Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Toà Tối Cao của Tiểu Bang New York bác đơn của Ông Trịnh Hội kiện, và phạt vạ ông ta phải trả toàn bộ án phí và chi phí luật sư...

 image.png


Ngày 9 tháng 9 vừa qua, Toà Tối Cao của Tiểu Bang New York bác đơn của Ông Trịnh Hội kiện tôi và phạt vạ ông ta phải trả toàn bộ án phí và chi phí luật sư của tôi. Xem nguyên văn án lệnh tại đây:
Trong đơn kiện nộp vào toà ngày 27 tháng 10, 2020, Ông Trịnh Hội, với tư cách “cựu Giám Đốc Điều Hành” của tổ chức VOICE, cáo buộc là tôi đã mạ lị ông ta là “vi phạm luật di trú Canada, vi phạm luật hình sự, có hành vi gian lận, là thành phần khủng bố, thuộc băng đảng buôn người, và đã thu nguồn lợi tài chánh một cách bất hợp pháp và không chính đáng”.
Trong quyết định của toà án, Bà Chánh Án Toà Tối Cao Donna M. Siwek phán quyết: “Đơn kiện của Ông Trịnh không có bất kỳ dữ kiện nào đủ để chứng minh rằng Cha Nguyễn đã bất chấp sự thật trong các lời phát biểu bị cáo buộc là mang tính cách mạ lị, và cũng không đưa ra được căn cứ dữ kiện nào để xác quyết rằng Cha Nguyễn đã hành xử bừa bãi khi phổ biến các lời phát biểu bị cáo buộc là mang tính cách mạ lị trên YouTube và Facebook.”
Cũng trong quyết định, Bà Chánh Án Siwek nhận định rằng tôi “đã căn cứ các phát biểu của mình dựa trên các cuộc nói chuyện riêng với người tị nạn Việt Nam và Thái Lan, cuộc điều tra của Cơ Quan Biên Phòng Canada về các vi phạm của VOICE đối với luật liên bang của Canada, phóng sự điều tra của đài truyền hình CBC của Canada; tất cả những nguồn tin này dấy lên những nghi vấn nghiêm trọng trong suy nghĩ của [Cha Nguyễn] về các hoạt động của Ông Trịnh và VOICE.”
Quả vậy, thoạt tiên tôi là người hết lòng ủng hộ Ông Trịnh Hội và VOICE vì thấy họ tỏ ra lo lắng cho người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan. Tôi luôn luôn quan tâm đến đồng bào tị nạn cộng sản đang mòn mỏi ở đất nước tạm dung này. Chính tôi là người tìm đến Ông Trịnh Hội để bày tỏ lòng trân quý và đã giới thiệu VOICE với các giáo dân người Việt trong giáo xứ mà tôi trông nom và nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt ở Buffalo, New York. Tôi cũng đã giới thiệu các người tôi quen biết ở Thái Lan để tình nguyện và giúp đỡ cho VOICE.
Tháng 4 năm 2016, tôi đã cùng với các giáo dân và nhiều thành viên trong cộng đồng đứng ra tổ chức gây quỹ cho VOICE với sự tham dự của Ông Trịnh Hội, Ông Đỗ Kỳ Anh (Giám Đốc Điều Hành của VOICE Canada), và Ông Lê Quốc Tuấn (Phó Giám Đốc Điều Hành của VOICE Canada). Tổng cộng chúng tôi đã gây quỹ được gần 20.000 Mỹ kim trao tận tay cho họ, chưa kể những khoản tiền mặt mà người tham dự đóng góp riêng, không qua ban tổ chức.
Khoảng giữa năm 2019, tôi bắt đầu nhận được các lời ta thán từ đồng bào tị nạn ở Thái Lan về các việc làm khuất tất của VOICE. Sau đó tôi được biết đến phóng sự tài liệu của đài CBC và những thông tin từ Ông Nguyễn Thanh Tú. Các thông tin này đã gây hoang mang cho những người đóng góp và ủng hộ Ông Trịnh Hội, VOICE, và VOICE Canada. Do có trách nhiệm đối với những người vì đã tin tôi mà ủng hộ và quyên góp cho VOICE, tôi tìm nhiều cách để hỏi Ông Trịnh Hội về các cáo buộc này. Tôi đã nhiều lần nhắn tin và hẹn nói chuyện điện thoại, nhưng Ông Trịnh Hội và Cô Luật Sư Anna Nguyễn của VOICE liên tục tránh né, thoái thác. Không còn cách nào khác, tôi phải đưa vấn đề công khai lên Facebook.
Lập tức, Ông Trịnh Hội và các thành viên cũng như thân hữu của VOICE đã tung chiến dịch bôi bẩn uy tín, triệt hạ nhân phẩm của tôi. Họ dùng nhiều ngôn từ tục tĩu, dựng tin thất thiệt về đời tư để xúc pham danh dự của một Linh Mục, đăng hình ảnh của tôi chụp chung với các giáo dân kèm với những lời lẽ hạ cấp nhắm vào các giáo dân của tôi là những người đã từng ủng hộ họ… Họ không ngưng ở đó mà còn xúc phạm cả bề trên của tôi và cả giáo phận nơi tôi phục vụ. Ông Trịnh Hội và các người của VOICE đã đăng những lời hả hê và miệt thị trên Facebook để khoe công trạng này.
Tôi không chùn bước và không thể chùn bước vì đã từng kêu gọi người khác ủng hộ và đóng góp cho VOICE, vì trách nhiệm của một Linh Mục khi giáo dân và bề trên của mình bị xúc phạm, và vì lương tâm đối với đồng bào tị nạn thấp cổ bé miệng ở Thái Lan. Nếu VOICE có thể bịt miệng tôi thì các đồng bào khốn khổ ấy sẽ phải ngậm miệng làm thinh trước sự đe doạ của VOICE.
VOICE muốn dùng đơn kiện của Ông Trịnh Hội để bịt miệng vì biết rằng một Linh Mục nghèo thì không thể cáng đáng chi phí cao ngất của vụ án. Thiên bất dung gian, Ông Trịnh Hội thua kiện và phải trả mọi án phí, kể cả phí luật sư theo luật của Tiểu Bang New York. Trớ trêu là Quốc Hội New York chỉ mới thông qua luật này, với tính hồi tố, chưa đầy 2 tuần sau ngày Ông Trịnh Hội nộp đơn kiện vào toà. Trời đã đãi ngộ người công chính.
Với phán quyết Toà Án Tối Cao của New York, nhiều mạnh thường quân đã chính thức đòi VOICE hoàn trả tiền đóng góp tại buổi gây quỹ ở Buffalo vào tháng 4 năm 2016 vì niềm tin của họ đã bị phản bội. Theo luật của Hoa Kỳ, họ có quyền đòi lại các khoản đóng góp ấy.
Tôi cảm ơn thân nhân, bằng hữu, giáo dân, các nhân sĩ trong cộng đồng và đặc biệt là các đồng bào tị nạn ở Thái Lan vẫn đặt niềm tin nơi tôi trong suốt thời gian Ông Trịnh Hội và các thành viên của VOICE liên tục đánh phá, bôi bẩn, nhục mạ tôi. Tôi luôn tin rằng “Trời cao có mắt”.

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

ĐƠN TRÌNH BÀY, CUNG CẤP CHỨNG CỨ NGOẠI PHẠM VỀ THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM CỦA HỒ DUY HẢI & KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP

5 luật sư, gia đình Hồ Duy Hải, 2 công dân và 2 nhà báo cùng ký đơn.
 
Ls. Trần Hồng Phong: với tư cách là người soạn lá đơn này, tôi xin chia sẻ vài thông tin liên quan:
 
- Đơn đã được gửi lần đầu ngày 20/5/2021. Đây là một lá đơn có sức nặng và tầm quan trọng đặc biệt, khả năng rất cao sẽ giúp minh oan cho Hồ Duy Hải. Sự dũng cảm, yêu công lý của các nhân chứng đã gửi đơn trình bày và cung cấp thông tin tạo nên giá trị chứng minh. Người có công đầu để có lá đơn này, tôi xin gửi lời tri ân đến “anh hàng xóm” Võ Văn Sân, đã bỏ cả năm trời âm thầm tìm hiểu, từng bước gặp và thuyết phục các nhân chứng lên tiếng. Cám ơn một You Tuber đã giới thiệu anh Sân cho tôi. Tôi chỉ là người chắp bút mà thôi.
 
- Lá Đơn này đã được làm và gửi đi khẩn cấp và bí mật chưa từng có. Hiện đã tới tay các cơ quan có thẩm quyền, lãnh đạo cấp cao; đã có đại biểu QH phản hồi ... Theo thông tin tôi biết, các cơ quan thẩm quyền đang xem xét. Chúng ta hãy cùng chờ sau kỳ họp QH tháng 7 tới, khi VKSNDTC và TANDTC có lãnh đạo mới.
- Cám ơn Giảng viên Lưu Đức Quang đã cùng quan tâm.
- Trân trọng giới thiệu và công khai thêm 4 luật sư cùng đồng hành: Phạm Văn Thọ, Trần Đình Dũng, Phùng Thanh Sơn và Trần Bá Học. Xin nói rõ hơn, hiện đang còn rất nhiều luật sư trên cả nước đang và sẵn sàng tham gia hỗ trợ pháp lý miễn phí cho HDH. Chắc chắn đội ngũ luật sư bào chữa cho HDH sẽ được tiếp tục tăng cường.
 
Chúng ta hãy cùng hy vọng và đi trên con đường đúng pháp luật, để minh oan cho Hồ Duy Hải. Xin mọi người hãy đồng hành và chia sẻ cùng chúng tôi. Chân thành cám ơn.
(Ghi chú: Vì lý do bí mật đời tư và sự an toàn của các nhân chứng, chúng tôi xin mã hoá thành tên là XXX)
……..
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TP.HCM, ngày 20 tháng 5 năm 2021
ĐƠN TRÌNH BÀY, CUNG CẤP CHỨNG CỨ NGOẠI PHẠM
VỀ THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM CỦA HỒ DUY HẢI
& KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP
(7 nhân chứng vừa có đơn cam kết, xác nhận Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan) từ 20h-21h ngày 13/1/2008 – ngay tại thời điểm CQĐT xác định Hải vào bưu cục Cầu Voi và sát hại 2 nữ nhân viên)
Kính gửi: VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Đồng k/g: TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP QUỐC HỘI
CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Chúng tôi, những người cùng ký tên bên dưới, là những luật sư được gia đình mời hỗ trợ pháp lý, kêu oan cho bị án Hồ Duy Hải - trong vụ án hai nữ nhân viên bị sát hại tại bưu cục Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tối ngày 13/1/2008, những người yêu công lý và quan tâm đến vụ án bưu cục Cầu Voi.
Vụ án này đã được Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm (theo QĐ kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSNDTC) và có Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của HĐTP TANDTC.
Sau phiên tòa giám đốc thẩm, trên cơ sở tiếp nhận được nhiều tài liệu chứng cứ mới, từ tháng 10/2020 tôi và gia đình Hồ Duy Hải đã có Đơn kêu oan, tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án và kiến nghị kháng nghị tái thẩm gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. (xem đính kèm)
Trên cơ sở vừa tiếp nhận được những tài liệu, chứng cứ có nội dung đặc biệt quan trọng và mới, thể hiện việc tối ngày 13/1/2008, bị án Hồ Duy Hải không hề vào bưu cục Cầu Voi mà đi dự đám tang ông Hồ Chi (tên gọi khác là Tư Lan), một người hàng xóm cách nhà Hải 500m. Thời điểm Hải có mặt tại đám tang là từ lúc 19h50 đến 21h – trùng với thời điểm mà từ trước đến nay Hồ Duy Hải bị CQĐT công an tỉnh Long An quy kết đã vào Bưu cục Cầu Voi (khoảng 19h30) và sau đó sát hại hai nữ nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thu Vân lúc khoảng 20h30’.
Những chứng cứ mới này cũng hoàn toàn phù hợp với 2 bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải (ngày 20/3/2008) có trong hồ sơ điều tra, nhưng đã bị CQĐT công an tỉnh Long An rút khỏi hồ sơ vụ án một cách khuất tất, trái luật.
Đó là các đơn trình bày, xác nhận và cam kết của các nhân chứng có tên sau đây:
1. Bà Nguyễn Thị Tư, sinh 1952 (còn gọi là Tư Lan), vợ ông Hồ Chi. Địa chỉ: Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Lời trình bày ngày 16/5/2021 (clip).
2. Ông Võ XXX, sinh: 1957. Địa chỉ: Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Đơn trình bày ngày 23/4/2021.
3. Ông Huỳnh XXX, sinh 1968, (còn gọi là 7 Thanh). Địa chỉ: Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Đơn trình bày xác nhận và cung cấp thông tin ngày 23/4/2021.
4. Ông Nguyễn XXX, sinh 1979. Địa chỉ: Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Bản tường trình sự việc và cung cấp thông tin ngày 10/5/2021.
5. Ông Nguyễn XXX, sinh 198). Địa chỉ: Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Bản tường trình về việc gặp Hồ Duy Hải trong đám tang ông Tư Lan đêm 13/1/2008 (ngày 11/5/2021).
6. Ông Lê XXX, sinh 195. Địa chỉ: Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Đơn trình bày về việc gặp Hồ Duy Hải trong đám tang ông Tư Lan đêm 13/1/2008 (ngày 22/5/2021).
7. Bà Nguyễn XXX, sinh 1967. Địa chỉ: Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Tờ tường trình ngày 16/ 5/2021.
Các nhân chứng trên đã tự nguyện cung cấp thông tin và đơn xác nhận cho tôi (luật sư Trần Hồng Phong), khẳng định lời trình bày là đúng sự thật và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời trình bày của mình.
Hiện bản chính các bản khai luật sư Trần Hồng Phong đang giữ, cùng các đoạn ghi hình (clip) về cuộc tiếp xúc, trao đổi với các nhân chứng. Trong quá trình tiếp xúc, các nhân chứng đều cho biết sẵn sàng trình bày đúng sự thật khi được cơ quan chức năng mời làm việc. Tôi sẵn sàng giao nộp bản chính những tài liệu này cho CQĐT/Vụ 7 VKSNDTC khi được yêu cầu. (Không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục có thêm các nhân chứng khác nữa).
Sau khi xem xét nội dung và cẩn trọng đánh giá, chúng tôi cho rằng 100% những thông tin do các nhân chứng nêu trên cung cấp là sự thật. Đó là tối ngày 13/1/2008, từ lúc khoảng 19h50 đến 21h, Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan, phụ giúp việc bưng bê, rót nước. Nhiều người nhìn thấy và nói chuyện với Hải.
Việc Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan, không hề vào Bưu cục Cầu Voi tối 13/1/2008 cũng hoàn toàn phù hợp với những tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải và hàng loạt điểm mâu thuẫn khác trong hồ sơ vụ án mà chúng tôi đã phân tích và nêu ra trong các đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải đã gửi trong suốt hơn 10 năm qua.
Đặc biệt, còn phù hợp với nội dung nêu trong 2 bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải 1 ngày trước khi bị bắt. Đó là Bản tường trình do Hải tự viết tay và Biên bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008. Đây là tài liệu được VKSNDTC xác định là “lời khai ban đầu của Hồ Duy Hải”, là tài liệu có trong hồ sơ điều tra, nhưng đã bị CQĐT công an tỉnh Long An rút khỏi hồ sơ vụ án. Vấn đề này được nêu rõ trong QĐ kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSNDTC (Trang 9) và Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của HĐTP TANDTC (Trang 19, 20).
Nếu những chứng cứ mới này được kiểm tra, điều tra lại và làm rõ, thì đủ cơ sở để khẳng định Hồ Duy Hải đã bị kết án tử hình oan. Toàn bộ những chứng cứ và lý lẽ kết tội của CQĐT công an tỉnh Long An sẽ hoàn toàn bị “sụp đổ”, và đồng thời làm rõ được hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của những người có liên quan.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 399 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về việc công dân có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, nay chúng tôi có đơn này, trình bày và giao nộp các chứng cứ, tài liệu nêu trên đến Quý cơ quan và Quý lãnh đạo; với mong mỏi vụ án được giải quyết khách quan, đúng pháp luật; Hồ Duy Hải sẽ được minh oan.
Cụ thể như sau:
Phần 1: Việc Cơ quan điều tra công an tỉnh Long An rút khỏi hồ sơ vụ án lời khai đầu tiên không nhận tội của Hồ Duy Hải
I. Tóm tắt vụ án & kết luận của CQĐT, VKSND tỉnh Long An về hành vi phạm tội giết người của Hồ Duy Hải:
Đêm 13/1/2008, tại Bưu cục Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi).
Khám nghiệm hiện trường sáng 14/1/2008, CQĐT thu giữ được một số dấu vân tay dính máu của hung thủ - ghi nhận trong Biên bản khám nghiệm hiện trường.
Ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải bị bắt và khởi tố về hành vi giết người, cướp tài sản.
Kết luận điều tra số 68/KLĐT.PC14 ngày 29/08/2008 và Cáo Trạng số 97/QĐ.KSĐT ngày 01/10/2008 kết luận: Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất đã thực hiện hành vi giết hai nữ nạn nhân. CQĐT xác định như sau:
Tối 13/1/2008, Hải đi xe máy đến bưu cục Cầu Voi lúc “khoảng 19h30’”, vào bên trong ngồi nói chuyện với nạn nhân Hồng. Lúc khoảng 20h30’, Hải đưa tiền cho nạn nhân Vân ra ngoài mua trái cây và giết nạn nhân Hồng. Khi nạn nhân Vân mua trái cây về bị Hải giết tiếp. Hải đã dùng một con dao inox tại bưu cục cắt cổ hai nạn nhân.
Việc kết tội giết người đối với HDH của CQĐT công an tỉnh Long An duy nhất dựa vào 2 cơ sở/chứng cứ sau:
1. Bản thân Hồ Duy Hải đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
2. Có nhân chứng Đinh Vũ Thường vào bưu cục gọi điện thoại lúc 19h39’ và nhìn thấy Hồ Duy Hải đang ngồi nói chuyện với nạn nhân Hồng, cùng một chiếc xe gắn máy đậu ngoài sân.
Ngày 28/11/2008, TAND tỉnh Long An xét xử sơ thẩm, ra bản án số 97/2008/HSST tuyên phạt tử hình Hồ Duy Hải về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”.
Ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM xử phúc thẩm, có bản án số 281/2009/HSPT, tuyên y án sơ thẩm.
II. Kháng nghị của VKSNDTC và Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC đều nói về “lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải”:
Suốt 14 năm qua, gia đình Hồ Duy Hải và các luật sư liên tục gửi đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải, đề nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án kết tội Hải. Vì cả tại 2 phiên toà sơ thẩm phúc thẩm Hải đều kêu oan, có quá nhiều tình tiết mâu mẫu, vô lý và hàng loạt dấu hiệu thể hiện có sự cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của điều tra viên.
Ngày 22/11/2019, VKSNDTC có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSNDTC-V7. Trong Quyết định này, VKSNDTC đã chỉ ra nhiều chục dấu hiệu vi phạm, sai phạm trong quá trình điều tra và đề nghị huỷ cả hai bản án sơ thẩm phúc thẩm để điều tra lại.
Đặc biệt, tại Trang 9 nội dung như sau: "Lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của bị cáo Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của Cơ quan điều tra".
Qua kháng nghị của VKSNDTC, lần đầu tiên tôi và gia đình Hồ Duy Hải biết rằng Hồ Duy Hải đã có một bản khai “đầu tiên” vào ngày 20/3/2008 – một ngày trước khi Hải bị bắt và Hải đã không nhận tội.
Sau đó, tại phiên toà giám đốc thẩm ngày 6-8/5/2020, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ra Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2020/HS-GĐT, bác bỏ toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSNDTC.
Riêng đối với “lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải”, trong Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã nhận định và kết luận như sau (nguyên văn tại Mục 16):
[16] Về lời khai ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải:
Theo trình bày của Cơ quan điều tra tại phiên tòa giám đốc thẩm: tại lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008, Hải trình bày về việc sử dụng thời gian ngày 13/01/2008. Kết quả xác minh, Hải khai không đúng sự thật nên Cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ xét xử vụ án, nhưng được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an.
Việc không lưu các lời khai này trong hồ sơ vụ án là thiếu sót của Cơ quan điều tra. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã công bố những tài liệu này cho Hội đồng giám đốc thẩm. Qua xem xét những tài liệu nêu trên, tuy không được lưu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật nhưng nội dung của những tài liệu này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không cần thiết điều tra lại.
Ý kiến của chúng tôi:
Qua nội dung nêu trong QĐ kháng nghị của VKSNDTC và và QĐ giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC, đã cho thấy:
i) Việc Hồ Duy Hải có bản khai đầu tiên ngày 20/1/2008 KHÔNG NHẬN TỘI và TRÌNH BÀY VỀ SỬ DỤNG THỜI GIAN TỐI 13/1/2008 là có thật. Bản khai này đã bị CQĐT công an tỉnh Long An rút ra khỏi hồ sơ vụ án, nhưng vẫn còn lưu trong hồ sơ điều tra. Việc hiện nay vẫn còn lưu giữ tài liệu này là một thuận lợi đặc biệt, giúp có cơ hội để cấp có thẩm quyền có thể xác minh điều tra lại, làm sáng tỏ các tình tiết mà Hồ Duy Hải nêu trong bản khai - ngay trong thời điểm hiện nay.
ii) CQĐT công an tỉnh Long An đã xác minh lời khai đầu tiên của HDH, tuy nhiên kết quả xác minh như thế nào tới nay VKSNDTC và gia đình Hồ Duy Hải, luật sư bào chữa KHÔNG HỀ ĐƯỢC BIẾT, mà chỉ có Hội đồng thẩm phán TANDTC biết và kết luận rằng “Hải khai không đúng sự thật”.
Bất luận thế nào, thì nhất thiết cũng cần phải làm sáng tỏ và công khai việc Hồ Duy Hải đã khai gì về việc sử dụng thời gian tối 13/1/2008 trong bản “lời khai ban đầu” và kết quả xác minh của CQĐT về việc này là thế nào? liệu có thực sự chính xác và khách quan không? Nếu xác minh không khách quan, không đúng, dẫn đến hậu quả kết tội oan cho Hồ Duy Hải thì sao? Trong khi đây là một vụ án hình sự thông thường, việc xét xử là công khai thì tại sao phải giấu, phải rút khỏi hồ sơ vụ án?
III. Hồ Duy Hải đã khai đi dự đám tang ông Tư Lan từ 20h – 21h ngày 13/1/2008 trong lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008:
Sau phiên toà giám đốc thẩm, chúng tôi đã tiếp nhận được 2 bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải (bị rút khỏi hồ sơ vụ án) nói trên. Đó là 2 tài liệu sau đây:
1. Bản tường trình viết tay của Hồ Duy Hải, ngày 20/3/2008 - BL VKS: 114, 115
2. Biên bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải, do Điều tra viên Nguyễn Văn Minh thực hiện, lúc 16h30 ngày 20/3/2008. BL VKS 72, 73
Lời khai của Hồ Duy Hải tại 2 bản khai trên hoàn toàn giống nhau. Hải khai tối ngày 13/11/2008 từ 20h-21h Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan. Cụ thể như sau:
“Ngày Chủ nhật 13/1/2008. Đến chiều tối khoảng 18h00 do đặt cược thiếu tiền nên một mình tôi đi xe Honda WaveS màu đen biển số 62K8 3040 đến tiệm cầm đồ Thuận Hưng cầm DTDĐ Nokia N73 được 1.500.000 đồng. Tôi về nhà gặp Đang (con ông Thắng cũng xóm). Tôi và Đang đến quán cà phê ông Thượng (ngã ba Bình Ảnh đi vào 1km ấp 1 Nhị Thành). Tôi đưa Đang 1.500.000đ để Đang thanh toán tiền cá cược bóng đá đêm trước.
Thanh toán xong lúc này khoảng trên 19h00 một mình tôi đi về nhà để xe honda tại nhà. Tôi tiếp tục đi bộ đến nhà 2A (mẹ Luân) khoảng 400 mét tôi hút xong điếu thuốc mượn xe honda wave màu đen TQ biển số 62A 3976 của bà 2A chạy xuống đám ma nhà Tư Lang khoảng 600 mét.
Tôi đến đám ma khoảng 20h00 thì gặp Thời 22T (con 8 Phát), Hiếu 25T (con 3 Xanh), Tùng Trinh 22T (con 7 Tiếu) và anh Vinh 27T (con dì Ba Rưỡi), chú Hải 32T (con ông Tà Mười)...ngồi nhậu chung bàn với cậu 3 Thẹo (con bà Tư Nghiêm), cậu Tám Thọ 53T (con 5 Gà), anh Thiếu (con 3 Hậu), anh Út con..., anh Tám 32T con Tú Ú, cậu Em 37T (anh Thái), Tám Thốt Nốt...
Đến 21h00 một mình tôi về nhà 2A và xem bóng đá cùng với anh Hoàng, Điền (con 5 Phước) tại quán 2A cho đến 5h sáng hôm sau ngày 14/1/2008.
Tôi về nhà tôi đến khoảng 7h00 có anh Tân (con 5 LE) nói "có hai người phụ nữ bị giết ở bưu điện Cầu Voi" nên tôi mới biết Hồng Vân bị giết cho đến nay và tôi cũng không có đi đám tang của Hồng Vân”.
Ghi chú: Ngày 16/5/2021 vừa qua tôi (Ls. Phong) đã trực tiếp đến nhà bà Tư Lan – vợ ông Tư Lan, và được bà Tư Lan cho biết bà tên thật là Nguyễn Thị Tư, còn chồng bà (ông Tư Lan) tên thật là Hồ Chi. Bà Tư Lan khẳng định Hồ Duy Hải có đến dự đám tang chồng bà (xem phần sau).
Ý kiến của chúng tôi:
- Không chỉ trong 2 Bản khai đầu tiên nói trên, mà trong cả 2 phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm – thể hiện trong BB phiên toà sơ thẩm ngày 28/11/2008 và BB phiên toà phúc thẩm ngày 28/4/2009 đều thể hiện: Hồ Duy Hải nhiều lần nói mình không giết người, mà chỉ “khai” và tối ngày 13/1/2008 không đến bưu cục Cầu Voi.
- Việc Hồ Duy Hải có thể nhớ và khai chi tiết và cụ thể như vậy, nếu xét trong ngữ cảnh thông thường là khó, vì lúc khai đã cách sự kiện 66 ngày. Tuy nhiên vì ngày hôm đó còn có 2 sự kiện đặc biệt gắn liền là việc hai cô gái bị giết tại bưu cục Cầu Voi ngay gần nhà và Hải đi cầm điện thoại, nên việc Hải nhớ hôm đó mình đi đám tang ông Tư Lan là hoàn toàn hợp lý, dễ hiểu.
……
Phần 2: Mới: Chứng cứ ngoại phạm về thời gian và địa điểm của Hồ Duy Hải
I. Lời trình bày (có cam kết) của các nhân chứng, nội dung có sự thống nhất, đều khẳng định tối ngày 13/1/2008 - từ khoảng 20h đến 21h - Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan) – đúng như “lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải”:
Trong thời gian 1 tháng qua, tôi đã tiếp nhận được 6 bản khai và lời trình bày của 6 người dân cư trú tại Ấp 1 xã Nhị Thành, cùng xóm với bị án Hồ Duy Hải. Ấp 1 là 1 xóm nhỏ, với chỉ khoảng 20 hộ, sống gần nhau trong bán kính chưa tới 1km, hầu hết mọi người đều quen biết nhau.
6 nhân chứng có tên dưới đây đều khẳng định tối 13/1/2008, khoảng từ 19h50 đến 21h, họ đã gặp và nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan. Mọi người đều thấy Hải có hành động phụ giúp gia đình bà Tư Lan: rót trà mời khách tại đám tang. Các nhân chứng đều bày tỏ mong muốn sự thật được làm sáng tỏ, bảo đảm không để oan cho Hồ Duy Hải.
Cụ thể các nhân chứng đã trình bày và xác nhận như sau (trích từ đơn của các nhân chứng):
1. Lời trình bày và xác nhận của bà Nguyễn Thị Tư (Tư Lan), sinh 1952 – ngày 16/5/2021
“Chồng tôi mất tối ngày 12/1/2008, khi xe chở xác về nhà đã tối (khoảng 20h), xe bị tắt máy 2 lần. Gia đình tẩm liệm, nhập quan và báo tang ngày hôm sau 13/1/2008.
Tối 13/1/2008, cháu Hồ Duy Hải có đến phụ giúp đám tang chồng tôi, tại đám tang cháu Hải phụ bưng bê chén đĩa, rót nước trà mời khách. Tôi nhận ra cháu Hải vì cháu là người rất nổi bật, dáng cao, da trắng.
Qua sáng hôm sau (14/1/2008), khi đưa chồng tôi đi chôn, cháu Hải là người khiêng quan tài chồng tôi khi hạ huyệt.
Tôi biết rõ cháu Hải vì cháu là người trong xóm, thường mua bánh mì của tôi. Thường ngày cháu Hải gọi tôi là dì, tính hiền, rất lễ phép”.
2. Trình bày và xác nhận của ông Võ XXX (sinh 1957)
Đơn trình bày v/v xác nhận và cung cấp thông tin việc Hồ Duy Hải có mặt trong đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan) đêm 13/1/2008 - ngày 23/4/2021.
“Tôi xác nhận từ 13/1 2008 chưa có cơ quan chức năng nào đến phỏng vấn hỏi tôi về việc Hồ Duy Hải có ở đám tang ông Hồ Chi (nêu trên) hay không. Nay có một số việc liên quan tôi muốn xác nhận và cung cấp cho cơ quan chức năng như sau:
Tối 13/1/2008 tôi đến viếng đám tang ông Hồ Chi vào lúc 18 giờ. Đến gần 20 giờ thì thấy cháu Hải (con cô Loan) đến phụ đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan).
Hải phụ bưng dọn trà, nước, bánh … đãi khách. Hơn 20 giờ tôi về (Khoảng 20h15 phút) tôi về (lúc đó cháu Hải đang phụ đám). Sau đó tôi không biết cháu Hải đi đâu và làm gì.
Tôi cam đoan sự việc trình bày trên là đúng sự thật. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trên”.
3. Trình bày và xác nhận của ông Huỳnh XXX (sinh 1968)
Đơn trình bày xác nhận và cung cấp thông tin - ngày 23/4 2021
“Vào tối ngày 13/1 2008 khi tôi đóng cửa tiệm tạp hóa xong thì đi vào đám ma anh Tư Lan (Hồ Chi) ở xóm chùa.
Đến đám tang lúc đó khoảng 19h30, tôi thăm hỏi và ngồi nói chuyện một lúc khoảng 30 phút sau thì thấy có cháu Hồ Duy Hải con của chị Loan có đến phụ bưng dọn trà nước ở đám tang anh Tư Lan (Hồ Chi). và cháu Hải có đến bàn của tôi ngồi cháu Hải có nói là chào cậu Bảy đến dự đám tang hả. Và tôi cũng có chào cháu Hải. Trong đám tang lúc đó có rất đông người đến dự. Tôi thì vẫn thấy cháu Hải bưng trà nước vô tiếp cho mấy bạn khác cùng với đám.
Đến khoảng hơn 21h thì Hải có đến hỏi đi về. Còn tôi thì còn ở lại trò chuyện cùng với mấy anh em trong xóm đến hơn 22h thì tôi mới đi về.
Lời trình bày của tôi là sự thật, tôi xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong suốt thời gian qua, tôi không thấy ai là người đại diện đến hỏi và xác nhận ở tôi”.
4. Trình bày và xác nhận của ông Nguyễn XXX (sinh 1979)
Bản tường trình sự việc và cung cấp thông tin - ngày 10/5/2021
“Khoảng 19h00 đêm 13/1/2008 tôi từ nhà vợ ở thị trấn Thủ Thừa vào đám tang ông Tư Lan (ông Hồ Chi), tôi vào viếng tang và ngồi vào bàn cùng mấy người trong xóm, ngồi uống trà và cùng nhâm nhi với mấy người bạn cùng xóm (như: Bé Tư (tên Hiển), Cu Anh, cậu Hải em, Tín, cậu Thu, Măng, Hà Tuyền chung bàn cạnh bàn cạnh bàn Thi Ân.
Trong đám tang tôi còn thấy người: Bảy Tèo (Bảy Thanh), Ba Thẹo, cậu 2 Hùng, tôi ngồi khoảng gần 20h00 thì thấy Hải vào dự đám tang có gật đầu chào tôi và mấy anh em ngồi chung.
Tôi thấy Hải vào có phụ đám bưng bê trà nước và đồ ăn trong đám. Khoảng 20H30 tôi chuẩn bị về có Hải lại ngồi chung bàn có nói chuyện nhau vài câu, tôi đứng dậy chào bàn đi về và có vỗ vai Hải nói (có chơi thì đừng khuya quá để về nghỉ ngơi). Tôi tranh thủ về phụ vợ chăm lo sữa uống, ru con, tã ướt vì con tôi còn nhỏ và nghỉ ngơi sáng mai để đi làm (chạy xe ôm).
Từ đêm dự đám tang ông Tư Lan đến ngày hôm nay tôi xác thực rằng không có cơ quan nào đến hỏi tôi có gặp Hải đêm 13/1/2008 trong đám tang đó hay không.
Những lời trình bày trên hoàn toàn đúng sự thật. Tôi cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
5. Xác nhận và trình bày của ông Huỳnh XXX (sinh 1983)
Bản tường trình v/v gặp Hồ Huy Hải trong đám tang ông Tư Lan đêm 13/1/2008 – ngày 11/5/2021
“Tôi đến phụ đám tang ông Tư Lan vào lúc hơn 06h30 tối. Trên đường đi tôi gặp Hải khúc gần chùa. Tôi có nói chút (nữa) lại phụ đám, khách đông lắm. Hải nói đi trước đi, tắm xong tao lại. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau tôi thấy Hải đến (khoảng 7h50). Chúng tôi phụ việc trong đám như: dọn bàn, chén đũa, nước đá …
Khoảng 9h tối Hải đi về (tôi không biết Hải đi đâu) tôi tiếp tục phụ dọn dẹp đến gần 5h sáng mới về nhà. Trong đám tang tôi thấy rất nhiều người đi dự như: anh Thanh (7 Tèo), anh Tín, Cu Anh, anh Măng, Hà Tuyên, chú Hải EM, cậu Thu, anh Ba Thẹo …
Tôi nhớ khoảng ngày 22 hoặc 23-3-2008, anh Nguyễn Thanh Hải (công an xã Nhị Thành) có đến gặp tôi nói lên xã Nhị Thành có chút việc. Khi đến tôi được lấy lời khai bởi một anh không mặc đồ công an. Anh hỏi tôi và ghi biên bản: là có thấy Hải có đi dự đám tang ông Tư Lan hay không và tôi đã trình bày là tôi có gặp Hải ở đó. Và tôi có ký biên bản và ra về. Và từ đó đến nay không có cơ quan chức năng nào hỏi tôi nữa.
Đây là trình bày của tôi đúng sự thật xin gửi tới quý cơ quan giúp vụ án mau sáng tỏ. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với trình bày trên trước pháp luật”.
6. Đơn trình bày của ông Lê XXX, sinh 1953
Đơn trình bày về việc xác nhận và cung cấp thông tin Hồ Duy Hải có mặt trong đám tang ông Hồ Chi đêm 13/1/2008 (ngày 22/5/202)
“Tôi xác nhận từ ngày 13/1/2008 chưa có cơ quan chức năng nào phỏng vấn, hỏi tôi về việc Hồ Duy Hải có mặt ở đám tang ông Hồ Chi hay không.
Nay có một sự việc tôi muốn xác nhận và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng như sau: Tối 13 tháng giêng năm 2008 tôi đến viếng đám tang ông Hồ Chi vào lúc 19h đến gần 20h thì thấy Hồ Duy Hải con chị Loan đến phụ đám tang ông Hồ Chi. Đến khoảng 21h tôi về còn Hồ Duy Hải về khi nào thì tôi không biết.
Trên đây là sự việc tôi đã thấy và xác nhận là đúng sự thật. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nội dung trên”.
7. Trình bày và xác nhận của bà Nguyễn XXX (sinh 1967)
Tờ tường trình - ngày 16/5/2021.
“Sáng ngày 14/1 2008 tôi đi đám ma ông Hồ Chi (Tư Lan), tôi hỏi Hồ Huy Hải tối con đi đám ma đã cúng tiền điếu cho mẹ con chưa, nếu chưa Út (tôi) cúng dùm. Hồ Duy Hải nói tối này con cũng cúng dùm mẹ rồi, Út khỏi cúng nữa.
Sau khi Hồ Duy Hải bị bắt sau vài ngày có điều tra viên Trần Quang Tiến và ông Nguyễn Công Đỉnh lên hỏi tối hôm 13/1/2008 Hồ Duy Hải làm gì, tôi nói Hồ Duy Hải đi đám ma, hai điều tra viên nói ồ Duy Hải đâu nói đi đám ma mà bà nói và không ghi lời khai tôi vào giấy gì cả.
Tôi cam đoan lời khai trên là đúng sự thật, có gì sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
II. Việc tối 13/1/2008 Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang của ông Tư Lan là chắc chắn, đây là chứng cứ ngoại phạm rõ ràng và vững chắc của Hồ Duy Hải – chứng minh Hải không phải là hung thủ giết người tại bưu cục Cầu Voi:
Chúng tôi nhận thấy và cho rằng:
- Những lời trình bày và xác nhận của các nhân chứng trên đây đều là rất mới (tháng 4, 5/2021), nếu đối chiếu với lời khai ban đầu của Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008 hoàn toàn trùng khớp, thậm chí gần như chính xác 100%; mặc dù giữa hai bên hoàn toàn không hề gặp mặt nhau 14 năm qua.
- Nhân chứng Huỳnh XXX đã từng được CQĐT lấy lời khai, có ký vào Biên bản vào thời điểm Hồ Duy Hải vừa bị bắt. Ông XXX khẳng định khi đó đã khai có thấy Hồ Duy Hải tại đám tang. Thế nhưng trong Quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TANDTC lại xác định rằng “Hải khai không đúng” rõ ràng là rất bất thường, vô lý – so với lời khai của ông XXX. Thậm chí có khả năng lời khai của nhân chứng XXX bị chỉnh sửa hoặc huỷ bỏ.
- Cần nói thêm là trong vụ án này, việc nhiều tài liệu, lời khai nhân chứng bị sửa, rút khỏi hồ sơ vụ án là điều rất “bình thường”. Ví dụ: lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu bị chỉnh sửa, lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường bị chỉnh sửa, viết thêm … - Hội đồng thẩm phán đã kết luận ngay trong QĐ giám đốc thẩm. Điều này cho thấy việc lời khai của nhân chứng Hiển hay ai khác, có thể khai nhìn thấy Hải tại đám tang nhưng nếu có bị sửa hay rút bỏ thì cũng không có gì bất ngờ. Mà chỉ càng cho thấy rõ dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, cố ý kết tội một cách vô cùng độc ác đối với Hồ Duy Hải.
- Ngay từ thời điểm Hồ Duy Hải bị bắt tháng 3/ 2008, ít nhất đã có sự phù hợp chính xác giữa lời khai ban đầu của Hải và lời khai của nhân chứng Huỳnh XXX, bà Nguyễn XXX. Nếu những lời khai này được sử dụng theo đúng quy định, thì rõ ràng đây là tình tiết ngoại phạm rất rõ ràng và vững chắc của Hồ Duy Hải. Thế nhưng, thật đau lòng và đáng phẫn nộ khi những chứng cứ đặc biệt quan trọng này đã bị CQĐT loại bỏ, rút khỏi hồ sơ vụ án.
III. Bất thường việc Hội đồng thẩm phán TANDTC “đơn phương” kết luận “Hải khai không đúng sự thật”:
 
Theo nội dung thể hiện tại Mục 16 Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phám TANDTC kết luận rằng: CQĐT công an tỉnh Long An có đi xác minh và cho rằng “Hải khai không đúng sự thật nên CQĐT không đưa vào hồ sơ vụ án” và đây là “thiếu sót” - “Tuy nhiên, những vi phạm, thiếu sót này không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất của vụ án”.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi muốn nói rằng:
- Không có điều luật nào trong Bộ luật tố tụng hình sự quy định rằng vi phạm, thiếu sót trong điều tra thì “không làm thay đổi bản chất vụ án”. Đó là chưa nói trong khi Hội đồng thẩm phán TANDTC cho rằng đó là “thiếu sót”, thì tại sao VKNNDTC lại cho rằng đây là những “vi phạm nghiêm trọng”? – nêu rõ trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.
- Tại sao không công khai kết quả điều tra của CQĐT? Căn cứ nào để kết luận Hải “khai không đúng” về việc đi dự đám tang ông Tư Lan, trong khi có nhiều nhân chứng khai đã nhìn thấy Hải?
- Việc CQĐT tự ý rút kết quả xác minh ra khỏi hồ sơ vụ án, bất luận thế nào, đều trái pháp luật, sai nguyên tắc và đây là hành vi vi phạm luật tố tụng hình sự nghiêm trọng. Vì trách nhiệm của CQĐT là phải tôn trọng sự thật khách quan, bao gồm cả tình tiết xác định bị can vô tội.
- Theo HĐTP TANDTC, thì CQĐT đã chỉ "công bố những tài liệu này cho Hội đồng giám đốc thẩm". Nhưng cụ thể là gì thì tại phiên toà giám đốc thẩm những người tham dự (như đại diện VKSNDTC, Luật sư, người cung cấp chứng cứ,…) hoàn toàn không được biết. Điều này rõ ràng là không đúng với quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự. Đặc biệt là khi tại phiên toà phía VKSNDTC đã đề nghị công khai các tài liệu điều tra này (nhưng đã không được chấp nhận).
- Theo quy định của pháp luật, bất kỳ một bị can nào bị đưa ra truy tố bắt buộc phải thông qua và thực hiện bởi Viện kiểm sát nhân dân, thể hiện qua bản Cáo trạng và lời buộc tội tại phiên toà xét xử. CQĐT chỉ có chức năng điều tra chứ không có chức năng kết tội, kết quả/tài liệu điều tra của CQĐT hoàn toàn có thể bị Viện kiểm sát yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung. Như vậy,việc tại phiên toà giám đốc thẩm, khi phía VKS không chấp nhận kết quả điều tra của CQĐT công an tỉnh Long An, và yêu cầu phải công khai kết quả xác minh về việc Hồ Duy Hải không đi dự đám tang - mà vẫn không chấp nhận thì việc xét xử và kết luận của Hội đồng thẩm phán liệu có bảo đảm có đúng quy định của pháp luật và khách quan không? Hay phải chăng đã ngẫu nhiên “vô hiệu hóa”, loại bỏ vai trò của Viện kiểm sát tại phiên toà?
 
Có thể nói, việc làm rõ tình tiết Hồ Duy Hải có đi dự đám tang tối ngày 13/1/2008 hay không là rất quan trọng. Vì đây là tình tiết xác định Hồ Huy Hải có thật sự phạm tội hay bị kết án oan.
Chúng tôi cho rằng tình tiết này tới nay vẫn chưa rõ, tài liệu xác minh đang bị rút khỏi hồ sơ vụ án một cách trái pháp luật và nhất thiết cần phải làm rõ trong bối cảnh Hồ Duy Hải liên tục kêu oan.
Kính thưa Tổng bí thư, Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc Hội; Thủ tướng Chính Phủ
Kính thưa Quý cơ quan thẩm quyền;
Vụ án Bưu cục Cầu Voi - Hồ Duy Hải kêu oan được dư luận cả nước quan tâm, thậm chí cả dư luận quốc tế. Liên hợp quốc cũng đã từng có Kháng thư gửi Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu giải quyết vụ án đúng pháp luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc Hội Lê Thị Nga từng có văn bản đề nghị xem xét giám đốc thẩm, nêu ra hàng hoạt điểm bất thường (Nêu trong QĐ kháng nghị giám đốc thẩm của VKSNDTC ngày 23/11/2019)
Đây là một vụ án hình sự thuần tuý - về tội giết người, cướp tài sản, hoàn toàn không có yếu tố chính trị hay bí mật quốc gia. Theo quy định, việc xét xử là công khai, không có gì phải che dấu. Thế mà:
1. Nhiều tình tiết mâu thuẫn vẫn chưa được làm rõ sau phiên toà giám đốc thẩm:
Mặc dù trong Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSNDTC đã nêu ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng của CQĐT, dù phiên toà giám đốc thẩm đã qua, nhưng đến nay nhiều tình tiết rất mâu thuẫn, quan trọng và liên quan đến cơ sở kết tội Hồ Duy Hải, cũng như việc xác định sự thật khách quan vẫn chưa được làm rõ. Chẳng hạn như:
- Dấu vân tay thu được tại hiện trường là của ai? Tại sao CQĐT lại rút Kết luận giám định dấu vân tay không đưa vào Kết luận điều tra? HĐTP TANDTC cho rằng kết luận giám định dấu vân tay không phải là chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải dựa trên nguyên tắc khoa học nào?
- Tại sao CQĐT đã rút khỏi hồ sơ vụ án những lời khai ngay sau khi vụ án xảy ra (trước khi bắt Hồ Duy Hải) của 2 nhân chứng nghi can hàng đầu là Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị?
- Tại sao phải rút khỏi hồ sơ vụ án kết quả xác minh về việc Hồ Duy Hải dự đám tang ông Tư Lan tối ngày 13/1/2008?
- …vv.
 
2. Hàng loạt sai phạm, vi phạm rất nghiêm trọng trong quá trình điều tra là có thật, được Hội đồng thẩm phán TANDTC kết luận kháng nghị của VKSNDTC là đúng:
Tại Mục 18 Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của HĐTP TANDTC đã kết luận như sau: (nguyên văn)
[18] Từ những nhận định nêu trên, xét thấy:
Trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra có một số vi phạm, thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, giám định pháp y và nhận dạng như:
- Không thu giữ các vật chứng gây án khi khám nghiệm hiện trường (con dao, chiếc thớt, chiếc ghế inox);
- Ghi nhận không chính xác về hung khí gây án; không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường; không ra quyết định trưng cầu để xác định thời điểm chết của nạn nhân; Biên bản nhận dạng của anh Đinh Vũ Thường, anh Nguyễn Mi Sol không có người chứng kiến; Biên bản ghi lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai ...
- Không đưa vào hồ sơ vụ án một số tài liệu như: các biên bản ghi lời khai người làm chứng Đinh Vũ Thường, Nguyễn Mi Sol trước ngày phát hiện ra Hồ Duy Hải; lời khai của các anh Phùng Phụng Hiếu, Nguyễn Mi Sol, Nguyễn Văn Nghị và lời khai của Hồ Duy Hải (04 bản cung, 23 bản tường trình, bản tự khai, sơ đồ do Hải vẽ, viết, trong đó có lời khai ngày 20/3/2008).
Kháng nghị của VKSNDTC về những vấn đề nêu trên là đúng.
Tuy nhiên, những vi phạm, thiếu sót này không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất của vụ án.
Chúng tôi cho rằng: Việc HĐTP TANDTC kết luận “những vi phạm, thiếu sót này không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất của vụ án” – là không thoả đáng, thiếu khách quan và không đúng, không có căn cứ pháp luật. 
 
Nay, với những chứng cứ mới đã trình bày trên đây, liên quan trực tiếp đến lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải không nhận tội bị rút khỏi hồ sơ vụ án - chúng tôi xin được kiến nghị tới Quý cơ quan có thẩm quyền những đề nghị như sau:
1. Khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung thông tin về việc Hồ Duy Hải dự đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan) nêu trong các đơn trình bày và xác nhận của các nhân chứng mà chúng tôi cung cấp trong đơn này. Chúng tôi tin rằng đây là sự thật khách quan, là chứng cứ ngoại phạm mới nhất, rõ ràng và vững chắc nhất của Hồ Duy Hải – về thời gian, địa điểm.
2. Cần thiết yêu cầu/kiến nghị mở phiên họp xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC. Vì đủ căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó”, thì Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
3. Thay đổi biện pháp biện pháp ngăn chặn, cho phép bị án Hồ Duy Hải tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú (gia đình bảo lãnh) – trong thời gian chờ xác minh.
4. Xem xét và giải quyết những kiến nghị và đề nghị khác của chúng tôi – nêu tại Đơn kêu oan, tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án và kiến nghị kháng nghị tái thẩm đã gửi ngày 26/10/2020.
Rất mong được cấp có thẩm quyền xem xét, khẩn trương xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm oan người vô tội.
 
Xin chân thành cám ơn.
Người làm đơn: Ls. Trần Hồng Phong (đã ký)
Đồng ý đơn: Luật sư Phạm Văn Thọ; Luật sư Trần Đình Dũng; Luật sư Phùng Thanh Sơn; Luật sư Trần Bá Học; Bà Nguyễn Thị Loan, Cô Hồ Thị Thu Thuỷ, Bà Nguyễn Thị Rưỡi; Bà Nguyễn Thị Len; Ông Võ Văn Sân; Ông Lưu Đức Quang; Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, Nhà báo Nguyễn Đức (đã cùng ký)
 
Tài liệu đính kèm:
- Kết luận điều tra, Cáo Trạng vụ án.
- Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSNDTC.
- Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của HĐTP TANDTC.
- Đơn kêu oan cho bị án Hồ Duy Hải, tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án và kiến nghị kháng nghị tái thẩm ngày 26/10/2020.
- 2 bản khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải bị rút khỏi hồ sơ vụ án – được kết luận trong QĐGĐT.
- 7 đơn trình bày, xác nhận và cam kết của 7 nhân chứng về việc nhìn thấy Hồ Duy Hải dự đám tang tối 13/1/2008.
- Giấy chứng tử ông Hồ Chi (Tư Lan) – thể hiện ngày chết 12/1/2008, đám tang ngày 13/1, chôn ngày 14/1,

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền qua tài khoản tại ngân hàng - Covid-19 VN

Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ tiền, hàng hóa thông qua Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương hoặc trường hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam, theo các hình thức sau:

1. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền qua tài khoản tại ngân hàng:

+ Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (Chi nhánh Ba Đình)

Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Số tài khoản (VNĐ): 1261 000 1122 666

Số tài khoản (USD): 1261 037 0000 666

Mã SWIFT CODE: BIDVVNX

+ Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Sở giao dịch I)

Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Số tài khoản (VNĐ): 1201 0000 979797

Số tài khoản (USD): 1201 037 0000 123

Mã SWIFT CODE: BIDVVNX

Tại chi nhánh Sở giao dịch 1- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Lưu ý: Khi chuyển tiền, ghi rõ nội dung "Chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19"

2. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt:

+ Đơn vị tiếp nhận: Phòng Kế hoạch tài chính, Văn phòng cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

+ Điện thoại liên hệ: 0243.8256326, 0243.38256536; 0904.321.618.

3. Tiếp nhận ủng hộ hiện vật

- Đơn vị tiếp nhận: Ban Phong trào cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

- Liên hệ: Ông Phan Đình Cương, chuyên viên Ban Phong trào, số điện thoại: 0972.532.029; Email: dinhcuongmttw@gmail.com.

Thông tin chi tiết liên hệ:

- Ông Trần Văn Sinh, Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, SĐT: 0904.232095, Email: vansinhlinh@gmail.com.

- Bà Nguyễn Thị Hồng Thương, Phó Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. SĐT: 0243.8256.327; DĐ: 0903.268.111, Email: hongthuong_tc@yahoo.com.

Đổi trắng thay đen: Phản bội thuyền nhân rồi khoe công giải cứu họ - Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ts. Nguyễn Đình Thắng


Ngày 25 tháng 5, 2020


http://machsongmedia.com


Ngày 22 tháng 5 vừa qua, Ông Lê Xuân Khoa phổ biến bài viết tiếp theo một bài trước đó dã được đăng ở một số báo điện tử như VOA, Sàigòn Nhỏ và Việt Báo nhân dịp kỷ niêm 30 tháng 4. Hai bài viết này, giống như quyển sách mà Ông Khoa đã xuất bản trước đây, mang nhiều chi tiết không chỉ sai lệch mà còn là ngược ngạo về vai trò của ông ấy trong sự tranh đấu cho thuyền nhân và đặc biệt về chương trình ROVR.


Ông Khoa là cựu Giám Đốc Điều Hành của tổ chức SEARAC (Southeast Asia Resource Action Center) mà trước đó có tên là IRAC (Indochina Resource Action Center). Trong vai trò ấy, Ông Khoa đã tận tuỵ bảo vệ kế hoạch CPA của LHQ và liên tục chống phá nỗ lực của chúng tôi để thay thế nó bằng một chương trình theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.


Kế Hoạch CPA và Chương Trình ROVR


Kế hoạch CPA (Comprehensive Plan of Action, hay Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện) được hình thành năm 1989 dưới sự điều hợp của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và được hầu hết các quốc gia tạm dung và quốc gia định cư tham gia. BPSOS và nhiều tổ chức bảo vệ người tị nạn đã lên án các bất công và bê tha trong tiến trình duyệt xét tư cách tị nạn (thanh lọc) trong kế hoạch CPA, dẫn đến nguy cơ nhiều chục nghìn thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương về nơi họ bị ngược đãi.


Chương trình ROVR, viết tắt của Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees, là kết quả của cuộc vận động của chúng tôi để Hoa Kỳ can thiệp và thay thế kế hoạch CPA bằng một chương trình của Hoa Kỳ, công bằng hơn, nhân đạo hơn. Cuộc vận động của chúng tôi được Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) yểm trợ bằng

hành động lập pháp.


Ông Khoa đã tận tuỵ chống lại các nỗ lực của chúng tôi và DB Smith.


Đạo Luật H.R. 1561



Sau nhiều buổi họp với chúng tôi, sau khi gửi nhân viên lập pháp đến các trại tạm dung và sau khi đích thân thị sát tình cảnh của thuyền nhân ở Hồng Kông, ngày 3 tháng 5, 1995 DB Smith đưa vào Luật Chuẩn Chi Ngân Sách cho Bộ Ngoại Giao năm 1996-1997 Điều 1104 với 2 điểm chính: (1) Cấm Bộ Ngoại Giao dùng ngân sách do Quốc Hội cấp để tài trợ cưỡng bức hồi hương thuyền nhân; (2) Cấp ngân khoản để định cư thuyền nhân vào Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ. Xem: https://www.congress.gov/104/bills/hr1561/BILLS-104hr1561enr.pdf


H.R. 1561 được Hạ Viện thông qua ngày 8 tháng 6, 1995 với tỉ số 266-156, rồi được Thượng Viện thông qua ngày 14 tháng 12, 1995 với tỉ số 82-16. Dự thảo luật này làm khựng kế hoạch CPA vì các quốc gia tạm dung trông chờ UNHCR tài trợ cưỡng bức hồi hương, còn UNHCR thì dựa vào ngân sách viện trợ hàng năm của Hoa Kỳ. Không tiền thì cưỡng bức hồi hương phải đình chỉ.


Xem lịch trình lập pháp của H.R. 1561 tại: https://www.congress.gov/bill/104th-congress/house-bill/1561/actions?KWICView=false


2 buổi điều trần liên tiếp


Sau khi Hạ Viện đã thông qua H.R. 1561, DB Smith, lúc ấy là Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền và Hoạt Động Quốc Tế của Uỷ Ban Đối Ngoại, tổ chức 2 buổi điều trần chỉ cách nhau 2 ngày.


Buổi thứ nhất, ngày 25 tháng 7, 1995, có mục đích đánh giá mức sai phạm trong kế hoạch CPA cả về thanh lọc và sự an toàn cho thuyền nhân hồi hương. Thành phần điều trần gồm 2 nhóm. Nhóm bảo vệ CPA có đại diện của Bộ Ngoại Giao và Phó Chủ Tịch của World Learning Inc. (WLI). Nhóm kêu gọi xoá bỏ CPA và thay vào đó là chương trình riêng của Hoa Kỳ gồm có tôi, Luật sư Daniel Wolf đại diện LAVAS (tổ chức do BPSOS sáng lập), Ông Shep Lowman đại diện Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ, và Luật sư Pam Baker đến từ Hồng Kông. Xem hồ sơ Quốc Hội về buổi điều trần: https://chrissmith.house.gov/uploadedfiles/1995.07.25_indochinese_refugees_-_comprehensive_plan_of_action.pdf


Kết luận của buổi điều trần là kế hoạch CPA đầy dẫy bất công, và hàng nghìn cựu đồng minh của Hoa Kỳ, các nạn nhân của sự bách hại tôn giáo, và các đối tượng của sự đàn áp chính trị chỉ trong vài tháng sẽ bị cưỡng bức về Việt Nam.

Buổi thứ hai, ngày 27 tháng 7, gồm 3 tham luận đoàn: (1) các chuyên gia về lĩnh vực tị nạn, (2) các nhân chứng về sự bê tha trong kế hoạch CPA (bao gồm tống tình và tống tiền không chỉ bởi nhân viên di trú của quốc gia sở tại mà còn có cả luật sư UNHCR), (3) nhóm đề nghị giải pháp thay cho kế hoạch CPA gồm "bộ tứ" (tôi, Ls Wolf, Ông Lowman và Ls Baker) đã điều trần ngày 25 tháng 7. Giải pháp mà chúng tôi đề nghị trở thành khung sườn cho chương trình ROVR sau này. Xem: https://chrissmith.house.gov/uploadedfiles/1995.07.27_comprehensive_plan_of_action_for_indochinese_asylum_seekers.pdf


Ngoài ra, trước đó 1 tuần DB Smith còn tổ chức buổi tường trình (briefing) mà chỉ có nhóm chúng tôi trình bày cho các dân biểu và nhiều giới chức chủ chốt của Bộ Ngoại Giao có mặt để lắng nghe. Vì đây là buổi tường trình kín nên không có trong hồ sơ Quốc Hội.


Ông Lê Xuân Khoa hoàn toàn bị gạt ra ngoài các cuộc điều trần và tường trình này vì DB Smith và các đồng viện biết rõ việc Ông Khoa rắp tâm chống phá giải pháp mà chúng tôi đề xuất và được họ ủng hộ.


Rắp tâm chống phá lần 1



Sát ngày Hạ Viện biểu quyết H.R. 1561 Ông Khoa lên tiếng phản đối trên tờ Washington Post. Báo này thuật lại quan điểm của Ông Khoa: "Bất kỳ đòi hỏi nào cho họ [thuyền nhân] được tái phỏng vấn theo quy định của dự thảo luật của Hạ Viện đều sẽ chỉ tạo nên 'những phản ứng' mạnh ở Hồng Kông và Thái Lan, là các quốc gia tạm dung không đón chào người tị nạn."

"Chúng ta phải tránh gây bạo động và thiệt mạng," Ông Khoa nói. "Giải pháp tốt nhất cho họ là quay về Việt Nam, như 70 nghìn người đã hồi hương, và nộp đơn xin xuất cảnh từ đó." Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/05/Washington-Post-article.pdf


Bài báo Washington Post ngày 24 tháng 5, 1995



Lúc ấy, chương trình HO đã đóng và chương trình ROVR chưa ra đời. Hồi hương để nộp đơn xin xuất cảnh từ Việt Nam là chuyện hoàn toàn không thể đối với những người bị đàn áp.


Sau đó ít lâu, văn phòng của DB Smith hỏi tôi là có biết về một người Mỹ gốc Việt tự giới thiệu là "Tiến Sĩ Lê Xuân Khoa" đã tiếp xúc một số văn phòng dân biểu để vận động họ chống lại Điều 1104 không. Tôi chia sẻ những gì tôi biết.


Ngày 8 tháng 6, khi Hạ Viện tranh luận về Điều 1104, Dân Biểu Doug Bereuter (Cộng Hoà, Nebraska) trưng dẫn lá thư của Ông Khoa để thuyết phục các đồng viện là ngay một người Việt Nam làm Giám Đốc Điều Hành của SEARAC cu~ng chống. DB Bereuter chủ trương bảo vệ kế hoạch CPA. May hôm trước, văn phòng DB Smith đã báo cho tôi biết về bức thư của Ông Khoa, và chỉ trong nửa ngày chúng tôi đã vận động trên 30 tổ chức người Việt, tổ chức tôn giáo, và tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ viết thư ủng hộ Điều 1104. DB Smith dùng thư này để dập tắt lập luận của DB Bereuter. Dự thảo luật được Hạ Viện thông qua với số phiếu 266-156.


Một chi tiết khôi hài là, khi thủ tục bỏ phiếu bắt đầu thì văn phòng DB Smith nhận được fax của Ông Khoa bày tỏ sự ủng hộ cho Điều 1104. Tờ fax này hoàn toàn vô giá trị vì đã xong phần tranh luận. Có lẽ Ông Khoa ngả theo chiều gió khi thấy số phiếu ủng hộ Điều 1104 đang tăng nhanh.


Rắp tâm chống phá lần 2



Dự thảo luật H.R. 1561 được chuyển lên Thượng Viện.


Đầu tháng 7, TNS Frank Lautenberg hướng dẫn phái đoàn Thượng Viện đến Việt Nam ngay trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức bình thường hoá quan hệ bang giao. Trưởng văn phòng của SEARAC ở Việt Nam, Ông Nguyễn Hữu Thu, cùng đại diện của 4 tổ chức Mỹ hoạt động ở Việt Nam gặp phái đoàn và kêu gọi TNS Lautenberg "giết" Điều 1104 khi Thượng Viện bỏ phiếu về H.R. 1561. Cả 5 tổ chức này, trong đó có SEARAC, thuộc nhóm Consortium đang lãnh cấp khoản của BNG để tái hội nhập thuyền nhân hồi hương.


Ngày 10 tháng 7, sau khi phái đoàn Thượng Viện về lại Hoà Kỳ, nhóm Consortium đánh fax đến văn phòng của TNS Lautenberg để nhắc lại các điểm đã được nêu lên tại buổi họp ở Việt Nam: Điều 1104 kích thích bạo động ở các trại tạm dung, ảnh hưởng xấu đến việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tất cả 43 nghìn thuyền nhân còn ở các trại tạm dung đều đã được cứu xét kỹ lưỡng về tư cách tị nạn, v.v. Họ xin Thượng Viện cấp thêm ngân sách cho chương trình tái hội nhập thuyền nhân hồi hương.


Chúng tôi may mắn có được bản fax này nên biết được rắp tâm của Ông Khoa là giết Điều 1104 ở Thượng Viện sau khi thất bại ở Hạ Viện. Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/05/Nguyen-Huu-Thu-SEARAC-Memo.pdf


Bản fax của SEARAC và 4 tổ chức trong Consortium gửi TNS Lautenberg, ngày 10 tháng 7, 1995



Hai tuần sau, đại diện cho nhóm Consortium, vị phó chủ tịch của WLI đã mạnh mẽ phản bác giải pháp đề nghị của chúng tôi tại buổi điều trần ngày 25 tháng 7.  Điều này không đáng ngạc nhiên vì WLI đứng đầu nhóm Consortium để nhận cấp khoản của BNG nhằm thực hiện chương trình hồi hương thuyền nhân.


Tại sao có 2 buổi điều trần liên tiếp?



Việc DB Smith tổ chức 2 buổi điều trần liền nhau sau khi dự thảo luật đã được Hạ Viện thông qua là không bình thường. Chính DB Smith xác nhận như vậy trong lời mở đầu buổi điều trần ngày 25 tháng 7.


Một lý do cho điều bất thường này là sự phát hiện bản fax của SEARAC và các tổ chức trong Consortium kể trên. Hồ sơ của 2 buổi điều trần chính là chứng cứ để thuyết phục các thượng nghị sĩ về các sai sót đến độ bê tha và nguy hiểm trong kế hoạch CPA trước khi họ biểu quyết H.R. 1561.


Nhờ vậy, Điều 1104 được giữ nguyên khi Thượng Viện thông qua H.R. 1561 ngày 14 tháng 12.


Ông Khoa lần nữa thất bại.


Vô hiệu hoá lá bài Lê Xuân Khoa



Trong nhóm Consortium, Ông Khoa là thành phần nguy hiểm nhất vì là người Việt Nam. Bộ Ngoại Giao dưới Hành Pháp Clinton đã sử dụng lá bài này một cách tận tình để đối phó với Quốc Hội, lúc ấy đang ủng hộ chúng tôi.


Ngay sau 2 buổi điều trần, DB Smith gửi văn thư chính thức yêu cầu Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao điều tra Ông Khoa và SEARAC về hành vị khai gian lý lịch để xin cấp khoản liên bang: Ông Khoa khai gian mình là Tiến Sĩ trong đơn xin cấp khoản của Bộ Ngoại Giao. Đấy là tội hình sự.


Khi bị điều tra, Ông Khoa giải thích rằng người khác quý mến nên gắn danh hiệu tiến sĩ, dù rằng ông ta phản đối. Nhưng giải thích như vậy không ổn vì chính Ông Khoa đã ghi mình là Tiến Sĩ trong bản lý lịch (résumé) gửi kèm đơn xin cấp khoản.


Có lẽ mục đích của DB Smith không là truy tố hình sự Ông Khoa hay SEARAC mà chỉ là vô hiệu hoá lá bài tẩy của Bộ Ngoại Giao. Quả vậy, sau đó Bộ Ngoại Giao đã ngưng sử dụng lá bài tẩy này.


Sự ra đời của Chương Trình ROVR



Ngày 12 tháng 4, 1996 Tổng Thống Clinton phủ quyết Điều 1104 của Luật H.R. 1561. Tuy nhiên, bù lại Toà Bạch Ốc cử Ông Eric Schwarts, Cố Vấn Đặc Biệt về Nhân Quyền của Tổng Thống, "thuyết phục" Bộ Ngoại Giao hợp tác với DB Smith và chúng tôi để hình thành giải pháp có tên là ROVR. Ông Schwartz, khi là phụ tá lập pháp của DB Steven Solarz (Dân Chủ, New York), đã cùng với chúng tôi tranh đấu cho thuyền nhân Việt Nam trong những năm 1988-1993.


Khi chương trình ROVR được công bố ngày 22 tháng 4, 1996 thì thời điểm hiệu lực được tính lùi về ngày 1 tháng 10, 1995, tức là ngày mà Điều 1104 của H.R. 1561 sẽ có hiệu lực nếu không bị phủ quyết bởi Tổng Thống Clinton. Đấy là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy ROVR là xuất phát từ Điều 1104 của H.R. 1561, chứ chẳng phải là khu vực xám hoặc Track II theo truyện kể của Ông Khoa.


Giải pháp khu vực xám và Track II



Giải pháp khu vực xám (gray area) mà Ông Khoa đưa ra, chẳng được ai đáp ứng, kể cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.


Theo đó, Ông khoa đề nghị là Hoa Kỳ dàn xếp với UNHCR để cứu xét định cư một số nhỏ những người thuộc thành phần cựu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, cựu nhân viên sở Mỹ, tu sĩ các tôn giáo, các bộ nhân Dong Rek, và một số trường hợp nhân đạo. Giải pháp này ủng hộ kế hoạch CPA và chỉ xin sự biệt đãi theo thành phần cho một số rất ít thuyền nhân. Trong khi đó, chúng tôi chủ trương xoá bỏ kế hoạch CPA và thay vào đó là chương trình riêng của Hoa Kỳ, đó là ROVR.


Giải pháp Track II (Lộ Trình 2) do Bộ Ngoại Giao đề ra năm 1994 trước áp lực của DB Smith và các tổ chức bảo vệ người tị nạn. Qua đó, BNG hứa chuyển các hồ sơ mà chúng tôi cho là bị "thanh lọc" bất công để đề nghị UNCHR tái xét. Tổng cộng chúng tôi gửi 550 hồ sơ, trên 95% do BPSOS và LAVAS (do BPSOS thành lập) cung cấp. BNG chỉ chọn ra 48 hồ sơ và UNHCR chỉ tái xét và công nhận tư cách tị nạn cho 2 hồ sơ. Tỉ lệ 2 trên 550 là tình trạng cười ra nước mắt cho thuyền nhân nếu chấp nhận Track II.


Tại buổi điều trần ngày 25 tháng 7, tôi giải thích về sự thất bại của Track II (trang 61 của hồ sơ Quốc Hội) từ góc độ khác. Trong số 550 hồ sơ, tôi cố tình gài 2 hồ sơ để làm phép thử -- cả 2 hồ sơ này đã được UNHCR công nhận tư cách ti nạn do chúng tôi can thiệp chứ không phải chờ sự can thiệp của BNG. Trớ trêu là cả 2 hồ sơ đều không nằm trong số 48 hồ sơ mà BNG chọn để chuyển cho UNHCR. Khi tôi hỏi vì sao thì BNG trả lời rằng những người này có thể trở về Việt Nam một cách an toàn - một người trong đó là tu sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lúc ấy đang bị bách hại nặng nề ở trong nước. BNG không biết là chính UNHCR đã kết luận ngược lại khi công nhận tư cách tị nạn của 2 hồ sơ này. Điều này cho thấy Track II là vô dụng.


Track II khác với giải pháp "khu vực xám" của Ông Khoa ở chỗ không dựa vào thành phần. Tuy nhiên cả 2 có cùng mục đích là chứng minh rằng mọi sai sót trong kế hoạch CPA đã được giải quyết thoả đáng, và mở đường cho cưỡng bức hồi hương.


Một vài chi tiết nhỏ



Trong bài viết ngày 22 tháng 5 và bài viết cho ngày 30 tháng 4, Ông Khoa nhắc đến sự kiện tôi rút ra khỏi CPA Task Force chỉ sau vài tháng tham gia. Đúng vậy, tôi chẳng phải mất quá nhiều thời gian để thấy ra rằng cái task force này sẽ chẳng đi đến đâu mà chỉ là chạy theo kế hoạch CPA. Tôi chọn tìm một giải pháp ngoài kế hoạch CPA và rất may mắn đã gặp DB Smith cùng ý nghĩ.


Trong bài viết cho ngày 30 tháng 4, Ông Khoa khẳng định rằng năm 1995 BPSOS đã ngưng hoạt động bảo vệ đồng bào thuyền nhân, ngụ ý là BPSOS không đóng góp gì cho việc hình thành chương trình ROVR năm 1996. Ông Khoa đã nói sai. BPSOS đã đóng góp cho việc hình thành chương trình ROVR năm 1996 và tiếp tục vận động Hoa Kỳ áp lực Việt Nam thi hành ROVR như đã cam kết. BPSOS duy trì văn phòng ở Philippines đến năm 2000 và tiếp tục vận động nới rộng chương trình ROVR cho số cựu thuyền nhân còn kẹt ở đấy; chẳng bao lâu sau đó BPSOS đã đưa luật sư đến Malaysia và Thái Lan để giúp đồng bào chạy sang 2 quốc gia này lánh nạn. Và chúng tôi vẫn tiếp tục hiện diện ở Thái Lan đến ngày hôm nay.


Trong bài viết ngày 22 tháng 5, Ông Khoa nêu thắc mắc về các con số định cư theo chương trình ROVR. Theo con số do Sở Di Trú báo cáo cho DB Smith thì trên 19,000 thuyền nhân hồi hương được phỏng vấn và trên 18,000 người được nhận định cư. Ngoài ra, có một số không nhỏ những người đã hồi hương trước hoặc sau ngày hiệu lực của chương trình ROVR đã được DB Smith và chúng tôi can thiệp và họ được âm thầm định cư theo chương trình P1. Chưa kể một số không nhỏ những người hồi hương đã được Hoa Kỳ nhanh chóng giải quyết định cư đoàn tụ gia đình nội trong vòng vài tháng, trước cả khi chương trình ROVR được áp dụng ở Việt Nam, cu~ng do chúng tôi và DB Smith vận động. Dĩ nhiên Ông Khoa không biết gì về các con số này.


Ông Khoa còn khoe là đã can thiệp cho các đồng bào ở trại đường bộ Dong Rek chỉ vì đã nhắc đến trong đề nghị "khu vực xám". Đề nghị "khu vực xám" chẳng được ai hưởng ứng, cho nên không thể nhận vơ. Tôi có đầy đủ tài liệu chứng minh là BPSOS đã phối hợp với Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ để lập danh sách từng đồng bào ở Dong Rek và can thiệp cho họ được thoát "thanh lọc" theo kế hoạch CPA và được định cư toàn bộ vào Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ ít lâu sau Ông Khoa có ra thông báo nhận công lao cho việc này.



Các đồng bào bộ nhân được can thiệp để thoát "thanh lọc" dưới kế hoạch CPA và định cư tị nạn vào Hoa Kỳ


Kết luận


Chương trình ROVR ra đời là do sự hợp tác giữa Toà Bạch Ốc và Quốc Hội mà khởi điểm là đạo luật H.R. 1561. Khung sườn cho chương trình này đã được "bộ tứ" chúng tôi phác thảo tại buổi điều trần ngày 27 tháng 7, 1995. Ông Khoa đã rắp tâm phá hỏng nỗ lực của DB Smith và chúng tôi hết từ Hạ Viện lên đến Thượng Viện. Đối với nhiều cựu thuyền nhân, họ xem đấy là sự phản bội nghiêm trọng.


Tôi đã thấy một số người không làm nhưng nhận vơ. Ông Khoa thì đi xa hơn, là người đã tận tuỵ chống lại giải pháp của chúng tôi nhưng khi thất bại thì lại quay ra nhận ROVR là công lao của mình. Ông Khoa viết cả sách để đổi trắng thay đen. Ngày 30 tháng 4 vừa qua, Ông Khoa gửi bài đến nhiều trang báo điện tử với cùng mục đích. Cách đây vài hôm, Ông Khoa leo thang với bài viết về chương trình ROVR gồm những lời giải thích ngược ngạo.


Bất quá tam. Tôi viết bài này để trình bày những điều ít ai biết về việc làm của Ông Khoa trong giai đoạn đen tối nhất của đồng bào thuyền nhân. Ai muốn đọc thêm chi tiết thì có thể đọc bài của Nguyễn Duy, đăng trên báo Diễn Đàn Tự Do ở vùng thủ đô Hoa Kỳ ngày 23 tháng 3, 1996. Nguyễn Duy là bút danh của Ông Nguyễn Tự Cường, một người đã quá cố. Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/05/Bai-cua-Nguyen-Duy.pdf



Và quý vị cu~ng có thể nghiên cứu các hồ sơ của Quốc Hội Hoa Kỳ theo những đường link mà tôi đã ghi sẵn. Các hồ sơ này khá dầy và có nhiều chi tiết sẽ làm sáng tỏ thêm vấn đề. Một điểm mà người đọc lướt qua cu~ng có thể ghi nhận: không hề có bóng dáng của Ông Khoa tại các buổi điều trần quan trọng này.


Nhân đây tôi yêu cầu các trang điện tử đã lỡ đăng bài trước đây của Ông Lê Xuân Khoa nhân dịp 30 tháng 4 năm nay thì nay cần điều chỉnh: hoặc đăng bài này của tôi ở vị trí tương xứng để tôn trọng nguyên tắc cân bằng khi đưa tin, hoặc rút bài của Ông Khoa kèm với lời công bố rút bài gửi cho độc giả và gửi cho tôi.


Thông tin liên quan:


Phát biểu của DB Smith về chương trình ROVR và những đóng góp của BPSOS: https://www.youtube.com/watch?v=mEqTkl-NCLM