Hà Giang/Người Việt
SANTA ANA, Calif (NV) - Gần hai tháng sau khi kết thúc vụ kiện, luật sư bên tuần báo Saigon Nhỏ nộp lên tòa hai kiến nghị. Thứ nhất là xin tòa giảm số tiền bồi thường $4.5 triệu cho Người Việt; và hai là xin xử lại vụ kiện.
Cả hai kiến nghị đều bị Thẩm Phán Frederick P. Horn khước từ hôm 25 Tháng Ba, 2015.
Tài liệu ghi rõ lý do tại sao tòa bác đơn yêu cầu xin giảm bồi thường và xin xử lại của Saigon Nhỏ. (Hình: http://www.occourts. |
Luật Sư Hoyt Hart của công ty Người Việt cho biết: “Ðơn xin giảm tiền bồi thường và xin xử lại của Saigon Nhỏ chỉ nhắc đi nhắc lại những vấn đề đã được quyết định trước đây. Phía bị cáo không đưa ra được dữ kiện gì mới. Tòa có một quyết định dễ dàng về đơn xin của họ, và giải thích lý do một cách tỉ mỉ.”
Thẩm Phán Frederick P. Horn giải thích quyết định của ông và dẫn chứng nhiều luật tiền lệ, trong một tài liệu, như sau: “Tòa nhận định rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn được dựa trên những bằng chứng trọng yếu và xác thực, cho thấy bị cáo đã đăng tải và tái đăng tải trên tờ Saigon Nhỏ những điều được chứng minh là sai sự thật về các nguyên đơn. Bồi thẩm đoàn cũng dựa vào những chứng cớ rõ ràng để xác định mức thiệt hại thực tế (actual damages).”
Thẩm Phán Frederick P. Horn viện dẫn phán quyết của vụ kiện Valley Labor Citizen, 260 Cal.App.2d 268, 274 (1968), như sau:... “Ðể đòi được bồi thường thiệt hại tổng quát hay tiền phạt để làm gương, nguyên đơn phải chứng minh được là họ đã yêu cầu (người viết) đính chính hay rút lại những điều (không đúng sự thật) nhưng yêu cầu của họ bị khước từ.” “Nguyên đơn đã chứng minh điều này một cách đầy đủ.”
Thẩm Phán Frederick P. Horn dẫn chứng thêm: “Bồi thẩm đoàn có chứng cớ đáng kể để kết luận rằng ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh cần được bồi thường thiệt hại cho sự xấu hổ, buồn phiền, tổn thương cảm xúc, và nguy hại đến danh tiếng của họ. Khác với trường hợp những vụ kiện liên quan đến việc bị cáo cố tình tra khảo tinh thần, một nguyên đơn bị phỉ báng không cần phải chứng minh cảm xúc bị tổn thương. Thay vào đó, “thiệt hại tổng quát về nỗi đau khổ, tổn thương cảm xúc và mất uy tín cần được đền bù, ngay cả trong trường hợp không có bằng chứng cụ thể, với mức bồi thường mà bồi thẩm đoàn cho rằng tương đối tương xứng với thiệt hại tinh thần mà bị cáo gây ra cho nguyên đơn,” chiếu theo vụ kiện “Taylor v. Hearst, 107 Cal. 262, 270 (1895).”
Về lời khai của hai bên trước tòa, Thẩm Phán Frederick P. Horn nhận định: “Tòa nhận thấy lời khai của ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh đáng tin cậy. Tổn thương cảm xúc của họ được tỏ lộ rõ qua từng lời khai, và bồi thẩm đoàn đã đánh giá về sự khả tín của các nhân chứng này một cách chính xác. Họ khai rằng thiệt hại do phỉ báng của bị cáo gây ra không thể nào đảo ngược lại được, sẽ ảnh hưởng và đi theo họ suốt đời. Lời khai của họ về tác động của sự kiện này (bị phỉ báng) trong cộng đồng người Việt rất đáng kể. Cả hai nhân chứng đều có những lời khai trung thực, thẳng thắn, và đầy đủ chi tiết. Ngược lại, bị cáo tỏ ra tránh né, và kiêu căng trong lời khai của mình. Tòa nhận định rằng bị cáo hiển nhiên biết mình làm gì và cố ý làm như vậy. Bồi thẩm đoàn vì thế, có thể bỏ ngoài tai những lời khai của bị cáo liên quan đến vốn ròng (networth) và tài sản (assets) của mình.”
Về thiệt hại của báo Người Việt, Thẩm Phán Frederick P. Horn nhận định: “Phán quyết của bồi thẩm đoàn về nguyên đơn báo Người Việt (“NVDN”) cũng sẽ không thay đổi. Bị cáo cho rằng những lời khai của ông Phan Huy Ðạt về việc tờ báo mất khách không tương xứng với số tiền bồi thường, vì thế tiền bồi thường không hợp lý. NVDN là một doanh nghiệp, như vậy sự thiệt hại vì mất thanh danh có thể được chứng minh bằng việc mất khách hàng sau khi những cáo buộc có tính cách phỉ báng được đăng tải.”
“Liên quan đến vấn đề thiệt hại đương nhiên (assumed damages) so với thiệt hại thực tế (actual damages) vụ kiện Weller v. American Broadcasting Companies, Inc., 232 Cal.App.3d 991 (1991) soi rõ điểm này. “Khi một nguyên đơn cung cấp chứng cớ là danh tiếng bị tổn thương, không có nghĩa là đã chứng minh được hay có thể chứng minh được tất cả mọi thiệt hại cho thanh danh của mình.” Phán quyết của vụ kiện này (Weller) không yêu cầu nguyên đơn phải đưa ra một lý thuyết hay cơ sở cho việc tính tiền bồi thường, như bị cáo lập luận. Tiền đề của thiệt hại đương nhiên nằm ở chỗ hậu quả của một việc phỉ báng rất khó lường, định nghĩa, hay dẫn giải. Hai khái niệm về thiệt hại đương nhiên và thiệt hại thực tế không loại trừ lẫn nhau (mutually exclusive.)”
“Cuối cùng, số tiền phạt do bồi thẩm đoàn đưa ra cũng không thay đổi. Chứng cớ về tình trạng tài chính của bị cáo đương nhiên là điều kiện tiên quyết cho việc tính toán tiền phạt, vì mục đích của sự trừng phạt là trừng phạt chứ không phải để tàn phá bị cáo, theo vụ kiện Adams v. Murakami, 54 Cal.3d 105, 112 (1991). Tuy nhiên, trong trường hợp này không phải là không có bằng chứng về tình trạng tài chính của bị cáo.”
Theo thủ tục tố tụng, bên Saigon Nhỏ có 30 ngày kể từ ngày 25 Tháng Ba để nộp đơn kháng cáo.
––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com