Kiểm tra điện thoại của học sinh khi không có căn cứ chính đáng, một trường cấp 3 ở Mỹ phải hòa giải 33.000 USD.
Ngày 23/1/2009, một học sinh 17 tuổi theo học tại trường cấp III
Tunkhannock (bang Pennsylvania, Mỹ) đã gọi điện thoại khi đang đứng
trong khuôn viên trường. Khi cuộc gọi đang đổ chuông, em bị cô giáo
Mellissa Sherman bắt gặp và tịch thu điện thoại.
Bản nội quy niên khóa 2008-2009 của trường Tunkhannock nêu rõ học sinh
phải tắt điện thoại di động trong giờ học ở trường và chỉ được bật trở
lại khi hết giờ. Ai vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại và trả lại vào
cuối ngày học. Người lần đầu vi phạm bị phạt 90 phút ở lại trường sau
giờ học, lần hai sẽ bị phạt 3 tiếng và lần 3 là bị nghỉ học một ngày.
Trường được phép tịch thu nhưng không được kiểm tra điện thoại vô căn cứ. Ảnh: ATL.
|
Trường được phép tịch thu nhưng không được kiểm tra điện thoại vô căn cứ. Ảnh: ATL.
ACLU đưa tin, khi tới phòng hiệu trường vào cuối ngày hôm đó để
nhận lại điện thoại, nữ sinh được cho biết sau khi kiểm tra điện thoại,
giáo viên phát hiện nhiều ảnh bán khỏa thân của chính em. Chiếc điện
thoại sau đó đã được chuyển cho lực lượng thực thi pháp luật để tiếp tục
điều tra vì nghi ngờ có hành vi tàng trữ ấn phẩm đồi trụy trẻ em.
Để không bị truy tố về tội tàng trữ ấn phẩm đồi trụy trẻ em, nữ sinh
phải tham gia khóa học cải tạo về tội phạm xâm hại tình dục kéo dài một
tháng. Ngoài ra, em bị nhà trường cho nghỉ học ba ngày.
Tháng 5/2010, với sự trợ giúp của Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ, nữ sinh khởi
kiện nhà trường Tunkhannock lên tòa án quận Pennsylvania. Trong đơn, cô
cáo buộc nhà trường không có căn cứ hợp lý khi kiểm tra điện thoại của
mình và việc kiểm lục soát điện thoại là trái pháp luật. Cô khẳng định
chỉ chụp ảnh bán khỏa thân vì mục đích cá nhân và ngoài ra có thể là để
gửi cho người bạn trai lâu năm.
Luật sư đại diện cho nữ sinh lập luận rằng chỉ dựa vào hành động gọi
điện thoại của cô bé thì không đủ căn cứ khiến một người bình thường
nghi ngờ điện thoại có chứa tang vật về hành vi trái pháp luật. Ngoài
ra, những bức ảnh bán khỏa thân không hề hiển hiện ngay trên màn hình
điện thoại. Người dùng cần phải thực hiện nhiều thao tác mới có thể tìm
tới, mở ra. Vì thế, giáo viên nhà trường đã vi phạm vào quyền lợi hợp
pháp của học sinh được quy định tại Tu chính án thứ IV của Hiến pháp Mỹ.
Theo đó, không người dân nào sẽ bị lục soát và tịch thu tài sản khi
không có căn cứ hợp lý.
Trước sức ép của vụ kiện, ban giám hiệu nhà trường quyết định hòa giải
với gia đình nữ sinh. Theo thỏa thuận hòa giải, nhà trường không thừa
nhận trách nhiệm hoặc lỗi sai, nhưng sẽ chi trả khoản tiền án phí, phí
luật sư cho nguyên đơn, tổng cộng 33.000 USD.
Dù không có quyết định của tòa, ban giám hiệu nhà trường sau đó đã họp
bàn với chi nhánh của Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ tại Pennsylvania để soạn
thảo bản hướng dẫn cho giáo viên và nhân viên nhà trường, nhằm giúp họ
có cách ứng xử phù hợp hơn trong những trường hợp tương tự mà không xâm
phạm trái phép vào quyền riêng tư của học sinh.
Ngày 15/9/2010, Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ tại Pennsylvania ra thông cáo
cho biết dù không có án lệ nào quy định về lĩnh vực này song hy vọng sự
việc sẽ là lời nhắc nhở trường học khắp bang Pennsylvania về quyền riêng
tư của học sinh với điện thoại cá nhân.