Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Một lá phiếu cứu Obamacare - Ngô Nhân Dụng




Người Mỹ chờ đợi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về Luật Cải Tổ Y Tế của Tổng Thống Barack Obama cũng hồi hộp không khác gì người coi trận chung kết giải Euro 12.
Hồi hộp tới phút chót; năm phút chót. Theo tin trong giới cá độ (InTrade) thì có 70% người ta tin là các thẩm phán sẽ bác bỏ đạo luật vì nó vi hiến. Ðơn thưa kiện của 26 tiểu bang nói rằng đạo luật Obama bắt buộc mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế (nếu không sẽ bị phạt tiền) là vi hiến. Phía chính quyền biện hộ rằng điều này nằm trong quyền của Quốc Hội dựa theo Ðiều khoản Thương mại trong hiến pháp Mỹ; nó cho phép Quốc Hội liên bang làm luật điều hành việc thương mại liên tiểu bang.
Trong phần đầu bản văn dài 59 trang được công bố Chủ Tịch John Roberts đã nêu ý kiến nói rằng việc bắt buộc trên “không thể coi là phù hợp với Ðiều khoản Thương mại”. Những người chống đạo luật cười hân hoan. Phải năm phút sau Thẩm Phán Roberts mới nêu ra ý kiến khác, nói rằng Quốc Hội có quyền đánh thuế những người không mua bảo hiểm y tế; mà thứ tiền mà trong đạo luật gọi là tiền phạt chính là một thứ thuế, nằm trong thẩm quyền của Quốc Hội! Những người ủng hộ đạo luật lúc đó mới bật lên mừng rỡ!


Có lẽ trong năm phút mong manh đó, các đài CNN và Fox News đã cố giành cái vinh dự loan tin sớm nhất. Họ cho tin lên đài: “Tối Cao Pháp Viện bác bỏ luật bắt cá nhân mua bảo hiểm y tế vì vi hiến!”
Từ hai năm nay cả bên, phe chống lẫn phe bênh đạo luật, không ai dùng đến lý luận về thuế má cả. Hồi Tháng Ba, mục Bình Luận này đã đặt câu hỏi tại sao hai năm trước Tổng Thống Obama không mô tả việc đóng tiền phạt này là một thứ thuế, để tránh cho đạo luật khỏi bị kiện là vi hiến. Không ngờ chính Thẩm Phán Roberts đã dùng lối giải thích này để giữ lại đạo luật.
Những người theo khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ thường không muốn cho chính quyền liên bang nới rộng thêm quyền hành, lấn áp các tiểu bang hoặc xâm phạm vào quyền quyết định của các cá nhân. Bốn vị phẩm phán bảo thủ (Kennedy, Scalia, Thomas và Alito), do các vị tổng thống Cộng Hòa đề cử, đều nói Ðiều khoản Thương mại không cho phép Quốc Hội liên bang nhiều quyền như trong đạo luật đạo luật Obamacare. Bốn vị có khuynh hướng cấp tiến (Ginsburg, Sonia Sotomayor, Stephen G. Breyer và Elena Kagan) nghĩ ngược lại. Cả hai bên đều dựa trên Ðiều khoản Thương mại; đưa ra những bản ý kiến riêng bổ túc cho phán quyết. Chánh Thẩm John Roberts đồng ý là Ðiều khoản Thương mại không cho phép Quốc Hội bắt dân mua bảo hiểm. Ông đã bỏ lá phiếu quyết định giữ đạo luật, nhưng dùng lý luận dựa trên quyền đánh thuế của Quốc Hội Mỹ.
Ông John Roberts được cựu Tổng Thống Georges W. Bush (Cộng Hòa) đề cử làm chánh thẩm Tối Cao Pháp Viện. Ông đã cứu một công trình lập pháp quan trọng nhất của đảng Dân Chủ trong vòng nửa thế kỷ nay; trong lúc toàn thể đảng Cộng Hòa chống lại đạo luật đó.
Bài học thứ nhất là khi các vị thẩm phán có vai trò độc lập thì quyền của họ rất lớn. Các thẩm phán cấp liên bang ở Mỹ đều được bổ nhiệm suốt đời (các thẩm phán cấp dưới thì do dân bỏ phiếu định kỳ). Ðó là một cách bảo vệ tính độc lập của các thẩm phán; khiến họ không phải chiều theo ý kiến của đảng phái chính trị.
Tính độc lập của các thẩm phán đã bị nhiều người Mỹ nghi ngờ, vì khi các ông tổng thống đề cử ai thì cũng chọn những người cùng quan điểm với mình về các nguyên tắc pháp luật. Năm 2000, phán quyết 5-4 của Tối Cao Pháp Viện Mỹ chỉ kết luận là cuộc kiểm phiếu ở Florida là hợp pháp, có thể kết thúc. Nhưng lá phiếu thứ 5 trong phán quyết đó đã đưa tới hậu quả, là Tổng Thống Georges W. Bush đắc cử.
Lá phiếu thứ 5 của Chánh Thẩm Roberts vừa rồi khiến người Mỹ thấy rõ tính độc lập của quyền tư pháp. Trước đây, các đơn kiện đạo luật Obamacare ở tòa án cấp dưới cũng đưa tới những kết quả bất ngờ. Ở cấp tòa địa hạt, các vị thẩm phán gốc Dân Chủ thường phán là đạo luật chỉ áp dụng Ðiều khoản Thương mại; trong khi các thẩm phán gốc Cộng Hòa thì thấy đạo luật vượt quá quyền hạn của điều khoản đó. Khi lên đến cấp tòa phá án, thì ngược lại, chính vị thẩm phán được ông tổng thống đảng Dân Chủ đề cử lại bác bỏ đạo luật này, còn một vị thẩm phán Cộng Hòa thì lại phán là nó đúng luật.

Cho nên có thể rút ra một bài học khác, là việc giải thích luật pháp và hiến pháp không giản dị, rất khó đoán. Trước khi tòa án tối cao xét xử, nhiều luật gia đoán rằng Thẩm Phán Kennedy sẽ ủng hộ Obamacare, vì trong quá khứ ông đã nhiều lần bỏ phiếu cho chính quyền liên bang thêm quyền hành dựa theo Ðiều khoản Thương mại. Ông Kennedy lại là người viết bản ý kiến dị biệt của các thẩm phán không đồng ý với phán quyết, với những lời lẽ rất cứng rắn và sắc bén. Nhưng Chánh Thẩm Roberts đưa ra lý luận sắc bén nhất về vấn đề áp dụng Ðiều khoản Thương mại. Theo ông hiến pháp cho phép Quốc Hội điều tiết các hoạt động mua bán liên bang, nhưng không có nghĩa là họ cũng có quyền trên những người không mua gì cả. “Nhân danh Ðiều khoản Thương mại để giữ lại đạo luật Y tế này tức là cho Quốc Hội quyền viết luật trên những gì người dân không làm. Các nhà Lập hiến (nước Mỹ vào thế kỷ 18) biết phân biệt giữa hoạt động và không hoạt động gì cả. Họ cho Quốc Hội quyền quy định về hoạt động thương mại, chứ không cho quyền bắt người dân phải dự vào các hoạt động thương mại.”
Năm 2005, khi điều trần trước Thượng Viện Mỹ để được phê chuẩn làm Chánh Án Tối Cao Pháp Viện, ông Roberts đã ví: “Nhà thẩm phán cũng giống các trọng tài. Trọng tài không làm ra các luật giao đấu, họ chỉ áp dụng. Vai trò của một trọng tài, cũng như một thẩm phán là bảo đảm mọi người giao đấu theo đúng luật; một vai trò rất giới hạn. Không ai đến sân banh để xem ông trọng tài cả.”
Nhưng trong trận đá bóng Luật Cải Tổ Y Tế vừa qua, trọng tài John Roberts đã biểu diễn rất ngoạn mục. Một mặt, ông bác bỏ ý kiến của chính quyền Obama, nói đạo luật theo đúng Ðiều khoản Thương mại. Một mặt ông giữ nguyên đạo luật đó, dựa trên một lý luận mà chính quyền không nghĩ đến để dùng khi tự vệ: Quyền đánh thuế. Cuối cùng, có thể nói ông Roberts đã đá trái banh Cải tổ Y tế sang một sân chơi khác, cho các nhà chính trị hai đảng đấu với nhau trong năm tháng tới, bằng cuộc vận động tranh cử.

Ứng cử viên Mitt Romney đã kêu gọi những người chống đạo luật hãy bầu cho ông làm tổng thống, ông hứa sẽ xin cho Quốc Hội bãi bỏ đạo luật ngay khi nhậm chức. Ðảng Cộng Hòa có thể dùng vấn đề này như một đề tài tranh cử tổng thống và Quốc Hội. Một cuộc nghiên cứu dư luận gần đây cho thấy chỉ có 24% dân Mỹ nghĩ là Tối Cao Pháp Viện nên giữ lại đạo luật; 27% nghĩ là nên xóa bỏ điều khoản bắt buộc mua bảo hiểm; và 41% cho là nên xóa tất cả đi. Sau khi Tòa Tối Cao công bố phán quyết, trong một giờ đảng Cộng Hòa đã nhận được 200,000 đô la tiền ủng hộ tranh cử. Trong vòng 24 giờ, Thống Ðốc Romney đã được 43,000 người ủng hộ qua Internet đóng góp cho ông 4.3 triệu đô la để giành lấy ngôi vị tổng thống!
Nhưng ông Romney cũng báo trước những người ủng hộ ông là không nên dồn hết sức vào việc tấn công đạo luật Cải tổ Y tế. Trong dư luận cử tri Mỹ, khi hỏi vấn đề nào là mối quan tâm lớn nhất, chỉ có 5% nói về đạo luật Cải tổ Y tế. Còn 50% các cử tri coi những vấn đề kinh tế, như công việc làm mới là quan trọng nhất.

Lá phiếu của Chánh Thẩm John Roberts sẽ thay đổi đời sống của hàng chục triệu người dân Mỹ, hoặc nhiều hơn. Có tờ báo kể câu chuyện anh Eric Richter ở Ohio. Hai vợ chồng anh đi làm, lợi tức góp lại được 36,000 đô la một năm. Lợi tức đó khá cao, anh không được hưởng Medicaid; nhưng mua bảo hiểm y tế thì tốn kém nên anh quyết định không mua vì ở tuổi 39 không mấy khi bệnh tật. Tháng Tư vừa qua bác sĩ phòng cấp cứu cho biết anh phải mổ một cái bứu nguy hiểm. Vợ anh đi tìm mua bảo hiểm, không nơi nào bán vì anh đã có bệnh rồi. Bà vợ phải quyết định bỏ việc làm, để lợi tức xuống thấp, đủ điều kiện được hưởng Medicaid.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện cho tiếp tục thi hành luật Obamacare. Ðiều khoản “Bắt buộc bảo hiểm” sẽ được áp dụng vào năm 2014. Sẽ có thêm trên 30 triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế. Ai cũng phải mua bảo hiểm, nếu thiếu tiền sẽ được chính phủ trợ cấp. Người nào không mua sẽ phải đóng tiền phạt, bằng 1% lợi tức, đến năm 2016 sẽ tăng lên tới 2.5%. Các công ty bảo hiểm không được phép giới hạn số tiền chi cho mỗi bệnh nhân trong một đời. Những người đang bị bệnh cũng vẫn mua được bảo hiểm, các công ty không được từ chối. Eric Richters sẽ mua được bảo hiểm dù đang bị bệnh. Gia đình anh, với lợi tức $36,000 sẽ phải đóng khoảng 200 đô la bảo hiểm mỗi tháng. Từ năm 2015, các bác sĩ sẽ được trả thù lao dựa trên kết quả việc trị liệu bệnh nhân, thay vì được trả công từng hành động chẩn đoán hoặc chữa trị.
Người dân Mỹ bình thường sẽ không lo bị mất bảo hiểm y tế khi kinh tế suy yếu, hãng xưởng đóng cửa, bị mất việc làm. Không ai lo khi bị tai nạn, hay bất ngờ bị bệnh như Eric Richters, có thể sạt nghiệp vì chi phí chữa trị, hoặc phải tự giảm bớt lợi tức và tài sản để được hưởng Medicaid. Tòa án Tối cao đã bác bỏ một phần điều khoản về Medicaid (Medi-Cal ở California), không cho phép chính phủ liên bang “phạt” các tiểu bang bằng cách rút bớt tiền góp vào quỹ này. Nhưng chương trình Medicaid sẽ được mở rộng thêm trên toàn quốc. Ðiều kiện dễ dàng hơn sẽ giúp khoảng 5 triệu người Mỹ nghèo hoặc quá tật bệnh nhận được Medicaid. Các thống đốc tiểu bang có quyền thi hành điều khoản này theo tốc độ nhanh hay chậm. Dân chúng các tiểu bang sẽ quyết định họ muốn luật được thi hành nhanh hay chậm qua lá phiếu. Cũng như dân Mỹ sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 tới; khi bầu cho Romney hay Obama, họ sẽ quyết định cả đạo luật Cải tổ Y tế có nên giữ hay không.

Trước khi Tòa Tối Cao công bố phán quyết, Tổng Thống Barack Obama có lúc than phiền rằng những người không được dân bầu (các thẩm phán) có quyền bác bỏ một đạo luật do các vị dân cử (tổng thống và Quốc Hội) làm ra! Ông Obama từng làm giáo sư về Luật hiến pháp; lời tuyên bố trên khiến nhiều người kinh ngạc. Nếu hiến pháp nước Mỹ ấn định như vậy, tại sao một ông tổng thống còn thắc mắc? Nay thì nhờ Thẩm Phán Roberts, Tổng Thống Obama không còn thắc mắc nữa! Chính trị là chuyện nhất thời. Quy tắc tam quyền phân lập có giá trị lâu dài hơn, nếu không nói là vĩnh viễn!