Truyền thông và công chúng Israel cũng quan tâm đến việc chính quyền Mỹ có ý định trục xuất hàng nghìn người Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Times of Israel.
|
Nhà báo Harold Brackman, đồng tác giả cuốn sách nghiên cứu "From Abraham
to Obama: A History of Jews, Africans and African Americans" (Từ
Abraham đến Obama: Lịch sử của người Do Thái, châu Phi và người Mỹ gốc
Phi) trình bày quan điểm trên báo điện tử Israel Algemeiner về ảnh hưởng của chính sách nhập cư cứng rắn của chính phủ Donald Trump đối với người Việt Nam.
Brackman mở đầu bài viết bằng cách nhắc lại mối liên hệ lịch sử đặc biệt giữa Israel và Việt Nam.
Năm 1946, chính trị gia David Ben-Gurion, người sau này trở thành thủ
tướng đầu tiên của nhà nước Israel, và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nghỉ
tại một khách sạn ở Paris. Lúc đó, Việt Nam và Israel đều không có tiếng
nói trên trường quốc tế.
Cả hai lãnh đạo có cùng lý tưởng và hoàn cảnh, nhanh chóng trở thành
bạn bè. Hồ Chí Minh từng đề nghị rằng nếu ước mơ lập quốc không thành,
David Ben-Gurion có thể thành lập một chính phủ lưu vong tại Việt Nam.
30 năm sau, đất nước Do Thái tiếp nhận 60 người Việt Nam tị nạn sau
chiến tranh. Trong đó kế hoạch giải cứu lớn nhất diễn ra vào ngày
10/6/1977 khi một chiếc thuyền chở hàng có tên Yuvali của Israel cứu hơn
60 người tị nạn Việt Nam lênh đênh và đói khát trên biển.
"Chúng tôi không bao giờ quên con thuyền chở 900 người Do Thái, con
thuyền St. Louis, rời Đức vào những tuần cuối cùng trước khi Thế chiến
II xảy ra... lưu lạc từ cảng biển này sang cảng biển khác, từ đất nước
này sang đất nước khác, cầu xin được tị nạn. Họ đã bị từ chối...",
Menachem Begin, thủ tướng thứ 6 của nhà nước Israel, lý giải quyết định
tiếp nhận người Việt Nam tị nạn sau chiến tranh.
Sau đó mặc dù nhiều người tị nạn đã rời Israel để đến Pháp và Mỹ định
cư, khoảng 150-200 người quyết định ở lại "an cư lạc nghiệp" tại Israel.
Trong số đó, có nhiều người thành đạt và có chỗ đứng trong xã hội Do
Thái như nhà thơ kiêm nữ diễn viên Vaan Nguyen; tiến sĩ Sabine Huynh,
nhà xã hội học, dịch giả kiêm tác giả; và Dao Rochvarger-Wong, giám đốc
chi nhánh một ngân hàng của Israel ở Singapore.
Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993. Các mối
quan hệ bao gồm hợp tác quân sự giữa hai nước đều thân thiện. Bên cạnh
số lượng người Việt Nam làm việc ở Israel, khoảng 2.000 sinh viên Việt
Nam đang học tập ở đây. Israel nhiều lần viện trợ nhân đạo cho Việt Nam
và hai bên hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ thông
tin và công nghệ sinh học.
Nhà báo Harold Brackman nhắc lại lịch sử giữa hai nước với mục đích
hướng sự chú ý của công chúng Israel vào chính sách nhập cư hiện nay của
chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Hàng nghìn người Việt Nam đang
sống ở Mỹ có thể bị trục xuất vì chính sách này.
Hàng trăm người Mỹ gốc Việt đã biểu tình ở quận Cam, hay Little Saigon ở
bang California, nhằm phản đối hành động của chính truyền Trump trục
xuất hàng nghìn người Việt Nam chỉ vì phạm một số tội không nghiêm trọng
sau khi đến Mỹ, nhà báo Brackman viết.
Giống như cách đối phó của chính quyền Trump với vấn đề biên giới giữa
Mỹ và Mexico, hơn 8.000 người Việt Nam, hầu hết trong số đó đã lĩnh án
tù sau khi phạm tội, có nguy cơ mất quyền cư trú tại Mỹ, nhà báo Do Thái
bình luận. Theo một số nguồn tin, đại diện phía Việt Nam và Mỹ đã họp
hồi đầu tháng 12 để bàn về việc thay đổi bản thỏa thuận đã ký năm 2008
giữa hai bên. Bản thỏa thuận vốn bảo vệ tất cả những người Việt Nam đến
Mỹ trước năm 1995, cho dù từng có tiền án tiền sự, khỏi nguy cơ bị trục
xuất.
"Bây giờ, đã đến lúc cất tiếng nói!", nhà báo Brackman cho rằng người
Israel và người Mỹ gốc Do Thái cần gây áp lực để buộc chính phủ Trump
thay đổi chính sách hiện hành đối với người nhập cư Việt Nam.
An Hồng