Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

PHỈ BÁNG, VU KHỐNG, MẠ LỴ, BÔI NHỌ VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN - LS Đỗ Quý Dân





Kính thưa qúi vị,

Mỗi người chúng ta sống trong xã hội,  những người tử tế đều phải chịu sự chi phối của ba thứ luật lệ, thứ nhất là luật của quốc gia bản xứ, thứ hai là những nguyên tắc, những lệ của phong tục tập quán của dân tộc, và thứ ba là các giáo điều của tín ngưỡng nếu là tín đồ của  tôn giáo.

Trong đời sống hàng ngày, sự va chạm giữa người này với người nọ là không thể tránh được do nhiều lý do, chẳng hạn vì bất đồng quan điểm, hoặc tranh giành chức vị hư danh, hoặc phe đảng trong sinh hoạt cộng đồng, vì tranh giành quyền lợi trong sinh kế, …. từ đó, tạo ra xích mích, gây ra bất hòa,  tranh cãi giữa các phe nhóm, có thể là lời nói trực tiếp ngay mặt người ta, hoặc có thể là  những Emails trên các diễn đàn hoặc gián tiếp bằng việc rỉ tai, tuyên  truyền những sự việc bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm vu khống người khác, ….thậm chí chụp mũ nhau là Cộng sản, là tay sai Cộng sản… cũng có thể bằng hình thức đả kích nhau qua báo chí, tạp chí, bán nguyệt san với những bức tranh biếm họa bẩn thỉu, tục tĩu..…

Trong ngôn ngữ Việt Nam, “phỉ báng” được định nghĩa là “chê bai, chế nhạo, chửi rủa một cách thậm tệ”,  còn “vu khống” là vu cho người ta chuyện xấu để làm mất danh dự, uy tín của họ. Do vậy, trong tiếng Việt, phỉ báng bao gồm cả mạ lỵ.

Trong tiếng Anh, từ ngữ “defamation” có nghĩa là “đặt điều làm xấu người khác”, và trong hành vi bị gọi là “đặt điều làm xấu người khác” có những hành vi gọi là vu khống lẫn phỉ báng và mạ lỵ, vì thế, ngay trong tiếng Anh, chữ  “defamation” bao gồm hai từ ngữ là “libel”  nghĩa là “vu khống” và “slander”  nghĩa là “phỉ báng”.

                  Defamation :  Libel  -  Slander

Để bị gọi là phỉ báng, vu khống, mạ lỵ bao gồm tất cả những hành vi, lời nói  cố tình thực hiện bằng mọi cách để thóa mạ, khinh bỉ, nói chung là xúc phạm đến danh dự, uy tín của người khác, nhằm đạt được điều mong muốn là làm cho bạn bè, thân nhân của họ, những người sống trong khu gia cư,  những đồng hương trong cộng đồng …có ý nghĩ lệch lạc về nhiều phương diện, chẳng hạn tư cách, đạo đức, khả năng của người đó.

Luật pháp Hoa kỳ qui định như sau:

Defamation  (Sự đặt điều làm xấu người khác)

Từ ngữ “Defamation” nghĩa là “sự đặt điều làm xấu người khác”, trong tiếng Anh là danh từ luật có ý nghĩa chung, rộng rãi, dịch ra tiếng Việt Nam thì bao gồm cả ba tội danh là “phỉ báng”, “mạ lỵ” hoặc “vu khống”
Từ ngữ “Defamation” này bao gồm hai trường hợp gọi là “Libel” và “Slander”.

Để có thể gọi là phỉ báng, mạ lỵ, hoặc vu khống, từ ngữ công khai “published” có nghĩa là lời nói đó phải được người thứ ba nghe được, hoặc biết rõ, không phải là nghe đồn, nghe nói, thật là không dễ dàng để chứng minh như trường hợp lời bịa đặt, xuyên tạc sự thật được viết ra trên giấy.

Sự phỉ bang, mạ lỵ ( Slander ) là việc thể hiện hành vi bang lời nói với người khác

Sự vu khống (libel) là lời nói không đúng sự thật về người khác được viết ra trên giấy, chẳng hạn viết trên những nhật báo và tạp chí, dù rằng được viết trên trang báo Internet (online).

Luật của Tiểu bang Texas dùng từ ngữ “phỉ báng thanh danh của người khác ” để chỉ những vụ việc xảy ra khi một người có những lời nói không đúng sự thật, xuyên tạc sự thật nhằm ý đồ làm tổn hại cho danh dự của người khác hoặc ám chỉ người đó là kẻ có tư cách tồi tệ.

Theo luật, những lời nói trên các cơ quan truyền thông cũng bị coi là vu khống, mạ lỵ, phỉ báng (slander) nếu có dụng ý để hãm hại người khác về thanh danh, uy tín, công việc làm ăn của cá nhân, cơ sở làm ăn của đối phương bị ám chỉ.

Ngày nay, với sự phát triển của internet, thỉnh thoảng, người ta thấy trên các diễn đàn xuất hiện vài cá nhân sử dụng Nick ma, Email ảo công khai (published) bôi nhọ, vu khống, mạ lỵ với dã tâm, ác ý gây tổn hại thanh danh, danh dự (reputation), uy tín (credibility) của cá nhân,  của cơ sở làm ăn của người khác…
Internet slander (Sự vu khống, phỉ báng, mạ lỵ trên mạng)

Sự vu khống trên mạng là hình thức của sự vu khống được thực hiện bằng cách viết trên Internet hoặc được bỏ vào trong một internet website, đưa lên diễn đàn hoặc dán lên trên những bảng thông tin.

Thông thường, những bài viết đưa trên mạng như vậy bị xem là vu khống, phỉ báng, mạ lỵ nếu được viết ra nhằm mục đích công kích người khác hoặc bôi nhọ cơ sở làm ăn của họ hoặc chà đạp danh dự của cá nhân, chôn vùi uy tín của cơ sở làm ăn.

Sự vu khống trên mạng là một hình thức vu khống rõ ràng, cụ thể và có thể bị truy tố trước Tòa án dân sự hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất hoặc hình thức của sự vu khống, mạ lỵ, phỉ bang

Pháp luật của các quốc gia, tự do cũng như cộng sản đều qui định những tội danh như phỉ báng,  mạ lỵ, vu khống người khác theo như câu tục dao pháp lý ““Factum cuique suum non adversario nocere debet”, có nghiã là “Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do lỗi lầm của mình gây ra cho người khác”.

Slander (Sự vu khống)

Vu khống là sự kiện một người nói ra những điều không đúng sự thật nhằm mục đích làm thiệt hại thanh danh (danh dự) của người khác. Nếu lời nói đó được chứng minh là đúng sự thật, thì tội vu khống không được thành lập.

Vu khống là một hành vi truyền đạt tin tức nhằm mục đích làm cho người khác phải bị xấu hổ, bị nhạo báng, bị khinh miệt, bị hạ thấp giá trị trong sinh hoạt cộng đồng, hoặc bị mất việc làm, hoặc thiệt hại về thu nhập, hoặc thậm chí, bị thiệt hại về thanh danh và uy tín.

Muốn cấu thành tội vu khống, phải hội đủ ít nhất 3 yếu tố, gồm :
(1)  phải có lời nói không đúng sự thật,
(2)  lời nói đó phải được chính tai người thứ ba nghe,
(3)  và người nói lời vu khống phải nhận thức rõ điều đó là hoàn toàn không đúng sự thật

Hành vi phỉ báng là cách thức làm xấu người khác bằng hình thức viết, khác với vu khống là cách thức làm xấu người khác bằng hình thức lời nói. Hành vi phỉ báng là bày tỏ lời nói bằng cách viết, hoặc bản in, hoặc tranh vẽ nhằm ý đồ triệt hạ người khác một cách bất chính và công khai hoặc là dùng bản in hoặc tranh vẽ nhằm làm tổn hại thanh danh của người khác.

Trân trọng,
Phúc Linh

PHỈ BÁNG, VU KHỐNG, MẠ LỴ, BÔI NHỌ VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
LS Đỗ Quý Dân

Evelyn Beatrice Hall (1868-1956), tác giả của “Cuộc đời của Voltaire” (The Life of Voltaire) có diễn tả lý tưởng về tự do của đại văn hào Pháp qua câu: “Tôi phản đối điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết cái quyền nói lên điều ấy của bạn.” (“I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it”). Đối với tôi, câu nói này là kim chỉ nam cho người biết tôn trọng và bảo vệ tự do.

Thế nhưng ta có trách nhiệm phải bảo vệ những lời phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ cá nhân người khác không? Câu trả lời rất đơn giản: “Không!” Dưới luật pháp, ít nhất là luật pháp Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận không phải là quyền tự do tuyệt đối. Phỉ báng, mạ lỵ, bôi nhọ, luật pháp Mỹ gọi chung là “defamation”, được chia ra làm hai loại: phỉ báng bằng lời nói (slander) và phỉ báng bằng văn tự (libel).

Phỉ báng dựa trên những thông tin thất thiệt hoặc nguỵ tạo được xếp vào loại ngôn ngữ bị giới hạn dưới luật pháp Hoa kỳ (và đa số các xã hội tiền tiến khác). Nhưng vì nhu cầu truyền bá tin tức cho quần chúng, nạn nhân của ngôn ngữ phỉ báng sẽ vất vả hơn để truy tố kẻ phỉ báng mình trước toà nếu nạn nhân ấy là một “public figure”, tức “người của quần chúng” (dựa trên vụ kiện New York Times v. Sullivan).

Muốn thắng kiện, nạn nhân phải chứng minh là kẻ phỉ báng, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ có ý đồ xấu (actual malice). Actual malice được chứng minh nếu kẻ phỉ báng biết mình sử dụng thông tin thất thiệt hoặc nguỵ tạo (knowledge of falsity) hoặc sử dụng thông tin bừa bãi bất chấp sự thật ra sao (reckless disregard of the truth)..

Nếu nạn nhân là người dân bình thường, nạn nhân chỉ cần chứng minh là thủ phạm sơ suất hoặc bất cẩn khi đưa ra những thông tin nguỵ tạo hoặc thất thiệt để phỉ báng là đủ để thắng kiện.

Người viết do đó muốn nhắc nhở đến các cơ quan truyền thông, báo chí phải kiểm chứng những thông tin ghi trên một bài viết trước khi cho truyền bá trong quần chúng.

Những bài viết có những thông tin rõ ràng thất thiệt hoặc những thông tin không dựa trên một căn bản luận lý vững chắc hoặc hợp lý thì sẽ có thể bị liệt vào thành phần có “malice” (vì biết, hoặc phải biết những thông tin kia sai hay thất thiệt, hay vì bất chấp sự thật một cách cẩu thả, bừa bãi).

Khi bài viết ảnh hưởng đến một người bình thường thì các cơ quan truyền thông, báo chí lại càng phải cẩn thận hơn, vì chỉ sơ suất hoặc bất cẩn sử dụng thông tin thất thiệt là có thể gánh chịu trách nhiệm với nạn nhân kia.

Để bảo vệ cho người dân không bị phỉ báng vô cớ, luật ở Hoa kỳ có nêu rõ rằng bất cứ ai truyền bá ngôn ngữ phỉ báng đến tai người thứ ba (ngoài nạn nhân bị phỉ báng) đều bị liệt vào thành phần phải chịu trách nhiệm. Thế cho nên, một cá nhân hoặc tổ chức cho xuất bản hay truyền bá ngôn ngữ phỉ báng mà mình không phải là tác giả vẫn phải chịu trách nhiệm trước luật pháp.

Do đó, các cơ quan truyền thông hay báo chí ở Hoa kỳ rất cẩn thận khi truyền bá những thông tin do người lạ cung cấp.

Người viết muốn nhắc nhở các cơ quan truyền thông và báo chí của cộng đồng người Mỹ gốc Việt phải cẩn thận đừng để phải gánh chịu trách nhiệm về những thông tin, bài vở, hoặc tài liệu lấy được từ thành phần thứ ba, nhất là từ những thành phần chuyên phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ người khác mà cộng đồng đã biết.

Một suy nghĩ ngây thơ của một số thành phần chuyên phỉ báng người khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt là họ có thể trốn tránh trách nhiệm bằng cách dùng email với những tên giả, hoặc bằng điện thoại không để lộ số.

Luật pháp Mỹ cho phép nạn nhân được thưa những bị đơn có tên giả hoặc chưa biết tên (gọi chung là những người có tên (họ) Doe, tức là những bị đơn Does, Does defendants).

Sau khi khởi kiện, nạn nhân có thể xin toà cho quyền được lấy thông tin về nguồn của những email hoặc điện thoai giấu tên từ những công ty cung cấp dịch vụ email hoặc điện thoại.

Ngoài ra, nạn nhân còn rất nhiều phương cách để tìm ra thủ phạm của những thông tin, tài liệu phỉ báng kia vì ở xã hội Hoa kỳ, thông tin về những thủ phạm đó đã nằm sẵn trong những cơ sở dữ liệu (database) của rất nhiều cơ quan tư nhân cũng như công cộng.

Người viết cùng quan niệm với Voltaire và Evelyn Beatrice Hall. Người viết sẽ sẵn sàng bảo vệ quyền tự do của những công dân ở khắp nơi. Nhưng người viết cũng có nhu cầu phải bảo vệ cho những công dân vô cớ bị phỉ báng.

Những kẻ phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ người khác là những kẻ làm hại cộng đồng.
Phỉ báng, vu khống, mạ lỵ hay bôi nhọ là những hình thức khủng bố, không thể chấp nhận ở một xã hội dân chủ, tự do.

Nếu ta muốn người khác tôn trọng tự do của mình, ta phải biết tôn trọng tự do của người khác. Phỉ báng hoặc bôi nhọ người khác là những thủ đoạn hay được áp dụng dưới các chế độ độc tài, cộng sản, phát xít. Chúng ta, những người biết tôn trọng tự do, của chung và của cá nhân, không thể phỉ báng hoặc bôi nhọ người khác được.

Bảo vệ tự do là phải thắng được tệ nạn phỉ báng, khủng bố.

Do đó, người viết đề nghị với cộng đồng để thành lập một hội chống phỉ báng, vu khống, mạ lỵ và bôi nhọ tương tự như hội Anti-Defamation League của cộng đồng Do Thái. Những nạn nhân bị oan ức vì những lời phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, và bôi nhọ từ những thành phần xấu của xã hội thường phải chịu đựng, chịu oan ức trong thầm lặng.

Lý do vì họ không hiểu thủ tục kiện tụng, sợ tốn kém, sợ trả thù, hoặc bị hăm doạ. Hội chống “Defamation” sẽ là tiếng nói lấy lại công bình cho họ và cho cộng đồng Việt.

Muốn bảo vệ ngôn luận, ta phải loại trừ vu khống.

LS Đỗ Quý Dân