Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Luật Chống Gian Thương Liên Bang - Luật Sư LyLy Nguyễn




Luật Sư LyLy Nguyễn
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com.

Ưu điểm chính của nền kinh tế tư bản tại Mỹ là khuyến khích sự cạnh tranh công bằng trong mọi giao dịch thương mại nhằm mục đích cân bằng thị trường và bảo vệ người tiêu thụ. Do đó hệ thống luật chống gian thương liên bang có mục tiêu chính chống lại mọi hoạt động kinh doanh có tác dụng độc quyền hoặc có tính cách loại trừ cạnh tranh.

Luật chống gian thương của liên bang Hoa Kỳ dựa trên ba đạo luật căn bản chi phối hầu hết mọi ngành kinh tế thương mại trên đất Mỹ, đó là các đạo luật trình bày dưới đây:

1. Luật Sherman (The Sherman Anti-Trust Act) - Luật này đặt căn bản cho mọi điều luật liên bang liên quan tới chống gian thương. Luật Sherman cấm chỉ mọi giới kinh doanh thương mại liên tiểu bang không được cấu kết, hợp tác, hoặc a tòng với nhau lập âm mưu khống chế mậu dịch hoặc toan tính nắm độc quyền thị trường trong một lãnh vực đặc biệt. Vi phạm luật này cũng kể cả việc ký kết các hợp đồng dùng thủ đoạn độc chiếm thị trường, âm mưu tổ chức và duy trì độc quyền trong một công kỹ nghệ với mục tiêu làm tổn thương mãi lực cạnh tranh của các doanh gia đối thủ.

Dĩ nhiên luật Sherman cấm chỉ các hoạt động bất chính trên thương trường như độc quyền kinh doanh (monopoly) hoặc âm mưu giữa các đối thủ đồng cấp cấu kết với nhau theo kiểu “hợp tác hàng ngang” (horizontal arrangements) đã trình bày kỳ trước nay tóm tắt lại như sau:
“Từ chối bất giao dịch tập thể” (collective refusal to deal) - Nhiều thương gia cấu kết với nhau cùng đồng loạt khước từ giao dịch thương mại với một đối tượng còn gọi là “tẩy chay tập thể” (group boycott). Đây là quyết định có bàn tính của nhiều đối thủ cạnh tranh trong một thương vụ cùng nhau bất giao dịch với một thương nghiệp khác. Không giống cuộc tẩy chay của một công ty đơn độc hoặc cuộc tẩy chay của đông người tiêu thụ chống lại một thương nghiệp đặc thù nào đó; một cuộc tẩy chay tập thể bị coi là bất hợp pháp bởi vì có ảnh hưởng ngăn trở tự do kinh doanh.

“Hợp tác kinh doanh” (joint ventures) - Hợp tác kinh doanh chung tự nó không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên trên thị trường nếu một số đối thủ cạnh tranh cộng tác với nhau tìm cách loại trừ các đối thủ khác thì vi phạm luật.

“Chia sẻ thị trường” (market division) - Nếu các công ty cạnh tranh thỏa thuận với nhau phân chia từng khu vực buôn bán thì vi phạm luật chia sẻ thị trường. Chia sẻ có thể theo vùng địa dư nếu họ thỏa thuận với nhau không xâm nhập vào vùng đã phân chia cho đối phương để bán hàng hay cung cấp dịch vụ. Chia thị trường cũng còn hình thức theo sản phẩm, thí dụ như thỏa thuận không chế tạo một vài loại sản phẩm đã dành cho đối phương, ngược lại đánh đổi lấy loại sản phẩm khác mà đối phương cam kết không chế tạo loại hàng hóa đó.

Luật Sherman còn cấm chỉ một số hành vi cấu kết giữa nhiều cấp thương nghiệp khác nhau từ trên xuống dưới. Thí dụ thỏa thuận từ công ty sản xuất xuống tới đại lý phân phối, rồi tiếp đó từ đại lý xuống giới bán lẻ để hợp tác cùng lập kế hoạch cạnh tranh bất chính thì gọi là “hợp tác hàng dọc” (vertical arrangements). Nói một cách tổng quát thì hợp tác hàng dọc có vẻ ít cơ hội vi phạm luật hơn là hợp tác hàng ngang. Những hoạt động thương mại sau đây được kể là bất chính và bị ngăn cấm dưới Luật Sherman:

 “Giao dịch đặc biệt” (exclusive dealing) - Dù rằng thông thường các công ty được tự do làm ăn buôn bán với bất cứ ai mà họ chọn lựa, tuy nhiên có vài điều luật chống gian thương đã hạn chế bớt quyền tự do này. “Giao dịch đặc biệt” cũng tương tự như kiểu “chia sẻ thị trường” và đều bị coi như bất hợp pháp nếu có tạo ra ảnh hưởng làm giảm sự cạnh tranh đưa đến kết quả độc chiếm thị trường. Lấy thí dụ một công ty sản xuất y phục phụ nữ không có quyền ký giao kèo bán sản phẩm của mình cho cửa hàng bán lẻ với điều kiện bắt buộc tiệm bán lẻ này phải từ chối không nhận bán y phục cùng loại do các hãng sản xuất khác thực hiện. Cửa tiệm bán lẻ này phải được quyền bán hàng hóa do bất cứ công ty cạnh tranh nào khác sản xuất ra.

“Phân biệt giá cả” (price discrimination) - Nếu đặt giá sai biệt cùng một món hàng trong mục đích đánh ngã đối thủ cạnh tranh, hoặc cho dù không có chủ tâm nhưng có ảnh hưởng như vậy thì sự “phân biệt giá cả” bị cấm chỉ theo Luật Sherman. Người bán hàng không được phép bán cùng một thứ hàng hóa cho hai người mua với hai giá khác nhau ngoại trừ có chứng minh được mục đích hợp pháp. Lấy thí dụ trường hợp phải hạ giá “bán chạy” một số hàng hóa hư hại, khiếm khuyết hay các thực phẩm sắp hết hạn thì không bị phạm luật chống gian thương. Ngược lại một hãng phân phối xăng dầu không được phép bán cho một cây xăng với giá rẻ hơn cây xăng khác.
“Làm giá cố định” (price fixing) - Theo Luật Sherman, một công ty sản xuất bắt ép đại lý phân phối hay người bán lẻ phải bán sản phẩm của mình dưới một “bộ” giá đã định sẵn thì công ty này bị kể là vi phạm điều luật “làm giá cố định.” Thông thường phải có chứng cớ giá biểu ấn định trước được là điều kiện bắt buộc hay bắt ép trong khế ước lập đại lý thì mới kể là phạm luật. Nếu đơn thuần chỉ là giá đề nghị bán lẻ thì không vi phạm.

Mọi cá nhân bị tòa án buộc tội vi phạm bất kỳ khía cạnh nào của Luật Sherman đều có thể bị phạt tiền hoặc bị ở tù. Tuy nhiên trên thực tế những vi phạm luật chống tham nhũng thường được xử trong các vụ án dân sự hơn là hình sự. Luật Sherman do Ngành Chống Gian Thương (The Anti-Trust Division) trực thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (United States Department of Justice gọi tắt là DOJ) tại thủ đô Washington DC giữ nhiệm vụ giám sát thi hành.

 2. Luật Clayton (The Clayton Act) - Đây cũng là một đạo luật chống gian thương của chính phủ liên bang hỗ trợ thêm cho Luật Sherman. Luật Clayton đặc biệt “cấm ngặt mọi giao dịch thuê mướn (leases), bán (sales), thỏa thuận đứng ra bán (contracts for sale), hoặc các điều kiện khác, giao kèo, hoặc hiểu biết mà có tác dụng làm giảm sự cạnh tranh một cách đáng kể, hoặc tạo độc quyền trên một tuyến thương mại.” Tất cả các hành vi hay hoạt động kinh doanh bất chính theo Luật Sherman cũng cùng đều bao che dưới Luật Clayton.
Quốc Hội Hoa Kỳ cho tu chính Luật Clayton vào năm 1936 để tăng cường quyền lực trong việc ngăn chặn nạn “phân biệt giá cả” mà trước đó đã từng bị coi là áp dụng thiếu hiệu quả. Tu chính luật này được gọi là “Luật Robinson-Patman Act” đặt các hành vi thương mại có tính cách phân biệt trên giá cả, sự phục vụ, hay cơ sở là phạm luật - đối với cả người bán lẫn người mua - khi sự phân biệt này có khuynh hướng tạo ra độc quyền, hoặc chế ngự cạnh tranh hoặc vi phạm các đạo luật điều hòa thương mại (trade regulations). Luật Clayton tìm cách bảo đảm người cung cấp hàng hóa hay dịch vụ phải đối đãi bình đẳng và công bằng với người mua. Luật này qui định rằng người mua phải được cho cơ hội tham gia đồng đều vào một vài loại chương trình thương mại của người bán liên quan đến việc bán lại sản phẩm, thí dụ như chương trình quảng cáo, khuyến thị (promotional), và những phúc lợi dành cho người mua trên hạn định công bằng tương ứng với sự tham gia của họ.

Luật Clayton cũng do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều hành và chi phối. Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (Federal Trade Commission gọi tắt là FTC) cũng có chung quyền hạn pháp lý cùng với Bộ Tư Pháp trong việc giám sát thi hành đạo luật, nhưng Bộ Tư Pháp có quyền lực đặc biệt trên khía cạnh truy tố hình sự. Đồng thời mỗi tiểu bang riêng biệt được coi như một “nhân vật” (“person”) theo Luật Clayton. Tiểu bang có quyền đệ đơn khiếu nại một hành vi kinh doanh bất chính xin tòa xử “đền bù theo lệnh” (injunctive relief) hay xin bồi thường thiệt hại (damages).

3. Luật FTC (The Federal Trade Commission Act) - Theo Luật FTC, những lời tuyên cáo hay hành vi lừa bịp tạo thành một sự cạnh tranh bất công có ảnh hưởng đến thương mại đều bị coi là bất hợp pháp. Một nghiệp vụ kể là phạm luật nếu bị qui trách nhiệm trong việc trình bày hay dùng vật liệu với dụng ý hướng dẫn sai lạc một người tiêu thụ thông thường. Mọi cá nhân và nghiệp vụ đều bị cấm chỉ không được phát biểu sai lạc về sản phẩm của mình hoặc sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, nhất là dùng quảng cáo hay lời phát biểu có tác dụng dối trá hoặc toan tính lừa bịp người tiêu thụ trong việc thuyết phục họ quyết định mua sản phẩm đó. Mục tiêu chính yếu của luật FTC bảo vệ cho công chúng tránh khỏi bị các hành vi loại trừ cạnh tranh. Luật FTC không có quyền hạn cá nhân, mà chỉ có quyền đại diện cho tập thể trong một vụ kiện bắt tôn trọng luật lệ.
Kỳ tới chúng tôi sẽ đề cập đến Luật Chống Gian Thương của California và những phương cách làm thế nào để tránh khỏi vi phạm Luật Chống Gian Thương. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: lylylaw.com.