Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Bí mật đời tư được bảo vệ tại Mỹ như thế nào?

Nếu bị xâm phạm không gian cá nhân hoặc riêng tư, bạn có quyền khởi kiện, đòi bồi thường.

Theo giáo sư William Prosser thuộc Đại học luật Berkeley, pháp luật Mỹ không tồn tại định nghĩa chính xác về quyền riêng tư. Quyền này được hàm chứa trong bốn căn cứ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tương ứng với bốn dạng hành vi sau: xâm phạm vào đời sống riêng, chiếm đoạt tên hoặc hình ảnh, tiết lộ bí mật đời tư và công khai thông tin dễ gây hiểu lầm.
 
Xâm phạm đời sống riêng
Người nào cố ý xâm phạm vào đời sống riêng hoặc việc riêng tư của người khác bằng phương thức vật lý hoặc phương thức khác có thể phải chịu trách nhiệm nếu hành vi đó có tính chất xúc phạm nghiêm trọng với một người bình thường.
Theo dõi người khác qua camera là hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Ảnh: Pepperdom.
Theo dõi người khác qua camera là hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Ảnh: Pepperdom.
Để chứng minh được lỗi này, nguyên đơn phải trình bày trước tòa những yếu tố sau:
1. Bị đơn xâm phạm không gian cá nhân hoặc riêng tư của nguyên đơn. Định nghĩa “xâm phạm” ở đây rất rộng, có thể là:
- Xâm phạm bằng phương thức vật lý vào nơi mà nguyên đơn chỉ dành riêng cho mình.
Sử dụng giác quan để nhìn hoặc nghe trộm việc riêng tư của nguyên đơn (ví dụ dùng ống nhòm nhìn trộm).
- Các phương thức khác để điều tra hoặc tìm hiểu về chuyện riêng của nguyên đơn (ví dụ: thu thập trái phép báo cáo tín dụng của người khác).
2. Hành vi xâm phạm phải có tính chất xúc phạm nghiêm trọng với một người bình thường.
3. Sự can thiệp vào đời tư của nguyên đơn phải có thật. (Nếu sự việc diễn ra ở nơi công cộng thì không tồn tại sự riêng tư và nguyên đơn không được bảo vệ).
Chiếm đoạt tên hoặc hình ảnh
Hành vi chiếm đoạt tên hoặc hình ảnh xảy ra khi một người sử dụng tên hoặc hình ảnh của người khác để thu lợi riêng cho mình. Một người được độc quyền kiểm soát đối với giá trị thương mại gắn với tên và hình ảnh của mình để ngăn ngừa người khác lợi dụng chúng khi chưa được cho phép. Tương tự như bảo hộ thương hiệu, đối tượng được bảo vệ trong trường hợp này là tên và hình ảnh của cá nhân.
Giả chữ ký cũng là một dạng hành vi chiếm đoạt tên và hình ảnh.
Giả chữ ký cũng là một dạng hành vi chiếm đoạt tên và hình ảnh.
Ví dụ, đặt ảnh của người nổi tiếng bên cạnh sản phẩm của mình, tạo sự liên tưởng rằng sản phẩm của mình được nhân vật đó tin dùng với mục đích thúc đẩy doanh số.
Công khai thông tin 
Người nào công khai thông tin liên quan tới bí mật đời tư của người khác (đời sống tình cảm, nội dung thư tín, thói quen vệ sinh…) sẽ cấu thành hành vi xâm phạm đời tư với điều kiện thông tin được công khai phải thỏa mãn hai yếu tố sau:
1. Một người bình thường cũng sẽ thấy bị xúc phạm cực độ khi thông tin đó bị công khai.
2. Thông tin đó không thuộc vào mối quan tâm chính đáng của dư luận.
Một hành vi thỏa mãn hai điều kiện trên sẽ đủ điều kiện để người bị thiệt hại khởi kiện đòi bồi thường.
Người của công chúng (nghệ sĩ, chính trị gia, vận động viên...) thường bị thu hẹp quyền bí mật đời tư vì hành động của họ được công chúng dõi theo nhiều hơn so với người bình thường.
Gây hiểu nhầm 
Theo Findlaw, việc công khai thông tin cá nhân khiến làm sai lệch hình ảnh của người khác trước dư luận có thể bị quy vào hành vi xâm phạm bí mật đời tư, nếu ngay cả một người bình thường cũng cho rằng hành vi đó gây xúc phạm cực độ.
Ví dụ: tòa soạn đăng tải bài báo có nội dung về một tên tội phạm đã bị kết án nhưng trong bài có đăng ảnh một người vô tội bên cạnh, khiến người đọc dễ hiểu nhầm và liên tưởng người vô tội này có dính líu tới tội phạm.
Dù thông tin bị tiết lộ có thể là sự thật, nhưng chỉ cần việc đưa tin khiến dư luận dễ hiểu nhầm thì đây không phải căn cứ bào chữa cho bị đơn. Ở điểm này, hành vi công khai thông tin cá nhân gây hiểu lầm khác với hành vi bôi nhọ.
Quyền được bảo vệ đời tư là quyền nhân thân của mỗi người. Khi một người qua đời, quyền này của họ cũng biến mất. Bị đơn sẽ không thể bị khởi kiện bởi bất kỳ ai, kể cả là thành viên trong gia đình nếu hành vi xâm phạm của họ xảy ra sau khi người bị xâm phạm đã chết.
Nguyên đơn của vụ kiện về xâm phạm bí mật đời tư không thể là một tập đoàn hoặc người đại diện cho tập đoàn đó. Nếu khởi kiện thành công, nguyên đơn có thể yêu cầu bồi thường về thiệt hại tới đời tư, lo âu về tinh thần/cảm xúc phát sinh và những thiệt hại đặc biệt khác mà hành vi xâm phạm bí mật đời tư gây ra. 
Quốc Đạt