Dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ Frank Wolf
Dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ Frank Wolf tin tưởng rằng một tu chính án hạn chế cựu giới chức chính phủ không được vận động hành lang cho một số nước ngoài sẽ sớm trở thành luật.Hôm thứ Sáu, ông Wolf nói với đài VOA rằng các quốc gia như Trung Quốc, Ả Rập Xê-út, Sudan, Iran, và nhiều nước khác, cần phải được nhắc nhở rằng những chính sách của chính phủ nước họ, hay những vi phạm nhân quyền trái phép, sẽ không được nhân dân Mỹ chấp nhận.
Ông nói rằng đã có những trường hợp các cựu thành viên Hạ Viện, các cựu trưởng cơ sở CIA và các cựu viên chức Hoa Kỳ khác đã vận động hành lang cho các quốc gia này sau khi họ rời nhiệm sở.
Một thí dụ điển hình để thấy tại sao lệnh cấm này cần thiết, ông Wolf đã nêu lên trường hợp cựu trưởng cơ sở tình báo tại Miến Điện, người đã rời khỏi cơ quan chính phủ nhiều năm trước và làm việc cho một xí nghiệp ở vùng thủ đô Hoa Kỳ có thân chủ là tập đoàn quân nhân cầm quyền tại Miến Điện. Tin tức báo chí cho biết, ông ta đã kiếm được khoảng 5.000 đô la một tháng khi thuyết phục các giới chức Hoa Kỳ chấp nhận một chính sách thân hữu hơn với chế độ đàn áp cũ của Miến Điện.
Ông Wolf nói rằng dự luật này sẽ ngăn ngừa những hoạt động như vậy và sẽ áp dụng cho các chính phủ có thành tích nhân quyền tệ hại, đặc biệt như Sudan.
Ông Wolf nói rằng, dự luật này sẽ áp dụng cho các quốc gia bị đặt trong danh sách quan tâm đặc biệt (CPC) của Bộ Ngoại Giao. Trung Quốc bị đặt trong danh sách này vì thành tích đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo.
Ông Wolf, một dân biểu thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện tiểu bang Virginia, nói rằng, Ả Rập Xê-út nằm trong danh sách này vì sách giáo khoa chính thức của họ đầy rẫy những thông điệp thù ghét chống lại các tôn giáo thiểu số khác trong nước như Do Thái Giáo và Cơ Đốc Giáo và hình thức Hồi Giáo cực đoan của họ được dạy tại một số đền thờ và các trường tôn giáo.
Ông Wolf nói thêm vào với các chính phủ nước ngoài, lệnh cấm này cũng có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp do chính phủ nước ngoài bảo trợ.
Tu chính án của ông Wolf đã được Ủy ban Chuẩn y Ngân sách Hạ Viện chấp thuận và ông cho biết, chưa nghe thấy phản đối nào về việc tu chính án này sẽ được thông qua thành luật vào năm tới.
Hạ Viện Mỹ biểu quyết Bộ trưởng Tư pháp xem thường Quốc hội
Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết là Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder xem thường Quốc hội
Hạ Viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm biểu quyết cáo buộc Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder là miệt thị quốc hội vì không chịu trao cho Hạ Viện những hồ sơ về một âm mưu chuyển lậu súng bất thành giữa Hoa Kỳ và Mexico.Cuộc biểu quyết này nói chung là dựa theo phe đảng với 255 dân biểu ủng hộ và 67 phiếu phản đối.
Nhưng hầu hết các dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ đã rời bỏ phòng họp, khước từ tham gia biểu quyết. Các dân biểu này nói cuộc biểu quyết chỉ là một mánh lới để lôi kéo sự chú ý của mọi người khỏi những vấn đề quan trọng hơn nhiều.
Tòa Bạch Ốc cũng gọi cuộc biểu quyết là một màn kịch chính trị và khẳng định ông Holder là một bộ trưởng tư pháp xuất sắc.
Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói Bộ Tư pháp đã chuyển giao 7.600 trang hồ sơ cho các nhà điều tra Hạ Viện và không có bằng chứng nào cho thấy ông Holder can dự vào âm mưu chuyển lậu súng này.
Nhiều dân biểu Đảng Cộng Hòa nói họ tin là Tòa Bạch Ốc giữ lại những thông tin quan trọng về vụ chuyển lậu súng và các giới chức cao cấp của Bộ Tư Pháp đã nói dối về những gì họ biết.
Ông Holder là bộ trưởng đương nhiệm đầu tiên bị cáo buộc là miệt thị quốc hội. Ông gọi cuộc biểu quyết là đáng tiếc, và bị hướng dẫn sai lạc. Ông nói vụ chuyển lậu súng đã khởi sự dưới thời chính phủ trước của Tổng thống George W. Bush và ông đã chấm dứt chuyện đó khi biết sự thật.
Kế hoạch bị thất bại được biết tới với tên “Fast and Furious,” qua đó, các nhân viên công lực liên bang đã cho phép đưa lậu súng vào Mexico với hy vọng số vũ khí này sẽ dẫn họ tới gặp trực tiếp những kẻ buôn lậu súng.
Nhưng nhân viên công lực Hoa Kỳ đã mất dấu tích các võ khí này khi chúng được đưa qua Mexico. Chẳng những thế, âm mưu này gặp tác dụng dội ngược khi hai trong số các khẩu súng vừa kể đã được sử dụng để giết chết một nhân viên bảo vệ biên giới Hoa Kỳ.
Tòa phúc thẩm Mỹ giữ nguyên án tù 10 năm của luật sư trong vụ án khủng bố
Bà Lynne Stewart
Một tòa phúc thẩm liên bang ở Mỹ đã giữ nguyên án tù 10 năm của một luật sư bị rút phép hành nghề từng giúp cho thân chủ là một phần tử khủng bố chuyển lời nhắn cho những người ủng hộ.Thẩm phán đoàn 3 người ở New York hôm thứ 5 cho biết luật sư Lynne Stewart vẫn không chịu hiểu tính chất nghiêm trọng của tội mà bà đã phạm.
Bà Stewart, 72 tuổi, thoạt đầu bị tuyên án 28 tháng tù vào năm 2006 và đã bày tỏ sự khinh mạn đối với tòa án khi tuyên bố với các nhà báo rằng bà có thể đi bằng đầu trong lúc thọ án.
Các công tố viên liên bang đã nộp đơn kháng án vì cho rằng bản án quá nhẹ và một tòa án đã tuyên án lại cho bà Stewart vào năm 2010.
Luật sư của bà nói rằng bà bị đau yếu và bản án nhiều năm này gây phương hại cho tự do ngôn luận.
Bà Stewart từng làm luật sư cho Sheik Omar Abdel-Rahman, giáo sĩ Hồi giáo người Ai Cập bị mù hiện thọ án tù chung thân vì tội hoạch định những vụ tấn công khủng bố ở thành phố New York.
Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi các nhà hoạt động Nga
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton ca ngợi công việc của các nhà hoạt động nhân quyền và dân sự, bất chấp những trở ngại do chính quyền Nga đưa ra.Hôm thứ Sáu, bà Clinton đã gặp một số nhà hoạt động Nga tại tư gia của Tổng lãnh sự Mỹ ở St. Petersburg, thành phố lớn thứ nhì của Nga.
Bà nói người Nga chịu khó lao động và xứng đáng được có một chính quyền phục vụ lợi ích tốt nhất của họ và tôn trọng các quyền của họ.
Chính quyền Nga đã từng chỉ trích Hoa Kỳ và các nước Tây Âu hay khuấy động bất mãn tại Nga.
Quốc hội Nga đang định soạn bộ luật có nội dung xếp loại các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ của nước ngoài là “đặc vụ của nước ngoài.”
Bà Clinton nói bà thấu hiểu những khó khăn mà các nhà hoạt động Nga đang đối mặt.
Buổi họp với các nhà hoạt động Nga diễn ra trước khi bà gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để tìm thỏa thuận liên quan đến Syria.
Nhà thầu Mỹ nhận tội giúp Trung Quốc chế tạo trực thăng tấn công
Bộ Tư pháp truy tố công ty Pratt & Whitney Canada, công ty con ở Canada của United Technologies, về tội vi phạm Luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí qua việc bán thiết bị mà Trung Quốc dùng cho loại trực thăng Z-10.
United Technologies, cùng với Pratt & Whitney Canada và một công ty con khác ở Mỹ, đã đồng ý nộp phạt cho chính phủ Mỹ hơn 75 triệu đô la như một phần của thỏa thuận nhận tội.
Một phần của khoản tiền phạt này là cho tội khai man với nhân viên chính phủ Mỹ. Các nhà thầu này nói rằng họ tưởng là họ giúp cho Trung Quốc chế tạo máy bay dân dụng.
Hoa Kỳ cấm các công ty bán thiết bị quân sự cho Trung Quốc kể từ khi xảy ra vụ thảm sát những người biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.