Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Mức phạt tâm lý để răn đe người phạm tội của thẩm phán Mỹ

Do đánh cắp tiền của người vô gia cư, thẩm phán phạt bị cáo phải làm người vô gia cư trong 24 tiếng.

Ngày 19/9/2005, người dân tìm thấy một hộp chứa 35 mèo con bị bỏ rơi tại công viên thành phố Mentor, bang Ohio, Mỹ. Nhiều con bị viêm nhiễm đường khí quản, 9 con sau đó chết. Qua thông tin trên vòng cổ, chính quyền tìm ra chủ mèo là Michelle Murray, 25 tuổi, cư dân địa phương. Người mẹ 5 con bị truy tố tội danh bỏ rơi thú nuôi.

Ngày 17/11 cùng năm, phiên tòa xét xử Michelle Murray diễn ra. Thẩm phán Michael Cicconetti hỏi bị cáo: Sẽ thế nào nếu chính cô bị bỏ rơi tại công viên vào đêm muộn, phải lo lắng về bữa ăn tiếp theo? Vị thẩm phán đưa ra lựa chọn: một là ngồi tù 90 ngày, hai là chỉ phải ngồi tù 14 ngày, đi kèm quản chế tại gia 15 ngày, quyên góp 3.200 USD cho tổ chức từ thiện Humane Society, 500 USD cho công viên, và ngủ một đêm trong rừng mà không có thức ăn nước uống, giải trí, chỉ được mang áo ấm.

Michelle Murray chọn hình phạt sau. Ngày thi hành án, do nhiệt độ giảm thấp, thẩm phán cho phép cô được nhóm lửa sưởi ấm.

Là thẩm phán thuộc tòa án thành phố Painesville, bang Ohio, đây không phải lần đầu tiên Michael Cicconetti đưa ra bản án lạ lùng như vậy. Năm 2008, Nathen Smith, 28 tuổi, ăn cắp 250 USD tiền từ thiện cho người vô gia cư, sau đó bị ông yêu cầu làm người vô gia cư trong 24 tiếng.
Năm 2013, Jonathan Tarase, 27 tuổi, lái xe say xỉn suýt gây tai nạn, bị yêu cầu tới nhà xác vào hai ngày để chứng kiến người chết do tai nạn giao thông.

Năm 2015, Victoria Bascom, 19 tuổi, quỵt 100 USD tiền taxi và bị phạt yêu cầu đi bộ gần 50 km trong vòng 48 tiếng.

Năm 2017, bên cạnh tù giam và tiền phạt, thẩm phán này còn yêu cầu nhiều bị cáo lái xe khi say xỉn phải cài đặt và kích hoạt ứng dụng đi chung xe Uber và Lyft trên smartphone, coi đây là điều kiện trong thời gian thử thách.

Thẩm phán Michael Cicconetti cho biết ông luôn cho họ quyền lựa chọn và thường dành bản án "sáng tạo" cho bị cáo trẻ tuổi, những người còn dễ uốn nắn, biết hối cải, và phạm lỗi lần đầu. Một thẩm phán có thể đơn giản chỉ tuân thủ đúng quy định pháp luật, bị cáo phạm tội sẽ phải chịu hình phạt đã được quy định sẵn, nhưng Michael Cicconetti cho rằng mình có thể tùy chỉnh hình phạt cho phù hợp với từng vụ việc mà vẫn đúng pháp luật.
Theo Abcnews, "công lý sáng tạo" của thẩm phán này có vẻ có hiệu quả nhất định. Tỉ lệ tái phạm sau khi ngồi tù của cả nước Mỹ hơn 75%, với 50% trong số đó phạm tội trong vòng 1 năm kể từ khi ra tù. Nhưng Michael Cicconetti cho biết trong số bị cáo mình tiếp nhận, tỉ lệ tái phạm chỉ xấp xỉ 10%. Theo ông, mấu chốt ở đây là để hình phạt tương xứng với tội danh.
Vị thẩm phán làm việc ở tòa án với thẩm quyền hạn chế, chỉ tiếp nhận vi phạm pháp luật không nghiêm trọng, nhưng Michael Cicconetti cho rằng hầu hết tội phạm không bắt đầu sự nghiệp bằng tội danh nghiêm trọng mà từ những hành vi nhỏ rồi tăng dần. Với suy nghĩ ấy, vị thẩm phán muốn ngăn chặn từ đầu, hạn chế để bị cáo "trưởng thành" trên phương diện tội phạm khi phải dành nhiều thời gian trong tù.
Thẩm phán Michael Cicconetti của tòa Painesville, Ohio. Ảnh: Cleveland Magazine.
Thẩm phán Michael Cicconetti của tòa Painesville, Ohio. Ảnh: Cleveland Magazine.
Các phán quyết của Michael Cicconetti đã truyền cảm hứng cho nhiều thẩm phán khác khi quyết hình phạt. Một phụ nữ ở Ohio bị yêu cầu nấu cơm trong lễ Tạ ơn cho 3 chiến sĩ CS sau khi cô này lái xe xô ngã người làm nhiệm vụ điều hướng giao thông. Bên cạnh án tù 17 năm, một nam giới buôn bán ma túy ở Cincinati còn bị yêu cầu trả phí cử hành tang lễ cho khách hàng mới 17 tuổi tử vong do sốc fentanyl.
Pháp luật Mỹ trao cho thẩm phán quyền hạn tương đối rộng. Nhưng không phải vì thế mà họ có thể tùy ý định hình phạt. Mỗi thẩm phán đều cần cân nhắc mức độ nặng nhẹ của bản án mình đưa ra.
Keith Swisher, chuyên gia tư pháp của Khoa Luật, Đại học Arizona cho rằng hình phạt sáng tạo có thể hiệu quả hơn hình phạt truyền thống, nhưng cần phải có giới hạn, miễn là chúng tuân theo pháp luật, không quá tàn nhẫn, không có tính chất hạ nhục.
Điển hình như trường hợp của Bernard Oczkowski, cư dân Houston, bang Texas. Sau khi bị kết tội đổ chromium trái phép vào 2004, Bernard Oczkowski bị thẩm phán vụ việc tuyên phải uống hỗn hợp chất thải lấy từ chính nguồn ô nhiễm mà anh tạo ra, với suy nghĩ "nếu được nếm chính sản phẩm của mình, bị cáo sẽ suy nghĩ lại trước khi định vứt rác xuống nguồn nước trong tương lai". Hội đồng Hành xử Tư pháp bang Texas cuối cùng khiển trách công khai  thẩm phán đó vì chromium là chất độc với cơ thể người.
Quốc Đạt