Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Chùa "Quốc gia Giác Hoàng" trị giá 2,7 triệu và 700,000.00 đôla hiện kim sẽ đi về đâu?

Chùa "Quốc gia Giác Hoàng" trị giá 2,7 triệu và 700,000.00 đôla hiện kim sẽ đi về đâu?
Kỳ 2
* Vài nét về lịch sử ra đời chùa Giác Hoàng. 
* Hội đồng Quản Trị năm 1977 gồm 6 người và Hội đồng Quản Trị năm 2015 gồm 12 người, Hội đồng nào là Sở hữu chủ chùa Giác Hoàng? 
* Ai là người đứng tên "Sở hữu chủ" chùa Giác Hoàng?
Báo Văn Hóa sẽ tiếp tục theo dõi "biến cố Giác Hoàng"tại Hoa Thịnh Đốn để tường trình của quý bạn đọc.
Lịch sử ra đời chùa Giác Hoàng

LTS: Tài liệu Lịch sử ra đời chùa Giác Hoàng dưới đây do một vị cao tăng từng tham dự buổi họp đầu tiên ở W. DC.  thuật lại cho báo Văn Hóa, nay Ngài hiện đã già yếu, có thể ghi nhớ của Ngài không được chính xác, xin quý vị vui lòng bổ túc. Trân trọng. (VH)
Năm 1977, hưởng ứng lời kêu gọi của thầy Giác Đức và Ht Thích Tâm Châu từ Canada, một buổi họp diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn quy tụ 22 vị Tăng khắp nơi vân tập về.
Từ hai miền Nam- Bắc California, quý chư Tăng gồm có: Thầy Thích Thanh Cát, Thầy Khánh Long, Thầy Giác Nhiên, Thầy Bồ Đề, Thầy Hương Sơn, Thầy Minh Thông, Thầy Tịnh Đức, Thầy Chơn Trí,  Thầy Giác Khoa, thầy Giác Nhiên, Thầy Minh Đoàn, thầy Minh Hạnh, Thầy Tịnh Từ, Thầy Tâm Thọ, Thầy Thanh Đạm, Thầy Trí Hiền,  Thầy Chân Tường (từ Pháp), ... thầy Giác Đức ở Virginia.
Đại hội đầu tiên dưới sự chủ tọa của Hòa thượng  Thích Tâm Châu đã mang lại kết quả: Thành lập Giáo hội Tăng già Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.
Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Tâm Châu làm Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên Thế giới; 
Đại hội cũng thỉnh cử Hòa thượng Thích Thanh Cát, Hòa thượng  Giác Nhiên làm Phó Thượng thủ;
Đại hội cũng thỉnh cử Hòa thượng Minh Thông làm Tổng thư ký, nhưng sau đó HT Minh Thông nói rằng ngài ở xa thủ đô (Pomona - nam Cali) nên đề nghị tín cử Thầy Thích Giác Đức làm Tổng thư ký và Thầy Thích Trí Hiền làm Phó Tổng thư ký. 
Trụ sở của Giáo hội Tăng già Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại đã được Thầy Giác Đức mua lại từ một ngôi nhà thờ ở Virginia; Đại hội lấy nơi này làm trụ sở của Giáo hội và lấy danh xưng là chùa Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn.
 Sau một thời gian hoạt động, do nhu cầu phát triển cộng đồng Phật giáo, HT Tâm Châu đã mời thêm một số chư Tăng và đệ tử của Thầy gia nhập Giáo hội, trong đó có Thầy Chơn Thành, một số quý thầy cựu sĩ quan Nha Tuyên Úy  trong Quận lực VNCH, ngài còn mở rộng Giáo hội bằng cách mời thêm  các quý vị cư sĩ tại gia cũng được tham gia.
Một thời gian sau, Thầy Giác Đức xuất thế thành lập ra dòng phái Pháp Sư.  Hòa thượng Tâm Châu tiếp nhận chùa Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn và đổi tên là chùa Giác Hoàng. Ngài giao cho Hòa thượng Thích Thanh Đạm làm trụ trì . (Kế nghiệp thầy Thanh Đạm là thầy Thích Tâm Thọ). 
Trong kỳ Đại hội lần thứ 2 diễn ra tại Hoa Thịnh Đốn, Hòa thượng Tâm Châu tín cử thêm một số Tăng, Ni mới, một số Cư sĩ mới như Gs Nguyễn Ngọc Bích, Nhạc sĩ Phạm Duy, ông Đặng Đình Khiết, ông Đỗ Đình Lộc ,v.v... và nam nữ Phật tử mới cùng tham gia và đảm nhiệm các chức vụ trong Hội đồng Quản trị.  
Có lẽ mâu thuẫn phát sinh ở chùa Phật Giáo Việt Nam Hoa Thịnh Đốn tức là chùa Giác Hoàng ngấm ngầm từ sau kỳ Đại hội lần thứ hai. (VH)
Tường trình của báo Đời Nay xuất bản ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn:
On Jan 19, 2016, at 6:14 PM, tan tran <doinaytantran@gmail.com> wrote:

Diễn biến trong vụ tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng ở Washington, D.C
Vì đâu nên nỗi và vì sao tránh né báo chí?
Sơn Tùng và nhóm biên tập Đời Nay. Hình Điển Nguyễn
Những xáo trộn tại Chùa Giác Hoàng từ mấy tuần nay đang mỗi ngày mỗi trở nên phức tạp với việc “đưa nhau ra tòa” đã tạo thêm một đám mây đen che phủ trên những ngôi chùa của người Việt ở hải ngoại mấy năm gần đây với sự xâm nhập của hàng ngàn nhà sư từ Việt Nam ra.
Đặc biệt, Chùa Giác Hoàng là một ngôi chùa lớn nằm giữa thủ đô nước Mỹ (tọa lạc tại số 5401 đường 16, NW, Washington, DC 20011) được thành lập từ năm 1976, chỉ một năm sau ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và được coi như một ngôi “chùa Quốc gia” với sư và Phật tử đều là những người tị nạn cộng sản.
Từ 1976 tới 2016, bốn mươi năm lặng lẽ trôi qua, nay nhiều Phật tử đã ngỡ ngàng, đau xót và giật mình nhìn những gì đang diễn ra tại ngôi chùa tôn nghiêm nơi họ chuyên cần tới lễ Phật, đọc kinh và nghe Thầy thuyết giảng những điều hay đẹp và gặp gỡ đạo hữu như một sinh hoạt tinh thần cần thiết trong đời sống an bình trên quê hương mới. Rồi bỗng dưng chùa biến thành nơi tranh chấp phàm tục, phơi bày những cảnh tượng bộc lộ tham, sân, si, trái ngược với lời Phật dạy, ngay trước bàn thờ với tượng Phật tỏa ánh từ bi.
Vì đâu nên nỗi?
Cho đến ngày 11.11.2015, vị sư trụ trì tại Chùa Giác Hoàng là Hòa Thượng Thích Tâm Thọ. Thầy Tâm Thọ đã trụ trì tại đây bốn năm, sau khi được Hòa Thượng Thích Thanh Đạm “truyền thừa” theo truyền thống từ hàng ngàn năm qua của Phật giáo Việt Nam.
Cũng theo truyền thống ấy, ngày 28.8.2015, Thầy Tâm Thọ đã làm di ngôn chỉ định Thầy Chân Thức kế nhiệm mình khi cảm thấy ngày ra đi của mình không còn xa.
Không đầy 3 tháng sau, Hòa thượng Tâm Thọ qua đời. Và, sóng gió bắt đầu nổi lên, khi một số người không thi hành ý muốn của Hòa Thượng Tâm Thọ, ngăn cản Đại Đức Chân Thức thi hành Phật sự và tìm cách tống xuất thầy ra khỏi chùa, đồng thời đưa người khác lên thay.
“Người khác” là ai và ai là người thực sự đưa ra quyết định này thì đến nay chưa biết rõ. Qua các youtube bị cắt xén hay không cắt xén được phổ biến trên mạng điện tử, người xem chỉ thấy những cảnh lộn xộn trong chánh điện Chùa Giác Hoàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bích (dưới bút hiệu Tâm Việt) đã viết nhiều bài, cũng được phổ biến trên mạng điện tử, tố cáo một “thiểu số” nhân sự trong Chùa Giác Hoàng đã gác bỏ di chúc của Thầy Tâm Thọ, đưa Sư-cô Đàm Viên  làm “quyền trị sự” và Sư cô Nhất Niệm làm “phụ tá”.
Nhưng thực tế đang có sự tranh chấp về người chủ trì trong chùa.
Trước cảnh tranh tối tranh sáng như vậy, ông Nguyễn Ngọc Bích và vài người nữa đã bị các ông Vũ Đoàn, Nguyễn Đức Côn... kiện trước Tòa án ở Washington (DC Superior Court) và phiên xử đầu tiên vào chiều ngày 29.12.2015 đã được đình lại để sẽ tiếp tục vào ngày 5 tháng 2 sắp tới.

Để tìm hiểu sự thật về những gì đang diễn ra tại Chùa Giác Hoàng, chúng tôi đã thu thập tin tức, tài liệu liên quan đến nội vụ và tiếp xúc với một số người trong cuộc để phỏng vấn. Cho đến khi viết bài này, chúng tôi đã được hai người nhận trả lời phỏng vấn là ông Nguyễn Ngọc Bích và Đại Đức Chân Thức.
Ông Bích là người đã trực tiếp đứng ra phản đối và chống lại việc làm của một số người mà ông gọi là thiểu số “tính làm cách mạng, đem chùa Giác Hoàng cúng cho ai chưa biết.”  Đại Đức Chân Thức là nhà sư đã được Hòa Thượng Tâm Thọ chọn để “truyền thừa” nhưng hiện nay không được thuyết giảng tuy vẫn còn ở trong chùa.
Trong khoảng 2 giờ tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Bích đã xác nhận những gì Tâm Việt đã viết và được phổ biến, trong đó có những điểm chính dưới đây:

Ông Bích đã có mặt trong Board of Directors (Ban quản trị) gồm 6 người từ khi lập Chùa Giác Hoàng năm 1976, và ông đang đứng ra để chống lại những người không thi hành di ngôn của cố Hòa Thượng Tâm Thọ.
Ngày 26.12.2015, ông Bích được ông Vũ Thế Bảo, cháu của ông Vũ Đoàn, thông báo qua một email sẽ có một cuộc họp với cảnh sát vào lúc 9 giờ sáng ngày hôm sau, 27 tháng 12, chủ nhật, tại chùa Giác Hoàng để giải quyết việc tranh chấp trong chùa. Buổi họp này đã không thành vì sự bất đồng ý‎ kiến giữa đôi bên.

Trả lời câu hỏi về cái youtube được phổ biến trên mạng điện tử quay cảnh lộn xộn tại chánh điện Chùa Giác Hoàng ngày 20.12.2015, ông Bích nói đây là một cái video đã bị cắt xén với mục đích bêu xấu ông.
Sự thật, hôm ấy là húy nhật (ngày giỗ) lần thứ tư cố HT Thích Thanh Đạm. Sở dĩ ông đã phải can thiệp vì trong buổi lễ, ông Nguyễn Đức Côn (Gia trưởng Gia đình Phật tử) đã đứng trong chánh điện “dạy bảo” các thầy thế nào mới là một vị sư trụ trì. Trước cảnh ngược đời và bất kính chưa bao giờ xảy ra như vậy, ông Bích đã giơ tay thật lâu để xin phát biểu, nhưng bị làm ngơ. Cuối cùng ông đã phải lên giành micro để lặp đi lặp lại câu “chúng con xin sám hối… chúng con xin sám hối..” Người xem không hiểu vì sao ông nói như vậy vì đoạn sau đã bị cắt xén khi ông giải thích việc này và tới trước các thầy lạy ba lạy để xin tạ tội trong tiếng vỗ tay của nhiều Phật tử.

Được hỏi vài người xem cái youtube nói rằng ông Bích đã bị người làm MC đánh vào mặt, ông Bích phủ nhận, nói rằng ông đã bị cái micro đập vào mặt trong lúc giằng co.
Ông Nguyễn Ngọc Bích cũng đưa chúng tôi xem bản danh sách Hội đồng Quản trị của Chùa Giác Hoàng hiện nay với 12 người thay vì 6 người như lúc đầu mà vài người  trước đây đã bị loại ra và nói rằng chính ông là một thành viên cũng bị xóa tên mà ông không biết.
Đây là điểm mấu chốt tòa sẽ phải dựa vào “BYLAWS” và bản “ARTICLES OF INCORPORATION” của chùa dưới tên  “BUDDHIST CONGREGATIONAL CHURCH OF AMERICA” được dịch ra tiếng Việt là “Công-Đồng Giáo Hội Phật Giáo VN tại Mỹ” để xét xem có vi phạm hay không.

Ngoài ra, ông Bích cũng xác nhận trong phiên tòa ngày 29.12.2015, ông Đỗ Đình Lộc, sau khi đưa tay phải lên thề khai sự thật, đã nói không biết ông Bích là ai!
- Ông Bích nói rằng rõ ràng ông Lộc đã nói dối trước tòa vì làm sao ông Lộc không biết ông Bích khi cả hai cùng ở trong Board of Directors gồm có 6 người ngay từ lúc đầu thành lập Chùa Giác Hoàng vào năm 1976.
- Có những hình ảnh cũng như nhân chứng về việc ông Bích và ông Lộc cùng có mặt trong vài sinh hoạt tại Chùa Giác Hoàng..
Ngày 7.1.2016, chúng tôi đã tiếp xúc với Đại Đức Chân Thức để nghe tiếng nói của người đang chống lại những nỗ lực trục xuất mình khỏi Chùa Giác Hoàng.
Trước hết Thầy Chân Thức xác nhận những diễn biến dưới đây:

Di ngôn ngày 28.8.2015 đã được HT Tâm Thọ đọc cho Thầy Chân Thức ghi lại trước mặt nhiều người và đã được ông Vũ Đoàn phân phát cho những người theo yêu cầu của HT Tâm Thọ.

Sáng ngày 21.11.2015, năm ngày sau đám tang HT Tâm Thọ, ông Vũ Đoàn cùng 3 người khác (Nguyễn Đức Côn, Nguyễn Như Khuê, và Lê Tuyết Hạnh) đến mời Thầy Chân Thức ra khỏi chùa, nhưng Thầy Chân Thức từ chối.
Buổi tối cùng ngày (21.11.2015) nhóm người này, có thêm cô Phúc (người làm bếp trong chùa) và ni cô Nhất Niệm lại tới với một lá thư của LS Thomas W. Vassar yêu cầu Thầy Chân Thức rời khỏi chùa, nhưng Cảnh sát đã tới (do Thầy Chân Thức gọi) và cho biết luật sư không có quyền đuổi thầy ra khỏi chùa.
Sáng ngày hôm sau, 22.11.2015, một tờ “Thông báo” không có người ký tên và không biết ai đã dán ở chùa, nội dung viết: “Chùa đã trình lên Giáo hội Phật giáo VN trên thế giới tại Hoa Kỳ để xin tiến cử một vị tôn đức hợp cách. Trong thời gian chờ đợi Giáo hội tiến nhiệm vị trụ trì mới, Chùa đã cung thỉnh Sư cô Thích nữ Đàm Viên để tạm thời đảm trách Phật sự hàng tuần tại chùa. Sư cô sẽ được sự trợ giúp của Sư cô Nhất Niệm và tiểu ban nghi lễ tại chùa.”
Đại Đức Chân Thức xác nhận ngày 6.12.2015, ông Vũ Đình Long có đưa cho thầy tờ Quyết Định của Giáo hội Phật giáo VN trên Thế giới (World Vietnamese Order) có chữ ký của Hòa thượng Chơn Thành, Phó Thượng thủ, chỉ định Sư cô Đàm Viên làm “Quyền Trị sự Chùa Giác Hoàng”, và Sư cô Nhất Niệm làm “Phụ tá Trị sự” cùng với lá thư của LS Vassar yêu cầu Thầy Chân Thức ra khỏi chùa Giác Hoàng.
Thầy Chân Thức đã bác bỏ quyết định của Giáo hội Phật giáo trên Thế giới vì vô thẩm quyền với vấn đề nhân sự của Chùa Giác Hoàng và luật sư cũng không có quyền trục xuất thầy.
Được biết trong phiên tòa ngày 29.12.2015, theo thỉnh cầu của nguyên đơn, Thẩm phán  J. Beck có ra một án lệnh hạn chế tạm thời (Motion for Temporary Restraining Order) hiệu lực đến ngày 5.2.2016, trong đó (1 trong 8 điều) ngăn cản Thầy Chân Thức hành lễ và giảng kinh trước công chúng tại Chùa Giác Hoàng.
Luật sư bên bị đã kháng cáo án lệnh này.
Hỏi lý do được đưa ra để không chấp nhận Thầy Chân Thức kế nhiệm Thầy Tâm Thọ chủ trì Chùa Giác Hoàng, là thời gian thọ giới chưa đủ 5 năm, có chánh đáng không? - Thầy Chân Thức trả lời là “không” và đã dành nhiều thì giờ để giải thích và nêu ra những tiền lệ đã có trong lịch sử Phật giáo về vấn đề này.

- Hỏi thầy có nghĩ rằng có một động cơ nào khác đã đưa đến việc không thi hành di ngôn của HT Tâm Thọ và trục xuất thầy không, Thầy Chân Thức trả lời “không biết”.

- Câu hỏi này cùng với những câu hỏi khác có thể đặt ra cho những người chủ động trong vụ này nhưng rất tiếc không ai nhận lời cho chúng tôi tiếp xúc.
- Chúng tôi đã gọi tới Chùa Giác Hoàng và để lại lời nhắn nhưng không có ai gọi lại. Gọi cho ông Đỗ Đình Lộc cũng không được gọi lại. Ông Vũ Đoàn cũng từ chối gặp nhà báo khi chúng tôi nhờ người tiếp xúc để xin phỏng vấn.
Tôn giáo hay cái gì khác?
- Công tâm mà nói, lý do “thời gian thọ giới” được đưa ra để loại bỏ Thầy Chân Thức là  không chánh đáng và không thuyết phục.
Trước hết, đây không phải là trường hợp đầu tiên và đã có nhiều tiền lệ ở những chùa khác. Hai là trong thời gian tu học và được HT Tâm Thọ truyền dạy, Thầy Chân Thức đã chứng tỏ là một nhà sư đạo hạnh, có trình độ cao và có khả năng quản trị, không làm điều gì có thể chê trách. Vì vậy, HT Tâm Thọ đã chọn Thầy Chân Thức làm người kế nhiệm.
- Qua nhận định của nhiều Phật tử Chùa Giác Hoàng, chọn lựa và chỉ định của cố HT Tâm Thọ được cho là sáng suốt và chánh đáng, tốt cho Chùa và cũng tốt cho Phật tử. Vì vậy, theo sự quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, đa số Phật tử tại Chùa Giác Hoàng tán thành và ủng hộ sự lựa chọn của cố HT Tâm Thọ.
- Loại Thầy Chân Thức để thay bằng hai ni cô, một người khoảng 90 tuổi và một người mới trở lại sau 3 năm ở Việt Nam, lại càng khiến cho quyết định này trở nên khó hiểu và làm nhiều người cho là kỳ lạ vì ngay từ khi thành lập và trong suốt 40 năm qua, Chùa Giác Hoàng là một “chùa tăng” chứ không phải “chùa ni”.
Vì vậy, tôn giáo không phải là nguyên do đưa đến tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng.
Vì tiền hay lý do chính trị chăng?
- Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, trị giá hiện nay của Chùa Giác Hoàng vào khoảng 2,7 triệu Mỹ-kim và tiền mặt hiện có trong quỹ của chùa là bảy trăm ngàn.
Tiền bạc cũng có thể là một lý do đưa đến tranh chấp, nhưng qua những diễn tiến đang xảy ra cho đến nay  không thấy có dấu hiệu tiền bạc là động cơ của tranh chấp.

Còn chính trị?
Đây là một câu hỏi đang được nhiều người đặt ra. Theo ước lượng được đưa ra mới đây, khoảng bốn ngàn nhà sư từ VN đang có mặt ở hải ngoại và gây ra những xáo trộn ở mọi nơi. Ngẫu nhiên chăng? Hay là đang có một chiến dịch biến các chùa ở hải ngoại thành “chùa quốc doanh”? Chưa có câu trả lời trong lúc này, nhưng đây là lúc cần phải báo động.
Như nói ở trên, Chùa Giác Hoàng ở thủ đô Washington là một ngôi chùa lớn và là một “chùa Quốc gia” ngay từ lúc thành lập. Bằng cớ hiển nhiên là huy hiệu (logo) của Chùa Giác Hoàng có cờ vàng ba sọc đỏ nằm bên phải và cờ Phật giáo nằm bên trái trên một quả cầu, ở chính giữa là bản đồ VN.
Nhiều con mắt đang nhìn vào những biến chuyển trong vụ tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng mà nay rõ ràng đã không còn là vấn đề có thể giải quyết trong nội bộ. Một bên đã thuê luật sư đưa nội vụ ra tòa và một bên cũng đã thuê luật sư biện hộ.
Một bên có nhiều tiền và một bên có ít tiền. Công lý không thiên vị nhưng đồng tiền và luật sư có thể làm lệch cán cân công lý.

Chúng tôi không muốn làm công việc của tòa án, nhưng sẽ có nhiều vấn đề phải tranh luận tại tòa trước khi có một bản án có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt cũng như linh hồn của “ngôi chùa Quốc gia” Giác Hoàng.
Thời gian sẽ có câu trả lời. Trước mắt, ai mà không cảm thấy đau lòng khi nhìn các vị cao trọng trong chùa, đều là con Phật và trên dưới 80 tuổi đời, kéo nhau ra hầu tòa để nhờ người ngoài phân xử cuộc tranh chấp bắt nguồn từ những động cơ nhuốm màu trần tục?
Virginia, Tháng 2. 2016
+++++++++++++++++++++++++++++++++
Bài phỏng vấn của ông Nguyễn Quốc Khải
Phỏng vấn Ni Cô Nhất Niệm của Chùa Giác Hoàng
 Nguyễn Quốc Khải
24-01-2016
 Tóm tắt sự kiện
image026
Trong thời gian từ ngày cố Hòa Thượng (HT) Tâm Thọ, trụ trì chùa Giác Hoàng viên tịch vào ngày 11-11-2015 đến nay, Chùa Giác Hoàng:  
1/ đã phải chịu đựng nhiều sóng gió. Theo Hội Đồng Quản Trị của chùa Giác Hoàng (HĐQT)
2/, Thầy Chân Thức ở Tu Viện Viên Quang (North Carolina) được HT Tâm Thọ mời về chăm sóc sức khỏe cho ngài. Nay HT Tâm Thọ đã qua đời, HĐQT thỉnh Thầy Chân Thức trở về lại Tu Viện Viên Quang và nhờ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới (World Vietnamese Buddhist Order) thỉnh một vị tăng (nam hay nữ) kinh nghiệm về trụ trì tại chủa Giác Hoàng. Trong khi chờ đợi, việc tri sự  
3/ tại chủa sẽ do Sư Cô Đàm Viên phụ trách với sự phụ tá của Ni Cô Nhất Niệm.
 Do đơn xin tiến cử xuất gia của Thầy Chân Thức vào năm 2012, Thầy Chân Thức đã được HĐQT của Chùa Giác Hoàng giới thiệu đến tu tại Tu Viện Viên Quang. Trong buổi họp với HĐQT của Chùa Giác Hoàng vào ngày 21-11-2015, Thầy Chân Thức đã đồng ý trở về Tu viện Viên Quang, nhưng đến nay, Thầy Chân Thức vẫn nấn ná lưu trú tại Chùa Giác Hoàng với sự hỗ trợ của các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, Pháp Sư Thích Giác Đức trong ban sáng lập chùa trước đây.
Ban Sáng Lập còn có cố Thượng Tọa Thích Thanh Đàm, ô. Vũ Phan (đã mất), cụ Đỗ Đình Lộc (hiện là chủ tịch HĐQT của Chùa Giác Hoàng). Ô. Nguyễn Ngọc Linh đã xin từ chức vào năm 1981. Hòa Thượng Thích Giác Đức cũng đã dời bỏ chùa, lấy vợ và lập giáo hội riêng. Sau khi HĐQT của Chùa Giác Hoàng thành lập,Ban Sáng Lập đã ngưng hoạt động. Ô. Nguyễn Ngọc Bích cũng như Pháp Sư Thích Giác Đức không còn giữ một nhiệm vụ nào trong chùa Giác Hoàng cũng như Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ (Buddhist Congressional Church of America – BCCA).
Tuy nhiên, theo sự điều tra của người viết bài tường thuật này, Ô. Nguyễn Ngọc Bích tiếp tục nhân danh Tổng Thư Ký Sáng Lập của Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, ký văn thư và bài báo chống đối những quyết định của HĐQT của chùa Giác Hoàng. Chính vì lý do này và những vụ rối loạn tại chùa Giác Hoàng gần đây như vụ cướp giật microphone, sách nhiễu một số thành viên trong HĐQT của chùa Giác Hoàng ngay tại chánh điện trong khi họ đang tụng niệm  
4/ mà HĐQT của chùa Giác Hoàng đã buộc phải mang một số bị cáo ra tòa bao gồm các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, Phó Hồng Hà và Pháp Sư Thích Giác Đức.
Tòa Thượng Thẩm District of Columbia trong phiên tòa ngày 29-12-2015 đã phán quyết rằng những bị cáo tạm thời không được lai vãng tới chủa Giác Hoàng, Ô. Nguyễn Ngọc Bích không được dùng danh xưng TTK sáng lập hay bất cứ chức vị nào của Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, Thầy Chân Thức không được thuyết pháp tại nơi công cộng trong chùa, không được quyên góp tiền bạc nhân danh Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ trong khi chờ Tòa có quyết định chính thức về vụ “mạo nhận danh hiệu của Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ (BCCA) của Ô. Nguyễn Ngọc Bích.
Ni Cô Nhất Niệm là ai? 
Một trong những hành động gây hoang mang không ít trong cộng đồng người Việt tại vùng Hoa Thịnh Đốn và khắp nơi là việc Ô. Nguyễn Ngọc Bích ám chỉ Ni Cô Nhất Niệm là sư quốc doanh và là cộng sản. Trong bài báo với nhan đề “Bổn cũ soạn lại: Liệu Chùa Giác Hoàng có biến thành chùa Ni hay không?” Ô. Nguyễn Ngọc Bích với bút hiệu là Tâm Việt đã viết về Ni Cô Nhất Niệm nguyên văn như sau:

“Sư-cô Nhất Niệm này mới tu ba năm ở Việt-nam ra nên cách ăn nói vừa sỗ sàng, hỗn láo (đối với ngay sư-cô Đàm Viên là người đáng bằng tuổi bà của cô ta) vừa hống hách với chữ Ngã thật là to (‘Người đó là tôi đây’), không khác bao nhiêu sư quốc-doanh. Trên đường ra, cô còn hỏi một người quen: ‘Người ta nói em là Cộng-sản. Anh nghĩ sao?’ Một người đứng gần đó nói: “Cô có là CS hay không thì tự cô cô biết chớ.”
Vì quyền được biết sự thật của người đọc và lẽ phải cần phải được bênh vực, người viết bài tường thuật này quyết định điều tra những chuyện liên quan đến chùa Giác Hoàng và lời cáo buộc của Ô. Nguyễn Ngọc Bích đối với Ni Cô Nhất Niệm.  Theo lời yêu cầu của chúng tôi và sự giúp đỡ tận tình của hai Phật Tử lâu năm của chùa, HĐQT chùa Giác Hoàng đã cho phép tôi được phỏng vấn Ni Cô Nhất Niệm tại chủa Giác Hoàng vào ngày 17-01-2016.
Toàn bộ cuộc phỏng vấn được thâu âm và thâu hình. YouTube video về cuộc phỏng vấn này đã được phổ biến trên YouTube với địa chỉ sau đây:
Bài tường thuật này sẽ trình bầy những điểm chính trao đổi trong cuộc phỏng vấn.
Ni Cô Nhất Niệm có thế danh là Lâm Thị Tú Phương quê quán tại Châu Đốc. Ni Cô vượt biên qua đảo Palawan, Phi Luật Tân lúc 23 tuổi vào năm 1986. Tại đây Ni Cô ngỏ ý muốn xuất gia đi tu nhưng các Thầy khuyên nên tham gia vào những sinh hoạt Gia Đình Phật Tử trong khi chờ dến quốc gia thứ ba định cư. Khi đến tới Honolulu vào tháng 4, 1990, Ni Cô Nhất Niệm giúp cho Thầy Đông Hải tại Tu Viện Chân Không, thành lập Ni Liên (đơn vị nằm đưới đoàn trong Gia Đình Phật Tử). Bốn tháng sau, Ni Cô Nhất Niệm di chuyển về Virginia và cư ngụ tại tiểu bang này cho đến bây giờ. Vào năm 1990, chánh điện của chùa Giác Hoàng đang được xây cất. Cũng vào năm này, Ni Cô Nhất Niệm xin xuất gia với Sư Bà Huệ Ân nhưng Sư Bà lúc đó chưa có chùa. Hiện nay Sư Bà còn sống. Vào năm 2000, Sư Bà Huệ Ân có chùa, nhưng Sư Bà muốn Ni Cô về Việt Nam làm lễ xuất gia.
Qua đến 2004, Ni Cô Nhất Niệm xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Đạm tại chủa Giác Hoàng, nhưng Hòa Thượng khuyên nên tiếp tục sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Vì sao đó, HT Thích Thanh Đạm chưa thấy Ni Cô Nhất Niệm có duyên đi tu. Cố Hòa Thượng Thượng Thủ cũng có lần hứa giúp cho xuống tóc xuất gia, nhưng khi Thầy đồng ý thì Ni Cô chưa thu xếp xong việc cá nhân. Ni Cô nghĩ duyên xuất gia đời này xem ra không có, mình cứ tiếp tục làm hộ pháp. 
Đến 2007, thân phụ của Ni Cô Nhất Niệm qua đời. Nhân dịp Lễ Giáp Năm vào năm 2008, Ni Cô Nhất Niệm trở về Việt Nam xây mồ mả cho cha và giúp đỡ các em.  Hai năm sau, trở về thăm Việt Nam lần thứ hai, mỗi lần như vậy chỉ có 10 ngày, vì Ni Cô phải làm việc để tự nuôi sống mình ở Virginia, Hoa Kỳ. Lần này Ni Cô Nhất Niệm gặp Ni Sư Thích Nữ Thượng Thuần Hạ Nhất thuộc Thiền Viện Chân Không ở Vũng Tầu và được hứa cho xuất gia. Thân mẫu của Ni Cô cũng xuất gia như Sư Cô Đàm Viên. Thường ở Việt Nam, xuất gia là không vào chùa mà gia đình nuôi và lập thất ở riêng. Ý nguyện của Ni Cô là tu ở từ đường của gia đình.

Khi trở về Hoa Kỳ, Ni Cô xin từ chức ở Ty Cảnh Sát, Quận Fairfax, nhưng không được chấp nhận vì chưa đủ năm để về hưu. Do đó, Ni Cô vừa đi tu vừa đi làm. Vào năm 2013, Ni Cô Nhất Niệm trở về thăm Việt Nam lần thứ ba. Nhân dịp này Ni Cô xin Ni Sư Thích Nữ Thượng Thuần Hạ Nhất cho thọ giới sau ba năm chuẩn bi. Ni Sư Thích Nữ Thượng Thuần Hạ Nhất là một vị Ni theo phái Thiền Tông của HT Thích Thanh Từ. Ni Cô Nhất Niệm theo phái Tịnh Độ nhưng lại có duyên được một Ni Sư thuộc phái Thiền Tông cho xuất gia.
Ni Cô than phiền rằng GS Kim Oanh, các ông Phó Hồng Hà, Đặng Đình Khiết (hay lui tới chùa) đều biết Ni Cô Nhất Niệm nhưng “họ êm ru hoặc ăn nói như thế là tội nghiệp”. Ni Cô Nhất Niệm tâm sự:
“Khi xuất gia Ni Cô rất hạnh phúc. Đây là thử thách trên bước đường tu đạo của tôi. Đối với tôi, vấn đề chụp mũ này tôi chỉ cười thôi. Nhờ tờ báo của Ô. Nguyễn Ngọc Bích, nhiều bạn bè cũ của tôi đã về gặp tôi trong tuần vừa rồi để tìm hiểu sự thật như thế này. Phật dậy rằng oan ức không cần biện minh. Đó là lý do chúng tôi không lên tiếng.”
Ni Cô Nhất Niệm cho biết vì vấn đề an ninh hiện nay, Ni Cô đã buộc phải trình bài báo của Ô. Nguyễn Ngọc Bích với cấp trên ở Ty Cảnh Sát cùa Quận Fairfax. 
Nhận định của Ni Cô Nhất Niệm về việc bổ nhiệm vị sư trụ trì
Theo Ni Cô Nhất Niệm, việc trở về tu viện Viên Quang của Thầy Chân Thức là một chuyện bình thường. Nhưng Ni Cô và Sư Cô không muốn dính líu với chuyện của Thầy Chân Thức. Khi cố HT Thích Thanh Đạm nằm xuống, may mắn cho Chùa Giác Hoàng là Hòa Thượng Thượng Thủ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới còn. Mọi quyết định đều do HT Thượng Thủ đưa ra. Quí vị trong cộng đồng lúc đó cũng xôn xao. Việc Hòa Thượng Tâm Thọ về đây trụ trì do giáo chỉ của HT Thượng Thủ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới với sự đồng ý của Ban Hộ Tự. Chúng cư sĩ đã cung thỉnh và hai bên đã đồng ý, thì HT Thượng Thủ ban giáo chỉ. Giai đoạn đầu gọi là chứng minh trụ trì. Việc Phật sự do cư sĩ điều hành.Trong chùa có trên có dưới.
HT Thích Thanh Đạm khi còn sống là Đệ Nhị Thượng Thủ của GHPGVN trên Thế Giới. Thầy Tâm Thọkhi còn sống là Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ và kiêm nhiệm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ của GHPGVN trên Thế Giới. Khi Thầy Tâm Thọ nằm xuống, các vị  trong HĐQT của chùa Giác Hoàng đã làm việc với Thầy Chân Thức và giáo chỉ của GHPGVN trên Thế Giới đã đưa Ni Cô Nhất Niệm về Chùa Giác Hoàng.
Ni Cô thú thật chỉ là một “chú tiểu” . Nếu bảo ra giảng dậy, Ni Cô không dám làm càn. Trong Gia Đình Phật Tử, nhỏ nhất là Oanh Vũ. Trong Đạo nhỏ nhất là Sa Di. Ai có hạnh thì mới được thọ giới tiếp. Hồi xưa Thầy Tâm Thọ răn rằng xuất gia bữa trước bữa sau làm Thầy. Thành thử học hành chưa được bao nhiêu. Đây là chuyện cá nhân của mỗi người. Theo Ni Cô Nhất Niệm đi tu để cho nội tâm mình về với chính mình, chứ không phải đi tu để thành ông này bà nọ.
 Ý kiến của Sư Cô Đàm Viên
Thầy Chân Thức là một sư tăng của Giáo Hội. Chỉ có Giáo Hội chỉ định cho ông thôi. HĐQT của chùa Giác Hoàng không ai chỉ định Thầy Chân Thức làm gì. Nhiệm vụ của Sư Cô Đàm Viên là phụ trách nghi lễ, tri sự ở chùa, tức là phân công, điều động nhân sự để lo những Phật sự trong chùa. Sức khỏe không có vấn đề gì đối với Sư Cô Đàm Viên.
Nhân tiện đây chúng ta cũng nên làm sáng tỏ vài từ liên quan đến Phật sự hầu tránh được sự hiểu lầm. Tri sự khác với trị sự và lại khác xa với trụ trì.  Trị sự có nghĩa là quản lý một công việc chuyên môn hơn, như quản lý một tờ báo. Trụ trì là cai quản một ngôi chùa do một nhà sư đảm nhiệm, bao gồm cả những vấn đề hệ trọng như thuyết giảng về giáo lý.
Một từ khác trong Phật giáo cũng đã gây ra hiểu lầm đáng tiếc là chữ TĂNG. Theo thói quen, từ kép tăng ni có nghĩa là các vị sư nam nữ nói chung. Nhưng chữ tăng ám chỉ cả sư nam lẫn nữ. Tăng ở đây có nghĩa là chúng tăng hay tăng đoàn, không phải chỉ có sư nam mà thôi. Bốn Ni họp lại thành một tăng đoàn. Một vị sư nam không được gọi là tăng. Bốn sư nam mới trở thành tăng. Ô. Nguyễn Ngọc Bích đã hiểu lầm về những từ trên đây nên đã chỉ trích chùa Giác Hoàng trong việc cung thỉnh nhân sự về chùa.
Trong chúc thư, cố Thượng Tọa Thích Thanh Đạm viết rằng bất cứ vị tăng ni nào đủ duyên có thể về trụ trì chùa Giác Hoàng. Ô. Nguyễn Đức Côn nhắc lại rằng trong buổi lễ húy kỵ của cố HT Thích Thanh Đạm, ông đã đọc lại di chúc của ngài để mọi người hiểu. Vì lý do nào đó, Ô. Nguyễn Ngọc Bích đã vạch lá tìm sâu, diễn dịch sai lệch chữ tăng trong Phật Giáo và bịa đặt ra chuyện chùa Giác Hoàng âm mưu biến chùa Tăng thành chùa Ni là có ác ý.
Ý kiến của Phật Tử Ỷ Nguyên
Bà Nguyễn Thị Yến là một Phật Tử tại chùa Giác Hoàng trên 10 năm kể từ khi Bà và gia đình từ New Mexico di chuyển về Maryland để gần gũi con cái. Được hỏi cảm tưởng về cuộc phỏng vấn, Bà Yến đã cho biết như sau: “Chúng tôi hôm nay đến đây là một người quan sát thôi. Những chuyện xẩy ra ở chùa làm tôi rất đau lòng. Chúng tôi không theo phe nào và cũng không dám xét đoán phe nào đúng phe nào sai. Chúng ta là người Việt Nam bỏ xứ ra đi để tìm tự do, an lạc. Nhưng chiếu theo bằng chứng cụ thể khi có mặt tại tòa án, chúng tôi đã biết phần nào đúng sai. Họ rêu rao chùa này sẽ treo cờ đỏ sao vàng. Tôi biết chuyện đó không thể xẩy ra, thế mà cứ tự mình hại nhau như thế. Họ bêu xấu Chùa Giác Hoàng, mang dao mà chém nhau. Cuộc phỏng vấn Ni Cô Nhất Niệm rất trung thực để bà con trong vùng hiểu rõ về ngôi chùa Giác Hoàng.”
Ý kiến của Phật Tử Đỗ Tràng Mỹ Hạnh
Bà Đỗ Tràng Mỹ Hạnh định cư tại Mỹ từ 1985 trong chương trình ODP, hiện cư ngụ tại Maryland. Bà Mỹ Hạnh nhận xét như sau: “Trình bầy của Ni Cô Nhất Niệm rất rõ ràng có thể tin được. Tôi đã biết Ni Cô từ lâu. Từ ngày đến chùa này tôi đã thấy Ni Cô rồi. Thành ra không hiểu tại sao người ta có thể nói về Ni Cô như vậy được.”
Ý kiến của Bà Lê Đức Hạnh, Thư Ký HĐQT Chùa Giác Hoàng
 “Ni Cô Nhất Niệm phát biểu rất thành thật và sáng tỏ. Ni Cô đã nói hết những gì về Ni Cô. Chúng tôi cũng biết Ni Cô nhiều lắm. Ni Cô về đây sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử. Chúng tôi rất kính trọng tài đức của Ni Cô. Cô rất cứng rắn trong vấn đề hướng dẫn các em đi theo con đường tốt.”
Ý kiến của Ô. Nguyễn Đức Côn, thành viên trong HĐQT Chùa Giác Hoàng
Ô. Nguyễn Đức Côn đã sinh hoạt tại chùa Giác Hoàng trên 40 năm. Sau khi HT Thích Thanh Đạm viên tịch, Ô. Côn đã gia nhập HĐQT. Ô. Côn yêu cầu khỏi phải cho ý kiến vì Ni Cô cũng ở trong HĐQT. Nếu không hai vị lại bênh vực lẫn nhau.
Kết luận
Căn cứ vào những dữ kiện trên đây, việc Ô. Nguyễn Ngọc Bích ám chỉ Ni Cô Nhất Niệm là sư quốc doanh và là cộng sản mà không đưa ra một bằng chứng nào, sẽ là một hành động vu khống và mạ lị.Ô. Nguyễn Ngọc Bích nói rằng Sư-cô Nhất Niệm đã tu ba năm ở Việt-nam là một chuyện bịa đặt.
Bài tường thuật của cuộc phỏng vấn Ni Cô Nhất Niệm và một số quí vị trong HĐQT Chùa Giác Hoàng và một vài Phật Tử của chúng tôi đến đây chấm dứt. Chúng tôi sẽ theo dõi chuyện chùa Giác Hoàng và sẽ tường thuật cho độc giả khi có những chuyển biến mới trong vài tuần tới.
 Chú thích:
1/ Chùa Giác Hoàng  tọa lạc tại 5401 16th Street, NW, Washington-DC 20011, thuộc quyền sở hữu của Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (Buddhist Congressional Church of America – BCCA).
2/ Hội Đồng Quản Trị của Chùa Giác Hoàng gồm chín vị: Cụ Đỗ Đình Lộc (chủ tịch), Bà Lê Đức Hạnh (thưký), Ô. Đỗ Hải (thủ quỹ), Sư Cô Đàm Viên, Ô. Nguyễn Đức Côn, Ô. Vũ Đoàn, Ô. Nguyễn Như Khuê, Ô. VũĐình Long, và Nha Sĩ Vũ Thế Bảo.
3/ Phân công, điều động nhân sự để lo những Phật sự trong chùa.
4/ Tất cả đều được thu hình dưới sự chứng kiến của chính luật sư của chùa là Ô. Thomas Vassar và nhận diện từng cá nhân.
+++++++++++++++++++++++++++++++
Bài phản hồi của ông Nguyễn Ngọc Bích
THƯA VỚI Ô. NGUYỄN QUỐC KHẢI:
NHỮNG LỜI KHAI CỦA NI CÔ NHẤT NIỆM
Nguyễn Ngọc Bích
            Lời Mào Đầu: Tôi xin cảm ơn Ông Nguyễn Quốc Khải là người vừa tung lên Net bài “Phỏng vấn Nhi Cô Nhất Niệm của Chùa Giác Hoàng” ngày hôm nay, 24/1/2016.  Bài viết này của ông dựa vào một buổi phỏng vấn mà ông thực-hiện vào ngày 17/1/2016 (trang 3), “tất cả đều được thu hình dưới sự chứng kiến của chính luật sư… Thomas Vassar và nhận diện từng cá nhân.” (Cước-chú 4 của bài viết)
            Để dẫn vào bài viết, ông Nguyễn Quốc Khải viết: “Trong thời gian từ ngày cố Hòa Thượng (HT) Tâm Thọ, trụ trì chùa Giác Hoàng viên tịch vào ngày 11-11-2015 đến nay, Chùa Giác Hoàng  1/ đã phải chịu đựng nhiều sóng gió.”  Chỉ có một điều này là đúng, còn hai điều còn lại mà ông nêu ra đều sai: Không có Hội-đồng Quản-trị (!) nào “thỉnh Thầy Chân Thức trở về lại Tu Viện Viên Quang” (ở South Carolina), điều 2 mà ông Khải nêu ra; và việc “tri sự” không phải là việc tranh cãi ở Chùa Giác Hoàng (điều 3 ông nêu ra) đâu, ông Khải ạ!
Bắt đầu ngay bằng một sự dối trá
            Ngay sau phần dẫn nhập, ông Khải đã viết dựa vào giải-thích của cô Nhất Niệm: “Trong buổi họp với HĐQT của Chùa Giác Hoàng vào ngày 21-11-2015, Thầy Chân Thức đã đồng ý trở về Tu viện Viên Quang.”  Đây là một sự nói láo trơ trẽn (phạm giới thứ 4 trong ngũ giới của Phật dạy):
            Trước hết, không có “Hội đồng Quản trị” nào cả, Chùa Giác Hoàng trực-thuộc Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ mà tên trong tiếng Anh là “Buddhist Congregational Church of America” (BCCA), không có cái gì là “Buddhist Congressional Church of America” (trang 2 bài viết và trong cước-chú số 1) như ông Khải viết, dựa trên sự không thuộc bài của phe ông Nguyễn Đức Côn và cô Nhất Niệm.  Mà BCCA thì chỉ có “Board of Directors,” tức Ban Quản-trị mà thôi, không có Hội-đồng nào cả.
            Thứ hai, ngày thứ Bảy 21/11/2015 có hai vụ tìm cách mời Thầy Chân Thức đi ra khỏi Chùa: một vào khoảng trưa do các ông Vũ Đoàn, Nguyễn Đức Côn, Nguyễn Như Khuê và bà Lê Tuyết Hạnh không dựa vào giấy tờ nào cả và một vào khoảng 8 giờ tối cùng ngày khi cô Nhất Niệm và cô Phúc (làm bếp) đưa thư của Luật-sư Thomas W. Vassar đòi Thầy phải (1) ngưng giảng pháp ngay (“immediately”) và (2) dời Chùa ngay(“immediately”).  Cũng may là Thầy Chân Thức đã kêu cảnh-sát trước khi về Chùa nên cảnh-sát đã nói rõ: “Không luật-sư nào có quyền trục xuất Thầy cả.  Chỉ có án tòa mới làm được chuyện này.”  (Xem bài viết “′Cách mạng′ đến với Chùa Giác Hoàng?” của Tâm Việt)  Vậy không có vấn-đề “nhưng cho đến nay, Thầy Chân Thức vẫn nấn ná lưu trú tại Chùa Giác Hoàng với sự hỗ trợ của…” (giải thích lệch lạc của ông Khải)
            Thứ ba, ông Khải viết khơi khơi: “Ô. Nguyễn Ngọc Linh đã xin từ chức vào năm 1981 (?).”  Xin ông Khải vui lòng đưa ra bằng-chứng về chuyện này.  Hay là ông chỉ nhắm mắt tin vào lời của cô Nhất Niệm.
            Thứ tư, ông Khải viết là có vụ “sách nhiễu một số thành viên trong HĐQT.”  Lạ thật, trong năm lần Cảnh-sát được kêu đến Chùa, chỉ có một lần Thầy Chân Thức kêu hôm 21/11/2015 (để rồi Cảnh-sát giải-thích là không ai có quyền đuổi Thầy ra khỏi Chùa).  Còn bốn lần còn lại đều là do phía ông Côn, cô Phúc (làm bếp) hay anh Lê Quang Trinh gọi cả, không hiểu ông Khải đã kiểm chứng lại chưa:
            Ngày 28/11/2015
            Ngày mồng 4/12/2015
            Ngày mồng 6/12/2015
            Ngày 20/12/2015
làm phiền nhiễu Cảnh-sát DC để họ đến và không thấy có chuyện gì xảy ra hết.
“Ni Cô Nhất Niệm là ai?”
            Ông Khải dẫn một bài viết của tôi với một đoạn như sau: “không khác bao nhiêu sư quốc-doanh.  Trên đường ra, cô còn hỏi một người quen: ‘Người ta nói em là Cộng-sản.  Anh nghĩ sao?’  Một người đứng gần đó nói: ‘Cô có là CS hay không thì tự cô cô biết chớ.’” (hết trích từ trong bài “Bổn cũ soạn lại: Liệu Chùa Giác Hoàng có biến thành chùa Ni hay không?” của Tâm Việt nhưng phần in chữ đậm là của ông Khải)
            Tôi xin hỏi ông Khải, “không khác” có nghĩa là gì?  Phải chăng “không khác” có nghĩa như “tức là” như ông Khải muốn đặt vào miệng tôi?  Còn câu “Người ta nói em…” là phát biểu của chính cô Nhất Niệm thì sao ông Khải cũng in đậm như đó là lời của tôi?  Xuyên-tạc đến thế là cùng!  Ông Khải có muốn tôi khai ra, ai được nghe câu hỏi đó không?  Và ông Khải có muốn biết ai là người phán câu “Cô có là CS hay không thì tự cô cô biết chớ!” không?  Ít nhất điều gì tôi nói đều có người làm chứng, ông Khải có làm được như tôi không?
            Cứ theo như lời khai của cô Nhất Niệm với ông Khải thì chính cô không có duyên đi tu:
- Một lần ở đảo (Palawan bên Phi-luật-tân) khi cô 23 tuổi vào năm 1986
- Một lần thứ 2 xin xuất gia với Sư Bà Huệ Ân “nhưng Sư Bà lúc đó chưa có chùa.”
            - Một lần thứ 3 khi “xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Đạm” (không phải là “Đàm” như ông Khải ghi ở trang 2).
            - Và một lần thứ 4 khi “Hòa Thượng Thượng Thủ [Thích Tâm Châu] cũng có lần hứa giúp… nhưng khi Thầy đồng ý thì Ni Cô chưa thu xếp xong việc cá nhân.”
Tu tại gia và tu phất phơ
            “Đến 2007, thân phụ của Ni Cô Nhất Niệm qua đời.  Nhân dịp Lễ Giáp Năm vào năm 2008, Ni Cô Nhất Niệm trở về Việt Nam xây mồ mả cho cha và giúp đỡ các em.  Hai năm sau [= 2010], trở về thăm Việt Nam lần thứ hai, mỗi lần như vậy chỉ có 10 ngày…  Lần này Ni Cô Nhất Niệm gặp Ni Sư Thích Nữ Thượng Thuần Hạ Nhất [tức Thích Thuần Nhất] thuộc Thiền Viện Chân Không ở Vũng Tàu và được hứa cho xuất gia.  Thân mẫu của Ni Cô cũng xuất gia như Sư Cô Đàm Viên. Thường ở Việt Nam, xuất gia là không vào chùa mà gia đình nuôi là lập thất ở riêng.  Ý nguyện của Ni Cô là tu ở từ đường của gia đình.” (trang 3 và 4)
            Thật lạ quá, đây là lần đầu tiên tôi được biết “xuất gia” là “tu tại gia” (sic)!  Ông Khải ơi, ông làm ơn giải thích giùm cho tôi hai chữ “xuất gia” nhé!
            Song Phật-học của cô Nhất Niệm “tu tại gia” xem chừng cũng hơi mỏng.  Cô liều lĩnh: “Việc Phật sự do cư sĩ điều hành.” (trang 4)
            Tính thật kỹ, ta mới chỉ chắc chắn được là cô đi tu, nếu có, là 20 ngày vào hai năm 2008 và 2010 (“mỗi lần 10 ngày”).  Thế mà đến “năm 2013, Ni Cô Nhất Niệm trở về Việt Nam lần thứ ba.  Nhân dịp này Ni Cô xin Ni Sư Thích Nữ Thượng Thuần Hạ Nhất cho thọ giới sau ba năm (???) chuẩn bị.”
            Chả trách chính lời của cô cũng phải công-nhận: “Ni Cô thú thật chỉ là một ‘chú tiểu’.  Nếu bảo ra giảng dậy, Ni Cô không dám làm càn.” (trang 4)
            Vậy cứ theo lời cô Nhất Niệm thì cô cũng không có khả-năng giảng pháp.  Mà Sư Cô Đàm Viên có lẽ cũng thế!  Thế thì tại sao lại mời Thầy Chân Thức là người có đầy đủ khả-năng giảng pháp đi về Tu-viện Viên Quang?  Thật hết hiểu!!!
Lại một chuyện láo nữa
            Không chỉ cô Nhất Niệm nói liều, chuyện đáng buồn ở trong cuộc phỏng vấn này là đến Sư Cô Đàm Viên, 90 tuổi, cũng không nói thật.  Theo ông Khải thuật lại, Sư Cô nói: “Một từ khác trong Phật giáo cũng đã gây ra hiểu lầm đáng tiếc là chữ TĂNG…  Một vị sư nam không được gọi là tăng.
            Lạ quá, lạ quá, ông Khải ơi!  Đây là lần đầu tiên tôi được nghe thấy một định-nghĩa kinh hoàng đến như thế này!
            Thưa ông bạn Khải của tôi ơi, có lẽ nhà ông không có tự-điển Hán-Việt thì phải.
            Như vậy, để tôi tra giùm ông nhé!
            Hán Việt Tự Điển của cụ Thiều Chửu (ông có biết cụ là một cao-tăng của Phật-giáo Việt-nam không nhỉ?), ấn-bản năm 2012 đã được “tái bản hơn 10 lần,” trang 34, ghi:
            “TĂNG: sư nam, đàn ông đi tu đạo Phật gọi là Tăng.  Nguyên tiếng Phạm là Tăng già, nghĩa là một đoàn thể đệ tử Phật, trong luật định bốn vị sư trở lên mới gọi là Tăng già.
            Nói gì đến những phát biểu quái đản như của bà Nguyễn Thị Yến khi bà ngoa-ngôn tới mức cho rằng ở “Chùa Giác Hoàng, [đang có chuyện] mang dao mà chém nhau.”  Khiếp đản, “Phật tử Ỷ Nguyên” ơi, chúng tôi người Việt Quốc gia, người Việt tỵ nạn Cộng-sản, chưa đến nỗi thành côn-đồ, côn-an như Quý Vị quen thấy ở trong nước CHXHCNVN đâu!  Bà thấy dao với chém ở đâu, xin chỉ cho mọi người thấy với!  Thậm nguy, thậm nguy nếu có thật đấy!!!
Nguyễn Ngọc Bích
24/1/2014