Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Những 'luật sư' bất đắc dĩ trong nhà tù

Bắc MỹDerrick Hamilton chưa bao giờ nghĩ sẽ động vào quyền sách luật cho tới khi bị kết án oan giết người vào năm 18 tuổi.

Thụ án vào năm 1983, Derrick được giao việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tra cứu tài liệu trong thư viện pháp luật của nhà tù. Sau nhiều năm, Derrick dần nắm vững kiến thức về pháp luật hình sự và bắt đầu nghiên cứu để tự giải oan.

Khi không bận nghiên cứu bản án của mình, Derrick sẽ vận dụng kiến thức tự học để giúp đỡ những bạn tù khác tìm các điều khoản có lợi cho vụ án của họ. Cuối cùng, Derrick trở thành "một trong những luật sư trại giam giỏi nhất của nước Mỹ", đồng thời được tuyên trắng án vào năm 2015 sau khi tự bào chữa trước tòa.

"Luật sư trại giam" như Derrick không còn là hiện tượng mới mẻ trong xã hội Mỹ. Cụm từ này dùng để chỉ những phạm nhân vận dụng kiến thức sẵn có để cung cấp trợ giúp pháp lý không chính thức cho các bạn tù. Sở dĩ gọi là "không chính thức" vì phần lớn những luật sư trại giam là người nghiệp dư, không qua đào tạo và không có bằng cấp hành nghề luật.

Cũng vì nguyên nhân trên, "luật sư trại giam" không được đại diện cho người khác tại tòa mà chỉ có thể tư vấn, giúp viết đơn kiện hoặc nghiên cứu các vấn đề pháp lý thay cho bạn tù (như yêu cầu tòa án xét xử lại vì sai sót tố tụng, cho ý kiến trong vụ ly hôn hoặc tranh chấp quyền nuôi con, hoặc giúp đòi quyền chữa trị). Họ không được nhận thù lao vì có thể bị khởi tố tội Hành nghề luật trái phép.
Công việc bất đắc dĩ này được cho là xuất phát từ nỗi tuyệt vọng của phạm nhân. Số đông bọn họ không có tiền thuê luật sư "xịn", đồng thời cũng chỉ được tòa chu cấp phí luật sư trong lần kháng án đầu tiên sau khi bị kết tội. Nếu không thành công, các phạm nhân sau đó phải tự mình học luật hoặc nhờ người am hiểu hơn giúp đỡ.

Để trở thành "luật sư trại giam", hầu hết các phạm nhân đều phải tự học, phải dành nhiều thời gian trong thư viện nhà tù như trường hợp của Derrick. Một số trường hợp hãn hữu khác, họ là những người đã có bằng luật từ trước khi vào tù.
Trước khi được minh oan, Derrick Hamilton là một trong những luật sư trại giam giỏi nhất của Mỹ. Ảnh: Kevin Penton/Law360.
Trước khi được minh oan, Derrick Hamilton là một trong những luật sư trại giam giỏi nhất của Mỹ. Ảnh: Kevin Penton/Law360.
Theo chuyên gia, sự tồn tại của nghề "luật sư trại giam" là dấu hiệu cho thấy hàng triệu phạm nhân ở Mỹ không có điều kiện tiếp cận với các kênh cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý truyền thống (như luật sư). Ngoài ra, nhiều điều về nghề này còn vẫn là ẩn số, thiếu vắng số liệu thống kê cơ bản, dù họ đóng vai trò chủ chốt bổ khuyết cho hệ thống tư pháp.
Tuy không có vị trí chính thức và không được luật điều chỉnh, "luật sư trại giam" vẫn thường được nhà tù và tòa án công nhận. Cục Nhà tù Liên bang Mỹ cho phép phạm nhân trong cùng cơ sở giúp đỡ lẫn nhau thực hiện công tác pháp lý. Phán quyết của nhiều vụ kiện cũng đã ghi nhận vai trò của những người này. Ví dụ, tòa tối cao bang Vermont từng tuyên trắng án với một luật sư trại giam sau khi người này bị khởi tố về tội Hành nghề luật không bằng.
Vai trò của "luật sư trại giam" được pháp luật và tòa án phần nào công nhận nhưng công việc của họ không phải luôn thuận buồm xuôi gió. Họ gặp phải nhiều rào cản trong nhà tù như thiếu thốn những đồ dùng căn bản để khởi kiện như giấy bút hoặc máy đánh chữ. Họ có thể không được lên mạng internet, và phải tự mày mò đọc sách luật đã lỗi thời.
Bên cạnh đó, họ cũng đối diện với nguy cơ bị cán bộ quản ngục trả thù, đặc biệt là khi chính họ đâm đơn kiện hoặc giúp đỡ người khác khởi kiện nhà tù. Derrick chia sẻ mình từng bị biệt giam 10 năm vì khởi kiện nhà tù.
Bất chấp những điều ấy, một số "luật sư trại giam" vẫn rất thành công, như trường hợp của Derrick và của Shon Hopwood. Năm 2002, yêu cầu khởi kiện do Shon viết giúp bạn tù từng được tòa tối cao liên bang Mỹ lấy lên xem xét và cuối cùng được xử thắng kiện. Sau khi ra tù, Shon tiếp tục trau dồi kiến thức pháp lý và thi đỗ làm luật sư, cuối cùng trở thành giảng viên đại học.
Từ kẻ cướp bị kết tội, Shon Hopwood hoàn lương và thi đỗ luật sư. Ảnh: Sang Cho/The Daily of the University of Washington.
Từ kẻ cướp bị kết tội, Shon Hopwood hoàn lương và thi đỗ luật sư. Ảnh: Sang Cho/The Daily of the University of Washington.
Đương nhiên, "luật sư trại giam" vẫn chỉ là người nghiệp dư không có bằng cấp trong tay. Họ thường phạm sai lầm làm tổn hại tới khả năng khởi kiện thành công của bạn tù hoặc tạo thêm gánh nặng cho tòa án với nhiều đơn khởi kiện vô căn cứ và dồn dập.
Một số khác dù biết bị cấm nhưng vẫn nhận thù lao gián tiếp, từ đó tạo ra đường dây phạm tội về bản chất là rửa tiền với sự tham gia của người thân bên ngoài. Trong một số trường hợp, họ có thể bị người được giúp đỡ quay sang trả thù nếu không may sai sót.
Dù còn một số bất cập như trên, "luật sư trại giam" vẫn được tòa án coi là đang làm một việc đáng quý khi giúp phạm nhân được tiếp cận với sự hỗ trợ pháp lý hiệu quả hơn.
Một số ít tiểu bang ở Mỹ đã tạo ra con đường chính thức hơn cho phạm nhân để họ có thể trợ giúp bạn tù một cách hiệu quả. Một trong những chương trình thành công nhất là ở bang Louisiana, nơi có 115 luật sư trại giam phục vụ 19.000 phạm nhân. Những người này được đào tạo 40 tiếng mỗi năm và phải chứng minh năng lực qua bài kiểm tra học vấn tiêu chuẩn dành cho người trưởng thành để được "hành nghề" trong trại giam. Bang Michigan và Florida cũng đặt ra chương trình tương tự.
Quốc Đạt (Theo Law 360, Vice, The New Yorker)