một số dữ kiện, viết bài tố cáo nạn nhân là cộng sản hoặc tay sai cho cộng sản rồi sử dụng một danh sách email mà họ có để phổ biến bài viết chụp mũ các nạn nhân.  Đôi khi họ gan lì hơn, cho đăng lên báo bài viết đó.  Những “dữ kiện", “bằng chứng" trong  những bài viết chụp mũ kia đại khái có thể được xếp loại như sau.
 
1. Nạn nhân có giao thiệp với nhà nước cộng sản. Nhiều khi chỉ cần giao thiệp với những người giao thiệp với cộng sản cũng đủ có tội đối với họ. Kết luận này, dưới luật pháp Hoa kỳ, là thiếu căn cứ, thiếu cơ sở luận lý. Người Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự do giao thiệp, tự do quen biết, tự do hội họp (freedom of association). Là người ở xứ tự do, ta có quyền giao tiếp bất cứ ai, dù người đó có quan niệm chính trị khác với quan niệm của chính quyền tự do, của xã hội, của cá nhân mình. Ta có thể gặp gỡ, tụ họp với bất cứ ai. Lên án người khác dựa vào sự quen biết, gặp mặt, hoặc giao thiệp với những nhân vật có liên quan đến nhà nước cộng sản là tước đi quyền tự do giao thiệp, tự do tụ họp của người khác. Muốn tranh đấu cho tự do, ta phải hiểu thế nào là tự do và phải biết tôn trọng tự do của người khác. Không ai có thể quy tội cho người khác trên căn bản giao tiếp (guilty by association) được. Quy tội như thế là phỉ báng, là vu khống.
 
    Nếu sự giao tiếp giữa nạn nhân và nhân vật có liên quan đến nhà nước cộng sản làm hại cho cộng đồng, cho công cuộc đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ thì chúng ta có thể bảo nhau chứ không thể hành động chụp mũ.  Người Việt tỵ nạn cộng sản chẳng mấy ai muốn sống dưới chế độ cộng sản, những thành phần thiên tả ngày xưa giờ cũng đã chán ngán nhà cầm quyền tham nhũng và thối nát của Việt Nam.  Chúng ta bảo nhau thì nên, nhưng tuyệt đối không dùng những thủ đoạn hèn hạ, tiểu nhân để gây chia rẽ, làm sứt mẻ tình đồng hương, làm nản lòng những người muốn đóng góp cho cộng đồng.   
 
    Suy luận theo lối của những kẻ chụp mũ thì tất cả những ai về Việt Nam sau 1975 đều là Cộng Sản hoặc tiếp tay cho cộng sản. Vì họ vừa xuống phi trường đã phải gặp gỡ, “làm việc” với nhân viên hải quan cộng sản. Họ sẽ phải đem hộ chiếu (passport) trình cho nhà nước cộng sản. Và dĩ nhiên họ phải tiêu tiền ở đất cộng sản, làm lợi cho nhà nước cộng sản. Tất cả những ai phải làm việc với nhà nước Việt Nam, những người trong sứ quán Hoa Ky, trong những cơ sở kinh doanh làm việc ở Việt Nam, sẽ đều là cộng sản!    
 
    Không một toà án nào ở Hoa kỳ chấp nhận lối suy luận này. Vì thế, khi bị chụp mũ là cộng sản vì lý do quen biết, trao đổi, làm ăn với các đối tác ở Việt Nam, ngay cả với những đối tác trong chính quyền, nạn nhân có một cơ sở vững chắc để truy tố những kẻ chụp mũ ra trước pháp luật.   
 
2. Nạn nhân làm từ thiện ở Viêt Nam, làm “văn hoá” ở Mỹ, có lợi cho cộng sản. Những kẻ chụp mũ hay chỉ trích những phái đoàn y sĩ về chữa bệnh, giải phẫu cho người nghèo ở Việt Nam, những hội từ thiện, những cơ quan phi chính phủ (NGO-non governmental organization), những cơ quan bất vụ lợi (ngày nay gọi là phi lợi nhuận – non profit organization). Họ viện lý do là những hội này, các thành viên của những hội này, tiếp tay cho cộng sản vì đây là công việc của nhà nước cộng sản chứ không phải là công việc của người hải ngoại. Làm việc “thay thế” cho nhà nước cộng sản là tiếp tay cho cộng sản, và do đó là cộng sản!    
 
    Các kẻ chụp mũ thường phê phán người cộng sản là bất nhân. Đi chữa bệnh cho người nghèo, nuôi trẻ em, giúp người già, cứu trợ người tàn tật là những việc làm nhân nghĩa. Tố cáo những thành viên của những hội từ thiện là cộng sản tức là gián tiếp đề cao cộng sản nhân nghĩa, trái ngược với những chỉ trích, chửi rủa mà đám người chụp mũ hay áp dụng.    
 
    Về phương diện pháp lý, chụp mũ kiểu này giúp nạn nhân đủ yếu tố để truy tố thủ phạm trước toà. Không có toà án Hoa kỳ nào chấp nhận lối suy luận này của kẻ chụp mũ. Nói như họ, thì các cơ quan Hồng Thập Tự khắp nơi đều có thể là cộng sản, là tay sai của những nước độc tài, khủng bố. Những suy luận này, nói theo lối người bản xứ Hoa kỳ, chỉ đáng bị “vứt ra khỏi cửa”.    
 
3. Nạn nhân hay ca tụng cộng sản, hoặc ca tụng những kẻ “phản động”. Trường hợp nhạc Trịnh Công Sơn là trường hợp điển hình. Rất nhiều người vì yêu nhạc Trịnh, đứng ra tổ chức những buổi văn nghệ hát nhạc Trịnh, đã bị chụp mũ là cộng sản. Lý do: Trịnh công Sơn thân cộng, viết nhạc “làm lợi cho cộng sản”, những ai tổ chức sinh hoạt có nhạc Trịnh phải là những kẻ thân cộng, tiếp tay cho cộng sản.
 
    Nói thế thì chắc phần lớn của cộng đồng Việt sẽ thành cộng sản, sẽ “mang tội” tiếp tay cho cộng sản. Một câu hỏi phải được đặt ra cho kẻ chụp mũ: có phải người tự do tuyệt đối không được ca tụng những tác phẩm của người thân cộng, của đảng viên cộng sản? Vậy họ giải thích thế nào về việc quốc ca Việt Nam do một đảng viên đảng công sản sáng tác? Họ giải thích thế nào về việc người trong Nam vẫn yêu chuộng thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên?
 
    Lối suy nghĩ này không những cực đoan mà còn ấu trĩ. Trước pháp luật Mỹ, chụp mũ kiểu này sẽ bị coi như phỉ báng. Không toà án nào chấp nhận lối suy luận này được.   
 
4. Nạn nhân kinh doanh, trao đổi với Việt Nam, do đó làm lợi cho cộng sản, tiếp tay cho cộng sản. “Lý tưởng” của những kẻ chụp mũ là không mua bán, trao đổi với bất cứ ai có quan hệ đến nhà nước cộng sản.  Họ quên là người dân Mỹ, kể cả họ, tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm của Trung Hoa, ông trùm cộng sản. Nếu tiêu thụ hàng hoá Trung Hoa là làm giàu cho cộng sản ngoại bang, làm cho Trung Hoa mạnh hơn để có nhiều phương tiện thôn tính bờ cõi nước Việt hơn, và do đó là tiếp tay cho cộng sản, cho ngoại bang, thì có lẽ toàn thể cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ đang tiếp tay cho cộng sản, cho ngoại bang xâm lấn Việt Nam!    
 
    Một lần nữa, cái lối suy luận này không những cực đoan mà còn vô lý. Nói đúng hơn, đây là lý luận ngu xuẩn. Nạn nhân bị chụp mũ dưới dạng này rất dễ thành công khi truy tố kẻ chụp mũ trước toà án.   
 
5. Nạn nhân tán đồng ý kiến hoặc gặp gỡ những người ngày trước đã là đảng viên cộng sản.  Những người này, giờ đây dù làm gì đi nữa, vẫn tiếp tục là cộng sản. Nếu họ tỏ thái độ chống cộng, đó chỉ là họ đóng kịch, giả tạo. Những ai tiếp xúc với họ, tán đồng với họ, đều là cộng sản.    
 
    Đây là trường hợp của Dương Thu Hương, Bùi Tín, và những người tương tự. Những người này đã từng là đảng viên trung kiên của cộng sản, đã là “tội đồ của dân tộc” thì không thể cho họ đứng chung hàng ngũ với người quốc gia được! Những ai đã đọc Dương Thu Hương hay Bùi Tín gần đây sẽ thấy họ là những cây bút đả kích cộng sản hữu hiệu, vì ít ra họ hiểu nhà nước cộng sản hơn người miền Nam. Đả kích Dương Thu Hương, Bùi Tín chỉ là đả kích vì tư thù, chứ không thể nói vì lợi cho cuộc tranh đấu của người tự do. Chụp mũ những ai tán đồng với họ là hành động khủng bố, áp bức những người đó.    
 
    Trước toà án Hoa kỳ, nạn nhân bị phỉ báng, chụp mũ là cộng sản chỉ vì tán đồng với những người như Dương Thu Hương, Bùi Tín, sẽ có một cơ sở luận lý vững chắc để thắng kiện, để đòi được bồi thường.    
 
    Kẻ thua kiện sẽ phải bồi thường: bồi thường về tổn thất, thiệt hại cho nạn nhân, bồi thường tượng trưng, bồi thường vì nhu cầu xã hội phải trừng phạt kẻ cố tình chụp mũ để khủng bố. Dù có dùng những thủ thuật như khai vỡ nợ, không tiền, tên tuổi và hành động kẻ chụp mũ chắc chắn sẽ được công bố cho cộng đồng. Họ có thể đủ liêm sỉ để tiếp tục chụp mũ hay không, ta phải truy tố họ ra toà thì sẽ có câu trả lời.    
 
    Thế cho nên, kẻ nào chụp mũ người khác trong cộng đồng cần phải bị truy tố trước pháp luật.   
 
*LS Đỗ Quý Dân là LS hành nghề lâu đời tại San Jose.