Vào lúc một cuộc
bầu cử tổng thống Mỹ bước vào chặng cuối trong năm 2016, 12 sĩ quan tình báo quân
đội Nga khắp Moscow đã tiến hành một chiến dịch tấn công tin tặc quy mô lớn
nhằm khuynh đảo cuộc bầu cử.
Đó là cáo buộc được
đưa ra trong một bản cáo trạng (Special Counsel Indictment July 13, 2018) công bố hôm thứ Sáu nói
rằng những sĩ quan này đã phát triển những mã máy tính độc hại được gọi là
malware, xâm nhập các máy tính của Đảng Dân chủ và âm thầm theo dõi trong khi các
nhân viên Đảng Dân chủ gõ bàn phím nhập mật khẩu.
Người Nga đã đánh
cắp các tập tin bí mật của phe Dân chủ. Họ chụp lại màn hình.. Họ sử dụng email
giả mạo để lừa các nhân viên của Hillary Clinton đưa mật khẩu cho họ.
Những tài khoản email
của John Podesta, chủ tịch ban vận động tranh cử của Hillary Clinton, bị người
Nga đột nhập. Những email của ông sau đó bị phát tán trên trang Wikileaks.
Và rồi, bản cáo
trạng nói, người Nga đã tung những thông tin bị đánh cắp ra cho cả thế giới
xem.
Dưới đây là những
điểm chính trong bản cáo trạng:
Vụ xâm nhập tin tặc dính líu tới các cấp cao nhất
của chính phủ Nga
Bản cáo trạng cho
biết Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng Tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên bang – được
gọi là GRU – đã chỉ đạo nhiều đơn vị “tiến hành các hoạt động trên mạng quy mô
lớn” để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Một trong những đơn
vị này nằm trên một con đường không có gì đáng chú ý ở khu ngoại ô Khimki của
Moscow, trong một tòa nhà mà người bên trong GRU gọi là “Tháp,” theo bản cáo
trạng. Một đơn vị khác nằm gần trung tâm Moscow, không xa trụ sở Bộ Quốc phòng.
Tổng thống Nga
Vladimir Putin luôn khẳng định rằng Nga không dính dáng tới việc tấn công tin
tặc hay bất kì nỗ lực nào nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ. Nhưng GRU
là một phần của bộ máy nhà nước, và sự tham gia của họ cho thấy ông Putin đã
can dự sâu vào nỗ lực này.
Vụ xâm nhập tin tặc là một hoạt động tinh vi
Theo bản cáo
trạng, hoạt động xâm nhập tin tặc của Nga chính xác đến độ họ có thể xác định được
những máy tính cụ thể bên trong cánh vận động tranh cử Đảng Dân chủ ở Hạ viện,
Ủy ban Vận động tranh cử Quốc hội Đảng Dân chủ và Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc
chứa những thông tin liên quan đến cuộc bầu cử. Họ đã có thể lục tìm trong các
máy tính này những thuật ngữ nhất định, như “Hillary,” “Cruz” và “Trump.” Họ
cũng sao chép các thư mục, bao gồm thông tin gây tổn hại về đối phương và kế
hoạch hoạt động trên thực địa.
Người Nga che
giấu sự can dự của họ thông qua các địa chỉ email và danh tính giả tạo và một
mạng lưới các máy tính đặt khắp thế giới - kể cả ở Mỹ. Họ trả tiền cho cơ sở hạ
tầng của mình bằng cách sử dụng tiền ảo bitcoin.
Trump kêu gọi Nga tấn công tin tặc Clinton – Và họ
đã làm như vậy
Bản cáo trạng nói
người Nga sử dụng “spearphishing” — một kĩ thuật dùng để đánh cắp mật khẩu hoặc
truy cập vào máy tính — trong suốt mùa hè năm 2016 để xâm nhập máy tính của các
cá nhân có liên hệ tới ban vận động Clinton.
Một nỗ lực được
nhắc tới trong bản cáo trạng dường như được thực hiện chỉ vài giờ sau khi ông
Donald Trump kêu gọi người Nga tìm kiếm các email của bà Clinton. Vào sáng ngày
27 tháng 7 năm 2016, ông Trump có một bài phát biểu mà trong đó ông nói “Nga,
nếu các bạn đang lắng nghe,” ông rất muốn xem qua hàng ngàn email mà bà Clinton
nói là riêng tư mà bà đã xóa thời bà còn làm bộ trưởng ngoại giao
Bản cáo trạng chỉ
ra một nỗ lực xâm nhập trong cùng ngày, nói rằng “sau giờ làm việc” người Nga đã
cố gắng “spearphish lần đầu tiên các tài khoản email tại một tên miền được lưu
trữ bởi một nhà cung cấp bên thứ ba và được sử dụng bởi văn phòng cá nhân của
Clinton.” Cùng thời điểm đó, bản cáo trạng cho biết, họ nhắm mục tiêu vào 76 địa
chỉ email tại tên miền của ban vận động Clinton.
Tổng cộng, bản cáo
trạng nói rằng người Nga đã nhắm mục tiêu vào hơn 300 cá nhân liên quan đến ban
vận động Clinton, Ủy ban Vận động tranh cử Quốc hội Đảng Dân chủ và Ủy ban Đảng
Dân chủ Toàn quốc.
Người Nga liên lạc với một người có liên hệ tới
Trump
Bản cáo trạng không
cáo buộc bất kì người Mỹ nào, kể cả các quan chức ban vận động Trump, cố tình
liên lạc dù biết những người Nga này là nhân viên tình báo. Nhưng bản cáo trạng
cũng nói rằng những người Nga này đã liên lạc với một người không được nêu danh
tính mà “thường xuyên liên lạc với các thành viên cao cấp của ban vận động
tranh cử tổng thống của Donald J. Trump.”
Vào ngày 15 tháng
8 năm 2016, những người Nga này viết, theo bản cáo trạng: “cảm ơn bạn đã hồi âm
..... bạn có tìm thấy thứ gì thú vị trong những tài liệu tôi đăng lên không?”
Hai ngày sau,
những người Nga này nói thêm, “hãy cho tôi biết nếu tôi có thể giúp bạn bằng
bất cứ cách nào ... tôi sẽ rất vui lòng.”
Vào tháng 9,
những người Nga này liên lạc với nhân vật này một lần nữa và nhắc tới một tài
liệu bị đánh cắp từ Ủy ban Vận động tranh cử Quốc hội Đảng Dân chủ và được đăng
lên mạng. “Bạn nghĩ gì về thông tin về mô hình số lượng cử tri đi bỏ phiếu cho đảng
dân chủ suốt toàn bộ chiến dịch tranh cử tổng thống.”
Người này trả
lời, “khá là chuẩn,” theo bản cáo trạng.
Người Nga đánh cắp thông tin cử tri
Bản cáo trạng nói
người Nga đã xâm nhập website của một ủy ban bầu cử cấp bang và đánh cắp thông
tin của khoảng 500.000 cử tri, bao gồm tên, địa chỉ, số an sinh xã hội, ngày
sinh và số bằng lái xe. Họ cũng đã xâm nhập một đơn vị chuyên cung cấp phần mềm
dùng để xác minh thông tin đăng ký cử tri trong các cuộc bầu cử toàn quốc.
Các quan chức liên
bang cho biết các địa điểm bầu cử cấp bang tại ít nhất 18 bang đã bị người Nga
vào lùng sục. Bản cáo trạng thêm các văn phòng quận hạt — đặc biệt là ở các
bang Georgia, Florida và Iowa — vào một danh sách các địa điểm quản lí bầu cử mà
người Nga được nói là đã đột nhập để “xác định những lỗ hổng.”
Các quan chức Bộ
An ninh Nội địa nói không có bằng chứng về bất cứ kết quả bầu cử nào bị can
thiệp trong những vụ xâm nhập hồi năm 2016.