Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

DEFAMATION: PHỈ BÁNG, VU KHỐNG, MẠ LỴ, BÔI NHỌ VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN

Evelyn Beatrice Hall (1868-1956), tác giả của “Cuộc đời của Voltaire” (The Life of Voltaire) có diễn tả lý tưởng về tự do của đại văn hào Pháp qua câu: “Tôi phản đối điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết cái quyền nói lên điều ấy của bạn.” ("I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it"). Đối với tôi, câu nói này là kim chỉ nam cho người biết tôn trọng và bảo vệ tự do.
Thế nhưng ta có trách nhiệm phải bảo vệ những lời phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ cá nhân người khác không? Câu trả lời rất đơn giản: “Không!” Dưới luật pháp, ít nhất là luật pháp Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận không phải là quyền tự do tuyệt đối. Phỉ báng, mạ lỵ, bôi nhọ, luật pháp Mỹ gọi chung là “defamation”, được chia ra làm hai loại: phỉ báng bằng lời nói (slander) và phỉ báng bằng văn tự (libel). Phỉ báng dựa trên những thông tin thất thiệt hoặc nguỵ tạo được xếp vào loại ngôn ngữ bị giới hạn dưới luật pháp Hoa kỳ (và đa số các xã hội tiền tiến khác). Nhưng vì nhu cầu truyền bá tin tức cho quần chúng, nạn nhân của ngôn ngữ phỉ báng sẽ vất vả hơn để truy tố kẻ phỉ báng mình trước toà nếu nạn nhân ấy là một “public figure”, tức “người của quần chúng” (dựa trên vụ kiện New York Times v. Sullivan). Muốn thắng kiện, nạn nhân phải chứng minh là kẻ phỉ báng, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ có ý đồ xấu (actual malice). Actual malice được chứng minh nếu kẻ phỉ báng biết mình sử dụng thông tin thất thiệt hoặc nguỵ tạo (knowledge of falsity) hoặc sử dụng thông tin bừa bãi bất chấp sự thật ra sao (reckless disregard of the truth). Nếu nạn nhân là người dân bình thường, nạn nhân chỉ cần chứng minh là thủ phạm sơ suất hoặc bất cẩn khi đưa ra những thông tin nguỵ tạo hoặc thất thiệt để phỉ báng là đủ để thắng kiện.
Người viết do đó muốn nhắc nhở đến các cơ quan truyền thông, báo chí phải kiểm chứng những thông tin ghi trên một bài viết trước khi cho truyền bá trong quần chúng. Những bài viết có những thông tin rõ ràng thất thiệt hoặc những thông không dựa trên một căn bản luận lý vững chắc hoặc hợp lý thì sẽ có thể bị liệt vào thành phần có “malice” (vì biết, hoặc phải biết những thông tin kia sai hay thất thiệt, hay vì bất chấp sự thật một cách cẩu thả, bừa bãi). Khi bài viết ảnh hưởng đến một người bình thường thì các cơ quan truyền thông, báo chí lại càng phải cẩn thận hơn, vì chỉ sơ suất hoặc bất cẩn sử dụng thông tin thất thiệt là có thể gánh chịu trách nhiệm với nạn nhân kia.

Để bảo vệ cho người dân không bị phỉ báng vô cớ, luật ở Hoa kỳ có nêu rõ rằng bất cứ ai truyền bá ngôn ngữ phỉ báng đến tai người thứ ba (ngoài nạn nhân bị phỉ báng) đều bị liệt vào thành phần phải chịu trách nhiệm. Thế cho nên, một cá nhân hoặc tổ chức cho xuất bản hay truyền bá ngôn ngữ phỉ báng mà mình không phải là tác giả vẫn phải chịu trách nhiệm trước luật pháp. Do đó, các cơ quan truyền thông hay báo chí ở Hoa kỳ rất cẩn thận khi truyền bá những thông tin do người lạ cung cấp. Người viết muốn nhắc nhở các cơ quan truyền thông và báo chí của cộng đồng người Mỹ gốc Việt phải cẩn thận đừng để phải gánh chịu trách nhiệm về những thông tin, bài vở, hoặc tài liệu lấy được từ thành phần thứ ba, nhất là từ những thành phần chuyên phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ người khác mà cộng đồng đã biết.
Một suy nghĩ ngây thơ của một số thành phần chuyên phỉ báng người khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt là họ có thể trốn tránh trách nhiệm bằng cách dùng email với những tên giả, hoặc bằng điện thoại không để lộ số. Luật pháp Mỹ cho phép nạn nhân được thưa những bị đơn có tên giả hoặc chưa biết tên (gọi chung là những người có tên (họ) Doe, tức là những bị đơn Does, Does defendants). Sau khi khởi kiện, nạn nhân có thể xin toà cho quyền được lấy thông tin về nguồn của những email hoặc điện thoai giấu tên từ những công ty cung cấp dịch vụ email hoặc điện thoại. Ngoài ra, nạn nhân còn rất nhiều phương cách để tìm ra thủ phạm của những thông tin, tài liệu phỉ báng kia vì ở xã hội Hoa kỳ, thông tin về những thủ phạm đó đã nằm sẵn trong những cơ sở dữ liệu (database) của rất nhiều cơ quan tư nhân cũng như công cộng.
Người viết cùng quan niệm với Voltaire và Evelyn Beatrice Hall. Người viết sẽ sẵn sàng bảo vệ quyền tự do của những công dân ở khắp nơi. Nhưng người viết cũng có nhu cầu phải bảo vệ cho những công dân vô cớ bị phỉ báng. Những kẻ phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, hoặc bôi nhọ người khác là những kẻ làm hại cộng đồng. Phỉ báng, vu khống, mạ lỵ hay bôi nhọ là những hình thức khủng bố, không thể chấp nhận ở một xã hội dân chủ, tự do. Nếu ta muốn người khác tôn trọng tự do của mình, ta phải biết tôn trọng tự do của người khác. Phỉ báng hoặc bôi nhọ người khác là những thủ đoạn hay được áp dụng dưới các chế độ độc tài, cộng sản, phát xít. Chúng ta, những người biết tôn trọng tự do, của chung và của cá nhân, không thể phỉ báng hoặc bôi nhọ người khác được.
Bảo vệ tự do là phải thắng được tệ nạn phỉ báng, khủng bố.
Do đó, người viết đề nghị với cộng đồng để thành lập một hội chống phỉ báng, vu khống, mạ lỵ và bôi nhọ tương tự như hội Anti-Defamation League của cộng đồng Do Thái. Những nạn nhân bị oan ức vì những lời phỉ báng, vu khống, mạ lỵ, và bôi nhọ từ những thành phần xấu của xã hội thường phải chịu đựng, chịu oan ức trong thầm lặng. Lý do vì họ không hiểu thủ tục kiện tụng, sợ tốn kém, sợ trả thù, hoặc bị hăm doạ. Hội chống “Defamation” sẽ là tiếng nói lấy lại công bình cho họ và cho cộng đồng Việt.
Muốn bảo vệ ngôn luận, ta phải loại trừ vu khống.
LS Đỗ Quý Dân