Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Báo nước ngoài viết về phiên xử 'yêu râu xanh' ngoại quốc dâm ô bé trai Việt Nam

Zmajkovic lấy tên giả để làm quen với các bé trai ở Hà Nội, sau đó dùng tiền dụ dỗ các em quan hệ tình dục.

Roman Zmajkovic tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 25/9. Ảnh: SCMP.
Roman Zmajkovic tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 25/9. Ảnh: SCMP.

Roman Zmajkovic, công dân Slovakia, hôm 25/9 bị Tòa án Nhân dân Hà Nội kết án 3 năm tù và trục xuất về nước sau khi mãn hạn do có hành vi quan hệ tình dục với trẻ em, tờ SCMP ở Hong Kong, Trung Quốc hôm qua đưa tin.
Theo hồ sơ tòa án, Zmajkovic tới Việt Nam bằng thị thực du lịch vào cuối năm ngoái và vẫn lưu trú tại đây dù đã hết hạn thị thực. Người đàn ông 33 tuổi này có thể nói một số câu tiếng Việt, dùng biệt danh để làm quen với các cậu bé sống gần hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
SCMP dẫn truyền thông Việt Nam tiết lộ Zmajkovic trả tiền cho các cậu bé để quan hệ tình dục. Ban đầu y đưa ra mức giá 300.000 đồng, sau đó tăng lên 500.000 đồng. Zmajkovic thậm chí từng đưa một triệu đồng cho nạn nhân để các em giữ im lặng.
Hồi tháng 5, cảnh sát bắt Zmajkovic khi y đang quan hệ với một cậu bé 13 tuổi tại một khách sạn ở quận Hoàn Kiếm. Ngoài hình phạt tù, y còn phải bồi thường 105 triệu đồng cho bé trai này.
Zmajkovic là trường hợp đầu tiên bị xét xử theo luật mới của Việt Nam, trong đó quy định quan hệ tình dục đồng tính với trẻ em là phạm tội tình dục. 
Trước Zmajkovic, Vadim Scott Benderman, công dân Canada, cũng từng bị xét xử do có hành vi lạm dụng các bé trai. Benderman bị tuyên án 4 năm tù với tội "dâm ô trẻ em".
Đỗ Duy Vị, trưởng nhóm xử lý khủng hoảng của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách pháp lý này, kỳ vọng luật mới sẽ khiến những kẻ quấy rối trẻ em bị trừng phạt nghiêm khắc hơn.
"Mức án tù của Roman khá ngắn, chỉ có 3 năm. Anh ta có thể phải ở tù lâu hơn nếu cảnh sát có được thêm lời khai từ các nạn nhân khác", anh Vị đề cập tới Zmajkovic.
Ánh Ngọc

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Tổng thống Duterte bị kiện ra Tòa án Hình sự Quốc tế - By Dạ Lãm

Vào thứ hai, ngày 24/4/2017, luật sư Jude Sabio đã đệ trình đơn kiện Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức cao cấp của chính quyền Philippines lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), với tội danh “giết người hàng loạt”. Tổng thống Duterte trước đó cũng đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy do ông phát động trên toàn quốc.

Trong 78 trang  khiếu kiện được New York Times công bố, luật sư Sabio cho rằng Tổng thống Duterte đã “liên tục, lặp đi lặp lại và vẫn đang tiếp diễn” các tội ác chống lại loài người, lại còn cho rằng việc giết nghi phạm ma túy và các tội phạm khác là “phương án tối ưu”. Vị luật sư yêu cầu bộ phận Tiền Xét xử của ICC đưa Duterte và các quan chức cấp cao tới Phòng Xét xử để tiến hành phiên tòa, sau đó buộc tội và kết án họ với những hình phạt thích đáng, thậm chí tù chung thân.
Từ các vụ lạm sát ở địa phương đến sát hại quy mô toàn quốc
Luật sư Sabio chỉ ra, đã có ít nhất 1.400 người bị tử hình bởi Đội Thi hành án Tử Davao (Davao Death Squad) trong thời gian ông Duterte còn làm thị trưởng Davao. Và trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Duterte đã khiến ít nhất 7.000 người bị giết.
Đơn kiện được Sabio lấy tiêu đề là “Tình trạng giết người hàng loạt ở Philippines, Rodrigo Duterte: kẻ giết người hàng loạt” và gửi đến Fatou Bensouda, công tố viên của ICC ở Hague, Hà Lan.
Trong lá thư của mình, Sabio viết:
“Những động thái phù hợp của ông (Fatou Bensouda) đối với vấn đề này không chỉ phụng sự những mục tiêu cao quý của Tòa án Hình sự Quốc tế mà còn  đánh dấu sự khởi đầu cho việc chấm dứt một thời kỳ đen tối, ghê tởm, đẫm máu và tàn ác ở Philippines”.
Jude Sabio là luật sư của Edgar Matobato – cựu thành viên Đội Thi hành án Tử Davao đứng ra làm chứng tại Thượng viện Philippines, khai rằng đã hoạt động theo lệnh của Duterte.
Đây là lần đầu tiên công chúng biết đến việc khiếu kiện chống lại Duterte tại Tòa ICC, dựa trên sự làm chứng của Matobato và cảnh sát nghỉ hưu Arturo Lascanas, cũng như xác nhận từ các nhóm nhân quyền và thông tin báo chí, trong đó có chuỗi bài của Reuteurs về các vụ sát hại.
Trong đơn kiện của mình, Sabio cho rằng ông có những bằng chứng trực tiếp chứng minh Duterte vượt quá nguyên tắc “nghi ngờ hợp lý” khi cho thực hiện “phương án tối ưu” – xử tử nghi phạm tại Davao và tiếp diễn hành động đó trong cuộc chiến chống ma túy của mình khi trở thành tổng thống. Ông giải thích, các vụ giết người ở Davao có những điểm tương đồng với những vụ sát hại gần đây ở một số điểm sau:
  1. Có sự tham gia và chỉ huy của cảnh sát
  2. Có một sát thủ hoặc một kẻ tấn công vũ trang ẩn danh
  3. Có cơ chế khen thưởng cho mỗi lần giết người
  4. Có phần thưởng bằng tiền mặt
  5. Có danh sách nạn nhân
  6. Có sự hợp tác giữa thôn làng với quan chức cảnh sát
  7. Có tấm bảng cạc tông đánh dấu, và khuôn mặt hoặc toàn bộ thi thể được bọc bằng băng keo
  8. Sử dụng sát thủ đi xe gắn máy tấn công
  9. Sử dụng sát thủ bịt mặt hoặc đeo mặt nạ
  10. Có súng và ma túy
Luật sư Sabio cũng cho biết những tuyên bố công khai của Tổng thống Duterte “thể hiện rõ ràng ý định thúc đẩy, khuyến khích hoặc kích động cảnh sát và người dân giết người hàng loạt”.
Bên cạnh đó, ông Sabio cũng nêu ra 11 quan chức có khả năng phải đồng chịu trách nhiệm cùng Duterte.
Phía công tố của ICC xác nhận họ đã nhận được thông tin của ông Sabio và sẽ phân tích xử lý thỏa đáng.
Phản hồi từ phía Chính phủ Duterte
Ernesto Abella – người phát ngôn của Duterte – đã bác bỏ cáo buộc trên và xem nó như một “nỗ lực thô thiển” để hạ uy tín tổng thống.
“Cái gọi là “những vụ giết người không qua xét xử” không được nhà nước công nhận và tài trợ. Mục đích việc đệ đơn lên ICC rõ ràng là để gây rối và làm nhục tổng thống, cũng như làm suy yếu chính phủ hợp pháp của Philippines”.
Bộ Ngoại giao Philippines trong một tuyên bố riêng vào thứ hai cho biết họ đang lưu tâm đến vụ việc. Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Robespierre Bolivar, “cũng như bất kỳ hồ sơ nào khác mà Văn phòng Công tố nhận được, hồ sơ này cũng sẽ trải qua đánh giá toàn diện để xác định liệu nó có đủ điều kiện theo Quy chế Rome về phạm vi và thẩm quyền xét xử hay không”.
Tổng thống Duterte hiện đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích không chỉ trong đất nước Philippines mà còn trên phạm vi quốc tế về chiến dịch chống ma túy của ông. Trong đó có Nghị viện châu Âu – nơi vừa cảnh báo Philippines về nguy cơ có thể đánh mất các ưu đãi thương mại nếu tình trạng nhân quyền ở đất nước này không được cải thiện.
Về phần mình, Duterte trách mắng các quan điểm bất đồng với ông về cuộc chiến ma túy, với lý do làm vậy là cần thiết để bảo vệ lớp trẻ của đất nước.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Cơ hội đầu tư định cư Mỹ EB-5 trước ngày hạn mức đầu tư tăng lên

The tin "Dân trí", dự kiến, ngày 30/09/2018, Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra quyết định thay đổi một số quy định của luật đầu tư định cư Mỹ EB-5. Trong đó, thay đổi về hạn mức đầu tư sẽ là áp lực tài chính không nhỏ đối với các nhà đầu tư, chưa kể những thay đổi khác…

EB-5: rất thu hút nhưng vì sao phải thay đổi?

Chương trình EB-5 được Chính phủ Mỹ thiết lập từ năm 1900 để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài giàu có muốn đầu tư vào nền kinh tế Mỹ. Người nước ngoài đủ điều kiện sẽ có quyền cư trú vĩnh viễn và có thể mang theo gia đình (bao gồm vợ/chồng, bất cứ trẻ em phụ thuộc nào dưới 21 tuổi).

Các điều kiện của EB-5 dễ dàng và linh hoạt hơn so với các chương trình đầu tư khác nên có sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư có mong muốn có cơ hội nhận thẻ xanh cư trú tại Mỹ cho bản thân và gia đình: không giới hạn tuổi tác, yêu cầu trình độ ngoại ngữ, học vấn được học tập và làm việc ở bất cứ đâu trên đất Mỹ; tính linh hoạt của chương trình cho phép các nhà đầu tư chủ động quản lý các dự án EB-5 hoặc đảm nhận vai trò cố vấn như mong muốn; nguồn vốn cho dự án có thể đến từ nhiều nguồn khác như: cho tặng, bán tài sản, thu nhập kinh doanh, thừa kế…

Sau ngày 30/09/2018, cơ hội có thẻ xanh để định cư ở Mỹ cho cả gia đình sẽ có nhiều rào cản hơn?
Sau ngày 30/09/2018, cơ hội có thẻ xanh để định cư ở Mỹ cho cả gia đình sẽ có nhiều rào cản hơn?
EB-5 có sức hấp dẫn đặc biệt, nên số người tham gia vẫn không ngừng tăng lên. Theo thống kê của National Visa Center (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ), số lượng visa EB-5 nộp về trong giai đoạn 2017-2018 đã tăng lên 25% so với giai đoạn 2016-2017. Nhu cầu visa vẫn tiếp tục tăng ở các quốc gia Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan…

EB-5 đã được Chính phủ Mỹ gia hạn nhiều lần. Lý do EB-5 liên tục có những đợt gia hạn ngắn vì Quốc hội Mỹ chưa có sự thống nhất các chính sách về chi tiêu quốc gia, đồng thời các dự luật vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Đợt gia hạn gần nhất dài nhất trong 6 tháng (từ tháng 03-09/2018) là dấu hiệu cho thấy, Quốc hội Mỹ đã có những bước đi, rà soát những bất cập và sự chuẩn bị chắc chắn, trước khi ban hành và áp dụng luật mới.
Dự kiến, luật EB-5 mới sẽ thay đổi với 4 quy định điều chỉnh sau: Tăng định mức đầu tư vào các dự án từ 500.000 USD lên 925.000 USD (hoặc 1,3 triệu USD). Doanh nghiệp phải tạo ra 12 việc làm toàn thời gian thay vì 10 việc làm như hiện tại. Sự thay đổi trong giới hạn tiêu chuẩn xét duyệt vùng TEA (vùng tạo việc làm trọng điểm), nghĩa là một số thành phố lớn sẽ không còn nằm trong diện TEA hoặc chỉ phê duyệt cho các dự án tại khu vực nông thôn. Nhà đầu tư Việt Nam có thể phải chờ lịch phỏng vấn xin visa EB-5 lâu hơn so với hiện tại.

Cơ hội cuối cùng trước khi luật mới ban hành?
Luật mới được dự báo sẽ là động thái mà Chính quyền của tổng thống Trump muốn siết chặt vấn đề nhập cư vào Mỹ, đảm bảo tính minh bạch của dự án cũng như sàng lọc những hồ sơ thật sự có năng lực, những công dân mới phù hợp để góp sức vào sự phát triển chung của nước Mỹ, đồng thời, hạn chế tối đa rủi ro cho dự án và nhà đầu tư. Sự thay đổi là cần thiết, tuy nhiên, những thay đổi này cũng sẽ có tác động không nhỏ đến các nhà đầu tư co ý định tham gia chương trình vì áp lực tài chính sẽ nặng hơn và thời gian chờ đợi cũng lâu hơn.

Theo Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch Mỹ (INA), chương trình EB-5 giới hạn số lượng người nhập cư mỗi năm khoảng 10.000 người, bao gồm các thành viên gia đình phụ thuộc. Bởi vậy, hiện tại, lợi thế vẫn đang nghiêng về phía nhà đầu tư với mức chi phí vẫn giữ nguyên mức 500.000 USD.
Tuy nhiên, sau ngày 30/09/2018, ngoài việc mức phí sẽ tăng gần gấp đôi, gấp ba, việc chứng minh tài chính cũng phức tạp hơn, thì cơ hội nhận thẻ xanh sẽ càng khó khăn bởi lượng hồ sơ nộp vào Sở Di trú Mỹ (USCIS) ngày càng tăng, trong khi thời gian xét duyệt có hạn nên lượng hồ sơ tồn đọng nhiều. Bởi vậy, các nhà đầu tư tiềm năng cần có những quyết định sớm, nộp hồ sơ trước ngày 30/09/2018, điều này sẽ giúp cho hồ sơ của nhà đầu tư không bị tác động bởi luật EB-5 mới và trước khi quy trình xét duyệt hồ sơ nhập cư sẽ siết chặt hơn.

Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định hành trình tìm kiếm thẻ xanh có suôn sẻ và hạn chế tối đa rủi ro là việc nhà đầu tư cần tìm kiếm những đơn vị tư vấn có uy tín, kinh nghiệm và chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, có nhiều trung tâm khu vực khuyến khích đầu tư và danh mục thông tin dự án đầu tư EB-5, điển hình như IBID công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư định cư với sự hợp tác của các hãng luật, các nhà phát triển dự án và chuyên gia tư vấn Di trú hàng đầu tại Mỹ, Canada, Úc và Khối Liên Minh Châu Âu (EU).
Giám đốc IBID - Huyền Lê mới đây đã đạt giải thưởng Top 100 CEO các công ty tư vấn định cư và quốc tịch toàn cầu do tạp chí nổi tiếng EB-5 Investors & Uglobal bình chọn.
Giám đốc IBID - Huyền Lê mới đây đã đạt giải thưởng Top 100 CEO các công ty tư vấn định cư và quốc tịch toàn cầu do tạp chí nổi tiếng EB-5 Investors & Uglobal bình chọn.
 
Trong tháng 09/2018, IBID, công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư định cư tại Việt Nam có chương trình hội thảo để cập nhật thông tin về những thay đổi có thể sẽ được thông qua vào ngày 30/09 đổng thời mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư với dự án đầu tư an toàn The Spiral. Chương trình này cam kết với nhà đầu tư về việc: được hoàn vốn 100%, được nhận thẻ xanh cho cả gia đình, đặc biệt ưu đãi lên tới 230 triệu.
The Spiral với thiết kế hiện đại, độc đáo và quy mô lớn sẽ là viên ngọc quý của thị trường văn phòng tại New York.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Mỹ dọa trừng phạt Tòa án hình sự quốc tế

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 10/9 cảnh báo, Mỹ sẽ sử dụng "bất cứ biện pháp cần thiết nào" để bảo vệ công dân của mình và đồng minh trước nguy cơ bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) truy tố.



Tòa án hình sự quốc tế ICC được thành lập năm 2002. (Ảnh: Reuters)
Tòa án hình sự quốc tế ICC được thành lập năm 2002. (Ảnh: Reuters)
Theo BBC, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đang xem xét truy tố đối với các quân nhân Mỹ vì cáo buộc ngược đãi các tù nhân ở Afghanistan. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gọi ICC là tòa án không hợp pháp và tuyên bố Mỹ sẽ làm mọi việc cần thiết để "bảo vệ công dân".
"Mỹ sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ công dân của mình và của đồng minh khỏi nguy cơ bị truy tố thiếu công bằng bởi tòa án không hợp lệ, bao gồm cả thẩm phán và các công tố viên", ông Bolton nói. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng cho biết, Mỹ sẽ đáp trả ICC và nhân viên của ICC bằng các biện pháp được luật pháp Mỹ cho phép.
"Chúng tôi sẽ cấm họ tham gia vào hệ thống tài chính, và chúng tôi sẽ truy tố họ theo hệ thống hình sự Mỹ. Chúng tôi cũng sẽ làm như vậy đối với bất cứ tổ chức hay quốc gia nào hỗ trợ cuộc điều tra của ICC", ông Bolton nói thêm.
Quan chức của Mỹ cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ đáp trả các quốc gia này thông qua việc xét lại viện trợ quân sự, viện trợ tài chính cũng như chia sẻ thông tin tình báo.
ICC được thành lập năm 2002 và được 123 quốc gia công nhận. Tuy nhiên, Mỹ không công nhận vì chính quyền cựu Tổng thống George W Bush phản đối tổ chức này. Đến thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ bày tỏ mong muốn được hợp tác với ICC.
Minh Phương
Theo BBC

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Sự bất khả thi của đề xuất tước quyền Tổng thống Trump

Tu chính án 25 cho phép phó tổng thống Mỹ loại bỏ Trump, nhưng sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiến pháp nguy hiểm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó tổng thống Mike Pence. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó tổng thống Mike Pence. Ảnh: Reuters.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts Elizabeth Warren hôm qua tuyên bố các quan chức Nhà Trắng nên viện dẫn Tu chính án 25 trong hiến pháp Mỹ để truất quyền Tổng thống Donald Trump nếu họ tin rằng ông "không thể hoàn thành nhiệm vụ". Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng đề xuất của bà Warren là bất khả thi trong điều kiện thực tế hiện nay của nền chính trị Mỹ, theo Bloomberg.
Tuyên bố này được Warren đưa ra sau khi tờ NYTimes đăng bài xã luận của "một quan chức cấp cao giấu tên trong Nhà Trắng", cho biết người này đang cùng những quan chức chung chí hướng ngăn cản sự bốc đồng và "những khuynh hướng tồi tệ nhất" của Trump.
Tác giả bài xã luận này cho biết các cố vấn của Trump đã có những "lời xì xào đầu tiên" về việc loại bỏ Trump bằng Tu chính án 25, vốn quy định về tiến trình tuyên bố tổng thống không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ. Tuy nhiên, chính người này cũng thừa nhận rằng việc áp dụng điều khoản đó để vô hiệu hóa Trump có thể gây nên một cuộc "khủng hoảng hiến pháp".
Điều 4 Tu chính án 25 hiến pháp Mỹ quy định phó tổng thống với sự ủng hộ của đa số quan chức hành pháp cấp cao có thể nộp văn bản lên thượng viện và hạ viện tuyên bố rằng tổng thống không thể thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình. Khi đó, phó tổng thống sẽ lập tức trở thành quyền tổng thống.
Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp muốn loại bỏ Trump bằng Tu chính án 25, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là người duy nhất có thể đứng đơn nộp lên quốc hội Mỹ để xem xét về năng lực của Tổng thống. Trong khi đó, Pence đã ra tuyên bố khẳng định mình không phải là người viết bài xã luận trên NYTimes, đồng thời chỉ trích tác giả bài viết.
"Phó tổng thống luôn để tên thật của mình trong bất cứ bài xã luận nào mà ngài viết", Jarrod Agen, giám đốc truyền thông của Pence, tuyên bố trên Twitter, sau khi có tin đồn rằng Pence là người viết bài xã luận. "NYTimes nên cảm thấy xấu hổ, và người đã viết bài xã luận sai trái, phi logic, nhu nhược đó cũng nên thấy như vậy. Văn phòng chúng tôi không chứa những hành động nghiệp dư như thế", Agen viết thêm.
Ngay cả khi Pence nộp đơn lên quốc hội tuyên bố Trump không đủ năng lực lãnh đạo theo điều 4 Tu chính án 25, một cuộc khủng hoảng hiến pháp phức tạp và kéo dài có thể nổ ra ngay sau đó, do những quy định không rõ ràng trong điều khoản này.
Trong trường hợp Tu chính án 25 được áp dụng, Pence cũng chỉ là tổng thống tạm quyền, còn Trump vẫn là Tổng thống Mỹ nếu ông không tự nguyện từ chức. Tu chính án này không có điều khoản nào bắt buộc Trump phải rời khỏi Nhà Trắng sau đó, nên ông vẫn có thể tiếp tục làm việc ở đây, kể cả Phòng Bầu dục.
Kịch bản này có thể tạo ra hai chính quyền ở nước Mỹ và có thể gây nên rắc rối lớn nếu một nguyên thủ nước ngoài như Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Mỹ vào thời điểm đó và vẫn quyết định gặp Trump ở Nhà Trắng.
Khi cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa, Trump có thể hành động để phản công cũng bằng chính điều 4 Tu chính án 25, trong đó quy định tổng thống có thể gửi văn bản tới lãnh đạo thượng viện và hạ viện khẳng định mình vẫn đủ năng lực nắm quyền. Khi đó, Trump sẽ tiếp tục quyền lãnh đạo nước Mỹ của mình.
Trong vòng 4 ngày sau đó, phó tổng thống có thể tiếp tục nộp đơn lên quốc hội tái khẳng định tổng thống đã mất năng lực điều hành. Trong kịch bản này, nếu không vào thời gian họp thường kỳ, quốc hội Mỹ sẽ họp khẩn trong vòng 48 giờ để thảo luận vấn đề. Trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được đơn thứ hai của phó tổng thổng, quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu để định đoạt.
Chỉ khi 2/3 đại biểu ở cả hạ viện và thượng viện Mỹ nhất trí rằng tổng thống không đủ năng lực điều hành, phó tổng thống mới tiếp tục được làm quyền tổng thống. Nếu không, tổng thống vẫn tiếp tục nhiệm vụ và quyền lực của mình.
Theo bình luận viên Jonathan Bernstein, yêu cầu về số phiếu tối thiểu để loại bỏ tổng thống tại quốc hội theo Tu chính án 25 cao hơn rất nhiều so với tiến trình luận tội, dù kết quả là như nhau. Trong tiến trình luận tội, chỉ cần đa số đại biểu ở hạ viện và 2/3 thượng nghị sĩ ở thượng viện nhất trí với đề nghị luận tội, tổng thống Mỹ sẽ bị phế truất.
Trong trường hợp Pence nhận được sự ủng hộ của 2/3 đại biểu ở cả hạ viện và thượng viện để loại bỏ Trump theo Tu chính án 25, cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt.
Brian Kalt, giáo sư luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Michigan, cho biết vì điều 4 Tu chính án 25 không giới hạn số lần tổng thống nộp đơn khiếu nại lên quốc hội, nên về lý thuyết, Trump vẫn có thể hết lần này đến lần khác nộp đơn lên quốc hội để tuyên bố mình có đủ năng lực lãnh đạo.
Theo kịch bản này, trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Trump có thể buộc quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu mỗi tháng một lần, trong khi ông vẫn là ông chủ Nhà Trắng với cương vị Tổng thống Mỹ. Tồi tệ hơn, nhiều khả năng sẽ có một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Tổng thống và quyền Tổng thống, đẩy nước Mỹ vào tình trạng rối ren thực sự.
Bởi vậy, bình luận viên Bernstein cho rằng việc viện dẫn Tu chính án 25 để loại bỏ một tổng thống có đủ điều kiện sức khỏe và tinh thần để "phản công" là không phù hợp và không phải mục đích mà những người soạn ra điều khoản này của hiến pháp Mỹ nhắm đến. "Việc thảo luận về khả năng áp dụng Tu chính án 25 để đối phó Trump trong hoàn cảnh này là sai lầm và nguy hiểm", Bernstein nhận định.
Thành Nguyễn