Thuê người thi hộ hoặc mua bài luận là những cách
nhiều gia đình Trung Quốc "giúp" con em được nhận vào các trường đại
học hàng đầu của Mỹ.
Ren Futong, tên tiếng Anh là Monica, con gái độc nhất của một gia đình
quân đội sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ước mơ đi du học Mỹ. Ảnh: Tạp chí 1843.
|
Là con gái của một đại tá cấp cao trong quân đội Trung Quốc, Ren Futong
sống 17 năm đầu đời trong một doanh trại quân đội kín cổng cao tường ở
phía bắc thủ đô Bắc Kinh. Khu doanh trại rộng lớn với hệ thống ngân
hàng, cửa hàng thực phẩm, dịch vụ giặt là, được những toán lính có vũ
trang và đội tuần tra bước đều tăm tắp canh gác ngày đêm. Không một
người nước ngoài nào được phép bước vào bên trong khu vực này.
Lớn lên trong môi trường biệt lập, Futong, tên tiếng Anh là Monica,
"thấm nhuần" các bài học về tuân thủ, chấp hành, trung thành và lòng yêu
nước theo ý nghĩa thuần khiết nhất. Tại trường học, những suy nghĩ độc
lập, đi chệch hướng các câu trả lời mẫu mà học sinh phải học thuộc lòng
để vượt qua các bài kiểm tra, đều bị triệt tiêu. Theo Monica, mục đích
là "làm cho tất cả mọi người giống nhau", theo tạp chí 1843 của The Economist.
Hầu hết quãng đời thơ ấu, Monica chỉ làm những thứ cô được bảo làm. Cô
từ bỏ sở thích hội họa và viết thư pháp rồi nỗ lực học tập để leo lên
nhóm những học sinh giỏi nhất lớp. Được ca ngợi là "thánh học", Monica
giành điểm gần như tuyệt đối trong kỳ thi quốc gia trung học. Dẫu vậy,
trong lòng, cô học sinh 17 tuổi bắt đầu gào thét phản kháng. Quá trình
ôn thi nhàm chán và khổ sở khiến cô cảm thấy sợ hãi viễn cảnh nhồi nhét
trong ba năm tới để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia vào đại học đầy áp lực
mà "số phận" của mỗi thí sinh chỉ do một con số quyết định.
Vào một tối mùa xuân năm Monica 15 tuổi, cô bé trở về nhà trong khu
doanh trại và đưa ra một tuyên bố có thể coi là chấn động đối với một cô
con gái nhà lính luôn tuân phục. "Em nói với bố mẹ rằng em cảm thấy mệt
mỏi với việc học hành, thi cử như một cái máy", Monica nhớ lại. "Em
muốn đi Mỹ học đại học". Trước đó, Monica từng bóng gió về mong muốn
được đi du học trong một bữa tối khi cô nói về sự tự do của nền giáo dục
khai phóng ở Mỹ, nhưng bố mẹ đã gạt đi vì tưởng đó chỉ là trò chuyện
phiếm. Nhưng lần này, họ thấy cô hoàn toàn nghiêm túc. "Cha mẹ em khá
sốc", Monica nói.
Sau nhiều ngày im lặng, cha mẹ Monica cuối cùng cũng lên tiếng. Cha của
cô, một người ít nói được đào tạo bài bản tại học viện quân đội, phân
tích rằng: "Nếu con ở lại Trung Quốc, mọi việc sẽ dễ dàng hơn và tương
lai sẽ được đảm bảo". Mẹ cô bé, một kỹ sư công nghệ thông tin, cho rằng
Monica nhiều khả năng sẽ đỗ vào trường đại học danh giá nhất của Trung
Quốc, đại học Bắc Kinh, nơi được coi là cái nôi đào tạo các lãnh đạo
tương lai của đất nước.
"Tại sao con từ bỏ những điều đó?", bà hỏi. "Bố mẹ hiểu hệ thống ở đây
nhưng không biết gì về nước Mỹ vì vậy chúng ta không thể giúp gì con khi
con sang đó học. Con sẽ hoàn toàn tự lực cánh sinh". Sau khi liệt kê
tất cả các lý do phản biện, cuối cùng bà đành chốt lại: "Nếu trái tim
con thực sự muốn đi học ở Mỹ, chúng ta sẽ ủng hộ quyết định của con".
Như vậy là gia đình họ Ren đã chấp nhận một rủi ro lớn. Nếu Monica, cô
con gái duy nhất của họ, nhắm đến mục tiêu đi du học, cô bé sẽ ngừng ôn
luyện cho kỳ thi quốc gia vào đại học ở Trung Quốc để có thời gian chuẩn
bị cho một loạt các bài kiểm tra chuẩn hóa hoàn toàn xa lạ và quá trình
nộp đơn ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ đầy rắc rối. Nếu Monica đổi
ý giữa chừng, hoặc tệ hơn không thành công, cô sẽ không thể quay trở
lại chương trình học trong nước. Và nếu điều đó xảy ra, cô bé sẽ bỏ lỡ
cơ hội học tại một trường đại học danh giá của Trung Quốc đồng nghĩa với
việc lỡ mất cơ hội kiếm được một công việc hậu hĩnh trong tương lai.
Đối với gia đình Monica, đây là lằn ranh đỏ, nếu họ vượt qua sẽ không
thể quay đầu trở lại.
Có một mâu thuẫn tồn tại ở Trung Quốc là trong khi chính phủ cố gắng
loại bỏ ảnh hưởng nước ngoài tại các trường đại học trong nước, số lượng
học sinh Trung Quốc đi du học ở các nước phương Tây ngày càng tăng.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế của Mỹ, trong 10 năm qua, số lượng học sinh
Trung Quốc Đại lục theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ đã
tăng gần gấp năm lần, từ 62.523 năm 2005 lên 304.040 vào năm 2015.
Nhiều em trong số đó là con cái của giới tinh hoa đang lên ở Trung Quốc,
những gia đình quyền thế có khả năng trả khoản học phí lên đến 60.000
USD mỗi năm tại những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, chưa kể hàng chục
nghìn đôla trước đó dùng để trang trải các chi phí ôn luyện, thi cử và
nộp đơn.
Đối với các nhà giáo dục phương Tây, Trung Quốc vốn nổi tiếng với thành
tích sản sinh ra "đội quân" học sinh trung học ưu tú, thường xuyên đứng
đầu bảng xếp hạng các bài kiểm tra toàn cầu, bỏ xa học sinh Mỹ và Anh.
Nhưng ngày càng ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc quyết định dứt con
em ra khỏi hệ thống giáo dục trong nước. Kết quả là bán các sản phẩm
giáo dục cho học sinh Trung Quốc trở thành một ngành kinh doanh béo bở ở
phương Tây.
Sinh viên Trung Quốc hiện chiếm gần 1/3 tổng số sinh viên quốc tế đang
theo học ở Mỹ, đóng góp 9,8 tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế nước này. Ở
Anh, du học sinh Trung Quốc cũng thuộc nhóm đứng đầu về số lượng. Theo
Báo cáo Hurun, khảo sát thường niên về tầng lớp thượng lưu Trung Quốc,
xu hướng này chưa có dấu hiệu chững lại, 80% các gia đình giàu có ở đất
nước tỷ dân có kế hoạch cho con đi du học.
Khác Monica, không phải tất cả học sinh Trung Quốc đều khao khát đi du
học để thoát khỏi hệ thống thi cử áp lực trong nước và tiếp cận kiểu
giáo dục khai phóng, tự do ở nước ngoài. Như một chuyên gia tư vấn giáo
dục nhận xét, nhiều gia đình Trung Quốc cho con học tại một trường đại
học phương Tây như là cách để thể hiện đẳng cấp, giống như việc "mua một
món hàng hiệu". Bên cạnh đó, những học sinh không đủ năng lực vượt qua
kỳ thi quốc gia vào đại học trong nước, đi du học là một lối thoát, một
cách để tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động và hôn nhân
ngày càng khốc liệt tại quê nhà. Đối với các gia đình giàu có muốn tìm
một nơi cất trữ tài sản, cho con đi du học là bước đi đầu tiên để chuyển
tài sản ra nước ngoài, đầu tư vốn thậm chí cuối cùng là di cư. Theo một
ước tính, hơn 1.000 tỷ USD tài sản đã "chảy" ra khỏi Trung Quốc vào năm
2015.
Cuộc chơi sống còn
Nhà giàu Trung Quốc đổ xô gửi con đi học nước ngoài. Nguồn: CQ.
Đa phần sinh viên Trung Quốc được nhận vào các trường đại học lớn ở các
bang nước Mỹ. Nhiều trường nằm ở miền trung tây xa xôi, nơi số lượng du
học sinh Trung Quốc lên tới hơn 4.000 trên tổng số hơn 30.000 sinh viên
trong trường. Với số lượng áp đảo như vậy, sinh viên Trung Quốc thậm chí
có thể tập hợp lại và hình thành một phiên bản thu nhỏ của các khu phố
Tàu ngay bên trong khuôn viên trường.
Dẫu vậy, các trường đại học hàng đầu nước Mỹ vẫn có một sức hút khó
cưỡng như một thứ tôn giáo đối với các gia đình Trung Quốc. Tất cả các
học sinh Trung Quốc có ý định đi du học đều có thể đọc vanh vách tên của
10 trường hoặc 20 trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ. Và cuộc đua
vào những trường này vô cùng khốc liệt.
Năm 2016, trong tổng số 40.000 học sinh Trung Quốc nộp đơn vào các
trường đại học Mỹ, chỉ khoảng 200 em đỗ vào các trường hàng đầu. Một
chuyên gia tư vấn giáo dục tại Bắc Kinh nói: "Đại học Harvard chỉ chấp
nhận 7 hoặc 8 học sinh Trung Quốc mỗi năm, một trong số đó thường là con
cái của tài phiệt hoặc quan chức lãnh đạo". So sánh với tỷ lệ đỗ của
học sinh Mỹ, sẽ thấy khe cửa dành cho học sinh quốc tế hẹp như thế nào.
Đơn cử vào năm 2015, khoảng 9,7% số học sinh bản xứ ứng tuyển vào Học
viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được chấp nhận, nhưng chỉ gần 3% số
học sinh quốc tế lách qua "khe cửa hẹp" này thành công.
Quá trình nộp đơn phức tạp và rắm rối. Bên cạnh các bài kiểm tra chuẩn
hóa như SAT, ACT, và TOEFL (kiểm tra trình độ tiếng Anh), các trường đại
học Mỹ còn yêu cầu bảng điểm, thư giới thiệu của giáo viên, bài luận
giới thiệu về bản thân và nhiều bài luận bổ sung khác. Đối với hệ thống
giáo dục Trung Quốc, nơi mà các trường đại học chỉ dựa vào điểm thi đầu
vào để tuyển chọn sinh viên, những yêu cầu trên hoàn toàn xa lạ.
Chưa dừng lại ở đó, phần khó khăn nhất là các trường đại học Mỹ muốn
chọn ra những cá nhân xuất sắc, chứng minh tiềm năng qua các hoạt động
ngoại khóa và các trải nghiệm sống độc đáo, hoặc bất cứ hoạt động gì
khiến các em trở nên khác biệt so với đám đông.
Học sinh Trung Quốc là sản phẩm của một hệ thống giáo dục mà trong đó
những người đạt thành tích cao nhất sẽ bị triệt tiêu sự tò mò học hỏi,
sự sáng tạo và tính cá nhân. Trong khi đó những phẩm chất này là thứ các
trường đại học Mỹ tìm kiếm và đánh giá cao nhất ở sinh viên.
"Làm sao học sinh Trung Quốc có thể xây dựng một hình ảnh cá nhân độc
đáo để thuyết phục đội ngũ tuyển sinh của các trường đại học Mỹ?" Đối
với nhiều học sinh, quá trình này là một hành trình "vật vã" khám phá
bản thân. Nhưng đối với một số khác, việc đột ngột phải định nghĩa con
người mình và tìm ra sự khác biệt của bản thân tạo ra một áp lực vô cùng
lớn, khiến các em và cha mẹ các em sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục
tiêu.
Trước khi cha của Monica gật đầu chúc phúc cho giấc mơ Mỹ của cô, ông
bắt con gái hứa sẽ quay về sau khi tốt nghiệp. Theo quy định nghiêm ngặt
của quân đội Trung Quốc, ông gần như không thể tự do sang Mỹ để thăm cô
con gái độc nhất. Ông chỉ muốn chắc rằng sẽ không mất cô. "Tôi do dự
khi để con bé ra đi nhưng con tôi có cách suy nghĩ riêng của nó", người
đàn ông dáng người nhỏ bé với đôi mắt sắc, đội một chiếc mũ lưỡi trai
bằng da và mang giày thể thao, tâm sự.
Monica bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai. Đầu tiên, cô nộp đơn học
chuyển tiếp lớp 11 sang hệ quốc tế của trường trung học công lập danh
giá mà cô đang theo học, Trường Trung học Thực nghiệm của Đại học Bắc
Kinh. Trong những năm qua, hàng chục chương trình quốc tế như vậy mọc
lên như nấm sau mưa tại các trường công lập trên khắp đất nước Trung
Quốc với giáo trình theo kiểu phương Tây ít áp lực dành cho học sinh con
nhà giàu chuẩn bị đi học đại học ở nước ngoài. Đây là một ngành dịch vụ
hái ra tiền. Hiện có gần 400 học sinh đang theo học hệ quốc tế tại
trường của Monica, mỗi em nộp gần 15.000 USD mỗi năm, tạo ra một nguồn
doanh thu lên tới hàng triệu đôla cho nhà trường.
Monica được miễn giảm học phí vì thuộc nhóm 10% học sinh xuất sắc nhất
trong lớp. Nhà trường kỳ vọng khoản học bổng này sẽ góp phần giúp Monica
tiến bước vào một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ, một thành
tích mà sau này nhà trường có thể sử dụng như một công cụ tiếp thị khi
chiêu sinh.
Vòng xoáy gian lận
Khi bắt tay vào chuẩn bị cho hai kỳ thi chuẩn hóa SAT và TOEFL, Monica
lần đầu tiên biết mùi vị của sự điên cuồng, trong đó có cả vị của gian
lận, là như thế nào. Trong lớp ôn thi chật ních người, Monica nghe thấy
các bạn rì rầm truyền tai nhau về những trung tâm bán đáp án và chạy
điểm. Tất cả lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2014, khi một nghi án gian
lận thi cử khiến việc thông báo kết quả thi SAT bị trì hoãn nhiều tháng
trời trên khắp khu vực Đông Á. Monica cũng là một nạn nhân trong sự cố
này.
Một vụ bê bối lớn hơn xảy ra vào tháng 5/2015, khi 15 thí sinh ảo, tất
cả đều mang quốc tịch Trung Quốc, bị cáo buộc ở Mỹ vì âm mưu sử dụng hộ
chiếu giả để đi thi hộ. Nghĩa là có những học sinh Trung Quốc thậm chí
không cần động đến một chiếc bút mà vẫn đạt điểm tuyệt đối. Tuy nhiên,
vụ cáo buộc không giúp cải thiện tình hình. Tháng 1/2016, sau khi một
nguồn tin giấu tên tố cáo về một vụ gian lận quy mô lớn, đồng loạt các
trung tâm khảo thí ở châu Á quyết định hủy tổ chức thi SAT chỉ hai ngày
trước ngày thi.
Không có bất cứ trung tâm khảo thí nào ở đại lục do vậy Monica gia nhập
vào dòng thí sinh lặn lội bay sang Singapore hoặc Hong Kong vào các dịp
cuối tuần để đi thi. Mỗi năm hơn 40.000 học sinh Trung Quốc đăng ký thi
SAT. Một trong những thí sinh cũng có mặt ở Hong Kong cùng với Monica và
10.000 thí sinh khác là Lu Xuanqi. Một cô học sinh nhút nhát đến từ
thành phố Cáp Nhĩ Tân, miền đông bắc Trung Quốc. Xuanqi, tên tiếng Anh
là Christina, sẽ là người đầu tiên trong gia đình từng vào đại học. Ước
mơ du học của cô được khơi nguồn, một phần, nhờ bộ sưu tập các cuốn tiểu
thuyết phương Tây mà ông cô cất giấu trên gác mái trong suốt thời kỳ
Cách mạng Văn hóa rồi để lại cho cô khi cô mới lên 7.
Ngồi trong hội trường rộng thênh thang, Christina quan sát xung quanh
những thí sinh đến từ các thành phố lớn Thượng Hải và Bắc Kinh. Cô cảm
thấy một chút sợ hãi dâng lên trong lòng nhưng cuối cùng cô lại là một
trong số những người đạt điểm cao nhất trong hôm thi đó.
Christina (phải) chụp cùng ông nội và những cuốn tiểu thuyết phương Tây
mà người ông cất giữ suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ảnh: Tạp chí 1843.
|
Khác Monica, Christina không chuyển sang học hệ quốc tế vì điều
kiện kinh tế gia đình, điều này khiến cô càng bất lợi trong cuộc đua vào
các trường đại học Mỹ. Để chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn hóa, Christina
phải nỗ lực gấp đôi, vừa "bơi" trong núi bài vở tại trường vừa miệt mài
đến các lớp luyện thi vào buổi tối.
Việc chèo lái đến bến bờ Mỹ khó khăn đến mức gần như tất cả các gia đình
Trung Quốc đều thuê tư vấn giáo dục chuyên nghiệp để hướng dẫn con mình
trong quá trình nộp đơn. Điều này biến cuộc chạy đua vào các trường đại
học Mỹ trở thành một cuộc đua vũ trang. "Một khi cha mẹ biết bạn học
của con mình có người tư vấn. Họ sẽ cảm thấy tội lỗi nếu không thuê cho
con họ", Jiang Xueqin, một chuyên gia trong ngành nói.
Tư vấn giáo dục ở Trung Quốc là một ngành đang phát triển bùng nổ, theo
một số ước tính, ngành công nghiệp này gặt hái hơn nửa tỷ đôla mỗi năm.
Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, các gia đình thường mất
phương hướng và mù mờ thông tin, các tư vấn tuyển sinh trở thành những
người có tiếng nói. Nhiều tư vấn viên vừa cầm tiền của gia đình học sinh
vừa nhận tiền hoa hồng từ các trường đại học đang tìm kiếm những học
sinh có khả năng đóng học phí. Các chuyên gia tư vấn này, đến lượt họ,
trả tiền cho các trường trung học Trung Quốc để lôi kéo học sinh sử dụng
dịch vụ của mình.
Khi cha mẹ của Monica và Christina bắt đầu công cuộc tìm kiếm công ty tư
vấn du học, họ phát hiện ra rằng hầu hết các công ty cung cấp dịch vụ
trọn gói, nghĩa là họ sẽ tự xử lý toàn bộ quá trình nộp đơn của học
sinh, từ chuẩn bị bảng điểm, viết thư giới thiệu, xây dựng thành tích
hoạt động ngoại khóa, và thậm chí viết hộ các bài luận. Các công ty này
đảm bảo con gái họ sẽ không phải mó tay vào làm bất cứ thứ gì. Bố của
Christina tỏ ra nghi ngờ. "Tôi không tin những công ty như vậy. Tôi nghĩ
con gái tôi nên tự viết các bài luận".
Bản thân các trường đại học Mỹ cũng học được bài học nghi ngờ tính xác
thực của các hồ sơ ứng tuyển từ Trung Quốc. Sự ngờ vực của các trường
thường dựa vào những kinh nghiệm "đau thương", phần lớn với các trường
hợp sinh viên Trung Quốc có điểm TOEFL cao và những bài luận sâu sắc,
trau chuốt nhưng trên thực tế không diễn đạt nổi một câu rõ nghĩa bằng
tiếng Anh. Một số ít trường giải quyết vấn đề bằng cách phân bổ kinh phí
để xác minh từng bộ hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều trường, trước khoản học phí
kếch xù mà sinh viên Trung Quốc đem lại, chẳng bận tâm làm điều tương
tự.
Các loại giấy tờ chứng nhận do trường trung học ở Trung Quốc cấp có thể
không đáng tin cậy. Một học sinh kể rằng các giáo viên "đơn giản bịa ra
điểm số một cách ngẫu nhiên". Giáo viên Trung Quốc không có thói quen
viết thư giới thiệu cho học sinh vì vậy các em phải tự soạn những bức
thư này, và theo lời một nhân viên tư vấn du học thì "học sinh coi chúng
như một bài tập viết theo phong cách sáng tạo mà trong đó các em phải
viết bằng giọng của người khác".
Hiện tượng gian lận phổ biến đến mức có hẳn một ngành dịch vụ xác thực
hồ sơ xin học của học sinh Trung Quốc. Do không ai có thể chứng minh một
học sinh đạt điểm số SAT hoàn hảo là nhờ năng lực thực sự hay nhờ sự
gian dối. Cũng không ai có thể chứng minh được trải nghiệm được miêu tả
trong một bài luận là trải nghiệm thực hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng
tượng.
Vì vậy nhiều công ty như Vericant có trụ sở ở Bắc Kinh ra đời. Công ty
này ghi hình các buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh với các thí sinh rồi đăng
lên mạng để cho các trường đại học và cao đẳng bên Mỹ có thể đánh giá
xem liệu thực lực của học sinh có khớp với điểm thi hay không. Trong một
giải pháp khác, ngày càng có nhiều các công ty du học cao cấp có uy tín
tự chọn lựa và gửi các học sinh xuất sắc đến các trường đại học hàng
đầu.
Dịch vụ 'chắp cánh giấc mơ Mỹ'
Một buổi ôn luyện tại trung tâm Elite Scholars of China ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tạp chí 1843.
|
Sau khi cân nhắc, Monica và Christina đều nghiêng về trường Elite
Scholars of China (ESC), một công ty tư vấn du học có tiếng ở Bắc Kinh,
do cặp vợ chồng người Mỹ Tomer Rothschild và Stacy Palestrant điều hành.
Công ty này nhận hướng dẫn nộp đơn xin học cho một nhóm nhỏ khoảng 100
học sinh ưu tú mỗi năm.
Chi phí tư vấn trên 15.000 USD mỗi học sinh và Rothschild yêu cầu các em
phải tự viết các bài luận và vượt qua tâm lý thi cử để lấy thành tích.
"Bao giờ học sinh cũng bắt đầu bằng cách tìm các bài luận mẫu để sao
chép, nhưng đó hoàn toàn là một cách làm sai lầm", ông nói. "Các em cần
khác biệt so với số đông, tìm ra điểm độc đáo ở mình, nhưng vấn đề là từ
trước đến nay các em chưa từng bao giờ phân tích hay tìm hiểu về bản
thân".
Christina nhớ lại buổi tư vấn đầu tiên với ESC. "Trong suốt cả cuộc đời
cháu, điểm thi và thứ hạng là tất cả những gì định nghĩa về con người
cháu", cô nói. "Nhưng rồi chuyên gia tư vấn hỏi: 'Được rồi, tôi biết
điểm của em cao. Còn gì nữa nào?' Và cháu không biết nói gì. Không gì
cả. Khi bỏ qua chuyện điểm số, cháu nghĩ chúng cháu chẳng có gì khác để
đem ra so sánh".
Hoài nghi về bản thân, Christina bỗng dằn vặt tại sao cô lại chọn con
đường này. Ông nội luôn phản đối việc cô đi du học, ông muốn cháu gái
học tại trường đại học Bắc Kinh danh giá, trong khi đó cha mẹ cô phải
chạy vạy, vay mượn mới gom đủ tiền thanh toán mức phí đã được trung tâm
ESC giảm giá. Ngoài ra, vì muốn xin trường bên Mỹ hỗ trợ học phí,
Christina buộc phải thu gọn danh sách các trường mà cô muốn theo học.
Dẫu vậy, Christina vẫn kiên định đi theo con đường đã chọn, nghĩa là rời
khỏi nhà vào lúc 5h sáng thứ Tư hàng tuần, bắt chuyến tàu chạy hơn 18
tiếng từ Cáp Nhĩ Tân đến thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh để gặp
chuyên gia tư vấn.
Ngược lại, Monica cảm thấy vô cùng phấn khích sau buổi tư vấn đầu tiên.
Cô đã lường trước những việc cần phải làm. Nhiều anh chị khóa trên cũng
từng sử dụng dịch vụ tư vấn của ESC và đỗ vào các trường đại học hàng
đầu của Mỹ. Dẫu vậy, Monica vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi được trải
nghiệm sự tự do trong việc suy ngẫm về cuộc sống và hiểu rằng trong thế
giới này "không giống một bài kiểm tra, không có một công thức giải
quyết mọi vấn đề".
Mùa hè trước khi bước vào năm cuối cấp là thời điểm quan trọng nhất để
"đánh bóng hồ sơ", nghĩa là tranh thủ triển khai các hoạt động mang ý
nghĩa phục vụ lợi ích cộng đồng hoặc thực hiện những việc sáng tạo nhằm
gây chú ý với ban tuyển sinh của các trường đại học Mỹ.
Các trường hàng đầu ở Mỹ chú trọng một cách cực đoan đến thành tích hoạt
động ngoại khóa của các ứng viên. Vào mùa hè trước mùa tuyển sinh, học
sinh nháo nhào thiết kế ra các trải nghiệm mang thông điệp ấm áp tình
người để chứng minh bản thân có các phẩm chất như giàu lòng cảm thông,
có tài lãnh đạo và kiên cường trước nghịch cảnh. Các em làm tình nguyện
viên trong bếp nấu súp gà cho người vô gia cư, thành lập một giải đấu
dành cho vận động viên khuyết tật trẻ, hoặc nếu được sinh ra trong gia
đình giàu có, các em sẽ bay tới tận các nước kém phát triển như Haiti,
Guatemala và Ghana để tham gia dự án xây nhà cho người nghèo.
Văn phòng tuyển sinh của các trường đại học Mỹ cho biết họ ngập trong
biển video, ảnh và thậm chí sách bìa cứng mà các thí sinh Trung Quốc nộp
nhằm gây ấn tượng với chuyên viên tuyển sinh về thành tích và hành
trình cá nhân. Một quan chức giáo dục ở Bắc Kinh tiết lộ trường hợp một
nam học sinh sống ở miền đông bắc Trung Quốc được bố đưa lên Tây Tạng
bằng máy bay riêng và lưu lại đó chỉ đúng một ngày để ghi cảnh cậu giúp
đỡ những người dân tộc thiểu số nghèo khó.
Trong một trường hợp khác, một học sinh nữ có hẳn một trợ lý điều phối
làm việc 8 tiếng mỗi ngày để giúp cô bé thực hiện cùng lúc ba dự án: đạo
diễn phim, đi tình nguyện ở một ngôi làng bị ảnh hưởng bởi động đất, và
dàn dựng rồi quay video màn nhảy tập thể flash mob nhằm tăng cường nhận
thức của công chúng về bệnh sốt xuất huyết.
Không chỉ các gia đình. Một vài năm trước, hệ quốc tế của trường trung
học trực thuộc đại học Bắc Kinh tổ chức một chuyến đi cho học sinh đến
một ngôi làng nghèo ở Botswana. Chuyến đi tốn kém này được thiết kế với
một mục đích không hề che giấu là nhằm mang đến cho các học sinh tham
gia trải nghiệm khác lạ và nhân văn để đưa vào bài luận cá nhân.
Monica cảm thấy sự giả tạo khá nực cười nhưng cô vẫn tiếp tục cuộc chơi.
Và cô thử làm theo cách khác. Dưới sự hướng dẫn của chuyên viên tư vấn,
cô bắt tay thực hiện một dự án nghiên cứu nghệ thuật châu Phi, trong đó
tập trung vào nghệ thuật xăm rạch da và xỏ khuyên trong văn hóa vùng
cận Sahara. "Tôi từng nghĩ rằng xăm rạch da chỉ là một cách để tra tấn
bản thân", cô nói, "Nhưng những người ở châu Phi lại dùng nó để cho thấy
địa vị xã hội của mình". Monica khẳng định cô quan tâm đến nghệ thuật
châu Phi không phải chỉ để gây ấn tượng với ban tuyển sinh mà theo cô,
đây là dấu hiệu cho thấy cô đã đi xa như thế nào từ xuất phát điểm một
cô gái được nuôi dạy trong môi trường quân đội. "Mọi người sống trong
các doanh trại quân đội không để tâm đến những thứ như nghệ thuật châu
Phi".
Thậm chí Monica còn cất công hơn nữa khi tham gia hội thảo theo phương
pháp giáo dục khai phóng kéo dài hai tuần ở miền nam Trung Quốc do các
giáo sư phương Tây danh tiếng đứng lớp. Hội thảo về triết học và chính
trị không đem lại bất cứ chứng chỉ hay tín chỉ đại học nào và bà mẹ đầy
thực tế của cô không thôi lo lắng về ích lợi của việc học những môn học
"phụ" như vậy. Dù vậy, Monica vẫn toàn tâm toàn ý.
Trong buổi thảo luận về chính trị, Monica tranh luận về giới và chủ
nghĩa dân tộc và lần đầu tiên đọc cuốn "Tuyên ngôn Cộng sản". "Thật là
buồn cười", cô nói. "Ở trường, chúng tôi phải học các lớp chính trị về
chủ nghĩa cộng sản nhưng chúng tôi chưa bao giờ được đọc các tác phẩm
nguyên gốc của Marx hay Mao. Thay vì áp đặt, tôi nghĩ nhà trường nên để
học sinh đọc nguyên tác và lý giải nội dung dựa trên hiểu biết của
mình".
Kết thúc khóa học, Monica trở về nhà và khơi màn một cuộc tranh luận nho
nhỏ với bố. "Bố tôi nghĩ cần thiết phải tuân phục chính quyền và việc
chấp hành như vậy cần được khuyến khích, nhưng đôi khi tôi không đồng
tình với quan điểm này của ông", Monica nói. "Làm con gái của một đại tá
quân đội khá căng thẳng và bạn không có quyền được nói lên dù chỉ một
suy nghĩ của bản thân".
Đây cũng chính là ý tưởng của bài luận Monica nộp cho đại học Chicago.
Trong bài luận, Monica suy nghĩ về sự phục tùng và tính cá nhân trong
bối cảnh xã hội Trung Quốc. "Tôi đang chết chìm trong sự đơn điệu",
Monica viết. "Trong một môi trường mà tính cá nhân không có giá trị, tôi
nhìn thấy viễn cảnh cuộc đời tôi trong những năm tháng phía trước sẽ
giống hệt cuộc sống của những người trong doanh trại đó. Và đó không
phải là điều tôi muốn".
Chặng cuối của cuộc 'trường chinh'
Tháng 12, vào đêm trước khi Đại học Smith thông báo kết quả cho các ứng
viên, Christina vô cùng căng thẳng. Sáng hôm sau, cô nhận được tin báo
trúng tuyển. Trường Smith đã nhận cô với một học bổng gần như toàn phần,
sự hy sinh của cha mẹ cuối cùng cũng được đền đáp. Công ty luyện thi
SAT ngay lập tức thuê Christina để dạy lứa học sinh tiếp theo và cô trở
thành gương mặt đại diện thành công để công ty quảng cáo với các khách
hàng tiềm năng. Tuy vậy, cô đã không thông báo với ông, người đã giúp cô
bắt đầu cuộc hành trình 10 năm trước qua những cuốn sách. "Thật khó để
giải thích cho ông hiểu, bởi vì trường Smith không phải là Harvard",
Christina nói. Harvard được coi là trường đại học tốt nhất thế giới.
Về phần Monica, cô được nhận vào trường đại học Chicago nhưng vẫn chờ
kết quả của 5 trường khác, bao gồm Yale- một trường thuộc nhóm 8 trường
đại học lâu đời và danh giá nhất nước Mỹ, trước khi đưa ra quyết định
cuối cùng.
Vào một ngày tháng 1 buốt giá và gió mạnh, Monica, Christina và 33 học
viên khác của trung tâm ESC bước vào một khách sạn ở phía bắc Bắc Kinh.
Hàng trăm người đã chờ sẵn trong khán phòng. Nhiều người trong số đó là
các học sinh trung học, cùng cha mẹ, đến để tìm một lối đi có thể dẫn họ
đến các trường đại học Mỹ.
Khán phòng tối dần, ánh đèn rọi sáng góc sân khấu và nhạc vang lên. Từng
em học sinh bước vào, dưới ánh sáng và trong âm thanh ồn ã, vẫy chào
đám đông. Giám đốc Rothschild giới thiệu các em bằng tiếng Trung Quốc,
nhấn mạnh vào tên của các trường đại học danh tiếng như Yale, Duke hay
Pennsylvania. Christina mỉm cười bối rối trong ánh đèn sân khấu, má cô
ửng đỏ. Phía bên dưới, vỗ tay rất to, là một cặp vợ chồng đến từ Cáp Nhĩ
Tân, những người đã hy sinh toàn bộ tiền tiết kiệm giúp con gái thực
hiện ước mơ.
Monica, duyên dáng trong một chiếc áo màu đỏ và chân váy đen, bước lên
kế tiếp và vẫy chào khiêm tốn. Trong ánh đèn chói mắt, cô không thể thấy
ở hàng đầu, một người đàn ông có tác phong quân đội ngồi bên cạnh vợ,
gật gù với niềm tự hào ẩn giấu. Sau hàng năm trời nói chuyện và tranh
luận, cuối cùng viên đại tá quân đội đã chấp nhận thực tế rằng cô con
gái đầy ý chí của mình sẽ rời khỏi khu doanh trại quân đội và lên đường
đến nước Mỹ.
An Hồng