Ngày 4 tháng 10, 2016
· Vu khống rằng BPSOS sang đoạt tài sản
· Vu khống rằng BPSOS biển thủ cấp khoản của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ
· Vu khống rằng BPSOS khai gian thuế với Sở Thuế Hoa Kỳ
http://machsongmedia.comBPSOS là một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở trung ương đặt tại Bắc Virginia, và nhiều văn phòng chi nhánh ở Hoa Kỳ và Đông Nam Á. Tổ chức của chúng tôi được xây dựng trên các giá trị đạo đức, hoạt động theo các nguyên tắc chuẩn mực, tuyệt đối tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ và luật pháp của các quốc gia sở tại, và được kiểm toán theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất của chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ. Hàng năm BPSOS không những khai thuế với Sở Thuế Liên Bang (IRS), không chỉ qua quy trình kiểm toán (audit) thông thường của chính phủ và của các nguồn tài trợ, mà còn trải qua thủ tục kiểm toán chiếu theo huấn thị A-133 của OMB (Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách) dành cho các tổ chức nhận cấp khoản lớn của chính phủ Liên Bang.
Trong thời gian qua, trên hệ thống mạng (email và internet) đã xuất hiện một số lời vu khống nhắm vào vấn đề tài chánh của BPSOS. Chúng tôi đã trả lời, nhưng các lời vu khống ấy đã được lập đi lập lại dưới nhiều hình thức. Dưới đây chúng tôi xin lên tiếng một lần cho dứt khoát về những lới vu khống đầy ác ý này. Sau đó, chúng tôi sẽ sẵn sàng trả lời và chỉ trả lời những thắc mắc xác đáng, nghĩa là dựa trên những thông tin được phối kiểm hẳn hòi chứ không phải là cố tình cáo buộc.
Bà Phạm Thu Hạnh vu khống BPSOS sang đoạt tài sản
Tháng 8 năm 2014, Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa tung lên internet bài “Yêu Cầu T/S Nguyễn Đình Thắng lên tiếng về việc sang đoạt chủ quyền trường dạy làm tóc của Cô Phạm Thu Hạnh”. Chúng tôi nhận thấy bài viết này và các bài viết phụ hoạ của một số người khác là thiếu trách nhiệm vì họ đã không liên lạc với chúng tôi để phối kiểm dữ kiện trước khi tung bài ra.
Sự thật là, Bà Phạm Thu Hạnh đã đến nhờ chúng tôi cứu giúp cho trường dạy làm tóc của Bà khỏi bị đóng cửa. Do lời nói thêm của một người khả kính, chúng tôi đã nhận lời giúp. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu sâu hơn thì chúng tôi đành phải khước từ vì Bà Phạm Thu Hạnh đã lem nhem về sổ sách tài chính, giấy tờ thuế khoá có nhiều khuất tất, và danh sách học viên có những chi tiết dàn dựng. Tất cả các văn thư trao đổi với Bà Phạm Thu Hạnh về việc này chúng tôi đều lưu trữ hồ sơ.
Tuy nhiên, Bà Phạm Thu Hạnh không chỉ dự phần cùng với Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa trong bài viết mang tính cách vu khống nêu trên mà còn báo cáo láo với Sở Cảnh Sát Quận Fairfax, Virginia rằng BPSOS sang đoạt tài sản. Sở cảnh sát đã đóng hồ sơ khi Bà Hạnh không đưa ra được bất kỳ chứng cớ nào để hỗ trợ cho lời cáo buộc. Theo luật của Tiểu Bang Virginia, báo cáo láo với cảnh sát là một tội hình sự; chúng tôi có quyền yêu cầu Sở Cảnh Sát truy tố Bà Phạm Thu Hạnh nhưng đã bỏ qua.
Ít lâu sau Bà Phạm Thu Hạnh kiện chúng tôi ra toà ở Quận Fairfax. Sau nhiều lần Bà Phạm Thu Hạnh không trưng dẫn được chứng cớ cho lời cáo buộc, luật sư của chúng tôi yêu cầu Toà trừng phạt Bà ấy vì vu khống. Xem dẫn chứng số 1.
Luật sư của Bà Phạm Thu Hạnh tự động xin rút đơn kiện để tránh bị phạt. Trường hợp vu khống này đã kết thúc cách đây hơn 7 tháng với phán quyết ngày 2 tháng 3 năm 2016 của Toà. Xem dẫn chứng số 2.
Vụ cáo buộc rằng BPSOS biển thủ cấp khoản của Bộ Tư Pháp
Từ 4 năm qua có một số người thỉnh thoảng lại gởi email cáo buộc rằng BPSOS biển thủ số tiền trên nửa triệu Mỹ kim từ cấp khoản của Bộ Tư Pháp dành cho chương trình trợ giúp các nạn nhân buôn người. Sự thật là, Bộ Tư Pháp chỉ yêu cầu BPSOS xác minh những khoản chi tiêu hay phần đóng góp tự nguyện chưa rõ ràng.
Cấp khoản mà BPSOS nhận được từ Văn Phòng Bảo Vệ Nạn Nhân Tội Phạm của Bộ Tư Pháp thuộc chương trình thí điểm nhằm đối phó nạn buôn người ở Hoa Kỳ. BPSOS đã dùng một phần cấp khoản này để tài trợ lại cho tổ chức Ayuda để giúp cho các nạn nhân người gốc Mỹ Châu La-tinh; riêng BPSOS thì tập trung giúp đỡ số 350 đồng bào được giải cứu tại American Samoa và một số nạn nhân trong các vụ buôn người khác về việc xin cho thân nhân đoàn tụ, xin trợ cấp xã hội, xin cho con cái nhập học, xin thẻ thường trú (thẻ xanh) và rồi nhập tịch. Nhờ đó mà đại đa số các đồng bào này giờ đây đã có quốc tịch Hoa Kỳ, đời sống được ổn định, gia đình có thu nhập tốt và con cái học hành tấn tới.
Tháng 7 năm 2008 Bộ Tư Pháp báo cáo kết quả kiểm tra BPSOS và 5 tổ chức khác trong số trên một chục tổ chức toàn quốc được tài trợ trong chương trình thí điểm này. Xem: https://oig.justice.gov/reports/OJP/a0826/app3.htm
Kết luận của Bộ Tư Pháp gồm có:
- $90,296 do BPSOS và Ayuda đã chi tiêu ngoài tiêu chuẩn cho phép;
- $77,588 thuộc BPSOS và $36,272 thuộc Ayuda liên quan đến tiền thuế đóng cho Liên Bang và tiểu bang và chi phí bảo hiểm không kiểm chứng đươc;
- $152,583 phần chi phí hành chánh chưa xác minh được;
- $294,575 phần đóng góp của các luật sư tình nguyện chưa xác minh được;
- $57,000 tiền đóng góp thêm vào từ những nguồn khác mà Bộ Tư Pháp chưa chấp nhận.
Xem dẫn chứng số 3.
Phần lớn số tiền $90,296 là các khoản trợ giúp khẩn cấp (emergency assistance) cho nạn nhân. Phần nhỏ bao gồm các chi phí về tiền phụ cấp cho các sinh viên phụ việc, phổ biến thông tin về chương trình trong cộng đồng, bảo hiểm cho văn phòng và luật sư, và mua các nhu liệu cần thiết để thực hiện chương trình. Tất cả các khoản chi tiêu này đều phục vụ cho nạn nhân buôn người, nhưng Bộ Tư Pháp cho rằng không nằm trong khuôn khổ của cấp khoản. Qua nhiều buổi làm việc, chúng tôi đã giải thích cho Bộ Tư Pháp tại sao các nạn nhân cần trợ giúp khẩn cấp và xác minh rằng mọi khoản chi tiêu đều xác đáng. Bộ Tư Pháp đã đồng ý.
Khoản thứ hai, gồm $77,588 thuộc BPSOS và $36,272 thuộc Ayuda, liên quan đến tiền thuế đóng cho Liên Bang và tiểu bang và chi phí bảo hiểm cho các nhân viên công tác trong chương trình. Bộ Tư Pháp đã dùng công thức khác với BPSOS và Ayuda để tính tỉ lệ tiền bảo hiểm và đóng thuế. Chúng tôi đã giải thích và xác minh một cách thoả đáng. Bộ Tư Pháp cũng đã đồng ý.
Khoản thứ ba, gồm $152,583 là khoản chi phí hành chánh cho việc thực hiện dự án. Bộ Tư Pháp cho rằng công thức dùng bởi BPSOS, do một cơ quan liên bang khác chấp thuận, không phù hợp với công thức mà Bộ Tự Pháp sử dụng. Ban Tài Chánh của BPSOS đã giải quyết xong sự khác biệt này và Bộ Tư Pháp đồng ý.
Số tiền lớn nhất, $294,575, không phải là tiền đã nhận được từ chính quyền mà là công lao phục vụ miễn phí (pro bono) của các luật sư thiện nguyện được quy ra tiền để so sánh. Các luật sư này, ở khắp Hoa Kỳ và đã được BPSOS huấn luyện, tình nguyện giúp miễn phí cho các nạn nhân buôn người do BPSOS giới thiệu. Tuy rằng họ ghi số giờ và trị giá tương đương cho mỗi giờ tình nguyện, Bộ Tư Pháp đòi hỏi BPSOS phải trưng dẫn bằng chứng thu nhập của họ. Đây là điều khó khăn vì đó là thông tin cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi đã thuyết phục được các luật sư thông cảm và hợp tác. Đòi hỏi của Bộ Tư Pháp được giải quyết thoả đáng.
Khoản cuối cùng là $57,000. Đó là số tiền mà chúng tôi đã xin được của các tổ chức tư nhân và từ các nhà hảo tâm để phụ thêm vào (local matching) cho cấp khoản của chính quyền. Bộ Tư Pháp không rõ những khoản tiền này đáp ứng như thế nào các nhu cầu của nạn nhân buôn người, và do đó liệu có thể được dùng để báo cáo hay không. Chúng tôi đã giải thích thoả đáng và Bộ Tư Pháp đồng ý.
Đầu năm 2012 Bộ Tư Pháp gởi văn thư thông báo là mọi vấn đề đều đã được giải đáp thoả đáng và đóng hồ sơ. Xem dẫn chứng số 4.
Cho đến nay BPSOS tiếp tục nhận các cấp khoản từ Bộ Tư Pháp để phục vụ nạn nhân buôn người và nạn nhân bạo hành gia đình cũng như để giúp đồng bào tị nạn và di dân trong tiến trình nhập tịch.
Vụ Bà Huệ Ngô tố giác BPSOS khai gian thuế
Từ hơn một năm nay Bà Huệ (Holly) Ngô đã nhiều lần vu khống BPSOS và nhóm “tinh thần hào kiệt”. Gần đây nhất, Bà ấy dẫn chứng bản khai thuế năm 2013 của BPSOS với Sở Thuế Liên Bang (IRS) để cáo buộc rằng chúng tôi khai thiếu khoản tiền gây quỹ và đóng góp của các nhà hảo tâm. Bà ấy nêu con số $125,582 ghi ở hàng số 11 của hồ sơ khai thuế để vu vạ rằng BPSOS đã khai thiếu vì số tiền thực sự phải là $229,529.90. Nghĩa là chúng tôi đã khai thiếu $103,947.90. Sự thật là, Bà Huệ Ngô không biết đọc hồ sơ khai thuế.
Phần đóng góp cá nhân, tiền gây quỹ và các cấp khoản đều được gom chung ở hàng số 8 (Contributions and grants). Còn hàng số 11 là những khoản thu nhập phát sinh từ văn phòng luật sư của BPSOS ở Houston, công tác dịch thuật của nhân viên và thiện nguyện viên, và những thu nhập linh tinh; riêng năm 2013, con số này bao gồm cả tiền bồi thường thiệt hại $28,000 do một người trong cộng đồng đã lợi dụng danh nghĩa BPSOS để làm những điều tổn hại đến hoạt động của chúng tôi. Nhắc lại, mẫu khai thuế của IRS không có hàng nào riêng cho các khoản đóng góp cá nhân mà gộp chung ở hàng số 8. Xem dẫn chứng số 5.
Tuy nhiên, ai muốn tìm hiểu về tổng chi của BPSOS liên quan đến các hoạt động mà Bà Huệ Ngô thắc mắc thì có thể xem Phần F (Schedule F) của hồ sơ khai thuế: $301,524 cho vấn đề nhân quyền và $89,899 cho việc bảo vệ pháp lý cho người tị nạn, vượt xa con số $229,529.90 mà Bà Huệ Ngô cho là BPSOS đã thu được từ các khoản đóng góp của đồng hương và từ nhóm “tinh thần hào kiệt”. Xem dẫn chứng số 6.
Nhóm “tinh thần hào kiệt” gồm một số anh chị em cam kết với nhau là “nếu thành công thì dân tộc hưởng, nếu thất bại thì tự mình nhận lãnh mà không một lời than vãn”. Được hình thành năm 2012 với trên chục người, nhóm này khởi động kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam được đề ra trong sách “Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” do tôi biên soạn và BPSOS phát hành năm 2010. Vì nhu cầu hoạt động âm thầm, chúng tôi chủ trương tự nguyện đóng góp chứ không gây quỹ ngoài cộng đồng cho công cuộc dân chủ hoá đất nước – các cuộc gây quỹ của BPSOS ngoài cộng đồng là để giúp đồng bào tị nạn và nạn nhân buôn người mà thôi.
Chúng tôi chấm dứt giai đoạn hoạt động âm thầm vào giữa năm 2015. Từ năm 2012 đến nay mỗi người trong nhóm “tinh thần hào kiệt” đã tự nguyện đóng góp từ vài nghìn cho đến 50 nghìn Mỹ kim. Bà Huệ Ngô cũng ở trong số đó.
Sau khi tham gia nhóm được một thời gian, Bà Huệ Ngô bắt đầu liên lạc riêng để quấy nhiễu (stalking) một vài thành viên nam trong nhóm và gây phiền hà cho gia đình của họ. Một số anh chị em, khi biết chuyện này, đã không chấp nhận sự tham gia tiếp tục của Bà Huệ Ngô trong nhóm. Chúng tôi đã giữ im lặng về sự việc này cho đến hôm nay.
Chúng tôi cũng quyết định không đáp ứng các đòi hỏi phi lý và nguy hiểm của Bà Huệ Ngô về thông tin liên quan đến hoạt động âm thầm của nhóm: tài trợ bao nhiêu cho ai; danh tính của họ; họ đi những đâu, làm những công việc gì, hoạt động ra sao… Đây là những thông tin cá nhân mà luật pháp Hoa Kỳ không cho phép tiết lộ; hơn nữa những thông tin này có thể gây nguy hiểm cho một số người hoạt động nếu để lộ ra -- đó là lý do chúng tôi đã chủ trương không công bố các hoạt động của nhóm “tinh thần hào kiệt” trong một thời gian dài.
Vì không được thoả mãn về các đòi hỏi phi lý và nguy hiểm của mình, cách đây hơn một năm Bà Huệ Ngô tung bài vu khống BPSOS là không minh bạch về tài chánh. Chúng tôi đã lên tiếng và giải thích qua bài “Thế nào là minh bạch và làm sao để đạt được sự minh bạch?”đăng trên Mạch Sống và trên trang blog của RFA ngày 14 tháng 9, 2015. Xem: http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/how-to-acheave-transparency-09142015095008.html
BPSOS hàng năm đều qua kỳ kiểm toán kéo dài khoảng 4 tuần lễ do một công ty kiểm toán chuyên nghiệp được công nhận bởi chính quyền. Họ kiểm tra không bỏ sót một xu, và chúng tôi phải cung cấp giấy tờ chứng minh mọi khoản thu và chi, chi cho ai, cho việc gì và ở đâu… Vì là công ty chuyên nghiệp, họ hoàn toàn bảo mật các thông tin này. Bà Huệ Ngô không có vai trò kiểm toán, không biết cả cách đọc một hồ sơ khai thuế đơn giản, nhưng lại muốn đóng vai kiểm toán và đòi hỏi những thông tin riêng tư của người khác. Dĩ nhiên chúng tôi không thể đáp ứng những đòi hỏi phi lý và nguy hiểm của Bà ấy.
Bà Huệ Ngô còn đòi BPSOS hoàn trả $22,000 đã đóng góp trước đây. Trong bản khai thuế đã trích dẫn ở trên, năm 2013 BPSOS đã chi tổng cộng $301,524 cho kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam, nghĩa là vượt quá tổng số tiền mà nhóm “tinh thần hào kiệt” tự mình đóng góp, trong đó có phần đóng góp của Bà Huệ Ngô. BPSOS đã khoá sổ tài chánh năm 2013 vào cuối năm ấy. Bà Huệ Ngô cũng đã khai trừ thuế với IRS phần đóng góp của mình cho năm 2013. Như thế bất kỳ khoản tiền nào chi ra năm 2016 cũng đều là xuất quỹ từ một nguồn tiền khác chứ không phải tiền đóng góp của Bà Huệ Ngô cách đây 3 năm. Nếu xuất quỹ thì có nghĩa là BPSOS dùng nguồn tiền nào khác để cống hiến cho Bà Huệ một khoản tiền được xem là thu nhập riêng của Bà ấy trong năm 2016. Việc này không chính đáng và có thể là phi pháp vì chúng tôi chỉ có thể xuất quỹ để phục vụ cho những đối tượng như nạn nhân bạo hành, nạn nhân buôn người, người tị nạn, tù nhân lương tâm… Bà Huệ Ngô không nằm trong các thành phần này.
Là một tổ chức bất vụ lợi, BPSOS đã minh bạch trong việc chi thu qua sổ sách kế toán và kiểm toán, đã thực thi đúng đắn các chương trình và dự án đề ra, và đã báo cáo hàng năm với IRS. Chúng tôi luôn trân quý những đóng góp của quý ân nhân. Những đóng góp đó sẽ không được hoàn lại sau khi chúng tôi đã khoá sổ tài chánh vào cuối năm. Làm khác đi thì có nghĩa là trái quy tắc quản trị tài chánh đối với tổ chức bất vụ lợi, trái với sứ mạng của BPSOS, và có thể trái với luật pháp Hoa Kỳ.
Kết luận
BPSOS là tổ chức người Việt hoạt động trên bình diện quốc gia Hoa Kỳ cũng như quốc tế. Qua nhiều năm hoạt động, chúng tôi đủ uy tín về khả năng phục vụ và quản trị tài chánh để tranh đua với các tổ chức bất vụ lợi lớn nhất của Hoa Kỳ cho những cấp khoản của chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương cũng như của nhiều tổ chức tư nhân để phục vụ đồng hương ở Hoa Kỳ. Luật pháp Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ các cấp khoản đến từ tiền thuế của dân cũng như hoạt động của các tổ chức bất vụ lợi. Nếu chính quyền phát hiện những khuyết điểm và sự thiếu minh bạch thì một tổ chức bất vụ lợi không thể nào tiếp tục nhận được các cấp khoản của chính quyền.
Quan trọng hơn nữa, quyết tâm của chúng tôi là tạo dựng một tổ chức phi chính phủ mẫu mực cho cộng đồng người Việt trên thế giới tự do và cho xã hội dân sự đang phôi thai ở Việt Nam. Các nguyên tắc về minh bạch trong chi thu và kế toán được tuân thủ nghiêm túc vì lý tưởng trên chứ không chỉ vì luật pháp bắt buộc.
Ở bất cứ xã hội nào cũng có một thiểu số các cá nhân muốn tự tung tự tác, phát biểu vô trách nhiệm, bất chấp lương tri và niềm tự trọng, và xem thường những người tiếp nhận thông tin. Trong một xã hội văn minh, tôn trọng sự thật và công lý, chúng tôi mong rằng những người có công tâm và thái độ khách quan sẽ phối kiểm dữ kiện trước khi chuyển cho người khác để tránh vô tình phát tán những thông tin vu khống hay thiếu xác thực. Đó là cách chúng ta góp phần gìn giữ sự trong sáng và lành mạnh cho xã hội đã cưu mang chúng ta từ bao chục năm qua.
Kính thư,
Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch
BPSOS