Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Tin 05-2017 - Con trai cố nhà báo Đạm Phong kiện Ủy Ban Bầu Cử Mỹ (Federal Election Comission)

Con trai cố nhà báo Đạm Phong kiện Ủy Ban Bầu Cử Mỹ

Hà Giang/Người Việt
Trang đầu hồ sơ vụ kiện do ông Nguyễn Thanh Tú phổ biến qua email. (Hình: Người Việt).
Sau khi bài “Yếu tố pháp lý vụ đảng Việt Tân kiện ông Nguyễn Thanh Tú tiếm danh” được đăng trên nhật báo Người Việt hôm 3 Tháng Năm, một số độc giả đã gửi thư vào tòa soạn đặt câu hỏi.
Có người muốn được biết số hồ sơ của vụ kiện này để tự nghiên cứu tài liệu. Người khác muốn biết chi tiết về vụ ông Nguyễn Thanh Tú, con trai cố nhà báo Đạm Phong bị sát hại ở Houston năm 1982, “đang kiện Human Rights for Vietnam Political Action Committee (HRV PAC), đài truyền hình SBTN, đảng Việt Tân, và cựu Dân Biểu Loretta Sanchez.” Người khác đặt câu hỏi “nhật báo Người Việt chừng nào mới viết về vụ ông Nguyễn Thanh Tú kiện đảng Việt Tân.” Bài viết này nhằm trả lời thắc mắc chung của những độc giả trên.
Trước hết, hồ sơ vụ đảng Việt Tân kiện ông Nguyễn Thanh Tú tiếm danh được đánh số: “Case 4:17-cv-00291-HSG”.
Về câu hỏi “chừng nào mới có bài viết về vụ ông Tú kiện đảng Việt Tân?” thì câu trả lời là có lẽ đây là một sự ngộ nhận, vì cho đến giờ, chưa thấy có chứng cớ gì về việc ông Tú nộp đơn kiện đảng Việt Tân cả.

Kiện Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang (FEC) chứ không kiện đảng Việt Tân
Vài ngày sau khi đảng Việt Tân ra thông cáo báo chí công bố vụ kiện ông Tú tiếm danh, hôm 1 tháng Năm, ông phổ biến một email có đính kèm bản sao trang đầu của hồ sơ một vụ kiện. Email này không có tựa đề, và cũng không có lời giải thích nào về trang đầu của hồ sơ vụ kiện được gửi kèm.
Văn bản không lời giải thích gửi kèm email này khiến nhiều người đọc thoáng qua hiểu lầm rằng đó là tài liệu ông Tú kiện HRV PAC, SBTN, Việt Tân, và cựu Dân Biểu Loretta Sanchez.
Tài liệu này là của vụ kiện mang số: Case: 1-17-mc-01048, do ông Tú là nguyên đơn, nộp tại tòa sơ thẩm liên bang ở thủ đô Washington, DC. Trong đơn, ông Tú kiện FEC, liên quan đến hồ sơ khiếu nại của ông với cơ quan này liên quan đến bốn tổ chức, công ty, và cá nhân nêu trên.
Ông Tú giải thích: “Đơn kiện của tôi được nộp ngày 25 tháng Tư. Tôi nộp đơn kiện, vì nếu thắng thì sẽ có được một cuộc điều tra hình sự, còn nếu thua thì tôi cũng lập được một tập hồ sơ về những mưu đồ bất lương, và bản chất của điều này (lập được tập hồ sơ), cũng là một chiến thắng, vì những bên liên quan sẽ không dám tiếp tục hành vi phạm tội của họ.”
Theo tài liệu dài 61 trang của vụ kiện, ông Tú kiện FEC với tòa án, vì ông không đồng ý việc cơ quan này bác đơn khiếu nại trước đây của ông. Trong đơn kiện, ông Tú gọi quyết định của FEC là “tùy tiện và phi lý.”
Ngày 11 Tháng Sáu, 2016, ông Tú nộp đơn khiếu nại với FEC rằng Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của Dân Biểu Sanchez, gồm HRV PAC, SBTN, đảng Việt Tân, cá nhân bà, và một số nhân sự cao cấp của đảng Việt Tân như ông Đỗ Hoàng Điềm (chủ tịch), ông Hoàng Tứ Duy (phát ngôn viên),v.v… có thể đã vi phạm Đạo Luật FECA 1971, liên quan đến tranh cử liên bang.
Theo khiếu nại của ông Tú, những tổ chức, công ty, và cá nhân nêu trên đã vi phạm FECA 1971, cụ thể qua bốn điểm: 1) Người nước ngoài có thể đã đóng góp cho quỹ tranh cử của bà Sanchez, 2) Công ty SBTN có thể đã đóng góp cho quỹ tranh cử của bà Sanchez, 3) Công ty SBTN có thể đã đóng góp cho HRV PAC, và 4) HRV PAC có thể đã không minh bạch liệt kê tiền đóng góp nhận được theo luật định.
FEC bác đơn khiếu nại
Theo luật định, sau khi nhận đơn khiếu nại, FEC có năm ngày để báo cho người bị khiếu nại là họ phải phúc đáp trong vòng 15 ngày. Sau khi nhận được phúc đáp, FEC sẽ xem xét và đánh giá cả đơn khiếu nại lẫn phúc đáp của những người bị tố cáo để đi đến một trong ba quyết định thích hợp: 1) Có lý do để tin (những điều khiếu nại), 2) Bác bỏ khiếu nại, 3) Bác bỏ khiếu nại, nhưng gửi thư cảnh cáo, và 4) Không có lý do gì để tin.
Nếu thấy là “không có lý do gì để tin” là (những) người bị tố cáo đã hoặc đang vi phạm luật tranh cử liên bang, FEC sẽ bác đơn khiếu nại, hồ sơ bị xếp lại và các bên liên quan được thông báo. Ngược lại, nếu thấy là “có lý do để tin” rằng (những) người bị tố cáo đã hoặc đang vi phạm pháp luật, FEC có thể sẽ mở một cuộc điều tra.
Ngày 7 Tháng Ba, FEC gửi thư cho ông Tú thông báo là họ đã cứu xét đơn khiếu nại của ông, cũng như đánh giá phúc đáp của những người bị ông tố cáo, và thấy rằng “không có lý do gì để tin” là những người này vi phạm luật tranh cử liên bang. FEC giải thích tỉ mỉ quyết định của họ về từng điều ông Tú khiếu nại:
-Về chuyện SBTN có thể đã đóng góp cho quỹ tranh cử của bà Sanchez, FEC viết rằng, “luật tranh cử liên bang cấm các công ty đóng góp cho quỹ tranh cử của một dân biểu liên bang, cũng như cấm những ứng cử viên cho những chức vụ liên bang nhận tiền đóng góp hay cả những đóng góp không dùng tiền mặt của các công ty.” FEC lập luận là ủy ban tranh cử của bà Sanchez đã giải thích rằng họ trả tiền cho đài SBTN để đài này chiếu những buổi vận động tranh cử. Chứng cớ do ủy ban tranh cử cung cấp cho FEC cho thấy đài SBTN nhận lệ phí để đồng ý chiếu 3 giờ quảng cáo vận động tranh cử, cộng với chiếu 6 quảng cáo mỗi ngày trong vòng một tháng. Chứng cớ cũng cho thấy ủy ban tranh cử đã trả cho đài SBTN số tiền $4,500 cho những thời gian phát hình này.”
-Về chuyện SBTN có thể đã đóng góp cho HRV PAC, FEC chỉ ra rằng “đơn khiếu nại tố cáo là SBTN đã thiết lập và tài trợ cho tổ chức HRV PAC chỉ dựa trên lý do là hai nhân viên của SBTN cũng là nhân viên của HRV PAC.” FEC cho biết họ thấy “chi tiết này không đủ để chứng minh là SBTN đã đóng góp cho quỹ vận động tranh cử của bà Sanchez, và vì thế không thấy SBTN vi phạm luật tranh cử liên bang.”
-Về chuyện người nước ngoài có thể đã đóng góp cho quỹ tranh cử của Sanchez, FEC viết rằng, “luật tranh cử liên bang cấm người nước ngoài đóng góp cho bất cứ cuộc tranh cử nào, từ cấp địa phương đến liên bang,” và giải thích thêm: “Khiếu nại viết rằng ủy ban tranh cử của bà Sanchez mướn cô Lily Nguyễn, một thành viên của đảng Việt Tân, để được những thành viên của đảng này đóng góp vào quỹ tranh cử. Nhưng khiếu nại không đưa ra được chứng cớ nào về việc này, mà cũng không chứng minh được những thành viên của đảng Việt Tân đóng góp vào quỹ tranh cử là người nước ngoài. Ngược lại, một bản tường trình của ủy ban tranh cử nộp cho FEC cho thấy tất cả những người đóng tiền vào quỹ tranh cử đều có địa chỉ trong nước Mỹ.”
-Về chuyện HRV PAC có thể đã không minh bạch liệt kê tiền đóng góp nhận được, FEC khẳng định rằng, “là một một ủy ban hành động chính trị đa ứng cử viên, HRV PAC bắt buộc phải tường trình minh bạch về chi thu theo luật định.” Nhưng FEC giải thích là “đơn khiếu nại tố cáo rằng HRV PAC không liệt kê tên một số người đóng tiền, và nói dối về việc gửi tiền về những tổ chức ở Việt Nam, nhưng lại không đưa ra được chứng cớ nào khả dĩ thuyết phục. Trong khi đó, khi xem xét một danh sách một số tiền đóng góp tiêu biểu, FEC thấy rằng tiền những người này đóng góp đều được HRV PAC tường trình theo luật định.”
Tóm lại, chưa có chứng cớ nào cho thấy ông Nguyễn Thanh Tú đã nộp đơn kiện HRV PAC, đài SBTN, đảng Việt Tân, và bà Sanchez, mà chỉ có đơn kiện FEC do ông nộp ngày 25 Tháng Tư.

Trong đơn này ông yêu cầu tòa sơ thẩm liên bang: 1) Công bố rằng việc FEC bác đơn khiếu nại của ông là một việc làm tùy tiện và phi lý, 2) Ra lệnh cho FEC xét đơn khiếu nại của ông theo đúng luật trong vòng 30 ngày, và 3) Đòi FEC phải đền cho ông tiền án phí và lệ phí trả luật sư liên quan đến vụ kiện.
Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt là đơn kiện FEC này có liên quan đến việc ông và bà Michelle Dương bị đảng Việt Tân kiện tội tiếm danh không, ông Nguyễn Thanh Tú đáp: “Không, không, điều này (kiện FEC) luôn luôn nằm trong chiến lược vĩ đại của tôi. Bà Michelle Dương không phải là luật sư của tôi trong vụ này, mà cũng không hay biết gì về chiến lược này của tôi cả.”
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com