Phát súng 11 triệu 300 ngàn
Cách đây 2 năm, ngày 3 tháng 1 năm 2014 bà nữ cảnh sát San Jose với 20 năm công vụ đã mở hàng đầu năm bằng một phát súng hết sức tốn kém. Hai viên đạn bắn trúng lưng một người Mỹ gốc Việt 38 tuổi tên là Lâm Hùng. Kết quả nạn nhân bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. Hai chân bất khiển dụng suốt đời.
Lý do có thể cho là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Câu chuyện xảy ra như sau. Lâm Hùng là một thương gia thành công. Mới qua Mỹ 10 năm mà anh làm chủ 2 nhà hàng tại San Francisco và Sacramento. Buổi sáng hôm đó anh chàng đang thất tình . Dù là dân làm ăn nhưng anh vẫn bị tình yêu vật vã. Bạn tình của Lâm Hùng lại là một chàng thanh niên. Anh chàng buồn bực đến nỗi cầm dao lên tiếng sẽ tự tử. Ông hàng xóm chạy ra can. Hùng cầm dao giơ cao tuyên bố sẽ tự giết mình chết. Ông bạn hết lời khuyên giải.
Một bà hàng xóm khác có thể từ trong cửa sổ nhìn ra. Không nghe được tiếng nói, không hiểu rõ vấn đề. Bà người Mỹ vốn là công tố viên tòa án đã về hưu. Bà tưởng hai người gây lộn sắp giết nhau. Lập tức kêu 911. Nữ cảnh sát Dondi West ở gần nhất bèn phóng xe lại ngay. Xe chạy đến hiện trường, cảnh sát thấy người cầm dao quay lưng lại tay giơ lên trời. Ông hàng xóm cũng quơ tay ngăn cản. Cảnh sát hô: Bỏ dao xuống, nằm xuống đất. Bà nhắc khẩu lệnh 2 lần. Hai ông Việt Nam tỉnh bơ tiếp tục quơ tay làm như sắp giết nhau. Bà cảnh sát bắn hai phát. Kẻ bị nghi giết người bị trúng đạn gục xuống. Tiếp theo, xe cảnh sát kéo đến cùng xe cứu thương đầy khu phố.
Nạn nhân Lâm Hùng được chở đi điều trị lâu dài nhưng vẫn không đứng lên được. Anh muốn chết vì tình nhưng chỉ bị chết đôi chân. Sau tai nạn xảy ra, chàng bạn tình của Lâm Hùng đã quay về săn sóc anh. Bà cảnh sát bắn sau lưng nghi can được phía cảnh sát cho là đã dùng vũ khí đúng lúc khi cần thiết sau khi đã ra lệnh nên được tiếp tục công vụ. Vấn đề chính là bà nữ cảnh sát không hiểu hai ông Việt Nam đang nói chuyện gì. Như vậy sau khi nghi can trở thành nạn nhân thì công tố viên không truy tố bà cảnh sát tại tòa hình sự.
Gia đình nạn nhân thuê luật sư qua tòa Hộ để đòi bồi thường. Cuối năm 2015 hội đồng bồi thẩm 12 vị đã họp 3 tuần lễ để cứu xét tiền bồi thường. Trong hội đồng có đến 6 người Á châu nhưng không có Việt Nam. Việc cứu xét kéo dài 3 tuần coi như các thành viên đã phải tranh cãi thực sự. Tin hành lang cho biết phia cảnh sát nếu điều đình thì có thể phải bồi thường khoảng 5 triệu. Phía luật sư đòi 20 triệu. Kết quả các vị xử án quyết định bồi thường tổng cộng 11 triệu 300 ngàn có lẻ.
Đây là số tiền lớn nhất mà thành phố San Jose phải trả cho một vụ bắn lầm. Lương một cảnh sát viên trung bình hàng năm là 100 ngàn. Tiền trả cho phát súng đủ để dành cho cả trăm cảnh sát lảm việc trong một năm. Sau khi bản án được công bố, luật sư của thành phố kêu trời. Anh Lâm Hùng sau hai năm ngồi xe lăn nói rằng rất vui mừng và tán thưởng công lý Hoa Kỳ. Nhưng thực sự mừng rỡ nhất là luật sự của bên thắng cuộc. Câu chuyện những phát súng bắn nhầm vì ngôn ngữ và văn hóa tại San Jose năm nay không phải là lần đầu.
Chuyện Bich Câu.
Cách đây 13 năm cũng tại San Jose có vụ án Bích câu còn sôi nổi hơn nhiều. Hai vợ chồng anh Việt Nam cãi nhau. Cô vợ tính nết cũng bất thường và rất hay gây lộn. Lần này cô cầm con dao gọt vỏ trái cây là vũ khí. Người Mỹ gọi là Peeler. Con dao này không dùng để đâm ai được. Nhưng lại có ông hàng xóm sốt sắng kêu 911 gọi cảnh sát. Anh cảnh sát Chad Marshall sui xẻo chạy tới và xông ngay vào trong bếp. Anh thấy cô gái Việt Nam bé nhỏ cầm dao gọt vỏ trái cây giỏ lên. Anh không ngần ngại, nổ súng liền.
Anh theo tin 911 báo cáo là sẽ gặp ghi can nguy hiểm cầm dao giết người. Bích Câu đã trở thành nạn nhân và chết ngay tại chỗ. Về sau anh cảnh sát nói là anh có cảm tưởng cô gái cầm còn dao phóng, người Mỹ gọi là Dagger . Cô sắp phóng vào ngực anh như trong phim chưởng. Anh đã bắn phát đạn kịp thời khi đối mặt Bích Câu để tránh con dao phóng tới. Phát súng tự vệ nhầm lẫn đã làm cho anh phải lập tức đình chỉ công tác .Về phần bồi thường luật sư hai bên đã đại diện các thân chủ thỏa thuận số tiền là 1 triệu và 825 ngàn. Nhiều người dân Việt tại San Jose còn nhớ, trong vụ này có 2 nhà tranh đấu là luật sư Nguyễn Tâm và Cô Madison Nguyễn đã ghi được thành tích và sau đó lần lượt trở thành nghị viên San Jose.
Những bài học ghi nhận.
Mỗi một thảm kịch xẩy ra, chúng ta cùng học được nhiều bài học. Không phải phía nạn nhân riêng chịu đau thương mà phía công quyền cảnh sát cũng gánh chịu nhiều tai vạ. Chính các tay cảnh sát vội vàng hấp tấp nổ súng phải ân hận suốt đời, có khi phải bỏ cả nghề nghiệp. Sở cảnh sát chịu búa rìu dư luận rất khó lấy lại niềm tin. Thành phố phải đền tiền với con số lớn lao trong khi ngân quỹ kiệt quệ.
Mỗi trường hợp xảy ra, các cơ sở huấn luyện cảnh sát đều phải cho người xuống phỏng vấn nghiên cứu để đem về học tập dựa theo các trường hợp điển hình. Tất cả chỉ nằm quanh một câu hỏi. Khi nào nổ súng. Biết bao nhiêu lần bắn nhầm như 2 chuyện trong cộng đồng Việt Nam tại San Jose. Còn biết bao chuyện bắn lầm trẻ em chơi súng giả. Bắn nhầm người điên. Nhưng cũng có nhiều trường hợp vì không ngờ nên cảnh sát cũng thiệt mạng. Đó là bài học phía công quyền. Phía người Việt nếu bị tai nạn, bị tai biến gọi 911 để đón chờ xe cứu thương, dù nặng hay nhẹ đều không trở ngại. Nhưng gọi cảnh sát đến cấp cứu là chuyện khác. San Jose đã có hơn 2 lần cảnh sát được gọi đến đã bắn người nhà Việt Nam bị bệnh tâm thần. Vợ gọi 911kêu cảnh sát đến bắt anh chồng nóng nẩy. Sau đó đã chạy theo xe cảnh sát xin tha nhưng không được. Chuyện gia đình mà gọi 911 cũng là điều cần suy nghĩ.
Thêm vấn đề hiện nay tại San Jose đang nằm trong tay 2 ông nghị gốc VIệt. San Jose có 1,100 cảnh sát. Theo tỷ lệ dân số chúng ta cần có 10% là cảnh sát gốc Việt. Chúng ta hiện có một đại úy là ông Phó cảnh sát thành phố. Mới có một nữ cảnh sát gốc Việt thăng cấp trung sĩ, đây là một cấp bậc quan trọng trong cảnh sát khác với trung sĩ trong quân đội. Tuy nhiên chúng ta chưa có đủ 110 cảnh sát theo tỷ lệ dân số. Lương cảnh sát trung bình 100 ngàn một năm. Các thanh niên Việt nên lưu ý tham dự và việc tuyển mộ của thành phố cũng cần chú trọng. Chắc chắn rằng trong cả hai trường hợp bắn chết người Việt vô tội kể trên, nếu có cảnh sát Việt Nam hiện diện thì đã không xảy ra. Cả hai trường hợp đều liên quan đến vấn đề văn hóa và ngôn ngữ. 13 năm trước nếu một anh cảnh sát Việt Nam xuất hiện trong bếp nhà cô Bich Câu nhỏ bé, khi thấy cô cầm con dao gọt trái cây chắc chắn không vội vàng nổ súng. Thành phố không mất 1 triệu 800 ngàn. Cũng như vậy, 13 năm sau nếu cảnh sát gốc Việt đến nhà anh Lâm Hùng, thấy hai ông Việt Nam đang than thở về đề tài tình yêu bội bạc, cảnh sát Việt Nam cũng sẽ không vội vàng nổ súng bắn phía sau lưng. Thành phố không mất 11 triệu và 300 ngàn. Thật là vô cùng đáng tiếc.
Thêm vài chuyện sau cùng xin ghi lại. Cô Bích Câu bị chết lại bồi thường ít hơn nạn nhân Lâm Hùng còn sống. Chuyên viên nói rằng người ta tính đến khả năng làm ra tiền của nạn nhân từng trường hợp, và sự tốn kém dành cho cuộc đời Lâm Hùng trên xe lăn. Để trả lời cho câu hỏi sao không bắn chỉ thiên hay bắn vào chân tay. Chuyên viên trả lời rằng cảnh sát không được huấn luyện bắn như trong phim ảnh. Gặp cảnh sát tại hiện trường, dù người lương thiện vô tội cũng đứng yên và làm theo lệnh. Phần bà nữ cảnh sát San Jose, rõ ràng là không cảm được không khí văn hóa Việt, ngôn ngữ bất đông nên đã bắn những phát súng tồn kém hơn 11 triệu Mỹ kim. Chỉ có các vị luật sư là trúng số.