Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Pháp luật tố tụng hình sự VN: Quy định chứng cứ là lời khai của bị can, bị cáo

Quy định chứng cứ là lời khai của bị can, bị cáo

Pháp luật tố tụng hình sự đã quy định thế nào là chứng cứ, chứng cứ được xác định ở những nguồn cụ thể. Việc sử dụng chứng cứ ở nguồn luật định phải chấp hành nghiêm chỉnh theo những quy định của pháp luật tố tụng. Đặc biệt khi sử dụng các lời khai của người tham gia tố tụng ở các tư cách khác nhau phải tuân theo đúng những quy phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự. Để tìm hiểu rõ và lý giải quy định này, Công ty Luật Tiến Đạt xin đưa ra phân tích như sau:
Tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS quy định khi sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ thì phải hết sức thận trọng vì “ …Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án”, “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Sở dĩ pháp luật có quy định trên bởi, lời khai bị can, bị cáo phụ thuộc vào ý chí chủ quan. Mà trách nhiệm hình sự của bị cáo phụ thuộc vào sự thật khách quan của vụ án hay phụ thuộc vào hành vi của bị cáo chứ không phải là “thái độ”, quan điểm chủ quan của họ. Vì vậy, chỉ có thể coi lời khai của bị can, bị cáo là chứng cứ khi nó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Việc nhận tội của bị can, bị cáo không được coi là chứng cứ duy nhất để kết tội. Bởi, việc thu thập chứng cứ phải tuân thủ nguyên tắc khách quan toàn diện và đầy đủ. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được sử dụng những chứng cứ đã được phát hiện, thu thập theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Nói như vậy không có nghĩa lời khai của bị can, bị cáo trong mọi trường hợp được thu thập sai quy định, trình tự pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn việc này, bởi trên thực tế có rất nhiều người không phạm tội nhưng do trong quá trình lấy lời khai, bị “ép cung”, những bị can, bị cáo này buộc phải nhận tội.
Như vậy, nếu cho phép sử dụng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội thì thực tế sẽ xảy ra rất nhiều “vụ án oan”, tòa án sẽ đưa ra bản án, quyết định không đúng người, đúng tội. Do đó, quy định này của pháp luật nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện trong tố tụng hình sự.
Hy vọng những thông tin trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề sử dụng chứng cứ là lời khai của bị can, bị cáo trong Bộ luật Tố tụng hình sự.