Theo Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2004
Các nhân vật chính của hệ thống pháp lý liên bang là những người đảm nhiệm chức vụ thẩm phán và chánh án. Những người này có đặc điểm gì để phân biệt họ với toàn thể các công dân còn lại? Có những phẩm chất nào - cả chính thức và không chính thức - để những người này được bổ nhiệm vào đội ngũ đó? Các thẩm phán được lựa chọn như thế nào và ai là người tham gia trong quá trình này? Các thẩm phán phải học tập như thế nào để trở thành thẩm phán? Các thẩm phán được rèn luyện như thế nào và khi nào họ sẽ bị bãi miễn?NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VỀ HOÀN CẢNH XUẤT THÂN CỦA CÁC THẨM PHÁN LIÊN BANG
Người dân Mỹ gắn bó với ý niệm rằng một người sinh ra trong hoàn cảnh tầm thường nhất (như Abraham Lincohn) một ngày nào đó cũng có thể trở thành tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, hoặc ít nhất là thẩm phán của Tòa án tối cao. Cũng như hầu hết các truyền thuyết, truyền thuyết này cũng có một phần sự thật trong đó. Về nguyên tắc, mọi người đều có thể trở thành một quan chức chính phủ xuất chúng, và có một số ví dụ rất nổi tiếng về những người có xuất thân thấp kém song đã đạt tới đỉnh cao quyền lực. Tuy nhiên, các thẩm phán liên bang Mỹ, cũng giống như các quan chức chính phủ khác và những người đứng đầu các ngành thương mại và công nghiệp, thường xuất thân từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu của đất nước này.
Các thẩm phán hạt
Dữ liệu về hoàn cảnh xuất thân của tất cả các thẩm phán hạt của liên bang trong 210 năm qua không được thu thập, song đã có một số lượng khá lớn dữ liệ u về các thẩm phán phục vụ trong những thập niên gần đây.
Trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ thẩm phán tòa án liên bang, đa số các thẩm phán đều đã là thẩm phán của các tòa án bang hoặc địa phương. Nhóm chiếm đa số tiếp sau đó là những người đã làm việc trong các lĩnh vực chính trị hoặc chính quyền hoặc - khiêm tốn hơn - trong các hãng luật có quy mô lớn. Những người làm việc trong các hãng luật nhỏ hoặc các giáo sư giảng dạy môn luật chỉ chiếm số lượng nhỏ.
Quá trình học tập của các thẩm phán cho chúng ta thấy đôi điều về phẩm chất ưu tú của họ. Tất cả đều tốt nghiệp đại học/cao đẳng; có khoảng một nửa trong số họ đã theo học tại các trường đại học nổi tiếng ở miền Đông Bắc nước Mỹ với học phí rất đắt đỏ hoặc các trường đại học tư khác để lấy bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng chuyên khoa luật. Các thẩm phán cũng khác với toàn bộ công chúng nói chung ở chỗ họ có một xu hướng mạnh mẽ về “tính kế nghiệp” - có nghĩa là các thẩm phán thường xuất thân từ những gia đình có truyền thống làm việc trong lĩnh vực tư pháp hoặc dịch vụ công.
Mặc dù 51% dân số Mỹ là phụ nữ, song các thẩm phán hầu như hoàn toàn là nam giới. Cho tới tận nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter (1977-1982), mới chỉ có chưa đầy 2% các thẩm phán hạt là phụ nữ, và ngay cả với những nỗ lực có chủ ý nhằm thay đổi tình trạng này, chỉ có 14,4% trong số những người được Jimmy Carter bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán hạt là phụ nữ. Các nhóm chủng tộc thiểu số cũng chỉ chiếm một tỷ lệ đại diện rất ít ỏi trong số các thẩm phán, không chỉ về con số tuyệt đối mà còn cả tỷ lệ so sánh trên số dân. Cho tới tận thời điểm hiện nay, chỉ có Jimmy Carter đã bổ nhiệm một số lượng đáng kể những người không thuộc chủng tộc Anglo vào nhánh tư pháp - trên 21%. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton (1993 - 2001), đã diễn ra một sự thay đổi lớn. Trong sáu năm đầu cầm quyền, 49% số người ông bổ nhiệm giữ các chức vụ trong ngành tư pháp là phụ nữ hoặc thuộc nhóm thiểu số.
Có khoảng chín phần mười các thẩm phán hạt thuộc cùng một đảng phái chính trị với tổng thống bổ nhiệm họ, và xét về mặt lịch sử thì có khoảng 60% trong số họ đã tham gia hoạt động đảng phái rất tích cực.
Trung bình, một thẩm phán thường ở vào độ tuổi 49 khi được bổ nhiệm. Sự khác biệt về độ tuổi bổ nhiệ m hầu như không đáng kể giữ a các nhiệm kỳ tổng thống khác nhau, và không có xu hướng sai lệch theo thời gian giữa các chính quyền khác nhau.
Các thẩm phán tòa phúc thẩm / thượng thẩm
Các thẩm phán tòa phúc thẩm/ thượng thẩm thường có nhiều kinh nghiệm hơn trong ngành tư pháp trước khi được bổ nhiệm so với các thẩm phán tại tòa sơ thẩm, và họ cũng thườ ng, nếu không nói là nhiều khả năng hơn, theo học tại những trường danh tiếng vùng Đông Bắc và các trường đại học tư nổi tiếng khác.
Xét về khía cạnh đảng phái chính trị, hầu như không có sự khác biệt giữa việc bổ nhiệm thẩm phán tại các tòa sơ thẩm với thẩm phán tòa phúc thẩm/thượng thẩm. Tuy nhiên, các thẩm phán tòa phúc thẩm/thượng thẩm thường có xu hướng hoạt động đảng phái tích cực hơn so với các đồng sự của họ tại tòa sơ thẩm.
Sáng kiến của Clinton nhằm làm cho ngành tư pháp phản ánh chính xác hơn thành phần chủng tộc và giới của nước Mỹ cũng được thể hiện rõ rệt trong việc bổ nhiệm các thẩm phán tòa phúc thẩm/thượng thẩm. Một phần ba trong số những người được ông bổ nhiệm giữ chức vụ này là phụ nữ, và Clinton đã bổ nhiệm nhiều người Mỹ gốc Phi, Á và Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha vào chức vụ này hơn bất cứ tổng thống nào khác.
Đến lượt mình, Tổng thống George W. Bush (con) cũng thể hiện sự cam kết đối với tính đa dạng về chủng tộc và giới của nước Mỹ. Một ví dụ là gần một phần ba số thẩm phán tòa án hạt do ông bổ nhiệm thuộc nhóm “phi truyền thống” - tức phụ nữ và nhóm thiểu số.
Các thẩm phán Tòa án tối cao
Từ năm 1789, đã có 106 nam giới và hai phụ nữ ngồi vào ghế thẩm phán tại tòa án tư pháp cấp cao nhất của Hoa Kỳ. Mặc dù có lẽ khoảng 10% trong số họ thực sự xuất thân từ tầng lớp dưới, song phần lớn các thẩm phán này đều xuất thân từ những gia đình có hoạt động đảng phái rất tích cực, và khoảng một phần ba trong số họ có quan hệ với các luật gia và có liên hệ chặt chẽ với các gia đình có truyền thống phục vụ trong ngành tư pháp.
Cho tới tận thập niên 1960, Tòa án tối cao vẫn chỉ bao gồm các thành viên nam giới và da trắng, nhưng vào năm 1967, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã bổ nhiệm Thurgood Marshall làm thành viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Tòa án. Khi Marshall nghỉ hưu vào năm 1991, Tổng thống George H. W. Bush (cha), cha của Tổng thống George W. Bush (con), đã thay thế ông bằng một người Mỹ gốc Phi khác, ông Clarence Thomas. Năm 1981, rào cản về giới đã bị phá vỡ khi Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm Sandra Day O’ Connor vào một chức vụ tại Tòa, và 13 năm sau có thêm một phụ nữ nữ a được bổ nhiệm là Ruth Bader Ginsburg.
Về những nghề nghiệp phi chính trị của các thẩm phán Tòa án tối cao, tất cả 108 người này đều họ c luật và đã hành nghề luật ở một số giai đoạn trong sự nghiệp của họ. Chỉ có 22% đang làm việc tại các tòa án bang hoặc liên bang ngay trước khi được bổ nhiệm, mặc dù có hơn một nửa đã từng làm thẩm phán tại một thời điểm nào đó trước khi được bổ nhiệm vào Tòa án tối cao. Cũng giống như những đồng sự của mình tại các tòa án liên bang cấp thấp hơn, các thẩm phán Tòa án tối cao thường tham gia hoạt động chính trị tích cực hơn so với người dân Mỹ bình thường, và hầu hết trong số họ đều có cùng các định hướng về chính trị và lý tưởng với tổng thống bổ nhiệm họ.
PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC CỦA CÁC THẨM PHÁN LIÊN BANG
Mặc dù không có một tiêu chuẩn chính thức nào về phẩm chất và năng lực của vị trí thẩm phán liên bang, song có một số yêu cầu không chính thức được xác định rất rõ ràng.
Các tiêu chuẩn chính thức về phẩm chất và năng lực
Hiến pháp cũng như luật pháp không hề quy định về các phẩm chất và năng lực cần thiết để một người có thể làm việc tại Tòa án tối cao hoặc các tòa án liên bang cấp thấp hơn. Hiến pháp chỉ nêu rõ rằng “quyền lực về tư pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cần phải được trao cho một Tòa án tối cao” cũng như các tòa án liên bang cấp thấp hơn khác mà Quốc hội có thể lập ra (Điều III, Mục 1) và rằng tổng thống, “do và cùng với sự tư vấn và đồng thuận của Thượng viện, sẽ bổ nhiệm… các thẩm phán của Tòa án tối cao” (Điều II, Mục 2). Quốc hội đã áp dụng quy trình lựa chọn tương tự đối với tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Không hề có một kỳ thi nào được đặt ra để người được bổ nhiệm phải vượt qua, không có quy định về độ tuổi tối thiểu, không có quy định về việc các thẩm phán phải là công dân bản xứ hoặc công dân thường trú hợp pháp, và cũng không có yêu cầu nào về việc các thẩm phán phải có một bằng tốt nghiệp ngành luật.
Các yêu cầu không chính thức
Có ít nhất bốn yếu tố không chính thức song hết sức thiết yếu để xác định ai sẽ có thể đảm nhiệm chức vụ thẩm phán tại các tòa án Mỹ: năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, sự khẳng định mong muốn, và yếu tố may mắn.
Năng lực chuyên môn: Mặc dù ứng cử viên cho những chức vụ trong ngành tư pháp Hoa Kỳ không nhất thiết phải là các luật sư, song có một thông lệ về việc bổ nhiệm các luật sư - những người nổi bật về khả năng chuyên môn. Mặc dù các quy định chính trị có thể cho phép một tổng thống thưởng cho một đồng minh kỳ cựu của mình vị trí thẩm phán tại một tòa án, song theo truyền thống, người ta thường kỳ vọng rằng vị thẩm phán tương lai phải có danh tiếng nhất định về năng lực chuyên môn, và danh tiếng này càng phải cao đối với vị trí thẩm phán tại Tòa án tối cao và các tòa phúc thẩm so với tòa sơ thẩm.
Phẩm chất chính trị: Hầu hết những ứng cử viên cho vị trí thẩm phán đều phải có thành tích nhất định về hoạt động chính trị vì hai lý do. Thứ nhất, ở một mức độ nào đó, vị trí thẩm phán vẫn được coi là một phần của hệ thống chính trị bảo trợ; những người đã phục vụ trong đảng phái thường có nhiều khả năng được bổ nhiệm làm thẩm phán liên bang hơn so với những người không thuộc đảng phái. Thứ hai, một số hoạt động chính trị của vị thẩm phán tương lai thường là cần thiết, bởi vì nếu không như vậy thì ứng cử viên đơn giản là không được biết đến bởi tổng thống, các thượng nghị sĩ hoặc lãnh đạo đảng phái tại địa phương - những người sẽ gửi cho tổng thống tên của ứng cử viên vào vị trí thẩm phán.
Sự khẳng định mong muốn: Mặc dù rất nhiều người coi việc ai đó công khai bày tỏ mong muốn được trở thành thẩm phán liên bang là không đúng đắn và thiếu sự điềm đạm của một quan tòa, song một số thẩm phán tương lai đã tự mình tiến hành những chiến dịch vận động kín đáo hoặc ít nhất cũng phát tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng để phục vụ tại tòa án. Sẽ chỉ có rất ít người thừa nhận đang tích cực tìm kiếm sự bổ nhiệm, nhưng các giai thoại cho thấy rằng các luật sư thường đặt mình vào những vị trí sao cho tên của họ sẽ được xem xét đến khi có một ghế trống cần bổ nhiệm.
Yếu tố may mắn: Một sự ngẫu nhiên may mắn luôn tồn tại trong hầu như tất cả các trường hợp bổ nhiệm thẩm phán. Là thành viên của một đảng thích hợp tại thời điểm phù hợp hoặc được những nhà môi giới quyền lực chú ý tới tại đúng thời điểm cần thiết thường góp phần đáng kể để giúp một người trở thành thẩm phán, cũng đáng kể như những yếu tố về năng lực chuyên môn của người đó.
QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN CỦA LIÊN BANG VÀ NHỮNG NGƯỜI THAM GIA
Khung tuyển chọn thẩm phán là như nhau đối với tất cả các thẩm phán liên bang, mặc dù vai trò của những người tham dự rất khác nhau tùy theo cấp độ của các tòa án Hoa Kỳ. Tất cả đều được bổ nhiệm bởi tổng thống sau khi tham khảo ý kiến theo đúng quy trình với đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, văn phòng chưởng lý, một số thượng nghị sĩ và các nhà hoạt động chính trị khác. Cục điều tra liên bang (FBI), một bộ phận của Bộ Tư pháp, thường tiến hành một cuộc kiểm tra an ninh theo thủ tục. Sau khi việc bổ nhiệm được công bố công khai, các nhóm lợi ích khác nhau - những người tin rằng họ có lợi ích liên quan đối với sự bổ nhiệm này - có thể vận động để ủng hộ hoặc chống lại ứng cử viên. Tương tự, các phẩm chất và năng lực của ứng cử viên sẽ được một ủy ban của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đánh giá. Tên của ứng cử viên sẽ được gửi lên ủy ban tư pháp của Thượng viện, và ủy ban này sẽ tiến hành một cuộc điều tra để xem xét xem ứng cử viên có phù hợp với vị trí này hay không. Nếu kết quả của ứng cử viên là thuận lợi, việc bổ nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Thượng viện; tại đó nó sẽ được thông qua hoặc phản đối bởi một đa số đơn thuần.
Tổng thống
Về mặt kỹ thuật, tổng thống đề cử tất cả các ứng cử viên vào chức vụ thẩm phán, tuy nhiên, về mặt lịch sử, người đứng đầu ngành hành pháp thường liên quan mật thiết tới việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án tối cao hơn là tại các tòa án cấp thấp hơn. Sở dĩ có tình trạng này là do hai nguyên nhân chủ yếu sau.
Thứ nhất, việc bổ nhiệm thẩm phán tại Tòa án tối cao được tổng thống - và công chúng nói chung - xem là quan trọng hơn và có ý nghĩa về mặt chính trị hơn so với việc bổ nhiệm thẩm phán tại các tòa án cấp thấp hơn. Các tổng thống thường nắm lấy những cơ hội ít ỏi của mình trong việc bổ nhiệm tại Tòa án tối cao để đưa ra một tuyên bố chính trị hoặc nêu lên tinh thần chung của chính quyền của mình. Ví dụ, trong thời kỳ nước Mỹ tập trung vào vấn đề tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống của Đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt đã bổ nhiệm Harlan Fiske Stone thuộc Đảng Cộng hòa làm Chánh án Tòa án tối cao - một biểu hiện của sự đoàn kết trong nước. Năm 1969, Tổng thống Richard Nixon đã bổ nhiệm Warren Burger, một người bảo thủ, để hoàn tất cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử của ông về việc khôi phục “luật pháp và trật tự”. Và Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981 đã hy vọng giũ bỏ hình ảnh của mình như một người không đồng cảm với phong trào đòi quyền của phụ nữ bằng việc trở thành vị tổng thống đầu tiên bổ nhiệm một phụ nữ vào vị trí thẩm phán tại Tòa án tối cao.
Lý do thứ hai giải thích việc tại sao các tổng thống thường dành nhiều sự quan tâm hơn cho việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao và ít chú trọng hơn tới các tòa án cấp thấp chính là vì, theo truyền thống, cá nhân các thượng nghị sĩ và lãnh đạo đảng phái địa phương có thể ảnh hưởng, và thường là chi phối, việc bổ nhiệm thẩm phán tòa án cấp thấp hơn. Thông lệ được biết đến dưới cái tên “sự tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ” là một phần của quy trình bổ nhiệm các thẩm phán hạt. Theo thông lệ này, các thượng nghị sĩ cùng thuộc một đảng chính trị với tổng thống đến từ bang của ứng cử viên sẽ được ủy ban tư pháp của Thượng viện hỏi ý kiến về ứng cử viên đó. Bằng việc trình bày quan điểm của mình về một ứng cử viên cụ thể, các thượng nghị sĩ này trên thực tế ở vào một vị trí có thể phủ quyết việc đề cử. Quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ không được áp dụng cho việc bổ nhiệm thẩm phán tại các tòa phúc thẩm, mặc dù thông thường các tổ ng thống sẽ chiều theo ý kiến của thượng nghị sĩ đảng mình đến từ những bang có tòa phúc thẩm.
Bộ Tư pháp
Hỗ trợ cho tổng thống và đội ngũ nhân viên Nhà Trắng trong quy trình tuyển lựa thẩm phán là hai vị trí then chốt do tổng thống bổ nhiệm trong Bộ Tư pháp - chưởng lý của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và phó chưởng lý. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là tìm kiếm các ứng cử viên phù hợp với những tiêu chuẩn chung do tổng thống đặt ra để bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán liên bang. Khi đã tìm được một số người, nhân viên của Bộ Tư pháp sẽ tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng từng ứng cử viên một. Họ có thể đề nghị FBI tiến hành một cuộc điều tra về đặc điểm, tính cách và xuất thân của ứng cử viên; họ thường đọc các bản sao của mọi bài báo hoặc bài phát biểu mà ứng cử viên đã viết hoặc đánh giá về các ý kiến được nêu ra của một thẩm phán đương nhiệm; họ có thể kiểm tra với lãnh đạo đảng chính trị ở địa phương để xác định rằng ứng cử viên là một người trung thành với đảng và có xu hướng ủng hộ những quan điểm chính sách công chủ yếu của tổng thống.
Trong trường hợp bổ nhiệm các thẩm phán tòa án hạt, khi tên của các ứng cử viên thường được thượng nghị sĩ cùng bang đưa lên, chức năng của Bộ Tư pháp thường chỉ là thẩm tra lại chứ không phải là người đề xướng. Bất kể ai là người đưa danh sách đó ra, chức năng chủ yếu của Bộ Tư pháp chỉ là đánh giá ứng cử viên về mặt tư cách cá nhân, trình độ chuyên môn, và phẩm chất và năng lực chính trị. Trong khi thực thi vai trò này, Bộ Tư pháp có thể làm việc chặt chẽ cùng với nhân viên Nhà Trắng, với các thượng nghị sĩ tham gia đề cử, và với các lãnh đạo đảng muốn tham gia góp ý cho việc lựa chọn ứng cử viên.
Các lãnh đạo đảng cấp bang và địa phương
Các lãnh đạo đảng phái khu vực hầu như không có ảnh hưởng gì trong việc bổ nhiệm thẩm phán của Tòa án tối cao, quy trình mà trong đó tổng thống có quyền chi phối, và vai trò của họ trong việc lựa chọn các thẩm phán của tòa phúc thẩm cũng hết sức khiêm tốn. Tuy nhiên, trong việc lựa chọn các chánh án tòa sơ thẩm của Hoa Kỳ, ảnh hưởng của họ là rất lớn, đặc biệt khi việc bổ nhiệm được tiến hành tại các bang mà thượng nghị sĩ của bang không thuộc cùng một đảng chính trị với tổng thống. Trong những trường hợp như vậy, tổng thống thường có xu hướng tham khảo ý kiến các lãnh đạo của đảng mình tại bang đó, chứ không tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ của bang.
Các nhóm lợi ích
Một số nhóm gây áp lực tại Hoa Kỳ, đại diện cho toàn bộ đời sống chính trị từ tả sang hữu, thường vận động để ủng hộ hoặc chống lại việc đề cử các thẩm phán. Những nhà lãnh đạo của các nhóm này - những nhóm đòi quyền tự do công dân, doanh nghiệp, các tổ chức lao động, các nhóm dân quyền - đều không ngần ngại thúc giục tổng thống rút lại việc đề cử một người mà các giá trị về mặt chính trị và xã hội của ông / bà ta khác với họ, hoặc vận động Thượng viện ủng hộ việc đề cử người mà họ ưa thích. Các nhóm lợi ích thường vận động hành lang để ủng hộ hoặc chống lại các ứng cử viên vào chức thẩm phán tại mọi cấp tòa án của liên bang.
Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ (ABA)
Trong hơn năm thập kỷ, ủy ban tư pháp liên bang thuộc Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc đánh giá năng lực chuyên môn của các ứng cử viên tương lai cho chức vụ thẩm phán liên bang. Ủy ban này, với 15 thành viên đại diện cho tất cả các hạt, đánh giá ứng cử viên dựa trên ba tiêu chuẩn: khí chất của một thẩm phán, năng lực chuyên môn và tính liêm chính. Một ứng cử viên được ủy ban phê chuẩn sẽ được xếp loại là “đủ điều kiện” hoặc “rất có khả năng”, trong khi những người không được chấp nhận sẽ được phê là “không đủ điều kiện”.
Ủy ban tư pháp của Thượng viện
Theo quy định của Thượng viện, ủy ban Tư pháp của Thượng viện phải xem xét tất cả những vị trí đề cử vào chức vụ thẩm phán liên bang và đưa ra khuyến nghị cuối cùng trước toàn thể Thượng viện. Như vậy, vai trò của ủy ban này là thẩm tra các cá nhân được đề cử vào chức vụ thẩm phán, chứ không phải là nêu tên của những ứng cử viên tiềm năng. Ủy ban tổ chức các buổi điều trần về tất cả những vị trí đề cử, trong đó việc nghe các nhân chứng trình bày và thảo luận đều được tiến hành không công khai. Các buổi điều trần về việc bổ nhiệm thẩm phán hạt thường chỉ mang tính hình thức, bởi vì với mọi ý định và mục đích, quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ đã quyết định liệu ứng cử viên có được Thượng viện chấp nhận hay không. Tuy nhiên, đối với việc đề cử các thẩm phán tòa phúc thẩm - và tất nhiên cả việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao - việc điều trần của ủy ban thực sự là một quy trình nghiêm túc.
Thượng viện
Bước cuối cùng trong quy trình bổ nhiệm các thẩm phán liên bang là việc có được đa số phiếu của Thượng viện. Về mặt lịch sử, có hai quan điểm chung phổ biến về vai trò được quy định của Thượng viện. Các tổng thống từ thời George Washington và một số học giả kiên trì quan điểm cho rằng Thượng viện nên lặng lẽ tán thành những sự lựa chọn của tổng thống trừ phi có những lý do mạnh mẽ khiến đa số nhất trí phản đối lại quyết định đó. Các học giả khác và đa số thượng nghị sĩ thì cho rằng Thượng viện có quyền và nghĩa vụ phải đưa ra quyết định của riêng mình liên quan tới những người được bổ nhiệm. Trên thực tế, vai trò của Thượng viện trong quy trình chấp thuận việc bổ nhiệm thẩm phán là rất khác nhau, tùy thuộc vào việc thẩm phán liên bang đang được xem xét được bổ nhiệm vào cấp tòa án nào.
Đối với các thẩm phán tòa án hạt, tiêu chuẩn về việc tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ có vai trò quyết định. Điều đó có nghĩa là nếu ứng cử viên mà tổng thống nêu ra được thượng nghị sĩ cùng đảng phái với tổng thống đến từ bang mà ứng cử viên sẽ được bổ nhiệm làm thẩm phán chấp nhận, thì Thượng viện thường đồng tình với việc bổ nhiệm ứng cử viên đó. Đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán tòa phúc thẩm, quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ không được áp dụng, bởi vì vị trí cần bổ nhiệm thường liên quan tới nhiều hơn một bang có một hoặc hai thượng nghị sĩ (và do đó cần nhiều hơn một hoặc thậm chí là hai thượng nghị sĩ). Nhưng các thượng nghị sĩ đến từ mỗi bang trong hạt cần đề cử thẩm phán thường đưa ra tên của những ứng cử viên có khả năng cho tổng thống. Có một quy tắc bất thành văn là mỗi bang trong hạt có thể có ít nhất một thẩm phán trong tòa phúc thẩm của hạt. Nếu quy tắc này được tuân thủ và ứng cử viên của tổng thống có đầy đủ phẩm chất và năng lực, Thượng viện nói chung thường nhất trí với những đề cử của người đứng đầu ngành hành pháp.
Thượng viện có xu hướng tranh chấp với tổng thống nếu bất đồng ý kiến về sự phù hợp của một ứng cử viên đối với chức vụ thẩm phán tại Tòa án tối cao. Từ năm 1789, các tổng thống đã gửi cho Thượng viện tên của 144 ứng cử viên đề cử vào Tòa án tối cao để Thượng viện xem xét và tán thành. Trong số này, có 30 người đã bị Thượng viện phản đối hoặc “trì hoãn vô thời hạn”, hoặc tên của họ đã bị tổng thống rút lại. Như vậy, các tổng thống chỉ thành công trong 79% các trường hợp, và tỷ lệ thành công của họ có vẻ tăng lên khi xem xét thực tế rằng đã có một phần ba số ứng cử viên bị Thượng viện phản đối trong thế kỷ XIX. Các tài liệu ghi chép cho thấy rằng tổng thống thường thành công nhất trong việc thuyết phục Thượng viện chấp thuận việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao khi các ứng cử viên có lai lịch, phẩm chất không gây tranh cãi và thiên hướng chính trị ôn hòa, và khi đảng của tổng thống đồng thời kiểm soát Thượng viện, hoặc ít nhất đa số trong Thượng viên có cùng những quan điểm và giá trị cơ bản với tổng thống.
QUÁ TRÌNH HÒA NHẬP VÀO BỘ MÁY TƯ PHÁP
Tại các trường cao đẳng và trường luật, các thẩm phán tương lai được học những kỹ năng phân tích và giao tiếp quan trọng, bên cạnh kiến thức cơ bản về luật pháp. Sau một hoặc hai chục năm hành nghề luật, vị thẩm phán tương lai đã có được một hiểu biết khá tốt về cách thức hoạt động trên thực tế của các tòa án và luật pháp, và có chuyên môn sâu về một vài lĩnh vực luật. Mặc dù có tất cả những sự chuẩn bị này, đôi khi được gọi là “quá trình hòa nhập trước”, phần lớn các thẩm phán mới của Mỹ vẫn có rất nhiều điều phải học để làm một thẩm phán.
Hoa Kỳ không chỉ thiếu những quy trình đào tạo chính thức đối với nghề thẩm phán, mà người Mỹ còn cho rằng việc hành nghề luật sư trong một thập kỷ hoặc hơn là tất cả những gì cần thiết để có thể trở thành một thẩm phán. Ngược lại, việc trở thành một thẩm phán ở Mỹ đòi hỏi phải có sự hòa nhập tương đối nhiều của người mới vào nghề (học tập ngắn hạn và điều chỉnh cho phù hợp với vai trò mới) và sự hòa nhập về mặt nghề nghiệp (đào tạo tại chức trong khoảng thời gian một vài năm).
Thông thường, những người mới được bổ nhiệm vào các tòa án sơ thẩm có thể là các luật sư hạng nhất và các chuyên gia trong một vài lĩnh vực luật mà họ có kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, với vai trò là một thẩm phán, họ được yêu cầu phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực pháp lý, phải tham gia vào những nhiệm vụ tư pháp mà thường không có liên quan gì tới những công việc họ đã tiến hành khi làm luật sư (ví dụ như kết án), và được giao cho rất nhiều nhiệm vụ mà họ không có kinh nghiệm gì trước đó (ví dụ như học cách vào sổ ghi án một cách hiệu quả hàng trăm vụ án khác nhau).
Tại các tòa phúc phẩm, cũng có một quá trình hòa nhập những người mới được bổ nhiệm - mặc dù các thẩm phán hạt thường đã có kinh nghiệm làm thẩm phán từ trước - và các cựu thẩm phán tòa sơ thẩm dường như chuyển đổi dễ dàng hơn. Trong suốt thời gian chuyển đổi, các thẩm phán hạt có xu hướng phát biểu tại tòa ít hơn so với các đồng sự giàu kinh nghiệm hơn của mình. Họ thường mất nhiều thời gian hơn để ghi chép các ý kiến, tham khảo nhiều hơn các đồng nghiệp có thâm niên cao, hoặc trải qua một thời kỳ do dự và thiếu quyết đoán.
Quá trình học tập đối với các thẩm phán mới của Tòa án tối cao còn vất vả hơn nữa. Giống như các thẩm phán mới của tòa phúc thẩm, các thẩm phán mới được bổ nhiệm của Tòa án tối cao cũng có xu hướng tham khảo ý kiến các đồng sự nhiều kinh nghiệm, đưa ra ít hơn những ý kiến đa số hoặc quan điểm bất đồng, và thể hiện một mức độ không chắc chắn. Các thẩm phán mới của Tòa án tối cao có thể có nhiều kinh nghiệm thẩm phán hơn các đồng sự của họ tại những tòa án cấp thấp hơn, nhưng thực tế là Tòa án tối cao tham gia vào một phạm vi rộng các quyết sách tư pháp - trái ngược với việc sửa chữa những sai sót của các tòa phúc thẩm và việc thực thi luật pháp của tòa sơ thẩm - có thể giải thích cho sự thiếu quyết đoán ban đầu của họ.
Khi xem xét nhu cầu của tất cả các thẩm phán mới của liên bang đối với việc hòa nhập về mặt nghề nghiệp cũng như trên khía cạnh một người mới vào nghề, họ sẽ có được sự chỉ dẫn ở đâu? Đối với các thẩm phán tòa phúc thẩm và sơ thẩm, họ học được những điều này chủ yếu là từ các đồng sự có thâm niên cao hơn và giàu kinh nghiệm hơn - đặc biệt là chánh án của hạt hoặc của khu vực lưu động. Cũng tương tự ở Tòa án tối cao, các đồng sự lớn tuổi hơn, và đặc biệt là chánh án, đóng vai trò chủ yếu trong việc truyền lại cho các thẩm phán mới những phép tắc và giá trị thiết yếu của Tòa.
Các buổi hội thảo đào tạo do Trung tâm tư pháp liên bang tiến hành dành cho những thẩm phán mới được bổ nhiệm cũng có một vai trò quan trọng trong việc đào tạo và giúp các thẩm phán mới hòa nhập với công việc. Mặc dù một số buổi hội thảo được tiến hành bởi các chuyên gia ngoài ngành - các chuyên gia về từng lĩnh vực luật pháp trong trường luật - song các giảng viên chủ yếu thường là những thẩm phán giàu kinh nghiệm - những người mà kinh nghiệm thực tiễn của họ trên ghế thẩm phán thường khiến cho các thành viên mới của hệ thống tòa án liên bang phải kính phục.
Tầm quan trọng của quá trình hòa nhập này đối với hoạt động của hệ thống tòa án - luật pháp Hoa Kỳ là gì? Thứ nhất, những tác nhân giúp hòa nhập được chuẩn bị sẵn sàng cho các thẩm phán mới sẽ cho phép hệ thống vận hành trôi chảy hơn, với thời gian gián đoạn tối thiểu. Nếu các thẩm phán mới bị tách biệt khỏi các đồng sự lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn của họ, về phương diện địa lý hoặc bởi các yếu tố khác, họ sẽ cần nhiều thời gian hơn để học được những điểm cần thiết trong nghề nghiệp của mình và có thể sẽ có nhiều sai sót hơn trong việc giải quyết các tranh chấp.
Thứ hai, thực tế rằng hệ thống này tự bản thân nó có thể giúp cho việc hòa nhập -có nghĩa là các thẩm phán lớn tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn giúp đào tạo những người mới vào nghề - có tác dụng như một chất keo dính kết hệ thống với nhau. Nó cho phép các giá trị, những thông lệ và định hướng của tòa án được truyền từ thế hệ thẩm phán này sang thế hệ thẩm phán khác. Nó mang lại sự liên tục và cảm giác về sự vĩnh viễn cho một hệ thống vận hành trong một thế giới mà sự hỗn loạn và các hành vi tùy tiện luôn phổ biến.
VIỆC NGHỈ HƯU VÀ TỪ NHIỆM CỦA CÁC THẨM PHÁN
Các thẩm phán ngừng thực hiện những nhiệm vụ xét xử của mình khi nghỉ hưu theo nguyện vọng hoặc do tình trạng sức khỏe yếu kém hay qua đời, hoặc khi họ phải chịu sự kỷ luật của những người khác.
Hành động kỷ luật đối với các thẩm phán liên bang
Tất cả các thẩm phán liên bang được bổ nhiệm theo quy định trong Điều III của Hiến pháp đều được giữ chức vụ đó “trong thời gian có hành vi chính đáng”, có nghĩa là họ sẽ được giữ chức vụ đó suốt đời hoặc cho đến khi họ muốn ngừng lại. Cách thức duy nhất khiến họ phải từ nhiệm là thông qua việc luận tội (cáo buộc bởi Hạ viện) và kết tội bởi Thượng viện. Theo quy định của Hiến pháp (đối với các thẩm phán Tòa án tối cao) và các tiêu chuẩn lập pháp (đối với thẩm phán tòa phúc thẩm và sơ thẩm), việc luận tội có thể được tiến hành đối với những tội danh “phản quốc, nhận hối lộ hoặc những tội mức độ cao và nghiêm trọng khác”. Thẩm phán bị luận tội sẽ có thể bị xét xử tại Thượng viện, nơi sẽ kết án họ bằng hai phần ba số phiếu thuận của các thành viên có mặt.
Từ năm 1789, Hạ viện chỉ khởi xướng thủ tục luận tội đối với 13 thẩm phán - mặc dù có một số lượng tương tự các thẩm phán đã từ chức trước khi có hành động chính thức chống lại họ. Trong số 13 trường hợp này, chỉ có 7 trường hợp bị kết tội, và những người bị kết tội đã bị cách chức.
Mặc dù chỉ có rất ít các hành động phạm tội công khai của các thẩm phán, song có một “vùng đệm” các hành vi sai trái có thể đặt các thẩm phán vi phạm ở những mức độ nào đó giữa những hành vi có thể chấp nhận được và hành vi có thể bị luận tội. Cần phải làm gì với những thẩm phán liên bang xét xử một vụ kiện bất chấp sự xung đột rõ ràng về lợi ích, một thẩm phán thường thể hiện sự thiên vị trong phòng xử án, một thẩm phán mà những thói quen cá nhân thường gây tác động tiêu cực tới việc xét xử của ông / bà ta tại tòa án? Về mặt lịch sử, hầu như không có hành động nào khác được tiến hành đối với những trường hợp như vậy ngoài việc các đồng sự của họ đưa ra một lời khiển trách. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, đã có những biện pháp kỷ luật đối với các thẩm phán.
Vào ngày 1 tháng Mười 1980, một quy định mới của Quốc hội đã có hiệu lực. Với tên gọi “Đạo luật về cải cách các hội đồng thẩm phán và về hành vi và sự không đủ tư cách của thẩm phán”, luật này có hai phần riêng biệt. Phần thứ nhất ủy quyền cho Hội đồng thẩm phán tại mỗi hạt, bao gồm các thẩm phán của tòa phúc thẩm và sơ thẩm do chánh án của hạt đứng đầu, được “đưa ra những quy định phù hợp và cần thiết để bảo đảm việc thực thi luật pháp hiệu quả và nhanh chóng trong hạ t của mình”. Phần thứ hai của đạo luật quy định một trình tự khiếu kiện về mặt pháp lý chống lại các thẩm phán. Nói một cách ngắn gọn, nó cho phép một bên không đồng tình trong vụ kiện được đệ đơn khiếu nại lên viên lục sự của tòa phúc thẩm. Chánh án sau đó sẽ xem xét lời cáo buộc và có thể bác bỏ nếu nó tỏ ra không đúng đắn hoặc vì rất nhiều lý do khác. Nếu lời khiếu nại tỏ ra có cơ sở, chánh án sẽ phải chỉ định một ủy ban điều tra bao gồm bản thân ông / bà ta và một số lượng bằng nhau các thẩm phán tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm. Sau khi điều tra, ủy ban này sẽ báo cáo cho hội đồng, và hội đồng sẽ có một số lựa chọn: thẩm phán có thể được miễn tội; nếu người vi phạm là một thẩm phán hoặc chánh án của bang, ông / bà ta có thể bị cách chức; và một thẩm phán được bổ nhiệm theo Điều III của Hiến pháp có thể phải chịu sự khiển trách hoặc phê bình riêng tư hoặc công khai, tuyên bố không đủ tư cách, hoặc cấm xét xử trong các vụ việc khác. Tuy nhiên, không được phép cách chức thẩm phán được bổ nhiệm theo Điều III của Hiến pháp; việc luận tội vẫn là cách thức duy nhất. Nếu hội đồng quyết định rằng hành vi vi phạm có thể tạo ra cơ sở cho việc luận tội, hội đồng sẽ thông báo cho Hội nghị tư pháp, và Hội nghị này sẽ chuyển vụ việc cho Hạ viện Hoa Kỳ để xem xét.
Tình trạng không đủ tư cách pháp lý của các thẩm phán liên bang
Có lẽ việc thuyết phục những người đã quá già và không còn đủ sự quyết đoán để thực thi chức trách thẩm phán một cách hiệu quả rời bỏ chức vụ của họ còn phức tạp hơn cả việc cách chức các thẩm phán vì những hành vi sai phạm. Quốc hội đã cố gắng - với đôi chút thành công - khuyến khích nhiều thẩm phán cao tuổi nghỉ hưu bằng việc dành cho họ những lợi ích vật chất hấp dẫn khi nghỉ hưu. Từ năm 1984, các thẩm phán liên bang được phép nghỉ hưu mà vẫn được hưởng nguyên lương và phúc lợi theo cái gọi là quy tắc 80; có nghĩa là khi tổng số tuổi và số năm hành nghề thẩm phán của họ là 80. Quốc hội cũng cho phép các thẩm phán chuyển sang ngạch chuyên viên cao cấp thay vì nghỉ hưu hoàn toàn. Để đổi lấy việc giảm khối lượng các vụ xét xử, họ được phép giữ lại văn phòng và các nhân viên và - quan trọng không kém - duy trì uy tín và lòng tự hào về việc vẫn là một thẩm phán đương nhiệm.
Các thẩm phán thường chọn thời điểm để từ chức khi đảng của họ kiểm soát được tổng thống, và như vậy họ sẽ được thay thế bởi một thẩm phán có định hướng tương tự về pháp luật và chính trị. Một nghiên cứu tiến hành năm 1990 đã phát hiện thấy rằng, đặc biệt từ năm 1954, “tỷ lệ các thẩm phán nghỉ hưu / từ chức bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những cân nhắc về mặt chính trị / ý thức hệ, và liên hệ chặt chẽ với tính đảng phái”, và do vậy đã chỉ ra rằng rất nhiều thẩm phán coi bản thân họ như một phần của sự liên kết chính sách giữa nhân dân, quy trình bổ nhiệm thẩm phán, và các quyết định tiếp theo của các thẩm phán và chánh án.
PHẨM CHẤT VÀ NỀN TẢNG XUẤT THÂN CỦA CÁC THẨM PHÁN BANGPhần lớn luật lệ và hiến pháp bang hầu như không quy định những điều kiện khắt khe đối với thẩm phán bang. Đa số các bang không quy định thẩm phán hòa giải hoặc tiểu hình của họ phải có bằng tốt nghiệp trường luật, nhưng những bằng cấp này hầu hết đều được yêu cầu (chính thức hoặc trên thực tế) đối với các thẩm phán tòa sơ thẩm và phúc thẩm.Mặc dù phụ nữ chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong dân số Mỹ và dù đã có sự tăng lên mạnh mẽ về số lượng phụ nữ làm việc trong ngành luật trong những thập kỷ gần đây, phụ nữ vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ đại diện ít ỏi và không tương xứng trong nghề thẩm phán. Những phụ nữ đã từng đảm nhiệm chức vụ thẩm phán bang thường có nhiều khả năng trở thành thẩm phán ở các tòa cấp thấp hơn so với khả năng được phục vụ tại các tòa án tối cao, mặc dù điều này là rất khác nhau giữa các bang. Cho tới giữa những năm 1990, chỉ có khoảng 14% các thẩm phán bang là phụ nữ và 6% thuộc nhóm người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha hoặc người Mỹ gốc Á. Các thẩm phán bang, giống như những đồng sự cấp liên bang của mình, thường ở lại nơi mà họ đã trưởng thành và được học hành. Có khoảng ba phần tư số thẩm phán bang được sinh ra tại bang mà họ hiện đang công tác, và chỉ có chưa đầy một phần ba đi khỏi bang để theo học đại học hoặc lấy bằng luật. Thiên hướng đối với chủ nghĩa địa phương cũng được phản ánh trong mẫu hình kinh nghiệm công tác mà các thẩm phán bang mang theo tới chức vụ thẩm phán của mình. Ví dụ, trong số các thẩm phán của tòa án tối cao của bang, chỉ có 13% đã từng là các thẩm phán liên bang, trong khi 93% có ít nhiều kinh nghiệm với tư cách là thẩm phán bang. Các thẩm phán thường ở vào độ tuổi trung niên khi họ đảm nhiệm chức vụ thẩm phán. Các thẩm phán tòa sơ thẩm của bang thường ở độ tuổi 46 khi họ trở thành thẩm phán, gần tương ứng với độ tuổi 49 của các thẩm phán sơ thẩm liên bang. Các thẩm phán tòa phúc thẩm của bang lớn tuổi hơn một chút so với các thẩm phán tòa sơ thẩm - thường ở độ tuổi 53 khi trở thành thẩm phán, cũng gần bằng với các thẩm phán tòa phúc thẩm của liên bang. Có hơn một nửa các thẩm phán tòa sơ thẩm bang đảm nhiệm chức vụ thẩm phán khi đang hành nghề luật trong khu vực tư nhân, và khoảng một phần tư thăng tiến từ chức vụ thẩm phán cấp thấp hơn tại tòa, ví dụ như vị trí thẩm phán tiểu hình. Trong số những người hành nghề luật, hầu hết đều là về các vấn đề luật pháp chung chứ không chuyên sâu. Có khoảng một phần năm được tuyển chọn từ đội ngũ các luật sư của hạt, và chỉ 3% đếm từ lĩnh vực luật hình sự tư nhân. Trong số những người được bổ nhiệm làm thẩm phán tòa án tối cao của bang, gần hai phần ba đã đảm nhiệm chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm trung gian hoặc các tòa sơ thẩm của bang. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN CÁC THẨM PHÁN BANG Tại cấp bang, có rất nhiều phương pháp được sử dụng để lựa chọn thẩm phán, và mỗi phương pháp trong số này đều có rất nhiều sự hoán vị. Về cơ bản, có năm con đường đến với chức vụ thẩm phán tại bất kỳ bang nào trong số 50 bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: tuyển cử theo đảng phái, tuyển cử không qua đảng phái, tuyển chọn theo công trạng, bổ nhiệm của thống đốc và bổ nhiệm bởi cơ quan lập pháp bang. Việc tuyển cử các thẩm phán Việc tuyển cử các thẩm phán, trên cơ sở bỏ phiếu theo đảng phái hoặc phi đảng phái, là một quy phạm của các bang. Phương pháp này trở nên phổ biến trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Andrew Jackson (1829-1837), một kỷ nguyên trong đó người Mỹ tìm cách dân chủ hóa quy trình chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, các lãnh đạo đảng phái chính trị thường coi việc tuyển cử các thẩm phán là một hình thức bảo trợ gián tiếp để thưởng công cho những người trung thành với đảng phái. Tương tự, những thẩm phán phải tham gia vận động cho cuộc tuyển cử thường buộc phải tìm kiếm những khoản quyên góp cho chiến dịch vận động của mình từ những luật sư và hãng luật mà sau đó sẽ xuất hiện trước mặt họ tại tòa án - nguồn gốc gây ra xung đột lợi ích tiềm tàng. Cuối cùng, số lượng người đi bầu trong các cuộc tuyển cử thẩm phán thường vô cùng thấp. Các cử tri có thể biết được ai là người họ ưa thích trong các cuộc bầu cử tổng thống, thành viên Quốc hội hoặc thượng nghị sĩ bang, nhưng họ thường không biết về những người ra ứng cử cho chức vụ thẩm phán bang. Như là một phần của trào lưu Tiến bộ trong những năm đầu thế kỷ XX, các nhà cải cách đã cố gắng tách tính đảng phái ra khỏi các cuộc tuyển cử thẩm phán bằng việc cho phép các thẩm phán ra ứng cử trên cơ sở phi đảng phái. Về nguyên tắc, họ có thể ra tranh cử dựa trên cơ sở những tư tưởng và năng lực phẩm chất của mình, chứ không dựa trên việc họ là thành viên của đảng nào. Nhưng ngay cả ở những bang tiến hành tuyển cử trên cơ sở phi đảng phái này, các đảng chính trị cũng thường ủng hộ những ứng cử viên thẩm phán độc lập và đóng góp vào chiến dịch vận động của họ, bởi vậy các ứng cử viên cũng được nhận biết là gắn với một đảng chính trị này hoặc một đảng chính trị khác. Tuyển lựa theo công trạng Việc tuyển lựa theo công trạng được sử dụng từ đầu những năm 1900 như một biện pháp ưa thích để lựa chọn các thẩm phán. Bang đầu tiên áp dụng triệt để phương pháp này là Missouri vào năm 1940, và từ đó trở đi, các cơ chế tuyển lựa như vậy đã được biết đến như là những biến thể đồng biến của “Kế hoạch Missouri”. Các bang áp dụng những cơ chế theo kiểu của Missouri sử dụng kết hợp các hình thức tuyển cử và bổ nhiệm. Thống đốc bổ nhiệm một thẩm phán từ rất nhiều ứng cử viên được khuyến nghị bởi một ủy ban đề cử gồm năm người hoặc hơn, thường bao gồm các luật sư (được lựa chọn bởi hiệp hội luật sư địa phương), những người không phải luật sư do thống đốc chỉ định, và đôi khi có cả một thẩm phán lâu năm ở địa phương. Theo luật hoặc theo thỏa thuận ngầm, thống đốc sẽ bổ nhiệm một người từ danh sách khuyến nghị. Sau khi phục vụ trong một thời gian ngắn, thường là một năm, vị thẩm phán mới được bổ nhiệm sẽ phải trải qua một cuộc tuyển cử đặc biệt, trên thực tế tại thời điểm đó ông / bà ta sẽ vận động tuyển cử dựa trên thành tích làm việc của mình. (Câu hỏi đưa ra cho các cử tri là: “Thẩm phán X có nên được duy trì chức trách của mình hay không?”) Nếu các cử tri ủng hộ việc thẩm phán tiếp tục đảm nhiệm chức trách của mình - một điều thường xảy ra trên thực tế - thì thẩm phán sẽ duy trì chức vụ của mình trong một nhiệm kỳ bình thường tương đối dài. Bổ nhiệm bởi thống đốc và bởi cơ quan lập pháp Ngày nay, chỉ còn một số bang áp dụng chế độ bổ nhiệm thẩm phán bởi thống đốc hoặc bởi cơ quan lập pháp bang. Khi các thẩm phán được bổ nhiệm bởi thống đốc, yếu tố chính trị thường đóng vai trò chủ đạo. Các thống đốc thường có xu hướng tuyển chọn những cá nhân tham gia tích cực vào đời sống chính trị của bang và hoạt động của họ mang lại lợi ích cho thống đốc hoặc cho đảng chính trị hay các đồng minh của thống đốc. Thông qua việc bổ nhiệm thẩm phán, thống đốc cũng thường mặc cả với các lãnh đạo đảng chính trị ở địa phương hoặc các nhà lập pháp mà ông ta cần sự ủng hộ. Thống đốc cũng có thể dùng chức vụ thẩm phán để thưởng công cho một nhà lập pháp hoặc nhà hoạt động chính trị địa phương đã ủng hộ ông một cách trung thành về mặt chính trị trong quá khứ. Chỉ còn một số rất ít bang vẫn cho phép cơ quan lập pháp bổ nhiệm thẩm phán bang. Mặc dù có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau được sử dụng trong khi lựa chọn thành viên của tòa án tối cao của bang, nhưng đối với các thẩm phán tòa sơ thẩm của bang, các nhà lập pháp bang thường có xu hướng bổ nhiệm những cựu thành viên của cơ quan lập pháp bang. VIỆC NGHỈ HƯU VÀ TỪ NHIỆM CỦA CÁC THẨM PHÁN Các thẩm phán đã quá già hoặc không còn thích hợp để đảm nhiệm chức vụ thẩm phán của bang thường không tạo thành vấn đề phức tạp như các thẩm phán liên bang. Một số bang đã xây dựng các kế hoạch hưu trí bắt buộc. Độ tuổi tối đa để thẩm phán nghỉ hưu dao động từ 65 tới 75, và phổ biến nhất là ở tuổi 70. Một số bang có những kế hoạch giảm phúc lợi hưu trí đối với các thẩm phán đã phục vụ vượt quá nhiệm kỳ mong muốn; có nghĩa là các thẩm phán càng giữ chức vụ của mình lâu thì phúc lợi hưu trí của họ càng giảm. Các kế hoạch hưu trí, cho dù có hiệu quả thế nào trong việc khuyến khích các thẩm phán cao tuổi từ nhiệm, hầu như không được sử dụng trong trường hợp các thẩm phán chưa đến tuổi song không đủ năng lực, có hành vi tham nhũng hoặc phi đạo đức. Trong suốt lịch sử nước Mỹ, các bang đã sử dụng những thủ tục như luận tội, bỏ phiếu bất tín nhiệm và các nghị quyết đồng thời của cơ quan lập pháp để bãi nhiệm thẩm phán. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có hiệu quả rất khiêm tốn, bởi vì việc áp dụng chúng trên thực tế là quá khó xét về mặt chính trị, hoặc bởi vì chúng tốn quá nhiều thời gian và rất phức tạp. Gần đây, các bang đã bắt đầu thiết lập những ủy ban đặc biệt, thường bao gồm các thẩm phán, để giám sát và trừng phạt các thành viên của chúng. Tuy nhiên, những ủy ban này không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả, bởi vì các thẩm phán thường rất miễn cưỡng trong việc khiển trách và kỷ luật công khai các đồng nghiệp của mình. |