Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

BÀI 83: NGÔI SAO MỚI KAMALA HARRIS

VŨ LINH - DIỄN ĐÀN TRÁI CHIỀU - SATURDAY, JULY 27, 2019

BÀI 83: NGÔI SAO MỚI KAMALA HARRIS


Cho đến nay, tình hình vẫn còn quá sớm để có một nhận định chính xác về cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của đảng DC. Nhưng nếu liều mạng, cũng có thể đoán mò chút chút cho vui.
Nói chung có hơn 400 ứng cử viên của đảng DC đang tranh cử tổng thống trên cả nước, có nhiều vị chỉ ghi danh trong có một thành phố, chắc hy vọng đủ tên tuổi ra tranh cử Hội Đồng Vệ Sinh Thành Phố. Hầu hết không đáng để kẻ này mất công đánh máy tên tuổi cho mỏi hai ngón tay trỏ. Đám hai tá đứng đầu đáng lưu ý hơn nhưng phần lớn đều có hậu thuẫn èo uột cỡ 1%-2%, cũng sẽ rớt như sung rụng thời gian tới, tuy trong đó có vài vị cố bám viú để hy vọng được ghế phó đi dự quốc táng khắp thế giới. Ít ra thì cũng được đi du lịch thế giới miễn phí.
    Thực tế mà nói, chỉ có 4 ứng cử viên đứng đầu đáng bàn.
Trong số này, cụ Joe Biden vẫn đứng đầu nhưng hy vọng trở thành đại diện của đảng DC càng ngày càng mong manh. Trong 3 vị còn lại ngang ngửa sau lưng cụ, nếu có một người nào rút lui thì cụ Biden sẽ tiêu tùng ngay vì các vị này đều cấp tiến nặng, nếu có rút lui thì hậu thuẫn của vị rút lui đó sẽ chuyển qua hai đồng chí cấp tiến còn lại chứ không chuyển qua cụ Biden đâu. Lấy ví dụ cụ thể:
Dựa trên hậu thuẫn hiện nay của bốn vị đứng đầu tại Iowa, là tiểu bang đầu tiên có bầu sơ bộ: ví dụ như bà Harris rút lui, kêu gọi ủng hộ bà Warren, bà này có thể sẽ thấy hậu thuẫn mình tăng tới 13% + 15% = 28%, hơn cụ Biden 4% ngay.
Cụ xã nghĩa Bernie Sanders đứng hạng nhì hay hạng ba tùy thăm dò, nhưng đang tuột dốc khá nhanh, khiến không có người nào dám bỏ tiền ra đánh cá lừa Sanders sẽ về nhất. Cụ Sanders quá thiên tả, chỉ được các nhóm khùng như Antifa, hay sinh viên các trường đào tạo cán bộ cộng sản Mỹ như đại học Berkeley ủng hộ thôi.
Cụ bà Elizabeth Warren hiện đứng hạng ba, được hậu thuẫn của cánh thiên tả, có nhiều triển vọng. Hậu thuẫn đang tăng nhờ gặm nhấm cử tri của cụ Sanders. Tuy nhiên bà bị điểm yếu là hơi cao niên, nếu đắc cử, sẽ tuyên thệ năm cụ 72 xuân nâu, già nhất trong lịch sử Mỹ. Trong khi ‘lực lượng xung phong’ của cử tri DC hiện nay là các thanh niên thanh nữ tuổi cháu nội cháu ngoại của bà Warren. Ai cũng thương bà nội bà ngoại, nhưng bỏ phiếu bầu cho bà nội bà ngoại làm tổng thống ra đánh nhau với Putin hay Tập thì phải suy nghĩ lại.
Còn lại nhân vật được nhiều chuyên gia coi như sáng giá nhất hiện nay mặc dù đứng hạng tư, ngôi sao mới nổi của đảng DC, là bà thượng nghị sĩ Cali, Kamala Harris.
Thành tích quá khứ của bà này thật ra không có gì đáng đi vào lịch sử, trái lại nên giấu cho kín thì tốt hơn. Và trong nửa năm đầu vận động tranh cử, hậu thuẫn của bà cũng từ từ trôi sông, từ miền đồi núi khá cao chảy xuống vùng đầm lầy, với nhiều triển vọng trôi ra biển mất hút luôn. Nhưng được cái bà này không chịu thua dễ dàng, tìm ra được cách lội ngược dòng, trồi lên hạng tư, đáng để ý.
Phải nói thẳng là bà Harris đã thành công hơn thế nữa, leo lên vị trí có nhiều triển vọng thắng cuộc đua nội bộ nhất, ít nhất là tính cho đến giữa tháng Bẩy này. Sau đó thì có trời biết. Cuối tháng này, bà Haris sẽ thượng đài cùng cụ Biden lần nữa, cả nước ngóng chờ coi hiệp hai của trận quyền Anh võ miệng giữa hai võ sĩ này.
Bí quyết thành công của bà cho đến nay là gì? Không có gì là bí ẩn hết. Tung ra những đòn chưởng tàn bạo và mạnh nhất, tặng ông ‘bạn gia đình’ Biden. Một công hai chuyện: vừa đánh dập mình một đối thủ trước mắt, vừa chứng minh cho cả thế giới thấy bà có võ công cao cường, có thể đọ sức với cao thủ Trump nếu bà đắc cử là đại diện đảng DC.
Bà nhắc lại cho cả nước biết nghề của bà là công tố viên, tức là nghề ‘tố’ thiên hạ. Bà đã tố xả láng cụ Biden, và khối cử tri cuồng chống Trump mê mẩn ngay vì nghĩ bà cũng sẽ dư thừa khả năng đánh cho Trump ngắc ngư luôn. Chứ coi bộ cụ ngái ngủ Biden thật vô vọng.
Ta nhìn thấy ngay chiến lược của bà Kamala Harris hết sức tiêu cực, chỉ công, đánh đối thủ, chiếm chức vô địch DC thôi. Còn đánh xong rồi làm gì thì là chuyện chưa ai biết rõ. Không khác gì các đồng chí ứng cử viên DC, bà Harris rất ‘bí mật’ trong việc công bố chính sách, chỉ vì... chẳng có chính sách gì rõ rệt ngoài việc tặng hai ba cái bánh vẽ khổng lồ mà công thức làm bánh được giữ bí mật tuyệt đối.

BÀ HARRIS CÓ HY VỌNG THẮNG TRONG NỘI BỘ DC KHÔNG?
Tuy chẳng ai dám khẳng định, nhưng nhiều chuyên gia sẵn sàng đánh cá trên con lừa này.
Bà Harris có nhiều ‘tiêu chuẩn quan trọng’ để làm tổng thống Mỹ ngày nay. Những tiêu chuẩn về khả năng, kinh nghiệm kinh bang tế thế là loại tiêu chuẩn cổ lỗ sĩ hết hợp thời từ ngày ông tổ chức cộng đồng đắc cử tổng thống rồi. Bây giờ những tiêu chuẩn hàng đầu để làm tổng thống là ‘ngoại hình’, dẻo mép, phụ nữ, và da đen. Một tiêu chuẩn khác mà những cử tri DC cuồng chống Trump coi như sinh tử là khả năng biết đánh võ và dám đánh thật. Bà Harris có đủ hết những yếu tố này. Bà cũng nắm trong tay cái tiểu bang lớn nhất, với nhiều phiếu cử tri đoàn nhất, ở cấp nội bộ đảng DC cũng như ở cấp bầu tổng thống liên bang.
Trong những ngày đầu năm nay, khi bà đi vận động thì thiên hạ đã thấy một bà... quan tòa, nói chuyện luật pháp khô khan, không có sức thu hút gì đặc biệt. Bà cũng có vẻ lấn cấn trong các chính sách lớn, chẳng hạn lúc hô hào hủy bỏ hệ thống y tế tư nhân, lúc thì đòi giữ.
Hậu quả là bà thấy hậu thuẫn tuột dốc đều đều. Tuần lễ trước ngày tranh luận trên TV lần đầu, bà chỉ còn có khoảng 6% hậu thuẫn ngay trong nội bộ đảng DC.
Không biết có phải nhờ thầy dùi nào không, nhưng trong cuộc tranh luận, bà Harris hoàn toàn lột xác. Bà biểu diễn vai trò công tố, chuyên tố thiên hạ, tấn công cụ Joe Biden một cách vừa tàn bạo vừa có hồn, kích thích tất cả khối cử tri DC đang lo lắng không biết cụ ngái ngủ Biden sẽ đối phó ra sao với ông thần Trump. Sau khi bị dập mặt, cụ Biden than phiền là cụ không ngờ bị bà Harris đánh mạnh như vậy vì bà này là ‘bạn gia đình lâu năm’. Cụ Biden không biết các cụ ta, kinh nghiệm sống hơn người, đã từng có câu “chơi với bạn mà không phản bạn là đồ khốn nạn”.
Chỉ một ngày sau, hậu thuẫn của bà Harris tăng ngay gần cả chục điểm, lấy từ khối cử tri của cụ Biden, khiến hậu thuẫn cụ này rớt ngay cả chục điểm.
Ngôi sao mới Kamala Harris sẽ sáng chói bao lâu? Có hy vọng lên đến tột đỉnh, đại diện cho đảng DC lên đỉnh Hoa Sơn đấu võ với cao thủ Trump của đảng CH không?
Trong tình trạng hiện tại, trung tuần tháng Bẩy, bà Harris chỉ có hai đối thủ đáng ngại: cụ ông Biden và cụ bà Warren.
So với hai người này, bà Harris có nhiều điều bất lợi nhưng cũng có nhiều điểm lợi.
Với cụ Biden, điểm bất lợi lớn nhất cho bà Harris là cụ Biden ngoài việc được cả nước biết tên tuổi và ‘không ghét’ lắm vì tính xuề xòa, bình dân, dễ có cảm tình, và nhất là được hậu thuẫn của nguyên dàn máy chính trị của đảng DC, tức là được hậu thuẫn của rất nhiều quan chức DC ở cấp tiểu bang và địa phương.. Hậu thuẫn này vô giá vì giúp cụ Biden có cơ sở vận động trên khắp nước Mỹ. Bà Hillary nhờ cái thế này mà đã thắng dễ dàng năm 2016.
Lợi điểm thứ hai của cụ Biden là cụ đúng là cấp tiến nhưng có vẻ ôn hòa, chưa khùng điên như đám dân biểu nhí, có thể được hậu thuẫn của đa số cử tri DC và độc lập.
Lợi điểm thứ ba là cụ đưc sự ủng hộ của khối dân da đen, chià khóa cho mọi thành công của đảng DC, nhờ việc cụ đã được ông Obama tuyển chọn và đã tích cực đứng sau lưng tung hô ông Obama trong suốt tám năm.
Chính vì những ưu thế đó mà cụ Biden đã được bà Harris ưu ái cho vào bia đỡ đạn đầu tiên và quan trọng nhất của bà.
Lợi điểm lớn của bà Harris so với cụ Biden là bà là luồng gió mới, còn trẻ, là da đen (tuy lai Ấn Độ), không có 40 năm hành trang chính trị, và có trong túi tiểu bang lớn nhất.
Quan trọng hơn nữa, hình như TTDC có cảm tình với bà hơn là với cụ Biden.
So với cụ bà Warren thì tư thế của bà Harris hơi khác.
Trong khi cụ Biden có vẻ ôn hòa hơn bà Harris thì cụ bà Warren lại nổi bật lên như cấp tiến quá khích hơn. Bà Warren hiện nay đang chiếm chức vô địch tặng quà, đủ loại tổng cộng đâu trên 50.000 tỷ đô. Ép bà Harris cũng phải chạy đua theo, bóp trán nghĩ ra quà để tặng. Hai món quà đặc biệt của bà Harris: trợ cấp tiền thuê nhà (vì bà là dân San Francisco, thấy rõ tiền thuê nhà ở Cali đã lên tới những mức vô địch Mỹ), và trợ cấp cho dân da đen mua nhà (xem lại Tin Vắn trên DĐTC tuần 7/13/2019).
Cái lợi điểm quan trọng nhất của bà Warren là có vẻ như là ứng cử viên đã được TTDC cấp tiến tuyển lựa là ‘number one’ để công kênh và hậu thuẫn mạnh. Và bà Harris chỉ là cầu thủ dự phòng, nếu bà Warren bất ngờ đau giò hết chạy được thì bà Harris mới được TTDC cho ra sân.
Bù lại, bà Warren không có liên hệ dây dưa rễ má gì với dân da đen hay dân da màu thiểu số nào, tuy đã thử mạo danh dân gốc da đỏ nhưng không thành công. Bà là dân Massachusetts, trắng hơn bột, lại là giai cấp khoa bảng thượng lưu bị cả nước coi như ‘dân trí thức thượng tôn’ hết sức tự cao tự đại, mục hạ vô nhân.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc vận động tranh cử hiện nay thực sự là cuộc chiến giữa hai bà Warren và Harris, và không sớm thì muộn ta sẽ thấy hai bà săn tay áo đánh đô vật.
Vì nhu cầu bàn ra tán vào, thôi thì tạm coi như bà Harris sẽ đắc thắng, cho hai cụ Biden và Warren về chơi với các chắt nội ngoại.

BÀ HARRIS SẼ CHỌN AI LÀM THÁI GIÁM ĐỨNG TUNG HÔ BÊN CẠNH?
Vì bà Harris là phụ nữ da màu, có nhiều triển vọng bà sẽ bắt buộc phải cân bằng liên danh bằng cách tuyển một tu mi nam tử da trắng như vôi. Dưới tiêu chuẩn này, ta thấy ngay ông ứng cử viên có nhiều triển vọng: Pete Buttigieg. Ông này trắng hơn vôi nữa, tương đối ôn hòa hơn mà lại có hai lợi điểm vĩ đại trong thời buổi này: thứ nhất, không phải là chính khách chuyên nghiệp của đầm lầy Hoa Thịnh Đốn; và thứ nhì là… có chồng, bảo đảm sẽ thu được phiếu của mấy triệu anh chị đồng tính ngay, bất kể thuộc đảng nào. Cả phiếu của mấy vạn anh chị chuyển giới đang mơ được vào cầu tiêu chung luôn.
Anh Buttigieg hiện nay khá sáng giá, được hậu thuẫn cao hơn tất cả các ứng cử viên khác ngoài bốn vị đứng đầu mà ta đang bàn, kiếm được nhiều tiền hậu thuẫn nhất.
Tuy nhiên, cái nguy của liên danh Harris-Buttigieg không phải là nhỏ: đại cường Cờ Hoa lãnh đạo bởi một bà đen ngồi với một anh đồng tính có vẻ hơi quá… cấp tiến đối với đại đa số dân da trắng là dân dù sao cũng vẫn chiếm tới hai phần ba dân số Mỹ. Ta còn nhớ ông đen Obama đã phải kiếm một cụ trắng Biden không cấp tiến quá khùng ngồi chung. Cũng khó ai có thể tưởng tượng cặp Harris-Buttigieg này có kinh nghiệm và khả năng so tay với những đại ma đầu Putin, Tập, Kim Ủn, Khổ Mí Nị,…
Anh Buttigieg lại cũng là dân Indiana, là tiểu bang chắc chắn sẽ bầu cho Trump nên anh chẳng có lợi gì trên phương diện kiếm phiếu.
Một lựa chọn khác của bà Harris là anh Julian Castro. Anh này là cựu bộ trưởng Gia Cư của TT Obama, trước đó là thị trưởng thành phố San Antonio của Texas. Ưu điểm của anh Castro là… dân gốc Mễ của Texas. Biết đâu anh này mang Texas về cho đảng DC thì Tòa Bạch Ốc sẽ nằm trong túi đảng DC ngay.
Cái phiền toái trong liên danh technicolor đen-vàng-nâu Harris-Castro này là… thiếu màu trắng. Chưa kể việc ông phó có tên Castro chắc chắn sẽ mất cả Florida ngay.
Một giả thuyết nữa là bà Cali lai đen này sẽ tìm một ông da trắng từ miền đông, nhiều kinh nghiệm chính trị, kinh nghiệm tranh cử, và nhất là to mồm chửi Trump bạo nhất, kiểu như thống đốc một tiểu bang DC như Virginia hay New York hay vùng Đại Hồ. Dù sao, thì ông nào đứng phó sau lưng bà Harris cũng không quan trọng lắm.

BÀ HARRIS SẼ THẮNG TT TRUMP KHÔNG?
Lại một câu hỏi mà kẻ này không trả lời được tuy vẫn cố bàn ra.
Cuộc bầu cuối cùng này mới đúng là cuộc chiến thật sự, chứ bầu sơ bộ trong nội bộ hai chính đảng chưa phải là đại chiến gió tanh mưa máu thật. Phe ông Trump dĩ nhiên sẽ cố giữ cái ghế lại cho chắc, phe DC dĩ nhiên không kém là cố giựt cái ghế, đuổi ông Trump về sòng bạc chia bài.
Trong cuộc chiến này ta sẽ thấy những chiêu bài gì?
Từ phiá DC, tất cả những tội lớn nhỏ mà phe ta dùng để đánh TT Trump từ hơn hai năm qua sẽ được mang ra chiên xào lại, dĩ nhiên là sẽ thêm cả lít xì dầu nước mắm cho mặn mà hơn.
Những tội như bất tài hay độc tài, nói láo, tự tôn, bất nhất, dâm đảng, thô tục, thiếu tư cách,... sẽ lại được tung ra ào ào để thân tặng ông Trump. Vì nhu cầu kiếm phiếu của dân da đen, da nâu, da vàng để thay thế phiếu của dân da trắng, lá bài Trump kỳ thị sẽ được triển khai tối đa. Tất cả với sự hỗ trợ vô điều kiện của TTDC khát khao trả thù và thèm tiền.
Nếu phe DC của bà Harris chọn đánh cá tính của ông Trump thì sẽ là một sách lược không chắc ăn lắm, ít nhất vì hai lý do.
Thứ nhất cá tính của ông Trump, với nhiều vết đen thật hay do phe DC phịa ra chẳng có gì mới lạ, thiên hạ đã biết từ khi ông còn vận động tranh cử năm 2016, vậy mà họ vẫn bầu cho ông, nghiã là những tật xấu cá nhân của ông Trump chưa khi nào được dân Mỹ coi như yếu tố then chốt khiến họ phải loại ông.
Thứ nhì, nếu muốn đánh cá nhân thì bà Harris có một vết đen khổng lồ mà ông thần Trump sẽ không bỏ qua. Đó là thành tích bắt đầu leo thang nghề nghiệp bằng cách leo vào giường ông thị trưởng da đen quyền thế Willie Brown. Nhưng TT Trump sẽ ở trong thế kẹt, muốn tấn công bà Harris sẽ phải uốn lưỡi 7 lần vì bà Harris là một bà da đen, đụng vào bà thì phe DC sẽ chu chéo ‘kỳ thị da đen’ và ‘kỳ thị phụ nữ’ ngay. Mà bắt ông thần Trump uốn lưỡi tới lần thì quả là ... hơi khó.
Chắc chắn ông Trump cũng sẽ không quên nhắc nhở trong vai trò công tố của Cali, bà Harris đã từng tống cả vạn dân da đen và da nâu vào tù, và cả một số lên ghế điện luôn vì bà Harris khi đó là một công tố khá gắt mà lại ủng hộ án tử hình.
Nếu phe DC muốn tranh cử dựa trên chính sách, trên tình trạng nước Mỹ nói chung hiện nay cũng như trong tương lai thì lại càng kẹt hơn nữa.
Kinh tế đang phát triển mạnh, thất nghiệp xuống đến mức thấp nhất từ cả nửa thế kỷ nay, di dân lậu đúng là đã trở thành khủng hoảng thật chứ không thể nói là khủng hoảng do Trump bào chế, chuyện Nga can thiệp đã biến thành trò cười, cuộc chiến mậu dịch với Trung Cộng khó có thể chống được vì nhu cầu cản chủ nghiã bành trướng của đế quốc Tàu đỏ, nói chuyện với Bắc Hàn là chuyện không thể tránh nếu không muốn có chiến tranh nguyên tử tại Á Châu, các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan đều đã biến khỏi mặt báo, khủng bố trong nội địa Mỹ cũng không còn, cãi nhau với NATO đã đưa đến việc Âu Châu chịu chi nhiều hơn để tự bảo vệ, bớt gánh nặng cho Mỹ, hiệp ước thương mại bắc Mỹ NAFTA đã được thay thế bởi một hiệp ước mới có lợi cho Mỹ nhiều hơn nhiều, Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hâm nóng địa cầu mà địa cầu vẫn chẳng thấy bị nóng hơn. Còn quá nhiều chuyện để TT Trump đấm ngực khoe công mà phe DC khó công kích.
Nói về chính sách thì không cần phải mang các công thức toán học cầu kỳ gì ra để chứng minh các chương trình bánh vẽ bạc chục ngàn tỷ của đảng DC hiển nhiên không bao giờ thành bánh thật được. Thằng nhóc gốc Honduras làm nghề đánh giầy, sống lậu ở Manhattan cũng thấy là chuyện hứa lèo, dụ khị khi chúng được nghe hứa hẹn chẳng những được ở lại luôn, mà còn sẽ được y tế miễn phí đến chết, học tới bác sĩ, kỹ sư gì cũng miễn phí luôn. Hay cứ đi học miễn phí tới ngày lãnh tiền già cũng ô-kê luôn.
Qua những chuyện như lo mở toang cửa cho di dân Nam Mỹ, bảo đảm y tế và giáo dục miễn phí hết cho họ, chống việc khảo sát dân số Mỹ để loại bỏ di dân, đòi đóng cửa ICE, dẹp tiệm bộ An Ninh Lãnh Thổ, hoan nghênh việc đốt cờ Mỹ treo cờ Mễ, ... trong khi San Francisco và Los Angeles tràn ngập xú uế của dân vô gia cư, trường học Mỹ xuống cấp, cựu chiến binh Mỹ xếp hàng cả tháng để được khám bệnh,... tất cả những chuyện đó đưa ra một hình ảnh tương phản rõ rệt là trong khi đảng DC thờ ơ với tình trạng của dân Mỹ để chú tâm lo cho di dân, thì TT Trump lại là người thực sự lo cho dân Mỹ và nước Mỹ trước.
Bảo đảm đây sẽ là lá bài TT Trump sẽ xài rất kỹ năm tới khi mùa tranh cử thật sự vào giai đoạn then chốt. Không cần phải có thăm dò của Gallup cũng biết dân Mỹ sẽ chọn bên nào.
Đài phe ta số 1 CNN đã phải lên tiếng kêu gọi đảng DC nên ngưng việc ôm lấy những chính sách thiên tả cực đoan để sẽ... từ bị thương đến chết.. (Xem bài của CNN trên trang ‘Báo Mỹ’ tuần này)
Để tóm lược câu chuyện, bà Kamala Harris hiện nay có khá nhiều triển vọng sẽ bứng được cả ba cụ đang được hậu thuẫn nhiều hơn bà, sẽ được tưởng thưởng là lên võ đài đấu với TT Trump. Đây có lẽ là ứng cử viên mạnh nhất mà đảng DC có thể đưa ra. Nhưng xét cho kỹ vẫn khó có thể hạ được TT Trump. Không phải là vô vọng khi bà nắm trong tay số phiếu cử tri đoàn của hai tiểu bang lớn nhất là Cali và New York, và cả khối da đen, da nâu và da vàng, nhưng rất khó.
Còn gần một năm rưỡi nữa mới tới ngày bàu, xin quý độc giả coi bài này như một ‘bàn ra’ trong lúc trả dư tửu hậu để mọi người có một khái niệm về tình hình chính trị hiện nay, chứ đừng coi như đây là lời tiên đoán để rồi mai mốt có cớ chê thầy bói VL sáng mắt mà vẫn mù.

HẠ VIỆN MỸ BỊ BỊNH Á KHẨU - Vũ Linh

Theo một bản tin nhặt được trên Facebook, Hạ Viện Mỹ vừa "bày đặt" chiêu trò mị dân da đen nhằm kiếm phiếu bằng cách tổ chức những buổi điều trần về việc "bồi thường cho người da đen" vì lý do "kỳ thị, đàn áp, bóc lột kể cả giết hại người da đen" trong quá khứ của nước Mỹ.

Những tuyên bố của Burgess Owens đã khiến cho các đảng viên Dân Chủ Mỹ, kể cả mụ Nancy Pelosi phải á khẩu, muốn độn thổ.
Dưới đây là bản tin củaVũ Linh:

HẠ VIỆN BỊ BẤT NGỜ.
Hạ Viện do phe DC nắm đa số đang thảo luận việc bồi thường cho dân da đen vì trước đây đã bị đối xử tàn nhẫn qua việc hành hạ nô lệ da đen. Cả mấy chục người, phần lớn là da đen đã ra trước Hạ Viện để điều trần.
Tuần qua, anh cựu cầu thủ football da đen nổi tiếng của đội Oakland Raiders ra điều trần.
Anh Burgess Owens đã hùng hồn khẳng định là đúng, dân nô lệ da đen phải được bồi thường.
Nhưng trong ngỡ ngàng của các dân biểu, anh Owens nói trừng phạt thì phải trừng phạt đúng người, do đó đảng DC phải là đảng bồi thường cho dân da đen.
Anh nhấn mạnh phải xem lại lịch sử để luận tội cho đúng. Đảng CH là đảng của TT Lincoln đã phá bỏ xiềng xích nô lệ cách đây cả trăm năm trong khi đảng DC là đảng nhất quyết kỳ thị cho đến mãi thập niên 1960, và ngay cả sau đó với các phong trào như KKK, các thống đốc DC của các tiểu bang miền Nam kỳ thị cấm da đen đi bầu, cấm sinh viên da đen vào đại học, cấm da đen đi vào tiệm ăn da trắng, cho chó ra đàn áp biểu tình của dân da đen,...
Các dân biểu DC á khẩu hết.
Thật ra, câu chuyện bồi thường chỉ là một trò xiếc mới, món bánh vẽ mới để câu cử tri da đen của đảng DC thôi, chẳng thể nào thành luật được.
Nói chuyện này bây giờ chỉ có nghĩa là bắt những người chưa bao giờ sở hữu nô lệ phải bồi thường cho những người chưa bao giờ là nô lệ.

Nghị sĩ Bernard Sanders...2020

Ký Thiệt kỳ 356: Những kẻ “đi lại” lịch sử.

Nước Mỹ đang ở ngã rẽ để hướng tới một tương lai vô định mới: xã hội chủ nghĩa?

Nghị sĩ Bernard Sanders và các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ đều theo nhau nói như vậy khi cuộc bầu cử 2020 đang tới gần. Trong một cuộc vận động tranh cử,  ông Sanders đã tuyên bố rằng bình minh của dân chủ xã hội chủ nghĩa đã ló dạng trên bầu trời nước Mỹ khi ông ta nói rằng đây là lúc để Hoa Kỳ vượt qua những quyền tự do được quy định trong Hiến Pháp và nhìn nhận những nhân quyền mới mà ông ta hứa hẹn với cử tri bao gồm một nền giáo dục cấp đại học miễn phí, y tế miễn phí, bảo đảm công ăn việc làm cho mọi người và phúc lợi tốt hơn khi nghỉ hưu.

Cụ Sanders, một triệu phú 77 tuổi ở Vermont, được xếp hạng hai trong 24 ứng cử viên của đảng Dân Chủ sẽ bắt đầu những cuộc tranh luận trong hai tuần nữa để chọn một người thay mặt đảng ra tranh cử, chống lại Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng Hòa, giành lại tòa nhà trắng trên đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington cho đảng Dân Chủ.

Trong bài diễn văn tranh cử đọc tại Trường Đại Học George Washington ở Hoa-Thịnh-Đốn ngày 12 tháng 6 vừa qua, ông Sanders đã so sánh việc cầm quyền của Tổng thống Trump với sự nổi dậy của… Hitler và chủ nghĩa Quốc xã tại nước Đức vào thập niên 1930(?). Ông ta nói cũng giống như “New Deal” của Tổng thống Franklin Roosevelt vào lúc ấy đã là đáp ứng cho sự bành trướng của độc tài toàn trị, ngày nay dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là sự trả lời như vậy. Ông ta nói:

 

“Thông điệp của tôi hôm nay gửi tới các bạn là nếu đã có một lúc nào đó trong lịch sử đất nước chúng ta trong đó sự tuyệt vọng không phải là một lựa chọn, đây là lúc như vậy. Nếu đã có một khoảnh khắc chúng ta cần có một viễn kiến mới để đem lại sự đoàn kết trong nhân dân chúng ta trong cuộc tranh đấu cho công lý, nhân cách và phẩm giá của con người, đây là lúc đó.

Ông Sanders đang cố rút ngắn khoảng cách khá xa với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người dẫn đầu cuộc chạy đua trong đảng Dân Chủ, và cố tách ra khỏi đám đông đang rút lên gần, trong đó có Nghị sĩ cánh tả Elizabeth Warren.

Bà Warren đã tự dán nhãn hiệu dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong lúc ông Sanders nói rằng đó là lý tưởng ông ta đã theo đuổi trong suốt cuộc đời làm chính trị của mình và ông ta đang cố thuyết phục cử tri rằng xã hội chủ nghĩa không phải là thứ đáng sợ như mô tả của cánh hữu.

Mê xã hội chủ nghĩa từ lúc còn trẻ, Sanders đã đưa vợ sang Liên-Sô hưởng tuần trăng mật sau ngày cưới. Ông ta từng ca tụng việc người dân trong các nước cộng sản phải xếp hàng cả ngày để mua một ổ bánh mì vì ông ta cho rằng đó là chuyện “rất tốt, chứng minh nơi thiên đường cộng sản, ai cũng có bánh mì để ăn, trong khi tại các nước tư bản chỉ nhà giàu mới có bánh mì ăn, dân nghèo chết đói la liệt đầy đường”!

Cụ xã nghĩa Sanders nói rằng những thất bại của “chủ nghĩa tư bản không bị xiềng xích” là bằng chứng nếu người Mỹ muốn tìm bằng chứng. Ông ta chỉ ra rằng tuổi thọ của một người đàn ông tại McDowell County, West Virginia, là 64 năm, so sánh với một người đàn ông tại Fairfax County trù phú, Virginia, là 82 năm.

Ông ta giải thích: “Trong khi người giàu trở nên giàu hơn, họ sống cuộc đời lâu dài hơn. Trong khi người nghèo và những gia đình lam lũ phải vật lộn về kinh tế và thường thiếu chăm sóc sức khỏe đầy đủ, tuổi thọ của họ bị suy giảm lần đầu tiên trong lịch sử tân thời đại của nước Mỹ.”

Ứng cử viên Sanders chủ trương miễn phí tất cả mọi thứ cho dân Mỹ: y tế, giáo dục, nhà giữ trẻ, vân vân, và đánh thuế nặng giới nhà giàu. Với đường lối như vậy, ứng cử viên Sanders là thần tượng của các cô cậu Mỹ chỉ biết ăn, biết chơi mà không biết suy nghĩ. Vì vậy mà ông ta đã chọn trường Đại Học George Washington để gửi đi cái “thông điệp” đã thai nghén từ nhiều năm qua tới cho giới cử tri đang sống trong viễn mơ để họ dồn phiếu cho ông trở thành tổng thống Mỹ.

Nhờ tên tuổi tạo được do cuộc bầu cử năm 2016, nay ra quân lần nữa ông Sanders đã được xếp đứng đầu bảng ứng cử viên của phe Dân Chủ, cho đến khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhập cuộc, thì ông Sanders bị tụt xuống hạng hai.

Ông Sanders tự coi mình như người nối tiếp công việc bỏ dở mà TT Franklin Roosevelt đã bắt đầu từ thập niên 1930 với chủ nghĩa xã hội dân chủ nhưng vì TT Roosevelt chết sớm nên đã không thể hoàn tất. Ông ta nói:

“Hôm nay tôi đề nghị chúng ta hoàn thành công việc dở dang ấy của Franklin Roosevelt và đảng Dân Chủ bằng cách thúc đẩy một bộ luật về quyền kinh tế của Thế kỷ 21.”

Sáu quyền mà ông Sanders muốn thêm vào “Bill of rights” của TT Franklin là: “được chăm sóc sức khỏe tốt”, “được học hành tới mức mà mỗi người cần để thành công”, “một công việc làm tốt với đồng lương đủ sống”, “nhà ở có thể mua”,  “trợ cấp khi nghỉ hưu”, và “một môi trường sống trong sạch”.

Ông ta đặt những câu hỏi: “Bạn có thực sự tự do không nếu bạn không thể đi tới một bác sĩ khi bạn bị bệnh?” “Bạn có thực sự tự do không khi bạn không thể vào một trường đại học vì gia đình bạn thiếu lợi tức?”

Nghe thì không có gì “nghịch nhĩ”, nhưng cần hỏi thêm một câu: “Lấy tiền đâu ra để trả tất cả những thứ ấy cho mọi người để họ ‘thực sự cảm thấy tự do’?” Câu hỏi này thực sự đã được đặt ra khi ông Sanders xuất hiện trong một chương trình của CNN ngày hôm sau.

Và, đây là câu trả lời của ông Sanders: “Tôi cho rằng rất nhiều người trong đất nước này sẽ vui lòng trả thêm tiền thuế nếu họ hiểu rằng chăm sóc sức khỏe là một quyền của con người. Tôi sống tại nơi cách biên giới Canada 50 dặm. Nơi đó, bạn đi gặp một bác sĩ bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn không cần đem theo cái ví. Bạn mổ tim, thay ghép tim, bạn ra khỏi bệnh viện, bạn không phải trả tiền gì cả. Con bạn tại nhiều quốc gia trên thế giới có thể đi tới các trường đại học công không phải trả học phí, lương tiền trong nhiều trường hợp có phần cao hơn.”

Thật là lý tưởng!  Cụ xã nghĩa Sanders giải thích: “Như thế là một sự trao đổi, nhưng cuối cùng tôi nghĩ mọi người sẽ tin rằng họ sẽ có đời sống tốt đẹp hơn khi con cái họ có cơ hội được giáo dục tốt mà không phải móc túi trả tiền, khi họ có bảo hiểm sức khỏe như một nhân quyền, khi họ có nhà ở vừa với túi tiền, khi họ có phúc lợi hưu dưỡng đầy đủ, tôi nghĩ hầu hết dân Mỹ sẽ hiểu rằng đó là một ‘good deal’.”

Charles Payne, chuyên gia kinh tế tài chánh của Fox Business Network nói rằng cụ xã nghĩa Sanders “nghe như một sinh viên ngây thơ” với sự bào chữa không biện giải của ông ta về chủ nghĩa xã hội Dân Chủ. “Nó trông tốt đẹp trên mặt giấy đấy. Ông ta đã đi hưởng tuần trăng mật ở Liên-Sô. Có lẽ ông ta tin tưởng xã hội chủ nghĩa nặng tới nỗi đui mù trước lịch sử và những thời sự đang xảy ra ngày nay. Ông ta không nói về Venezuela, ông ta lại càng không hề nói điều gì tiêu cực về Venezuela.”

Dưới tựa đề “Giấc mơ không thể thực hiện với Bernie bất khả thành công” (Impossible dreaming with the impossible Bernie), Wesley Pruden, trong mục phiếm luận “Pruden on Politics”  trên tờ The Washington Times ngày 14.6.2016, đã viết những lời châm biếm và lật mặt nạ Bernard Sanders qua bài vận động tranh cử ngày hôm trước tại Trường Đại Học George Washington, và kết luận như sau:

“Bernie đã là một tin đồ chủ nghĩa xã hội khi xã hội chủ nghĩa tại Mỹ chưa có nổi chút hơi ấm, ngoại trừ một thời gian ngắn được thổi lên do Norman Thomas, ứng cử viên tổng thống với nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa mà người ta còn có thể nhớ. Bernie là thị trưởng một tỉnh nhỏ ở Vermont và ông ta đã không bao giờ cố gắng một cách nghiêm túc để đô thị hóa tài nguyên của sản phẩm kỹ nghệ tại Vermont, như là xúc tuyết hay chăm sóc những cây phong đường, ông ta luôn luôn tìm những cơ hội để nói một lời tốt đẹp về hệ thống kinh tế quyến rũ những cái đầu trứng và đôi khi cả lũ trẻ nhỏ...

Vài đối thủ của Bernie trong đảng Dân Chủ, nhận ra sự điên rồ của ông ta, đã vội tìm cách tránh xa để khỏi vạ lây, như Dân biểu John Delaney ở Maryland, một trong đám ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ mà chưa ai nghe tên, đã nói: “Xã hội chủ nghĩa, hay bất cứ tên mới nào mà Nghị sĩ Sanders đưa ra, đều là câu trả lời sai.”

“Bernie tự hiểu điều ấy. Ông ta giải thích bằng cách nào ông ta đã trở thành một triệu phú: ‘Khi bạn viết một cuốn sách bán chạy, bạn hái ra tiền. Tôi ngờ rằng trong vài năm nữa tiền lương của tôi sẽ trở về mức cũ là 173 ngàn đô một năm, số tiền mà một nghị sĩ tại Quốc Hội được lãnh.’ Nhưng mơ tưởng một giấc mơ không thể thực hiện, truyền rao một giản đồ không thể thực hiện và giao tình với những tội phạm (đòi cho tù nhân được quyền bỏ phiếu) chỉ là trò chơi trong giây lát.” (ngưng trích)

Theo “poll” của Gallup thì hầu hết dân Mỹ nghĩ rằng xã hội chủ nghĩa là sai lầm cho Hoa Kỳ nhưng đa số những người Dân Chủ ngả theo chủ thuyết này , nhất là thời gian gần đây với những mặt mới non choẹt  trong Hạ Viện Mỹ. Họ đang lớn tiếng hô hào đưa nước Mỹ “đi lại” con đường Liên Sô và các nước Đông Âu đã đi qua trong thế kỷ trước mà tất cả đã sụp đổ tan tành trước mắt mọi người, để lại dọc đường hàng núi xương trắng của hơn 100 triệu nạn nhân vô tội.

Tại thủ đô Washington có một tượng đài nhỏ để tưởng niệm những người đã chết oan trên thế giới vì chủ nghĩa xã hội điên rồ. Tượng đài này được dựng lên vào năm 2007, bằng tiền đóng góp của tư nhân nhiều nước, trong đó có người Việt hải ngoại.

Tại lễ khánh thành tượng đài ngày 12.6.2007, Tổng thống George W. Bush đã long trọng tuyên bố: “Tại nơi thiêng liêng này, những nạn nhân vô danh của cộng sản sẽ được ghi khắc trong lịch sử và sẽ được tưởng nhớ mãi mãi.”

Từ đó, mỗi năm tổ chức VOCMF (Victims of Communism Foundation) đều chọn một ngày trong tháng sáu để làm lễ tưởng niệm những nạn nhân cộng sản trên thế giới và trao tặng Huy Chương Tự Do (Truman-Reagan Medal of Freedom) cho một người có đóng góp quan trọng trong cuộc tranh đấu cho Tự Do trên mặt đất.

Năm nay, năm thứ 12, Huy chương Tự do Truman-Reagan được trao tặng cho Đại tá Gail S. Halvorsen (còn được gọi là “Oanh tạc cơ Kẹo”), một sĩ quan Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, một trong những phi công đã thực hiện những chuyến bay tiếp tế nhu yếu phẩm cho Tây Bá-Linh bị Liên-Sô phong tỏa trong thời Chiến tranh Lạnh.

Trong 15 tháng không vận, các phi công Mỹ và Anh đã chuyên chở hơn hai triệu tấn tiếp liệu cho những người dân bị cô lập tại Tây Bá-Linh. Nhưng, Đại tá Halvorsen đã quyết định thả kẹo xuống cho trẻ em khiến ông được gọi là “The Candy Bomber”.

Năm nay, kỷ niệm 30 năm “Bức Tường ô nhục” Bá-Linh sụp đổ cùng với cái chết của Khối Cộng sản Đông Âu, và cũng đánh dấu 30 năm vụ thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4.6.1989.

Trong buổi lễ ngày 14.6.2019 tại Đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, nhiều vòng hoa đã được đặt dưới chân bức tượng “Nữ Thần Dân Chủ”, tác phẩm điêu khắc mô phỏng bức tượng “Goddess of Democracy” mà sinh viên thanh niên ở Bắc Kinh đã dùng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh đòi dân chủ tự do của họ và đã bị tàn sát dã man với xe tăng và vũ khí hạng nặng.

Tượng đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản tại Hoa-Thịnh-Đốn chính là mô phỏng của bức tượng “Goddess of Democracy” ở Thiên An Môn năm 1989 vừa mang ‎ý nghĩa nhắc nhở mọi người về tội ác của cộng sản, vừa nói lên khát vọng Tự Do Dân Chủ của con người ở mọi nơi trên mặt đất này.

Thật mỉa mai và đáng kinh tởm khi chỉ cách nơi “tượng đài thiêng liêng” ấy vài khu phố, hai ngày trước, Bernard Sanders, ứng cử viên tổng thống Mỹ, đã hùng hồn ca ngợi chủ nghĩa xã hội và nói rằng đó là con đường tươi sáng cho nước Mỹ trong tương lai!

Thật đúng như có người nói “xã hội chủ nghĩa trỗi dậy từ đáy mồ” (Socialism rises from the grave).

21.6.2019

VŨ LINH - BÀI 87: LẠI MỘT NGÔI SAO MỚI ELIZABETH WARRREN


 Cách đây vài tuần, ta đã có dịp nhìn vào một ngôi sao mới nổi của đảng Dân Chủ, bà thượng nghị sĩ Cali, Kamala Harris. Đó là khi hậu thuẫn của bà Harris nhẩy vọt từ đâu 6%-7% lên tuốt tới 12%, nhờ bà lên TV biểu diễn đánh đấm bầm mặt cụ ‘bạn già gia đình’ Joe Biden. Cử tri DC mê bà vì nghĩ họ cần một võ sĩ gân guốc như bà Harris mới có thể thắng được võ sĩ CH, Donald Trump.

     Lửa rơm bốc nhanh, tàn còn nhanh hơn nữa. 

Chẳng may cho bà Harris, ngôi sao chổi này tạt ngang qua khung cửa sổ nhanh như chớp, bây giờ hậu thuẫn của bà Harris lại rớt về lại khoảng 5%-6%. Thiên hạ khám phá ra bà võ sĩ Harris này ngoài tài đấm thẳng mặt ba cái như Trình Giảo Kim, không còn gì khác. Tuy có phần gốc da đen nhưng trước đây biểu diễn nhốt dân da đen cả đám để lấy điểm với đại đa số cử tri da trắng khi đó, cũng là lúc TT Clinton ra luật chống tội phạm gắt gao nhất lịch sử cận đại. Bà nói chuyện đạo đức chống Trump nhưng lại quên việc mình từng làm vợ bé cho một cụ lục thập đang có vợ con. Về chuyện bảo hiểm y tế thì lập trường chao đảo, chưa ngã ngũ, lúc thì đòi cấm bảo hiểm tư nhân song hành, khi thì muốn chấp nhận. Trên hai cuộc tranh luận người ta thấy bà này giỏi đánh người, nhưng khi bị người khác đánh thì lính quýnh không biết đường đỡ, kiểu này đụng ông thần Trump hay tay ma giáo Tập hay tên khùng Kim, thì chỉ có từ bị thương đến chết. 

Cử tri DC chán nản, đi tìm thần tượng mới. Và họ tìm ra được… cụ bà Elizabeth Warren. Bà này không phải là loại ngôi sao mới từ trên trời rơi xuống, mà thật ra là loại bình cũ rượu cũ luôn. Bình cũ được lôi ra lau chùi cho bóng lại, rượu cũ được ủ từ hơn 70 năm, bỏ chút đường cho đỡ chua. Bà Warren là một cụ bà nếu đắc cử, sẽ là tổng thống … cao niên nhất khi tuyên thệ, 72 tuổi. TT Reagan tuyên thệ khi 70 tuổi, TT Trump 71 tuổi.

Bà Warren xuất thân không phải là chính trị gia, mà là giáo sư đại học Harvard, chuyên về luật phá sản, bankruptcy law. Bà sống với chồng thứ nhì, Bruce Mann, cũng là giáo sư luật Harvard.

Bà bắt đầu nổi tiếng khi được bổ nhiệm làm trong Ủy Ban Giám Sát Ngân Hàng do Hạ Viện thành lập ngay sau cuộc khủng hoảng tài chánh cuối năm 2008, rồi sau đó được TT Obama bổ nhiệm làm cố vấn đặc trách Văn Phòng Bảo Vệ Người Tiêu Thụ -Consumer Financial Protection Bureau-. Khi đó bà chủ trương Nhà Nước can thiệp mạnh để kiểm soát gắt gao các ngân hàng và toàn bộ hệ thống tài chánh Mỹ.
Năm 2012, bà ra tranh cử thượng nghị sĩ tại tiểu bang cấp tiến nhất nước, Massachusetts và đắc cử dễ dàng. Từ ngày đó đến nay, bà đã chứng minh là một chính trị gia thiên tả nhất, có lẽ chỉ thua cụ xã nghĩa Bernie Sanders nửa bước.
Tuy nhiên, đối với quần chúng, bà vẫn là... vô danh. Cho đến khi nổ ra vụ ‘gốc dân da đỏ’. Câu chuyện nghe như chuyện tiếu lâm.
Bà Warren đi vận động trong một bộ lạc da đỏ, vỗ ngực tự xưng là dân gốc da đỏ. Mọi người trố mắt nhìn: bà này da trắng hơn bột, tóc vàng, mắt xanh, sao lại là dân da đỏ được? TT Trump chuyên nghề chọc quê thiên hạ, phong ngay cho bà là ‘công chúa Pocahontas’. Pocahontas là tên một công chúa một bộ lạc da đỏ, được Walt Disney thần thoại hóa trong phim tranh hoạt họa cho con nít.
TT Trump cũng chơi ác, thách bà Warren đi thử máu chứng minh được là dân da đỏ, ông sẽ tặng bà một triệu đô. Bà Warren mới đầu phớt lờ thách thức của TT Trump, nhưng sau đó, vì áp lực chính trị cũng như để tránh bị tố là nói láo, đi thử máu thật. Kết quả cho biết bà có đâu 1/2024 phần máu da đỏ, tương đương với việc trong một lít máu, bà có đúng một giọt máu da đỏ. Chẳng ai biết các chuyên gia thử nghiệm cách nào, chỉ biết theo cái tỷ lệ đó, hơn 90% dân Mỹ cũng có thể vỗ ngực nhận là có máu da đỏ, chỉ trừ 10% dân gốc Chú Ba. Các bộ lạc da đỏ nổi giận, tố bà lợi dụng họ vì mưu đồ chính trị. Bà Warren đành xin lỗi và xác nhận bà không phải là gốc da đỏ gì hết. Bà đổ thừa tại bố mẹ bà từ khi bà còn nhỏ, đã tạo cảm tưởng bà là dân gốc da đỏ. Dù sao thì câu chuyện tếu này cũng đưa tên tuổi bà lên mặt báo cả mấy tháng trời liền.
Khai thác việc thiên hạ biết nhiều về bà, bà đã nhẩy ra tranh cử vào Tòa Bạch Ốc. Và bà mau mắn tìm cái áo kỳ thị dân da màu khoác ngay lên người, lớn tiếng hô hoán “người nào khai thác chuyện dân gốc da đỏ của bà chỉ là những người kỳ thị dân da đỏ”. Chính trị gia nói chuyện nhiều khi rất khó hiểu vì quá vô lý, nhưng những cử tri của bà ‘nhất trí’ gật gù hưởng ứng ngay.
Bà là ứng cử viên thiên tả nặng thứ nhì, sau cụ xã nghĩa Bernie Sanders. Tất cả những thăm dò dư luận trong thời gian đầu cho thấy bà về hạng ba, sau hai cụ ông Biden và Sanders.
Việc tranh cử của bà đụng phải một vấn đề lớn: bà và cụ Sanders cùng chia nhau khối cử tri thiên tả nhất, và nguy hại hơn nữa, cả hai cụ đều cùng một vùng, đông-bắc Mỹ, khi hai tiểu bang Massachusetts của bà và Vermont của cụ Sanders là láng giềng. Đại khái là hai người cùng tranh nhau một khối cử tri trong khi ra ngoài vùng đông bắc, cả nước, chẳng ai biết gì về hai vị này.
Kết quả là hai vị đánh nhau mệt nghỉ để giựt cử tri của nhau, tuy trong cuộc tranh luận lần thứ hai trên TV mới đây, hai vị liên minh với nhau chống đỡ những chỉ trích của các đồng chí DC ít thiên tả hơn. Trong vài tháng gần đây, bà Warren hiển nhiên là đã thắng thế trên cụ đồng chí Sanders.
Từ đầu năm nay tới giờ, tỷ lệ hậu thuẫn của bà Warren từ từ leo thang từ đâu khoảng 6% lên tới hạng nhì sau cụ Biden, với hơn 17%; trong khi hậu thuẫn của cụ Sanders tuột dộc từ gần 25% xuống đâu 16%..
Cũng phải nói ngay, bà Warren leo thang vì sách lược gặm nhấm kín đáo, không quá ồn ào hay hung hãn đánh đối thủ kiểu như bà Kamala Harris, nhưng một phần quan trọng cũng nhờ hậu thuẫn mạnh của TTDC. TTDC có vẻ không thích cụ Biden, bị cho là quá già, quá cũ kỹ, quá ‘ôn hòa’ không phải là đối thủ cân tay của ông thần Trump, trong khi cụ Sanders thì chẳng những còn già hơn và cũ kỹ hơn, mà lại còn thiên tả quá nặng.
Theo các chuyên gia, bà Warren leo thang thật ra là vì cụ Biden mất hậu thuẫn, cử tri bớt ủng hộ cụ, đi tìm người khác và lựa bà Warren, chứ không phải nhờ bà đã làm gì đặc biệt được hậu thuẫn mạnh.
Nói về quan điểm chính trị, việc cụ Sanders bị coi như thiên tả quá nặng so với cụ bà Warren chỉ là cách tô vẽ của TTDC thôi, chứ trên thực tế, cụ ông Sanders xã nghĩa 10 thì cụ bà Warren cũng xã nghĩa 9 chứ không thua xa đâu.

Bà Warren xã nghĩa đến mức nào? Đây là tóm lược đại cương vài món quà bà muốn tặng dân Mỹ:
-     Bà chủ trương ‘Medicare for All’, tức là áp dụng chế độ bảo hiểm y tế Medicare cho người cao niên hiện nay cho tất cả dân Mỹ, từng bước một, trong vòng một chục năm. Trong thời gian đó, chi phí được ước tính khoảng 30.000 tỷ, hay 3.000 tỷ một năm..
-     Vì có Medicare cho cả nước do Nhà Nước quản trị, nên hình thức bảo hiểm y tế tư nhân sẽ đóng cửa dần, đến mức biến mất hoàn toàn, không còn hệ thống bảo hiểm y tế tư nữa.
-     Bà Warren đề nghị chương trình gọi là Universal Child Care, theo đó Nhà Nước sẽ trợ cấp tiền giữ trẻ cho các bố mẹ nhà nghèo. Ước tính sơ khởi chương trình này sẽ tốn 100 tỷ một năm.
-     Bà Warren cũng sẽ xóa nợ học hành cho phần lớn sinh viên đã tốt nghiệp, tuy xóa ít hơn cụ Sanders. Đại khái khoảng gần 1 tỷ nợ của 45 triệu sinh viên sẽ được xóa.
-     Bà Warren cũng đề nghị một chương trình trợ cấp thuê nhà tương tự như kiểu Voucher 8 đang có nhưng mở rộng ra, đặc biệt cho dân da đen và da nâu. Tổng cộng theo ước tính của bà, riêng chương trình này sẽ tốn khoảng 500 tỷ.
-     Bà Warren cũng như tất cả các ứng cử viên DC khác, chủ trương nước Mỹ vì lòng nhân đạo, mở cửa đón di dân nam Mỹ, nhưng cũng như các đồng chí, không nói đến giới hạn nào. Dĩ nhiên là đám di dân mới vào sẽ được hưởng Medicare miễn phí ngay lập tức.
-     Để chuộc lỗi với dân da đỏ, bà lớn tiếng công kích đám di dân lập quốc Mỹ đã quá tàn ác với thổ dân da đỏ, do đó, Nhà Nước cần phải chính thức xin lỗi dân da đỏ, và nghiên cứu việc bồi thường thiệt hại vật chất cho dân da đỏ tuy bà chưa nói rõ số tiền bà nghĩ cần thiết, vài trăm tỷ chăng?
-     Bà cũng nhìn nhận chế độ da đen làm nô lệ là một sai lầm và một tội ác lớn cần phải xin lỗi và bồi thường. Bà Warren cũng chưa nói rõ cần bồi thường bao nhiêu cho dân da đen và bằng cách nào. Tuy nhiên bà đồng chí Marianne Williamson tranh cử tổng thống cho biết số tiền bồi thường tối thiểu cũng không dưới 500 tỷ.
-     Một biện pháp khác để lấy điểm với dân da đen: bà Warren hứa sẽ cải tổ quy mô hệ thống luật pháp để truy lùng những tội ác của... cảnh sát (vâng, quý vị không đọc lộn đâu, không phải truy lùng tội phạm mà là truy lùng tội ác của cảnh sát!). Bà Warren cũng hứa nếu đắc cử, việc đầu tiên bà làm sẽ là dùng quyền ân xá của tổng thống để ân xá hay giảm án những nạn nhân của những lạm quyền của cảnh sát và hệ thống tư pháp. Theo những thăm dò mới nhất, bà Warren chỉ được chừng 8% hậu thuẫn của dân da đen, ít hơn cả hậu thuẫn của TT Trump, do đó rất cần tìm ra quà tặng cho dân da đen.
-     Để chi trả cho hệ thống bảo hiểm công cũng như chi trả cho tất cảc các quà cáp khác mà bà thân tặng, bà sẽ thu hồi luật giảm thuế của TT Trump để mọi người trở lại mức thuế cao của thời Obama, và tăng thuế lợi tức ‘nhà giàu’ cũng như tăng thuế lợi nhuận công ty, tuy chưa rõ đến mức nào.
-     Ngoài ra, bà sẽ áp đặt một thứ thuế mới, đánh trên trị giá tài sản hiện có: 2% trên trị giá tài sản từ 50 triệu trở lên, 3% trên tài sản từ 1 tỷ trở lên. Trong tỷ lệ này, ông Jeff Bezos, chủ báo Washington Post và Amazon, cũng là người giàu nhất thế giới, mỗi năm sẽ đóng thuế khoảng 4,5 tỷ trên gia tài 150 tỷ của ông ta, ngoài việc đóng vài triệu trên lợi tức hàng năm. Hai ông Bill Gates và Warren Buffett sẽ đóng mỗi người khoảng 3 tỷ; vị chi chỉ 3 vị này không cũng đã đóng xấp xỉ 10 tỷ tiền thuế mỗi năm cho bà Warren. Theo ước tính sơ sơ của kẻ này, cả ba vị trong vòng 20 năm sẽ phải xếp hàng xin phiếu thực phẩm mỗi tuần để sống qua ngày. Ai tin tưởng biện pháp của bà Warren sẽ hữu hiệu xin dơ tay cho thiên hạ biết mặt.

Ngoài câu hỏi về chuyện bà Warren thiên tả đến mức nào và bà lấy tiền đâu để chi trả những chương trình khổng lồ của bà, cử tri Mỹ cũng thắc mắc nhiều chuyện khác về bà.
Đầu tiên dĩ nhiên là trước đây, bà đã lợi dụng chuyện ‘gốc da đỏ’ đến cỡ nào trong việc leo thang trong sự nghiệp của bà. Dĩ nhiên là bà đã chối bai bải chuyện này, nhưng người ta đã thấy bà khai ‘gốc da đỏ’ trong nhiều đơn xin việc, đặc biệt là đơn xin hành nghề luật sư cũng như trong đơn ghi danh tranh cử thượng nghị sĩ. Ai cũng biết nước Mỹ có chính sách giúp đỡ, dễ dãi hay ưu tiên cấp việc làm hay được điểm cao trong các cuộc thi cử cho dân thiểu số. Câu hỏi là bà Warren nếu không ghi là dân da đỏ có thể có những việc mà bà đã xin không?
Câu hỏi tiếp theo trong vấn đề này là bà Warren có thật sự là người thanh liêm trong sạch không khi bà mạo danh là dân da đỏ cả đời, cho đến khi bị TT Trump bắt tẩy.
Theo Washington Post, ngôi sao Warren đang ngày càng sáng, tuy nhiên, con đường của bà Warren có nhiều chông gai. Trở ngại lớn nhất của bà chính là quan điểm thiên tả quá cực đoan của bà, hơn xa quan điểm chung của đại đa số dân Mỹ, và ngay cả trong nội bộ đảng DC.
Những thăm dò của báo Economist cho thấy trong khối tương đối ‘bảo thủ’ của đảng DC, hậu thuẫn của bà Warren gần con số ... zero, trong khi hậu thuẫn trong khối ôn hòa chỉ đâu 12%. Trong khối thiên tả nhất của đảng DC, hậu thuẫn của bà xấp xỉ ở mức 40%, cao nhất, nhưng lại thua ... cụ Sanders. Một thăm dò khác của đài CBS cũng cho thấy kết quả tương tự. Nghĩa là bà Warren không được hậu thuẫn mạnh của khối bảo thủ và ôn hòa, nhưng lại chưa đủ thiên tả trong con mắt của đám thiên tả cực đoan.
Nói cách khác nữa, hậu thuẫn của bà trong giới cấp tiến ôn hoà rất thấp, trong khi với khối thiên tả cực đoan thì bà lại phải cạnh tranh với cụ Sanders. Bà Warren chỉ có một hy vọng là ... loại cụ Sanders và trở thành ứng cử viên duy nhất của khối cực tả. Là chuyện không dễ chút nào khi cụ Sanders, lạ lùng thay, lại là thần tượng của giới trẻ thiên tả cực đoan nhất Mỹ, là những thanh niên thanh nữ vẫn còn mơ hồ và mơ màng về thiên đàng xã nghiã mà chẳng có một khái niệm nào về thực tế xã nghĩa.
Một khó khăn lớn hơn nữa cho bà Warren là bà này... da trắng hơn bột, không có một chút quan hệ hay thành tích đấu tranh nào cho dân da màu, như da đen, da nâu, hay da vàng, trong khi lại bị dân da đỏ oán ghét. Thế thì bà trông cậy vào đâu để thắng? Khối cử tri của bà Warren chỉ giới hạn trong một phần của khối trẻ thiên tả cực đoan nhất. Bà rất khó có thể hạ được cụ Biden, khoan nói tới chuyện đối đầu với TT Trump.
Đưa đến câu hỏi lớn và quan trọng hơn nhiều: liệu bà Warren có thể hạ được cụ Biden để ra tranh cử chống TT Trump được không? Hiện nay, bà Warren đang thua xa cụ Biden cho dù bà đang đứng hạng nhì. Nhưng nếu cụ Biden tiếp tục nói hớ làm nhầm thì tương lai của bà Warren tươi sáng hơn nhiều.
Bà Warren có thể ngồi chung, làm phó cho cụ Biden được không? Hai người này chưa có dịp cùng nhau lên võ đài nên chưa đánh nhau mà cũng chưa ôm nhau, thành ra chưa biết hai người có hợp tình hợp ý với nhau không. Trong chính trị Mỹ, chuyện gì cũng có thể xẩy ra, nhưng có nhiều triển vọng hai vị này sẽ không ngồi cùng thuyền. Trước hết hai đại bô lão da trắng bóc ngồi chung với nhau chẳng hấp dẫn được ai hết nhất là trong thời buổi này, chắc 90% dân Mỹ sẽ nằm nhà coi phim Lý Tiểu Long hấp dẫn hơn nhiều.. Sau đó, hai cụ đến từ hai tiểu bang hàng xóm vùng đông bắc, sẽ chẳng thu được phiếu của dân ngoài vùng này.
Chuyện đáng bàn khác: nếu như bà Warren thắng cử trong nội bộ đảng DC, bà sẽ ra chung với ai? Nhiều hy vọng bà sẽ phải tìm một người khác xa bà: đàn ông, trẻ, không phải da trắng, sống ngoài vùng đông bắc. Ngoài vòng các ứng cử viên tổng thống thì có quá nhiều người có thể đáp ứng những điều kiện này nên chẳng thể đoán được.
Trong vòng các ứng cử viên tổng thống hiện nay, thì người có nhiều hy vọng nhất có lẽ là ông Julian Castro, đàn ông thứ thiệt, da nâu gốc di dân Mễ, dân Texas, khá thành công trong hai cuộc tranh luận trên TV mới đây,... Ông Beto cũng có hy vọng, nhưng vấn đề là ông là dân cũng da trắng như bột nhưng lấy tên Beto, giả trang là dân gốc Mễ, tuy có thể hợp với bà Warren đã từng giả trang làm dân da đỏ. Ông Buttigieg cũng có chút hy vọng nhưng cũng lại da trắng như bột mà lại... giả trang là đàn ông.
Còn một năm nữa mới tới đại hội của hai chính đảng, và cả năm rưỡi nữa mới có bầu cử tổng thống, và do đó, còn quá sớm để biết rõ ngôi sao Warren sẽ thọ hay không. Cứ giả dụ như bà Warren đắc cử trong nội bộ đảng DC, trở thành ứng cử viên của đảng DC chống TT Trump, bà có hy vọng đắc cử tổng thống không?
Một lần nữa, kẻ này không phải Trạng Trình, chẳng thể biết được chuyện tương lai, nhất là trong chính trị Mỹ. Nhưng nếu bà Warren –hay ngay cả cụ Sanders- ra tranh cử chống TT Trump, thì sẽ có nhiều người nhớ lại chuyện ông George McGovern năm 1972.
Năm đó, TT Nixon ra tranh cử lại. TT Nixon là một trong những tổng thống với nhiều thành quả có thể nói lớn nhất trong lịch sử cận đại Mỹ. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên đi gặp Mao và mở màn cho việc chia thế giới làm một thứ Tam Quốc tân thời, với ba chân vạc Mỹ – TC – Nga, trong khi trước đó, chỉ có hai chân vạc là Mỹ và khối CS. Cũng là bước đầu đưa đến sự phá sản của chủ nghĩa CS và các chế độ CS quốc tế.
Dù vậy, TT Nixon vẫn bị TTDC đánh tả tơi, không thua gì TTDC đang đánh TT Trump hiện nay. Hình ảnh mà TTDC đưa ra là hình ảnh một tổng thống gian trá, lưu manh, chuyên lừa đảo, vua nói láo, thiếu tư cách, bảo thủ quá trớn, kỳ thị đủ thứ,... Ông cũng được mô tả như một tổng thống bị dân Mỹ ghét nhất, chắc chắn sẽ không thể nào tái đắc cử được. TT Nixon còn bị tố là hiếu chiến hiếu sát, cố tình kéo dài cuộc chiến thảm khốc tại Nam VN.
Khối DC nhất tề chống phá ông tận cùng. Kết quả, đưa thượng nghị sĩ George McGovern ra tranh cử chống Nixon.
Ông McGovern thuộc thành phần thiên tả cực đoan nhất thời đó. Dĩ nhiên có cả lô quà cáp tặng tất cả mọi người. Nhưng món quà lớn nhất ông tặng dân Mỹ là ... chấm dứt việc tham chiến tại Nam VN chỉ với một điều kiện duy nhất, VC trả lại hết tù binh Mỹ, còn chuyện gì xẩy ra với cuộc chiến, với số phận của Nam VN là điều không liên quan gì đến Mỹ hết. Ông McGovern là biểu tượng của tất cả những gì trái ngược hoàn toàn với ông Nixon. Đảng DC tin chắc như đinh đóng cột là dân Mỹ quá chán ngán hay sợ Nixon và ông McGovern sẽ là thuốc mầu nhiệm hàn gắn mọi vết thương của Mỹ. Tất cả thăm dò dư luận ban đầu cho thấy TT Nixon tuyệt đối vô vọng, nhưng dần dà cho thấy ông McGovern tuy hậu thuẫn giảm, nhưng vẫn thắng xa ông Nixon.
Kết quả bầu cử, ông McGovern thắng tại đúng 1 tiểu bang Massachusetts và quận Columbia –District of Columbia- với tổng cộng 17 phiếu cử tri đoàn, trong khi  TT Nixon đại thắng, chiếm được 49 tiểu bang với 520 phiếu cử tri đoàn.
Lịch sử có thể sẽ tái diễn? 

PHỈ BÁNG, VU KHỐNG, MẠ LỴ, BÔI NHỌ VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN - LS Đỗ Quý Dân





Kính thưa qúi vị,

Mỗi người chúng ta sống trong xã hội,  những người tử tế đều phải chịu sự chi phối của ba thứ luật lệ, thứ nhất là luật của quốc gia bản xứ, thứ hai là những nguyên tắc, những lệ của phong tục tập quán của dân tộc, và thứ ba là các giáo điều của tín ngưỡng nếu là tín đồ của  tôn giáo.

Trong đời sống hàng ngày, sự va chạm giữa người này với người nọ là không thể tránh được do nhiều lý do, chẳng hạn vì bất đồng quan điểm, hoặc tranh giành chức vị hư danh, hoặc phe đảng trong sinh hoạt cộng đồng, vì tranh giành quyền lợi trong sinh kế, …. từ đó, tạo ra xích mích, gây ra bất hòa,  tranh cãi giữa các phe nhóm, có thể là lời nói trực tiếp ngay mặt người ta, hoặc có thể là  những Emails trên các diễn đàn hoặc gián tiếp bằng việc rỉ tai, tuyên  truyền những sự việc bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm vu khống người khác, ….thậm chí chụp mũ nhau là Cộng sản, là tay sai Cộng sản… cũng có thể bằng hình thức đả kích nhau qua báo chí, tạp chí, bán nguyệt san với những bức tranh biếm họa bẩn thỉu, tục tĩu..…

Trong ngôn ngữ Việt Nam, “phỉ báng” được định nghĩa là “chê bai, chế nhạo, chửi rủa một cách thậm tệ”,  còn “vu khống” là vu cho người ta chuyện xấu để làm mất danh dự, uy tín của họ. Do vậy, trong tiếng Việt, phỉ báng bao gồm cả mạ lỵ.

Trong tiếng Anh, từ ngữ “defamation” có nghĩa là “đặt điều làm xấu người khác”, và trong hành vi bị gọi là “đặt điều làm xấu người khác” có những hành vi gọi là vu khống lẫn phỉ báng và mạ lỵ, vì thế, ngay trong tiếng Anh, chữ  “defamation” bao gồm hai từ ngữ là “libel”  nghĩa là “vu khống” và “slander”  nghĩa là “phỉ báng”.

                  Defamation :  Libel  -  Slander

Để bị gọi là phỉ báng, vu khống, mạ lỵ bao gồm tất cả những hành vi, lời nói  cố tình thực hiện bằng mọi cách để thóa mạ, khinh bỉ, nói chung là xúc phạm đến danh dự, uy tín của người khác, nhằm đạt được điều mong muốn là làm cho bạn bè, thân nhân của họ, những người sống trong khu gia cư,  những đồng hương trong cộng đồng …có ý nghĩ lệch lạc về nhiều phương diện, chẳng hạn tư cách, đạo đức, khả năng của người đó.

Luật pháp Hoa kỳ qui định như sau:

Defamation  (Sự đặt điều làm xấu người khác)

Từ ngữ “Defamation” nghĩa là “sự đặt điều làm xấu người khác”, trong tiếng Anh là danh từ luật có ý nghĩa chung, rộng rãi, dịch ra tiếng Việt Nam thì bao gồm cả ba tội danh là “phỉ báng”, “mạ lỵ” hoặc “vu khống”
Từ ngữ “Defamation” này bao gồm hai trường hợp gọi là “Libel” và “Slander”.

Để có thể gọi là phỉ báng, mạ lỵ, hoặc vu khống, từ ngữ công khai “published” có nghĩa là lời nói đó phải được người thứ ba nghe được, hoặc biết rõ, không phải là nghe đồn, nghe nói, thật là không dễ dàng để chứng minh như trường hợp lời bịa đặt, xuyên tạc sự thật được viết ra trên giấy.

Sự phỉ bang, mạ lỵ ( Slander ) là việc thể hiện hành vi bang lời nói với người khác

Sự vu khống (libel) là lời nói không đúng sự thật về người khác được viết ra trên giấy, chẳng hạn viết trên những nhật báo và tạp chí, dù rằng được viết trên trang báo Internet (online).

Luật của Tiểu bang Texas dùng từ ngữ “phỉ báng thanh danh của người khác ” để chỉ những vụ việc xảy ra khi một người có những lời nói không đúng sự thật, xuyên tạc sự thật nhằm ý đồ làm tổn hại cho danh dự của người khác hoặc ám chỉ người đó là kẻ có tư cách tồi tệ.

Theo luật, những lời nói trên các cơ quan truyền thông cũng bị coi là vu khống, mạ lỵ, phỉ báng (slander) nếu có dụng ý để hãm hại người khác về thanh danh, uy tín, công việc làm ăn của cá nhân, cơ sở làm ăn của đối phương bị ám chỉ.

Ngày nay, với sự phát triển của internet, thỉnh thoảng, người ta thấy trên các diễn đàn xuất hiện vài cá nhân sử dụng Nick ma, Email ảo công khai (published) bôi nhọ, vu khống, mạ lỵ với dã tâm, ác ý gây tổn hại thanh danh, danh dự (reputation), uy tín (credibility) của cá nhân,  của cơ sở làm ăn của người khác…
Internet slander (Sự vu khống, phỉ báng, mạ lỵ trên mạng)

Sự vu khống trên mạng là hình thức của sự vu khống được thực hiện bằng cách viết trên Internet hoặc được bỏ vào trong một internet website, đưa lên diễn đàn hoặc dán lên trên những bảng thông tin.

Thông thường, những bài viết đưa trên mạng như vậy bị xem là vu khống, phỉ báng, mạ lỵ nếu được viết ra nhằm mục đích công kích người khác hoặc bôi nhọ cơ sở làm ăn của họ hoặc chà đạp danh dự của cá nhân, chôn vùi uy tín của cơ sở làm ăn.

Sự vu khống trên mạng là một hình thức vu khống rõ ràng, cụ thể và có thể bị truy tố trước Tòa án dân sự hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất hoặc hình thức của sự vu khống, mạ lỵ, phỉ bang

Pháp luật của các quốc gia, tự do cũng như cộng sản đều qui định những tội danh như phỉ báng,  mạ lỵ, vu khống người khác theo như câu tục dao pháp lý ““Factum cuique suum non adversario nocere debet”, có nghiã là “Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do lỗi lầm của mình gây ra cho người khác”.

Slander (Sự vu khống)

Vu khống là sự kiện một người nói ra những điều không đúng sự thật nhằm mục đích làm thiệt hại thanh danh (danh dự) của người khác. Nếu lời nói đó được chứng minh là đúng sự thật, thì tội vu khống không được thành lập.

Vu khống là một hành vi truyền đạt tin tức nhằm mục đích làm cho người khác phải bị xấu hổ, bị nhạo báng, bị khinh miệt, bị hạ thấp giá trị trong sinh hoạt cộng đồng, hoặc bị mất việc làm, hoặc thiệt hại về thu nhập, hoặc thậm chí, bị thiệt hại về thanh danh và uy tín.

Muốn cấu thành tội vu khống, phải hội đủ ít nhất 3 yếu tố, gồm :
(1)  phải có lời nói không đúng sự thật,
(2)  lời nói đó phải được chính tai người thứ ba nghe,
(3)  và người nói lời vu khống phải nhận thức rõ điều đó là hoàn toàn không đúng sự thật

Hành vi phỉ báng là cách thức làm xấu người khác bằng hình thức viết, khác với vu khống là cách thức làm xấu người khác bằng hình thức lời nói. Hành vi phỉ báng là bày tỏ lời nói bằng cách viết, hoặc bản in, hoặc tranh vẽ nhằm ý đồ triệt hạ người khác một cách bất chính và công khai hoặc là dùng bản in hoặc tranh vẽ nhằm làm tổn hại thanh danh của người khác.

Trân trọng,
Phúc Linh

PHỈ BÁNG, VU KHỐNG, MẠ LỴ, BÔI NHỌ VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
LS Đỗ Quý Dân

Evelyn Beatrice Hall (1868-1956), tác giả của “Cuộc đời của Voltaire” (The Life of Voltaire) có diễn tả lý tưởng về tự do của đại văn hào Pháp qua câu: “Tôi phản đối điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết cái quyền nói lên điều ấy của bạn.” (“I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it”). Đối với tôi, câu nói này là kim chỉ nam cho người biết tôn trọng và bảo vệ tự do.

Thế nhưng ta có trách nhiệm phải bảo vệ những lời phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ cá nhân người khác không? Câu trả lời rất đơn giản: “Không!” Dưới luật pháp, ít nhất là luật pháp Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận không phải là quyền tự do tuyệt đối. Phỉ báng, mạ lỵ, bôi nhọ, luật pháp Mỹ gọi chung là “defamation”, được chia ra làm hai loại: phỉ báng bằng lời nói (slander) và phỉ báng bằng văn tự (libel).

Phỉ báng dựa trên những thông tin thất thiệt hoặc nguỵ tạo được xếp vào loại ngôn ngữ bị giới hạn dưới luật pháp Hoa kỳ (và đa số các xã hội tiền tiến khác). Nhưng vì nhu cầu truyền bá tin tức cho quần chúng, nạn nhân của ngôn ngữ phỉ báng sẽ vất vả hơn để truy tố kẻ phỉ báng mình trước toà nếu nạn nhân ấy là một “public figure”, tức “người của quần chúng” (dựa trên vụ kiện New York Times v. Sullivan).

Muốn thắng kiện, nạn nhân phải chứng minh là kẻ phỉ báng, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ có ý đồ xấu (actual malice). Actual malice được chứng minh nếu kẻ phỉ báng biết mình sử dụng thông tin thất thiệt hoặc nguỵ tạo (knowledge of falsity) hoặc sử dụng thông tin bừa bãi bất chấp sự thật ra sao (reckless disregard of the truth)..

Nếu nạn nhân là người dân bình thường, nạn nhân chỉ cần chứng minh là thủ phạm sơ suất hoặc bất cẩn khi đưa ra những thông tin nguỵ tạo hoặc thất thiệt để phỉ báng là đủ để thắng kiện.

Người viết do đó muốn nhắc nhở đến các cơ quan truyền thông, báo chí phải kiểm chứng những thông tin ghi trên một bài viết trước khi cho truyền bá trong quần chúng.

Những bài viết có những thông tin rõ ràng thất thiệt hoặc những thông tin không dựa trên một căn bản luận lý vững chắc hoặc hợp lý thì sẽ có thể bị liệt vào thành phần có “malice” (vì biết, hoặc phải biết những thông tin kia sai hay thất thiệt, hay vì bất chấp sự thật một cách cẩu thả, bừa bãi).

Khi bài viết ảnh hưởng đến một người bình thường thì các cơ quan truyền thông, báo chí lại càng phải cẩn thận hơn, vì chỉ sơ suất hoặc bất cẩn sử dụng thông tin thất thiệt là có thể gánh chịu trách nhiệm với nạn nhân kia.

Để bảo vệ cho người dân không bị phỉ báng vô cớ, luật ở Hoa kỳ có nêu rõ rằng bất cứ ai truyền bá ngôn ngữ phỉ báng đến tai người thứ ba (ngoài nạn nhân bị phỉ báng) đều bị liệt vào thành phần phải chịu trách nhiệm. Thế cho nên, một cá nhân hoặc tổ chức cho xuất bản hay truyền bá ngôn ngữ phỉ báng mà mình không phải là tác giả vẫn phải chịu trách nhiệm trước luật pháp.

Do đó, các cơ quan truyền thông hay báo chí ở Hoa kỳ rất cẩn thận khi truyền bá những thông tin do người lạ cung cấp.

Người viết muốn nhắc nhở các cơ quan truyền thông và báo chí của cộng đồng người Mỹ gốc Việt phải cẩn thận đừng để phải gánh chịu trách nhiệm về những thông tin, bài vở, hoặc tài liệu lấy được từ thành phần thứ ba, nhất là từ những thành phần chuyên phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ người khác mà cộng đồng đã biết.

Một suy nghĩ ngây thơ của một số thành phần chuyên phỉ báng người khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt là họ có thể trốn tránh trách nhiệm bằng cách dùng email với những tên giả, hoặc bằng điện thoại không để lộ số.

Luật pháp Mỹ cho phép nạn nhân được thưa những bị đơn có tên giả hoặc chưa biết tên (gọi chung là những người có tên (họ) Doe, tức là những bị đơn Does, Does defendants).

Sau khi khởi kiện, nạn nhân có thể xin toà cho quyền được lấy thông tin về nguồn của những email hoặc điện thoai giấu tên từ những công ty cung cấp dịch vụ email hoặc điện thoại.

Ngoài ra, nạn nhân còn rất nhiều phương cách để tìm ra thủ phạm của những thông tin, tài liệu phỉ báng kia vì ở xã hội Hoa kỳ, thông tin về những thủ phạm đó đã nằm sẵn trong những cơ sở dữ liệu (database) của rất nhiều cơ quan tư nhân cũng như công cộng.

Người viết cùng quan niệm với Voltaire và Evelyn Beatrice Hall. Người viết sẽ sẵn sàng bảo vệ quyền tự do của những công dân ở khắp nơi. Nhưng người viết cũng có nhu cầu phải bảo vệ cho những công dân vô cớ bị phỉ báng.

Những kẻ phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ người khác là những kẻ làm hại cộng đồng.
Phỉ báng, vu khống, mạ lỵ hay bôi nhọ là những hình thức khủng bố, không thể chấp nhận ở một xã hội dân chủ, tự do.

Nếu ta muốn người khác tôn trọng tự do của mình, ta phải biết tôn trọng tự do của người khác. Phỉ báng hoặc bôi nhọ người khác là những thủ đoạn hay được áp dụng dưới các chế độ độc tài, cộng sản, phát xít. Chúng ta, những người biết tôn trọng tự do, của chung và của cá nhân, không thể phỉ báng hoặc bôi nhọ người khác được.

Bảo vệ tự do là phải thắng được tệ nạn phỉ báng, khủng bố.

Do đó, người viết đề nghị với cộng đồng để thành lập một hội chống phỉ báng, vu khống, mạ lỵ và bôi nhọ tương tự như hội Anti-Defamation League của cộng đồng Do Thái. Những nạn nhân bị oan ức vì những lời phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, và bôi nhọ từ những thành phần xấu của xã hội thường phải chịu đựng, chịu oan ức trong thầm lặng.

Lý do vì họ không hiểu thủ tục kiện tụng, sợ tốn kém, sợ trả thù, hoặc bị hăm doạ. Hội chống “Defamation” sẽ là tiếng nói lấy lại công bình cho họ và cho cộng đồng Việt.

Muốn bảo vệ ngôn luận, ta phải loại trừ vu khống.

LS Đỗ Quý Dân