Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Ba người Việt bị tù vì tội bắt gái làm nô lệ trong tiệm móng tay


Tiệm nail của bà Nguyễn Hương Thu bị điều tra đầu tháng 11, 2017. (Artur Lesniak/ Trinity Mirror)
STAFFORD, Anh Quốc - Ba người gồm một nam và hai nữ đã bị tuyên án sau một cuộc điều tra về hành động bóc lột và cưỡng bức lao động trong các tiệm nail ở Midlands và South West.
Sở Cảnh Sát Staffordshire và Sở Cảnh Sát Avon and Somerset đã phanh phui một hoạt động buôn người, trong đó các cô gái người Việt Nam bị buộc phải làm việc mà không được trả tiền công trong các tiệm nail trên khắp nước Anh.


Từ trái là Nguyễn Hương Thu, Nguyễn Hoàng Việt, và Trần Hương Giang.

Hai phụ nữ và một ông đã bị tuyên án tại tòa Stafford Crown Court vào ngày thứ Ba vì những tội phạm, chiếu theo Đạo Luật Nô Lệ Hiện Đại.

Hai người bị bắt là cặp vợ chồng Nguyễn Hoàng Việt, 29 tuổi (còn được gọi là Ken) và Trần Hương Giang, 23 tuổi, (cũng có tên là Susan). Cả hai đều cư ngụ trên đường Barker Round ở Burton, bị phán quyết có tội, với tội danh âm mưu đòi buộc những người khác phải làm việc lao động bị cưỡng bức hoặc bắt buộc.
Nguyễn Hoàng Việt cũng bị kết tội âm mưu sắp xếp hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa người ta đi để bóc lột sức lao động.

Nguyễn Hương Thu, 48 tuổi (cũng có tên là Jenny), cư ngụ ở Bath, bị kết tội âm mưu sắp xếp hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa người ta đi để bóc lột sức lao động. Bà cũng bị buộc tội âm mưu đòi buộc những người khác phải làm việc lao động bị cưỡng bức hoặc bắt buộc.

Họ đã bị kết tội vào ngày 3 tháng 11, 2017, sau một cuộc xét xử kéo dài tám tuần lễ tại tòa án Stafford Crown Court.

Đến ngày thứ Ba, 2 tháng 1, 2018, Nguyễn Hoàng Việt bị tuyên án bốn năm tù. Trần Hương Giang lãnh án tù hai năm. Nguyễn Hương Thu bị tuyên án năm năm tù giam.

Các vụ bắt giữ đã được thực hiện tại một tiệm nail ở Abbey Arcade, Burton. Hai phụ nữ trẻ dễ bị tổn thương, cũng đang bị bóc lột vì những mục đích lao động, đã được tìm thấy trong những tiệm ấy.
Họ đã bị đưa đi trên khắp nước Anh, và bị bóc lột thông qua việc kiểm soát áp đặt trên họ vì tình trạng thiếu cương vị di trú, vì tuổi tác và địa vị xã hội của họ.