Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

định chế đặt tiền bảo lãnh tại ngoại ở Mỹ

Người bị bắt sẽ phải tham gia "phiên điều trần" xét điều kiện tại ngoại.

Trên lý thuyết, nghi phạm nào cũng có thể yêu cầu được trả tiền bảo lãnh để được tại ngoại. Ở nhiều tiểu bang tại Mỹ, mức tiền bảo lãnh được luật quy định sẵn cho từng loại tội phạm. Dù vậy trên thực tế bị can, bị cáo nghi vấn giết người thường bị từ chối cho tại ngoại. Nếu có, mức tiền bảo lãnh cũng được đặt ở mức cao nhất là một triệu USD và chỉ sau được khi thẩm phán vụ việc đã xem xét kỹ lưỡng.
Theo Bailbondsnetwork, một số mức tiền như sau:
Hành hung cảnh sát
2.500 USD
Tàng trữ trái phép dược chất thuộc kiểm soát nhà nước
2.500 USD
Say rượu lái xe
2.500 USD
Có hành vi không đứng đắn/Say xỉn nơi công cộng
200-500 USD
Giết người
1.000.000 USD
Cướp
100.000 USD
Trộm cắp
50.000 USD
Hiếp dâm
100.000 USD
Thủ tục bảo lãnh tại ngoại
Sau khi bị tạm giam chờ xét xử, người bị bắt sẽ phải tham gia một "phiên điều trần" xét điều kiện tại ngoại. Trong phiên làm việc này, thẩm phán vụ việc sẽ quyết định người bị bắt có được quyền bảo lãnh tại ngoại hay không và đưa ra mức tiền phải nộp nếu có.

Thông thường, thẩm phán dựa vào 6 yếu tố sau để quyết định mức tiền bảo lãnh:
 - Thời gian gửi yêu cầu bảo lãnh
 - Mức độ nghiêm trọng của tội phạm
- Tiền án, tiền sự
- Ý thức đối với cộng đồng của bị can, bị cáo
- Nguy hại mà bị can, bị cáo có khả năng gây ra cho cộng đồng
- Xác suất bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không trình diện trước tòa
Khoản tiền này không phải là tiền phạt mà sẽ được hoàn trả cho bị can, bị cáo sau khi phiên xét xử chấm dứt. Nhưng nếu bị can, bị cáo không trình diện, tòa sẽ phạt người này bằng cách thu hồi khoản tiền bảo lãnh.
Trong một số trường hợp, mức tiền bảo lãnh do thẩm phán đặt ra vượt quá khả năng tài chính của bị can, bị cáo. Theo Attorneys, tòa án khi đó sẽ chấp nhận một bản “cam kết bảo lãnh” - lời hứa hẹn của một công ty bảo hiểm sẽ đứng ra bảo lãnh cho bị can, bị cáo với khoản phí dịch vụ nhất định.
Ví dụ, nếu mức tiền bảo lãnh là 10.000 USD thì trước khi đứng ra bảo lãnh, phía công ty sẽ thu phí dịch vụ 10%, tương đương với 1.000 USD. Ngoài ra, bản cam kết còn cần thêm một người bảo lãnh đứng ra ký tên. Người này có trách nhiệm trả cho công ty bảo hiểm 10.000 USD nếu bị can, bị cáo không trình diện.
Nếu bị can, bị cáo tham gia phiên tòa, tòa án sẽ trả lại khoản tiền mà công ty bảo hiểm đã đặt bảo lãnh, phía công ty cũng sẽ giữ lại 1.000 USD phí dịch vụ. Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn, công ty bảo hiểm sẽ mất 10.000 USD cho tòa và sau đó sẽ yêu cầu người bảo lãnh hoàn trả. Vì rủi ro này mà một số bang cho phép công ty bảo hiểm có thể thuê thám tử để tìm bắt và áp giải bị can, bị cáo tới tòa án.
Mức phí dịch vụ của các công ty bảo lãnh theo từng tiểu bang. Ảnh: Aboutbail.
Mức phí dịch vụ của các công ty bảo lãnh theo từng tiểu bang. Ảnh: Aboutbail.
Bất cập trong thực tiễn áp dụng
Một số người cho rằng luật bảo lãnh tại ngoại ở Mỹ không được quy định rõ ràng và mang tính phân biệt đối xử.
Chế định tiền bảo lãnh tại ngoại buộc người nghèo phải lựa chọn giữa hai việc: một là bị tạm tam dù đã bị kết tội hay không, hai là phải ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo lãnh. Việc Bị tạm giam cũng khiến bị can, bị cáo càng nghèo khổ hơn, họ sẽ mất việc, mất tiền tiết kiệm và không thể nuôi dưỡng gia đình.
Theo Theguardian, hiện nay có hàng trăm nghìn người Mỹ đang bị tạm giam chờ xét xử, phần lớn trong số đó bị giam giữ chỉ vì không đủ khả năng chi trả tiền bảo lãnh, không phải do bị thẩm phán vụ việc kết luận là mối nguy hại cho cộng đồng.
Chế định nộp tiền bảo lãnh tại ngoại ở Việt Nam
Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm nhằm thay thế tạm giam được áp dụng khi bị can, bị cáo thỏa mãn các điều kiện sau:
- Phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
- Có khả năng về tài chính.
- Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử.
- Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Theo Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về mức tiền đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, mức tiền nộp bảo đảm căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và khả năng tài chính của bị can, bị cáo. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:
- 30.000.000 đồng với tội phạm ít nghiêm trọng.
- 100.000.000 đồng với tội phạm nghiêm trọng.
- 200.000.000 đồng với tội phạm rất nghiêm trọng.
Quốc Đạt