Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Tài xế lùi xe trên cao tốc bị bác đơn kêu oan

Thái NguyênTòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của Lê Ngọc Hoàng, y án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù trong vụ án lùi xe trên cao tốc khiến 5 người chết.

Bản án phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên sáng 5/6 xác định Lê Ngọc Hoàng, 35 tuổi, lái xe đầu kéo, đã phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Hoàng phải bồi thường 530 triệu đồng cho gia đình các bị hại.

Sau lời tuyên án của chủ tọa, mẹ bị cáo Hoàng gào khóc, la ó chạy khắp toà. Trước cổng toà, nhiều tài xế đổ về đứng theo dõi.

Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, Hoàng bật khóc, khai đây là lần thứ tư bị đưa ra xét xử từ khi TAND Tối cao huỷ án yêu cầu điều tra lại. Hoàng khẳng định không có lỗi nên mong được HĐXX minh oan.

Theo bản án, ngày 19/11/2016, Hoàng đang điều khiển xe đầu kéo với tốc độ 62 km/h trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội thì xảy ra va chạm với ôtô Innova do Ngô Văn Sơn (42 tuổi) đang đi lùi. Tai nạn khiến 5 người chết, 5 người bị thương.

Hoàng bị xác định không tuân thủ quy định về tốc độ, không giảm tốc độ khi gặp biển cảnh báo "đi chậm". Quá trình điều tra và trước tòa, Hoàng không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng HĐXX nhận thấy có đủ căn cứ xác định nam tài xế có một phần lỗi trong vụ án này.
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng. Ảnh: Phạm Dự.
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng trong sáng 5/6. Ảnh: Phạm Dự.
Tranh tụng trong sáng nay, luật sư Giang Hồng Thanh, bào chữa cho Hoàng, nói rằng VKS cáo buộc Hoàng khi đang đi trên đường cao tốc thấy biển báo "đi chậm" phải giảm tốc độ xuống 60 km/h là không đúng. Biển báo "đi chậm" chỉ có hiệu lực với phương tiện rời khỏi cao tốc để rẽ vào nút giao.
Theo luật sư, công văn của Cục Quản lý đường bộ 1 cho rằng biển báo "đi chậm" không có hiệu lực với xe đi thẳng trên đường cao tốc mà chỉ áp dụng với xe rẽ vào lối ra khỏi cao tốc. Ngược lại, công văn của Tổng cục Đường bộ lại cho rằng biển báo "đi chậm" có tác dụng với phương tiện đi thẳng trên đường cao tốc. Bởi vậy, luật sư Thanh nghi những công văn có ý gỡ tội cho Hoàng bị bỏ ra ngoài trong khi công văn có tính chất buộc tội lại được áp dụng.
Ông đề nghị VKS cần có thêm các căn cứ để xác định Hoàng mắc lỗi không giảm tốc độ khi gặp biển báo này. Hơn nữa, trong 52 giây mất tín hiệu hành trình trước khi xảy ra tai nạn, xe của Hoàng đã di chuyển được 96,1 m, tức chưa tới 2m/giây. Như vậy, xe đầu kéo do Hoàng điều khiển chỉ có tốc độ khoảng 5 đến 10 km/h, giảm đến mức an toàn có thể dừng lại ngay.
"Vậy không hiểu VKS căn cứ vào đâu để nói Hoàng không giảm tốc độ", luật sư nói.
Đối đáp, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên giữ nguyên quan điểm khẳng định công văn của Tổng cục Đường bộ là chính xác. Hoàng có lỗi không giảm tốc độ khi gặp biển báo "đi chậm". Biển này được cắm ngay trước lối rẽ ra ngoài cao tốc tại nút giao. Hoàng cũng không giảm tốc độ khi thấy xe của bị cáo Sơn đang nhấp nháy đèn phía trước
Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi suốt 3 năm, trải qua 10 phiên sơ thẩm, bốn lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm.
Theo bản án sơ thẩm của TAND thị xã Phổ Yên tuyên hồi tháng 2, ngày 19/11/2016, Sơn lái xe Innova từ Bắc Ninh về thành phố Thái Nguyên. Khoảng 15h30 cùng ngày, trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội, Sơn lùi xe và xảy ra va chạm với xe đầu kéo do Hoàng điều khiển. Tai nạn khiến 5 người chết, 5 người bị thương.
Hoàng bị toà sơ thẩm phạt 4 năm 6 tháng tù, Sơn lĩnh 9 năm cùng về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Hoàng kháng cáo kêu oan.

Phạm Dự