Nguyễn Văn Khanh
Cho đến chiều Thứ Tư, mùng 8 Tháng Hai 2017, chưa rõ phán quyết của Hội Ðồng Thẩm Phán (gồm ba vị, 2 được chọn dưới thời tổng thống Dân Chủ một được chọn dưới thời tổng thống Cộng Hòa) sẽ nghiêng về phía chính phủ Donald Trump hay phía chống đối (gồm đại diện cho hai tiểu bang Washington State và Minnesota), nhưng ngay từ đầu, Chánh Chưởng Lý Bob Ferguson của tiểu bang Washington State đã dự đoán “chắc vụ kiện sẽ không dừng ở cấp sơ thẩm hay phúc thẩm.”
Phía Tòa Bạch Ốc cũng tỏ ý cho hay đã sẵn sàng “nếu vụ kiện phải đưa lên Tòa Tối Cao.”
Khi nói chuyện với báo chí, bà Cố Vấn Kellyanne Conway giải thích thêm, “Sắc lệnh của Tổng Thống Trump không nhắm vào một quốc gia nào, sắc dân nào hay tôn giáo nào, chỉ nhắm vào mục tiêu bảo vệ an ninh cho quốc gia, bảo đảm an toàn cho người dân, được ban hành theo đúng với quyền dành cho tổng thống mà Hiến Pháp quy định.”
Qua những cuộc phỏng vấn trên các đài truyền hình, bà Conway nhắc đi nhắc lại, “Hoa Kỳ cần phải có chính sách cứng rắn về an ninh, nước Mỹ cần có một nhà lãnh đạo cương quyết (để thực hiện điều này), do đó cử tri Hoa Kỳ chọn Tổng Thống Trump vì họ biết tổng thống sẽ làm những gì có thể làm để bảo vệ an ninh cho quốc gia,” không quên nói đến điều ứng cử viên Trump đã hứa với cử tri, “Tổng thống là người giữ đúng lời hứa, những gì tổng thống đã nói là những điều tổng thống sẽ làm” và “người dân Hoa Kỳ sẽ hài lòng với (mọi quyết định của) ông.”
Trong cuộc họp báo trưa Thứ Tư, ông phát ngôn viên Sean Spicer cũng nhắc lại “điều chúng tôi muốn nhắn gửi mọi người là thế giới ngày nay có nhiều nguy hiểm không thể lường trước được,” bảo thêm “vì thế, Tổng Thống Trump mới đưa ra quyết định quan trọng này,” nhắc lại mục đích vị tân tổng thống Hoa Kỳ muốn nhắm tới “là bảo vệ an ninh quốc gia” trước những tình huống không thể nào đoán biết trước. Không vội vã báo trước – nếu thấy cần thiết – chính phủ Trump sẽ đưa vụ tranh tụng này lên Tòa Tối Cao, ông phát ngôn viên Spicer nói “chờ đợi xem quyết định của Tòa Phúc Thẩm như thế nào,” thòng theo câu “Tổng Thống Trump từng nhiều lần nói ông cương quyết bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và cho người dân tới cùng.”
Ðiều đó có nghĩa là dù chưa nói ra, nhưng cả phía chính phủ Trump lẫn bên chống đối đều đã nghĩ tới chuyện sẽ đi tới cùng, tức sẽ nộp đơn kiện lên Tối Cao Pháp Viện, không bên nào chịu bỏ cuộc giữa đường. Câu hỏi được nói tới: nếu điều này xảy ra, vụ tranh tụng sẽ được giải quyết như thế nào?
“Tôi e rằng vụ tranh tụng này sẽ kéo dài nhiều tháng trời trước khi chúng ta thật sự biết chuyện gì sẽ xảy ra,” ông Alan Edinbergh trả lời.
Từng làm cố vấn pháp lý cho Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, luật gia Edinbergh cho rằng “thông thường cả tháng mới biết Tối Cao Pháp Viện có đồng ý xét xử hay không, sau đó lại mất thêm nhiều tháng trời trước khi Tối Cao Pháp Viện nghe giải trình của 2 phía, kế đến là mất cả tháng trời Tối Cao Pháp Viện mới công bố phán quyết.” Tổng số thời gian đó “tôi dự đoán có thể kéo dài tới nửa năm hay hơn nữa, trong khi sắc lệnh của Tổng Thống Trump quy định tạm ngừng nhận dân tỵ nạn trong vòng 120 ngày và tạm cấm cửa dân 7 nước Hồi Giáo vào Mỹ trong vòng 90 ngày,” ông Alan Edinbergh nói tiếp, “lúc đó, kiện tụng xong thì sắc lệnh (của Tổng Thống Trump đã hết hiệu lực.”
Với luật gia Stephen Legomsky, người từng giảng dạy về luật Hiến Pháp tại Ðại Học Luật Khoa Washington tại St. Louis, Missouri, “kinh nghiệm cho tôi thấy các vị thẩm phán Tòa Phúc Thẩm liên bang lẫn Tối Cao Pháp Viện thường bỏ phiếu theo đảng phái, tức những vị nào thuộc đảng Dân Chủ, được đề cử bởi tổng thống Dân Chủ thường bỏ phiếu giống nhau, những vị thẩm phán Cộng Hòa được đề cử bởi đảng Cộng Hòa cũng thường xuyên làm thế.”
Là một trong những người thường xuyên theo dõi hoạt động của Tối Cao Pháp Viện đồng thời rất thông thạo về luật di trú, luật gia Legomski dự đoán “hai vị thẩm phán Dân Chủ của Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Vùng 9 sẽ bỏ phiếu ngưng thi hành sắc lệnh của Tổng Thống Trump, vị còn lại là thẩm phán Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Trump.”
Sau đó, Tòa Bạch Ốc sẽ chống án lên Tối Cao Pháp Viện, kết quả “chắc 4 vị thẩm phán Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu ủng hộ sắc lệnh của Tổng Thống Trump, 4 vị Dân Chủ sẽ bỏ phiếu chống đối.”
Lúc đó “phán quyết của Tòa Phúc Thẩm sẽ được thi hành.”
Trong thời gian chờ đợi chuyện ngã ngũ, Tổng Thống Donald Trump tiếp tục lên tiếng, cho rằng “sắc lệnh tôi ban hành là sắc lệnh rất chuẩn mực, các bạn đã biết tôi luôn luôn coi trọng an ninh quốc gia, xem đó và an toàn của người dân là điều trên hết.”
Sáng sớm Thứ Tư, lúc người dân Hoa Kỳ mới lục đục thức giấc, ông đã gửi tin nhắn đầu ngày qua mạng xã hội twitter để gửi các vị thẩm phán Tòa Phúc Thẩm, với nội dung như sau: “Sắc lệnh tôi ban hành được viết quá rõ ràng, một học sinh trung học có trình độ học vấn kém cỏi đọc cũng hiểu.”