Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Chủ nhà tại Mỹ kiện khách vì phàn nàn 140 từ trên mạng xã hội

Liệu việc đưa ra ý kiến trên Twitter có thể bị coi là bôi nhọ người khác được không?

Tổng thống Mỹ thường dùng Twitter để đăng tin. Ảnh: Dsim
Tổng thống Mỹ thường dùng Twitter để đăng tin. Ảnh: Dsim
Tập đoàn bất động sản Horizon là một trong những công ty quản lý và cho thuê căn hộ hàng đầu của thành phố Chicago, Mỹ. Vận hành theo hình thức gia đình trị, tập đoàn Horizon bắt đầu đi vào kinh doanh từ năm 1980 và khá thành công trong lĩnh vực cho thuê căn hộ chung cư.
Sáng 12/5/2009, khó chịu vì tình trạng căn phòng của mình, Amanda Bonnen, cô gái 25 tuổi thuê nhà tại một chung cư thuộc quản lý của Horizon, đã dồn sự bất mãn vào một dòng ngắn ngủn trên trang mạng xã hội Twitter gửi cho bạn mình: “Cậu cứ tới đây đi. Ai bảo ngủ trong phòng bị ẩm mốc là không tốt cho sức khỏe nào? Horizon lại nghĩ là ổn đấy”. Trang cá nhân của Amanda lúc này chỉ có 20 người theo dõi.
Sự việc có lẽ sẽ dừng lại ở đó nếu Horizon tiếp nhận lời phản ánh của Amanda – vốn là khách hàng lâu năm và nhanh chóng cử nhân viên tới xem xét và xử lý vấn đề trong căn hộ cho thuê. Tập đoàn Horizon lập tức khởi kiện trong khi chưa cố gắng giải quyết vấn đề giữa mình và Amanda.
“Chúng tôi là dạng tổ chức kiện trước rồi hỏi sau”, Jeffrey Michael, người đứng đầu tập đoàn Horizon khẳng định khi trả lời phỏng vấn của tờ Chicago Sun-Times về vụ việc. Ông còn cho biết Horizon chưa từng đề cập với Amanda về dòng tweet và cũng chưa từng đề nghị cô gỡ bỏ dòng cập nhật trạng thái.
Horizon khởi kiện Amanda tại tòa kinh lý hạt Cook, thành phố Chicago trên căn cứ cô đã gây thiệt hại tới uy tín và hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đơn khởi kiện, Horizon khẳng định nội dung dòng tweet của Amanda là “hoàn toàn sai sự thật” và “uy tín công ty trong lĩnh vực cho thuê căn hộ ở Chicago đã bị thiệt hại nghiêm trọng”.
Jeffrey Michael. Ảnh: Yelp.com
Jeffrey Michael. Ảnh: Yelp.com
“Hành động của bị đơn đăng tải dòng tweet sai sự thật và có tính chất bôi nhọ phỉ báng là sai trái và chứa đầy ác ý”, Horizon cáo buộc trong đơn. Horizon còn cho rằng: Vì Amanda cài đặt trang cá nhân ở chế độ “mọi người”, cô đã cố ý để dòng tweet lan tỏa ra khắp thế giới. Trong yêu cầu khởi kiện, tập đoàn Horizon yêu cầu Amanda phải trả khoản tiền bồi thường lên tới 50.000 USD (hơn một tỷ đồng) cho dòng trạng thái chưa đầy 140 kí tự.
Ngoài dự liệu của Horizon, vụ kiện nhanh chóng nhận được sự chú ý của dư luận toàn nước Mỹ và được nhiều tờ báo đưa tin đăng tải. Số người biết tới dòng tweet sau đó đã không chỉ dừng lại ở con số 20 người theo dõi trang cá nhân của Amanda mà nhanh chóng trở thành chủ đề nóng bỏng trên trang mạng Twitter; cụm từ “bất động sản Horizon” xếp hạng thứ 3 trong số từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong ngày.
Để bảo vệ bản thân, Amanda Bonnen thuê Leslie Ann Reis, Giám đốc văn phòng luật Balough tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Luật Bí mật đời tư, làm người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình trước tòa. Câu hỏi mấu chốt trong vụ việc này là: Liệu việc đưa ra ý kiến trên mạng xã hội như Twitter có thể bị coi là bôi nhọ người khác được không?
Phía Horizon lập luận rằng: “Nhiều người đã sử dụng Twitter để đưa tin cập nhật trực tiếp sự kiện, để kêu gọi ủng hộ cho các phong trào và để tiến hành hoạt động marketing”. Chính vì vậy, ta cần coi Twitter là một ấn phẩm không khác gì các dạng ấn phẩm khác, và người dùng Twitter cần phải có trách nhiệm với lời nói của mình.
Dòng tweet của Amanda. Ảnh: Businessinsider
Dòng tweet của Amanda. Ảnh: Businessinsider
Theo trang Findlaw, phía bảo vệ cho Amanda đáp trả rằng dòng tweet trên không hội đủ tiêu chí để cấu thành hành vi bôi nhọ, theo quy định của bang Illinois. Một tiêu chí trong đó là lời bôi nhọ phải chỉ đích danh nguyên đơn. Nhưng dòng trạng thái không hề cho biết địa điểm của Amanda hoặc thể hiện là cô đang sống ở căn hộ do Horizon quản lý. "Cô chỉ đơn thuần đưa ra ý kiến của mình về Horizon, không hề cố chỉ ra thực tế khách quan", tờ Huffingtonpost đưa tin.
Hơn nữa, theo luật, nguyên đơn phải chứng minh được dòng tweet là sai sự thật và có tính chất bôi nhọ, nhưng Horizon lại không chứng minh được căn hộ Amanda không hề có ẩm mốc. Nguyên đơn cũng cần chứng minh là có hậu quả thực tế do hành vi bôi nhọ gây ra (ví dụ: thiệt hại về kinh tế) song điều này là rất khó.
Sau khi nghe hết lập luận của hai bên, thẩm phán Diane Larsen đã bác đơn kiện của phía Horizon trên căn cứ: Dòng tweet quá mơ hồ để cấu thành hành vi bôi nhọ theo pháp luật.
Quốc Đạt