Nhờ chương trình "Bí ẩn không lời giải", cảnh sát nhận nhiều tin báo có giá trị giúp phá các vụ án đang bế tắc.
“Bí ẩn không lời giải” (Unsolved Mysteries) là chương trình truyền hình
dưới dạng phim tài liệu, tập trung khai thác và tái hiện nhiều vụ việc
bí ẩn như vụ án chưa được giải quyết, tội phạm bị truy nã, vụ mất tích,
thuyết âm mưu và các hiện tượng siêu nhiên.
Theo Worldsstrangest, để đưa đến cho độc giả cảm nhận chân thực
nhất, chương trình thường sử dụng diễn viên để dựng lại tình tiết nội
dung của vụ việc kèm theo nhiều đoạn phỏng vấn với nhân chứng thực tế
trong câu chuyện.
Lên sóng từ 1987 tới 2010, series dài 581 tập này đã được đón nhận tại
Mỹ. Nhưng không chỉ dừng lại ở mục đích giải trí, chương trình còn giúp
giải quyết nhiều vụ án tưởng chừng bế tắc lúc bấy giờ.
Theo thống kê, cảnh sát đã giải quyết được 47% số vụ truy nã tội phạm mà
chương trình phát sóng nhờ vào tin mật báo từ khán giả xem truyền hình.
Chiến công đầu tiên của “Bí ẩn không lời giải” là giúp bắt giữ Robert
Weeks. Từ 1968 tới 1981, tên sát nhân này giết hại ba người phụ nữ,
trong đó có vợ mình và đã bỏ trốn trước khi cảnh sát có đủ bằng chứng
kết tội. Vào đêm vụ việc của Robert Weeks lên sóng, bạn gái lúc bấy giờ
của tên này đã gọi điện báo cho chương trình. Hôm sau, Robert Weeks bị
bắt.
Còn vụ việc của Cheryl Holland có khoảng thời gian ngắn kỷ lục từ lúc
tội phạm lên sóng cho tới khi bị bắt. Cheryl Holland bị buộc tội sát hại
cô chú ruột sống ở bang Tennessee để lấy tiền trả nợ ma túy vào 1991.
Năm 1992, cô ta bị bắt tại bang Texas đúng 45 phút sau khi bị chương
trình đưa tin nhờ tin báo của khán giả.
Ly kỳ nhất của “Bí ẩn không lời giải” có lẽ là ở vụ việc thứ 150 liên
quan tới Tony Miller. Tháng 12/1983, Tony Miller cùng bạn ngồi ăn tại
nhà hàng ở Toledo, bang Ohio. Ngay sau khi họ rời đi, một người đàn ông
xông vào cướp nhà hàng. Trong quá trình bỏ chạy, tên tội phạm bắn bị
thương cảnh sát.
Nhân viên nhà hàng xác định Tony Miller là kẻ gây án. Phía công tố cũng
tìm được nhân chứng nhìn thấy anh ta rời khỏi hiện trường. Tony Miller
bị bắt, xét xử và phải chịu án tù ít nhất 20 năm.
Một tháng sau khi vụ cướp xảy ra, cảnh sát bắt giữ tên tội phạm chuyên
nghiệp có tên Joseph Clark do giết người trong vụ cướp khác. Kẻ này nhận
trách nhiệm trong vụ cướp nhà hàng nhưng rút lời thú tội khi bị cảnh
sát tra hỏi.
Người tù bị tù oan - Tony Miller. Ảnh: Npr.
|
Tám năm sau, năm 1992, vụ việc Tony Miller xuất hiện trên chương trình
số đặc biệt, kể về những phạm nhân khẳng định mình bị oan. Trong số khán
giả đón xem có nhân chứng khi trước giúp kết tội Tony Miller. Khi ảnh
của Tony Miller và Joseph Clark cùng xuất hiện trên màn hình, nhân chứng
này có cơ hội lần đầu tiên nhìn thấy hai người bên cạnh nhau. Anh nhận
ra sự giống nhau đến đáng kinh ngạc về ngoại hình và lập tức báo cho
cảnh sát để thay đổi lời khai.
Tony Miller được thả tự do ngay vài tuần sau đó – gần 9 năm kể từ khi bị kết án vì tội danh mình không thực hiện.