Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

VỀ BỘ LUẬT HÌNH SỰ VN 2015: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TÌNH TIẾT “TÁI PHẠM NGUY HIỂM”.

“Tái phạm nguy hiểm” là thuật ngữ pháp lý quy định trong các Bộ luật Hình sự (BLHS) của VN được sử dụng trong hai trường hợp:
- Là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, định khung tăng nặng hình phạt.
- Vì là tình tiết làm xấu tình trạng của người phạm tội nên BLHS nào cũng quy định việc áp dụng rất chặt chẽ. Nếu “Tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định tội, định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng và ngược lại.
Kế thừa Điều 49 BLHS năm 2009, điểm 2 Điều 53 BLHS năm 2015 quy định những trường hợp sau là tái pham nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Từ thực tiễn áp dụng luật và khảo sát ngẫu nhiên tại Trại giam Quyết Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với những người bị áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm, người viết nhận thấy hầu hết diện đã “tái phạm” nằm ở các tội: giết người, tội phạm về ma túy, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em… Với những người bị phạt tù chung thân, lần phạm tội này thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng trước đó họ đã 3 lần bị kết án.
Theo ý kiến của nhiều người đã từng tiến hành tố tụng và cán bộ quản lý trại giam cho rằng: Với những người đã bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và những người phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng trước đó họ đã bị áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” thì cần nâng cấp lên thành “Tái phạm rất nguy hiểm”. Điều này là cần thiết bởi lẽ, tính nguy hiểm với những người đã bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý là đối tượng rất coi thường pháp luật. Với họ, hàng chục năm chấp hành hình phạt chưa “ngấm”, họ phụ bạc khi được hưởng chính sách nhân đạo, như giảm án, đặc xá, nhiều người được giảm án từ tử hình xuống tù chung thân, từ chung thân xuống tù có thời hạn, ra tù chưa được bao lâu lại thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện tại BLHS coi “tái phạm nguy hiểm” là yếu tố định khung hình phạt ở 57 như các Điều 93, 104, 111, 112; 133 , 142, 153, 158, và 251… và BLHS năm 2015 cũng quy định ở những tội này.
Thực tiễn áp dụng luật sẽ không công bằng về hậu quả pháp lý nếu:
- Bị áp dụng tình tiết định khung đối với người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi về tội phạm rất nghiêm trọng cũng giống như người đã bị kết án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đã tái phạm, (rất nhiều trường hợp hai lần phạm tội này đều thuộc tội ít nghiêm trọng) chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý (áp dụng cho cả bốn trường hợp: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Chưa có sự phân hóa đối với những người đã “tái phạm nguy hiểm”, chưa được xóa án lại phạm tội, nếu phải xử lý họ cũng chỉ là “Tái phạm nguy hiểm”.
Từ thực trạng trên trên chúng tôi đề xuất
Điều 53 BLHS năm 2015 có tên gọi: Tái phạm, tái phạm nguy hiểm, tái phạm rất nguy hiểm và câu trúc như sau:
-Khoản 1 giữ nguyên.
-Khoản 2 những trường hợp sau là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
- Khoản 3 những trường hợp sau là “Tái phạm rất nguy hiểm”.
a) Đã bị kết án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã “Tái phạm nguy hiểm” chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
Với đề xuất đặt ra chế định “Tái phạm rất nguy hiểm” và cấu trúc điều luật nếu được chấp thuận sẽ liên quan đến việc điều chỉnh khung tăng nặng của nhiều điều luật, song nếu nhìn toàn diện thì không phải là “Hình sự hóa” trái lại, nó góp phần đảm bảo tính công bằng, phân hóa được các khung hình phạt, vì vậy chỉ nên đưa tình tiết “Tái phạm rất nguy hiểm” vào làm tình tiết định khung đối với các tội có hình phạt từ hai mươi năm, chung thân và tử hình.
Ví dụ như Điều 123 BLHS năm 2015 quy định: Tội giết người.
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu có tình tiết “Tái phạm rất nguy hiểm” thì Điều luật sẽ là
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm,
a) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình
a) Giết 2 người trở lên;
a) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
c) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
d) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
đ) Có hai tình tiết quy định ở khoản 1
e) Tái phạm rất nguy hiểm
Khoản 2, 3 và 4 giữ nguyên.
Ngoài nội dung trên xét thấy để đảm bảo tính thống nhất trong việc chia khung hình phạt của BLHS vì theo Điều 44 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Đây là tội phạm duy nhất được quy định cụ thể trong Hiến pháp, tội nặng nhất là tội có khung hình phạt nghiêm khắc nhất khi xây dựng BLHS, không có tội nào vượt qua thế nhưng:
Tội phản bội Tổ quốc quy định tại Điều 108 ở khoản 1 khung tăng nặng là”… bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Mức hình phạt này cũng giống như khoản 1 các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân- Điều 109; Tội gián điệp- Điều 110; Tội giết người- Điều 123, không chỉ quy định bằng mà một số điều luật có khung hình phạt từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình như vậy còn nặng hơn Tội Phản bội Tổ quốc. Ví dụ: khoản 4 Điều 142 Tội hiếp dâm người dười 16 tuổi; Khoản 4 Điều 251 Tội mua bán trái phép chất ma túy; Khoản 4 Điều 353 Tội tham ô tài sản…
Việc BLHS quy định như vậy là chưa tuân thủ khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 5 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật được công bố ngày 6-7-2016.
Để khắc phục sự thiếu thống nhất trên chỉ cần sửa khoản 1 Điều 108 như sau:
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Các khoản 2, 3 giữ nguyên
(Theo QĐND, ngày 31.5.2017)