Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Hàng trăm nghệ sĩ Việt Nam sẽ được bảo vệ tác quyền ở mạng Youtube

Hàng trăm nghệ sĩ Việt Nam sẽ được bảo vệ tác quyền ở mạng Youtube. Đây là một bước tiến tốt đẹp, sẽ bảo vệ quyền lợi và khuyến khích sức sáng tác của nghệ sĩ. Vì làm gì, sáng tác những gì hay, những gì đẹp, mà cứ bị chôm thì lấy gì mà sống nổi.

Báo Dân Việt kể rằng, đã có hơn 100 nghệ sĩ Việt Nam được YouTube bảo vệ tác quyền.

Bản tin ghi lời bà Vĩnh Hạnh - Quản lý dự án YouTube, cho hay tại cuộc họp báo chiều ngày 30.5 tại Hà Nội, rằng đã có hơn  100 ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đã đăng ký bản quyền và sẽ được bảo vệ tác quyền trên YouTube,

Theo đó những ca sĩ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Đan Trường…có quyền gỡ bỏ những file nhạc, video mà người dùng chưa xin phép mình khỏi YouTube.

Theo bà Vĩnh Hạnh, tháng 8.2011, POPS Worldwide đã ký kết dự án hợp tác bản quyền hoá nội dung nhạc Việt Nam trên YouTube với YouTube (thuộc tập đoàn Google). Kể từ thời điểm này, những nội dung nhạc Việt Nam dưới hình thức video clip do người dùng YouTube đưa lên hệ thống website www.youtube.com được chính thức đăng ký bản quyền và bảo vệ bản quyền.

Tuy nhiên, có một kỹ nghệ khác tại Việt Nam vẫn còn chưa được bảo vệ kỹ: luộc sách. Và đây cực kỳ nguy hiểm vì di hại cho nhiều đời sau, khi người đời sau dựa vào các bản sách này để tìm hiểu văn hóa thời nay.

Bởi vì bảo vệ tác quyền nghệ thuật ở YouTube có thể làm thiệt hại ngành âm nhạc trong giai đoạn này, và có thể làm chậm hay làm thiệt hại đà sáng tác của nghệ sĩ thế hệ này.

Nhưng luộc sách sẽ làm các thế hệ sau có những thông tin sai, những đánh giá nhầm lẫn về người và việc hiện nay.

Một trong những trường hợp thê thảm tai tiếng quốc tế là khi một giảng viên Việt Nam “luộc” sách của giáo sư Hàn Quốc. Như thế là ra ngoài phạm vi đóng cửa nói với nhau rồi.

Lúc đó là năm 2010, báo Người Lao Động kể:

“Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn, một cuốn sách phổ biến được rất nhiều học viên, sinh viên tiếng Hàn sử dụng, đứng tên tác giả Lý Kính Hiền - trưởng ngành Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) thực ra là một cuốn sách “đạo”...”

Sách của tác giả Lý Kính Hiền giống 99,9% so với cuốn sách Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn cho người nước ngoài của GS. Beak Bong Ja, Trường ĐH Jonsei (Hàn Quốc).

Vậy mà suốt 4 năm sách  của Lý Kính Hiền bán ở VN rồi mới bị lộ, là bị dịch và bán mà không có ý kiến của tác giả “chính chủ” là GS. Beak Bong Ja.

Còn chuyện các nhà văn trong nước bị luộc đã trở nên bình thường.

Nhà văn nghèo hơn ca sĩ rất nhiều, còn bị luộc sách, có khi cũng chẳng muốn đi thưa kiện vì thấy tốn kém mà chẳng tới đâu.

Câu hỏi là, nếu, thay vì giống 99,9%, mà chỉ giống 50% thì sao? Nhiều bài thơ, nhiều truyện ngắn, nhiều bài bút ký, nhiều tập biên khảo địa dư chí tại Việt Nam có trường hợp này.

Hãỹ hình dung: Truyện Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du bị một cụ đồ Nho lúc đó luộc 50% và hấp lại thành Truyện Nàng Kiều hay Tiếng Lòng Đứt Ruột, và rồi 300 năm sau, có khi chúng ta lại khóc nhầm, lại vinh danh nhầm, và có khi UNESCO của Liên Hiệp Quốc lại phong chức Danh Nhân Thế Giới nhầm người vậy.

Làm sao mời gọi mọi người sống  lương thiện ở đây nhỉ? Tại sao trước 1975 mình chưa từng nghe, chưa từng đọc, chưa từng thấy hiện tượng luộc sách, luộc nhạc?