Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Tổng thống Duterte bị kiện ra Tòa án Hình sự Quốc tế - By Dạ Lãm

Vào thứ hai, ngày 24/4/2017, luật sư Jude Sabio đã đệ trình đơn kiện Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức cao cấp của chính quyền Philippines lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), với tội danh “giết người hàng loạt”. Tổng thống Duterte trước đó cũng đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy do ông phát động trên toàn quốc.

Trong 78 trang  khiếu kiện được New York Times công bố, luật sư Sabio cho rằng Tổng thống Duterte đã “liên tục, lặp đi lặp lại và vẫn đang tiếp diễn” các tội ác chống lại loài người, lại còn cho rằng việc giết nghi phạm ma túy và các tội phạm khác là “phương án tối ưu”. Vị luật sư yêu cầu bộ phận Tiền Xét xử của ICC đưa Duterte và các quan chức cấp cao tới Phòng Xét xử để tiến hành phiên tòa, sau đó buộc tội và kết án họ với những hình phạt thích đáng, thậm chí tù chung thân.
Từ các vụ lạm sát ở địa phương đến sát hại quy mô toàn quốc
Luật sư Sabio chỉ ra, đã có ít nhất 1.400 người bị tử hình bởi Đội Thi hành án Tử Davao (Davao Death Squad) trong thời gian ông Duterte còn làm thị trưởng Davao. Và trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Duterte đã khiến ít nhất 7.000 người bị giết.
Đơn kiện được Sabio lấy tiêu đề là “Tình trạng giết người hàng loạt ở Philippines, Rodrigo Duterte: kẻ giết người hàng loạt” và gửi đến Fatou Bensouda, công tố viên của ICC ở Hague, Hà Lan.
Trong lá thư của mình, Sabio viết:
“Những động thái phù hợp của ông (Fatou Bensouda) đối với vấn đề này không chỉ phụng sự những mục tiêu cao quý của Tòa án Hình sự Quốc tế mà còn  đánh dấu sự khởi đầu cho việc chấm dứt một thời kỳ đen tối, ghê tởm, đẫm máu và tàn ác ở Philippines”.
Jude Sabio là luật sư của Edgar Matobato – cựu thành viên Đội Thi hành án Tử Davao đứng ra làm chứng tại Thượng viện Philippines, khai rằng đã hoạt động theo lệnh của Duterte.
Đây là lần đầu tiên công chúng biết đến việc khiếu kiện chống lại Duterte tại Tòa ICC, dựa trên sự làm chứng của Matobato và cảnh sát nghỉ hưu Arturo Lascanas, cũng như xác nhận từ các nhóm nhân quyền và thông tin báo chí, trong đó có chuỗi bài của Reuteurs về các vụ sát hại.
Trong đơn kiện của mình, Sabio cho rằng ông có những bằng chứng trực tiếp chứng minh Duterte vượt quá nguyên tắc “nghi ngờ hợp lý” khi cho thực hiện “phương án tối ưu” – xử tử nghi phạm tại Davao và tiếp diễn hành động đó trong cuộc chiến chống ma túy của mình khi trở thành tổng thống. Ông giải thích, các vụ giết người ở Davao có những điểm tương đồng với những vụ sát hại gần đây ở một số điểm sau:
  1. Có sự tham gia và chỉ huy của cảnh sát
  2. Có một sát thủ hoặc một kẻ tấn công vũ trang ẩn danh
  3. Có cơ chế khen thưởng cho mỗi lần giết người
  4. Có phần thưởng bằng tiền mặt
  5. Có danh sách nạn nhân
  6. Có sự hợp tác giữa thôn làng với quan chức cảnh sát
  7. Có tấm bảng cạc tông đánh dấu, và khuôn mặt hoặc toàn bộ thi thể được bọc bằng băng keo
  8. Sử dụng sát thủ đi xe gắn máy tấn công
  9. Sử dụng sát thủ bịt mặt hoặc đeo mặt nạ
  10. Có súng và ma túy
Luật sư Sabio cũng cho biết những tuyên bố công khai của Tổng thống Duterte “thể hiện rõ ràng ý định thúc đẩy, khuyến khích hoặc kích động cảnh sát và người dân giết người hàng loạt”.
Bên cạnh đó, ông Sabio cũng nêu ra 11 quan chức có khả năng phải đồng chịu trách nhiệm cùng Duterte.
Phía công tố của ICC xác nhận họ đã nhận được thông tin của ông Sabio và sẽ phân tích xử lý thỏa đáng.
Phản hồi từ phía Chính phủ Duterte
Ernesto Abella – người phát ngôn của Duterte – đã bác bỏ cáo buộc trên và xem nó như một “nỗ lực thô thiển” để hạ uy tín tổng thống.
“Cái gọi là “những vụ giết người không qua xét xử” không được nhà nước công nhận và tài trợ. Mục đích việc đệ đơn lên ICC rõ ràng là để gây rối và làm nhục tổng thống, cũng như làm suy yếu chính phủ hợp pháp của Philippines”.
Bộ Ngoại giao Philippines trong một tuyên bố riêng vào thứ hai cho biết họ đang lưu tâm đến vụ việc. Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Robespierre Bolivar, “cũng như bất kỳ hồ sơ nào khác mà Văn phòng Công tố nhận được, hồ sơ này cũng sẽ trải qua đánh giá toàn diện để xác định liệu nó có đủ điều kiện theo Quy chế Rome về phạm vi và thẩm quyền xét xử hay không”.
Tổng thống Duterte hiện đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích không chỉ trong đất nước Philippines mà còn trên phạm vi quốc tế về chiến dịch chống ma túy của ông. Trong đó có Nghị viện châu Âu – nơi vừa cảnh báo Philippines về nguy cơ có thể đánh mất các ưu đãi thương mại nếu tình trạng nhân quyền ở đất nước này không được cải thiện.
Về phần mình, Duterte trách mắng các quan điểm bất đồng với ông về cuộc chiến ma túy, với lý do làm vậy là cần thiết để bảo vệ lớp trẻ của đất nước.