Theo Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2004
Những hành động dân sự là riêng biệt và tách rời khỏi việc tố tụng hình sự. Chương này tập trung vào các tòa án dân sự: luật dân sự khác với luật hình sự như thế nào, những hạng mục quan trọng nhất trong luật dân sự, những biện pháp thay thế cho việc xét xử, và từng bước một xem xét thủ tục xét xử dân sự.NỘI DUNG VÀ BẢN CHẤT CỦA LUẬT DÂN SỰ
Hệ thống pháp luật Mỹ có những khác biệt quan trọng giữa luật hình sự và luật dân sự. Luật hình sự liên quan đến hành vi chướng tai gai mắt, mang tính xâm hại đối với toàn thể xã hội. Luật dân sự chủ yếu gắn với bổn phận, nghĩa vụ của từng công dân đơn lẻ với nhau. Trong các vụ án dân sự, tranh chấp thường là giữa những cá nhân đơn lẻ, mặc dù chính quyền đôi khi có thể là một bên trong một vụ kiện dân sự. Các vụ án hình sự luôn liên quan đến việc chính quyền khởi tố một cá nhân vì một tội danh đối với xã hội.
Trong một vụ án dân sự, tòa án cố gắng giải quyết một tranh chấp cụ thể giữa các bên bằng việc xác định những quyền theo luật pháp của họ. Tòa án khi đó lựa chọn một biện pháp khắc phục thỏa đáng như bồi thường thiệt hại bằng tiền cho bên bị thiệt hại hoặc đưa ra yêu cầu bắt buộc một bên thực hiện hoặc không thực hiện một hành động cụ thể. Trong một vụ án hình sự, tòa án phán quyết bị đơn là vô tội hay có tội. Một bị đơn có tội có thể bị trừng phạt bằng hình thức phạt tiền hay giam tù hoặc cả hai.
Trong một số trường hợp hành động như vậy có thể dẫn đến việc tố tụng hình sự và tranh kiện dân sự. Giả sử rằng “Joe” và “Pete”, hai nhà khoa học chính trị tham dự một hội nghị ở Atlanta, cùng đi một chuyến taxi từ sân bay về khách sạn trong thành phố. Trong lúc ngồi trên xe họ đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về chính trị. Khi taxi dừng ở khách sạn, cuộc tranh luận căng thẳng đến mức họ đã có xung đột tay chân. Nếu Pete dùng vali của mình đánh vào mạng sườn Joe khi xuống xe thì Pete có thể bị buộc tội hành hung người khác. Ngoài ra, Joe có thể đâm đơn kiện dân sự đối với Pete để đòi tiền bồi thường cho chi phí y tế của anh ta.
Số vụ kiện dân sự lớn hơn rất nhiều so với số vụ kiện hình sự ở cả tòa án liên bang và bang, mặc dù nhìn chung chúng không thu hút được nhiều sự chú ý của các phương tiện truyền thông như các phiên tòa hình sự. Tuy vậy, chúng thường đặt ra những vấn đề chính sách quan trọng và bao hàm hàng loạt những bất đồng trong xã hội. Nhà nghiên cứu pháp luật Herbert Jacob tóm tắt khuôn khổ lĩnh vực luật dân sự trong cuốn Công lý ở Mỹ (Justice in America): “Mọi thỏa hiệp bị phá vỡ, mọi việc bán hàng không đáp ứng được khách hàng, mọi khoản nợ không thu hồi được, mọi tranh chấp với cơ quan chính phủ, mọi sự phỉ báng và bôi nhọ, mọi thiệt hại do tai nạn, mọi đỗ vỡ trong hôn nhân, và mọi cái chết đều có thể dẫn đến kiện tụng dân sự”.
Do vậy, thực sự là bất kỳ tranh chấp nào giữa hai người trở lên đều có thể tạo ra cơ sở cho một vụ kiện dân sự. Số vụ kiện là rất nhiều, nhưng phần lớn chúng rơi vào một trong năm hạng mục cơ bản.
NHỮNG PHÂN NHÓM CHÍNH CỦA LUẬT DÂN SỰ
Năm phân nhóm chính của luật dân sự là luật hợp đồng, luật bồi thường ngoài hợp đồng (tort law), luật sở hữu (property law), luật thừa kế và luật gia đình.
Luật hợp đồng
Luật hợp đồng chủ yếu liên quan đến những thỏa thuận tự nguyện giữa hai người trở lên. Một số ví dụ phổ biến là những thỏa thuận thực hiện một loại công việc nào đó, để mua hoặc bán hàng hóa, để xây dựng hay sửa chữa nhà hoặc cửa hàng. Cơ sở cho những thỏa thuận này là cam kết của một bên và cam kết đối lại của bên kia, thường là cam kết của một bên sẽ trả tiền cho hàng hóa và dịch vụ của bên kia. Chẳng hạn, giả sử là “ông Burns” và “bà Colder” đạt được một thỏa thuận theo đó bà Colder đồng ý trả cho ông Burns 125 bảng Anh nếu ông Burns chặt và mang một lượng gỗ sồi đến nhà bà Colder vào ngày 10 tháng Mười hai. Nếu ông Burns không giao gỗ vào ngày đó thì ông đã vi phạm hợp đồng và bà Colder có thể kiện ông về những thiệt hại phát sinh.
Mặc dù nhiều hợp đồng là tương đối đơn giản và dễ hiểu nhưng một số lĩnh vực phức tạp cũng xây dựng trên luật hợp đồng hay những ý tưởng hợp đồng. Một lĩnh vực như vậy là luật thương mại, chủ yếu tập trung vào việc bán hàng liên quan đến tín dụng hay kế hoạch trả góp. Luật thương mại cũng bao gồm những vấn đề về séc, kỳ phiếu và những công cụ tài chính có thể chuyển nhượng.
Một lĩnh vực liên quan chặt chẽ khác là phá sản và quyền của các chủ nợ. Những cá nhân hay doanh nghiệp bị phá sản có thể thông qua thủ tục phá sản để giũ bỏ căn bản vết đen này, và làm lại từ đầu. Thủ tục phá sản cũng được xây dựng để bảo đảm sự công bằng cho các chủ nợ. Luật phá sản là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập pháp trong một vài năm, và rất nhiều thẩm phán cho những vụ phá sản đặc biệt hiện nay đã được biệt phái sang các tòa án hạt của Mỹ.
Lĩnh vực cuối cùng là hợp đồng bảo hiểm, là một lĩnh vực quan trọng do khả năng áp dụng của đó đối với rất nhiều người. Ngành bảo hiểm do các cơ quan chính phủ điều tiết và phụ thuộc những quy định riêng biệt của riêng ngành này.
Luật bồi thường ngoài hợp đồng
Luật bồi thường ngoài hợp đồng nhìn chung có thể được mô tả như luật về những sai phạm dân sự. Nó liên quan đến hành vi gây ra thiệt hại và không thể đo lường được theo một số tiêu chuẩn do xã hội đặt ra.
Những hành động để khiếu nại thiệt hại cá nhân hay thương tích cơ thể là trọng tâm của luật bồi thường ngoài hợp đồng, và những tai nạn ô tô vốn là nguyên nhân chính của các khiến nại thuộc loại này. Một trong những lĩnh vực phụ phát triển nhanh nhất trong luật bồi thường ngoài hợp đồng là trách nhiệm đối với sản phẩm. Hạng mục này đã trở thành một cách thức ngày càng hiệu quả để buộc các công ty phải có trách nhiệm đối với những thiệt hại do thức ăn hư hại, đồ chơi, thiết bị, ô tô, thuốc men và rất nhiều những sản phẩm có khuyết tật khác gây ra.
Có lẽ một lý do cho sự tăng lên của những vụ án về trách nhiệm đối với sản phẩm là sự thay đổi về chuẩn mực của chứng cứ. Theo truyền thống, sự cẩu thả (thường được định nghĩa là sự thiếu cẩn trọng hay không thể có được sự chú trọng bình thường, trong những hoàn cảnh cụ thể được nêu trong vụ kiện) phải được chứng minh trước khi một người có thể được bồi thường tổn thất do một ai đó gây ra. Tuy nhiên, một số người lập luận rằng trong nhiều năm việc dựa vào khái niệm sự cẩu thả đã giảm đi, nhất là trong các vụ án về trách nhiệm đối với sản phẩm. Với cương vị của mình, tòa án thường sử dụng một tiêu chuẩn trách nhiệm nghiêm ngặt, có nghĩa là nạn nhân có thể được bồi thường ngay cả khi không có sự thiếu cẩn trọng và kể cả nhà sản xuất rất cẩn thận.
Một lý do khác thường được nêu ra cho sự tăng lên của những vụ án về trách nhiệm đối với sản phẩm là mức đền bù mà bồi thẩm đoàn đưa ra trong phán quyết ủng hộ nguyên đơn. Hình thức đền bù mà bồi thẩm đoàn đề ra cho những thiệt hại gồm hai loại: mang tính bồi thường và mang tính trừng phạt. Những thiệt hại mang tính đền bù là để bù đắp cho tổn thất thực tế của nguyên đơn như chi phí sửa chữa, hóa đơn bác sĩ và những chi phí bệnh viện. Còn những thiệt hại mang tính trừng phạt (hay để làm gương) được đặt ra để trừng phạt bị đơn hoặc là lời cảnh báo cho hành động như vậy trong tương lai.
Do sự lo ngại về mức đền bù lớn của bồi thẩm đoàn và ngày càng có nhiều cái gọi là những vụ án nhỏ nhặt nên các quan chức chính phủ, các nhà điều hành doanh nghiệp, các nhóm lợi ích và các thành viên của cộng đồng luật pháp đã kêu gọi phải cải cách ngành luật bồi thường ngoài hợp đồng. Trong suốt những năm 1990, nhiều bang đã ban hành hàng loạt những biện pháp cải cách bồi thường ngoài hợp đồng. Hiệp hội cải cách bồi thường ngoài hợp đồng của Mỹ, hoạt động với tư cách là người ủng hộ cải cách bồi thường ngoài hợp đồng, báo cáo rằng các bang đã hạn chế mức đền bù cho những thiệt hại phi kinh tế, điều chỉnh các luật giám sát bồi thường mang tính trừ ng phạt, hoặc ban hành những đạo luật trừng phạt những nguyên đơn nộp hồ sơ cho những vụ kiện nhỏ nhặt.
Một lĩnh vực phụ của luật bồi thường ngoài hợp đồng đang phát triển nhanh chóng là sai sót chữa bệnh. Số vụ khiếu nại sai sót chữa bệnh đã tăng mạnh ngay cả khi ngành y đã có những bước tiến to lớn. Hai vấn đề đang diễn ra trong ngành y đương thời là rủi ro tăng lên do những phương pháp điều trị mới gây ra và đặc tính vô cảm của các chuyên gia và bệnh viện. Ngày nay, bệnh nhân kỳ vọng rất nhiều, và khi bác sĩ không thể đáp ứng được những kỳ vọng đó thì sự giận dữ sẽ khiến họ khiếu kiện về sai sót chữa bệnh.
Các tòa án nhìn chung thường sử dụng tiêu chuẩn truyền thống về sự cẩu thả hơn là học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt trong việc giải quyết những vụ kiện sai sót chữa bệnh. Điều này có nghĩa là pháp luật không giúp cho bác sĩ bảo đảm điều trị thà nh công, mà thay vào đó khiến cho bác sĩ phải có trách nhiệm nếu bệnh nhân có thể chứng minh rằng thầy thuốc đã không tiến hành chữa trị theo cách thức phù hợp với những phương pháp chữa bệnh được chấp nhận. Khái niệm phương pháp chữa bệnh có thể chấp nhận được thay đổi từ bang này sang bang khác, và những vấn đề như vậy phải được tòa án giải quyết trên cơ sở từng trường hợp. Tuy nhiên, thông thường một giả định được đưa ra rằng hành xử của các nhà chuyên môn, trong đó có các bác sĩ, là hợp lý về mặt bản chất. Điều đó có nghĩa là để thắng được bác sĩ tại tòa án thì bệnh nhân bị thiệt hại cần bằng chứng của ít nhất một nhân chứng chuyên môn trở lên thể hiện rằng hành xử của bác sĩ là không chấp nhận được.
Luật sở hữu (Luật tài sản)
Một nét khác biệt từ trước đến nay luôn được tạo ra giữa bất động sản (real property) và động sản, hay còn gọi là sở hữu cá nhân (personal property). Bất động sản thường bao gồm đất đai, nhà cửa, cao ốc – và còn bao gồm cả hoa màu trên đất. Hầu hết những thứ khác đều được coi là sở hữu cá nhân, gồm những thứ như tiền, đồ trang sức, ô tô, nội thất và tiền gửi ngân hàng.
Theo Lawrence M. Friedman, trong cuốn Luật pháp Mỹ (American Law), “Trong khuôn khổ luật pháp, từ tài sản chủ yếu có nghĩa là bất động sản; sở hữu cá nhân gần như không được nhắc đến”. Không một lĩnh vực đặc biệt nào của luật pháp là dành cho sở hữu cá nhân. Thay vào đó, sở hữu cá nhân thường được xem xét theo các ngành luật hợp đồng, luật thương mại và luật phá sản.
Các quyền tài sản luôn có vai trò quan trọng ở Mỹ, nhưng ngày nay các quyền tài sản phức tạp hơn là sự sở hữu đơn thuần một thứ gì đó. Khái niệm tài sản hiện nay bao gồm quyền được sử dụng tài sản đó và một số khía cạnh khác.
Ngày nay, một nhánh quan trọng của luật sở hữu giải quyết những vấn đề về kiểm soát việc sử dụng đất. Hình thức hạn chế sử dụng đất phổ biến nhất là khoanh vùng, một việc làm mà nhờ đó pháp luật địa phương phân chia một thành phố thành các quận được chỉ định cho những mục đích sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, một phân khu có thể được chỉ định cho ý nghĩa cư trú, một khu vực khác cho ý nghĩa thương mại, và tương tự một khu vực khác cho ý nghĩa công nghiệp.
Những đạo luật ban đầu về khoanh vùng bị phản đối vì lý do rằng những hạn chế đối với sử dụng đất chung quy cũng là việc thành phố chiếm đoạt đất vi phạm quy định của Hiến phá p, nó i rằng “không một sở hữu [tài sản] tư nhân nào có thể bị chiếm dụng phục vụ mục đích công mà không có sự đền bù thỏa đáng”. Theo một mặt nào đó, những đạo luật về khoanh vùng lấy đi từ các chủ đất quyền sử dụng tài sản của họ theo bất cứ cách nào mà họ cho là hợp lý. Tuy nhiên, các tòa án nhìn chung quy định rằng những đạo luật về khoanh vùng không bị coi là hành vi chiếm đoạt vi phạm quy định của Hiến pháp. Ngày nay, khoanh vùng là một điều cần biết trong cuộc sống ở hầu hết những thành phố và thị trấn với mọi quy mô trên khắp nước Mỹ. Các nhà quy hoạch thành phố và những quan chức khác nhận thức rằng những sắc lệnh về khoanh vùng là rất quan trọng đối với sự phát triển được quy hoạch và theo trật tự của những khu vực đô thị.
Luật thừa kế
Luật thừa kế xem xét tài sản được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác như thế nào. Hệ thống pháp luật Mỹ công nhận quyền của một người được định đoạt tài sản của mình như mong muốn. Một cách phổ biến để làm điều này là thực hiện di chúc. Nếu một người để lại một di chúc hợp lệ thì tòa án sẽ cưỡng chế thực hiện di chúc đó. Tuy nhiên, nếu một người nào đó không để lại di chúc (hoặc lập di chúc không hợp lệ) thì người đó sẽ được coi là chết mà không để lại di chúc, và bang sẽ định đoạt tài sản.
Việc bang định đoạt tài sản được thực hiện theo các quy định trong luật bang. Theo luật pháp, tài sản của người chết không để lại di chúc được chuyển giao cho những người thừa kế của người đã chết – nghĩa là cho những người họ hàng gần nhất của người đó. Đôi khi một người khi chết không để lại di chúc nhưng cũng không có họ hàng còn sống. Trong trường hợp này, tài sản không có người thừa kế sẽ được sung công, hoặc chuyển giao cho bang nơi người chết cư trú. Các đạo luật của bang thường cấm những người họ hàng xa, như anh chị họ hay bố của cô chú được thừa kế.
Ngày nay, người dân Mỹ càng có xu hướng soạn sẵn di chúc để bảo đảm rằng tài sản của họ sẽ được chuyển giao theo mong muốn của họ chứ không phải theo những quy định của bang. Di chúc là một giấy tờ chính thức. Nó phải được soạn thảo cực kỳ cẩn thận, và ở hầu hết các bang nó phải có ít nhất hai người làm chứng.
Luật gia đình
Luật gia đình liên quan đến những vấn đề như kết hôn, ly hôn, chăm sóc con cái và những quyền của con cái. Rõ ràng là luật gia đình động chạm đến cuộc sống của rất nhiều người dân Mỹ hàng năm.
Những điều kiện cần để tham gia vào một cuộc hôn nhân được quy định trong luật bang. Những luật này theo truyền thống bao gồm tuổi tối thiểu của các bên, xét nghiệm máu hay xét nghiệm thể chất bắt buộc của các bên, những yêu cầu về giấy phép và lệ phí, và thời gian đợi.
Trước đây, hiếm khi có kết thúc hôn nhân. Vào đầu thế kỷ XIX, một số bang chỉ cho phép ly hôn thông qua một số đạo luật đặc biệt của cơ quan lập pháp; có một bang là Nam Carolina đơn giản còn không cho phép ly hôn. Ở những bang khác, việc ly hôn chỉ được chấp nhận khi một bên chứng minh được những lý do để ly hôn. Nói cách khác, việc ly hôn chỉ dành cho những bên vô tội khi vợ / chồng của họ phạm vào những tội như ngoại tình, ruồng bỏ, bạo hành.
Thế kỷ XX chứng kiến một thay đổi lớn lao trong những đạo luật về ly hôn. Sự thay đổi này diễn ra theo chiều hướng chuyển từ những đạo luật mang tính hạn chế sang ly hôn không có lỗi. Chiều hướng này là kết quả của hai yếu tố. Thứ nhất, trong nhiều năm qua nhu cầu ly hôn ngày càng tăng. Thứ hai, trước đây ly hôn là một vết nhơ thì nay hầu như không còn nữa.
Hệ thống ly hôn không có lỗi có nghĩa là các bên đơn giản chỉ giải thích rằng có những khác biệt không thể hòa giải giữa họ và rằng cuộc hôn nhân không còn giá trị nữa. Hệ thống ly hôn không có lỗi đã đặt dấu chấm hết cho bản chất đối địch của những vụ kiện ly hôn.
Một vài trong số những vấn đề do cuộc hôn nhân đã kết thúc gây ra không thể giải quyết một cách dễ dàng. Những tranh cãi về chăm sóc con cái, tranh chấp xung quanh việc hỗ trợ tiền nong cho con cái, và những bất đồng về quyền thăm nom đã xuất hiện ở tòa án một cách thường xuyên. Ngày nay, những tranh cãi về chăm sóc con cái có thể gặp nhiều hơn và dễ gây ra bất đồng hơn so với ly hôn không có lỗi trước kia. Nhu cầu của con trẻ được đặt lên hàng đầu, và tòa án không còn thừa nhận một cách tự động rằng điều đó có nghĩa là dành việc chăm sóc con cái cho người mẹ. Các ông bố ngày càng được giành được quyền chăm sóc con cái, và việc các tòa án đồng ý cho những ông bố bà mẹ đã ly hôn cùng chăm sóc con cái hiện nay cũng rất phổ biến.
TÒA ÁN VÀ NHỮNG TỔ CHỨC KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT DÂN SỰ
Những bất đồng là rất phổ biến trong cuộc sống thường nhật của người dân Mỹ. Thông thường, những bất đồng này có thể được giải quyết bên ngoài hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đôi khi chúng nghiêm trọng đến mức một trong các bên không tìm ra một biện pháp thay thế nào khác ngoài việc kiện ra pháp luật.
Quyết định có kiện ra tòa án hay không
Mỗi năm có hàng nghìn vụ án dân sự có thể xảy ra được giải quyết mà không có tòa án vì những người định kiện muốn giải quyết vấn đề của họ theo một cách khác hoặc vì nguyên đơn quyết định không đâm đơn kiện nữa. Khi đối diện với quyết định đưa vụ việc ra tòa, để cố gắng giải quyết những bất đồng, hoặc đơn giản là để quên đi vụ việc đó, nhiều người phải nhờ đến một phân tích chi phí - lợi ích giản đơn. Nghĩa là, họ tính toán các chi phí cho một phiên tòa so với những lợi ích mà họ có thể có được nếu thắng kiện.
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế
Trên thực tế, rất ít người sử dụng toàn bộ thủ tục tố tụng. Thay vào đó, hầu hết các vụ án được giải quyết mà không phải nhờ đến một phiên tòa xét xử đầy đủ. Trong các vụ án dân sự, việc xét xử có thể rất chậm trễ và tốn kém. Trong nhiều lĩnh vực, tình trạng ứ đọng hồ sơ nhiều đến mức một vụ án có thể mất từ ba đến năm năm mới được đưa ra xét xử. Ngoài ra, những phiên tòa dân sự còn có thể quá phức tạp.
Thông thường, chi phí cho một phiên tòa đủ để làm nản lòng những nguyên đơn định kiện. Khả năng thua kiện luôn có thể xảy ra. Khả năng phải chờ đợi lâu cũng luôn tồn tại, ngay cả khi nguyên đơn thắng kiện, trước khi phán quyết được thực hiện - nghĩa là, ngay cả khi phán quyết được thực hiện đầy đủ. Nói cách khác, một phiên tòa đơn giản có thể tạo ra rất nhiều vấn đề mới cho các bên liên quan. Vì tất cả những lý do này, những biện pháp thay thế trong việc giải quyết tranh chấp ngày càng được bàn đến nhiều hơn.
Từ các doanh nghiệp lớn đến các luật sư rồi những cá nhân, sự ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế (viết tắt là ADR) ngày càng lớn. Doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến việc tránh những tranh cãi tòa án kéo dài và tốn kém như là cách duy nhất để giải quyết những tranh chấp kinh doanh phức tạp. Ngoài ra, các luật sư cũng thường xuyên cân nhắc hơn những biện pháp thay thế như hòa giải và trọng tài, những biện pháp cần có sự giải quyết các vụ án một cách nhanh chóng hơn hoặc xử lý một số vấn đề một cách bí mật. Và cá nhân các công dân cũng ngày càng chuyển sang những dịch vụ hòa giải ở địa phương để hỗ trợ giải quyết xung đột gia đình, tranh cãi với hàng xóm và phàn nàn của khách hàng.
Các quá trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế được thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau. Susan L. Keita viết trong cuốn Sổ tay điều hành và quản lý tòa án (Handbook of Court Administration and Management) rằng, những mô hình này thường được phân loại là “giải quyết riêng (private), dẫn chiếu tòa án (court - referred), phụ trợ tòa án (court - annexed), hai mô hình sau thường được gọi chung là nối kết với tòa án (court - connected)”. Nói cách khác, một số thủ tục ADR thỏa thuận riêng được thực hiện một cách độc lập với tòa án. Một thủ tục ADR dẫn chiếu tòa án là một thủ tục được thực hiện bên ngoài tòa án nhưng vẫn có một số liên hệ với tòa án. Tòa án quản lý thủ tục ADR trong một chương trình phụ trợ của tòa án. Theo Keita, tuỳ thuộc vào mô hình và vấn đề tranh chấp mà “các thủ tục ADR có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc; chúng có thể ràng buộc hoặc cho phép kháng cáo từ những phán quyết được đưa ra; và chúng có thể đồng thuận (consensual), phán định (adjudicatory), hoặc kết hợp cả hai”. Một số thủ tục ADR thường được sử dụng là hòa giải, trọng tài, tìm hiểu tình hình thực tế một cách trung lập (neutral fact-finding), xử án thu hẹp (mini - trial), xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn (summary jury trial), và xét xử riêng (private judging).
Hòa giải. Hòa giải là một thủ tục bí mật trong đó một người không thiên lệch giúp các bên tranh chấp nhận thức và hiểu rõ những vấn đề cần quan tâm và đạt được sự đồng thuận với nhau. Người hòa giải không hành động như một thẩm phán. Thay vào đó, bản thân các bên vẫn duy trì được sự kiểm soát của họ đối với quyết định cuối cùng.
Hòa giải đặc biệt thích hợp với những tình huống mà trong đó các bên tranh chấp có mối quan hệ đang diễn ra, ví dụ như tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa những người hàng xóm, giữa người chủ và người làm công, và giữa chủ nhà và người thuê nhà. Hòa giải cũng rất hữu dụng trong những vụ ly hôn vì nó làm thay đổi thủ tục từ tình trạng xung đột sang trạng thái hợp tác. Chăm sóc con cái và quyền thăm nom cũng thường được giải quyết thông qua hòa giải. Và trong nhiều lĩnh vực, những khiếu nại về thiệt hại và tài sản cá nhân liên quan đến các công ty bảo hiểm được giải quyết thông qua hòa giải.
Trọng tài. Thủ tục trọng tài cũng tương tự như đưa ra tòa án. Sau khi nghe cả hai bên trong một tranh chấp, một người không thiên lệch được gọi là trọng tài quyết định tranh chấp nên được giải quyết như thế nào. Ở đây không có thẩm phán hay bồi thẩm đoàn. Thay vào đó, trọng tài được các bên lựa chọn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Các trọng tài được lựa chọn từ tất cả những trình độ chuyên môn khác nhau và thường tự nguyện dành thời gian của họ để giúp mọi người giải quyết các vấn đề phát sinh.
Các bên tranh chấp lựa chọn trọng tài vì hình thức này tiết kiệm thời gian và tiền bạc và ít mang tính nghi thức hơn so với một phiên tòa xử án. Hầu hết những phân xử bằng trọng tài được hoàn thành trong vòng bốn tháng trở xuống so với sáu tháng đến vài năm cho phán quyết của tòa án.
Trọng tài được sử dụng một cách riêng tư để giải quyết rất nhiều phàn nàn của khách hàng. Những ví dụ bao gồm tranh cãi về sửa chữa ô tô yếu kém, những vấn đề với việc trả lại hàng hóa hư hỏng, và tính phí quá cao cho cách dịch vụ. Trọng tà i cũng được sử dụng trong các thủ tục dẫn chiếu tòa án và phụ trợ tòa án để giải quyết một số loại tranh chấp, bao gồm những tranh chấp trong kinh doanh, thương mại và tuyển dụng.
Tìm hiểu tình hình thực tế một cách trung lập. Tìm hiểu tình hình thực tế một cách trung lập là một thủ tục không chính thức nhờ đó một bên trung lập theo thỏa thuận được yêu cầu điều tra một tranh chấp. Thông thường, tranh chấp liên quan đến những vấn đề phức tạp và mang tính kỹ thuật. Bên trung lập thứ ba phân tích những sự kiện gây tranh chấp và nêu kết quả điều tra của mình vào một báo cáo hay bản khuyến nghị không ràng buộc.
Thủ tục này có thể đặc biệt có ích trong việc giải quyết những luận điệu phân biệt chủng tộc và giới tính trong một công ty vì những vụ việc như vậy thường gây ra sự chia rẽ sâu sắc về tình cảm và trong nội bộ. Nếu cả hai bên là nhân viên của cùng một công ty thì những xung đột lợi ích có thể cản trở người giám sát hoặc người quản lý tiến hành một cuộc điều tra không thiên lệch về sự phân biệt đối xử. Để tránh tình trạng không công bằng, một công ty có thể chuyển sang một bên thứ ba trung lập với hy vọng đạt được cách giải quyết mà tất cả nhân viên đều tôn trọng.
Xử án thu hẹp. Trong một vụ xử án thu hẹp mỗi bên thể hiện quan điểm của mình theo cách giống như ở tòa án trước một nhóm bao gồm những đại diện được lựa chọn cho cả hai bên và các bên thứ ba trung lập. Mỗi nhóm có một cố vấn trung lập. Những vụ xử án thu hẹp được thiết kế để xác định những vấn đề và phá t triển cơ sở cho những đàm phán giải quyết trong thực tế. Đại diện của cả hai bên trình bày khái quát quan điểm và lý lẽ của họ trước nhóm. Do vậy, mỗi bên sẽ hiểu hơn về quan điểm của bên kia. Sau khi nghe trình bày của mỗi bên, nhóm đại diện, bao gồm cả cố vấn, họp lại để đưa ra một giải pháp thỏa hiệp. Cố vấn trung lập cũng có thể đưa ra ý kiến mang tính tư vấn liên quan đến tinh thần của vụ việc. ý kiến tư vấn này là không ràng buộc trừ phi các bên thống nhất bằng văn bản trước khi chịu ràng buộc bởi ý kiến đó.
Lợi ích chủ yếu của xử án thu hẹp là cả hai bên đều có cơ hội đưa ra những giải pháp. Nó cũng có nghĩa là mỗi bên được trình bày và tiếp cận với những thông tin chi tiết.
Xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn. Xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn liên quan đến một thủ tục do tòa án quản lý diễn ra sau khi vụ án được khởi kiện nhưng trước khi được xét xử. Trong xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn, mỗi bên trình bày lý lẽ của mình cho một bồi thẩm đoàn (thông thường gồm sáu người). Một bản khái quát lý lẽ của mỗi bên cũng như những lập luận vắn tắt mở đầu và kết thúc được trình bày. Thông thường, các luật sư được dành một khoảng thời gian ngắn (từ 1 giờ trở xuống) để trình bày. Họ bị hạn chế trong việc chỉ trình bày những thông tin mà có thể được chấp nhận khi xét xử. Không có lời khai nào được lấy từ những nhân chứng đã tuyên thệ, và biên bản lưu thông thường không được lập. Do biên bản lưu là không ràng buộc nên những quy định về thủ tục và bằng chứng linh động hơn so với một phiên tòa thông thường.
Bồi thẩm đoàn đưa ra một quyết định mang tính cố vấn, không ràng buộc, trên cơ sở những lý lẽ được trình bày. Trong trường hợp này, lời tuyên án được xây dựng ra cho có thể giúp cho các luật sư và khách hàng của họ nắm bắt tường tận vụ án. Nó cũng có thể tạo ra một cơ sở để giải quyết tranh chấp. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong hoặc ngay sau khi xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn thì một cuộc họp trước khi xét xử sẽ được tổ chức trước khi tòa án thảo luận việc giải quyết tranh chấp.
Một trong những lợi thế quan trọng của việc xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn là thời gian thực hiện. Một cuộc xét xử sơ khởi có bồi thẩm đoàn thường được tiến hành trong vòng chưa đến một ngày so với vài ngày hoặc vài tuần của những phiên tòa xét xử đầy đủ.
Xét xử riêng. Phương pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế này sử dụng những thẩm phán đã về hưu, những người làm việc để nhận phí. Những người ủng hộ khẳng định phương pháp này có một số lợi thế. Thứ nhất, các bên có thể chọn ra một người với những phẩm chất và kinh nghiệm thỏa đáng để giải quyết vụ việc. Thứ hai, các bên có thể được bảo đảm rằng vụ việc sẽ được giải quyết ngay sau khi lên kế hoạch và không bị kéo dài vì lịch làm việc của tòa án quá dầy đặc. Cuối cùng, chi phí cho phương pháp này có thể thấp hơn so với tranh kiện đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có những lời phê bình phương pháp xét xử riêng, đó là mức phí cao do một số thẩm phán đã về hưu đặt ra. Chẳng hạn, một tòa phúc thẩm ở California đã lưu ý rằng một số thẩm phán đương nhiệm đang rời bỏ công việc của mình để kiếm thêm tiền với tư cách là những thẩm phán xét xử riêng.
Những tòa án chuyên biệt
Hệ thống tòa án bang thường được đặc trưng bở i rất nhiều tòa án chuyên biệt được thành lập để giải quyết những loại vụ án dân sự cụ thể. Những tòa án xét xử các mối quan hệ trong gia đình thường được thành lập để giải quyết những vấn đề như ly hôn, chăm sóc con cái và hỗ trợ con cái. Trong nhiều khu vực tài phán, những tòa án về thủ tục di chúc giải quyết việc phân xử di sản và tranh chấp di chúc.
Có lẽ loại tòa án chuyên biệt được biết đến nhiều nhất là những tòa án giải quyết khiếu kiện giá trị nhỏ. Những tòa án này có thẩm quyền pháp lý xét xử những vụ án mà số tiền khiếu kiện để đòi không vượt quá một con số nào đó. Trị giá tiền đòi thay đổi theo thẩm quyền pháp lý nhưng mức tối đa thường là 500 hoặc 1.000 USD. Những tòa án giải quyết khiếu kiện giá trị nhỏ giúp cho những vụ án ít phức tạp hơn được giải quyết một cách không chính thức hơn so với hầu hết những tòa án xét xử khác. Phí khởi kiện là thấp, và việc sử dụng luật sư thường không được khuyến khích, khiến cho người dân bình thường có thể đến được với những tòa án giải quyết khiếu kiện giá trị nhỏ.
Các cơ quan hành chính
Rất nhiều cơ quan chính phủ cũng đã thành lập các đơn vị hành chính với thẩm quyền bán tư pháp được phép giải quyết một số loại vụ án nhất định. Chẳng hạn ở cấp độ liên bang, các cơ quan như Ủy ban thương mại liên bang và Ủy ban thông tin liên tục liên bang tiến hành việc phân xử những vụ việc thuộc phạm vi thẩm quyền của họ. Kháng án về phán quyết của một trong những cơ quan này có thể được đưa lên xem xét ở tòa án phúc thẩm liên bang.
Ở cấp bang, ví dụ phổ biến về một cơ quan hành chính hỗ trợ việc giải quyết các khiếu kiện dân sự là Ủy ban bồi thường cho công nhân. Ủy ban nà y xác định liệu thương tích của một người làm công ăn lương có liên quan tới công việc hay không và do đó họ có được trả tiền bồi thường hay không. Rất nhiều phòng / ban quản lý phương tiện đi lại có gắn máy có các ủy ban điều trần để quyết định việc thu hồi giấy phép lái xe. Một hình thức khác của ủy ban hành chính cũng thường được bắt gặp trong những quy định của bang về các vấn đề quyền dân sự và các trường hợp bị cáo buộc là phân biệt đối xử.
TRÌNH TỰ TỐ TỤNG DÂN SỰ
Một số vụ tranh chấp được giải quyết bằng những phương pháp giải quyết tranh chấp khác nhau, trong một tòa án chuyên môn, hoặc thông qua một cơ quan hành chính. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có rất nhiều vụ tranh chấp phải đưa ra trước tòa án dân sự để giải quyết.
Nhìn chung, thủ tục tranh tụng được sử dụng trong các phiên tòa hình sự cũng được sử dụng tại các tòa án dân sự, với một số khác biệt quan trọng. Thứ nhất, nguyên đơn phải có vị thế tranh chấp. Khái niệm này đơn giản có nghĩa là người khởi xướng vụ kiện phải có lợi ích cá nhân liên quan tới kết quả của vụ tranh cãi. Bằng không, sẽ không có tranh cãi thực sự giữa các bên và do vậy không có vụ việc thực tế để tòa phân xử.
Sự khác biệt lớn thứ hai là ở chỗ chuẩn mực về bằng chứng được sử dụng trong các vụ án dân sự là chứng cứ vượt trội của nguyên đơn để thuyết phục được tòa, chứ không phải tiêu chuẩn “nằm ngoài một sự nghi ngờ hợp lý” nghiêm ngặt thường được sử dụng trong các vụ án hình sự. Chứng cứ vượt trội của nguyên đơn thường có nghĩa là có đủ bằng chứng để vượt qua sự nghi ngờ hoặc suy đoán. Nó hiển nhiên có nghĩa là các vụ án dân sự thường cần ít bằng chứng hơn so với các vụ án hình sự.
Khác biệt lớn thứ ba là rất nhiều sự bảo đảm về quy trình tố tụng mở rộng mà bị đơn có được trong vụ án hình sự không được áp dụng trong tố tụng dân sự. Ví dụ, Hiến pháp không cho phép các bên được bàn bạc, thảo luận với nhau. Tu chính án Hiến pháp thứ bảy bảo đảm quyền có một bồi thẩm đoàn trong các vụ kiện “mà giá trị tranh chấp vượt quá 20 USD.” Mặc dù tu chính án này không được áp dụng đối với các bang, nhưng hầu hết các bang đều có những bảo đảm về hiến pháp tương tự.
Khởi lập một vụ kiện dân sự
Người khởi lập vụ kiện dân sự được gọi là nguyên đơn, còn người bị kiện là bị đơn hoặc bên bị. Một vụ kiện dân sự được gọi theo tên của nguyên đơn và bị đơn, ví dụ như Jones kiện Miller. Tên của nguyên đơn đứng trước. Trong một vụ kiện thông thường, luật sư của nguyên đơn trả một khoản phí và đệ trình một khiếu kiện hoặc kiến nghị tới ban thư ký của một tòa án phù hợp. Khiếu kiện nêu rõ những sự kiện làm cơ sở cho hành động, những thiệt hại xảy ra, và phán quyết hoặc đền bù mà nguyên đơn mong muốn.
Quyết định về việc tòa án nào sẽ thụ lý vụ việc liên quan tới các khái niệm về quyền hạn xét xử và nơi chốn: Quyền hạn xét xử liên quan tới thẩm quyền của tòa án để thực thi quyền lực pháp lý, còn nơi chốn có nghĩa là địa điểm mà thẩm quyền này có thể được thực thi.
Những yêu cầu về quyền hạn xét xử được thỏa mãn khi tòa án có thẩm quyền pháp lý đối với cả vấn đề tranh cãi và bản thân bị đơn. Điều này có nghĩa rằng một số tòa án có thể có quyền hạn xét xử đối với cùng một vụ việc. Ví dụ, giả sử rằng một người cư trú tại Dayton, Ohio, bị thương rất nặng trong một tai nạn ôtô tại Tennessee khi xe của anh ta đang lái bị tông vào phía sau bởi một chiếc xe khác do một người cư trú tại Kingsport, Tennessee, lái. Tổng thiệt hại đối với người lái xe ở Ohio và xe của anh ta là 80.000 USD. Một tòa xét xử cấp bang ở Ohio có thẩm quyền đối với đối tượng tranh tụng, và Ohio hoàn toàn có thể có quyền tài phán đối với bị đơn. Bên cạnh đó, các tòa án bang Tennessee cũng có thể có quyền tài phán. Các tòa án hạt liên bang ở cả Ohio và Tennessee cũng có quyền tài phán bởi vì vụ việc có liên quan tới công dân của các bang khác nhau và giá trị của vụ tranh chấp vượt quá 75.000 USD. Giả sử rằng quyền tài phán là yếu tố duy nhất cần quan tâm, nguyên đơn có thể kiện tại bất cứ tòa án nào trong số những tòa án kể trên.
Việc xác định nơi xét xử phù hợp có thể được quy định bởi luật trên cơ sở nhằm tránh những thiên kiến, hoặc đơn giản chỉ là để cho thuận tiện. Luật liên bang quy định rằng nơi xét xử phù hợp là tòa án hạt mà tại đó nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú, hoặc tại nơi vụ việc xảy ra. Các quy định về tòa xét xử của các bang có khác nhau đôi chút, song chúng thường quy định rằng khi vụ việc có liên quan đến đất đai, thì tòa xét xử sẽ là tòa án hạt nơi có khu đất đó. Trong hầu hết các trường hợp khác, tòa xét xử sẽ là tòa án hạt nơi bị đơn cư trú.
Các vấn đề về nơi xét xử cũng có thể liên quan tới thiên kiến được nhận thấy hoặc được e ngại sẽ xảy ra của thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn tương lai. Đôi khi, các luật sư phản đối các phiên tòa được tổ chức tại một khu vực cụ thể vì lý do này và có thể đề nghị chuyển vụ tố tụng cho tòa án tại nơi khác. Mặc dù hình thức phản đối này có lẽ thường xuất hiện nhiều hơn ở các phiên tòa hình sự được công khai rộng rãi, song nó cũng không phải là không có tại các phiên tòa dân sự.
Khi tòa án phù hợp đã được xác định và đơn khiếu tố đã được gửi đi, viên lục sự tòa sẽ đính kèm bản sao đơn khiếu tố này với trát đòi của tòa gửi tới bị đơn sau đó. Trát đòi có thể được tống đạt bởi nhân viên của văn phòng quận trưởng, văn phòng cảnh sát trưởng hoặc một cơ quan dịch vụ tố tụng tư nhân.
Trát đòi yêu cầu bị đơn phải đệ trình một lời phúc đáp, được biết đến như lời biện hộ, trong một khoảng thời gian xác định (thường là 30 ngày). Nếu bị đơn không làm như vậy, ông ta / bà ta có thể sẽ phải chịu sự xét xử vắng mặt.
Những hành động đơn giản này của nguyên đơn, thư ký tòa án và người tống đạt theo thủ tục sẽ khởi đầu quá trình của một phiên tòa dân sự. Những gì xảy ra tiếp theo là hàng loạt hoạt động nhộn nhịp diễn ra trước phiên tòa thực sự và có thể kéo dài vài tháng. Khoảng 75% các vụ việc đã được giải quyết mà không cần đến tòa án trong thời gian này.
Những hoạt động diễn ra trước phiên tòa
Kiến nghị. Khi trát đòi đã được tống đạt tới bị đơn, luật sư của bị đơn có thể đưa ra một số kiến nghị. Một kiến nghị hủy bỏ thường yêu cầu rằng tòa án tuyên bố trát đòi không có hiệu lực trên cơ sở nó không được tống đạt đúng cách. Ví dụ, bị đơn có thể khiếu nại rằng trát đòi đã không được chuyển cho đích thân bị đơn theo như yêu cầu của luật pháp bang.
Có hai loại kiến nghị nhằm làm rõ hoặc phản đối khiếu kiện của nguyên đơn. Một kiến nghị phản đối yêu cầu tòa án cắt bỏ hoặc xóa bớt một số phần nhất định trong đơn khiếu tố bởi vì chúng không đúng, không thích hợp, hoặc không liên quan. Một kiến nghị làm rõ thường đề nghị tòa án yêu cầu nguyên đơn phải nêu cụ thể hơn những lời khiếu kiện.
Hình thức kiến nghị thứ tư thường được đưa ra trong một vụ án dân sự là kiến nghị bác bỏ. Kiến nghị này có thể lập luận rằng tòa án không đủ thẩm quyền tài phán, hoặc có thể cho rằng nguyên đơn không đưa ra được cơ sở pháp lý thuyết phục cho hành động chống lại bị đơn, cho dù những lời cáo buộc là đúng.
Trả lời. Nếu đơn khiếu tố vẫn được duy trì sau phán quyết của thẩm phán đối với các kiến nghị, bị đơn lúc đó sẽ phải đệ trình một bản trả lời cho đơn khiếu tố. Bản trả lời này có thể bao gồm lý lẽ thừa nhận, phủ nhận, biện hộ và phản tố. Khi trong bản trả lời có sự thừa nhận, sẽ không cần phải chứng minh sự việc trong phiên tòa. Tuy nhiên, một sự phủ nhận sẽ dẫn tới việc phải chứng minh sự việc trong quá trình diễn ra phiên tòa. Lời biện hộ nói rằng một số sự việc được nêu trong bản trả lời có thể khiến cho nguyên đơn không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bị đơn có thể tiến hành một hành động riêng biệt được gọi là phản tố. Nếu bị đơn nghĩ rằng có cơ sở cho hành động chống lại nguyên đơn phát sinh từ chính những sự kiện trên, ông ta / bà ta phải đệ trình khiếu kiện lên tòa án để đáp lại khiếu kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn sẽ phải gửi một bản phúc đáp cho bản trả lời của bị đơn. Trong bản phúc đáp này, nguyên đơn có thể thừa nhận, phủ nhận hoặc biện hộ chống lại những lời cáo buộc hoặc sự việc được nêu ra trong lời phản tố.
Tiết lộ các tài liệu. Hệ thống pháp lý Hoa Kỳ quy định thủ tục tiết lộ các tài liệu; có nghĩa là mỗi bên đều có quyền được biết các thông tin thuộc sở hữu của bên kia. Có một số hình thức tiết lộ tài liệu như sau:
-
Bằng chứng cung cấp thêm là bản khai của một nhân chứng đã được tuyên thệ bên ngoài phiên tòa. Bản khai này được viết dưới hình thức các câu hỏi và trả lời giống như trong phiên tòa. Tất cả các bên có liên quan tới vụ việc đều phải được thông báo về việc khai báo này của nhân chứng để luật sư của họ có thể có mặt để đối chất nhân chứng.
-
Các câu thẩm vấn là những câu hỏi viết phải được trả lời sau khi đã tuyên thệ. Các câu thẩm vấn có thể chỉ được đưa cho các bên trong vụ kiện, chứ không đưa cho nhân chứng. Chúng được sử dụng nhằm mô tả bằng chứng mà bên đối lập đưa ra trong vụ kiện.
-
Một bên trong vụ kiện có thể yêu cầu được xem các tài liệu nếu họ muốn thẩm tra các tài liệu, văn bản, bản vẽ, biểu đồ, sơ đồ, bản đồ, ảnh hoặc những thứ khác mà bên kia đang nắm giữ.
-
Nếu có các câu hỏi về tình trạng thể chất hoặc tinh thần của một trong hai bên, tòa án có thể yêu cầu người đó đệ trình một giấy khám sức khỏe do bác sĩ cấp.
Tại cuộc họp này, thẩm phán và các luật sư cố gắng đi đến thỏa thuận về những vấn đề thực tế không thể tranh cãi được, thường được gọi là các quy tắc thỏa thuận. Mục tiêu của các quy tắc thỏa thuận này là nhằm làm cho phiên tòa thực tế diễn ra hiệu quả hơn bằng việc giảm bớt những vấn đề phải tranh cãi trong phiên tòa. Các luật sư cũng cho bên kia xem danh sách các nhân chứng và tài liệu vốn là một phần của vụ kiện.
Các luật sư và thẩm phán cũng có thể sử dụng cuộc hội ý trước phiên tòa để cố gắng giải quyết vụ kiện. Một số thẩm phán rất tích cực làm việc để đạt được thỏa thuận giữa hai bên, và do vậy không phải đưa vụ kiện ra xét xử trước tòa.
Phiên tòa dân sự
Lựa chọn bồi thẩm đoàn. Tu chính án Hiến pháp thứ bảy bảo đảm quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong một vụ kiện dân sự tại một tòa án liên bang. Các hiến pháp của bang cũng quy định quyền này. Quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn có thể bị khước từ, và trong trường hợp đó thẩm phán sẽ quyết định vụ kiện. Mặc dù theo truyền thống, bồi thẩm đoàn thường gồm 12 người, song hiện nay con số này rất khác biệt giữa các nơi. Hầu hết các tòa án hạt thuộc liên bang ngày nay đều sử dụng bồi thẩm đoàn ít hơn 12 người trong các vụ kiện dân sự. Phần lớn các bang cũng ủy quyền cho các bồi thẩm đoàn với quy mô nhỏ hơn trong một số hoặc tất cả các phiên tòa dân sự.
Giống như trong các phiên tòa hình sự, các thành viên của bồi thẩm đoàn phải được lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ một bộ phận tương đối tiêu biểu của cộng đồng. Một nhóm thành viên bồi thẩm đoàn đông hơn được triệu tập tới trụ sở tòa án, và khi một vụ kiện được chỉ định cho tòa dân sự, một nhóm nhỏ hơn các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ được đưa đến một phòng xử án cụ thể.
Sau khi tiến hành thẩm tra sơ khởi - việc thẩm tra này có thể bao gồm cả sự phản đối của các luật sư đối với một số thành viên nào đó - một ban bồi thẩm sẽ ngồi tại tòa để nghe xét vụ việc cụ thể. Các luật sư có thể phản đối có lý do đối với một thành viên bồi thẩm đoàn; trong trường hợp này thẩm phán sẽ phải quyết định liệu người bị phản đối có thiên kiến hay không. Mỗi bên có thể đưa ra một số nhất định những phản đối suy đoán - phản đối một thành viên bồi thẩm đoàn mà không cần phải nêu bất kỳ một lý do nào. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng sự bảo đảm về quyền bình đẳng của Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn cấm việc sử dụng những phản đối này để tuyên bố các thành viên bồi thẩm đoàn là không đủ tư cách vì lý do chủng tộc hay giới tính của họ. Các phản đối suy đoán được quy định số lượng bởi luật pháp hoặc phán quyết tòa án và thường dao động từ hai tới sáu.
Các tuyên bố mở màn. Sau khi chọn xong bồi thẩm đoàn, các luật sư trình bày tuyên bố mở màn của mình. Luật sư của bên nguyên bắt đầu trước. Ông / bà ta sẽ giải thích cho bồi thẩm đoàn về vụ việc và về những gì mà bên nguyên muốn chứng minh. Luật sư của bên bị thường có thể lựa chọn việc trình bày tuyên bố mở màn của mình ngay sau khi luật sư bên nguyên kết thúc tuyên bố mở màn, hoặc đợi cho tới khi bên nguyên trình bày xong toàn bộ vụ việc. Nếu luật sư của bên bị chờ đợi, ông / bà ta sẽ trình bày toàn bộ vụ việc về phía bị đơn một cách liên tục, từ tuyên bố mở màn cho tới những nội dung tiếp theo. Các tuyên bố mở màn là rất có giá trị, bởi vì chúng khái quát vụ việc và giúp bồi thẩm đoàn dễ dàng hiểu được các bằng chứng khi chúng được đưa ra.
Trình bày lý lẽ của bên nguyên. Trong một phiên tòa dân sự thông thường, bên nguyên trình bày và cố gắng chứng minh vụ việc của mình với bồi thẩm đoàn trước, đồng thời là bên cuối cùng đưa ra các lập luận kết thúc. Khi trình bày vụ việc, luật sư của bên nguyên thường cho gọi các nhân chứng để làm chứng và đưa ra các tài liệu hoặc các vật chứng khác.
Khi một nhân chứng được cho gọi, ông / bà ta sẽ bị thẩm vấn trực tiếp bởi luật sư bên nguyên. Tiếp đó luật sư bên bị sẽ có cơ hội hỏi các câu hỏi hoặc đối chất với nhân chứng. Tòa án tối cao bang Arizona gần đây đã tiến hành một số bước để giúp thành viên bồi thẩm đoàn có thể ra những quyết định đúng đắn hơn trong các phiên tòa dân sự. Bên cạnh những quy định khác, tòa án cấp cao nhất này của bang đã thông qua việc cho phép thành viên bồi thẩm đoàn được chuyển các câu hỏi viết cho nhân chứng thông qua thẩm phán. Các bang khác đang xem xét việc thực hiện thông lệ mới của Arizona. Sau khi đối chất, luật sư của bên nguyên có thể tiếp tục hỏi trực tiếp nhân chứng, và tiếp đó luật sư bên bị tiếp tục đối chất với nhân chứng.
Nhìn chung, các nhân chứng có thể chỉ làm chứng về những vấn đề mà họ đã trực tiếp nhìn thấy; họ thường không trình bày ý kiến của mình. Tuy nhiên, có một ngoại lệ rất quan trọng cho quy định chung này là các nhân chứng có trình độ chuyên môn có thể được triệu tập cụ thể để đưa ra ý kiến về những vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn của họ.
Để được coi là một nhân chứng có trình độ chuyên môn, người đó phải có kiến thức thực tế về một lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, kiến thức này thường phải được xác minh trong quá trình tranh luận tại tòa. Cả hai bên thường giới thiệu những chuyên gia mà ý kiến của họ mâu thuẫn nhau. Khi điều này xảy ra, bồi thẩm đoàn sẽ là người cuối cùng quyết định ý kiến nào là đúng.
Khi bên nguyên đã trình bày xong toàn bộ chứng cớ, luật sư tuyên bố kết thúc phần trình bày về vụ việc (quay về vị trí của mình).
Kiến nghị phán quyết bác bỏ. Sau khi bên nguyên đã kết thúc phần trình bày về vụ kiện, bị đơn thường đưa ra kiến nghị về một phán quyết bác bỏ vụ kiện. Khi đưa ra kiến nghị này, có nghĩa là bị đơn cho rằng nguyên đơn không chứng minh được vụ việc của mình và phải bị xử thua. Lúc này, thẩm phán sẽ quyết định liệu bên nguyên có thể thắng được tại điểm này nếu vụ kiện bị ngừng lại. Nếu như thẩm phán quyết định rằng các chứng cứ của bên nguyên không đủ thuyết phục, ông / bà ta sẽ chấp nhận kiến nghị và đưa ra phán quyết bác bỏ cho bị đơn. Như vậy, nguyên đơn sẽ thua kiện. Kiến nghị phán quyết bác bỏ này cũng tương tự như kiến nghị bác bỏ trước khi diễn ra phiên tòa.
Phần trình bày lý lẽ của bên bị. Nếu như kiến nghị về phán quyết bác bỏ bị bác, bị đơn sẽ phải trình bày các chứng cứ. Phần trình bày lý lẽ của bị đơn sẽ giống như phần trình bày của nguyên đơn. Có nghĩa là, sẽ có sự thẩm tra trực tiếp các nhân chứng, đệ trình các tài liệu và các vật chứng khác. Bên nguyên có quyền đối chất với nhân chứng. Sau đó sẽ là việc thẩm tra lại và đối chất lại.
Bác bỏ của bên nguyên. Sau phần trình bày của bị đơn, nguyên đơn có thể đưa ra những bằng chứng bác bỏ, nhằm mục đích bác bỏ các bằng chứng của bị đơn.
Phản bác đối với sự bác bỏ của bên nguyên. Luật sư của bên bị có thể trình bày những bằng chứng để phản bác lại những bằng chứng bác bỏ của bên nguyên. Hình thức “bác bỏ và phản bác” này có thể được tiếp tục cho tới tận khi không còn bằng chứng nào cả.
Các lập luận kết thúc. Sau khi tất cả các bằng chứng đã được trình lên, các luật sư sẽ đưa ra những lập luận kết thúc, hoặc phần tổng kết, cho bồi thẩm đoàn. Luật sư của bên nguyên sẽ nói cả trước và sau. Điều đó có nghĩa là ông / bà ta sẽ vừa mở đầu vừa kết thúc phần lập luận, còn luật sư của bên bị sẽ tranh luận chen ngang. Trong giai đoạn này của phiên xét xử, mỗi luật sư sẽ công kích bằng chứng của bên kia là không đáng tin cậy và cũng có thể cố gắng làm mất tín nhiệm đối với nhân chứng của đối phương. Trong việc này, các luật sư thường sử dụng tài hùng biện hoặc đưa ra những yêu cầu khẩn thiết đầy xúc động đối với bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, các lập luận nhất thiết phải dựa trên các sự việc thực tế được chứng minh bởi bằng chứng và được trình lên trong phiên tòa.
Hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn. Giả thiết rằng một phiên tòa được xét xử bởi bồi thẩm đoàn không bị khước từ, các hướng dẫn dành cho bồi thẩm đoàn sẽ được đưa ra sau khi chấm dứt phần lập luận kết thúc. Thẩm phán thông báo cho bồi thẩm đoàn rằng bồi thẩm đoàn phải phán quyết dựa trên các bằng chứng được đưa ra trước tòa. Các hướng dẫn của thẩm phán cũng thông báo cho thành viên bồi thẩm đoàn biết về những quy định, nguyên tắc và tiêu chuẩn của khái niệm pháp lý cụ thể có liên quan. Trong các phiên tòa dân sự, một kết luận dành cho nguyên đơn phải được dựa trên cơ sở sự vượt trội về bằng chứng. Điều đó có nghĩa là các thành viên bồi thẩm đoàn phải cân nhắc các bằng chứng được trình bày trong phiên tòa và quyết định trong đầu xem các bằng chứng có sức thuyết phục hơn, xét về cả tình tiết và giá trị, có lợi cho nguyên đơn hay không.
Phán quyết. Bồi thẩm đoàn sẽ lui vào phòng bồi thẩm đoàn để hội ý riêng với nhau về quyết định của mình. Các thành viên phải đưa ra một phán quyết mà không có sự liên hệ với bên ngoài. Trong một số trường hợp, cuộc thảo luận có thể kéo dài và chi tiết tới mức các bồi thẩm đoàn phải được cung cấp đồ ăn và chỗ ngủ cho tới tận khi họ đưa ra được phán quyết. Lúc đó, phán quyết sẽ là sự nhất trí của tất cả các thành viên bồi thẩm đoàn sau khi đã thảo luận và phân tích chi tiết các bằng chứng. Đôi khi, bồi thẩm đoàn đã cân nhắc và thảo luận hết sức kỹ lưỡng với tất cả thiện ý, song vẫn không đi tới được phán quyết. Khi trường hợp này xảy ra, thẩm phán sẽ tuyên bố hủy bỏ phiên tòa để thay thế bằng một bồi thẩm đoàn khác. Điều đó có nghĩa là sẽ phải tiến hành một phiên xét xử mới.
Sau khi đã đưa ra được phán quyết, bồi thẩm đoàn sẽ quay trở lại phòng xử án, và tại đó họ sẽ chuyển phán quyết cho thẩm phán. Các bên được thông báo về phán quyết. Theo thông lệ, lúc đó bồi thẩm đoàn sẽ được xin ý kiến về phán quyết - thẩm phán sẽ hỏi từng thành viên bồi thẩm đoàn xem họ có đồng tình với phán quyết hay không.
Các kiến nghị sau phiên xét xử. Khi phán quyết đã được công bố, bên không hài lòng với phán quyết có thể tiếp tục tiến hành rất nhiều chiến thuật. Bên thua kiện có thể đệ trình một kiến nghị về bản án bất chấp phán quyết đã đưa ra. Hình thức kiến nghị này được cho phép khi thẩm phán quyết định rằng phán quyết mà bồi thẩm đoàn đã đưa ra là không hợp lý.
Bên thua kiện cũng có thể đệ trình kiến nghị về việc mở một phiên tòa mới. Thông thường, cơ sở đề xuất kiến nghị này là phán quyết đưa ra đã đi ngược lại với sức nặng về bằng chứng. Thẩm phán sẽ chấp thuận kiến nghị trên cơ sở đó nếu ông / bà ta đồng tình rằng các bằng chứng được đưa ra đơn giản là không hỗ trợ cho phán quyết mà bồi thẩm đoàn đã tuyên bố. Một phiên tòa mới cũng có thể được chấp nhận vì một số lý do, ví dụ như: thiệt hại quá mức, thiệt hại hoàn toàn không tương xứng, việc phát hiện ra các bằng chứng mới, và sai sót khi đưa ra bằng chứng, v.v..
Trong một số trường hợp, bên thua kiện cũng có thể đệ trình một kiến nghị miễn giảm bản án. Loại kiến nghị này có thể được chấp nhận nếu thẩm phán phát hiện sai sót khi ghi chép bản án, khám phá thêm một số bằng chứng mới, hoặc xác định rằng bản án đã bị làm sai lệch theo cách gian lận.
Án văn và thi hành. Một phán quyết có lợi cho bị đơn sẽ kết thúc phiên xét xử, nhưng phán quyết có lợi cho nguyên đơn đòi hỏi phải có thêm một giai đoạn nữa trong trình tự tố tụng. Trong các phiên tòa dân sự thường không có bản án, nhưng phải xác định phương thức bồi thường hoặc các thiệt hại được ước tính. Sự xác định này được gọi là án văn.
Trong trường hợp án văn là về thiệt hại về tiền bạc và bị đơn không tự nguyện trả số tiền đã được nêu, bên nguyên có thể đề nghị viên lục sự tòa đưa ra một lệnh thi hành án. Lệnh thi hành sẽ được chuyển đến văn phòng cảnh sát trưởng, yêu cầu cảnh sát trưởng tịch biên tài sản của bên bị và bán đấu giá chúng để trả cho nguyên đơn theo án đã tuyên. Có một cách khác là ban hành một lệnh cầm cố - đây là một quyền pháp lý cho phép giữ tài sản có thể được sử dụng để trả cho nguyên đơn theo án văn.
Kháng án. Nếu một bên cảm thấy có sự sai sót về luật pháp trong quá trình xét xử, và nếu thẩm phán không chấp nhận kiến nghị sau phiên xử về việc mở một phiên xét xử mới, bên không hài lòng có thể kháng án lên một tòa án cấp cao hơn. Có lẽ những lý lẽ phổ biến nhất cho việc kháng án này là vì thẩm phán đã chấp nhận những bằng chứng mà lẽ ra phải bị loại trừ, từ chối chấp nhận những bằng chứng lẽ ra phải được đưa vào, hoặc không đưa ra những chỉ dẫn phù hợp cho bồi thẩm đoàn.
Một luật sư đưa ra cơ sở cho việc kháng án bằng cách phản đối những sai sót mà ông ta cho rằng đã xuất hiện trong quá trình xét xử. Sự phản đối này sẽ được ghi trong hồ sơ xét xử và trở thành một phần của biên bản phiên tòa; những chi tiết này sau này sẽ được xem xét bởi tòa phúc thẩm. Quyết định của tòa phúc thẩm có thể là giữ nguyên bản án của tòa cấp thấp hơn hoặc mở một phiên xét xử mới.