Thursday, April 16, 2015 7:59:06 PM
Hà Giang/Người Việt
WESTMINTER, California (NV) - Vào ngày 14 Tháng Tư, công ty Little Saigon News Inc. (tuần báo Saigon Nhỏ) và chủ nhân, bà Hoàng Dược Thảo (Brigitte Huynh) nộp đơn xin phá sản theo Chapter 11, tại Tòa Phá Sản Hoa Kỳ ở Santa Ana.
Nhận định về sự kiện này, ông Hoyt Hart, luật sư đại diện cho nhật báo Người Việt, phát biểu: “Bà Hoàng Dược Thảo khai phá sản vì bà muốn trì hoãn việc bồi thường cho nhật báo Người Việt. Nhưng làm như thế, bà đã vô tình đặt mình vào một tình huống hết sức khó khăn, đó là 'tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa' (jumping from the frying pan into the fire).”
Trang đầu của án lệnh “Turnover Order in Aid of Execution,” do Chánh Án Frederick P. Horn ký ngày 6 Tháng Tư. (Hình: Người Việt) |
Luật Sư Hoyt Hart giải thích: “Khi một con nợ khai phá sản, thì họ tự nộp mình dưới sự kiểm soát nghiêm nhặt nhất của tòa phá sản vì tòa sẽ cử ra một giám sát viên để theo dõi từng hành vi liên quan đến tài chánh của con nợ. Sau khi khai phá sản, một con nợ muốn tiêu tiền của chính mình, cũng phải xin phép tòa, và không thể trả tiền cho bất cứ ai, hay gửi tiền đi bất cứ đâu, mà không có phép của tòa. Nói thực, qua việc Saigon Nhỏ khai phá sản, nhật báo Người Việt giờ đây được bảo vệ chặt chẽ hơn về mặt tài chánh.”
Việc bà Hoàng Dược Thảo và tuần báo Saigon Nhỏ làm đơn xin phá sản không nằm ngoài dự đoán của ban quản trị nhật báo Người Việt.
Trước đó, vào ngày 9 Tháng Tư, đại diện nhật báo Người Việt đã trao tận tay (serve) bà Hoàng Dược Thảo án lệnh “Turnover Order in Aid of Execution,” do Chánh Án Frederick P. Horn ký ngày 6 Tháng Tư.
Án lệnh “Turnover Order in Aid of Execution,” được ông Horn ban hành nhằm mục đích hỗ trợ việc thu số tiền bồi thường $4,500,000, mà bà Hoàng Dược Thảo và tuần báo Saigon Nhỏ phải nộp cho nhật báo Người Việt, chiếu theo phán quyết ngày 31 Tháng Mười Hai, 2014, của vụ kiện bắt đầu từ Tháng Chín, 2012.
Án lệnh “Turnover Order in Aid of Execution” đòi hỏi bà Thảo phải lập tức nộp ngay cho Sở Cảnh Sát Orange County “sổ ghi biên bản các buổi họp của tuần báo Saigon Nhỏ, tất cả cổ phiếu của công ty Saigon Nhỏ mà bà Hoàng Dược Thảo làm chủ, thẻ chủ quyền của các xe do bà hay công ty Saigon Nhỏ làm chủ, và bản tường trình của ngân hàng liên quan đến các tài khoản do bà Hoàng Dược Thảo hay Saigon Nhỏ làm chủ.”
Khoản cuối của án lệnh nói trên viết rõ: “Không tuân theo án lệnh này có thể khiến con nợ bị bắt, và phạt vì tội không tuân lệnh tòa.”
Trong tập đơn khai phá sản dài hơn 30 trang, Luật Sư Leonard Pena, đại diện cho bà Hoàng Dược Thảo và tuần báo Saigon Nhỏ, viết rằng mục đích của đơn khai phá sản là để cho tuần báo Sài Gòn Nhỏ tiếp tục hoạt động, và tiếp tục được phép trả lương cho nhân viên.
Theo luật định, đơn xin khai phá sản phải đính kèm một số tài liệu và danh sách liên quan đến tài sản, nợ nần, lợi tức, phí tổn, cũng như các bản tường trình về tài chánh. Thế nhưng, đơn nộp ngày 14 Tháng Tư của bà Hoàng Dược Thảo, vì nộp cấp bách, chỉ liệt kê tên các chủ nợ, danh sách nhân viên, tiền lương nợ từng nhân viên, sổ lương, và vài nét phác họa sơ sài về tình hình tài chánh của tuần báo Saigon Nhỏ.
Trang đầu của đơn khai phá sản cấp bách của tuần báo Saigon Nhỏ, nộp cho Tòa Phá Sản Hoa Kỳ ở Santa Ana hôm 14 Tháng Tư. (Hình: Người Việt) |
Ðơn khai phá sản nói trên liệt kê danh sách 14 chủ nợ không có tiền thế chấp (unsecured debtors) với tổng số nợ là $4,700,000, trong số đó, $4,500,000 là tiền tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo nợ nhật báo Người Việt, ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh.
Vẫn theo đơn phá sản, doanh thu của tuần báo Saigon Nhỏ trong năm 2014 là $3,000,000, doanh thu năm 2013 được khoảng $2,700,000, và doanh thu từ đầu năm 2015 cho đến giờ khoảng $1,000,000. Ngoài ra, tuy lợi tức của tuần báo Saigon Nhỏ lúc trồi lúc sụt, nhưng nói chung là có lời.
Ðơn khai phá sản cũng cho biết bà Hoàng Dược Thảo và tuần báo Saigon Nhỏ đã nộp đơn kháng án, tuy nhiên vì không đủ tiền nên không thể nộp tiền thế chân để buộc nhật báo Người Việt phải hoãn thi hành án lệnh.
Theo luật hiện hành, khai phá sản theo Chapter 11 là một hình thức khai phá sản giúp công ty con nợ có thời gian tái cấu trúc việc trả nợ, để cả con nợ lẫn chủ nợ đều được bảo vệ.
Kể từ ngày nộp đơn, mọi chi thu của một công ty đã khai phá sản phải khai báo cho giám sát viên, và các chủ nợ được biết, cũng như được sự đồng ý của họ. Mọi hành vi liên quan đến tài chánh của con nợ khai phá sản sẽ bị giám sát gắt gao, và trong quá trình hoàn tất hồ sơ xin phá sản kéo dài bốn tháng, nếu con nợ khai gian, thì sẽ bị trừng phạt theo tội hình sự. Thêm vào đó, nguyên tắc bảo vệ chủ nợ cho phép các chủ nợ có quyền nộp đơn phản đối đơn khai phá sản của con nợ. Tòa phá sản sẽ xét những đơn phản đối này và đưa ra phán quyết, hoặc chấp thuận hoặc bác đơn xin phá sản theo luật định.
Nhiều người hiểu lầm rằng hễ cứ nộp đơn xin phá sản là sẽ xóa được mọi loại nợ. Ðiều này không đúng, vì không phải bất cứ loại nợ nào, dù là nợ có thế chấp hay không có thế chấp cũng bị xóa đi chỉ vì con nợ nộp đơn khai phá sản.
Ðiều khoản 523 của Luật Phá Sản (US Code 523 - Exceptions to discharge) liệt kê một danh sách dài những loại nợ không thể bị xóa qua việc khai phá sản, chẳng hạn như tiền thiếu thuế, tiền nợ lệ phí quan thuế, tiền nợ sinh viên, tiền nợ người phối ngẫu sau khi ly dị, tiền nợ vì lừa đảo người khác, và tiền bồi thường vì cố tình gây ra đau khổ cho người khác bằng những hành vi có ác ý như mạ lị, phỉ báng, thí dụ như số tiền $4,500,000 mà tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo phải bồi thường cho nhật báo Người Việt, ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh.
Nói một cách tóm tắt, qua việc khai phá sản, tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo chẳng những không thể xóa đi được số tiền bà phải bồi thường cho nhật báo Người Việt, mà còn tự đưa mình vào tình trạng từ giờ sẽ bị kiểm soát gắt gao về mặt tài chánh.
––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com