“Phật tử đánh Phật giáo thì ai chết đây?”
Sơn Tùng và nhóm Biên Tập Đời Nay
Vụ tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng ở Hoa-Thịnh-Đốn đã kết thúc về mặt pháp lý ngày 31.8.2016 khi Thẩm phán Ronna Lee Beck đọc bản phán quyết xử cho bên nguyên đơn thắng kiện và nói rằng phía bị đơn gồm có Pháp sư Giác Đức, ông Nguyễn Ngọc Linh, ông Nguyễn Ngọc Bích (đã qua đời) đã không còn ở trong Ban Quản trị của Chùa Giác Hoàng (tức Buddish Congregational Church of America), và Tỳ kheo Chân Thức (Đào Văn Tư) phải rời khỏi Chùa.
Về mặt pháp lý, vụ tranh tụng này được xem như chấm dứt vì phía bị đơn không kháng cáo, nhưng những tranh giành đấu đá dưới mái Chùa Giác Hoàng trong gần một năm qua đã để lại những vấn đề mà chuyện thắng thua ở tòa án không thể giải quyết.
Khi Ban Quản trị “không muốn làm to chuyện”
Sự bình yên của ngôi Chùa Giác Hoàng bắt đầu xáo trộn sau khi Hòa Thượng Thích Tâm Thọ qua đời ngày 11.11.2015 sau bốn năm trụ trì tại đây và người được Thầy đề cử kế nhiệm là Tỳ kheo Chân Thức nhưng không được Ban Quản Trị Chùa do ông Đỗ Đình Lộc làm chủ tịch chấp thuận, lấy lý do Thầy Chân Thức mới xuất gia chưa đủ thâm niên để làm trụ trì.
Quyết định này của Ban Quản trị đã bị đa số Phật tử, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Bích, một người có chân trong Ban Quản trị từ ngày thành lập Chùa năm 1976, chống lại vì cho rằng Hòa Thượng Tâm Thọ, trước khi qua đời đã để di ngôn “truyền thừa” theo tập tục lâu đời của Phật giáo Việt Nam cho Thầy Chân Thức, và Thầy Chân Thức trong thời gian tu học (2 năm tại Chùa Viên Quang, S. Carolina, 1 năm tại Chùa Giác Hoàng) và phụ giúp Thầy Trụ trì Tâm Thọ trong việc Phật sự đã không phạm lỗi lầm gì để phải bị trục xuất khỏi Chùa, hơn nữa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có nhiều tiền lệ về thời gian tu học để trở thành sư trụ trì một ngôi chùa..
Va chạm bắt đầu xảy ra giữa Ban Quản trị và nhóm Phật tử hậu thuẫn Tỳ Kheo Chân Thức, và người bên ngoài chỉ biết đến sự tranh chấp này khi một youtube do ông Vũ Đoàn thực hiện, cắt đầu bỏ đuôi và phát tán rộng rãi trên mạng điện tử cho thấy cảnh giành giựt micro giữa ông Nguyễn Ngọc Bích và người làm MC trong ngày cúng giỗ thứ tư Hòa Thượng Thanh Đạm tại chánh điện Chùa Giác Hoàng, sau đó là hình ảnh ông Bích tay cầm micro, mồm lặp đi lặp lại câu: “chúng con xin sám hối, chúng con xin sám hối…”
Người xem đã không biết chuyện gì đang thực sự xảy ra tại Chùa Giác Hoàng. Chúng tôi đã quyết định tìm hiểu sự thật và người đầu tiên chúng tôi muốn gặp không ai khác hơn là ông Vũ Đoàn. Chúng tôi đã nhờ người liên lạc với ông Đoàn để xin một cuộc phỏng vấn thì bị từ chối với lý do “không muốn làm to chuuyện”.
“Không muốn làm to chuyện”? Vậy thì ông Vũ Đoàn đã thực hiện cái youtube để làm gì? Và sau đó còn thuê luật sư nạp đơn kiện tại Superior Court ở Washington, D.C. để xin trục xuất Tì kheo Chân Thức và mấy người khác ra khỏi chùa. Nói một đàng, làm một ngả. Phật đâu có dạy như vậy?
Sau phiên tòa đầu tiên ngày 29.12.2015, vụ tranh chấp nội bộ tại Chùa Giác Hoàng đã thực sự trở thành “to chuyện”. Tuần báo Đời Nay đăng bài về vụ này trên trang nhất chiếm 6 cột báo với nhiều hình ảnh và những cuộc phỏng vấn bên bị đơn. Không người nào bên phía nguyên đơn bằng lòng cho phỏng vấn. Thật là khó hiểu. Không muốn làm “to chuyện”, hay sợ gặp báo chí sẽ không thể trả lời những câu hỏi để phanh phui sự thật? Nắm lẽ phải trong tay thì sợ gì báo chí? Phật dạy “vô úy” mà.
“Công lý” của một bản án
Từ phiên tòa thứ nhất ngày 29.12.2015 tới phiên tòa cuối cùng ngày 31.8.2016, vừa đúng 8 tháng. Trong thời gian này, tại Chùa Giác Hoàng đã xảy ra những xáo trộn trái ngược với giáo lý nhà Phật do ai gây ra thì Phật tử đi chùa đều biết, và ngoài tòa án nhiều thủ tục pháp lý đã được thi hành để giúp tòa phân xử một vụ tranh tụng không đơn giản về chuyện nội bộ của một ngôi chùa đáng lẽ không nên có nếu những kẻ chủ động thật sự là vì Phật pháp.
Qua những thủ tục này, nhất là những cuộc đối chất trước tòa (testimony), Thẩm phán Ronna Lee Beck đã sớm nhận ra bản chất của vụ tranh tụng, và có lẽ không bao giờ nghĩ đến yếu tố chính trị trong vụ này nên đã coi đây chỉ là sự tranh cãi, xung đột giữa những người quen biết nhau đã lâu trong Chùa, do đó bà đã khuyên hai bên nên ngồi lại với nhau để hòa giải vấn đề của mình hơn là để người ngoài phân xử. Bà Beck đã nói như vậy trước khi chấm dứt phiên tòa ngày 26.4.2016 để sau đó hai bên gặp nhau trong phiên hòa giải được ấn định vào ngày 5.5.2016.
Đông đảo Phật tử ra tòa để yểm trợ Thầy
Có lẽ bà thẩm phán da trắng không hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam cũng như tập tục chùa chiền đã thực tâm muốn có một cuộc hòa giải giữa đôi bên khi nhìn những cụ già trên dưới 90 tuổi, kể cả các nhà sư, kéo nhau ra “hầu tòa”, có người đi không vững, nói chẳng ra hơi, ngồi hàng giờ để trả lời những chất vấn của luật sư, trong một vụ kiện mà được hay thua đối với họ nào còn có ý nghĩa gì.
Những người ở phía bị đơn cũng như đông đảo Phật tử ra tòa hậu thuẫn Thầy cũng đều mong muốn có một sự tương nhượng và hòa giải theo tinh thần Phật giáo để chấm dứt vụ tranh chấp và trả lại sự yên tĩnh cho ngôi Chùa Giác Hoàng. Nhưng, ước vọng của mọi người đã tan vỡ ngay phút khởi đầu của cuộc điều đình vì thái độ cứng rắn của phía nguyên đơn.
Không biết giữa các nhà sư bị “Phật tử” kiện và bà Thẩm phán Ronna Beck, ai thất vọng hơn ai, nhưng Bà Beck đã phải làm công việc mà bà không muốn: ra một phán quyết về vụ tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng.
Trong suốt 8 tháng, bà Beck đã đọc hàng ngàn trang giấy trong hồ sơ về vụ Chùa Giác Hoàng, đã nghe các cuộc đối chất trước tòa trong hai tuần lễ, đã biết Pháp sư Giác Đức là người đã tạo dựng ra ngôi Chùa Giác Hoàng, đã nhìn thấy đông đảo Phật tử có mặt trong mỗi phiên tòa để ủng hộ các nhà sư, nhưng bà cũng biết phe bị đơn không có những giấy tờ chứng minh họ vẫn sinh hoạt trong Ban Quản trị những năm sau này. Khi làm phán quyết một thẩm phán không thể căn cứ vào cái gì khác, ngoài luật pháp và hồ sơ có trong tay. Đó là lý do vì sao có bản án ngày 31.8.2016. Có thể đó là một phán quyết trái với ý muốn của bà nhưng bà đã không thể làm khác.
Kẻ thắng, người thua
Kẻ thắng trong bản án ngày 31.8.2016 là ông Đỗ Đình Lộc, 92 tuổi, đi một bước phải có người dìu, trí nhớ suy kém nặng, khai trước tòa (29.12.2015) không biết ông Nguyễn Ngọc Bích là ai dù hai người cùng có tên trong Ban Quản trị Chùa Giác Hoàng từ ngày đầu (1976). Ông Lộc được cho là chủ tịch Ban Quản trị hiện nay, nhưng ai là người thực sự ở sau lưng ông ta để quyết định mọi việc? Trong một “deposition” do LS Damon Bernsteinthực hiện, ông Lộc xác nhận rằng ông đã ký vào một tờ thông báo vì con ông bảo ông ký. Cũng người con này (Hiệp), dù không có nhiệm vụ gì trong Chùa, đã có mặt tại buổi hòa giải bất thành ngày 5.5.2016 và là người đã đưa ra ý kiến quyết định.
Những kẻ thắng khác là các ông Vũ Đoàn, Nguyễn Đức Côn, Vũ Đình Long.
Người thua là Pháp sư Giác Đức, 82 tuổi, người đã tạo dựng ra ngôi Chùa Giác Hoàng năm 1976 nhưng không giữ làm của riêng và đã lập ra Hội “Buddish Congregational Church of America” (BCCA), đã tự tay viết ra “Articles of Incorporation” và “Bylaws” – hai văn kiện lập quy để điều hành Chùa, năm 1981 lập gia đình và dời đi Boston để phục hồi một ngành tu khác nhưng vẫn giữ lại chức “Chairman of the Board of Directors”, tức Ban Quản Trị Chùa Giác Hoàng.
Những người thua khác là các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh.
Nhưng đây chỉ là chuyện thắng thua trước tòa được phân xử dựa trên chứng từ (exhibits) mà bản án không nói lên được những gì đã thực sự xảy ra tại ngôi Chùa Giác Hoàng trong những năm gần đây từ ngày Hòa thượng Tâm Thọ làm trụ trì.
Như lịch sử của nó, Chùa Giác Hoàng do những người tị nạn đầu tiên tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn lập ra và là một “ngôi Chùa Quốc Gia” với lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên cột cao trước sân chùa nhưng Thầy Tâm Thọ đã bị người trong Ban Quản trị của ông Đỗ Đình Lộc chỉ trích là “đem chính trị vào chùa” khi Thầy đi dự lễ thượng kỳ tại Khu Eden hay tham gia vào các sinh hoạt trong Cộng Đồng, và ai đó đã có những chuẩn bị cho một hành động trong khi những người đã tạo lập ra Chùa và Phật tử thì vẫn bình tâm lui tới Chùa sinh hoạt như trong 40 năm qua.
Ngày 11.11.2015 Hòa thượng Tâm Thọ viên tịch, Ban Quản trị của ông Đỗ Đình Lộc không chấp thuận Tỳ kheo Chân Thức lên thay thế. Lý do “không đủ thâm niên” không thuyết phục được đông đảo Phật tử trong Chùa. Người ta tự hỏi vậy động cơ thực sự là cái gì? Phải chăng vì Thầy Chân Thức cũng là một “ông sư quốc gia” như người tiền nhiệm. Và sóng gió, xáo trộn, tranh chấp đã xảy ra.
Người quốc gia, nói chung, có một lỗi lầm: thiếu cảnh giác, nên đã bị bất ngờ, và đã thua trước tòa, dù ông Damon Bernstein là một luật sư giỏi và tận tâm.
Trong phiên tòa ngày 26.4.2016, Pháp sư Giác Đức không cầm được lòng đã bật khóc và nói lớn: “Không làm chùa cũng khổ mà làm chùa cũng khổ. Phật tử đánh Phật giáo thì ai chết đây?” Đôi mắt đẫm lệ của ông hướng thẳng về phía những người kiện đòi trục xuất ông ra khỏi Ban Quản trị chùa. Có lẽ ông đang tự hỏi tại sao những người con Phật này lại đối xử với mình tệ bạc như vậy. Những gì họ đang có hiện nay là do mình tạo ra, không nhớ ơn thì thôi, sao nỡ muối mặt mà lôi mình ra đây để chà đạp?
Trong một điện thư gửi cho đồng đạo kêu gọi dự kiến phiên tòa ngày 31.8.2016, Phật tử Từ Khải viết: “Giờ đây, đối với tất cả Phật tử chân chánh chúng ta, ‘Được, Mất’, ‘Thắng, Thua’ không còn là vấn đề nữa! Vì người con Phật một khi đã phát tâm tu hành thì chúng ta không còn ‘Chấp Trước’, thưa Quý Đạo Hữu. Chấp cái này là ‘Ta’, cái này là ‘của Ta’... Vì thấy ra, tất cả đều là ‘huyễn’. Tất cả đều không có thật! ! Người ta ‘lôi’ mình ra toà và mình bị bắt buộc phải đi ‘hầu’ toà. Thế thôi.” Đây là giờ của sự thật. Ai vì đạo pháp, ai vì tham, sân, si mà làm những điều đen tối.
Sau khi Thẩm Phán Ronna Beck đọc xong bản án, cả tòa im lặng, bên thắng cũng như bên bại không bộc lộ một xúc cảm nào, tuy nhiều Phật tử đã bị “choáng” trước phán quyết bất ngờ. LS Bernstein bước tới trước LS Vassar nói nhỏ “congratulation”, nhưng không bắt tay.
Tuân lệnh tòa, Tỳ kheo Chân Thức sẽ phải rời Chùa Giác Hoàng, trễ lắm là sau ngày 12.9.2016 để bàn giao tiền bạc và những tài sản của chùa mà ông còn giữ, nếu có. Người thay thế thì đã được Ban Quản Trị của ông Đỗ Đình Lộc cử tới từ mấy tháng trước trong khi vụ kiện chưa chấm dứt và Thầy Chân Thức còn đang ở trong Chùa. Một bậc chân tu không thể nhận lời tới một ngôi chùa đang trong tình trạng tranh chấp như vậy.
Tuy bản án không liên hệ tới quyền sở hữu Chùa Giác Hoàng, Ban Quản trị của ông Đỗ Đình Lộc sẽ độc chiếm chùa, đa số Phật tử sẽ bỏ đi, tìm một trong nhiều ngôi chùa khác trong vùng Hoa Thịnh Đốn để cúng Phật. Những người gây ra vụ này đã thắng ở tòa nhưng thua trong lòng Phật tử.
Buổi lễ Phật cuối cùng của Tỳ kheo Chân Thức
và Phật tử tại Chùa Giác Hoàng: Lễ Vu Lan (28.8.2016)
và Phật tử tại Chùa Giác Hoàng: Lễ Vu Lan (28.8.2016)
Tiền thù lao luật sư của bên thắng kiện thì đã có “tiền chùa”, còn bên thua thì những người trong cuộc sẽ phải dàn xếp với luật sư để thanh toán – một số tiền không nhỏ.
Như chúng tôi đã viết về vụ này trong một bài trước, “khi có một bản án có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt cũng như linh hồn của ‘ngôi chùa Quốc gia’ Giác Hoàng.” Thay đổi đầu tiên là Ban Quản trị hiện nay đã đặt ngôi Chùa Giác Hoàng trực thuộc “Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên Thế giới”
(World Vietnamese Buddhist Order) do cố Hòa Thượng Tâm Châu lập ra, trái ngược ý muốn của Pháp sư Giác Đức lúc đầu là giữ ngôi Chùa Giác Hoàng độc lập, không đặt dưới sự chi phối của bất cứ tổ chức nào ở hải ngoại nên đã lập ra BCCA để quản trị Chùa, phải chăng đã tiên đoán trong tương lai VC có thể xâm nhập các tổ chức Phật giáo ở hải ngoại.
Sự thay đổi tại ngôi chùa Giác Hoàng sẽ còn đi tới đâu?
Que sera, sera? Biết ra sao ngày sau?
Virginia ngày 3 tháng 9, 2016.