Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Luật sư ở Mỹ tha hồ “vặn vẹo” nhân chứng?

(Theo PL)- Luật sư luôn tìm cách làm cho nhân chứng nhầm lẫn, bối rối hoặc giận dữ khiến nhân chứng không kiểm soát được bản thân và đưa ra những lời khai nhầm lẫn hay mâu thuẫn…

Bài viết của luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.SG) chia sẻ những điều “mắt thấy tai nghe” khi
tham gia phiên tòa hình sự nước ngoài:

Trước đây tôi có tham dự phiên xử một người Việt Nam gây tai nạn tại Mỹ. Khi ấy tôi hỗ trợ cho một luật sư người Mỹ bảo vệ cho bị cáo với nhiệm vụ thẩm định lại các chứng cứ về nhân thân, bằng cấp... của bị cáo tại Việt Nam.

Hỏi bằng phương pháp đối chất
Tại phiên tòa, sau khi tuyên bố khai mạc, công tố viên xuất trình bằng chứng đã thu thập được để chống lại bị cáo. Bằng chứng thường gồm hai loại là vật chứng và lời khai của nhân chứng.
Ngay lúc này, luật sư bào chữa có quyền phản đối việc xem xét vật chứng và nếu thành công sẽ được tòa loại ra khỏi diện xem xét. Nếu phản đối của luật sư không được tòa chấp thuận, vật chứng sẽ được một nhân viên phòng xử án xác định chủng loại và đưa vào hồ sơ chính thức.
Còn bằng chứng từ lời khai của nhân chứng được xác lập bằng cách thức hỏi-đáp từ những thông tin cụ thể nhất. Mục đích của việc làm này nhằm xuất trình những bằng chứng phù hợp với vụ án hiện thời và không đưa ra những thông tin gây nhầm lẫn, không phù hợp hay bất hợp pháp có thể làm tòa xét xử sai.
Việc hỏi của luật sư bắt đầu ngay sau lời khai của mỗi nhân chứng và sử dụng phương pháp đối chất. Mục tiêu của luật sư bào chữa là làm cho phía công tố nghi ngờ lời khai của nhân chứng. Đặc biệt, luật sư luôn tìm cách làm cho nhân chứng nhầm lẫn, bối rối hoặc giận dữ khiến cho nhân chứng không kiểm soát được bản thân và bắt đầu đưa ra những lời khai nhầm lẫn hay mâu thuẫn.
Một phiên tòa tại Mỹ. Ảnh: EPA
Lời khai của một nhân chứng cũng có thể bị nghi ngờ nếu sau đó xuất hiện nhân chứng khác phủ nhận nội dung này. Sau khi hoàn thành đối chất, công tố có thể tiến hành kiểm tra lại để làm rõ hay chỉnh sửa một số điểm quan trọng trong quá trình đối chất.
Với luật sư Mỹ, bằng chứng hầu hết là lời khai của nhân chứng tại tòa chứ vật chứng ít được chú trọng. Các nhân chứng được luật sư hỏi, thẩm vấn theo cùng một cách thức và theo lý lẽ của công tố. Mỗi nhân chứng có thể bị đối chất và sau mỗi lần đối chất việc kiểm bằng chứng được tiến hành lại.

Bào chữa cũng là chất vấn
Tại phiên tòa ở Mỹ, sự khác biệt giữa việc đưa lý lẽ từ phía công tố và từ phía luật sư bào chữa là ở trách nhiệm của họ trước pháp luật.
Luật sư không bị yêu cầu xuất trình bất kỳ bằng chứng mới hay nhân chứng nào. Việc bào chữa chỉ đơn thuần là chất vấn mức độ tin cậy hay tính hợp pháp của bằng chứng và nhân chứng do công tố đưa ra. Luật sư không bắt buộc phải chứng minh sự vô tội của bị cáo, chỉ cần chỉ ra rằng lý lẽ của bên công tố chưa ổn, chưa hợp lý. Sau khi luật sư bào chữa xong, tạm quay về chỗ ngồi thì công tố có quyền đưa ra bằng chứng bác bỏ. Đến lượt mình, luật sư bào chữa đưa ra lời kháng biện, được gọi là lời đập lại lời buộc tội của công tố. Sau đó mỗi bên đưa ra những lý lẽ cuối cùng.
Thông thường, đây là hồi gay cấn nhất của phiên tòa vì mỗi bên tìm cách kết luận những lý lẽ của mình cô đọng nhất và trình kháng nghị cuối cùng lên bồi thẩm đoàn.
Thẩm phán chỉ là trọng tài
Trong phiên tòa ở Mỹ, thẩm phán dù rất quan trọng nhưng lại có vai trò tương đối thụ động. Họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào hay chủ động tham gia vào việc thẩm vấn mà chỉ giám sát trên cơ sở kiến nghị của công tố và luật sư về loại bằng chứng được đưa ra và loại câu hỏi được dùng để hỏi nhân chứng. Họ sẽ đóng vai trò là một bên tham gia không vụ lợi mà công việc chủ yếu là bảo đảm rằng cả hai bên buộc tội, gỡ tội được phép trình bày lập luận của mình càng đầy đủ càng tốt trong phạm vi luật định.
Nếu các thẩm phán không thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng, trung lập thì họ sẽ đi ngược lại với những nguyên lý căn bản của pháp luật Mỹ và phán quyết của họ có nguy cơ bị tòa phúc thẩm bác bỏ. Đặc biệt, thẩm phán ở Mỹ khi xét xử không biểu lộ cảm xúc, tình cảm ra bên ngoài như các thẩm phán ở ta. Họ chỉ lắng nghe và nhắc nhở khi một trong hai bên quá gay gắt hoặc đưa ra vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Khác với phiên tòa hình sự ở Việt Nam, luật Mỹ quy định bằng chứng trong phiên tòa phải được bảo mật nên việc quay phim, chụp ảnh đều bị cấm. Sau khi phiên tòa chính thức bắt đầu, cả công tố viên và luật sư bào chữa đều đọc một lời tuyên bố mở đầu để các thành viên bồi thẩm đoàn dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của vật chứng, lời khai. Công tố viên sẽ tuyên bố mở đầu trước, sau đó luật sư bào chữa cũng đưa ra tuyên bố về việc sẽ bác lại sự buộc tội.

Diễn biến phiên tòa hình sự ở Singapore không khác ở Mỹ nhiều, việc tranh tụng của các bên cũng được coi trọng và không hạn chế về mặt thời gian. Đầu tiên, bên công tố trình bày quan điểm để bác lại quan điểm của luật sư bào chữa. Luật sư bào chữa cũng đáp lại quan điểm của bên công tố bằng cách đưa ra những án lệ đã được áp dụng trước đó và kêu gọi lòng vị tha nhằm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo...

Tương tự như ở Mỹ, thẩm phán Singapore cũng giữ vai trò thụ động, không tham gia vào quá trình xét hỏi. Tuy nhiên, khi có vấn đề luật sư trình bày không rõ, thẩm phán sẽ hỏi lại. Thẩm phán sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc chấp nhận hoặc không đề nghị của mỗi bên và nêu lý do một cách ngắn gọn...
Luật sư LÊ THÀNH KÍNH, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn

Toàn văn Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Toàn văn Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau đây phản ánh câu chữ và cách sử dụng nguyên bản. Các dấu ngoặc vuông [ ] thể hiện những phần đã bị thay đổi hoặc bị thay thế bởi các sửa đổi.
Lời mở đầu
Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Điều I

điều I, Khoản 1

Ngành Lập Pháp

Toàn bộ quyền lực lập pháp được thừa nhận tại đây sẽ được trao cho Quốc hội Hoa Kỳ. Quốc hội gồm có Thượng viện và Hạ viện.

Điều I, Khoản 2

Hạ Viện

(1) Hạ viện sẽ gồm có các thành viên cứ 2 năm một lần được dân chúng ở các bang bầu ra. đại cử tri ở mỗi bang phải có phẩm chất cần thiết như là phẩm chất của đại cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.

(2) Những người có thể được bầu làm hạ nghị sĩ phải từ 25 tuổi trở lên và phải là công dân của Hoa Kỳ ít nhất 7 năm và vào thời điểm được bầu phải là cư dân ở bang mà người đó được lựa chọn.

(3) Hạ nghị sĩ và các loại thuế trực thu sẽ được phân bổ theo các bang [mà có thể tính gộp vào trong Liên bang tùy theo số lượng tương ứng được xác định bằng cách tính tổng số gồm những người tự do, kể cả những người làm việc theo thời hạn và 3/5 số những người còn lại, không tính những người da đỏ vốn không nộp thuế] . Công việc thống kê thực sự sẽ tiến hành trong vòng ba năm sau cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ và 10 năm một lần tiến hành theo luật định. Mỗi hạ nghị sĩ sẽ đại diện cho không quá 30.000 người. Nhưng mỗi bang sẽ có ít nhất một hạ nghị sĩ. Và trước khi việc thống kê và điều tra dân số được tiến hành, thì bang New Hampshire sẽ được quyền bầu ba đại biểu, bang Massachusetts được bầu tám đại biểu, bang đảo Rhodes và Providence Plantations được bầu một đại biểu, bang Connecticut được bầu năm đại biểu, bang New York được bầu sáu đại biểu, bang New Jersey bốn đại biểu, bang Pennsynvania tám đại biểu, bang Delaware một đại biểu, bang Maryland sáu đại biểu, bang Virginia mười đại biểu, bang Bắc Carolina năm đại biểu, bang Nam Carolina năm đại biểu và bang Georgia ba đại biểu.

(4) Khi khuyết ghế dân biểu ở bất cứ một bang nào thì chính quyền ở đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào những chỗ trống đó.

(5) Hạ viện sẽ bầu ra Chủ tịch và các quan chức khác của Viện và họ là những người duy nhất có quyền kết tội các quan chức.

điều I, Khoản 3

Thượng Viện

(1) Thượng viện Hoa Kỳ sẽ gồm có hai thượng nghị sĩ của mỗi bang [do cơ quan lập pháp ở đó bầu ra] với nhiệm kỳ 6 năm và mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một phiếu biểu quyết.

2) Ngay sau khi Thượng viện được bầu ra và nhóm họp lần đầu, các thượng nghị sĩ sẽ được phân chia sao cho đồng đều thành ba cấp. Thượng nghị sĩ cấp 1 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ, thượng nghị sĩ cấp 2 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, thượng nghị sĩ cấp 3 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 6, sao cho sau mỗi hai năm có thể bầu lại một phần ba thượng nghị sĩ. [Và khi có chỗ trống do từ chức hoặc nguyên nhân nào khác trong thời gian ngừng họp của cơ quan lập pháp ở bất cứ bang nào, thì chính quyền ở đó có thể tạm thời bổ nhiệm cho đến kỳ họp tiếp đó của cơ quan lập pháp và khi đó sẽ bổ sung vào chỗ trống].

(3) Những người được bầu làm thượng nghị sĩ phải ở độ tuổi 30 trở lên và có 9 năm là công dân Hoa Kỳ, đồng thời khi được bầu phải là cư dân của bang mà người đó được tuyển chọn.

(4) Phó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là Chủ tịch Thượng viện, nhưng không có quyền bỏ phiếu, trừ trường hợp số phiếu chống ngang nhau khi biểu quyết.

(5) Thượng viện lựa chọn những quan chức khác và cả Chủ tịch Lâm thời khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ vắng mặt hoặc khi Phó Tổng thống đảm nhận chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ.

(6) Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả các vụ bị kết tội. Khi nhóm họp để xét xử, thượng nghị sĩ sẽ phải tuyên thệ hoặc thề. Trong trường hợp xét xử Tổng thống, Chánh án Tòa án Tối cao sẽ chủ tọa phiên tòa. Không một ai bị kết án nếu không được sự nhất trí của hai phần ba các thượng nghị sĩ có mặt.

(7) Mức án áp dụng trong những vụ buộc tội này không vượt quá sự cách chức và tước quyền của bị cáo đang đảm nhận một chức tước danh dự, có lợi tức hoặc có lợi lộc trong chính quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tuy vậy họ vẫn có thể bị truy tố, xét xử, kết án và trừng phạt theo luật định.

điều I, Khoản 4

Tổ Chức Của Quốc Hội

(1) Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành bầu cử thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ do cơ quan lậppháp của mỗi bang qui định. Nhưng vào bất cứ lúc nào Quốc hội cũng có thể dựa theo luật đặt ra hoặc thay đổi các qui định đó, [chỉ trừ qui định về địa điểm bầu thượng nghị sĩ].

(2) Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần [và phiên họp này sẽ vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 12], trừ trường hợp Quốc hội có thể qui định một ngày khác dựa theo luật.

điều I, Khoản 5

(1) Mỗi Viện sẽ có thẩm quyền về cuộc bầu cử của mình, về kết quả của cuộc bầu cử đó và về việc đánh giá tiêu chuẩn của các nghị sĩ. a số trong mỗi Viện sẽ tổ chức một nhóm đại biểu theo qui định để triển khai công việc, còn thiểu số có quyền trì hoãn phiên họp và có thể được trao quyền buộc những thành viên vắng mặt phải tham gia công việc theo đúng thể thức và phải nhận một hình thức kỷ luật theo qui chế của mỗi Viện.

(2) Mỗi Viện có thể quy định những qui chế của mình, thi hành kỷ luật những thành viên có hành vi sai phạm và khai trừ một thành viên với sự nhất trí của hai phần ba số thành viên.

(3) Mỗi Viện ấn hành một tờ nội san về công việc của mình và thông báo theo định kỳ các công việc đó trên tờ nội san, trừ những việc mà Viện cho là cần phải giữ bí mật. Những phiếu thuận và phiếu chống của các thành viên thuộc hai Viện về mọi vấn đề sẽ được công bố trên nội san theo yêu cầu của một phần năm các thành viên có mặt.

(4) Trong thời gian khóa họp của Quốc hội, nếu không được sự đồng ý của Viện kia, thì không một Viện nào có thể nghỉ họp quá ba ngày hoặc chuyển sang địa điểm khác với địa điểm mà hai Viện đã quyết định.

điều I, Khoản 6

(1) Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ được nhận một khoản trợ cấp cho công việc của mình do luật định và được Ngân khố của Hợp chủng quốc thanh toán. Trong mọi trường hợp, trừ khi có tội phản quốc, trọng tội và tội vi phạm nền an ninh, họ được hưởng đặc quyền không bị bắt giam trong thời gian tham dự khóa họp của Viện, trong khi tới cuộc họp và trở về nhà từ cuộc họp. đối với những lời phát biểu và tranh luận của họ trong cả hai Viện này, họ có quyền không bị chất vấn ở những nơi khác.

(2) Trong thời gian được bầu làm thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ, không một ai sẽ được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự trong Chính quyền Hoa Kỳ. Trong thời gian đó tiền lương của họ sẽ không bị giảm và không một ai đang đảm nhiệm một chức vụ dân sự nào trong Chính quyền Hoa Kỳ được bầu vào Quốc hội.

điều I, Khoản 7

(1) Tất cả dự luật về tích lũy tổng thu nhập sẽ do Hạ viện đề xuất, nhưng Thượng viện có quyền đề nghị hoặc chấp thuận những điều sửa đổi trong các dự luật này cũng như đối với những dự luật khác.

(2) Mỗi dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi trở thành luật đều phải đệ trình lên Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu tán thành, Tổng thống sẽ ký nhận, nếu không Tổng thống sẽ trả lại Viện đưa ra dự luật đó cùng với ý kiến không tán thành. Viện này sẽ thông báo rộng rãi ý kiến không tán thành trong nội san và tiến hành xem xét lại dự luật. Nếu sau khi xem xét lại và hai phần ba thành viên của Viện đó đồng ý thông qua dự luật, thì nó sẽ được gửi cho Viện kia, kèm theo ý kiến không tán thành. Và Viện đó cũng sẽ xem xét. Nếu được hai phần ba thành viên của Viện đó phê chuẩn, thì nó sẽ trở thành một đạo luật. Nhưng trong các trường hợp này, phiếu bầu của cả hai Viện đều phải ghi rõ tán thành hay không tán thành. Tên của những người tán thành và không tán thành dự luật sẽ được đưa vào nội san của mỗi Viện. Những dự luật mà Tổng thống không gửi trả lại trong vòng 10 ngày (không kể chủ nhật) sau khi đệ trình lên sẽ trở thành đạo luật, coi như Tổng thống đã ký phê chuẩn, trừ trường hợp Quốc hội đang không nhóm họp nên Tổng thống không thể gửi trả lại cho Quốc hội được và trong trường hợp đó thì dự luật sẽ không trở thành luật.

(3) Những mệnh lệnh, nghị quyết hoặc biểu quyết cần sự nhất trí của Thượng viện và Hạ viện (trừ trường hợp Quốc hội nghỉ họp), sẽ được đệ trình lên Tổng thống Hoa Kỳ, và trước khi có hiệu lực, chúng phải qua sự phê chuẩn của Tổng thống, hoặc nếu Tổng thống không chấp thuận, cần phải có sự chấp thuận lần thứ hai của hai Viện với hai phần ba thành viên của mỗi Viện, theo đúng các qui chế và giới hạn được qui định cho các trường hợp về dự luật.

điều I, Khoản 8

Quyền Hạn Của Quốc Hội

Quốc hội sẽ có quyền:

(1) Đặt ra và thu các khoản thuế, thuế quan, thuế môn bài để trả các khoản nợ và chi phí cho quốc phòng và phúc lợi công cộng của Hoa Kỳ. Nhưng các khoản thuế quan và thuế môn bài đều phải thống nhất trên toàn cõi Hoa Kỳ.

(2) Vay tiền theo tín dụng cho Hoa Kỳ.

(3) Qui định về thương mại với ngoại quốc, giữa các bang và với các bộ lạc da đỏ.

(4) Xây dựng đạo luật thống nhất về việc nhập quốc tịch và luật thống nhất trong toàn lãnh thổ Hoa Kỳ về các vấn đề phá sản.

(5) đúc và in tiền, qui định giá trị của đồng tiền trong nước và đồng tiền nước ngoài, xác định tiêu chuẩn cân đo.

(6) Trừng phạt những vụ làm giả trái phiếu và đồng tiền đang lưu hành ở Hoa Kỳ.

(7) Xây dựng các trạm bưu điện và mạng lưới bưu điện.

(8) Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các nghệ thuật hữu ích bằng cách đảm bảo quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định.

(9) Thiết lập các tòa án dưới quyền của Tòa án Tối cao.

(10) Xác định rõ và trừng phạt các tội cướp biển và trọng tội xẩy ra trên biển và những sự vi phạm luật pháp quốc tế. (11) Tuyên chiến, ban bố văn bản trao quyền cho các tầu tư nhân được phép tấn công các tầu nước ngoài và soạn thảo những luật liên quan tới sự chiếm dụng đất và nguồn nước.

(11) Tuyên chiến, ban bố văn bản trao quyền cho các tầu tư nhân được phép tấn công các tầu nước ngoài và soạn thảo những luật liên quan tới sự chiếm dụng đất và nguồn nước.

(12) Nuôi dưỡng và cung cấp cho quân đội, nhưng việc chi tiêu khoản tiền này chỉ trong thời hạn không quá hai năm.

(13) Thiết lập và duy trì quân chủng hải quân.

(14) Soạn thảo các luật lệ và các qui chế về lực lượng lục quân và hải quân.

(15) Trù liệu việc xây dựng lực lượng dự bị nhằm thực thi luật pháp của Liên bang, trấn áp các cuộc phiến loạn và đẩy lùi xâm lăng.

(16) Trù liệu sự tổ chức, vũ trang và duy trì kỷ luật các lực lượng dự bị của các bang, và trù liệu việc lãnh đạo các lực lượng này khi nào được huy động vào lực lượng liên bang Hoa Kỳ, trong khi vẫn giành cho các bang cụ thể quyền bổ nhiệm sỹ quan và quyền huấn luyện lực lượng dự bị của mỗi bang theo chuyên ngành mà Quốc hội đã quy định.

(17) Thực thi quyền lập pháp đặc biệt trong mọi trường hợp đối với những quận huyện (diện tích không quá 10 hải lý vuông) bằng cách Quốc hội tiếp nhận sự nhượng quyền của các bang đặc biệt, trở thành cơ quan lãnh đạo của Chính phủ Hoa Kỳ và thực thi quyền lãnh đạo đối với tất cả những địa điểm đã được mua lại theo sự đồng ý của cơ quan lập pháp của bang và cũng theo cách như vậy xây dựng các pháo đài, kho vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, kho cảng và các cơ sở cần thiết khác.

(18) Soạn thảo mọi điều luật cần thiết và đúng đắn để thực thi những quyền lực nói trên, cũng như tất cả những quyền lực khác đã được Hiến pháp này trao cho Chính phủ Hoa Kỳ, hoặc cho bất cứ một cơ quan và quan chức nào khác.

điều I, Khoản 9

Các Quyền Không Cho Phép Đối Với Quốc Hội

(1) Việc nhập cư hoặc nhập khẩu của những người hiện đang sống ở bất cứ bang nào sẽ được cân nhắc để chấp nhận, sẽ không bị Quốc hội cấm đoán trước năm 1808, nhưng sẽ đánh thuế không quá 10 đô-la cho mỗi người nhập cư.

(2) Quyền được tòa án thẩm định lý do bắt giam sẽ không bị tước đoạt, trừ trường hợp có phiến loạn và xâm lược và do yêu cầu nhằm đảm bảo nền an ninh chung.

(3) Lệnh tước quyền công dân và tử hình không cần xét xử sẽ không được thông qua.

(4) Sẽ không đặt ra loại thuế thân [hoặc các loại thuế trực thu khác], nếu không tương ứng với cuộc điều tra dân số kể trên trong điều này.

(5) Sẽ không đặt ra loại thuế hoặc thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ bất cứ bang nào.

(6) Trong những quy chế về thương mại và thu nhập sẽ không có sự ưu tiên nào đối với bến cảng của bất cứ bang nào so với những bang khác. Tầu thuyền từ một bang nào đó sẽ không bị bắt buộc phải cập bến, chịu sự kiểm tra và nộp thuế ở một bang khác.

(7) Sẽ không được rút bất cứ khoản tiền nào từ Ngân khố, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Bản báo cáo tài chính thu chi thường kỳ của những khoản tiền công cộng phải được công bố thường xuyên.

(8) Hoa Kỳ sẽ không ban tặng các tước hiệu quý tộc. Những người đảm nhận những chức vụ có lợi tức nếu không được sự đồng ý của Quốc hội sẽ không được phép nhận bất cứ quà tặng, lương bổng, hoặc bất cứ danh hiệu, tước vị nào do vua chúa hoặc chính phủ nước ngoài nào trao tặng.

điều I, Khoản 10

Các Quyền Không Cho Phép Đối Với Các Bang

(1) Không một bang nào được phép tham gia vào bất cứ một hiệp ước, khối đồng minh hoặc liên hiệp nào; không được phép cấp giấy phép trưng dụng, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài; không được đúc tiền hoặc phát hành trái phiếu; hoàn toàn không được dùng các đồng tiền vàng và bạc để thanh toán các khoản nợ; không được thông qua luật trừng phạt con người mà không qua xét xử và luật trừng phạt con người về một hành vi không vi phạm pháp luật hoặc một đạo luật nào phương hại đến nghĩa vụ thực hiện hợp đồng; không được ban tặng các tước hiệu quý tộc.

(2) Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không một bang nào được đặt ra thuế và thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu và xuất khẩu, trừ trường hợp hết sức cần thiết cho việc thực hiện các điều luật về thanh tra, và hệ thống thuế đánh vào hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu do một bang nào đó đặt ra sẽ phải đóng góp cho Ngân khố Hoa Kỳ, đồng thời tất cả các điều luật này đều phải đệ trình lên để Quốc hội xét duyệt và kiểm soát.

(3) Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không một bang nào được đánh thuế tàu, duy trì các đội quân và tàu chiến trong thời kỳ hòa bình, ký kết hiệp định hoặc thỏa ước với một bang khác hoặc với lực lượng nước ngoài hoặc tham gia vào cuộc chiến tranh, trừ trường hợp thực sự bị xâm lược hoặc lâm vào tình trạng sắp xẩy ra nguy biến và không thể trì hoãn.
Điều II

điều II, Khoản 1

Ngành Hành Pháp

(1) Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống giữ chức vụ của mình trong nhiệm kỳ 4 năm và cùng với Phó Tổng thống cũng được bầu ra theo cùng một nhiệm kỳ và được bầu cử theo thể thức sau đây:

(2) Theo thể thức mà cơ quan lập pháp ở đó qui định, mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ mà bang sẽ bầu ra trong Quốc hội. Nhưng không một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đảm nhiệm chức vụ có lợi tức sẽ được chọn làm đại cử tri.

(3) [Các đại cử tri sẽ họp ở bang của mình và bỏ phiếu bầu hai người và ít nhất một trong hai người không phải là cư dân trong cùng một bang vớingười kia. Họ sẽ lập bản danh sách về những người đi bầu và số phiếu bầu của mỗi người, ký và xác nhận vào danh sách, gắn xi niêm phong và chuyển lên cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ, đệ trình lên Chủ tịch Thượng viện. Với sự có mặt của Thượng viện và Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện sẽ mở tất cả cứ liệu đã được xác nhận và sẽ đếm số lượng phiếu bầu. Người có nhiều phiếu bầu nhất sẽ là Tổng thống, nếu như số phiếu bầu này chiếm đa số trong tổng số các đại cử tri được bầu ra, và nếu từ hai người trở lên có đa số phiếu bầu và có số phiếu bầu bằng nhau, thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu để bầu một trong những người đó làm Tổng thống. Nếu không người nào có đa số phiếu bầu, thì Hạ viện cũng theo thể thức như vậy, chọn 5 người có số phiếu bầu nhiều nhất trong danh sách để bầu ra Tổng thống. Nhưng trong việc bầu Tổng thống, công việc bầu cử tiến hành ở các bang, hạ nghị sĩ ở mỗi bang có một phiếu bầu. Số đại biểu tiến hành công việc này sẽ gồm một thành viên hoặc những thành viên thuộc hai phần ba số bang và điều cần thiết cho cuộc bầu cử phải gồm đại biểu của đa số các bang. Trong mọi trường hợp, sau khi bầu Tổng thống, người có số phiếu nhiều nhất do các đại cử tri bầu cho sẽ là Phó Tổng thống. Nhưng nếu từ hai người trở lên có số phiếu bầu bằng nhau, thì Thượng viện sẽ chọn trong số đó để bỏ phiếu bầu ra Phó Tổng thống].

(4) Quốc hội có thể quyết định thời gian bầu các đại cử tri và ngày mà các đại cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu cử và đó sẽ là cùng một ngày trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

(5) Người có đủ tiêu chuẩn được bầu làm Tổng thống phải là công dân sinh ra tại bản địa hoặc là công dân Hoa Kỳ trong thời gian thực hiện Hiến pháp này, từ 35 tuổi trở lên và đã có 14 năm cư trú ở Hoa Kỳ.

(6) Trong trường hợp Tổng thống bị cách chức hoặc qua đời, từ chức hoặc không đủ năng lực trong việc thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình, thì mọi quyền lực và nhiệm vụ sẽ chuyển giao cho Phó Tổng thống. Quốc hội sẽ căn cứ vào luật bổ khuyết một quan chức vào ghế trống trong các trường hợp truất quyền, tử vong, từ chức hoặc không đủ năng lực của cả Tổng thống và Phó Tổng thống; quan chức nào thay quyền Tổng thống hoặc Phó Tổng thống sẽ thi hành nhiệm vụ cho đến khi chấm dứt tình trạng không đủ năng lực và khi đã bầu được Tổng thống mới.

(7) Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống sẽ được nhận một khoản tiền lương trả cho công việc của mình, khoản tiền này sẽ không tăng và cũng không giảm trong suốt nhiệm kỳ này và Tổng thống cũng không có quyền được nhận bất cứ một khoản tiền nào khác của Hoa Kỳ hoặc bất cứ một bang nào.

(8) Trước khi bắt đầu điều hành văn phòng của mình, Tổng thống sẽ tuyên thệ hoặc thề như sau: “Tôi trân trọng tuyên thệ (hoặc thề) rằng tôi sẽ giữ chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ với lòng trung thành và tận dụng hết khả năng của mình để duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ”.

điều II, Khoản 2

(1) Tổng thống sẽ là Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ và của lực lượng dự bị ở một số bang. Khi bắt đầu thực sự bắt tay vào công, Tổng thống có thể yêu cầu các quan chức phụ trách các cơ quan hành pháp đề xuất ý kiến bằng văn bản về bất cứ vấn đề nào liên quan tới nhiệm vụ của những cơ quan đó. Tổng thống có quyền hủy bỏ bản án hoặc ân xá đối với những hành vi chống lại Hoa Kỳ, trừ những trường hợp xét xử các vụ trọng tội.

(2) Theo thỏa thuận và sự đồng ý của Thượng viện - với sự nhất trí của hai phần ba số thượng nghị sĩ có mặt, Tổng thống có quyền ký kết các điều ước. Và cũng theo thỏa thuận, đồng ý của Thượng viện, Tổng thống sẽ bổ nhiệm các đại sứ, các công sứ, lãnh sự, các quan tòa của Tòa án Tối caovà những quan chức khác của Hoa Kỳ. Những việc bổ nhiệm này không làm trái với những qui định và sẽ được thực hiện theo luật định, nhưng Quốc hội có thể căn cứ vào các điều luật mà thực hiện quyền bổ nhiệm các quan chức cấp dưới trong các tòa án hoặc các vụ việc mà họ cho là phù hợp.

(3) Tổng thống sẽ có quyền bổ sung vào những chỗ trống có thể xẩy ra trong thời gian giữa hai kỳ họp của Thượng viện bằng cách cấp giấy ủy nhiệm có thời hạn đến cuối kỳ họp sau của Thượng viện.

điều II, Khoản 3

Theo thường lệ, Tổng thống sẽ thông báo thường kỳ cho Quốc hội về tình hình của Liên bang và đề nghị Quốc hội xem xét những biện pháp mà Tổng thống thấy cần thiết và thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, Tổng thống có quyền triệu tập hai Viện hoặc một trong hai Viện. Trong trường hợp bất đồng giữa hai Viện về thời gian hoãn họp, Tổng thống sẽ quyết định về thời gian cuộc họp sẽ hoãn đến bao giờ mà Tổng thống cho là thích hợp. Tổng thống sẽ tiếp kiến các đại sứ và các công sứ. Tổng thống đôn đốc việc thi hành pháp luật một cách đúng đắn và sẽ giao phó nhiệm vụ cho tất cả các quan chức của Hoa Kỳ.

điều II, Khoản 4

Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hoa Kỳ sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ cùng những tội nghiêm trọng khác.
Điều III

điều III, Khoản 1

Ngành Tư Pháp

Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án Tối cao và những tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp. Các quan tòa của Tòa án Tối cao và các tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình đến suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng, và trong thời gian đã nêu trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó.

điều III, Khoản 2

(1) Quyền lực tư pháp căn cứ vào Hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý, các điều luật của Hoa Kỳ, các hiệp ước đã hoặc sẽ ký dưới thẩm quyền của Chính phủ; đối với các trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, đối với các trường hợp liên quan tới luật pháp hàng hải và hải quân; đối với các tranh chấp mà Hoa Kỳ là một bên, đối với các cuộc tranh chấp giữa hai bang trở lên, giữa một bang với các công dân của bang khác, giữa các công dân của các bang khác nhau, giữa các công dân trong một bang tranh chấp đất đai do các bang khác nhau cấp, giữa một bang hoặc các công dân của bang đó với các bang khác [hoặc các công dân và đối tượng của bang khác].

(2) Trong các trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, và các trường hợp mà một bang thuộc về một bên, thì Tòa án Tối cao phải mở phiên tòa sơ thẩm. Trong những trường hợp khác, căn cứ vào luật pháp, vụ việc và cả những ngoại lệ và tuân theo những quy chế do Quốc hội đề xuất, Tòa án Tối cao sẽ mở phiên tòa phúc thẩm.

(3) Trừ những trường hợp bị buộc trọng tội, việc xét xử các tội sẽ phải thông qua Bồi thẩm đoàn và phiên tòa xét xử sẽ mở tại bang đã xẩy ra vụ việc phạm tội. Nhưng nếu vụ việc không xẩy ra trong bất cứ bang nào, thì phiên tòa sẽ họp ở một nơi mà Quốc hội căn cứ vào luật để quyết định.

điều III, Khoản 3

(1) Tội phản quốc chống lại Hoa Kỳ bao gồm hành vi gây chiến tranh tấn công nước này hoặc ủng hộ kẻ thù, trợ giúp và úy lạo chúng. Không một ai bị phán quyết về tội phản quốc, trừ phi có hai người làm chứng về hành vi phạm tội hoặc có sự thú tội công khai trước tòa.

(2) Quốc hội có quyền xác định hình phạt cho tội phản quốc. Nhưng không một sự trừng phạt nào hay việc tịch thu tài sản lại thực hiện đối với những người thân của kẻ phạm tội, mà chỉ thực hiện đối với bản thân họ mà thôi.

điều IV*

(*Hầu hết nội dung của điều này đều lấy nguyên bản từ các Điều khoản Hợp bang cũ).
Điều IV

điều IV, Khoản 1

Mối Quan Hệ Giữa Các Bang

Mỗi bang đều phải tin tưởng tuyệt đối vào các điều luật, hồ sơ và thủ tục tố tụng của các bang khác. Quốc hội bằng những luật có tính chất chung quy định cách thức chứng thực các điều luật, hồ sơ và thủ tục tố tụng đó, cũng như hiệu lực của chúng.

điều IV, Khoản 2

(1) Công dân của mỗi bang sẽ được hưởng mọi đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm như công dân của các bang khác.

(2) Cá nhân bị truy tố về tội phản quốc, trọng tội hoặc một tội nào khác mà trốn tránh pháp luật và bị tìm thấy ở một bang khác, thì theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của bang mà người đó chạy trốn, sẽ bị trao trả lại và dẫn độ về bang có thẩm quyền xét xử.

(3) [Không một cá nhân nào vốn bị giam cầm, quản thúc, khổ sai ở một bang bỏ trốn sang một bang khác lại có thể dựa vào luật lệ và qui chế ở địa phương mới để trốn tránh những hình phạt nói trên, ngược lại cá nhân đó phải được trao trả lại theo yêu cầu của bên mà cá nhân đó buộc phải làm việc và lao động].

điều IV, Khoản 3

Mối Quan Hệ Giữa Bang Và Liên Bang

(1) Những bang mới có thể được Quốc hội chấp nhận gia nhập vào Liên bang này; nhưng không một bang mới nào sẽ được thành lập hoặc dựng nên dưới thẩm quyền của bất cứ bang nào khác; cũng không một bang nào sẽ được hình thành bằng cách sát nhập hai bang trở lên hoặc các vùng của các bang khác nếu không được sự đồng ý của cơ quan lập pháp ở các bang có liên quan cũng như của Quốc hội.

(2) Quốc hội có quyền hoạch định và xây dựng các luật lệ và qui chế cần thiết liên quan tới lãnh thổ hoặc sở hữu khác thuộc về Hoa Kỳ; và không một điều nào trong Hiến pháp này sẽ được giải thích làm tổn hại đến bất cứ tuyên bố nào của Hoa Kỳ hay của bất cứ một bang cụ thể nào khác.

điều IV, Khoản 4

Hoa Kỳ sẽ đảm bảo cho mỗi bang trong Liên bang này một thể chế chính quyền cộng hoà; và sẽ bảo vệ mỗi bang chống lại sự xâm lược; và theo yêu cầu của cơ quan lập pháp hoặc hành pháp (khi cơ quan lập pháp không thể nhóm họp) để chống lại tình trạng bạo lực trong nước.

Điều V

Sửa Đổi Hiến Pháp

Khi hai phần ba thành viên của cả hai Viện đều xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở hai phần ba các bang, Quốc hội sẽ đưa ra những điều sửa đổi đối với Hiến pháp này và sẽ triệu tập đại hội để đề xuất những điều sửa đổi; cả trong hai trường hợp chúng đều có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang, hoặc bởi ại hội của ba phần tư các bang, theo một thể thức phê chuẩn do Quốc hội đề nghị với điều kiện là không một điều sửa đổi nào có thể được đề xuất trước năm 1808 theo một cách thức ảnh hưởng đến đoạn 1 và đoạn 4 trong khoản 9 của iều 1; và không một bang nào, nếu bản thân không đồng ý, lại có thể bị tước đoạt quyền bỏ phiếu bình đẳng trong Thượng viện.

Điều VI

Các Khoản Nợ Quốc Gia

(1) Mọi khoản nợ đã ký kết và những cam kết có trước khi thông qua Hiến pháp này vẫn có hiệu lực đối với Liên bang được thành lập trong khuôn khổ Hiến pháp này cũng như đối với Liên minh cũ.

Quyền Tối Cao Của Chính Phủ Quốc Gia

(2) Hiến pháp này, các đạo luật của Hoa Kỳ được ban hành theo Hiến pháp này, mọi điều ước đã hoặc sẽ được ký kết dưới thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ là luật tối cao của quốc gia. Quan tòa ở các bang đều phải tuân theo những luật này; bất cứ một điều gì trong Hiến pháp hoặc luật của các bang mà trái ngược với Hiến pháp Liên bang đều không có giá trị.

(3) Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, các thành viên của cơ quan lập pháp các bang, các quan chức trong cơ quan hành pháp của Liên bang lẫn tiểu bang đều phải tuyên thệ hoặc xác nhận sự ủng hộ Hiến pháp này. Nhưng không một điều kiện tôn giáo nào bị coi là bắt buộc như tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức vụ, công sở của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Điều VII

Phê Chuẩn Hiến Pháp

Việc các đại hội của 9 bang phê chuẩn là đủ điều kiện để thiết lập hiến pháp giữa các bang (vốn cũng tham gia phê chuẩn Hiến pháp này).

(Tuyên bố sau đây cho thấy những sửa chữa của người sao chép đối với tài liệu gốc)

Từ “the” viết xen vào giữa dòng thứ bảy và thứ tám của trang thứ nhất, từ thirty” được viết một phần vào phần xóa bỏ trong dòng thứ 15 của trang thứ nhất, từ “is tried” được viết xen vào giữa dòng thứ 32 và 33 của trang thứ nhất và từ “the” được viết xen vào giữa dòng thứ 43 và 44 của trang thứ hai.

- Thư ký William Jackson chứng thực

Hiến pháp được đại biểu các bang có mặt nhất trí thông qua trong đại hội vào ngày 17 tháng 9 năm 1787 Thiên chúa Giáng sinh, vào năm độc lập thứ 12 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. để chứng thực, chúng tôi có mặt tại đây đồng ý và ký tên.

Go. Washington - Tổng thống, đại biểu Bang Virginia
Bang Delaware

Geo: Read

Gunning Bedford Jun

John Dickinson

Richard Bassett

Jaco: Broom

Bang Maryland

James Mchenry

Dan Of St Thos. Jenifer

Danl Carroll

Bang Virginia

John Blair

James Madison Jr.

Bang Bắc Carolina

Wm. Blount

Richd. Dobbs Spaight

Hu Williamson

Bang Nam Carolina

J. Rutledge

Charles Cotesworth

Pinckney

Charles Pinckney

Pierce Butler

Bang Georgia

William Few

Abr Baldwin

Bang Newhampshire
John Langdon
Nicholas Gilman
Bang Massachusetts

Nathaniel Gorham


Rufus King


Bang Connecticut


Wm. Saml. Johnson


Roger Sherman


Bang New York


Alexander Hamilton


Bang New Jersey


Wil: Livingston


David Brearley


Wm. Paterson


Jona: Dayton


Bang Pennsylvania


B Franklin


Thomas Mifflin


Robt Morris


Geo. Clymer


Thos. Fitzsimons


Jared Ingersoll


James Wilson


Gouv Morris



Các Điều Bổ Sung Sửa Đổi Của Hiến Pháp Hoa Kỳ

Tuyên ngôn Nhân quyền

(Mười điều bổ sung sửa đổi đầu tiên, còn được gọi là Tuyên ngôn nhân quyền, đã được thông qua năm 1791).

Lời tựa cho Tuyên ngôn Nhân quyền

Quốc hội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Bắt đầu và diễn ra tại Thành phố New York, vào thứ Tư, ngày 4 tháng 3 năm 1789.

Các hội nghị của một số bang, vào thời điểm thông qua Hiến pháp này, đã bày tỏ một mong muốn, nhằm tránh việc vận dụng sai hoặc lạm dụng quyền lực của nó, rằng cần thêm vào những điều khoản có tính giải thích và hạn chế: Và những điều khoản này, trong khi làm tăng thêm cơ sở cho sự tin tưởng của công chúng vào Chính phủ, sẽ bảo đảm tốt nhất những mục đích tốt đẹp của thể chế này.

Được quyết định bởi Thượng viện và Hạ viện Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong phiên họp của Quốc hội, với hai phần ba các nghị sĩ của cả hai Viện tán thành, rằng các Điều khoản sau đây sẽ được đề xuất với cơ quan lập pháp của một số bang như các Điều bổ sung sửa đổi của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; tất cả, hoặc bất kỳ Điều khoản nào, sau khi được phê chuẩn bởi ba phần tư các cơ quan lập pháp nói trên, sẽ có hiệu lực trên thực tế như một bộ phận của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Các Điều khoản bổ sung, và Điều bổ sung sửa đổi của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, được đề xuất bởi Quốc hội và được thông qua bởi cơ quan lập pháp của một số bang, là tuân theo Điều V của Hiến pháp ban đầu.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 1

Tự Do Tín Ngưỡng, Tự Do Ngôn Luận Và Báo Chí; Quyền Hội Họp Và Kiến Nghị

Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 2

Quyền Mang Vũ Khí

Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 3

Nơi Ở Của Binh Lính

Không một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo qui định của luật pháp.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 4

Lệnh Truy Nã Và Bắt Giữ

Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 5

Quyền Trong Các Vụ Án Hình Sự

Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 6

Quyền Được Xét Xử Công Bằng

Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 7

Quyền Trong Các Vụ Án Dân Sự

Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đô-la, thì quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào đã được Bồi thẩm đoàn xét xử lại phải xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hoa Kỳ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 8

Tiền Bảo Lãnh, Tiền Phạt Và Hình Phạt

Không đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 9

Quyền Của Nhân Dân

Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.

Tuyên ngôn Nhân quyền

điều bổ sung sửa đổi thứ 10

Quyền Của Các Bang Và Của Nhân Dân

Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 11

Các Vụ Kiện Chống Lại Các Bang

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 4/3/1794 và được thông qua vào ngày 7/2/1795.

Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ không được giải thích với mục đích mở rộng ra các vụ tố tụng về luật pháp hay công lý mà công dân của một bang khác hoặc công dân và đối tượng của một nước khác dựa vào đó để khởi kiện hoặc truy tố một bang của Hoa Kỳ.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 12

Bầu Tổng Thống Và Phó Tổng Thống

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 9/12/1803 và được thông qua vào ngày 27/7/1804.

Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng bang của họ và bằng lá phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. ít nhất một trong hai người này sẽ không phải là cư dân cùng một bang với nhau. Họ sẽ ghi vào lá phiếu tên người được bầu là Tổng thống và trên lá phiếu khác tên người được bầu làm Phó Tổng thống. Và họ sẽ lập ra các bản danh sách khác nhau những người bầu cho Tổng thống, những người bầu cho Phó Tổng thống và cả số phiếu bầu cho mỗi người. Họ sẽ ký xác nhận vào những danh sách này, niêm phong và chuyển lên Chính phủ Hoa Kỳ, trình lên Chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện trước sự hiện diện của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và các phiếu bầu sẽ được đem ra đếm. Người có số phiếu nhiều nhất trong cuộc bầu cửTổng thống sẽ đắc cử Tổng thống nếu con số này là đa số trong tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không ai đạt số phiếu như vậy thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu Tổng thống trong những người có số phiếu bầu cao nhất, nhưng không quá 3 người. Nhưng trong việc bầu Tổng thống này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang, đại diện của mỗi bang có một phiếu bầu. Số đại biểu qui định để tiến hành việc này gồm một hoặc các thành viên của hai phần ba các bang và phải có đa số các bang. (Nếu Hạ viện đã được trao quyền bầu cử mà không bầu ra Tổng thống [trước ngày 4 tháng 3 tiếp theo], thì Phó Tổng thống sẽ là quyền Tổng thống, cũng giống như trường hợp Tổng thống qua đời hoặc không đủ năng lực như Hiến pháp quy định). Người có số phiếu bầu nhiều nhất cho Phó Tổng thống sẽ đắc cử Phó Tổng thống nếu số phiếu này là đa số phiếu của tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không có ai được đa số phiếu, thì Thượng viện sẽ căn cứ vào hai người có số phiếu cao nhất trong danh sách để bầu ra Phó Tổng thống. Số đại biểu cần thiết cho mục đích này gồm hai phần ba trong tổng số thượng nghị sĩ và đa số trong tổng số là tiêu chuẩn cần thiết để chọn lựa. Người nào không đủ tiêu chuẩn hợp hiến để đảm nhận chức vụ Tổng thống thì cũng không đủ tiêu chuẩn để được chọn làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 13

Bãi Bỏ Chế Độ Nô Lệ

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 31/1/1865 và được thông qua vào ngày 6/12/1865.

Khoản 1

Không một chế độ nô lệ hoặc lao dịch cưỡng bức nào có thể tồn tại ở Hoa Kỳ hoặc ở một nơi nào thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, trừ trường hợp trừng phạt thích đáng đối với tội phạm hình sự mà đương sự phạm phải.

Khoản 2

Quốc hội sẽ có quyền thực thi điều này bằng quyền lập pháp tương ứng.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 14

Quyền Công Dân

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 13/6/1866 và được thông qua vào ngày 9/7/1868.

Khoản 1

Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó, đều là công dân của Hoa Kỳ và của bang mà họ sinh sống. Không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền bất khả xâm phạm của công dân Hoa Kỳ. Cũng không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo một quy trình do luật định. Cũng không thể phủ nhận quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng của một cá nhân trong phạm vi thẩm quyền tài phán của bang đó.

Khoản 2

Số hạ nghị sĩ được phân chia theo tổng số nhân khẩu của các tiểu bang, [ngoại trừ những người da đỏ không phải nộp thuế]. Nhưng trong bất cứ một cuộc bầu cử đại cử tri (để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ), bầu cử các hạ nghị sĩ trong Quốc hội, các quan chức hành pháp và tư pháp của bang hoặc các thành viên của cơ quan lập pháp nơi đó, nếu quyền bầu cử của nam công dân tuổi 21 và là công dân Hoa Kỳ bị phủ nhận hoặc hoặc bị tước bỏ vì lý do nào đó (không kể trường hợp những người tham gia phiến loạn hoặc phạm các tội khác), thì số đại cử tri ở đó sẽ bị giảm bớt theo tỷ lệ giữa tổng số nam công dân và số nam công dân ở độ tuổi 21 tại bang đó.

Khoản 3

Những ai với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc một quan chức của Hoa Kỳ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của bang, hoặc quan chức hành chính hay tư pháp của bất cứ một bang nào đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp của Hoa Kỳ nhưng lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến pháp hoặc trợ giúp hay úy lạo kẻ thù, thì không thể là thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc phụ trách một cơ quan dân sự hay quân sự nào của Hoa Kỳ hay của một bang nào đó. Nhưng Quốc hội có thể với 2/3 số phiếu của hai phần ba thành viên mỗi Viện để bác bỏ sự nghiêm cấm nói trên.

Khoản 4

Giá trị của những khoản nợ công cộng của Hoa Kỳ, được luật pháp đảm bảo, kể cả những khoản nợ để trả cho các khoản phụ cấp và tiền thưởng cho công việc phục vụ trấn áp các cuộc nổi dậy và phiến loạn, không bị chất vấn. Tuy nhiên Hoa Kỳ và bất cứ bang nào đều không thừa nhận hoặc thanh toán các khoản nợ hay trái vụ liên quan tới sự hỗ trợ các cuộc nổi dậy và phiến loạn chống lại Hoa Kỳ, hoặc đối với những yêu cầu bồi thường cho tình trạng mất mát nô lệ hoặc giải phóng nô lệ. Những khoản tiền, nghĩa vụ và yêu cầu loại này phải bị coi là phi pháp và không có giá trị.

Khoản 5

Bằng luật lệ thích hợp, Quốc hội có quyền triển khai xem xét điều khoản này.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 15

Quyền Bỏ Phiếu Của Người Mỹ Gốc Phi

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 26/2/1869 và được thông qua vào ngày 3/2/1870.

Khoản 1

Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế, dựa vào lý do chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước đây.

Khoản 2

Quốc hội sẽ có quyền triển khai điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 16

Thuế Thu Nhập

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 12/7/1909 và được thông qua vào ngày 3/2/1913.

Quốc hội sẽ có quyền ban hành và thu các khoản thuế thu nhập có từ bất cứ nguồn nào mà không phân bổ tỷ lệ giữa các bang và không dựa vào bất cứ sự thống kê và điều tra dân số nào.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 17

Bầu Cử Trực Tiếp Thượng Nghị Sỹ

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 13/5/1912 và được thông qua vào ngày 8/4/1913.

(1) Thượng viện của Hoa Kỳ sẽ gồm có hai thượng nghị sĩ của mỗi bang do dân chúng ở đó bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm và mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một lá phiếu biểu quyết. ại cử tri ở mỗi bang phải có đủ phẩm chất cần thiết như là phẩm chất của đại cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.

(2) Khi có chỗ trống trong số đại diện của tiểu bang trong Thượng viện, cơ quan hành pháp của bang đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào chỗ trống, với điều kiện là cơ quan lập pháp của bang đó trao quyền tạm thời cho cơ quan hành pháp cho đến khi nhân dân bầu chọn được người bổ sung vào những chỗ trống theo luật lệ sẵn có.

(3) điều khoản này sẽ không được giải thích làm ảnh hưởng đến việc bầu cử hoặc nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ được bầu ra, cho đến khi nó có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 18

Luật Cấm Rượu

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 18/12/1917 và được thông qua vào ngày 16/1/1919.

Khoản 1

[Một năm sau khi phê chuẩn điều khoản này của Hiến pháp, việc sản xuất, mua bán hoặc chuyên chở các loại rượu có cồn ở trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài, xuất khẩu từ Hoa Kỳ và các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ đều bị cấm.

Khoản 2

Quốc hội và các bang có quyền lực như nhau khi triển khai điều khoản này của Hiến pháp.

Khoản 3

điều khoản này sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của các bang như một điều bổ sung của Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang như Hiến pháp quy định].

Điều bổ sung sửa đổi thứ 19

Quyền Bầu Cử của Phụ Nữ

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 4/6/1919 và được thông qua vào ngày 18/8/1920.

Khoản 1

Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hoặc bất cứ bang nào với lý do giới tính.

Khoản 2

Quốc hội có quyền thực hiện điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 20

Các Điều Khoản Về Tổng Thống Và Quốc Hội

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 2/3/1932 và được thông qua vào ngày 23/1/1933.

Khoản 1

Nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ kết thúc vào đúng trưa ngày 20 tháng giêng, và nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ kết thúc vào đúng trưa của ngày 3 tháng giêng của năm mà những nhiệm kỳ trên sẽ kết thúc, nếu điều khoản này vẫn chưa được phê chuẩn và nhiệm kỳ của những người kế nhiệm họ sẽ bắt đầu từ thời điểm đó.

Khoản 2

Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần và kỳ họp sẽ bắt đầu vào giữa trưa ngày 3 tháng 1, trừ trường hợp họ có thể căn cứ vào luật để xác định một ngày khác.

Khoản 3

Nếu vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống đắc cử qua đời, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ trở thành Tổng thống. Nếu trước thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống chưa đắc cử hoặc Tổng thống đã đắc cử nhưng không đủ tư cách, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ đảm đương cương vị Tổng thống cho đến khi Tổng thống được xác định là có đủ tư cách. Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quyết định về trường hợp khi cả Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử đều không đủ điều kiện, tuyên bố ai sẽ đứng ra đảm đương quyền Tổng thống hoặc xác định cách thức để chọn người đảm đương chức vụ Tổng thống cho đến khi Tổng thống hay Phó Tổng thống có đủ tư cách.

Khoản 4

Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quy định trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Hạ viện có thể chọn làm Tổng thống khi Hạ viện được trao quyền lựa chọn đó; và trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Thượng viện có thể chọn làm Phó Tổng thống khi Thượng viện được trao quyền lựa chọn đó.

Khoản 5

Khoản 1 và khoản 2 sẽ có hiệu lực bắt đầu vào ngày 15 tháng 10 sau khi điều khoản này được phê chuẩn.

Khoản 6

điều này của Hiến pháp sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn như những điều bổ sung của Hiến pháp bởi cơ quan lập pháp của ba phần tư các tiểu bang trong 7 năm kể từ ngày được đệ trình.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 21

Hủy bỏ các lệnh cấm

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 20/2/1933 và được thông qua vào ngày 5/12/1933.

Khoản 1

Kể từ nay, điều bổ sung sửa đổi số 18 của Hiến pháp bị bãi bỏ.

Khoản 2

Việc chuyên chở hay nhập khẩu nhằm cung cấp và sử dụng rượu có cồn ở bất cứ bang nào hoặc lãnh thổ và vùng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ mà vi phạm luật ở những nơi đó sẽ bị nghiêm cấm.

Khoản 3

điều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó được các đại hội của các bang phê chuẩn như một điều bổ sung của Hiến pháp, theo qui định của Hiến pháp, trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang.

Chú thích:

điều sửa đổi này chỉ đơn giản hủy bỏ Điều bổ sung sửa đổi thứ 18.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 22

Giới hạn nhiệm kỳ tổng thống trong hai nhiệm Kỳ

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 24/3/1947 và được thông qua vào ngày 27/2/1951.

Khoản 1

Không người nào được bầu giữ chức vụ Tổng thống quá hai nhiệm kỳ và không người nào đã đảm đương chức vụ Tổng thống hoặc là quyền Tổng thống quá hai năm trong nhiệm kỳ mà người khác đã đắc cử Tổng thống sẽ được bầu vào chức vụ Tổng thống hơn một nhiệm kỳ. Nhưng điều khoản này không áp dụng đối với những người đang giữ chức Tổng thống khi điều khoản này được Quốc hội đề nghị và sẽ không ngăn cản bất cứ ai có thể giữ chức Tổng thống hoặc quyền Tổng thống trong thời gian điều khoản này có hiệu lực đúng vào nhiệm kỳ của họ, vì vậy họ sẽ tiếp tục cương vị Tổng thống hay quyền Tổng thống trong thời gian nhiệm kỳ còn lại.

Khoản 2

điều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó sẽ được cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang phê chuẩn như một điều bổ sung vào Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển tới các bang.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 23

Quyền bầu cử trong quận Columbia

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 16/6/1960 và được thông qua vào ngày 29/3/1961.

Khoản 1

Các địa phương cấu thành nên các khu vực bầu cử chính quyền của Hoa Kỳ sẽ được tổ chức theo thể thức mà Quốc hội quy định như sau:

Số đại cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống mà các địa phương có được bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ trong Quốc hội, nếu đó là một bang, nhưng nếu số đại cử tri không nhiều hơn so với bang ít dân số nhất, thì họ sẽ được ghép vào số đại cử tri do các bang bổ nhiệm, nhưng xuất phát từ mục đích của cuộc bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, thì họ sẽ được coi là các đại cử tri do một bang bổ nhiệm, và họ sẽ họp với nhau ở khu vực bầu cử và hoàn thành trách nhiệm do điều 12 của Hiến pháp qui định.

Khoản 2

Quốc hội có quyền đem lại hiệu lực cho điều khoản này bằng luật lệ phù hợp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 24

Thuế bầu cử

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 27/8/1962 và được thông qua vào ngày 23/1/1964.

Khoản 1

Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ trong các vòng bầu cử sơ bộ, hoặc trong các cuộc bầu cử Tổng thống hay Phó Tổng thống, cuộc bầu đại cử tri để bầu Tổng thống, Phó Tổng thống, thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ trong Quốc hội, sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Hoa Kỳ hay một bang nào với lý do không có khả năng nộp thuế thân hoặc thuế khác.

Khoản 2

Quốc hội có quyền thực thi điều này bằng luật lệ phù hợp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 25

Tổng thống bị tàn phế và việc kế nhiệm

điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 6/7/1965 và được thông qua vào ngày 10/2/1967.

Khoản 1

Trong trường hợp Tổng thống bị phế truất, qua đời hoặc từ chức, Phó Tổng thống sẽ trở thành Tổng thống.

Khoản 2

Trong trường hợp vị trí Phó Tổng thống bị bỏ trống, Tổng thống sẽ chỉ định một người làm Phó Tổng thống, nhưng phải được đa số phiếu bầu của cả hai Viện trong Quốc hội.

Khoản 3

Trong trường hợp Tổng thống chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình và cho đến khi Tổng thống chuyển đến họ một văn bản với nội dung ngược lại thì những quyền lực và trách nhiệm đó sẽ do Phó Tổng thống thực thi với tư cách quyền Tổng thống.

Khoản 4

Trong mọi trường hợp khi Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương nào khác mà Quốc hội đã quy định bằng luật, chuyển lên Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản của họ tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi những quyền lực và trách nhiệm của mình, thì Phó Tổng thống sẽ ngay lập tức nắm quyền lực và trách nhiệm đó với tư cách quyền Tổng thống.

Sau đó, khi Tổng thống chuyển lên quyền Chủ tịch của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về năng lực của mình, Tổng thống có thể tiếp tục thực thi quyền lực và nhiệm vụ với điều kiện trong vòng 4 ngày Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương mà Quốc hội đã qui định chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về việc Tổng thống có đủ năng lực thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình.

Nếu không phải trong kỳ họp, trong vòng 48 tiếng đồng hồ Quốc hội sẽ phải họp để giải quyết vấn đề đó. Nếu Quốc hội trong vòng 21 ngày sau khi nhận được văn bản tuyên bố nói trên hoặc nếu vào thời điểm đó không phải là kỳ họp thì trong vòng 21 ngày, Quốc hội phải họp để với hai phần ba số phiếu của cả hai Viện quyết định về việc Tổng thống không thể thực thi các quyền và trách nhiệm của mình, và Phó Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi công việc đó với tư cách là quyền Tổng thống, trong trường hợp ngược lại, Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 26

Quyền bầu cử cho những người đủ 18 tuổi

Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 23/3/1971 và được thông qua vào ngày 1/7/1971.

Khoản 1

Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên sẽ không bị tước bỏ hoặc hạn chế bởi Liên bang hay bất cứ bang nào với lý do tuổi tác.

Khoản 2

Quốc hội có quyền thực hiện điều này bằng luật lệ thích hợp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 27

Lương của thành viên quốc hội

Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 25/9/1789 và được thông qua vào ngày 7/5/1992.

Trước cuộc bầu cử hạ nghị sĩ, không một điều luật nào nhằm thay đổi các khoản trợ cấp cho công việc của thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ có hiệu lực.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH VIỆC BỊ CẢNH SÁT XỬ DỤNG VŨ LỰC QUÁ ĐÁNG?

Chu tất Tiến

Mấy tháng gần đây, tại San Jose, Bắc California, đã xẩy ra ba (3) vụ cảnh sát xử dụng vũ lực một cách quá đáng, trong đó có hai người Việt Nam thiệt mạng và một sinh viên Việt bị đánh bằng tay và bằng súng điện. Cuối tháng 10, tại thành phố Garden Grove, lại một cụ ông trên 80 tuổi bị cảnh sát đánh bất tỉnh.

Vì những sự việc thương đau liên tiếp như thế, người viết đã mời Cảnh Sát Westminster đến phòng thâu hình đài Truyền Hình SBTN để phỏng vấn và Đại Úy Cảnh Sát Mitch Waller thuộc Ty Cảnh Sát thành phố Westminster, California đã nhận lời. Qua cuộc phỏng vấn, người viết đã tóm lược được những điểm chính yếu sau đây mà cộng đồng cần lưu tâm để tránh các sự việc bất hạnh xẩy ra trong tương lai:

1-Tại sao cảnh sát lại bắn người khi chính người trong gia đình gọi 911 nhờ giải quyết các vụ lộn xộn?

Trả lời: Khi bất cứ một người nào (trong gia đình hoặc hàng xóm) gọi đến số 911 để nhờ giải quyết một vụ lộn xộn, hoặc là bạo hành, hoặc mới chỉ đe dọa xuông, hoặc vì một bệnh nhân tâm thần gây nguy hiểm cho tính mạng của chính người bệnh ấy hay cho ai đó, người gọi điện thoại phải giữ máy điện thoại liên tục không nên chỉ nói vài lời “Help! Help! Có người cầm dao (cầm tuốc nơ vít…) đe dọa…” rồi cúp máy. Lý do: Người Cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ ở nơi khác không thể biết rõ tình trạng của sự lộn xộn như thế nào, chỉ nghe loáng thoáng là có người hăm dọa, hay cầm một thứ vũ khí nào đó, lập tức trong đầu người cảnh sát đã có tư tưởng phải tự vệ ngay.

Tinh thần họ đã căng thẳng, chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có vũ khí! Vì thế, khi tới hiện trường và nhìn thấy một ai cầm bất cứ thứ gì, “tuốc nơ vít” hay một con dao bếp, họ phải kêu gọi bỏ cái thứ đó xuống. Nếu người kia không bỏ xuống, vì không hiểu tiếng Anh, vì bệnh tâm thần, mà cứ giữ cái vật đó, những người cảnh sát thiếu kinh nghiệm, hoặc nhát gan, sẽ nổ súng ngay sau lời kêu gọi lần thứ ba, với mục đích để tự bảo vệ chính minh, và cũng để bảo vệ những người đứng gần đấy luôn! (Thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp khi cảnh sát đến nhà vì một vụ bạo hành trong gia đình, lại nhận ngay nhiều phát đạn bắn vào mình. Nhiều cảnh sát viên đã chết khi vừa bước vào cửa nhà để giải quyết vụ cãi nhau của vợ chồng.)

Nhưng nếu người gọi 911 mà bình tĩnh, biết cách nói chuyện, cứ giữ máy và cho càng nhiều thông tin càng giúp cho người Cảnh sát biết rõ sự việc, (người đe dọa là một người bệnh tâm thần, người này không biết tiếng Anh, hay người này đang say rượu…), họ sẽ biết cách giải quyết hợp lý hơn. Hai vụ cảnh sát bắn chết người đều do người gọi 911 không nói rõ chi tiết!

Kết luận (của người viết): Nên thật thận trọng khi gọi 911. Hãy suy nghĩ kỹ càng, đừng nóng vội, đừng bực tức, giận chồng, giận vợ, giận con, chán ông hàng xóm mà nhấc điện thoại gọi ngay 911 để giải quyết. Nên nhớ : Cảnh sát = vũ lực = vũ khí = sinh mạng.

2-Tại sao lại bắn người ta, khi người ấy chỉ cầm có một cái tuốc-nơ-vít vô hại?”

-Trả lời: Thời gian để cho một người cầm dao, tuốc-nơ-vít, hay một mảnh gương vỡ có thế nhẩy đến tấn công một người cảnh sát là 4 (bốn) giây. Khoảng cách cho một người cảnh sát có thể rút súng bắn cũng trong 4 giây là 21 feet (21 bộ). Do đó, cho dù chỉ cầm một miếng sắt nhọn và đứng trong tầm bắn 21 bộ, thì cũng có thể bị cảnh sát bắn tử thương. Một số băng đảng có võ nghệ có thể tấn công bằng tay chân, nếu cảnh sát đứng trong tầm 21 bộ.

Kết luận (của người viết): Cho dù có cầm vũ khí trong tay hay không, khi cảnh sát đến nhà, phải lập tức đứng yên, buông xuôi tay xuống, không cử động, để tránh tạo ra sự căng thẳng của cảnh sát. Chính người nhà nên khuyên bảo thân nhân của mình bỏ tất cả mọi thứ cầm trong tay xuống ngay khi thấy cảnh sát xuất hiện.

3-Trong khi lái xe, nếu bị cảnh sát chặn lại, có thể cúi xuống lấy ví, hoặc tìm giấy tờ xe ở trong “cốp” xe trước mặt không?

-Trả lời: Tuyệt đối không! Khi bị cảnh sát chặn lại, phải để hai tay trên vô lăng, cho cảnh sát thấy mình không có vũ khí đã, rồi sau khi người cảnh sát đứng bên cạnh xe, có thể nhìn rõ cử động của hai tay mình, lúc đó, mới hỏi người cảnh sát là “cho tôi lấy ví nhé!” hoặc “cho tôi lấy giấy tờ ở trong “cốp” xe này.. Được người cảnh sát ưng thuận, mới cúi xuống nhặt ví, hoặc mở “cốp” xe, hoặc vòng tay ra sau lấy ví ở túi sau…

4-Có thể mở cửa xe bước xuống để phân trần không?

-Trả lời: Tuyệt đối không! Không bao giờ tự động mở cửa xe và bước ra ngoài khi không có lệnh của cảnh sát. Dĩ nhiên, tuyệt đối không giơ tay, chân ra làm cử chỉ vung mạnh, hít thở, hay vươn vai.. Cảnh sát sẽ nghĩ rằng mình muốn đấm đá người ấy, và sẽ phản ứng ngay. Trường hợp ông cụ 80 tuổi ở Garden Grove bị đánh bất tỉnh, Cảnh sát cho biết là ông cụ giơ chân “đá” họ (?) cho nên họ mới phải phản ứng.

5-Có thể phản đối hành động mà mình cho là “sai trái” hoặc “kỳ thị” của cảnh sát không?

-Trả lời: Tuyệt đối không! Cho dù cảnh sát có lỗi, hoặc cố tình kỳ thị, thậm chí đến mức còng tay mình một cách oan uổng, cũng không bao giờ có cử chỉ chống cự lại. Cũng không nên bực bội, hăm he rằng: “Tôi sẽ thưa ông ra tòa!” Câu này làm cảnh sát bực lên, có thể nghĩ ra cách khác hại mình nặng tội thêm và cũng để bảo vệ họ trước! Nếu cảnh sát có còng mình oan uổng, cứ lẳng lặng làm theo lời, như câu châm ngôn ngày xưa trong quân đội: “Thi Hành trước, Khiếu Nại sau!” Sau khi mình “bị còng, bị nhốt vào bót” rồi, bấy giờ mình mới yêu cầu cho gặp luật sư và khiếu nại sau.

Kết luận: Tuyệt đối tuân theo lời của người cảnh sát và tuyệt đối không có cử chỉ, hành động nào khiến cho cảnh sát nghĩ rằng mình chống cự lại họ.
Mong cộng đồng Việt Nam thận trọng trong sinh hoạt, tránh gặp cảnh sát và nếu lỡ phải gặp thì coi như chấp nhận “xui xẻo” chút chút mà cố giữ bình tĩnh, tránh cho câu chuyện trở thành sự việc thương đau

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Scandal "Fast and Furious" có thể làm TT Obama thất cử


Tổng trưởng Tư Pháp Mỹ Eric HolderỦy Ban Hạ Viện Mỹ "Giám sát và cải tổ chánh phủ" quyết định cáo buộc tổng trưởng Tư Pháp Mỹ, Eric H.Holder Jr. về tội nhục mạ Quốc Hội vì không trình bày hết những tài liệu trong cuộc điều tra của Quốc Hội về chiến dịch "Fast and Furious/ Nhanh, và Cuồng nộ", tên gọi phỏng theo một cuốn phim của Hollywood.

Fast and Furious (FF) là một chiến dịch bán vũ khí do cơ quan liên bang ATF( đặc trách về rượu, thuốc hút, vũ khí) bí mật điều khiển để gài bắt những kẻ mua bán vũ khí lậu ở biên giới Mễ và Mỹ từ năm 2009 đến 2010.

Chủ đích là để bắt những "nghiệp đoàn" mafia của Mễ đưa người sang Mỹ mua vũ khí. Nhưng chiến dịch nầy hoàn toàn thất bại, và làm thiệt mạng nhiều viên chức của Mỹ và Mễ.

Mùa thu 2009, các tiệm bán vũ khí ở biên giới Mỹ/Mễ bị ATF làm áp lực để họ phải cộng tác với chánh quyến trong chiến dịch bí mật nầy. Các tiệm bán được đặt camera kín, và điện thoại bị nghe lén. Theo lời khai của một người bán vũ khí, Andre Howard Lone Wolf, trong vòng 15 tháng liên tiếp, ông được lệnh phải bán súng cho rất nhiều khách dù họ trả tiền mặt ( bị cấm ở Mỹ), và trình giấy căn cước giả mạo. Sau đó, dù không có tin bắt bớ chi hết về những người mua súng, Howard được nhân viên ATF nói rằng họ đã theo dõi và sẽ tìm đến những tay "trùm lớn " hơn, ra lệnh cho ông cứ tiếp tục bán. Howard cho biết ông đã bán trên vài trăm ngàn đô la, kể cả những những khẩu súng " bắn tỉa" calibre 50.


Loại vũ khí bán sang Mễ Tây Cơ

Brian Terry

Theo đài truyền hình CBS, có ít nhất là 11 nhân viên ATF và công chức cao cấp của ATF chống đối mãnh liệt chuyện nầy. Có người đã cảnh cáo : " Thât điên khùng, có người sẽ bị giết vì việc nầy ! ". Chiến dịch nầy được giữ bí mật hoàn toàn cho đến khi nhân viên Brian Terry tuần tiểu biên phòng bị ám sát chết với 2 vũ khí được bán trong chiến dịch " FF" tìm thấy tại hiện trường.

  • Ủy Ban điều tra chiến dịch "Fast and Furious"

Dân Biểu Cộng Hòa Darrell Issa - Tổng trưởng Tư Pháp Eric Holder đang tường trình trước Ủy Ban



Sau cái chết của Brian Terry, dân biểu Cộng Hòa Darrel Issa xin mở cuộc điều tra.
Vài dữ kiện đầu tiên cho thấy là trên tổng số 2500 vũ khí bán sang Mễ, chỉ thâu lại có 600 thôi. Theo lệnh của những người có trách nhiệm cao cấp, nên các nhân viên của cơ quan ATF không tịch thu ngay khi người mua nhận lãnh vũ khí nếu họ chưa sang biên giới Mễ , trong đó có những vũ khí hạng nặng, được dùng để ám sát thường dân, hoặc bắt cóc và giết các nhân vật lãnh đạo Mễ, và bắn hạ các trực thăng của quân đội Mỹ.
John Dodson trrước Ủy Ban điều tra
Chuyên viên ATF, John Dodson, một trong những người lên tiếng cảnh giác về chiến dịch FF, đã khai với Ủy Ban Điều tra ngày 15.06.2011: " nhiều nhân viên ATF rất thất vọng khi nhận lệnh ngưng việc theo dõi các vũ khí bán ra vì họ biết rằng , sau vài ngày các vũ khí đó sẽ được dùng trong các cuộc bắn giết tại Mỹ và tại Mễ".

Khi cáo buộc tổng trưởng Tư Pháp Eric H. Holder về tội nêu trên, Ủy ban của Hạ Viện cho biết là tìm thấy những "hành động phạm pháp " của bộ Tư Pháp. Chiến dịch FF đã làm thất thoát một số vũ khí gây thiệt mạng cho rất nhiều người ở 2 bên biên giới. Ủy Ban , mà chủ tịch là dân biểu Cộng Hòa Darrel Issa, sẽ yêu cầu hạ Viện biểu quyết để ông Biện Lý ở Washington ( DC) hay ông Biện Lý đặc biệt để bắt buộc chánh phủ Obama phải nộp tất cả hồ sơ về chiến dịch FF nầy.

Đây là một cuộc đối đầu hiến định đầu tiên giữa 2 cơ cấu của chánh quyền liên bang ( lập pháp và hành pháp), đặt tổng thống vào một vị thế khó xử.

Nhưng tại sao đưa đến tình trạng nầy ? Tại vì tổng thống Obama, dựa vào quyền hạn đặc biệt của hành pháp đã không cho phổ biến 1300 trang trên tổng số 8000 của hồ sơ FF.

Đó là không kể đến chủ tịch Hạ Viện Mỹ John A. Boehner ( Cộng Hòa - Ohio), và trưởng khối Dân Biểu Cộng Hòa Eric Cantor ( Cộng Hòa - Virginie) : " Đáng lẻ ra , theo sự mong muốn của chúng tôi, sự việc không đến nỗi như thế ( ám chỉ sự chống đối của Obama), trừ phi tổng trưởng tư pháp thay đổi ý định và giao đầy đủ tài liệu như đã hứa. Nếu không, Hạ viện sẽ biểu quyết trong tuần tới ..."

D.B CH John A.Boehner DB CH Eric Cantor

Thống Đốc Rick Perry
Trên đài truyền hình CBS, Rick Perry, cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa vừa qua, thống đốc tiểu bang Texas, nói rằng thái độ của Obama trong vụ nầy giống như Nixon lúc Watergate, Obama biết hết nhưng quên không nói tất cả sự thật.

  • Giới truyền thông Mỹ đả kích OBAMA

Giới truyền thông phản đối Obama một cách quyết liệt, không nương tay.

Trong một bài báo trên New York Post, ký giả Michael A.Walsh viết :

(...) "Cơ quan ATF dường như đã ra lệnh cho một nhân viên của mình để mua vũ khí với tiền thuế của dân Mỹ và bán trực tiếp cho bọn "mafia Mễ" buôn bạch phiến.
(...) Sau nhiều tháng cho rằng chiến dịch FF đã không kiểm soát chặt chẽ các vụ buôn vũ khí do cơ quan ATF và biện lý cuộc tại Phoenix điều khiển theo dõi, nay mới lòi ra là do chính quyền (Tòa Bạch Ốc) chủ trương và nguồn gốc của vụ bán vũ khí cho những kẻ nguy hiểm. "

Tờ Baltimore Sun:

" Barack Obama có thể cho chúng ta thấy đó là một chính khách giả dối nhất gần đây. Ông bị báo chí bắt chẹt một cách bất ngờ, nên giận dỗi. Nếu ông cứ tiếp tục hành động và có thái độ như vậy, có thể người ta bắt đầu so sánh ông với vị tổng thống mà chánh quyền bị cuốn trôi theo xì căn đan Watergate ( ám chỉ Nixon) ".

Tờ Washington Post nhấn mạnh về khía cạnh vô liêm sĩ của Obama khi còn là thượng Nghị Sĩ, ông chỉ trích quyền của hành pháp (quyền từ chối không trình bày đầy đủ tài liệu cho Ủy ban điều tra), nay đến lượt mình thì lại áp dụng quyền hạn đó một cách tuyệt đối. Quyền từ chối nầy được Nixon viện dẫn trong vụ Watergate, nhưng ít khi được áp dụng trong những vụ không gây nguy hại đến uy tín của chánh quyền.

Tờ báo Los Angeles Times cho biết :

(...) Tại những tiệm bán vũ khí, hệ thống Camera kín được thiết lập để các viên chức cao cấp của ATF theo dõi dể dàng các cuộc mua bán. Vào tháng 6 năm 2011, dân biểu Darrel Issa tuyên bố:
Kenneth Melson
'Giám đốc thừa nhiệm Kenneth Melson ,ngồi tại văn phòng làm việc ở Hoa thịnh Đốn, có thể xem những người mua súng tại các tiệm một lần cả chục khẩu AK-47.

... Ngoài ra các nhân viên ATF còn đích thân mua súng để bán lại cho các mafia Mễ ".

(...)Những vũ khí đó còn dùng để thanh toán giết người tại Mễ , với khoảng 150 người vừa bị giết hay bị thương.
Morales Marisela - Hillary Clinton
Chánh Quyền Mễ không được báo tin là hàng ngàn súng đã được nhập cảnh vào nước họ. Họ có hỏi nhiều lần chánh quyền Mỹ về chiến dịch FF nhưng không được giải đáp một cách thỏa đáng. Thật ra, Chánh phũ Obama không có trả lời các câu hỏi của tổng trưởng tư pháp Mễ, bà Morales Marisela, và cũng chưa bao giờ cáo lỗi về sự việc nầy.

Tổng Trưởng Tư Pháp Mỹ Eric Holder đã tịch thâu những hồ sơ chánh yếu về FF cốt ý ngăn chận các dân biểu Hạ Viện, hay thượng nghị sĩ khai thác vụ nầy.

Giám đốc thừa nhiệm ATF, Kenneth Melson, đã cộng tác với Ủy Ban điều tra. Cuối tháng 08, ông bị thuyên chuyển về Bộ Tư Pháp, đặc trách phần vụ khác. Nhiều nhân viên dính líu trong vụ ATF, được thăng chức.

Ngày 3.05.2012, Eric Holder, trước Ủy Ban điều tra, đã khai (hữu thệ) như sau: " Hình như tôi có nghe về FF trong những tuần lễ gần đây".

  • Sau đó, nhiều chứng cớ cho thấy là tổng trưởng Tư Pháp Eric Holder không nói lên sự thật.
Michael Walther
Chẳng hạn như một văn thư tháng 7.2010 cho thấy Michael Walther, giám đốc Trung tâm tình báo Quốc Gia Nha phiến ( NDIC), khai là trong chiến dịch các người giả làm khách hàng đã mua 1500 khẩu súng , và sau đó đã cung cấp cho các mafia Mễ.

Nhiều văn kiện khác chứng tỏ là nhiều buổi thông báo hằng tuần về chương trình của NDIC được tổ chức cho đến ngày 5.7.2010

Nay thì Eric Holder nói là ông hiểu sai về câu hỏi của Ủy Ban. Ông nói là trước đây ông có nghe nói qua về chương trình FF, nhưng ông không biết về các chi tiết đặc biệt.

Những e mail (ngày 18.10.2010) trao đổi với nhau giữa Jason Weinstein ( hình luật), và James Trusty ( Ủy Ban chống tối ác, băng đảng), 2 nhân viên cao cấp của Bộ Tư Pháp chứng tỏ là Bộ Tư Pháp rất ý thức về những chuyện đã xảy ra với chiến dịch FF.

Jason Weinstein James Trusty

Các dân biểu Cộng Hòa đòi hỏi một biện lý đặc biệt để diều tra xem coi Eric Holder có man khai trước Ủy Ban điều tra vụ FF.
TNS Cộng Hòa Chuck Grassley
Dân biểu Darrell Issa cho rằng những người liên hệ với vụ FF đã vi phạm những hiệp ước quốc tế về "mua bán vũ khí", có thể bị truy tố về các tội nặng "giết người".

Thuợng Nghị Sĩ Cộng Hòa Chuck Grassley tin tuợng tuyệt đối việc "che đậy" ở cấp cao hơn( tức Obama)

  • Barrack Obama đã biết những gì về chiến dịch FF ?

Ngày 22.03.2011, Obama đã tuyên bố như sau :

" Tôi không có cho phép chiến dịch FF, và Eric Holder, tổng trưởng Tư Pháp cũng vậy. Có thể có một lỗi lầm lớn trong trường hợp đó. Nếu có như thế, chúng tôi sẽ tìm ra. Chúng tôi phải biết, và sẽ tìm ra thủ phạm."

Cô ký giả phóng sự điều tra của CBS News Sahryl AttKisson tố cáo các công chức của chánh phũ Obama có thái độ bạo hành đối với cô khi cô săn tin về vụ FF.


Nhưng tại sao phải đến tình trạng "khó xử" như hiện nay? Báo chí , truyền hình khắp nước Mỹ không ngừng nêu lên những giả thuyết về chiến dịch FF:

-Tại sao Obama nhất định dùng "quyền từ chối " hiến định nầy để không phổ biến 1/3 tài liệu trong vụ FF.
- Phải chăng để cứu nguy Eric Holder trong lúc Obama mất dần những sự ủng hộ của các cộng sự viên ?
- Phải chăng đó là lời tự thú của Obama về việc ông hoàn toàn biết rõ chiến dịch FF trong khi ông nói , một cách chánh thức, là không hay biết chi hết ?

Việc dùng "quyền từ chối" đã tạo nhiều nghi ngờ về các sự liên hệ sâu rộng và mờ ám, khiến tên của Obama từ nay dính liền với Richard Nixon (watergate), một ông tổng thống tồi tệ nhất của nước Mỹ. Trong khi tình trạng kinh tế và nạn thất nghiệp ở Mỹ chưa có giảm bớt được, nay lại thêm vụ " Fast and Furious " , Obama rất khó mà thắng cử lần tới nhất là khi làm mất "lòng tin" của dân chúng vì sự "nghi ngờ" đang lớn dần do sự man khai của ông Eric Holder.

What the Supreme Court's Ruling Means for Consumers

The Supreme court said Congress was acting within its powers under the Constitution when it required most Americans to carry health insurance or pay a penalty. It upheld the mandate as a tax, in an opinion by Chief Justice John Roberts.

But the justices found fault with part of the health-care law's expansion of Medicaid, a joint federal-state insurance program for the poor. The justices made some changes to the Medicaid portion of the law.

[More from WSJ.com: Supreme Court Upholds Mandate as Tax]

Q: Does this mean the health overhaul law is in place for good?

A: The decision effectively upholds the law for now, but its future depends on which party controls the White House and Congress after elections in November. President Barack Obama and most Democrats consider the law a signature achievement and want to move forward implementing it. Republicans, including presumptive presidential nominee Mitt Romney, have pledged to overturn it. They say they would offer an alternative proposal but haven't been specific about what it would include.

Q: What happens to any benefits I already get because of the law?

A: They will stay in place for now. Parents will still be able to keep their children on their insurance plans up to age 26, and Medicare recipients will keep getting discounts on prescription drugs to close a gap in coverage known as the "doughnut hole." New levies under the law, such as the 10% tax on tanning services, also stay put.

[Related: Supreme Court's Obamacare decision: live coverage from SCOTUSblog]

Q: When will I see the big changes from the law?

A: Most of the mandates don't start until 2014. That is when most Americans will be required to carry insurance or pay the penalty at issue in the Supreme Court case. The penalty will start at $95 a year or up to 1% of a person's income, whichever is greater.

[More from WSJ.com: Health Ruling Won't Cure States' Ills]

Tens of millions of Americans are expected to get insurance coverage under the system that starts in 2014. Some of the poorest Americans will become newly qualified to enroll in the federal-state Medicaid program—although the court appeared to make some changes to how that program will work. Another batch of people who earn more but still have low incomes will get tax credits to offset their insurance costs. Consumers will be able to comparison shop for policies in newly created exchanges that will operate like popular online travel websites.

[Related: Hospital stocks jump after health care ruling]

Insurance companies will have to sell coverage to everyone, regardless of their medical history, and will have to restrict how much they vary premiums based on age. Companies with 50 workers or more will be required to offer insurance to their workers or pay a penalty.

Q: What if I already have insurance?

A: You may see changes to your plan. Unless your employer has "grandfathered" your insurance benefits' structure, your plan will have to meet new regulations under the law, such as covering more preventive services without out-of-pocket costs. There has been speculation that some employers will stop offering coverage and funnel workers toward exchanges once they open, but most companies say they have no immediate plans to do that.

[More from WSJ.com: Ruling Underscores Hospitals' Strategy]

Q: What will happen to my insurance premiums?

A: Most consumers can expect to keep seeing increases in premiums and co-payments because the underlying cost of health care is expected to rise. The law contains a few mechanisms to curb premiums, but it also requires that many insurance providers make their benefits more generous, which will raise their cost. Older people could see their premiums go down because of the new age rating rules insurers will face. People who buy policies without the help of an employer could get a better deal by being able to shop on the exchanges, where comparing plans will be easier than before.

Supreme Court upholds Obamacare individual mandate as a tax


In a victory for President Obama, the Supreme Court decided to uphold his signature health care law's individual mandate in a split decision, upending speculation after hostile-seeming oral arguments in March that the justices would overturn the law. The mandate has been upheld as a tax, according to SCOTUSblog, with Chief Justice John Roberts joining the liberal wing of the court.

Twenty six states sued over the law, arguing that the individual mandate, which requires people to buy health insurance or face a fine starting in 2014, was unconstitutional. Opponents cast the individual mandate as the government forcing Americans to enter a market and buy a product against their will, while the government countered that the law was actually only regulating a market that everyone is already in, since almost everyone will seek health care at some point in his or her life.
Before oral arguments in March, polls of Supreme Court experts and scholars showed that most believed the mandate would be upheld as an exercise of Congress' power to regulate interstate commerce. But after justices seemed deeply skeptical of the mandate in oral arguments in March, the consensus flipped, with most experts guessing the court would strike down the law.

House Republicans have vowed to repeal the entire law, though it's unlikely the Democratic-controlled Senate would let that happen.

Though the sweeping, 1,000-page plus law passed more than two years ago, much of it will not go into effect until 2014. That's when states will have to set up their own health insurance exchanges, Medicaid will be expanded by 16 million low-income people, and Americans will have to buy health insurance (for many, with a government subsidy) or pay a penalty of 1 percent of their income to the IRS. Employers who have more than 50 employees and don't offer insurance will also begin to face a penalty. Insurers will no longer be able to turn away people with preexisting conditions, or charge people higher premiums based on their gender or health.
Only about 6 percent of the population will actually be required to buy health insurance or face a tax under the mandate, since most people already have coverage or will get it through Medicare, according to the Urban Institute.
Many of the more popular provisions of the law have already gone into effect, including a regulation saying insurers have to let children stay on their parents' plans until they are 26 years old, which 2.5 million Americans have already taken advantage of. Insurers can also no longer turn away children with preexisting conditions, and sick uninsured people can buy coverage in high-risk pools set up by the government.