Luật Mỹ không cho phép đánh người, trừ trường hợp duy nhất là tự vệ khi bị tấn công. Còn đánh ghen hay gì đi chăng nữa cũng sẽ bị xử tội như nhau...
Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ về vấn nạn đánh ghen đang diễn ra khắp nơi tại Việt Nam.
Việc đánh ghen đã tồn tại khá lâu trong văn hóa ứng xử của người Việt, hành động phản cảm này thậm chí đã từng được đưa vào tranh Đông Hồ, một trong những di sản văn hóa mà nhiều người biết tới.
Trải qua thời gian, những phong tục tốt đẹp được nhiều thế hệ truyền giữ và không ít các hủ tục đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, đáng tiếc là hủ tục đánh ghen vốn chẳng bớt đi mà ngày một nhiều hơn, biến tướng tới mức trầm trọng.
Những vụ đánh ghen rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đều có chung một điểm là sự dã man. Đánh và làm nhục người khác bằng cách lột bỏ quần áo, dùng chất thải khủng bố tinh thần là những biện pháp hết sức tàn bạo. Khi người ta dùng nó để giải quyết chuyện tình vợ nghĩa chồng thì cái kết là gia đình tan nát.
Mặt khác, ít ai biết được nguyên nhân của những câu chuyện đằng sau các vụ đánh ghen. Có thể là ông chồng đi ngoại tình, cô tình nhân dù biết là mình là kẻ thứ ba nhưng vẫn đâm theo, có thể vì lợi dụng vật chất, lại cũng có thể vì tình yêu mù quáng.
Trong câu chuyện ấy, có thể là ông chồng đi "chăn rau" và cô gái đáng thương kia không biết mình bị lợi dụng. Lại có trường hợp vợ chồng đã ly dị nhưng bà vợ cũ nhất quyết không buông tha, vô cớ đi đánh ghen với người tình mới của chồng cũ. Thậm chí còn đánh ghen khi người đàn ông kia mới chỉ là người yêu.
Trong tất cả trường hợp kể trên thì cô nhân tình sẽ chỉ có lỗi trong trường hợp thứ nhất. Mà ngay cả trong trường hợp đấy thì đánh ghen vẫn bị xem là vi phạm pháp luật và khiến gia đình thêm tan nát.
Pháp luật có quy định xử phạt tội ngoại tình và cũng có những điều luật về việc cố ý gây thương tích, làm nhục người khác. Các vụ đánh ghen, dù với lý do gì và trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa đều là hành vi phạm pháp.
Đáng tiếc là luật pháp Việt Nam quy định không cặn kẽ về điều này, cộng với văn hóa ứng xử côn đồ của nhiều phụ nữ... khiến việc đánh ghen trở thành phương pháp "tự xử" của nhiều người.
Về hậu quả, thực tế đối với gia đình người vợ thì thế nào? Một ông chồng có nhân tình bị đánh ghen ít khi nào chịu ngoan ngoãn theo vợ về nhà, bởi ông ấy làm sao có thể đi theo một bà vợ hung dữ, bất chấp pháp luật?
Nhiều ông lại còn quyết tâm bỏ vợ theo bồ, bởi cô tình nhân kia vì "tình yêu" mà chịu khổ quá nhiều, lúc đó họ sẽ nghĩ đến việc phải ở bên người tình để an ủi. Sau một vụ đánh ghen, có bao giờ nhà cửa lại êm ấm đâu?
Có lẽ cũng sẽ có nhiều bà vợ mang tâm lý "ăn không được thì đạp đổ". Cái tâm lý ấy chỉ hại mình, hại người, bản thân thì vướng vào lao lý, bị người đời chê cười vì phải dùng tới bạo lực để giải quyết chuyện ngoại tình, những việc ấy không khác gì "châm dầu vào lửa".
Hơn nữa, trong ngày kết hôn, người đàn ông đã hứa sẽ suốt đời chăm nom và yêu thương vợ, nếu không giữ được lời hứa thì chính họ là người phản bội vợ. Người thứ ba dù vô tình hay cố ý cũng đâu có phản bội ai. Nếu các bà có ý định trừng phạt thì phải trừng phạt kẻ phản bội, chứ sao lại đi làm nhục một kẻ đứng bên ngoài cuộc hôn nhân ấy?
Ở khía cạnh khác, đánh ghen là hậu quả của nhiều năm áp chế trong chế độ phụ hệ mà người phụ nữ phải gánh chịu. Người vợ khi ấy đã bị đưa vào thế phụ thuộc chồng.
Khi chồng có tình nhân, một gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ, người vợ không đủ tiền để nuôi con cũng như không có đủ sinh hoạt phí, đồng thời, họ còn không có cả bàn tay của người đàn ông để đỡ đần. Khi chồng là kẻ có địa vị thì người phụ nữ mất chồng cũng mất luôn cái địa vị ấy.
Trong hoàn cảnh này, người vợ sẽ chĩa mũi dùi vào cô nhân tình - người mà họ cho rằng nếu không có thì chồng sẽ không sa ngã. Đáng thương thay, cô vợ ấy đang xem những người phụ nữ khác là kẻ "cướp chồng" mà không nhận ra rằng kẻ phản bội chính là chồng mình.
Xét cho cùng, khi tham gia tư vấn cho những phụ nữ bị chồng phản bội, chẳng phải nhiều bạn đã nói: "Nếu bạn tự lập được tài chính thì nên ly hôn nhanh" hay sao?
Luật pháp Mỹ không cho phép đánh người, kể cả đánh ghen.
|
Mỗi khi tôi ngồi lại với bạn bè là luật sư, chúng tôi thường hay kể cho nhau nghe những vụ việc hấp dẫn mà mình từng tham gia. Trong đấy, các luật sư chuyên về luật gia đình luôn có những câu chuyện kinh dị nhất, thậm chí còn hơn cả các luật sư hình sự.
Ở Mỹ, luật gia đình rất nghiêm khắc, luôn có những quy định rất chi tiết về việc ly hôn, chia tài sản, trợ cấp cho con cái và cả chu cấp cho vợ/chồng sau ly hôn. Một số tiểu bang còn xem ngoại tình là tội cần phải phạt, bao gồm phạt tiền, có thể bị đuổi việc và phạt tù. Trên thực tế thì ít ai bị phạt như vậy bởi người bị phản bội thường đưa đơn ly dị trước.
Khi chia tay, phụ nữ thường được ưu tiên nuôi con, còn người đàn ông phải chu cấp cho con cái. Nếu hàng tháng ông chồng cũ không chịu gửi tiền nuôi con thì người phụ nữ có quyền báo cảnh sát. Khi ấy, người không chu cấp sẽ bị trừ tiền lương ngay tại nơi làm việc. Nếu chây ỳ nhiều lần, họ có thể bị bắt vào tù.
Ở Mỹ, nếu việc ly hôn khiến một người không có đủ tiền để sống ở mức như cũ thì người còn lại (có nhiều tiền hơn) sẽ phải chu cấp cho vợ hay chồng cũ một thời gian, thường là vài năm.
Mục đích của việc này là để cho phép người ít kiếm ra tiền trong hôn nhân có cơ hội tìm việc làm và tự lập trong cuộc sống. Người ngoại tình khi bị ly hôn sẽ không được nhận trợ cấp từ chồng hay vợ cũ. Đó cũng là một cách để trừng phạt việc ngoại tình.
Còn chuyện đánh người, dù là đánh ghen hay gì đi chăng nữa sẽ bị xử tội như nhau, đánh thì vẫn là đánh. Luật pháp Mỹ không cho phép đánh người, trừ trường hợp duy nhất là tự vệ khi bị tấn công. Chỉ có cách này mới ngăn cản được những hậu quả khủng khiếp từ việc đánh ghen.
Cho dù cô nhân tình có cố ý xông cuộc hôn nhân giữa họ vào thì việc đánh ghen chỉ khiến cho bạo lực lan truyền mà thôi. Hơn nữa, trong các trường hợp khác, khi mà người thứ ba bị lừa bởi ông chồng trăng hoa thì thói quen "đánh ghen" trở thành mối lo cho xã hội.
Ngoại tình là chuyện khá phức tạp. Khi xã hội tiến bộ, cách xử lý cũng văn minh hơn. Việc dùng luật pháp để lên án ngoại tình và trừng phạt kẻ ngoại tình khi ly hôn là cần thiết. Mặt khác, dùng vũ lực để "tự xử" chỉ khiến vụ việc thêm trầm trọng, chẳng giải quyết được gì ngoài những vết thương, mà khổ nhất là con cái.
Trong tranh Đông Hồ chẳng hạn, có ai để ý đến hành động chắp tay van xin của đứa trẻ khi mẹ nó đòi cắt tóc tình địch, cha nó thì trơ trẽn bảo vệ nhân tình, còn người thứ ba ấy lại cố tình điêu ngoa, thách thức người vợ hay không? (theo tin vnexpress -LS Khanh)