(LTS: Bài phỏng vấn về Pháp Luật Thực Dụng, được trích trong chương trình Tuổi Thu Hồng Xuân trên đài VNHN.
Phó Tế Nguyễn Mạnh San thuộc Tổng Giáo Phận Công Giáo Oklahoma, là một trong hai vị người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Hoa Kỳ, đã tham dự và tốt nghiệp khóa huấn luyện các Tân Tuyên Úy Trại Tù cho các trại tù Liên Bang Hoa Kỳ trên toàn quốc, do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổ chức ngày 18-09-1998 tại Aurora, Colorado. Phó Tế San còn là người Việt Nam duy nhất được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cấp Chứng Chỉ Công Chứng Tuyên Úy Trại Tù (Certificate of Certified Prison Chaplain) để được phép vào thăm viếng các trại tù liên bang trên toàn quốc Hoa Kỳ. Từ trên 21 năm qua cho đến hiện tại, Phó Tế San là Tuyên Úy Trại Tù tình nguyện cho Tổng Giáo Phận Công Giáo Oklahoma City, Oklahoma. Vậy, xin mời quý vị đọc bài phỏng vấn về những công tác phục vụ tù nhân của Phó Tế Nguyễn Mạnh San.)
* * *
Buổi phỏng vấn Thầy Nguyễn Mạnh San về một trong những yếu tố pháp lý thực dụng của một đề tài tổng hợp: Hệ Thống Xử Án và Tổ Chức Các Tòa Án Liên bang Hoa Kỳ, trong cuốn Tuyển Tập Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, do PT Nguyễn Mạnh San biên soạn.
Thụy Vi: Hôm nay Thụy Vi rất mừng là Thầy đã nhận lời đến với chương trình “Tuổi thu hồng xuân” để có thể chia sẻ với Quý thính giả của đài Văn Nghệ Hải Ngoại về một trong những khía cạnh pháp lý thực dụng, mà Thầy đã viết trong cuốn Tuyển Tập Pháp Lý Hoa Kỳ Thực Dụng (US Applicable Law) này.
Thầy San: Trước khi trả lời trực tiếp về câu hỏi của Thụy Vi, Thầy muốn dành một phút để nói đôi lời cám ơn chị Kim Quyên làm việc tại đài Việt Nam Hải Ngoại. Cách đây hơn một năm chị Kim Quyên có mời Thầy nói về những đề tài pháp lý thực dụng trên đài Việ Nam Hải Ngoại như ngày hôm nay Thụy Vi mời Thầy; tuy nhiên lúc đó Thầy còn đang làm việc, chưa về hưu, nên Thầy không thể đáp ứng lại lời yêu cầu của chị Kim Quyên được. Và bây giờ thì tình cờ Thụy Vi lại mời Thầy nói về đề tài mà trước kia chị Kim Quyên đã mời Thầy. Thì đây cũng là theo Thánh Ý Chúa muốn cho Thầy một dịp để gặp lại Thụy Vi, là một người ngày xưa Thầy dạy trường Taberd đường Nguyễn Du Sàigòn, vào những ngày cuối tuần, Frere Algilbert Nguyễn Văn Cách và Thầy, thay phiên nhau lái chiếc xe van của nhà trường, chở phái đoàn y tế (COMITA) với các bác sĩ đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở những vùng ngoại ô Sàigòn. Bây giờ đã là mấy chục năm nay rồi, gặp lại Thụy Vi, đó cũng là sự hội ngộ rất là đặc biệt, vì thế mà Thầy sẵn sàng để trả lời câu hỏi của Thụy Vi về đề tài này.
Trước tiên xin cảm ơn Thụy Vi và đồng thời cảm ơn các Quý thính giả đang nghe đài Việt Nam Hải Ngoại về nhiều vấn đề pháp lý trong đề tài ngày hôm nay, mà Thầy rất hân hạnh được trả lời những câu hỏi của Thụy Vi nêu lên, trong cuốn Tuyển Tập Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, như đã đề cập ở trên.
Thụy Vi: Cảm ơn Thầy San đã nhắc lại kỷ niệm rất đẹp mà ngày xưa khi còn ở bên Việt Nam, lúc đó vào những ngày cuối tuần, sau những giờ dạy học mệt mỏi, Thầy San đã cùng với Frere Adrien Hóa ( còn gọi là Ông Chủ) và Frere Algilbert Cách ở trường Taberd, mời những vị bác sĩ và những chị em học sinh trong đó có Thụy Vi, đến những làng mạc xa xôi hẻo lánh, để giúp những người kém may mắn được chẩn bệnh, phát thuốc miễn phí và cắt tóc. Một hình ảnh thật đẹp mà khó quên phải không Thầy ?
Nói về luật di trú thì Thụy Vi thấy rất là phức tạp và Thầy cũng đã viết đến 45 đề tài Pháp Lý Thực Dụng trong quyển sách của Thầy, nhưng mà hôm nay thì Thụy Vi xin được lấy ý kiến của Thầy về một trong những phương diện pháp lý, mà Thầy biết được, đó là đề tài hiện tại mà Thụy Vi đi đến cộng đồng Việt Nam, nghe nói tới rất nhiều, đó là việc các ông ngay cả các bác cao niên về Việt Nam lấy vợ trẻ và Thụy Vi cũng đã thực hiện những cuộc phỏng vấn họ, để lấy ý kiến về đề tài này rất nhiều, một đề đã được bàn cãi rất là sôi nổi, mà Thụy Vi sẽ cho phát thanh để gởi đến quý thính giả trong một ngày rất gần đây.
Hôm nay, không biết Thầy có những câu chuyện nào đó liên quan đến những vấn đề mà Thụy Vi vừa mới nêu ra, để Thầy có thể chia sẻ với Quý thính giả đang lắng nghe đài Việt Nam Hải Ngoại không ạ ?
Thầy San: Trước tiên để trả lời câu hỏi vừa rồi của Thụy Vi, thì Thầy xin đưa ra một câu chuyện thực tế và đồng thời cũng liên hệ đến vấn đề luật di trú mà Thụy Vi vừa mới nói. Đề tài mà mọi người trẻ cũng như người cao niên về Việt Nam lập gia đình.
Những điều mà Thầy trình bày ở đây, hoàn toàn không có tính cách làm bài học giáo dục người ta, là nên hay không nên về Việt Nam lập gia đình, nhưng mà Thầy chỉ muốn thuật lại những dữ kiện có thật, cho mọi người cùng tìm hiểu để tự mình quyết định lấy, và tự mình suy luận lấy xem mình có nên hay không nên có những hành động như trong câu hỏi trên đây của Thụy Vi và để trả lời câu hỏi này, Thầy xin kể lại một câu chuyện như sau:
Một trường hợp có một anh tên là Tùng, đi về VN lập gia đình và lập thủ tục bảo trợ cô Thu sang Hoa Kỳ theo diện Fiance, rồi sẽ lập hôn thú với cô ngay sau khi cô tới Hoa Kỳ. Ít lâu sau, cô này được qua diện fiance, cô này hơn anh tới 9,10 tuổi, nhưng vì cô này chưa bao giờ lập gia đình, nhà giàu có khá giả, cho nên cô ấy trông bề ngoài không có vẻ gì là nhiều tuổi hơn anh. Khi cô sang tới đây rồi, cô cảm thấy thực sự yêu anh, nhưng khổ một nỗi anh này trước kia đã có một đời vợ và vợ anh đã bỏ anh đi lập gia đình với một người Hoa Kỳ, cho nên trong thâm tâm anh cưới cô này chỉ vì lòng nhân đạo, là muốn giúp đỡ cô sang Hoa Kỳ theo ước vọng của Cha Mẹ cô, mà anh quen biết cô qua sự giới thiệu trung gian của người họ hàng với anh ở Việt Nam. Nhưng khi cô này sang tới đây rồi, thì cô lại cảm thấy thương yêu anh thật tình. Trong khi đó, trong long anh này vẫn còn ôm mối hận thù với người vợ cũ đã ly dị anh để bước sang thuyền khác. Nên sau khi anh đã lập giá thú với cô Thu và chính thức nạp đơn với sở Di Trú, để cho cô trở được thành thường trú nhân, được phép ở lại đây theo diện vợ chồng, nhưng tới ngày cô được sở Di Trú mời đến phỏng vấn, cô chỉ đi có một mình. Lý do, vì chồng cô ở với cô mới được khoảng 6 tháng, thì anh lặng lẽ bỏ nhà ra đi mà không có một lời nào từ biệt cô. Khi cô một mình đến trình diện sở Di Trú, vị giám khảo hỏi cô là tại sao chồng cô vắng mặt, không đến với cô hôm nay, vì trong thư đều mời cả hai vợ chồng đến phỏng vấn. Cô liền kể hết sự tình cho vị Giám Khảo nghe, là chồng cô đã tự ý bỏ nhà ra đi từ mấy tháng nay, mà không có một lời nào từ giã cô hết, nên cô cũng không biết hiện giờ chồng cô đang ở đâu.
Sau cùng, vị Giám Khảo cho cô biết nếu sự thật đúng như lời giải thích của cô, sau khi nội vụ được điều tra, thì chồng cô sẽ bị coi là người vô trách nhiệm và thiếu bổn phận làm chồng đối với vợ và căn cứ vào Luật Di Trú, cô sẽ được cấp phát Thẻ Thường Trú tạm thời 2 năm để được phép ở lại Hoa Kỳ làm việc. Sau 2 năm, nếu cô có hạnh kiềm tốt, làm việc đóng thuế đầy đủ, không vi phạm pháp luật Hoa Kỳ, thì cô sẽ được quyền đổi Thẻ Thường Trú 2 năm thành 10 năm thực thụ và cứ cách 10 năm lại có quyền đổi thẻ 10 năm khác, và sau 3 năm kể từ ngày được cấp Thẻ Thường Trú, cô có thể nạp đơn xin nhập tịch để trở thành công dân Hoa Kỳ.
Thời gian khoảng 1 năm sau, cô nhận được lá thư của chồng gửi về cho cô, yêu cầu cô hãy tha lỗi cho anh và sở dĩ mà anh lặng lẽ ra đi như vậy, vì hiện tại anh đang ở với một người con gái Mỹ trẻ đẹp, chỉ vì anh thù hận người vợ cũ đã nhẫn tâm bỏ anh ra đi lấy chồng khác, nên anh lấy người vợ Mỹ trẻ đẹp này, để trả xong mối hận thù với người vợ cũ của anh. Tuy nhiên anh cho cô biết là anh vẫn chưa làm giá thú với cô vợ Mỹ này, vì anh đã có hôn thú với cô và nếu làm giấy ly dị cô để làm hôn thú với cô Mỹ này, thì cô sẽ bị trục xuất trở về Việt Nam và nếu làm như thế thì anh cảm thấy anh là kẻ bất nhân bất nghĩa với cô. Do đó, anh sẽ chờ đợi cô có Thẻ Thường Trú và 2 năm sau ngày cô có Thẻ Thường Trú, lúc đó anh sẽ làm giấy ly dị cô và một lần nữa xin cô hãy tha thứ cho sự bỏ cô ra đi không một lời từ biệt của anh.
Thật ra thì cô Thu này thương yêu anh Tùng hết lòng như đã nói ở trên, mặc dàu cô lớn tuổi hơn anh nhiều, nhưng nét mặt tươi trẻ và thân hình đều đặn của cô, trông cô tươi trẻ hơn anh rất nhiều, vì anh vừa làm việc lao động chân tay lại vừa đi học ban đêm, để cố lấy mảnh bằng kỹ sư điện tử, cho nên mặt mũi bề ngoài anh trông già nua hơn tuổi thật của anh đến 10 tuổi.
Tóm lại, Luật Di Trú Hoa Kỳ căn cứ vào nhiều yếu tố chính trị, nào là yếu tố tôn giáo, nhất là yếu tố nhân đạo, vì thế luật di trú Hoa Kỳ rất phức tạp, nhưng nó được áp dụng công bằng cho tất cả mọi người. Vì thế mà cô này mới được ở lại Hoa Kỳ.
Thụy Vi: Trong trường hợp này thì Thụy Vi thấy Pháp luật của Hoa Kỳ rất là nhân đạo, vì cô Thu mới ở với anh Tùng có khoảng 6 tháng mà anh đẵ bỏ cô ra đi, nhưng mà cô Thu vẫn được cấp thẻ xanh tạm thời, chắc là cô Thu cũng rất vui mừng vì được ở lại Mỹ phải không thầy ?
Thầy San: Thực ra, cô ấy cho Thầy biết cô ấy không cảm thấy vui mừng, vì cô ấy là người có trình độ văn hóa đại học, lại thuộc gia đình khá giả ở Việt Nam và nếu cô ấy bị trả về VN, thì không thành vấn đề đối với cô ta, nhưng chỉ vì lòng cô vẫn còn thiết ta thương yêu ông chồng trẻ tuồi này, nên cô cảm thấy phiền muộn đau khổ, lúc nào cô cũng buồn rầu, mặc dàu cô đã được quyền ở lại Mỹ và cô vẫn sống độc thân để hy vọng sự quay trở về của người chồng trẻ tuổi này.
Thụy Vi: Dạ vâng, nói về việc các ông về VN cưới vợ, thì hầu hết các ông cưới các bà vợ thật đẹp nè, trẻ nè, xong rồi đem về đến Mỹ giữ trong nhà không cho đi đâu hết, thậm chí còn ghen bóng ghen gió rồi đánh đập các bà, vậy Thầy có biết câu chuyện nào thực sự xảy ra và pháp luật có những luật pháp nào để bảo vệ những người đàn bà như vậy không ạ ?
Thầy San: Có, đây là 1 trường hợp thứ 2, khác biệt hẳn với trường hợp thứ nhất vừa kể trên. Cô này là một người rất trẻ tuổi, kém anh này tới mười mấy tuổi, khi anh này về VN lấy cô, cô này có sắc lại là người có ăn học nữa, mà khi anh về thì anh không bảo trợ fiance như trường hợp thứ nhất kể trên, mà anh làm giá thú với cô này ngay tại Việt Nam. Sau khi anh trở lại Hoa Kỳ, anh đã lập thủ tục bảo trợ cô với Sở Di Trú. Qua vài tháng sau, vợ anh ở VN được gọi đi phỏng vấn và được chấp thuận sang Hoa Kỳ và vài tháng sau sang tới đây, vợ anh nhận được thẻ xanh, chứ không cần phải đi phỏng vấn bên Hoa Kỳ nữa, vì cô đã là người vợ chính thức của anh rồi.
Nhưng khổ nỗi một điều là anh chồng này lớn hơn vợ mình gần hai chục tuổi, nên anh có nhiều mặc cảm là mình già nua, đáng tuổi chú bác của vợ mình, thành ra vợ anh sang tớ đây đã 7 tháng trời, anh nhốt cô ở nhà như một tù nhân tại gia, không cho cô đi đâu hết, không cho giao thiệp với ai hết, nếu cần phải đi đâu, thì anh lái xe chở vợ đi, ấy thế mà đôi khi anh còn ghen bóng ghen gió với vợ, chỉ vì vợ mình trẻ đẹp, sợ người khác dụ dỗ vợ mình bỏ anh ra đi lấy người ta, rồi đôi khi ghen quá mất khôn, có hành động vũ phu đối với vợ. Ngay chính những người thân trong gia đình anh biết được những hành động cư xử này của anh đối với vợ như thế, cũng tỏ ra bất mãn với anh. Cho nên người thân trong gia đình của anh, đợi lúc anh không có ở nhà, giải thích cho cô biết rằng ở bên Hoa Kỳ, không có cái trò dùng người vợ như một tên nô lệ trong nhà, nhất là làm nô lệ cho tình dục, nếu còn xẩy ra như vậy nữa, thì nên điện thoại cho 911, nhân viên công lực sẽ tới ngay để bảo vệ an ninh an toàn tính mạng của nạn nhân bị hành hung. Do đó, lần thứ hai khi cô bị người chồng hành hung, đe dọa giết cô, thì cô gọi 911 và chỉ độ 15 phút sau, cảnh sát đến tận nhà đưa cô đến nơi trú ẩn, không một ai biết cô đang ở đâu và cũng chỉ vài giờ sau, cảnh sát chờ sẵn ở cửa nhà cô, khi chồng cô vừa về tới cửa, là cảnh sát liền còng hai tay anh lại và dẫn anh lên xe cảnh sát, đưa anh về trại giam để chờ ngày ra tòa xét xử.
Trong phiên tòa xét xử tội trạng của anh và có nhân chứng chính là người thân trong gia dình anh, tòa án đã tuyên phạt anh 9 tháng tù ở và 2 năm tù treo. Thụy Vi nên biết rằng có cùng một tội phạm, nhưng án phạt ở tù lâu năm hay ít năm, còn tùy thuộc vào luật pháp của mỗi tiểu bang khác nhau, chứ không phải luật pháp của tiểu bang nào cũng giống nhau đâu, có tiểu bang tuyên án tử hình nhưng cũng có rất nhiều tiểu bang không có án tử hình, mà chỉ có án chung thân mà thôi.
Thành ra khi nói đến pháp luật ở Hoa Kỳ là nói đến một vấn đề hết sức phức tạp. Tóm lược lại câu chuyện của anh chàng này, thì đó là một bài học tiêu biểu cho lề lối xưa kia ở VN, mà người ta gọi là chồng chúa vợ tôi và anh chồng này tưởng rằng làm như thế sẽ không ai có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ gia đình riêng tư của anh. Mặc dàu cô vợ này ở Mỹ mới được 7 tháng và cô đã ly dị chồng vì hành động vũ phu của chồng, nhưng cô vẫn được Sở Di Trú cho phép ở lại Mỹ là một thường trú nhân hợp pháp (Legal Alien), không bị trục xuất trả về Việt Nam, vì cô là nạn nhân của tình dục và còn là nạn nhân của người chồng có hành động bạo hành với vợ.
Thụy Vi: Dạ, cám ơn Thầy đã bỏ thời giờ quý báu để đến với quý thính giả ngày hôm nay, câu chuyện Thầy vừa kể, quả là bài học về luật pháp Hoa Kỳ mà cộng đồng chúng ta cần biết để tránh hay giúp đỡ cho những người đồng hương gặp trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn này. Hy vọng Thầy trở lại với chương trình để tiếp tục chia sẻ những sự hiểu biết quý giá này.
Thầy: Trước tiên là cám ơn Quý thính giả của đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, đã lắng nghe sự giải thích cũng như sự trình bày của Thầy đối với những câu hỏi của Thụy Vi nêu lên. Điều thứ hai là Thụy Vi có nói, là trong tương lai sẽ mời Thầy quay lại để đề cập đến vấn đề của những chuyện nan giải luật pháp, thì nếu không có gì trở ngại, Thầy luôn luôn sẵn sàng quay trở lại với Thụy Vi, nhưng mà không dám hứa chắc 100%, vì hiện tại, mặc dù đã về hưu nhưng Thầy vẫn còn tình nguyện làm việc cho trại tù, trong trách nhiệm là một Tuyên Úy trại tù cho Tòa Tổng Giáo Phận Công Giáo Oklahoma City, thành ra nhiều khi cũng không biết có thời gian hay không, chưa kể phải đi nhiều nơi để thuyết trình cho các giáo xứ hoặc là hội đoàn mời Thầy, nhưng mà tuy nhiên nếu có thì giờ, thì Thầy sẵn sàng để mà tiếp tục hợp tác với Thụy Vi trong chương trình này, để giải đáp những gì thắc mắc mà Thụy Vi thay mặt cho Quý Khán Thính Giả, cũng như thay mặt cho một số những anh chị em trẻ, để biết thêm những điều mà mình có thể tránh được, không bị liên lụy đến pháp luật, nhất là xứ này là xứ pháp trị, lấy pháp luật để trị dân, thì mình phải nên biết sơ qua về vấn đề pháp luật, mặc dàu mình có thể tham khảo miễn phí với một số luật sư hoặc khi phải ra hầu tòa, nếu không có tiền thuê mướn luật sư, thì mình vẫn có thể yêu cầu tòa chỉ định luật sư công đứng ra bào chữa cho mình. Nhưng mà cái gì cũng vậy, mình nên biết trước thì vẫn hay hơn. Các cụ ngày xưa có câu nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, nên biết trước để có thể đề phòng, vì có những hành động vô tình, hoàn toàn ngoài ý muốn của mình, nhưng trước pháp luật, mình vẫn bị lãnh án phạt tù vì tình ngay mà lý gian. Đó là Thầy xin tạm chấm dứt buối nói chuyện với Thụy Vi ở đây.
Thụy Vi: Cám ơn Thầy rất nhiều, hiện tại đã biết rằng Thầy đã về hưu, nhưng Thầy vẫn dành những thời gian quý báu để giúp cho cộng đồng, một lần nữa hy vọng Thầy sẽ trở lại chương trình trong 1 ngày gần đây.