Công tố viên Mỹ cáo buộc Huawei đã yêu cầu nhân
viên thực hiện chiến dịch táo bạo nhằm lấy cắp bí mật về cánh tay robot
của T-Mobile.
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 28/1 công bố hai cáo trạng đối với tập đoàn công nghệ
hàng đầu Trung Quốc Huawei, trong đó có tội danh gian lận và thông đồng
liên quan tới các giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ
nhằm vào Tehran. Cáo trạng còn lại mô tả về vụ đánh cắp công nghệ được
Huawei thực hiện trên đất Mỹ được nhiều người ví như một "chiến dịch
tình báo" thực thụ, theo NPR.
Trong cáo trạng, các công tố viên Mỹ cho biết trong thời gian từ tháng
6/2012 đến tháng 9/2014, Huawei đã nhiều lần tìm cách đánh cắp thông tin
về thiết kế của một robot có tên "Tappy" do tập đoàn T-Mobile chế tạo
vào năm 2006.
Robot Tappy được trang bị một cánh tay và ngón tay bọc cao su, có nhiệm
vụ thực hiện các thao tác trên màn hình điện thoại như một người dùng
thực thụ để phát hiện các vấn đề với sản phẩm trước khi đưa ra thị
trường. Tappy có thể tính toán được một tác vụ trên điện thoại có độ trễ
như thế nào, cũng như mức tiêu thụ pin của từng ứng dụng.
Vào thời điểm đó, Tappy là niềm mơ ước của bất cứ công ty sản xuất điện
thoại nào, nên T-Mobile coi đây là một công nghệ tuyệt mật. Nó được đặt
trong phòng thí nghiệm với nhiều lớp bảo vệ cẩn mật tại tổng hành dinh
của T-Mobile ở thành phố Bellevue, bang Washington, Mỹ.
T-Mobile cấm mọi hình thức quay phim, chụp ảnh Tappy và chỉ cho phép
nhân viên của tập đoàn này vận hành robot. Tuy nhiên, tập đoàn sau đó
bắt đầu cho phép một số nhân viên nhất định của các hãng cung cấp điện
thoại tiếp cận và vận hành Tappy, với điều kiện họ phải ký vào các thỏa
thuận bảo mật và cam kết không tiết lộ thông tin. Những thỏa thuận này
cấm nhân viên của nhà cung cấp tìm cách sao chép công nghệ Tappy hay
quay phim, chụp hình robot.
Tập đoàn Huawei ở Trung Quốc lúc này cũng đang tìm cách chế tạo robot
thử nghiệm điện thoại của riêng mình với tên gọi "xDeviceRobot", nhưng
không đạt được nhiều thành công. Robot của họ thể hiện khả năng vận hành
kém hơn hẳn so với các đối thủ.
Đến tháng 5/2012, Huawei yêu cầu chi nhánh của họ ở Mỹ (Huawei USA) tìm
cách hỏi mua giấy phép công nghệ sản xuất Tappy từ T-Mobile, nhưng công
ty Mỹ này từ chối thẳng thừng. Đó là lúc Huawei bắt đầu "chiến dịch"
đánh cắp bí mật thiết kế của Tappy, theo bản cáo trạng.
Trong một cuộc họp trực tuyến tháng 6/2012, một kỹ sư Huawei đưa ra một
loạt câu hỏi cho các nhân viên Huawei USA, yêu cầu họ tìm hiểu về thông
số kỹ thuật của Tappy, chụp ảnh robot này từ nhiều góc độ và lấy được số
sê-ri của từng bộ phận.
Huawei lúc này đang tìm cách xâm nhập thị trường Mỹ và cải thiện chất
lượng điện thoại của họ. Tập đoàn Trung Quốc ký một thỏa thuận để
T-Mobile bán điện thoại Huawei trên đất Mỹ, đổi lại, kỹ sư Huawei USA từ
tháng 9/2012 được phép tiếp cận phòng thí nghiệm và sử dụng Tappy để
thử nghiệm các điện thoại của Huawei trước khi tung ra thị trường.
Những kỹ sư này bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức vận hành của
Tappy với nhân viên T-Mobile, chẳng hạn như độ phân giải camera, tốc độ
vuốt màn hình của cánh tay Tappy, nhưng không nhận được câu trả lời đầy
đủ.
Huawei tiếp tục gây sức ép với các nhân viên ở Mỹ tìm hiểu thêm về
Tappy, buộc họ phải liên tục hỏi các kỹ sư T-Mobile về thiết kế của
robot này. Một kỹ sư Huawei được các công tố viên Mỹ gọi bằng bí danh
"A.X." đã chụp lén và gửi một số bức ảnh Tappy về trụ sở ở Trung Quốc,
nhưng Huawei vẫn chưa hài lòng và yêu cầu anh ta chụp thêm.
Gian hàng Huawei tại một triển lãm công nghệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP.
|
Giám đốc Nghiệm thu Kỹ thuật Huawei USA, người được gọi bằng tên "R.Y."
trong cáo trạng, đã viết thư phản hồi về tập đoàn: "Một lần nữa, chúng
tôi KHÔNG THỂ hỏi được nhân viên T-Mobile bất cứ câu nào về con robot.
T-Mobile RẤT tức giận với những câu hỏi chúng tôi đặt ra". Giám đốc này
đề nghị Huawei cử kỹ sư từ Bắc Kinh tới Bellevue để xem xét tận mắt
Tappy.
Huawei sau đó điều kỹ sư "F.W." tới Mỹ, được A.X. và một nhân viên chi
nhánh tại đây lén đưa vào phòng thí nghiệm của T-Mobile để xem xét và
chụp ảnh Tappy. Đội bảo vệ của T-Mobile hai lần phát giác hành vi này và
yêu cầu F.W. rời khỏi phòng thí nghiệm.
T-Mobile sau đó cấm cửa nhân viên Huawei tới phòng thí nghiệm, nhưng vẫn
châm chước cho phép A.X. tiếp tục đến cơ sở này. Đến tháng 5/2013, A.X.
đã thực hiện hành động táo bạo là tháo rời cánh tay của Tappy và nhét
nó vào túi laptop của mình. Khi bị nhân viên T-Mobile hỏi về cánh tay
robot mất tích, A.X. nói mình vô can.
Tối hôm đó, anh ta cùng kỹ sư đến từ Trung Quốc đo đạc và chụp ảnh cánh
tay robot. Hôm sau, A.X. thông báo đã "tìm thấy" cánh tay Tappy trong
túi của mình. Đến lúc này, T-Mobile mới quyết định tước thẻ ra vào phòng
thí nghiệm của A.X.
Mọi việc chưa dừng lại ở đó. Huawei rất lo lắng về nguy cơ hành vi đánh
cắp bí mật công nghệ này bị phát hiện. Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ một
năm trước đã công bố báo cáo rằng Huawei là mối đe dọa tiềm tàng với an
ninh quốc gia Mỹ vì hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Tập đoàn
Trung Quốc từng bị hai công ty Mỹ là Motorola và Cisco kiện vì hành vi
này.
Khi sự việc bị phanh phui, Huawei phủi tay và thông báo với T-Mobile
rằng họ đã tiến hành các cuộc điều tra nội bộ ở Mỹ và Trung Quốc, đi đến
kết luận rằng A.X. và F.W. đã tự ý hành động trong vụ "mượn" cánh tay
robot Tappy nên họ đã sa thải hai người này. Huawei sau đó gửi cho
T-Mobile một báo cáo điều tra đã bị kiểm duyệt, trong đó chứa đựng những
thông tin giả mạo nhằm thể hiện rằng tập đoàn này không yêu cầu hay tổ
chức cho nhân viên thực hiện vụ đánh cắp.
T-Mobile quyết định kiện Huawei ra tòa vì đã gây ra thiệt hại cho mình
trong vụ đánh cắp công nghệ này và tòa tuyên tập đoàn Trung Quốc phải
bồi thường cho nguyên đơn 4,8 triệu USD vào năm 2017. Tuy nhiên, với cáo
trạng mới được công bố, Huawei sẽ phải đối diện với 10 tội danh ở tòa
án liên bang Mỹ, trong đó có âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, cản trở
công lý và lừa gạt.
Một cửa hàng của T-Mobile ở New York, Mỹ. Ảnh: AP.
|
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang nắm giữ nhiều email của Huawei để chứng
minh cho hành vi phạm tội của tập đoàn này, trong đó có một email về
chính sách đối với nhân viên đánh cắp được bí mật công nghệ của đối thủ.
Theo đó, từ tháng 7/2013, Huawei thực hiện chương trình thưởng cho
những người thu được thông tin mật từ khắp thế giới.
Trong trường hợp đánh cắp được thông tin đặc biệt nhạy cảm, nhân viên
Huawei được yêu cầu gửi một email mã hóa tới hòm thư đặc biệt do tập
đoàn này lập ra. Mức thưởng cho các nhân viên này tùy thuộc vào giá trị
thông tin mà họ lấy cắp được và Huawei quy định "không nhân viên nào bị
trừng phạt khi hành động theo chính sách của công ty", theo FT.
Trong một email gửi hãng thông tấn AP hôm 29/1, Huawei bác bỏ
mọi cáo buộc về hành vi vi phạm luật pháp Mỹ và khẳng định vụ Tappy đã
được họ cùng T-Mobile dàn xếp. T-Mobile từ chối bình luận về vụ này.
Theo Adam Segal, chuyên gia an ninh mạng tại Hội đồng Đối ngoại, cáo
trạng về vụ đánh cắp công nghệ robot Tappy liên quan đến một chiến dịch
lớn của chính phủ Mỹ nhắm vào tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc,
sau khi họ yêu cầu Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Mỹ
cũng được cho là đang vận động các đồng minh, đối tác loại Huawei khỏi
các hợp đồng xây dựng mạng 5G vì lo ngại về an ninh quốc gia.