Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bỏ lỡ nhiều đầu mối quan trọng có thể giúp giải mã những vụ ám sát dã man các nhà báo gốc Việt.
Trong một thư tín nội bộ chưa từng được công bố trước đó, một nhà điều tra thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tóm tắt chương lịch sử ảm đạm của cộng đồng kiều bào ở Mỹ vào thập niên 1980 bằng câu đơn giản “Mặt trận (tức Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam-the Front) đã triển khai một chiến dịch bịt miệng bất cứ người nào dám phản đối the Front”.
Danh sách tìm diệt (kill list)
Vào khoảng 23 giờ 20 ngày 22.9.1990, khi nhà báo Lê Triết của Tạp chí Văn nghệ Tiền phong lái xe vào nhà ở Baileys Crossroads, bang Virginia, một loạt đạn 9 ly bất ngờ lia đến trong tích tắc, hai vợ chồng ông thiệt mạng. Các nhà điều tra sau đó đặt giả thuyết rằng có đến 2 hung thủ gây án bằng súng lục và phía FBI cho rằng đây là một vụ ám sát có chủ đích do sát thủ chuyên nghiệp thực hiện.
Một số nhà báo gốc Việt, trong đó có ông Lê Triết, không ngại lên tiếng chất vấn về các thủ đoạn quyên tiền của “Mặt trận”, từ tự nguyện đến bắt buộc hoặc thậm chí còn tống tiền, cũng như đích đến của nguồn tiền đó.
Các hồ sơ của FBI, thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, đều nêu rõ chuyện gì đã xảy ra cho những nhà báo dám chỉ trích tổ chức phản động này. Biệt đội sát thủ K-9 do “Mặt trận” thành lập thậm chí còn công bố danh sách nhà báo cần phải bị tiêu diệt, và có đến 2 trong số 5 người bị K-9 treo đầu đã thiệt mạng.
Khi nhà báo Dương Trọng Lâm của tờ Cái Đình Làng bị bắn chết ngoài căn hộ ở San Francisco vào ngày 21.7.1981, một tổ chức có tên VOECRN đã phát thông cáo nhận trách nhiệm, nhưng phía FBI cho rằng đây chỉ là một cái tên giả của “Mặt trận”.
Cựu đặc vụ FBI Katherine Tang-Wilcox, từng dẫn đầu cuộc điều tra các vụ giết hại nhà báo gốc Việt, cho hay các nhà điều tra đã thu thập được thông tin từ các cựu thành viên “Mặt trận” về sự tồn tại của K-9. Một báo cáo FBI vào ngày 4.11.1991 chứa đầy những cái tên K-9, và một báo cáo khác nêu tên kẻ đứng đầu biệt đội ám sát của “Mặt trận”.
Hồi tháng 8, một cựu thành viên “Mặt trận” đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Frontline và ProPublica, xác nhận tổ chức này đã giết chết hai nhà báo Dương Trọng Lâm và Nguyễn Đạm Phong. “Chúng tôi đã giết họ”, ông này bình thản thừa nhận. Một người khác tên Trần Văn Bé Tư cười nói: “K-9 làm tốt lắm, họ là dân chuyên nghiệp mà. Và họ chưa bao giờ bị tóm gáy”.
Những đầu mối bị bỏ lỡ
Vài tuần sau khi nhà báo Dương Trọng Lâm bị sát hại tại San Francisco, các thám tử nhận được một mảnh giấy viết tay ghi rõ họ tên của nghi phạm, là thành viên của “Mặt trận”, kèm theo địa chỉ và số điện thoại.
Dù cũng cho dịch thông điệp sang tiếng Anh nhưng họ chưa bao giờ lần theo đầu mối này. Thất vọng trước phản ứng của các thám tử, bạn bè của nhà báo Lâm tìm cách liên lạc với giới công tố liên bang, và cuối cùng viết thư thẳng cho Chưởng lý San Francisco, Joseph Russoniello, tố cáo rằng các thám tử địa phương đã “từ chối điều tra động cơ chính trị tiềm tàng trong vụ giết người”. Ông Russoniello viết báo cáo gửi FBI, nhưng một quan chức cấp cao của cơ quan này trấn an rằng vụ giết người không liên quan gì đến khủng bố.
Đến khi ông Phạm Văn Tập của tuần san Mai bị bắn chết vào năm 1987 ở Nam California, các đặc vụ tại Los Angeles đã lưu ý điểm tương đồng trong hai vụ giết người, và yêu cầu các đồng nghiệp ở San Francisco gửi thông tin vụ án trước đó. Nhưng một lần nữa, Sở Cảnh sát San Francisco và FBI lại cho rằng các vụ giết người chỉ mang tính cá nhân.
Phóng sự của Frontline và ProPublica cũng chỉ ra rằng cho dù có gặp khó khăn trong việc phá từng vụ án riêng lẻ, thì FBI lẽ ra vẫn có thể tấn công “Mặt trận” theo một hướng khác. Trên thực tế, “Mặt trận” chưa bao giờ che giấu ý đồ dùng vũ lực lật đổ nhà nước CHXHCN Việt Nam, qua đó vi phạm Đạo luật Trung lập của Mỹ, vốn nghiêm cấm việc hỗ trợ tài chính hoặc tham gia vào các cuộc viễn chinh bằng quân sự chống một nhà nước đang có mối quan hệ hòa bình với Mỹ. Tuy nhiên, họ đã chẳng thèm đếm xỉa đến sự vi phạm này.
Vào cuối năm 1995, Giám đốc FBI Louis Freeh đã đến thăm văn phòng tại San Francisco. Trước yêu cầu khẩn thiết của đặc vụ Tang-Wilcox, Giám đốc Freeh đã quyết định mở lại cuộc điều tra và gom hơn 20 vụ án vào một chuyên án duy nhất có tên VOECRN, đồng thời thành lập đội chuyên án với khoảng 6 người. Lúc đó, FBI đã xâu chuỗi được 30 vụ đe dọa giết người, nhiều vụ phóng hỏa có chủ đích...
Đặc vụ Tang-Wilcox đã cất công đến Pháp hỏi thăm một nhà văn từng bị đánh đến hôn mê tại Quận Cam vào năm 1988, trong khi các đồng sự của bà thực hiện khoảng 200 cuộc phỏng vấn liên quan đến vụ sát hại Lê Triết và Đỗ Trọng Nhân. Tuy nhiên, nỗ lực mở lại vụ án của FBI chỉ kéo dài được vài năm, trước khi kết thúc trong âm thầm.
Câu hỏi chưa có lời đáp
Sau 33 năm chờ đợi mòn mỏi, Nguyen Tu, con trai của nhà báo Nguyễn Đạm Phong, bày tỏ: “Chúng tôi chỉ muốn có câu trả lời. Thế thôi. Một câu trả lời đã quá hạn từ lâu. Chúng tôi chưa từng có được nó từ cảnh sát hoặc bất cứ ai”. Còn bà Nancy Duong, chị của nhà báo Dương Trọng Lâm, nói: “Tôi vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra với cậu ấy, thậm chí bây giờ cũng vậy”.
|
Phi Yến